Thiên hoàng Go-Toba (tức Hậu Điểu Vũ Thiên hoàng 後鳥羽天皇 ) sinh ngày 6 tháng 8 năm 1180, mất ngày 28 tháng 3 năm 1239, tại vị được 15 năm (từ 1183 đến 1198). Tên thật của ông là TakahiraShinno (尊成親王, Tôn Thành Thân Vương). Takahira-Shinno là con trai thứ tư của Thiên hoàng Takakura, cháu trực hệ của Thiên hoàng Go-Shirakawa. Tính từ thế kỷ thứ VII với vị Thiên hoàng đầu tiên tên là Jimmu (Thần Vũ Thiên hoàng) trong thời kỳ truyền thuyết, Go-Toba là vị Thiên hoàng thứ 82 thuộc thời Heian. Go-Toba là một trong những vị hoàng đế-thi nhân độc đáo vào bậc nhất của xứ hoa anh đào. Ngoài thi tài dồi dào và mãnh liệt, ông còn là một nhà thi học, nhà phê bình “sắc sảo và nhạy cảm”1 của thời trung đại Nhật Bản. Vị thế lịch sử của ông trong đời sống văn hoá quý tộc Nhật Bản còn thể hiện qua vai trò “ông hoàng bảo trợ thơ ca” với công lao tổ chức tinh tuyển và xuất bản tác phẩm lừng danh Shin Kokinwakashu (新古今和歌集, Tân Cổ Kim hoà ca tập).
後鳥羽天皇 – Go-Toba (Hậu Điểu Vũ Thiên Hoàng)4
1. Quyền lực đế vương mong manh
Cuộc đời Thiên hoàng Go-Toba nằm trong khoảng giữa từ nửa sau thế kỷ XII đến nửa đầu thế kỷ XIII. Đó là thời kỳ biến động lớn ở Nhật do sự mâu thuẫn sâu sắc về quyền lực giữa giới quý tộc triều đình và tầng lớp võ sĩ Kamakura. Sự lớn mạnh của tầng lớp võ sĩ (bushi) được bắt đầu thế kỷ X, khi các hào tộc trỗi dậy và lôi cuốn nhiều người nông dân trở thành một thế lực có vũ trang với quy mô lớn. Cũng trong giai đoạn này, xã hội Nhật chuyển từ cơ chế luật lệnh sang cơ chế chính trị của Nhiếp chính và Quan bạch2, quyền lực tập trung dần vào tay Thiên hoàng3. Thời đại của Go-Toba cũng được xem là thời kỳ tự do điều hành chính sự mà không bị lệ thuộc vào lề thói và luật tục xã hội.
Trong bối cảnh rối loạn của triều đình do chiến tranh Genpei, từ lúc mới lên ba, Takahira-Shinno đã lên ngôi Thiên hoàng với hiệu là Go-Toba. Nhưng chỉ chín năm sau, với sự kiện phong cho Minamoto no Yoritomo làm Shogun nước Nhật, Thiên hoàng Go-Toba đã lui vào hậu trường về danh nghĩa. Năm 1198, Go-Toba chính thức (thực tế là bị đặt vào thế) thoái vị, trở thành Thượng hoàng (Thái thượng Thiên hoàng).
Về giai đoạn lịch sử này, theo phân tích của Shuichi Kato, việc Go-Toba khởi xướng cuộc nổi dậy Jokyu năm 1221 chống lại quyền lực Kamakura5 là một trong hai kiểu phản ứng đặc trưng nhất của giới quý tộc Nhật Bản. Kiểu phản ứng thứ nhất là nắm lấy cơ hội quý giá để thiết lập âm mưu lật đổ chính quyền quân nhân được hình thành từ Mạc Phủ Kamakura, phục hồi lại hệ thống quyền lực toàn trị cũ của triều đình. Trong khi đó, “cách phản kháng thứ hai có vẻ sáng sủa hơn do chính sách của Fujiwarano Kanezane (1149–1207) và những mối quan hệ thân cận của ông với Yorimoto. Chính sách của Kanezane là giữ gìn (khu tự trị) quyền tự chủ của Kyoto bằng cách thoả hiệp với Kamakura và duy trì những đặc quyền với giới quý tộc càng nhiều càng tốt (…). Một số quý tộc đã chấp nhận thái độ ứng xử thứ hai này như một phương cách để bảo vệ bản thân”6. Sự đối đầu dai dẳng và căng thẳng với Mạc phủ trong cuộc biến loạn Jokyu năm 1221 khiến Go-Toba (lúc này là Thượng hoàng) đã trở lại chính trường, tập hợp võ sĩ chống lại Mạc phủ. Thất thủ ngay tại kinh đô do bị nội phản, Go-Toba bị Mạc phủ đày ra đảo Oki và sống ở đấy đến lúc qua đời.
Bản thân Go-Toba đôi khi cũng tự xem mình là một “bạo vương” thất thường, một nghệ sĩ nồng nhiệt và kiêu bạc bên trong một chính trị gia hà khắc và đơn độc. Triều đình nơi ông cư ngụ là chốn phong lưu triền miên của giới quý tộc và vũ nữ cung đình (shirabyoshi), nhưng cũng là nơi ông chôn giấu nỗi hận quyền lực đế vương và nuôi dưỡng âm mưu dữ dội về một cuộc lật đổ bất thành.
Gác lại những mối bận tâm và bi kịch triều chính, ba vị Thượng hoàng gồm Shirakawa, Go-Shirakawa và Go-Toba rất sùng kính Phật giáo. Họ đều là những vị Thiên hoàng xuất gia sau khi nhượng vị, sẵn lòng chuyển danh xưng tôn kính từ Thái thượng thiên hoàng (Dajotenno) sang cách gọi đơn giản hơn là Thượng hoàng (Joko). Và khi xuất gia, họ được gọi là Pháp hoàng (Hoo). Trong những ngày ảm đạm của sự nghiệp, Go-Toba đã dốc lòng thờ Phật và nương tựa giáo lý nhà Phật, đặc biệt là Tịnh độ tông.
2. Từ vị Thiên Hoàng toàn tài đến nhà bảo trợ nghệ thuật cung đình vĩ đại
Go-Toba trở thành biểu tượng lớn về một Thiên hoàng – nghệ nhân, một ông vua toàn tài. Ông lão luyện mọi trò chơi tao nhã nơi cung cấm và biến nó thành một một văn hoá sống phong lưu, cá tính. Ông chơi được đàn tì bà (biwa) cũng như nhiều nhạc cụ khác; ông cũng chưa bao giờ ngừng đam mê sarugaku, một hình thức kịch nghệ sơ khai thời đó. Người ta thấy ông thường say đắm múa ca với những vũ nữ cung đình (shirabyoshi). Ông cũng là một chuyên gia đặc biệt của đội bóng hoàng gia (kemari)7, và cũng là một nhà thiết kế tài ba cho nền học vấn truyền thống và những thực hành tao nhã trong văn hoá quý tộc cao cấp Nhật. Đối với những môn thể thao, cũng là nghệ thuật của giới võ sĩ, ông thuần thục trong mọi sân chơi: cưỡi ngựa, bắn cung, chọi gà, đấu vật, bơi lội; kỹ thuật bắn điêu luyện của ông được mô tả như một huyền thoại: “ngồi trên lưng ngựa mà bắn vào những con chó đang chạy và những tĩnh vật từ xa”8. Ông cũng là người mê say biểu diễn kiếm thuật cùng các nghệ thuật thượng võ khác. Nói cách khác, “Ông là một “tín đồ” của nghệ thuật võ sĩ”9.
Nhưng không dừng lại ở đó, Go-Toba có tư chất một nghệ sĩ lớn với niềm say mê vô hạn đối với di sản thơ ca truyền thống Nhật Bản: Waka (Hoà ca). Ông là vị Thượng hoàng có vai trò quan trọng nhất trong việc tinh tuyển, tập hợp và xuất bản cuốn Shin Kokinwakashu (Tân Cổ Kim hoà ca tập), gọi tắt là Shin Kokinshu (Tân Cổ Kim tập). Cuộc đời sôi nổi, say đắm, nồng nhiệt và bạo liệt của Go-Toba in đậm trong mọi hành xử và phát ngôn thi ca, thi luận mà ông để lại. Brower đã rất có lý khi cho rằng: “Hoạt động chính trị của Go Toba thành công một cách trớ trêu chỉ trong sự cố thủ quyền lực vương triều mà ông ấy căm ghét, nhưng sự tham gia của ông và sự bảo hộ cho đời sống văn hóa của hoàng gia – đặc biệt, những hoạt động đi vào trung tâm của sự thực hành waka, hay thơ ca Nhật Bản – thì lại đạt kết quả mĩ mãn hơn. Cùng lúc ấy, sự mẫn tiệp và lòng nhiệt huyết đã dẫn đưa ông tìm đến nhiều thứ xung quanh (hơn là chính trị) mà ở đó, dù chỉ là người tham dự hay kẻ trong cuộc, ông cũng đều đạt tới đỉnh cao trong hầu hết những thành tựu và nghệ thuật giải trí phong nhã của thời đại ông sống”10.
Go-Toba có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc tổ chức biên soạn tập đại thành Tân Cổ Kim hoà ca tập (Shin Kokinwakashu), ông còn là minh chứng hoàn hảo cho mối quan hệ giữa chế định văn hoá và thực hành chính trị. Thể waka của người Nhật vượt qua sứ mệnh một thể thơ, trở thành một cái trụ để văn hoá Edo xoay quanh đó, kéo theo những biến đổi tế vi về chính trị. Với sắc lệnh biên soạn Tân Cổ Kim tập, Go-Toba đồng thời cũng tổ chức một Hội đồng Hoà ca Hoàng gia trước khi dùng mọi nỗ lực để lật đổ chính quyền Kamakura11. Chữ tân (新shin) trong nhan đề tuyển tập là mấu chốt mọi diễn biến thi học và tư tưởng của Go-Toba cũng như những thi nhân lỗi lạc thời Edo, những người đồng hành với Go-Toba. Từ trong quá khứ, waka từng lôi cuốn bao trái tim yêu thơ một phần vì nó chất chứa những mĩ cảm riêng có của người Nhật: Yugen (u huyền) và Ushin (hữu tâm). Trong đó “Yugen bao hàm một cảm giác mơ hồ tinh tế hoặc cảm xúc được gạn lọc ra giữa những dòng chữ và những ám gợi của các từ ngữ (Shunzei và Chomei). Ushin dường như là một từ thích ứng (được ghép vào) với những sự bộc lộ trang nhã tế vi hoặc để chỉ những cảnh tình cao nhã” nhưng lại “rất khó để định nghĩa trong thi học waka và có nhiều cách khác nhau để nhìn nhận ngay cả một bài thơ được cho là bộc lộ sâu sắc những phẩm chất này, dường như không thể chắc chắn được ý nghĩa của nó trong cảm nhận nghiêm ngặt”12. “Khoảng trống lớn” trong việc sơ đồ hoá một quá trình lịch sử thật sự của những thuật ngữ mĩ học quan trọng là động lực cho giới quý tộc Nhật Bản xây dựng lại chuỗi những giá trị mĩ học như là một hành động giữ lấy những đặc quyền trong quan hệ phức tạp với giới võ sĩ Kamakura. Cách đặt vấn đề của Go-Toba về một tuyển tập mới, khác biệt với Cổ Kim tập (Kokinshu) được biên soạn gần 300 năm trước, nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của giới trí thức tinh hoa và quý tộc triều đình vì lẽ đó. Tầm vóc thi học của Go-Toba là sự đảm bảo bằng vàng cho tài năng thơ ca đặc biệt của ông, điều mà không ai có thể bác bỏ. Nhiều sử sách ghi nhận, ngay lúc khởi sự, Go-Toba đã hỗ trợ việc biên soạn với tư cách cá nhân, một nhà thơ tài hoa, mà chưa phải với tư cách một cựu hoàng. Năm 1201, ông thiết lập Hội đồng Thơ ca (wakadokoro) ngay tại hoàng cung, đồng thời chọn lựa 11 môn đệ tài hoa nhất vào nhóm biên soạn. Vài năm sau đó, ông chính thức bước vào quá trình biên soạn cụ thể cho tuyển tập với 6 môn đệ (cộng sự) xuất chúng, trong đó, tên tuổi của Fujiwara no Teika được xem là quan trọng nhất. Mối quan hệ của Go-Toba và Teika cũng trở thành một chủ đề lớn nhằm giải mã linh hồn waka thời kỳ này cũng như sự xây đắp bền vững giá trị mĩ học của Tân Cổ Kim tập.
石清水八幡宮 (一遍聖絵) 巻9清淨光寺 (Thạch Thanh Thuỷ Bát Phiên Cung (Nhất Biến Thánh Hội) Quyển 9 Thanh Tịnh Quang Tự)13
Trên thực tế, việc biên soạn tuyển tập được tiến hành một cách cẩn trọng và dân chủ chưa từng có. Trong thư phòng đặc biệt dành riêng cho công cuộc to lớn này, ông đích thân tổ chức nhiều cuộc hội đàm, luận đàm về thơ ca với một tấm lòng nhiệt thành hiếm hoi ở một ông hoàng. Ông cũng tự đưa thơ của mình vào các cuộc bàn luận thi học, không ngần ngại chia sẻ bút danh một cách minh bạch.
Câu chuyện từ Thơ của mười nghìn chiếc lá (Vạn diệp tập) đến Cổ Kim tập và Tân Cổ Kim tập là một câu chuyện kỳ thú của hàng nghìn tâm sự, được chắt lọc từ hàng bao trái tim thi nhân rung lên trước bao mùa trong thời gian miên viễn. Nhiều tâm hồn sầu thảm được in dấu, nhiều tâm sự trái ngang được hé lộ, nhiều nỗi niềm thổn thức trước vô thường được cất lên, ánh sáng u huyền của đạo tâm thoáng hiện sâu xa. Sức ảnh hưởng lớn lao của Tân Cổ Kim tập trong lịch sử thơ ca Nhật Bản gắn với tên tuổi GoToba, một Thiên hoàng, Thượng hoàng, Pháp hoàng đã sống bằng tâm hồn say đắm của một thi nhân luyến ái cả đạo lẫn đời.
Tài liệu tham khảo:
1. Brower, Robert H (1961), Japanese Court Poetry, Earl Minner, Stanford University Press.
2. Brower, Robert H (1972): “Ex-Emperor Go-Toba’s Secret Teachings”: Go-Toba no in Gokuden, Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol.32, pp. 5-70.
3. Nhật Chiêu (2007), Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868, NXB Giáo dục.
4. Donald Keene (1955): “Anthology of Japanese Literature (From the Earliest Era to the Mid-Nineteenth Century)”, Grove
Press, pp.191 – 196.
5. Shin Kokin waka shu. English Shin Kokinshu: The 13th-century Anthology Edited by Imperial Edict The.Front Cover.,
Heihachiro Honda, 1970.
6. Shuichi Kato (1979), A history of Japanese Literature, The first thousand years, Translated by David Chibbett, Kodansha International LTD., Tokyo, New York, San Francisco.
7. Nguyễn Nam Trân, Giáo trình Lịch sử Nhật Bản, nguồn: http://chimviet.free.fr/ vannhat/namtran/GiaoTrinhLSNhatBan/ NNT_GTLichSuNB_1_ch03.htm (truy cập ngày 18/8/2017).
8. 新古今和歌集,峯村, 文人, 峯村文人校注・訳, 東京 : 小学館, 1983.
Chú thích;
1, 8, 9, 10 Brower (1972): “Ex-Emperor Go-Toba’s Secret Teachings”: Go-Toba no in Gokuden, Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 32, tr. 5, 6, 6, 8.
2 Nguyễn Nam Trân trong Giáo trình Lịch sử Nhật Bản phân tích: “sesshô (nhiếp chính) là chức đại diện thiên hoàng toàn quyền thực thi hành chính cho đến khi tân quân đến tuổi trưởng thành, còn kanpaku (quan bạch) là người trông coi giúp rập thiên hoàng khi ông đã thành nhân rồi. Khoảng thời gian này, cánh nhà Fujiwara đã độc chiếm hai chức vụ ấy và vinh hoa của dòng họ nhờ đó mà lên đến tột đỉnh”, nguồn: http://chimviet.free.fr/vannhat/namtran/ GiaoTrinhLSNhatBan/NNT_GTLichSuNB_1_ch03.h tm (truy cập ngày 18-8-2017).
3 Mô hình vương quyền mới này làm nảy sinh cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Thiên hoàng và Thái Thượng hoàng, tức mâu thuẫn nội bộ hoàng tộc, tiêu biểu cho mâu thuẫn này là hai cuộc biến loạn năm Hôgen và năm Heiji, được xem như một biểu hiện rõ ràng nhất cho việc chấm dứt mô hình nhà nước luật lệnh cổ đại.
4 Nguồn: 後鳥羽上皇, 新古今集はなにを語る か、東京 : 角川学芸出版、2012.
5 Một chính thể hình thành từ quá trình phát triển của các võ đoàn (tập hợp các lực lượng võ sĩ) đến sự chi phối sâu sắc các biến loạn xã hội bằng vũ trang, sau tạo nên chế độ Mạc phủ Kamakura. Ban đầu, chính thể này phát triển song song với quyền lực triều đình, sau bành trướng mạnh mẽ, chi phối nhiều mặt chính trị, văn hoá, xã hội.
6, 12 Shuichi Kato (1979), A history of Japanese Literature, The first thousand years, Translated by David Chibbett, Kodansha International LTD., Tokyo, New York, San Francisco, tr. 239, 241.
7 Trò chơi bóng cổ thịnh hành trong thời Heian, có nguồn gốc từ Trung Hoa.
11 Shuichi Kato, A history of Japanese Literature, The first thousand years, Translated by David Chibbett, Kodansha International LTD., Tokyo, New York, San Francisco, 1979, kiến giải mối quan hệ thi học và chính trị thời Heian như sau: “Lý thuyết thơ hoà ca liên hệ đến thời sơ kỳ Heian. Khi đó, người ta đã phân loại waka trong cách làm quen thuộc với thơ ca Trung Hoa và đề xuất một danh sách những nguyên tắc thi học phi chính thống trong thơ như là nền tảng của sự đánh giá (suy đoán, nhận định) trong cuộc tranh luận về thơ. Sự chế định thể hoà ca và nỗ lực thiết lập các giá trị khách quan trong hoà ca phát triển chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, sau thời đại của thân phụ Teika (Fujiwarano Shunzei (1114-1204), nhà biên soạn Senzaishu và là tác giả của tác phẩm luận thuyết Korai Futeishu), lý thuyết hoà ca trong thời đại Kamakura, đặc biệt là thông qua nỗ lực của chính Teika, đã thoát ra khỏi những ảnh hưởng khác biệt của thơ ca Trung Hoa và đi xa hơn sự phác hoạ đơn giản về hình thức và những nguyên tắc thi học (thực hành) phi chính thống để khẳng định những giá trị mĩ học mới. Một nhận thức về giá trị của văn học thuần tuý phân biệt với các giá trị khác đã phát triển, dẫn đến kết quả là mở rộng phương pháp luận của tiến trình sáng tạo đã được thiết lập từ thời Heian. Khi một chế độ chi phối hoàn toàn chế định của waka sụp đổ thì sẽ xuất hiện một ý thức thơ ca như là một giá trị vượt qua mọi chế độ; điều này được phát biểu trực tiếp trong những tác phẩm thi luận viết vào thời Kamakura”.
13 Đền Thạch Thanh Thuỷ (nằm trong Bộ tranh về cao tăng Nhất Biến, quyển 9), được lưu giữ ở chùa Thanh Tịnh Quang. Đây là ngôi đền được Thiên hoàng Go-Toba thăm viếng và tế lễ vào khoảng năm 1178, nguồn: 後鳥羽上皇, 新古今集はなにを語る か、東京 : 角川学芸出版、2012.