THEO CHÂN CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ TỪ CHÍNH SỬ QUA TIỂU THUYẾT VẤN ĐỀ THI PHÁP CHÂN DUNG NHÂN VẬT TAM QUỐC

Bài viết bàn về vấn đề thi pháp chân dung nhân vật Tam quốc – những nhân vật vừa của chính sử lại vừa của tiểu thuyết. Trên cơ sở đó chỉ ra tình trạng không ý thức rạch ròi trong nhận thức sử và văn trong nghiên cứu.

    Trước lúc nói đến nhân vật lịch sử hay nhân vật tiểu thuyết ta nói đến “nhân vật” đời thường. Thực ra, đem con người đặt vào một “hệ thống hình tượng” nào đó không phải là một đặc quyền của văn học hay đặc quyền của sử ký. Trên thực tế, chúng ta luôn nhìn nhân sinh từ góc nhìn “nhân vật hóa”. Mỗi một người trong cuộc sống đều là “nhân vật” - con người có tên gọi. Khi chúng ta tự ý thức đến bản thân mình thì một nhân vật “tôi” liền xuất hiện. Con người đều thông qua một quan hệ tất ngẫu nhiên nào đó mà trở thành nhân vật đối với nhau. Và, trở thành nhân vật giữa đời chính là xác định tư cách tồn tại của mỗi một cá thể người trong hệ thống nhân sinh - nhân quần. Thực tế, khi một người từ trong mênh mông biển người lần đầu bước vào trong trường ý thức của một người, anh ta liền trở thành nhân vật của người đó. Vậy mà mới trước đó thôi, đối với người đó mà nói, con người này là không tồn tại. Còn trong trường hợp ta “gặp” một người mà giờ đây anh ta chỉ tồn tại trong trong ký ức của người đời hay trí nhớ của cả cộng đồng hay chỉ tồn tại trong một hệ thống diễn ngôn của các nhà trần thuật - một người mà ta đã không còn cách nào để tiếp xúc trực tiếp được nữa thì đó chính là người mà ta quen gọi là nhân vật lịch sử (sử nhân). Câu chuyện trở nên phức tạp hơn đối trường hợp những nhân vật đi vào lịch sử mà cũng đi vào văn chương. Chúng tôi muốn nói đến các nhân vật trong Tam quốc. Thực tế phê bình khảo cứu cho thấy không ít trường hợp phân tích, nghiên cứu các nhân vật Tam quốc mà không tỏ rõ cho ta biết nhà nghiên cứu đang hình dung các nhận vật đó từ nguồn thông tin nào (sử sách hay tiểu thuyết) và nhà nghiên cứu đang bình luận các nhân vật này hay là bình luận những nguồn thông tin “dựng lên” các nhân vật này. Đề cập đến vấn đề này chính là đã đề cập đến vấn đề thi pháp chân dung nhân vật Tam quốc – những nhân vật vừa của chính sử lại vừa của tiểu thuyết hoặc nói đúng hơn đã đi vào chính sử Tam quốc chí rồi còn cất bước qua tiểu thuyết Tam quốc chí diễn nghĩa.

     1. Theo chân các sử nhân từ Tam quốc chí sang Tam quốc chí diễn nghĩa

    Tư Mã Thiên ((司馬遷) ) sáng tạo thể liệt truyện để chép chuyện các nhân vật thành các thiên trần thuật riêng. Mỗi một liệt truyện (列傳) đó có thể nói tương tự như cái mà phương Tây gọi là biographical form. Đây chính là phần quan trọng nhất trong bộ Sử ký – 70 thiên (bản kỷ, thế gia thực chất cũng là những liệt truyện) cho ta một “dãy dài triển lãm các chân dung”. Thời Tấn chép chuyện thời Hán mạt thiên hạ tam phân thành bộ Tam quốc chí, Trần Thọ (陳壽 233-297) vẫn phỏng dụng hình thức đó của Thái Sử Công. Nhà diễn nghĩa họ La (羅貫中 khoảng 1330-1400) đã quyết định vạch con đường khác cho chí truyện Trung Hoa. Ông không phân tách người và việc, tránh việc trình bày các tĩnh thể (ví dụ các thiết chế hay niên biểu của từng triều đại), nhất thể hoá một chủ thể lời tự sự (không có phần bình luận riêng của tác giả) để đảm bảo một liên hệ logic bên trong cho toàn bộ diễn biến câu chuyện chỉnh thể. Phương pháp trộn lẫn cả hai - lấy người viết việc và ngược lại lấy việc viết người làm cho sự phân tích đọc hiểu các nhân vật trong Tam quốc trở nên không đơn giản. Chúng sống động ẩn hiện trước mặt ta và mặc dù họ đều là những kẻ đã “cái quan” mà thực khó bề “định luận”. Mỗi người một vận mạng, làm việc nó phải làm, nói lời nó phải nói, tản tụ phong vân trong nhiều hồi truyện hoặc liên tục hoặc cách quãng, thành thử độc giả phải “tổng hợp” tái dựng lại mỗi một chân dung nhân vật. Thực khác với chuỗi liệt truyện độc lập làm nên “dãy dài triển lãm các chân dung” trong Sử ký - những chân dung ít nhiều được người vẽ nên nó trịnh trọng giải thích bình luận, hướng dẫn cho người xem (tức phần “Thái Sử Công có lời rằng:…” thấy sau các liệt truyện trong Sử ký).

    Tam quốc chí phỏng dụng thể thức Sử ký phân tách thời đại thành các phương diện trần thuật nhất định trong lúc Tam quốc chí diễn nghĩa lại là một cách nối kết các trường đoạn cuộc thế thành một tấn kịch dài. Tự sự Tam quốc chí không tạo cảm nhận rõ ràng về lưu chuyển thời gian. Ngược lại người và sự trong Tam quốc chí diễn nghĩa được trình bày hài hòa trong một diễn tiến thời gian chuyện nối chuyện đi đến chung cục hạ màn. Tính chất mô phỏng (mimesis) cuộc sống lịch sử của cấu trúc tự sự Tam quốc chí diễn nghĩa là rất rõ. Ngược lại, muốn hình dung một nhân vật trong Tam quốc chí diễn nghĩa ta phải tự tổng hợp lấy từ rải rác lúc này lúc nọ, từ chỗ này chỗ kia các thông tin trần thuật về nó để dựng lại bức chân dung riêng.

    Như chỗ chúng tôi thấy được, lịch sử phân tích các chân dung nhân vật Tam quốc chí diễn nghĩa nổi lên hai vấn đề tạm gọi là “chuyện các chân dung vẽ sai” và chuyện “các chân dung vẽ không đúng với dự định ban đầu”. Trường hợp Tào Tháo sẽ là ví dụ minh hoạ cho chuyện gọi là chân dung vẽ sai. Còn các nhân vật như Khổng Minh, đặc biệt là bộ ba Lưu-Quan-Trương có thể xem là điển hình cho vấn đề “chân dung vẽ ra đi chệch với dự định ban đầu”.

    2. Theo chân sử nhân Tam quốc dưới chỉ dẫn của các nhà phê bình

    Chúng ta bắt đầu từ ý kiến của Lỗ Tấn. Lỗ Tấn viết trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược về Tam quốc chí diễn nghĩa: “Sách sắp xếp trình bày theo Tam quốc chí (Trần Thọ) - bộ sử được bình chú bởi Bùi Tùng Chi, thỉnh thoảng cũng chọn dùng tài liệu từ bình thoại, lại gia thêm phần hư cấu diễn nghĩa. Luận đoán thường lấy từ Trần Thọ và Bùi Tùng Chi hoặc theo lời Tập Tạc Xỉ, Tôn Thịnh. Trong sách cũng thường hay dẫn thơ của “sử quan” và “người đời sau”. Thế nhưng dựa vào sử cũ thì khó bề phô diễn ngòi bút, pha tạp văn suông thì dễ sinh lẫn lộn, cho nên Tạ Triệu Chế (đời Minh) từng cho rằng “thực quá thì gần với hủ lậu” (xem Ngũ tạp tổ, quyển 15), còn Chương Học Thành (đời Thanh) lại chê “bảy thực ba hư rối loạn người đọc”1. Đến như việc tả người cũng có chỗ không đạt: muốn làm rõ vẻ đôn hậu của Lưu Bị mà lại tuồng như là như giả dối, kể tả mưu trí Khổng Minh lại tựa yêu ma. Chỉ có tả nhân vật Quan Vũ là đặc biệt nhiều lời nói tốt. Cái khí khái nghĩa dũng như hiện lên mồn một”2.

    Thực ra không chỉ mỗi Lỗ Tấn nhận định như vậy. Vào thập niên đầu thế kỷ XX, Hạ Tăng Hựu từng nói ý tương tự trong Tiểu thuyết nguyên lý - một cuốn sách khá nổi tiếng đương thời. Chỉ có điều, ngay trường hợp Quan Vũ, Hạ Tăng Hựu cũng không cho là thành công trong nghệ thuật khắc hoạ nhân vật. Hạ viết: “Tam quốc chí diễn nghĩa ra sức diễn tả một hình tượng Quan Vũ, thế mà lại thành ra một kẻ kiêu gàn quyết liệt; Lại muốn ra sức tả Gia Cát Lượng, mà lại thành ra một người giảo hoạt khắc bạc”3. Minh Phi cũng nói: “Tam quốc chí diễn nghĩa cực lực tôn sùng Quan Vân Trường, vậy mà tả ra rồi lại không tránh được có vẻ cương gàn tự đại; Tả Khổng Minh cũng là rất đề cao, vậy mà những việc như mượn gió, cầu thọ, nhâm cầm độn toán, vẫy quạt lông đảo gió chuyển lửa... thành ra bộ dạng đạo sĩ phù thuỷ, rất không hợp với một bậc hiền tướng”4. Sau đó không lâu, trao đổi thư từ văn học giữa Hồ Thích và Tiền Huyền Đồng những năm sau phong trào Ngũ Tứ cũng biểu hiện cách đánh giá tương tự về việc xây dựng các hình tượng quan trọng trong Tam quốc chí diễn nghĩa. Tiền Huyền Đồng nói: “Tả những người được sùng bái trong tác phẩm, tác giả thường đã phí tận sức lực, thế mà chẳng có chút hiệu quả gì. Chẳng hạn tả Lưu Bị lại thành ra một kẻ tầm thường vô dụng; tả Khổng Minh lại thành ra một người trí trá gian hiểm” (Thư Tiền Huyền Đồng đáp Hồ Thích)5. Các ý kiến đó không phải là không ít nhiều chỉ ra cho ta thấy một điều gì đó trong các hình tượng nhân vật như Quan Vũ, Khổng Minh, Lưu Bị. Tuy nhiên chúng không thực sự thuyết phục ta về mặt khoa học. Chúng ta băn khoăn tự hỏi các học giả tiền bối đó dựa vào đâu và bằng cách nào mà lại thể căn cứ được vào đó (sự thực lịch sử, truyền thống tâm lý chung, con người thực) khi khẳng định các hình tượng này là thất bại về mặt nghệ thuật? Tại sao họ có thể quả quyết trước một điều rằng là La Quán Trung đã lực bất tòng tâm trong việc thực hiện các chân dung nhân vật gọi là chính diện trong Tam quốc chí diễn nghĩa? Tại sao ta không suy nghĩ đến khả năng ngược lại?

    Có người cũng cho rằng “nhân nghĩa” nơi Lưu Bị không thể hiện thành công trong tiểu thuyết. Nhưng ý kiến này dường như lại không đồng tình với bản thân Lưu Bị, cho rằng Lưu Bị chẳng qua giơ cao chiêu bài chính thống để tăng cường sức kêu gọi cho lực lượng nhà Thục. Tranh luận vẫn cứ tiếp tục trong suốt thế kỷ XX. Chẳng hạn năm 2000, Trần Truyền Tịch cho đăng trên Tạp chí Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu bài viết Bề ngoài phê Tào, bên trong phê Lưu – tân luận về nội dung tư tưởng Tam quốc diễn nghĩa”6. Tác giả cho rằng La Quán Trung không phải là thực tâm ca ngợi Lưu Bị. Tự sâu xa, tác giả Tam quốc kín đáo “phản Lưu”. La Quán Trung đã cẩn thận bộc lộ sự tàn nhẫn và giả dối của Lưu Bị trong rất nhiều tình tiết trong tác phẩm. Lỗ Tấn tuy cho rằng “muốn làm rõ vẻ đôn hậu của Lưu Bị mà lại tuồng như là như giả dối” nhưng thực ra thì trong thâm tâm La Quán Trung Lưu Bị chính là “giả dối”.

    Trước quan điểm này lại có ý kiến nói rằng: “Nhận đinh như thế có phù hợp với ý đồ sáng tác chủ quan của La Quán Trung hay không, và đó có phải là phỏng đoán chủ quan lấy cái cá biệt khái quát cho toàn thể hay không - hẵng còn phải tiếp tục thảo luận”7. Nhưng thực ra chúng ta phải làm gì để có thể biết được đâu là ý đồ chủ quan hoặc nói dự định ban đầu của tác giả Tam Quốc chí diễn nghĩa? Thành ra, đặt vấn đề như trên cũng chủ quan không kém việc tiên định La Quán Trung vốn dự định thể hiện các hình tượng nhân vật như thế này nhưng rồi trong thực tế sáng tác lại khiến cho các nhân vật được xây dựng thành ra như thế kia8. Bởi vì, chúng ta hoàn toàn có thể nêu hỏi bằng cách nào để có thể tiên thiên biết trước La Quán Trung dự định vẽ chân dung các nhân vật này với những nét màu tích cực rồi giờ đây khi chứng kiến bức hoạ nhân vật trong tác phẩm ta lại có thể phê bình tác giả đã không vẽ được như ý?

    3. Bút pháp “ironny” – “vạch áo” trần thuật “xem lưng” sử nhân

    Lý luận về cái gọi là bút pháp “mỉa ngược” (ironny) của Andrew H. Plaks có thể là một hướng khả quan giúp ta tiếp cận vấn đề thi pháp chân dung nhân vật lịch sử trong Tam quốc chí diễn nghĩa hữu hiệu hơn. Nhà Hán học Andrew H. Plaks viết trong cuốn Trung quốc tự sự học: “Tôi đã luận giải trong chuyên luận Minh đại tiểu thuyết tứ đại kỳ thư một điều là thành tựu xuất sắc nhất của thể kỳ thư thể hiện ở chỗ các tiểu thuyết trong khi biểu đạt các đề tài chính diện - từ khí phách hảo hán lục lâm, đại nghiệp nhất thống thiên hạ cho đến thánh tích lấy kinh độ thế đều có để len vào cái ý vị lật lại bản án – cái ý vị hình thành nên từ lối viết gọi là khúc bút có tính cách “lật ngược” vấn đề. Bút pháp này xem ra chẳng qua chỉ như là lách bút viết giỡn lúc tiện tay mà kỳ thực ẩn chứa trong đó cả một hoài bão tư tưởng của văn nhân nghiêm túc”.

    Như thế nào gọi là bút pháp tu từ có tính “mỉa ngược”? Tôn Thuật Vũ dịch thành “sự không như nhất giữa ngoài và trong” (nguyên văn “biểu lý bất nhất” - LTT). Ông đã biểu thuật một cách chính xác ý nghĩa thực chất của việc chuyển nghĩa thuật ngữ ngoại lai này9. Ở Trung Quốc việc vận dụng khái niệm “mỉa ngược” trong nghiên cứu phê bình không phải là chuyện mới mẻ. Trương Trúc Pha (nhà bình điểm Hồng lâu mộng dưới thời Thanh) khi bàn đến hiện tượng văn chương tương tự thường hay liên hệ đến bút pháp Thái Sử Công. Ông thường vẫn dùng các các thuật ngữ “khúc bút”, “ẩn bút”, “sử bút” để miêu tả các kiểu viết có tính cách lật lại án quyết. Thế nhưng để phát triển thành công cụ phê bình hữu dụng trong văn học so sánh thì còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục đi sâu hơn. […] Đại phàm muốn nhận diện bút pháp “mỉa ngược” trong tiểu thuyết, thế tất phải dựa vào việc đoán định cái gọi là nguyên ý của tác giả. Chúng ta phải thống nhất được ý kiến về thái độ yêu ghét của tác giả tiểu thuyết đối với các nhân vật lịch sử trung tâm thời Tam Quốc. Từ thời Minh-Thanh cho đến nay, mọi người đều cho rằng tác giả Tam quốc chí diễn nghĩa trong vấn đề tranh cãi ai kế thừa một cách chính thống triều Hán là có xu hướng ủng Thục phê Ngụy, vì vậy đã chọn thái độ sùng Lưu biếm Tào. Thái độ đó một mặt kế thừa Tam quốc chí bình thoại và kịch dân gian diễn tích chuyện Tam quốc, mặt khác cũng tiếp thu các bộ chính sử - đặc biệt là Tam quốc chí Thông giám cương mục. Vậy mà tại sao trong Tam quốc chí diễn nghĩa lại thấp thoáng ẩn ánh không ít những cợt ngầm mỉa ngược đối với Lưu Bị và Thục Hán giữa hàng hàng câu chữ? Hồ Thích từng đoán chừng những chỗ mâu thuẫn như thế có lẽ là một thất bại về mặt bút pháp của nhà văn – La Quán Trung chưa có thể biểu đạt được một cách đắc ý ý đồ thực sự trong thâm tâm của mình. Nhiều người khác như Lỗ Tấn, Tôn Khải Đệ và Trịnh Chấn Đạc đều có cùng quan điểm với Hồ Thích. Gần đây lại có không ít học giả trong ngoài nước nêu lại vấn đề này. Hạ Chí Thanh đã bác bỏ một cách mạnh mẽ việc đọc hiểu đơn giản hoá theo lối xem Tam quốc chí diễn nghĩa là một tác phẩm tâng bốc Thục Hán mà không thành công. Đồng thời ông cũng đã dùng sức quan sát thấu triệt thâm diệu của La Quán Trung trước tiến trình trình lịch sử và bản tính nhân loại để cắt nghĩa những chỗ mờ ẩn trong tác phẩm.

    Vấn đề này xem ra mơ hồ khó quyết, thế nhưng trên thực tế nó vừa khéo lại khiến cho Tam quốc chí diễn nghĩa xếp được vào hàng thể loại tiểu thuyết văn nhân. Một mặt, khi so sánh Tam quốc chí diễn nghĩa với Tam quốc chí, Tư trị thông giám, đặc biệt là với các quan niệm trong các tài liệu lịch sử liên quan đời Tam quốc qua các thời, ta sẽ phát hiện thấy tác giả tỏ ra là đã đồng tình với những thành bại thăng trầm của Lưu Bị. Mặt khác, việc khảo sát đối sánh một cách tinh tế cho thấy đây đó trong việc xử lý tiểu tiết, Tam quốc chí diễn nghĩa khác biệt một cách sắc bén so với kiểu xây dựng các vai anh hùng giản đơn hoá trong hí khúc và chuyện kể thông tục. Về mặt này Tam quốc bản Gia Tĩnh là một cống hiến lớn. Tiểu thuyết Tam quốc bản Gia Tĩnh10 nửa phần đồng tình chia sẻ với những câu chuyện Tam quốc lưu truyền rộng rãi, nửa phần lại muốn thoát khỏi bộ mặt của chính sử đĩnh đạc. Kết quả cuối cùng của cái lập trường dường như là nước đôi đó là một sự ảnh xạ của lối “mỉa ngầm” xuyên suốt trong toàn tiểu thuyết. Cũng như ba bộ tiểu thuyết còn lại (tức ba tiểu thuyết cùng Tam quốc chí diễn nghĩa tạo thành “tứ đại kỳ thư” - LTT), trong Tam quốc chí diễn nghĩa chúng ta đọc thấy hiện tượng “mỉa ngầm” đến từ việc phối hợp giữa các ý tượng thông tục và những ấp ủ tư tưởng vốn có của truyền thống văn chương cổ điển – đó vốn không phải là một thứ nhiệt tình ca tụng nhất mực mà cũng không phải là một sự quan sát lạnh lẽo bới lông tìm vết khắc nghiệt. Trái lại đó chính là thông qua một chuỗi dài những đối sánh chính phản trái ngược ngấm ngầm để tìm kiếm một tham số cho sự thực lịch sử nhân sinh”11.

    Đoạn trích dịch khá dài trên đây hẳn đã cung cấp cho chúng ta một cách đọc thú vị Tam quốc chí diễn nghĩa nói riêng, tiểu thuyết lịch sử nói chung. Để phần nào chứng minh cho nhận định này, dưới đây chúng tôi sẽ vận dụng cách đọc đó vào chuyện ngựa Xích Thố của Quan Công. Người đọc Tam quốc chí diễn nghĩa từ đầu đều biết ngựa Xích Thố đổi chủ nhiều lần. Thoạt đầu đó là của biếu giúp gian thần Đổng Trác mua chuộc Lã Bố bỏ cha nuôi này thờ nghĩa phụ khác (hồi 3). Lã Bố sau đó bị Tào Tháo bắt. Tháo sợ Bố phản trắc nên sai giết Bố cho dù Bố xin hàng. Xích Thố trở thành sở hữu của gian hùng họ Tào (hồi 19). Rồi Xích Thố lại thành quà tặng mua chuộc người anh hùng trung nghĩa Quan Vũ:

    “Một hôm, Tào Tháo mời Quan Công ăn tiệc. Tan tiệc, Tháo tiễn Quan Công ra tận cửa phủ, thấy ngựa Quan Công gầy, bèn hỏi: “Ngựa ông sao gầy vậy?”. Quan Công đáp: “Thân hèn nặng nề, ngựa mang vất vả nên thường gầy”. Tháo sai tả hữu lấy ngựa. Một lát thấy dắt đến một con mình đỏ như lửa, dáng rất hùng dũng. Tháo trỏ ngựa hỏi: “Ông biết con ngựa này không?”. Quan Công đáp: “Có phải là ngựa Xích Thố Lã Bố từng cưỡi?”. Tháo bảo: “Đúng vậy!”. Đoạn truyền thắng đủ yên cương tặng Quan Công. Quan công phục lạy hai lạy tạ ơn. Tháo không bằng lòng nói: “Ta nhiều lần đem mĩ nữ vàng bạc lụa là tặng cho, ông chưa từng lạy tạ. Nay cho con ngựa lại thấy mừng vui lạy ta hai lạy. Sao khinh người rẻ của mà quý một con súc vật thế?”. Quan Công đáp: “Tôi biết ngựa này ngày đi ngàn dặm, nay may được nó, nếu biết huynh trưởng ở đâu có thể một ngày mà gặp lại được”. Tháo ngạc nhiên, nghĩ lại đâm hối. Quan Công từ tạ ra về”12.

    Mao Tôn Cương bình: “Quan Công được tặng áo bào chỉ việc nhận lấy, nhưng được ngựa quý thì vái lạy tạ ơn. Nhất cử nhất động đều không quên Huyền Đức”13. Thế nhưng, thực tế trần thuật sẽ cho ta thấy sau đó, khi hộ tống hai chị dâu đi tìm huynh trưởng, Quan Công cũng không dùng đến tài ngày đi nghìn dặm của Xích Thố. Ngược lại mấy lần chém đại tướng của Viên Thiệu khiến suýt làm rơi đầu anh cả thì có công của ngựa Xích Thố! Lần thứ nhất là màn chém Nhan Lương. Trần thuật không gợi manh múi nào giúp ta khẳng định dứt khoát vào thời điểm đó Quan Công quả thật không biết Lưu Bị đang nương nhờ dưới trướng Viên Thiệu. Điều rõ ràng Lưu Bị thoát chết chỉ là do Viên Thiệu tính không quyết đoán lại thêm cả tin Lưu Bị đến mức khó hiểu. Thực tế trần thuật còn cho thấy Quan Công hành động quá nhanh mặc dù tình thế không cần vội vàng đến vậy. Vậy mà điều rõ ràng là, trước lúc xông thẳng từ trên núi thốc ngựa vào trận đột ngột chém chết Nhan Lương, Quan Công lại không chút hấp tấp. Quan Công trước lúc lâm trận bảo với Tào Tháo: “Để tôi nhìn qua một chút”, Tháo cũng đã chỉ rõ cho Quan Công thấy ai là Nhan Lương. Thêm nữa, lẽ nào Quan Công đã quên ngay lời dặn của hai chị dâu trước lúc ra trận ứng chiến với đại tướng quân Hà Bắc - Nhan Lương: “Chú đi chuyến này, có thể dò tin Hoàng Thúc”. Trần thuật rõ ràng đã nhấn mạnh từ “Hà Bắc”. Độc giả đều nhớ một điều là ba anh em Lưu Quan Trương thất trận rồi lạc nhau ở chiến trường Hà Bắc - đất của Viên Thiệu. Lẽ tự nhiên Quan Công nên đoán Lưu Bị đang ở Hà Bắc. Hơn nữa Quan Công khi vào chào hai chị dâu trước lúc ra trận cũng bảo rõ với hai chị là sẽ gặp quân Viên Thiệu. Kết quả như ta thấy: “Quan Công nhảy phắt lên ngựa, cắp ngược đao thanh long, phi thẳng xuống núi. Mắt phượng trợn tròn, mày tằm dựng đứng, xông thẳng vào trận địch. Quân Hà Bắc như nước rẽ sóng lan, Quan Công lao thẳng đến chỗ Nhan Lương, Lương đang đứng dưới lọng, thấy Quan Công xông đến, đang toan muốn hỏi thì ngựa Xích Thố chạy mau đã phi tới trước mặt. Nhan Lương trở tay không kịp bị Quan Công vung đao đâm chết dưới ngựa. Quan Công nhảy xuống, cắt đầu Nhan Lương treo dưới cổ ngựa, lại xách đao phi ngựa quay ra như đi chỗ không người.” (chúng tôi nhấn mạnh bằng in nghiêngLTT). Thế là quân Hà Bắc đại bại đến nỗi Huyền Đức suýt bị Viên Thiệu lôi ra chém đầu. Kế đó Văn Sú đi báo thù cho Nhan Lương. Lần này không thấy kể Tào Tháo gọi Quan Công trợ chiến. Chỉ thấy tiểu thuyết kể đoạn Văn Sú đang đuổi theo Trương Liêu, Từ Hoảng thì Quan Công xuất hiện. Giao chiến 30 hiệp Văn Sú bỏ chạy “Quan Công ngựa chạy nhanh, sấn ngay phía sau: chỉ một đao chém chết Văn Sú dưới ngựa”. Tử Vi Lang chú thích khá thú vị: “Nếu Sú biết... mắng Quan Công một câu – Anh mày ở bên Viên tướng quân, sao mày phản bội? – thì Sú đã không chết”14. Tưởng trước hết cũng nên phân vân một điều là tại sao Quan Công không hỏi trước viên tướng Hà Bắc lấy một câu mới phải!

    Có thể những phân tích trên đây vô hình trung xúc phạm đến tâm thức tôn sùng Quan Công15 của không ít người. Thế nhưng bản ý của chúng tôi chỉ là trình bày một cách đọc hiểu cố gắng không a dua tâm lý phổ thông và thường xuyên gắn liền với văn bản. Cách đọc đó bắt buộc ta phải xét lại những ý kiến thường vẫn hay được viện dẫn mỗi khi phân tích thế giới nhân vật Tam Quốc nói chung, hình tượng Quan Công nói riêng - đại loại: “Đến như việc tả người cũng có chỗ không đạt: muốn làm rõ vẻ đôn hậu của Lưu Bị mà lại tuồng như là như giả dối, kể tả mưu trí Khổng Minh lại tựa yêu ma. Chỉ có tả nhân vật Quan Vũ là đặc biệt nhiều lời nói tốt. Cái khí khái nghĩa dũng như hiện lên mồn một”16. Hoặc ngược lại: “Tam quốc chí diễn nghĩa cực lực tôn sùng Quan Vân Trường, vậy mà tả ra rồi lại không tránh được có vẻ cương gàn tự đại.” Cách đọc đó cũng sẽ giúp độc giả Tam Quốc nhận ra đằng sau sự thú vị của tình tiết câu chuyện là cả một bề sâu của biết bao ý vị nhân sinh và dư ba tâm tưởng17. Chính điều đó làm nên sức sống nhân vật, gợi lên sự sâu thẳm của cuộc đời nhân thế cũng như những éo le của lịch sử. Sức hấp dẫn của khắc họa chân dung các sử nhân của tiểu thuyết lịch sử chính là ở chỗ đó.

    4. Vài lời kết luận

    Trình bày của chúng tôi trong bài viết này có thể ít nhiều gợi cảm giác coi thường giá trị nhận thức của sử liệu cũng như tính chính diện của nhân vật lịch sử nhất định. Nhưng bản ý của chúng tôi không nhằm tranh luận về đạo đức chính sử. Chúng tôi chỉ muốn đề cập tình trạng không ý thức rạch ròi trong nhận thức sử và văn dẫn đến những tranh cãi vô bổ dù trên thực tế chẳng ai cấm được ta quyền lấy sử đọc văn và ngược lại lấy văn viết sử! Một độc giả thuần thục trong tiếp nhận văn và sử là một độc giả phân biệt được lịch-sử và tiểu-thuyết, thông cảm với đăm chiêu của sử gia mà cũng phải biết vui đùa cùng hoạt kê của tiểu thuyết, phục cái trơ gan cùng tuế nguyệt mà cũng buồn chuyện cau mặt với tang thương18. Một phần quan trọng trong nhận thức này liên quan đến việc thấu tỏ vấn đề mà chúng tôi nêu rõ từ đầu trong nhan đề bài viết – “thi pháp chân dung nhân vật lịch sử trong chính sử và trong tiểu thuyết”.

 

 

 

Chú thích:
1 Lời Chavannets, một dịch giả Sử ký. Dẫn lại từ Sử ký của Tư Mã Thiên, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê giới thiệu, trích dịch và chú thích, Lá Bối in lần thứ nhất 1970, Saigon-Vietnam, tr. 58.
2 Chẳng hạn mãi về sau Bồ Tùng Linh vẫn còn quay lại với Sử ký khi sử dụng hình thức “Dị sử thị có lời” cuối mỗi truyện (ở ta, Nguyễn Dữ cũng dùng hình thức đó trong Truyền kỳ mạn lục). Nhưng ta nên nhớ Liêu Trai chí dị là một tập đoản thiên (như Sử ký chủ yếu là một tập liệt truyện, hình tượng Dị sử thị và hình tượng Thái Sử Công theo chúng tôi là một yếu tố kết cấu, nó làm cho toàn bộ các thiên kết thành tập, nó là cái bóng của một kẻ biên tập vô hình) chép chuyện Liêu Trai trong lúc Tam Quốc chí diễn nghĩa là một thí nghiệm trường thiên kể câu chuyện thiên hạ trăm năm.
3 Chuyện những con người đó đối với chúng ta ngay nay tựu trung có thể xem là gương người xưa, là “thông giám” của nhân sinh. Tư Mã Quang biên soạn sử các đời để làm gương chung giúp trị quốc (Tư trị Thông giám - bộ biên niên sử đồ sộ này được dịch sang Anh ngữ với đầu đề Comprehensive Mirror for Aid In Government – Tấm gương soi cho việc cai trị hành chính). Độc giả phàm nhân ta đây không ngại đọc gương cổ nhân để xem đó là một thứ tu thân thông giám. Ta cũng biết về sau, Hồng lâu mộng chẳng hạn được gọi là Phong nguyệt bảo giám (The Precious Mirror of Romance). Người Trung Quốc có câu “Trẻ không đọc Thuỷ hử già không xem Tam Quốc” (sợ trẻ làm loạn, răn già mưu mô). Thực ra một tiểu thuyết gia có bản lĩnh thì sẽ không dạy đời một cách đơn giản, cũng như một độc giả có bản lĩnh thì truyện Phan Trần hay nôm Thuý Kiều hà tất phải phân biệt trai hay gái mới được đọc. Chỉ có phê bình dung tục mới làm hư độc giả.
4 Người ta vẫn thường hay dẫn một phần câu nói của Chương Học Thành (bảy thực ba hư) khi bàn về Tam quốc. Nhưng đại bộ phận thường không hay dẫn trọn vẹn. Tuồng như người dẫn ngại thái độ tiêu cực (làm rối loạn người xem) của học giả này. Thực ra như chúng tôi thấy, không có lý gì để có thể đánh giá tiểu thuyết này theo lập trường sử học thuần tuý như vậy. Vả chăng bảy thực ba hư cũng chỉ là một cách nói. La Quán Trung diễn nghĩa lịch sử bằng một trọn vẹn tiểu thuyết. Ta không thể dùng lối khảo đối tỷ lệ thực hư thuần tuý sử gia như thế được và ta cũng không thể xem cái gọi là hư cấu diễn nghĩa chỉ như là một phần gia thêm vào trong tác phẩm bên cạnh những tài liệu chứng minh rõ được là lấy từ nguồn sử liệu nào đó như ý của Lỗ Tấn.
5 Lỗ Tấn (2002), Trung Quốc tiểu thuyết sử lược (Đệ thập tứ thiên Nguyên Minh truyền lai chi giảng sử ), Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, tr. 234.
6 Chu Nhất Huyền (1990), Minh Thanh tiểu thuyết tư liệu tuyển biên, Tề Lỗ thư xã, tr. 119, 132, 134.
7 Minh Phi (1989), “Cổ kim tiểu thuyết bình lâm”, in trong Minh Thanh tiểu thuyết tư liệu tuyển biên (Chú Nhất Huyền), Tề Lỗ thư xã xuất bản, tr. 345.
8 Hồ Thích cổ điển văn học nghiên cứu luận tập, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1998, tr. 733.
9 Trần Truyền Tịch, “Bề ngoài phê Tào, bên trong phê Lưu – tân luận về nội dung tư tưởng Tam Quốc Diễn nghĩa”, đăng trên Minh Thanh Tiểu thuyết Nghiên cứu, Kỳ 1, 2000.
10 Hoàng Sương, Hứa Kiến Bình (2006), Nhị thập thế kỷ Trung Quốc cổ đại văn học nghiên cứu sử - Tiểu thuyết quyển, Đông Phương xuất bản trung tâm, tr. 222.
11 Xin không lẫn với trường hợp thực tiễn sáng tác tuân theo một cách tự giác bút pháp chủ nghĩa hiện thực đã buộc các nhà văn phải thể hiện một cách khách quan vận động của một hình tượng nhân vật mà không để cho ý thích và tình cảm cá nhân chủ quan làm phương hại đến tính chân thực của hình tượng trong các tiểu thuyết thế kỷ XIX ở Nga hoặc châu Âu.
12 Tôn Thuật Vũ dường như từng có chút do dự khi tìm cách dịch cho sát hợp từ “ironny”. Ông có lúc dịch là “mỉa ngược” (nguyên văn “phản phúng”), có lúc dịch âm “ái lãng ni ” [dùng âm ba chữ Hán để phiên từ tiếng Anh này, kiểu như ta nói bồi một từ Tây ví dụ “a-ma-tơ” – LTT]. Xin xem Tôn Thuật Vũ, Kim Bình Mai đích nghệ thuật, Thời báo văn hoá xuất bản công ty, bản in 1979, tr. 48.56 (chú thích của Andrew H. Plaks).
13 Andrew H. Plaks phân biệt Tam Quốc bản Gia Tĩnh và Tam Quốc bản Mao Tôn Cương. Có một sự khác biệt nhất định giữa chúng. Chẳng hạn, Mao bản cắt đi một số miêu tả tích cực đối nhân vật Tào Tháo vốn có trong bản Gia Tĩnh. Thành thử trên một mức độ nào đó có thể nói có một Tào Tháo của Mao Tôn Cương và một Tào Tháo của La Quán Trung.
14 Andrew H. Plaks (1996), Trung Quốc tự sự học, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, tr. 115, 120-122.
15 La Quán Trung (2004), Tam quốc diễn nghĩa (quyển thượng), Nhân dân Văn học xuất bản xã, tr. 215.
16 La Quán Trung(2006), Tam quốc chí diễn nghĩa (hai tập), lời bình Mao Tôn Cương, dịch thuật Mộng Bình Sơn, NXB Văn hoá Thông tin, tr. 447.
17 La Quán Trung (2006), Tam quốc chí diễn nghĩa (trọn bộ hai tập), lời bình Mao Tôn Cương, dịch thuật Tử Vi Lang, NXB Văn hoá Thông tin, tr. 356.
18 Sử gọi “Quan Vũ”, dân gian xưng “Quan Đế”. Trong tiểu thuyết, chẳng hạn Gia Cát Thừa tướng khi có việc hỏi đến thường kêu tên chữ “Vân Trường”.
19 Lỗ Tấn (2002), Trung Quốc tiểu thuyết sử lược (Đệ thập tứ thiên Nguyên Minh truyền lai chi giảng sử ), Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, tr. 456.
20 Chúng tôi đã trình bày cách đọc hình tượng này trong “Đọc lại Quan Công”, Tạp chí Khoa học (chuyên san Khoa học xã hội&Nhân văn), Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 26, Số 4, 2010, tr. 246-259.
21 Lê Thời Tân, “Tào Tháo-Câu chuyện hình tượng tiểu thuyết và con người lịch sử”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tập 57, số 6, 2012, tr. 3-8.

Bình luận

    Chưa có bình luận