ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN XUÔI VIẾT VỀ CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM VỀ CHIẾN TRANH

Trên cơ sở phân tích, so sánh những tác phẩm cụ thể viết về chiến tranh của văn học Xô viết và văn học Việt Nam, bài viết làm rõ những ảnh hưởng của văn xuôi Xô viết viết về chiến tranh vệ quốc vĩ đại đến sự phát triển của văn học Việt Nam.

   Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định có sự ảnh hưởng của văn xuôi viết về chiến tranh vệ quốc vĩ đại đến sự phát triển của văn học Việt Nam về chiến tranh. Do vậy, bài viết này đề cập đến quá trình tiếp nhận văn xuôi viết về chiến tranh của các tác giả Liên Xô, đưa ra những nhận định mang tính chất phê bình văn học của các nhà nghiên cứu Việt Nam về văn xuôi chiến tranh và phân tích, so sánh những tác phẩm văn học Việt Nam và Xô viết về chiến tranh để minh họa cho nhận định trên.

   Để nhận thức sâu sắc những tác phẩm văn học Xô viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ở Việt Nam, cần có những tiền đề lịch sử, xã hội, tâm lý và cả những tiền đề thuần túy văn chương. Những tác phẩm văn học Xô viết xuất sắc nhất đã sớm đến với độc giả Việt Nam, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Trước tiên, nó được những người đi tiên phong nhìn nhận như là kết tinh của lịch sử và kinh nghiệm đời sống của nhân dân và đất nước, được thể hiện qua những cuộc cách mạng vĩ đại của thế giới và những tấm gương vĩ đại của các cuộc đấu tranh giải phóng thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang.

   Nghiên cứu vấn đề “Văn học Xô viết ở Việt Nam”, chúng ta cần hướng đến vấn đề phân kỳ. Giai đoạn đầu tiếp nhận và ảnh hưởng của văn học Nga cổ điển và văn học Xô viết ở Việt Nam là giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhìn chung cuộc tiếp xúc với văn học Nga ở Việt Nam giai đoạn này chưa hệ thống, chưa đầy đủ nhưng nó xuất hiện trong những thời điểm quan trọng của lịch sử văn học Việt Nam.

   Trong thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có thể chia thành hai giai đoạn tiếp nhận văn học Xô viết ở Việt Nam. Giai đoạn đầu tiếp tục từ những năm đầu tiên sau Cách mạng cho tới khi thống nhất Việt Nam năm 1975. Trong giai đoạn này, văn học Việt Nam đã phát triển: a) Trong lòng của văn học xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc (Việt Nam Dân chủ cộng hòa); b) Liên hệ chặt chẽ với văn học giải phóng Miền Nam Việt Nam, được nảy sinh trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ Sài Gòn trong vùng giải phóng; c) Văn học tại những thành phố bị chiếm đóng vẫn tồn tại (Sài Gòn, Huế và các thành phố khác...), một hiện tượng hết sức phức tạp, cho đến nay ít được nghiên cứu.

   Đề cập đến văn học Xô viết là phải đề cập đến sự khuyến khích truyền bá văn học Xô viết đã trở thành chủ trương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Việc dịch từ tiếng Pháp, cùng với sự phát triển của đội ngũ cán bộ dịch thuật, đã được thay bằng đội ngũ dịch thuật từ nguyên bản tiếng Nga. Bắt đầu hình thành môi trường, học tập tiếng Nga và văn hóa Nga (mặc dù quá trình này ở thời kỳ đó mới đang là bước đầu). Sự chú ý tập trung vào các tác phẩm, trong đó, những hình tượng tích cực hiện ra tươi sáng hơn nhiều so với những hình ảnh tiêu cực, ở đó thể hiện tính chất anh hùng cao cả trong những điều kiện ngặt nghèo và cả trong điều kiện thường ngày được miêu tả, phân tích, khái quát trước tiên. Nhân vật trong các tác phẩm đó là những người chiến sĩ ưu tú mà chính đặc điểm kết cấu nghiêm ngặt và rõ ràng của tác phẩm cho phép lý giải cực kỳ sáng rõ. Nguyên lý anh hùng bắt đầu được hình thành trong văn học Việt Nam. Nó được kết tinh, chuyển sang bình diện mĩ học, sang khái niệm chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những sự miêu tả chiến tranh, lòng dũng cảm của những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu chuộng hòa bình của họ trong văn học Việt Nam, đặc biệt trong những năm chiến tranh qua một thời gian dài, đã được xây dựng những tính cách điển hình và thậm chí được lý tưởng hóa. Số phận nhiều tác phẩm của các tác giả Xô viết không hề đơn giản trong giai đoạn lịch sử này của Việt Nam. Các tác phẩm Số phận con ngườiHọ đã chiến đấu vì Tổ quốc của M. Sholokhov đã không nhận được sự đón nhận hào hứng trong một thời gian dài.

   Gắn với đặc trưng của tiến trình văn học Việt Nam, giai đoạn thứ hai tiếp nhận và học tập kinh nghiệm của văn học Xô viết cũng được xác định. Nó được bắt đầu sau năm 1975. Đối với giai đoạn này, có một đặc điểm rất quan trọng là sự phát triển mạnh mẽ của môi trường rộng lớn thông thạo tiếng Nga, am hiểu sâu sắc văn học Nga và quan tâm thực sự đến nền văn học này. Hợp tác văn hóa với Liên bang Xô viết, sau này là nước Nga, cần được đặc biệt nhấn mạnh vì trong thời gian dài nó vẫn sẽ là nhân tố tích cực, độc lập với những biến động trong chính sách đối ngoại của hai nước. Trong giai đoạn này, phát triển mở rộng hoạt động dịch thuật về nền văn học Xô viết không phải tất cả các tác giả nhưng có nhiều khuynh hướng của nền văn học này. Việc dịch bây giờ chỉ từ tiếng Nga nguyên bản.

   Dĩ nhiên, văn học Nga ở Việt Nam không thể được coi là “văn học của chúng ta”. Nó được nhìn nhận như một nền văn học rất gần gũi, dễ hiểu và quan trọng nhất như một thành tố thúc đẩy sự nhận thức về thực tại của chính nó.

   Chủ đề Tổ quốc, chủ nghĩa yêu nước, sự phản ánh chủ nghĩa nhân đạo trong bối cảnh chiến tranh khắc nghiệt đã và đang là một trong những chủ đề quan trọng nhất của văn học Nga và Việt Nam. Sự tương đồng về tư tưởng mĩ học của hai nền văn học quyết định phần lớn ảnh hưởng qua lại giữa chúng. Những tác phẩm văn học Xô viết viết về chủ đề chiến tranh - tinh thần yêu nước, về mặt số lượng, chiếm vị trí đầu tiên trong văn học dịch ở Việt Nam. Ở đây không chỉ nói về nhận thức mĩ học thông thường của những tác phẩm nghệ thuật hay, độc giả Việt Nam còn nhìn thấy trong văn học Xô viết một điểm tựa tinh thần và nguồn mạch cảm hứng.

   Vào cuối những năm 1940, đầu những năm 1950, khi nhân dân Việt Nam đang trải qua cuộc đấu tranh anh dũng chống lại thực dân Pháp, tiểu thuyết Đội cận vệ thanh niên của A. Fadeev đã vượt ra khỏi phạm vi quan tâm của bạn đọc trẻ tuổi của một quốc gia, nhận được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc, trong đó có những chiến sĩ trên các mặt trận của Việt Nam, động viên họ trong cuộc chiến chống lại kẻ thù. Nhưng ở Việt Nam, cuốn tiểu thuyết này không phải có ngay được vị trí vững chắc. Không phải ngay lập tức việc nghiên cứu, phê bình cuốn tiểu thuyết này đã bắt đầu. Theo thời gian đã dần có một vài công trình thú vị viết về Đội cận vệ thanh niên, trong đó có bài viết của Huy Liên, chuyên gia nổi tiếng Việt Nam về văn học Xô viết, có nhan đề là Phong cách nghệ thuật của A. Fadeev qua tiểu thuyết “Đội cận vệ thanh niên”1. Những vấn đề như tính chất lãng mạn, hệ thống nhân vật và nhiều vấn đề khác trong tiểu thuyết của A. Fadeev cũng được các nhà phê bình xem xét, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cũng dành không ít sự chú ý cho tác phẩm của A. Fadeev. Ngay từ giữa những năm 1960, nhà văn đã được công nhận là một trong những đại diện xuất sắc nhất của khuynh hướng anh hùng - lãng mạn những năm 1930-1940.

   Học tập kinh nghiệm sáng tác của A. Fadeev đã mang lại những thành quả lớn lao cho các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là những người viết về chiến tranh. Chẳng hạn như truyện ký của Trần Đình Vân Sống như anh (1965) có điểm tương đồng với Đội cận vệ thanh niên.

   Cuốn sách Sống như anh chỉ vừa mới được phát hành, nhân vật chính của nó đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam nhận định, trước tiên cùng nằm trong đội ngũ những nhân vật anh hùng nổi tiếng của văn học Xô viết. Nhà phê bình Nguyễn Văn Hạnh đã viết: “Vui mừng biết bao cho những người làm công tác văn học chúng ta khi bên cạnh những Pavel Vlasov và Pavel Korchagin, Oleg Koshevoy và Zoya, Fuchik và Tê-lơ-man… chúng ta đã có thể dựng lên cái hình tượng sử thi lộng lẫy, hấp dẫn và độc đáo của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam Nguyễn Văn Trỗi!”2.

   Một phép so sánh khác có thể được thực hiện với tiểu thuyết Dấu chân người lính (1972) của Nguyễn Minh Châu. Một số tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã được dịch sang tiếng Nga. Trong lời bạt cho một trong những cuốn sách đó, nhà nghiên cứu văn học, Giáo sư, Tiến sĩ N. Nikulin viết: “Trong năm 1972, tiểu thuyết Dấu chân người lính của anh sẽ ra mắt. Tác phẩm ghi lại cuộc hành quân của một sư đoàn qua “đường mòn Hồ Chí Minh”, trận đánh Khe Sanh nổi tiếng và âm hưởng của một bi kịch lạc quan thực sự, trong đó kể lại cái chết của một người lính trẻ – anh chàng Lữ mơ mộng và những người đồng đội của anh”3. Trong tác phẩm lãng mạn của mình, Nguyễn Minh Châu không chỉ học hỏi A. Fadeev mà còn học hỏi kinh nghiệm của những nhà văn mà đối với ông là có tầm quan trọng lớn lao, những người ông biết và yêu mến.

   Sự quan tâm đến A. Fadeev và tác phẩm Đội cận vệ thanh niên của ông đặc biệt được quan tâm trong thời chiến và giảm bớt trong thời bình, tuy vậy, sự chú ý đến các nhà văn Việt Nam, sáng tác trong những năm chiến tranh cũng như vậy. Độc giả Việt Nam mong chờ những cách tiếp cận mới về sự thể hiện trong những tác phẩm văn học viết về chiến tranh. Và sự tiếp cận này đến cùng với sự hiểu biết về những tác phẩm của đội ngũ các nhà văn Xô viết giai đoạn muộn hơn, trong số đó có các tác phẩm của V. Bykov và B. Vasiliev.

   Tên tuổi của nhà văn Belarus V. Bykov từ giữa những năm 1970 đã bắt đầu trở nên quen thuộc với các nhà nghiên cứu văn học, các nhà văn, và sau đó là với cả các bạn đọc Việt Nam như nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hà đã nhận xét: “Đáng chú ý là hầu hết tác phẩm của nhà văn Belarus nổi tiếng V. Bykov đã đến tay bạn đọc Việt Nam: Sotnikov, Bài ca núi An-pơ, Phát súng hiệu thứ ba, Bầy sói, Bia cột, Gắng sống đến bình minh, Ra đi không trở về”4. Còn nhà nghiên cứu văn học Vũ Thế Khôi khẳng định: “V. Bykov là một nhà văn chiến sĩ, một nhân chứng đầy đủ thẩm quyền”5.

   Nguyễn Trọng Oánh đã trở nên nổi tiếng nhờ tiểu thuyết Đất trắng (1979). Trong truyện vừa Sotnikov, nhân vật Rybak đã phản bội Tổ quốc, chạy sang phía kẻ thù và trở thành công cụ giết người. Thực tế anh ta không phải là người có tinh thần giác ngộ cao. Anh ta khéo léo, xảo quyệt nhưng hành động của anh ta không có ý thức trách nhiệm mà hoàn toàn bị chi phối bởi “sự tư lợi” cá nhân. Cũng giống như V. Bykov, Nguyễn Trọng Oánh trong tiểu thuyết Đất trắng cũng đặt nhân vật của mình trong hoàn cảnh khắc nghiệt: trung đoàn bị bao vây, mất liên lạc, rơi vào nơi hoàn toàn xa lạ. Tất cả điều này đã dẫn đến một kết thúc bi thảm: Tám Hàn, Trung tá, Phó Chính ủy trung đoàn đã đầu hàng kẻ thù, chạy sang phe chúng.

   Trong tác phẩm Sotnikov, hình ảnh của Rybak đối lập với hình ảnh của Sotnikov – người đã chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp của kẻ thù và hi sinh anh dũng. Sự tương phản tương tự cũng có trong tiểu thuyết Đất trắng: đó là Chính trị viên phó Thận, người mà sau khi chết đã gây ra sự khiếp sợ cho kẻ thù. Trong tác phẩm của các nhà văn Xô viết và nhà văn Việt Nam, kết thúc trong các tác phẩm không chỉ cùng mang tính chất bi kịch mà còn tô đậm những khía cạnh quý báu, nhân đạo của chủ nghĩa anh hùng. Lập được chiến công, nhân vật của các nhà văn Xô viết và Việt Nam rơi vào hoàn cảnh bi kịch hơn cả, trong đó họ buộc phải lựa chọn nghiệt ngã theo dòng sự kiện. Các nhà văn đã phát hiện trong những chiến công anh dũng của họ có những biểu hiện của lòng quả cảm mang tính nhân văn sâu sắc.

   Cũng giống như V. Bykov, B. Vasiliev từ cuối những năm 1970 trở nên gần gũi với độc giả Việt Nam. Đi sâu vào phân tích nhân vật trong tác phẩm của B. Vasiliev, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến trong cuốn chuyên khảo Văn học Xô viết những năm gần đây viết rằng, con người Xô viết trong những tác phẩm của B. Vasiliev là những con người bình thường nhưng cuộc chiến đấu vì Tổ quốc đã đánh thức trong họ chủ nghĩa yêu nước sâu sắc và ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, biến họ trở thành những người vĩ đại và tuyệt vời. Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Xuân Hà viết: “Truyện vừa Bình minh êm ả của B. Vasiliev khai thác đề tài về lớp nữ thanh niên Xô viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Không ít tác phẩm đã viết về đề tài đó, nhưng với tác phẩm này, B. Vasiliev đã góp một tiếng nói mới, thể hiện một cách độc đáo bản chất nhân đạo chủ nghĩa và một số khuynh hướng khá tiêu biểu của văn học Xô viết giai đoạn hiện nay”6.

   Trong truyện vừa nổi tiếng của nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân Chim én bay không khó để tìm thấy những điểm tương đồng với truyện vừa Và nơi đây bình minh yên tĩnh của B. Vasiliev (ví dụ như hình tượng nhân vật Rita và Quy). Quy đã thể hiện sự dũng cảm và táo bạo tuyệt vời, cô đã đối phó với những kẻ độc ác, xảo quyệt nhất của kẻ thù. Trong chương cuối cùng của tiểu thuyết kể về cái chết của Quy. Cái chết này tự bản thân nó lên án chiến tranh nhưng hậu quả của nó hóa ra ảnh hưởng đến số phận của con người trong cả thời hậu chiến. Trước khi chết, Quy giống như Rita, quên bản thân mình khi chỉ nghĩ về những người khác.

   Đặc biệt là tiểu thuyết của Bảo Ninh Thân phận tình yêu (sau đổi tên thành Nỗi buồn chiến tranh) gợi nhắc nhiều đến truyện vừa của B. Vasiliev. Giống như B. Vasiliev, Bảo Ninh đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt trận. Thân phận tình yêu nằm trong số những tác phẩm không thể đọc một cách nhẹ nhàng, mà khơi gợi những suy nghĩ sâu sắc. Trong tiểu thuyết có sự đan dệt quá khứ và hiện tại thể hiện trong suy nghĩ, trong ký ức đau thương của Kiên – nhân vật chính của tiểu thuyết.

   Có thể nói đọc tiểu thuyết này của Bảo Ninh nặng và khó nhưng cuốn tiểu thuyết của nhà văn không đem đến cái nhìn bi quan về thế giới. Trong tiểu thuyết vẫn đậm niềm hi vọng cho chúng ta niềm tin tốt đẹp vào tương lai, điều này cũng được cảm nhận trong phần kết của truyện vừa Và nơi đây bình minh yên tĩnh của B. Vasiliev.

   Trong sự tiếp nhận các tác phẩm Xô viết về cuộc chiến tranh nhân dân, các nhà văn Việt Nam thể hiện sự quan tâm có phẩm chất không giống so với những độc giả thông thường, thể hiện qua cách tiếp cận “chuyên nghiệp” hướng tới sự đánh giá đầy đủ hơn về phẩm chất tư tưởng - mĩ học của nền văn học yêu nước Xô viết. Đó là lý do vì sao trong văn xuôi Xô viết về chiến tranh vệ quốc đã phản ánh sự khởi đầu của cá nhân, những năng lực tinh thần mới của con người, những mối quan hệ mới của con người đó với xã hội, sự hiểu biết về mối tương quan giữa cá nhân và nhân dân, con người và lịch sử đã thu hút sự chú ý, quan tâm trước tiên của các nhà phê bình Việt Nam. Kinh nghiệm khám phá nghệ thuật thế giới nhân vật trong văn học chiến tranh của Việt Nam và Xô viết đã thực sự thể hiện những truyền thống và những mối quan hệ chặt chẽ nhất định trong bối cảnh lịch sử tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng của hai dân tộc. 

 

 

 

Chú thích:
1 Huy Liên (1975): “Phong cách nghệ thuật của A. Fadeev qua tiểu thuyết Đội cận vệ thanh niên”, Tạp chí Văn học, số 1, tr. 101-109.
2 Nguyễn Văn Hạnh (1965): “Nhân đọc Sống như anh - Nghệ thuật và cũng chính là sự sống”, Tạp chí Văn học, số 8, tr. 2.
3 N. Nikulin (1987), “Lời bạt” của cuốn sách “Nguyễn Minh Châu. Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, NXB Cầu Vồng, Matxcova, tr. 185.
4 Nguyễn Hải Hà (1987): “Ảnh hưởng to lớn của văn học Xô viết ở Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 5, tr. 17.
5 Vũ Thế Khôi (1985), “Lời giới thiệu” cuốn “V. Bykov. Câu chuyện một tấm bia và Gắng sống đến bình minh”, NXB Cầu vồng, Matxcova, tr. 5-6.
6 Đỗ Xuân Hà (1980), “Lời nói đầu” của cuốn sách “Vasiliev B. Và nơi đây bình minh yên tĩnh”, NXB Văn học, tr. 7.

Bình luận

    Chưa có bình luận