Văn đàn Pháp thế kỷ XIX nổi lên nhiều tên tuổi gắn với các trường phái văn học và những ảnh hưởng khác nhau đối với nhiều nền văn học các nước, trong đó có Việt Nam. Alexandre Dumas (1802-1870, tức Dumas cha) là một trong những nhà văn Pháp của thế kỷ này, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả Việt Nam qua các tiểu thuyết như Bá tước Monte-Cristo hay Ba người lính ngự lâm… hay được chuyển thể thành phim như Nữ bá tước De Monsoreau. Ông là một trong các nhà văn có số lượng tác phẩm đồ sộ, khoảng 300 tác phẩm, chưa kể các bài bút ký, các tiểu phẩm và các ghi chép, kết quả của gần 50 năm lao động nghệ thuật, nhưng nhiều nhà viết văn học sử của xứ sở “con gà trống” chỉ dành cho ông một vị trí khiêm tốn, nếu không nói là không xứng đáng hoặc thấp kém so với các đại diện khác của văn đàn Pháp. Mặc dù vậy, với các tiểu thuyết nghĩa hiệp (romans de cape et d’épée) được đăng tải dài kỳ trên báo chí Pháp thế kỷ XIX, được độc giả cùng thời thích thú và kể lại cho nhau, nhất là cuốn Ba người lính ngự lâm (Les trois mousquetaires, 1844), thì tên tuổi của ông gắn liền với thể loại tiểu thuyết lịch sử - phiêu lưu vẫn luôn gợi lên những hứng khởi trong lòng độc giả mọi thời đại một sự cảm phục đặc biệt đối với tài năng kể chuyện này, chưa kể ông còn để lại cho nước Pháp một tài năng kể chuyện mang tên Dumas-con (Dumas-fils), tác giả của Trà hoa nữ (La Dame aux camélias, 1848).
Cha ông vốn là một sĩ quan dưới thời Napoléon Bonaparte, là người có khí chất nhà binh, đặc biệt với tư tưởng “vận mệnh của một dân tộc không thể phục tùng vận mệnh của một cá nhân… cho dù người đó có vĩ đại đến đâu chăng nữa”, mà vì thế người cha này bị trừng phạt và mất khi nhà văn Al. Dumas tương lai mới bốn tuổi, để lại một hoàn cảnh túng thiếu đủ đường mà người con này phải chịu đựng. Bản lĩnh của người cha được kế thừa và kích hoạt thành động lực cuộc đời ở Dumas thể hiện qua quá trình tự học, tự tìm tòi nghiên cứu bằng say mê lao động sáng tạo. Thành công đầu tiên của Al. Dumas là vở kịch Vua Henri III và triều đình của ông ta (diễn năm 1829) trong thời kỳ mà âm hưởng các vở kịch của V. Hugo vẫn còn vang vọng. Cái mới của vở kịch này chính là sự khẳng định các phẩm chất lãng mạn, khẳng định sức sống của trường phải văn học mới trên văn đàn, gắn với thời kỳ khơi dậy những niềm cảm hứng mới, thời kỳ mà sức mạnh của những đồng vàng đang trở thành sức mạnh của thời đại, đồng thời cũng là giai đoạn ngã rẽ của lịch sử, nơi cái mới đang hiện hình và cái cũ đang phải bị đánh giá lại, để từ đó tạo ra khả năng chọn lựa các giá trị nhân bản mới trên cơ sở kế thừa những giá trị của hiện tại và trước đó. Thành công này định hướng cho ông đi vào khai thác các đề tài lịch sử, đặc biệt là khai thác các sự kiện lịch sử của thế kỷ XVII, khai thác thời kỳ lịch sử đặc biệt nhiều biến động làm thay đổi số phận và bộ mặt của nước Pháp, thế kỷ gắn với tên tuổi của Hồng y Giáo chủ Richelieu, gắn với triều đại Henri, Louis XIII và Louis Đại đế. Kết quả là những tiểu thuyết lịch sử mang đặc trưng Pháp của ông ra đời, cái đặc trưng này chính là quan điểm nghệ thuật của ông khi ông coi thể loại này là “trò chơi của trí tưởng tượng” mà vì thế ông khẳng định: “Lịch sử là gì? Đó chỉ là những chiếc đinh để tôi treo các bức họa của tôi”. Nói cách khác, đây là một quan điểm nghệ thuật mới mẻ, nghệ thuật phải trả lời cho những cái mà thời đại đang cần, phải gợi ra những gì mà thời đại phải hướng tới, như chính cách thức hành động của các nhân vật trong Ba người lính ngự lâm, cuốn tiểu thuyết thể hiện tài năng nhiều mặt của Dumas và cũng là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn độc giả các thế hệ khác nhau trên thế giới.
Dựa trên các tư liệu được rút ra từ tập Hồi ký của ông D’Artagnan, với nhiều sự kiện lịch sử gắn với thời kỳ Louis XIII với những nhân vât lịch sử có thật như Hồng y Giáo chủ Tể tướng Richelieu, Hồng y Giáo chủ Giulio Raimondo Mazzarino, người kế nhiệm Richelieu, hay hoàng hậu Anne d’Autriche… gắn với thời kỳ nước Pháp kết thúc nội chiến tôn giáo để bước vào thời kỳ toàn thịnh của nhà nước quân chủ chuyên chế dưới triều Louis XIV, để trở thành một cường quốc ở châu Âu, để trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, mô hình nhà nước kiểu mẫu cho các triều đại phong kiến châu Âu khác. Nhưng vì quan điểm sáng tác của ông coi lịch sử chỉ là chiếc đinh để treo các bức họa nên những sự thực lịch sử của thời kỳ từ 1625 đến 1628, thời kỳ làm bối cảnh cho câu chuyện được kể, không được phản ánh như những sự thật lịch sử đã xảy ra, mà thay vào những sự thật ấy là những hư cấu thêm thắt không trùng khớp với lịch sử thực sự. Bởi vì văn học về bản chất không phải là sự sao chép những gì đã xảy ra, theo kiểu có sao nói vậy, mà còn là cách phản ánh những gì có thể xảy ra, là miêu tả cuộc sống đương diễn ra chứ không phải là cuộc sống đã ngưng kết thành các sự kiện lịch sử gắn với tháng ngày cụ thể. Bản chất của văn học, nghệ thuật nói chung là nghệ thuật hư cấu để tạo thành cách nhìn biến ảo khiến cho lịch sử dường như được nhìn qua một lăng kính đặc biệt, trở thành một sự thực biến hình, trở thành một cách thức phản ánh thời đại, nhằm đa dạng hóa hiện thực bằng cách làm cho hiện thực được nhìn thấy trở nên phong phú hơn qua dạng thức hiện thực có thể cảm thấy vốn bị che lấp bởi những cái dung tục tầm thường. Bức họa phản ánh lịch sử, qua lăng kính lãng mạn đó, thể hiện tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ giàu nhiệt huyết đam mê với con người và thời đại ông sống, còn chiếc đinh để treo bức họa tài năng ấy chính là cách thức định vị tạo ra tính lịch sử cho câu chuyện được kể, để sự kiện lịch sử hồi sinh thành những giá trị lịch sử tích cực.
Có thể coi bối cảnh của câu chuyện Ba người lính ngự lâm có điểm xuất phát là cuộc hôn nhân chính trị giữa Louis XIII, người bị ám sát vào năm 1643, với công chúa Tây Ban Nha Anne d’Autriche. Cuộc hôn nhân này nhằm cải thiện mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Tây Ban Nha và Pháp nhưng câu chuyện không kể về sự xung khắc khó hòa giải này giữa các quốc gia hay tập đoàn phong kiến mà tái hiện cách thức đấu tranh để tạo ra sự tập trung quyền lực nhằm củng cố nhà nước quân chủ chuyên chế của Hồng y Giáo chủ Richelieu bằng muôn vàn mưu kế kết hợp với những mánh khóe chính trị ngoại giao, tạo thành chức năng trấn áp, chế ngự mọi biểu hiện đi ngược lại ý đồ tập trung quyền lực của nhà nước quân chủ chuyên chế, mô hình nhà nước tối ưu mà Louis XIV sẽ toàn hưởng. Và một bên là những người lính ngự lâm với chức năng chủ yếu là bảo vệ triều đình phong kiến, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ hoàng hậu Anne d’Autriche. Việc thực hiện nhiệm vụ này của những người lính ngự lâm cũng chính là cách thức gia tăng quyền lực chuyên chế. Họ gồm: Athos, một quý tộc đồng thời cũng là mẫu người quý tộc lý tưởng cao thượng mang tính cách nghĩa hiệp theo kiểu “Kiến ngãi bất vi vô dũng giã” (Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là con người dũng cảm), “Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ” (Trên đường thấy việc nghĩa liền vung dao cứu giúp, bênh vực), luôn phụng sự vì lẽ phải chứ không phải vì danh lợi; Porthos, một quý tộc dũng cảm, hết lòng vì công việc, người có thân hình hộ pháp, hay ba hoa nhưng sống thật lòng với mọi người, sẵn sàng xả thân cứu người; Aramis, nhà quý tộc có dáng vẻ hào hoa phong nhã, dịu dàng tế nhị, theo kiểu mẫu người quân tử mà thế kỷ XVII cần tới. Nổi bật bên trên những người lính ngự lâm đã nói là D’Artagnan, cũng là một quý tộc nhưng lúc đó chưa phải là lính ngự lâm mà chỉ đang là người khao khát được trở thành lính ngự lâm, đồng thời là một người tài lược mưu trí, dám mạo hiểm, sẵn sàng bênh vực người nghèo, lại có khả năng tổ chức và tập hợp lực lượng, có khả năng nối kết những người ngự lâm thành một sức mạnh. Các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đều thuộc tầng lớp trên trong xã hội phong kiến nhưng đây cũng là kiểu nhân vật văn học truyền thống của Pháp nói riêng, của phương Tây nói chung, cho tới lúc bấy giờ. Kiểu nhân vật nghèo khổ, thuộc tầng lớp xã hội thấp kém, chỉ trở thành nhân vật chính trong văn học dưới ngòi bút của V. Hugo, thành các dạng Jean Valjean, Fantine, Gavroche… trong Những người khốn khổ của đại văn hào này, và đánh dấu thời điểm đổi ngôi nhân vật văn học trên văn đàn phương Tây, kiểu nhân vật bình dân thế chỗ cho kiểu nhân vật quý tộc bề trên. Ba người lính ngự lâm hành động theo cùng một phương châm “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” (Un pour tous! Tous pour un!). Đây là một phương châm hành động lý tưởng gắn với thế kỷ XVII, thế kỷ của mĩ học cổ điển chủ nghĩa, mĩ học đề cao cái ta, cổ vũ cho cái ta. Cái ta ở đây là lợi ích quốc gia, lợi ích toàn dân hay lợi ích cộng đồng, chống lại cái tôi đẳng cấp, hiện hình qua lớp vỏ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, tức là những cái đã đẩy nước Pháp vào cuộc chiến tranh giành quyền lực dưới màu sắc chiến tranh tôn giáo. Các hình tượng trong tiểu thuyết này gợi lại những mẫu anh hùng của P. Corneille, J. Racine, J. P. Molière, tạo nên nét đặc sắc của loại tiểu thuyết “tấm gương” như cách nói của Stendhal, tạo nên những mẫu anh hùng lãng mạn kiểu Enjolras của V. Hugo, hay Michel Chrétien của H. de Balzac, những nhà văn cùng thời với Dumas; hay phảng phất dáng dấp của người anh hùng Don Quijote đi tìm chân lý cuộc đời của Cervantes trong thời đại Phục hưng. Phương châm “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” thể hiện tính trách nhiệm cộng đồng giữa các thành viên của một cộng đồng và của bản thân cá nhân đối với cộng đồng, tạo ra sự gắn kết cộng đồng, sự chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ tình thương theo kiểu “lá lành đùm lá rách” hay “thương người như thể thương thân” vốn đã sâu cỗi bền rễ trong văn hóa dân tộc chúng ta, mà chính điều này đã làm cho hành động của những người lính ngự lâm trở nên có ý nghĩa và giàu phẩm chất nhân tính. Những người lính ngự lâm, cho dù xuất phát điểm khác nhau, mỗi người đều có một hoàn cảnh éo le riêng nhưng họ đã cùng hành động để cứu người, để cứu cái đẹp, để bảo vệ cái đẹp và các giá trị nhân tính của cái đẹp. Họ đã đi từ sự thức tỉnh cá nhân tới sự giác ngộ về cái chung, cái cộng đồng, về cái ta vị tha và vĩ đại, mà nhờ vậy họ trở thành niềm vui của độc giả các thế hệ ở nhiều quốc gia vì họ mang lại cho độc giả những giá trị sống phù hợp với lý tưởng về cái đẹp. Con người chỉ thực sự sống khi luôn có niềm vui được sống theo lý tưởng “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”.
Các nhà văn lớn của Pháp cùng thời với Dumas đều thừa nhận cái hay của cuốn tiểu thuyết cũng như tài năng sáng tạo của nhà văn. Ba người lính ngự lâm là một tiểu thuyết lịch sử nhưng cái lịch sử được nhìn qua lăng kính của nhà văn Dumas không còn là lịch sử của những sự kiện đã kết tinh lại như những bài học khô khan mà như những chỉ dẫn cho cách thức hành xử cần thiết mà mỗi con người trong thời đại họ sống đều cần đến. Đó là phương thức ứng xử theo kiểu dẹp bỏ cái tôi, đề cao cái ta, một giá trị vô song mà văn học cổ điển chủ nghĩa Pháp thế kỷ XVII mang lại, mà vì thế “một người vì mọi người, mọi người vì một người” trở thành khẩu lệnh hành động theo chuẩn mực lý tưởng thời đại đòi hỏi. Cái hay của cuốn tiểu thuyết chính là cách thức đề cao ý thức đoàn kết để tạo ra sức mạnh tập thể của những người lính ngự lâm, ở đó họ ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân họ, họ hiểu được họ sẽ không tồn tại trong thế giới đầy những yêu ma quỷ quái nếu họ không kết nối được với nhau để tạo ra sức mạnh phản kháng như chính lãnh tụ Marat của cách mạng tư sản Pháp đã nói: “Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống/ Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên”. Sự kết nối này giúp họ khắc phục được mặt yếu kém của mình, đồng thời tạo ra sức mạnh mới để vượt qua những khó khăn hay thử thách. Sự ý thức về trách nhiệm đối với cộng đồng cũng chính là sự giác ngộ về vai trò của cá nhân trong tập thể, của cá nhân đối với chính họ. Nếu không có sự giác ngộ đó sẽ không có tình thương giữa người và người và sẽ không ý thức được trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, sẽ không hiểu được mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cá nhân và dân tộc. Con người lúc đó sẽ mang phẩm chất vị tha, thay vì vị kỷ, sẽ không còn vô cảm trước cái ác, sẽ biết xả thân vì lợi ích dân tộc, lợi ích cộng đồng. Đó chính là sức mạnh của sự đoàn kết mà “một cây làm chẳng nên non” nhưng “ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Cuốn tiểu thuyết được kể theo trình tự thời gian, được dẫn dắt theo trình tự thời gian, bắt đầu từ sự phẫn chí đi tìm đường để trở thành một ngự lâm quân của D’Artagnan với những đụng độ ngẫu nhiên, tình cờ với những người lính ngự lâm thực sự là Athos, Porthos, Aramis, để rồi họ trở thành bạn của nhau. Chiến tích cơ bản của họ gắn liền với việc đi tìm lại chuỗi ngọc mà Louis XIII tặng khi cưới công chúa Anne d’Autriche nhưng hoàng hậu lại tặng nó cho quận công Buckingham, người tình của mình. Đây cũng là kịch tính của câu chuyện mà vì vậy câu chuyện được kể lại dưới hình thức tiểu thuyết phiêu lưu, tức là nhân vật phải chuyển dời vào các không gian xa lạ khác nhau chưa được biết đến, mà mỗi không gian như vậy sẽ mang lại những tính chất ly kỳ mới. Tính phiêu lưu ở đây là phiêu lưu kiểu hiệp sĩ, tức là sẵn sàng xả thân vì lời thề mang tính khẩu lệnh: “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Câu chuyện kết thúc bằng sự thắng lợi của những người lính ngự lâm, vừa cứu được tính mạng của hoàng hậu, vừa gạt bỏ được mọi hiềm nghi của Richelieu, vừa minh chứng cho sức mạnh đoàn kết tập thể vì nghĩa quên thân. Tuy nhiên, các mốc giới thời gian mà Dumas tạo ra trong cuốn tiểu thuyết này không phải là những mốc giới lịch sử chính xác, mặc dù câu chuyện được kể bắt đầu từ một mốc thời gian khá cụ thể như là cách mở đầu của nhiều nhà văn khác cùng thời. Đây là cách thức tạo ra cái thực để lôi cuốn người đọc vốn rất thường gặp trong văn học phương Tây. Cái hấp dẫn thực sự của tiểu thuyết này chính là những tình tiết ly kỳ theo kiểu tiểu thuyết trinh thám hình sự gắn với hành động quyết liệt của các nhân vật trong những không gian cụ thể, mà nhờ vậy Dumas đã mang lại cho độc giả cách cảm nhận các giá trị nhân văn trong những tình thế hiểm nguy, tạo ra phẩm chất phi thường tô điểm cho tính cách nhân vật trong hoàn cảnh phi thường và đây cũng chính là vẻ đẹp lãng mạn của kiểu nhân vật mà Dumas sáng tạo ra, đồng thời cũng là cái tạo ra sức sống cho tác phẩm Ba người lính ngự lâm.
Mạch kể của câu chuyện mà kịch tính của nó là sự kiện giành lại chuỗi hạt kim cương của hoàng hậu Anne d’Autriche, lúc đó đang nằm trong tay Quận công Buckingham, nhưng thực ra là để ám sát viên quận công vốn là đối thủ mà Richelieu muốn thanh toán. Câu chuyện diễn ra với nhiều tình tiết thêm thắt tạo ra vẻ ly kỳ, ngẫu nhiên. Rốt cuộc, thắng lợi thuộc về những người lính ngự lâm: chuỗi ngọc trở về với hoàng hậu, đối thủ của Richelieu bị diệt trừ và ông ta hiểu được đóng góp của những người lính ngự lâm. Nhờ vậy D’Artagnan, người mưu lược tài trí, sẽ chính thức trở thành lính ngự lâm với chức trung úy để đảm đương nốt những nhiệm vụ mới của lịch sử. Những người bạn đã đồng hành với anh rời quân ngũ, để lại phía sau âm hưởng của những chiến công cho người đời ca ngợi: Athos trở lại là bá tước De la Fère, sẽ nghỉ hưu sau chặng dài theo đuổi lý tưởng bởi công lý đã được thực hiện; Porthos là quý tộc xứ Vallon, sẽ cưới bà biện lý, mối tình mà anh ta theo đuổi cùng số tài sản khổng lồ như một niềm vui được đền đáp; Aramis, quý tộc xứ Herblay, sẽ trở thành mục sư như mong muốn trước đây để truyền bá những tư tưởng cội nguồn của Phúc âm…
Khẩu lệnh “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” vốn là phương châm hành động của các nhân vật chính trong câu chuyện này đã có tác động mĩ học sâu sắc đối với các thời đại sau. Trong bài phát biểu trước các thành viên Học viện Pháp năm 1980, nhà nghiên cứu André Roussin coi tác phẩm này là “huyền thoại về sự bảo đảm kép của lòng trung thành và lòng dũng cảm, khiến tình bạn giữa những người đàn ông trở nên bất khả chiến bại”. “Đó là một huyền thoại tuyệt vời đối với giới trẻ trong một quốc gia. Có lẽ nhiều người lính đã đọc Ba người lính ngự lâm ở tuổi thiếu thời, đã luôn mang theo mình ấn tượng về tình huynh đệ thiêng liêng, khiến họ luôn sẵn sàng hi sinh vì đất nước”. Ông viện sĩ này còn gợi lại câu chuyện về bộ tứ quần vợt Pháp những năm 1920. Đó là các cầu thủ Henri Cochet, Jacques Brugnon, René Lacoste và Jean Borotra. Họ đã thể hiện một tình bạn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, luôn có quyết tâm giành thắng lợi trên đấu trường thể thao. Cách thức hành xử của họ gần gũi với lý tưởng của các nhân vật mà Dumas tạo ra. Vì thế, họ xứng đáng với biệt danh “Bốn chàng ngự lâm quần vợt” mà giới yêu thích quần vợt ban tặng. Năm 1974, nhà phân phối Liên thị - Intermarché đã tận dụng ảnh hưởng tích cực của Ba người lính ngự lâm để tạo ra một logo có hình ảnh của những người lính ngự lâm này nhằm thuyết phục khách hàng về “sự bình đẳng trong cuộc chiến thương hiệu nhằm đảm bảo sức mua, chống lại chi phí sinh hoạt tăng cao…”. V. Hugo đánh giá: “Trong thế kỷ này, không ai được dân chúng yêu mến sâu rộng và thắm thiết bằng Alexandre Dumas. Các thành công của ông đều tầm cỡ hơn thành công nói chung nhiều. Đó là những đại thắng lợi. Đó là những ngọn đèn pha”. Năm tháng đã trôi qua nhưng dư âm của “Một người vì mọi người, mọi người vì một người!” vẫn còn đó, vẫn thôi thúc con người hành động vì cái chung và cái ta dân tộc lớn lao vĩ đại, bởi khẩu lệnh đó là một ngọn đèn pha chiếu rọi xuyên thời gian.