Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, các tác phẩm văn học trẻ em của phương Tây như Truyện cổ Andersen, Truyện cổ Grimm và một số tác phẩm kinh điển bắt đầu được dịch và lưu hành ở Trung Quốc. Đầu thế kỷ XX, văn học trẻ em Trung Quốc đã ra đời. Các nhà nghiên cứu lịch sử văn học xác định truyện ngắn Chiếc thuyền nhỏ màu trắng (Diệp Thánh Đào, 1921) là tác phẩm văn học trẻ em đầu tiên của Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, văn học trẻ em Trung Quốc đã trải qua các giai đoạn phát triển: 1921-1949; 1949-1965; 1966-1976; 1977- 1990; 1990-1999; từ 1999 đến nay.
Năm 1999, bản dịch tiếng Trung tác phẩm Harry Potter lần đầu tiên được xuất bản đã trở thành một thành công lớn về mặt tiếp thị và là sự kiện mở đầu giai đoạn văn học trẻ em Trung Quốc thế kỷ XXI – giai đoạn văn học trẻ em phát triển trong quỹ đạo của văn hoá thị giác, giải trí và tiếp thị. Trong 20 năm đầu thế kỷ này, văn học trẻ em Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến. Như tác giả Tăng Phương nhận xét: “Bước sang thế kỷ XXI, việc sáng tác và xuất bản văn học thiếu nhi Trung Quốc đã mở ra sự thịnh vượng chưa từng có: một thế hệ nhà văn mới đã trưởng thành, số lượng sách văn học thiếu nhi trong nước tăng lên rất nhiều, các phương pháp sáng tác và phong cách sáng tác không ngừng đổi mới”1.
Theo tác giả Vương Tuyền Căn, cuối những năm 90 của thế kỷ XX đến vài năm đầu của thế kỷ XXI, tình hình xuất bản văn học thiếu nhi ở Trung Quốc có một thực tế là văn học thiếu nhi nước ngoài dịch sang tiếng Trung nhiều hơn sáng tác trong nước. Thế nhưng, kể từ năm 2003 trở đi, tình hình đã đảo ngược. Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH Kỹ thuật thông tin Kaijuan Bắc Kinh, năm 2007, sách thiếu nhi nội địa Trung Quốc đã được độc giả nhỏ tuổi ưa chuộng hơn sách nước ngoài. Cũng theo số liệu của tổ chức trên, kể từ năm 2010, vị trí của văn học thiếu nhi nhập khẩu trong danh sách Top 30 hàng năm ngày càng thu hẹp, đến năm 2014, văn học thiếu nhi nhập khẩu chỉ còn 3 chỗ trong Top 30, 27 chỗ còn lại đều là tác phẩm văn học trẻ em nội địa Trung Quốc. Theo thống kê của Cục Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc công bố trong Tình hình cơ bản của ngành báo chí và xuất bản toàn quốc năm 2018, vào năm này, Trung Quốc xuất bản 22.791 ấn bản mới và tái bản 21.405 đầu sách thiếu nhi, tổng cộng khoảng 888,58 triệu bản2.
Dưới đây chúng tôi giới thiệu một số điểm nổi bật về đội ngũ sáng tác và thể loại văn học thiếu nhi Trung Quốc trong hai mươi năm đầu thế kỷ này.
1. Đội ngũ tác giả
Trải qua hơn 100 năm phát triển, đội ngũ sáng tác của văn học trẻ em Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến. Cho đến nay, văn học trẻ em Trung Quốc đã trải qua 5 thế hệ tác giả.
Thế hệ thứ nhất - thế hệ nhà văn khai sáng văn học (thời kỳ Phong trào Ngũ Tứ): bản thân các tác giả khai phá của văn học trẻ em này đồng thời cũng là những người khai phá của văn học hiện đại Trung Quốc. Đóng góp chủ yếu của những tác giả tiên phong này là đề xướng và xây dựng nền móng. Một số tác giả tiêu biểu như: Diệp Thánh Đào, Băng Tâm, Mao Thuẫn, Trịnh Chấn Phong…
Thế hệ thứ hai - thế hệ các nhà cách mạng, nhà văn cứu quốc trong hoàn cảnh chiến tranh những năm 1930, 1940: thế hệ các nhà văn này dùng ngòi bút văn học của mình trực tiếp thâm nhập vào các vấn đề thời đại cách mạng cứu quốc đương thời. Một số tác giả tiêu biểu là: Trương Thiên Dực, Trần Bác Xuy, Nghiêm Văn Tỉnh, Hạ Nghị…
Thế hệ thứ ba - thế hệ tác giả trong bối cảnh “17 năm” (1949-1966): họ là thế hệ nhà văn tạo nên thời kỳ hoàng kim đầu tiên của sáng tác văn học thiếu nhi Trung Quốc, đồng thời họ đã không ngừng khám phá nghệ thuật và theo đuổi dân tộc hoá văn học trẻ em Trung Quốc. Một số tác giả tiêu biểu là Nhậm Đại Lâm, Từ Quang Diệu, Nhậm Dung Dung, Kha Nham, Cát Thuý Lâm, Tôn Ấu Quân, Kim Ba…
Thế hệ thứ tư - thế hệ tác giả trải qua phong trào “tiến về nông thôn”, “khôi phục kỳ thi đại học”, bước vào thời kỳ “cải cách khai phóng”: kinh nghiệm sống đặc biệt của thế hệ nhà văn này đã rèn giũa họ kiên trì, bền bỉ với trách nhiệm bảo tồn văn hoá và giáo dục đạo đức thẩm mĩ. Bất luận là “theo đuổi vĩnh hằng” hay “cảm khái thời đại”, họ đều nỗ lực thực hành quan niệm dùng văn học để hình thành tính cách dân tộc tương lai và xây dựng nền tảng nhân văn tốt đẹp cho văn học thiếu nhi. Họ không chỉ là đội ngũ tác giả những năm 80, 90 của thế kỷ XX mà còn là lực lượng trung kiên của văn học thiếu nhi Trung Quốc thế kỷ XXI. Ví dụ Tào Văn Hiên, Tần Văn Quân, Trương Chi Lộ, Hoàng Bội Giai, Thẩm Thạch Khê, Thường Tân Cảng, Đổng Hồng Du, Chu Nhuệ, Băng Ba, Trịnh Xuân Hoa…
Thế hệ thứ năm - các tác giả trẻ 6x, 7x, 8x… đang dần trở thành lực lượng sáng tạo nhất, có sức ảnh hưởng nhất và có sức hấp dẫn nhất của văn học thiếu nhi Trung Quốc hiện nay: kinh nghiệm trưởng thành và con đường văn chương của họ hoàn toàn khác với bốn thế hệ nhà văn trước. Những năm tháng trưởng thành của họ trùng với thời kỳ Trung Quốc cải cách mở cửa, họ lớn lên trong môi trường kinh tế thị trường và truyền thông đa dạng. Những tư duy mới và những thành tựu mới của thế hệ nhà văn thiếu nhi Trung Quốc này đã cho thấy sự rực rỡ của văn học thiếu nhi Trung Quốc trong thế kỷ công nghệ. Đây chính là lực lượng trẻ và mạnh mẽ để văn học thiếu nhi Trung Quốc tiếp tục phát triển và tiến lên phía trước. Nhờ sự dày công của họ mà sự phong phú, đa dạng và tính chất giao thoa của văn học thiếu nhi Trung Quốc với văn học thiếu nhi thế giới ngày càng rõ nét, nhiều thể loại mớira đời hoặc lớn mạnh hơn qua sự sáng tạo của họ, ví dụ như văn học thiếu nhi kỳ ảo, tiểu thuyết tuổi mới lớn, tiểu thuyết động vật, văn học thiếu nhi trực tuyến… Nhìn chung, thế hệ tác giả thứ năm đang trong giai đoạn sáng tạo đi lên, triển vọng tương lai rất hứa hẹn. Sáng tác của họ bám sát cuộc sống xã hội hiện đại, bám sát sự phát triển đời sống tinh thần và tâm lý tiếp nhận thẩm mĩ của thanh thiếu nhi hiện đại. Họ chú ý đến tính thời đại, tính dễ đọc và khả năng chuyển hoá tác phẩm thành các sản phẩm nghệ thuật thứ sinh khác (điện ảnh, truyện tranh, sách tranh). Vì những tác giả này hầu hết đã có trình độ học vấn cao, đồng thời là nhà văn mạng nên họ có ưu thế về kiến thức, về thông tin, về đa phương tiện hơn so với thế hệ nhà văn trước. Điều đó khiến cho sáng tác của họ có thể giao lưu với văn học thiếu nhi thế giới, thể hiện rõ tính tiên phong, tính thời đại và tính mới. Bên cạnh những ưu thế đã nói, thế hệ nhà văn này cũng có hạn chế nhất định: họ lớn lên trong bối cảnh kinh tế thị trường nên có xu hướng sa đà vào lối viết thương mại, thiếu tỉ mỉ so với cách viết của thế hệ nhà văn trước đó. Tác giả Vương Tuyền Căn trong bài viết Quan sát thực tế văn học thiếu nhi Trung Quốc hai mươi năm thế kỷ XXI đã liệt kê 165 tác giả văn học thiếu nhi của nhiều nhóm nhà văn khác nhau, ví dụ một số tác giả thuộc đội ngũ tác giả Giang Nam gồm Ân Kiến Linh, Lục Mai, Trương Khiết (Thượng Hải); Kỳ Trí, Hàn Thanh Thần, Vương Nhất Mai (Giang Tô); Thang Thang, Mao Lô Lô, Triệu Hải Hồng (Chiết Giang); Ngũ Mỹ Trân, Lý Tú Anh, Dương Lão Hắc (An Huy); Bành Học Quân, Hiểu Linh Đinh Đang, Lý Thu Nguyên (Phúc Kiến)…; một số tác giả thuộc đội ngũ tác giả Bắc Kinh gồm Lý Đông Hoa, Dương Bằng, Trương Quốc Long, Uông Nguyệt Hàm, Tôn Vệ Vệ, Hùng Lỗi…; một số tác giả thuộc đội ngũ tác giả Đông Bắc gồm Tiết Đào, Hắc Hạc, Lão Thần, Xa Bồi Tinh, Lưu Đông, Vương Lập Xuân…; một số tác giả thuộc đội ngũ tác giả Sở Tương gồm Thang Tố Lan, Đặng Tương Tử, Lâm Ngạn, Tạ Lạc Quân, Bì Triều Huy, Tiêu Mậu, Đồng Hỷ Hỷ, Thư Huy Ba…; một số tác giả thuộc đội ngũ Hà Bắc gồm Trương Ngọc Thanh, Tiêu Định Lệ, Châu Chí Dũng, Triệu Tĩnh, Lan Lan, Trác Anh Cầm…; Nhóm tác giả Sơn Đông gồm Hách Nguyệt Mai, Trương Hiểu Nam, Lý Tụ Thanh, Lỗ Băng, Lưu Bắc, Trương Cát Trụ, Châu Tập, Dương Thiệu Quân…; một số tác giả thuộc đội ngũ Tây Nam gồm Dương Hồng Anh, Chung Đại Hoa, Thang Bình, Dư Lôi, Tương Nữ, Lưu Trạch An, Thích Vạn Khải, Tăng Duy Huệ, Tưởng Bội, Giản Mai Mai…; một số tác giả của vùng “Lưỡng Quảng” là Lý Quốc Vỹ, Trần Thi Ca, Viên Bác, Hách Châu, Vương Dũng Anh, Bàn Hiểu Dục, Lâm Ngọc Xuân…; một số tác giả của vùng Sơn Tây và Tây Bắc gồm Lý Lợi Phương, Triệu Kiếm Vân, Tào Tuyết Thuần, Trương Lâm, Trương Giai Vũ; Cẩu Thiên Hiểu, Lưu Hổ, Triệu Hoa, Thôi Hân Bình, Lưu Nãi Đình, Vương Kỳ, Vương Hoan3…
Nhìn chung, đội ngũ sáng tác của văn học trẻ em Trung Quốc của 20 năm đầu thế kỷ XXI thực sự đông đảo và đa dạng. Họ phần lớn là các tác giả thế hệ tác giả thứ tư và thứ năm, nhưng bên cạnh đó còn đội ngũ đông đảo các tác giả thế hệ trước vẫn bền bỉ sáng tác và cơ bản thích nghi kịp sự thay đổi của thời đại. Sự đa dạng này đã tạo nên một đội ngũ sáng tác hùng hậu, vừa có bề dày kinh nghiệm, vừa đủ năng lực thích nghi. Chính họ là lực lượng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của văn học trẻ em Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Trong số các tác giả này có thể kể đến một số tác giả thương hiệu như Tào Văn Hiên, Dương Hồng Anh, Vương Nhất Mai, Trương Chi Lộ…
Tào Văn Hiên là nhà văn có thương hiệu không chỉ ở Trung Quốc mà còn nổi tiếng ở nước ngoài. Ông là người đã đoạt Giải thưởng Tác giả Hans Christian Andersen Quốc tế năm 2016 từ Liên đoàn Sách thiếu nhi Quốc tế (IBBY). Loạt tiểu thuyết về trẻ em của ông đã thu hút sự chú ý của công chúng, và ông đã trở thành nhân vật được nhiều tạp chí yêu thích trong 20 năm gần đây. Nhân vật trong sáng tác của ông hầu hết là thanh thiếu niên đến từ những vùng quê nghèo. Dựa trên kinh nghiệm thời thơ ấu của mình, Tào Văn Hiên đã miêu tả sự dao động trong tâm lý và cảm xúc của trẻ trong thời niên thiếu và cách chúng vượt qua các vấn đề của mình. Tào Văn Hiên tập trung vào phong cách thẩm mĩ cổ điển trong văn học thiếu nhi và ông giành được sự đánh giá cao từ cả công chúng và chính phủ Trung Quốc. Nhiều tác phẩm của Tào Văn Hiên về những đứa trẻ “bị bỏ lại phía sau” cũng đã được đánh giá rất cao không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm của Tào Văn Hiên đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt với tác phẩm Ngôi nhà tranh, Thanh Đồng Quỳ Hoa, Tiếng đàn guitar nơi ngã ba đường, Trân châu đỏ, Cái chết của chim ưng biển, Mặt trời không bao giờ tắt, Ngôi nhà nhỏ vùi trong tuyết…
Dương Hồng Anh được gọi bằng cái tên “Nữ hoàng văn học thiếu nhi Trung Quốc”. Kể từ thế kỷ XXI, tên tuổi của bà đã được lưu truyền rộng rãi trong giới thanh thiếu nhi và trở thành ngọn cờ của văn học trẻ em Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Tất cả những cuốn sách mang tên Dương Hồng Anh đều được đặc biệt quan tâm. Nhiều tác phẩm của bà đã được ký bản quyền đa ngôn ngữ toàn cầu, tạo nên một kỳ tích đưa văn học trẻ em Trung Quốc đương đạira ngoài biên giới Trung Quốc. Với sức viết đều đặn từ tác phẩm đầu tiên năm 1981, cho đến 2020, Dương Hồng Anh đã xuất bản khoảng 250 đầu sách, nhận gần 50 giải thưởng dành cho nhà văn và các hạng mục tác phẩm. Kể từ năm 2000 đến 2009, các tác phẩm của bà đã bán được hơn 30 triệu bản ở Trung Quốc. Hùng Nhạn trong bài viết Từ hiện tượng Dương Hồng Anh nhìn nhận ba nhân tố thành công của xuất bản văn học trẻ em còn cho rằng tác phẩm của Dương Hồng Anh vượt xa cả Harry Potter ở Trung Quốc4.
Trương Chi Lộ là một tác giả văn học nổi tiếng Trung Quốc. Ông đã viết nhiều tác phẩm truyện đồng thoại và tiểu thuyết được yêu thích và đánh giá cao trong văn học trẻ em Trung Quốc. Với tài năng viết văn độc đáo và phong cách sáng tạo, Trương Chi Lộ đã tạo nên những câu chuyện hấp dẫn và ý nghĩa cho độc giả trẻ. Các tác phẩm của Trương Chi Lộ thường xoay quanh cuộc sống hàng ngày của trẻ em Trung Quốc, mang đến cho độc giả những câu chuyện gần gũi và nhiều cảm xúc. Ông không chỉ tạo ra những nhân vật đáng yêu và thú vị mà còn đặt họ vào những tình huống hấp dẫn và phiêu lưu. Trương Chi Lộ cũng chú trọng đến việc truyền tải các giá trị nhân văn và giáo dục cho trẻ em. Các tác phẩm của ông thường mang thông điệp về tình yêu thương, tình bạn, lòng trung thành và lòng dũng cảm. Nhờ vào sự kết hợp giữa tính giáo dục và giải trí, ông đã thu hút đông đảo độc giả trẻ và góp phần quan trọng vào văn hóa đọc của trẻ em Trung Quốc. Năm 2006, ông được đề cử Giải thưởng Andersen và được IBBY Trung Quốc bầu làm Đại sứ khuyến đọc cho trẻ em. Nhiều tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh như Do You Have Mouse Pencils (2005), The Empty Trunk (2005), The Taste of the Sun (2013)…
Tóm lại, trong những năm đầu thế kỷ XXI, văn học trẻ em Trung Quốc có lực lượng tác giả rất hùng hậu không chỉ về số lượng mà còn cả ở chất lượng. Tính chuyên nghiệp trong viết sách cho trẻ em đã thể hiện rất rõ qua nhiều tác giả nổi tiếng. Không những vậy, đội ngũ tác giả văn học trẻ em Trung Quốc giai đoạn này đã kết hợp được tính dân tộc và tính quốc tế. Điều này đã giúp văn học trẻ em Trung Quốc bước sang thời kỳ quốc tế hoá, chinh phục thị trường văn học thiếu nhi toàn cầu chứ không còn bó hẹp trong phạm vi đất nước Trung Quốc.
2. Thể loại
2.1. Đồng thoại
Trong hai mươi năm đầu của thế kỷ XXI, truyện đồng thoại đã trở thành một phần quan trọng trong văn học trẻ em của Trung Quốc. Truyện đồng thoại trẻ em Trung Quốc thời kỳ này đa dạng về thể loại và nội dung (truyện hài hước, phiêu lưu và giả tưởng…). Vì vậy, truyện đồng thoại đã đưa độc giả vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú và thế giới hấp dẫn. Truyện đồng thoại trẻ em Trung Quốc trong thời kỳ này thường chú trọng đến việc truyền tải các giá trị và bài học nhân văn, khuyến khích trẻ em phát triển phẩm chất tốt đẹp, như lòng trung thành, lòng dũng cảm, lòng nhân ái và tình yêu thương. Bên cạnh đó, truyện đồng thoại cũng giúp trẻ em hiểu và đối mặt với các vấn đề xã hội như bạo lực học đường, bảo vệ môi trường và đa dạng văn hóa. Chẳng hạn, tác giả Dương Hồng Anh có loạt truyện đồng thoại về các đề tài như đề tài trường học, đề tài động vật, đề tài khoa học…
Truyện đồng thoại trẻ em Trung Quốc thời kỳ này cũng chú trọng đến việc xây dựng nhân vật đa dạng và phản ánh đời sống hiện đại của trẻ em Trung Quốc. Nhân vật thường có tính cách độc lập, sáng tạo và đối mặt với những thử thách. Điều này giúp trẻ em nhận ra chính mình và tìm thấy sự đồng cảm trong các nhân vật.
Truyện đồng thoại trẻ em Trung Quốc thế kỷ XXI đã tạo ra những tác phẩm độc đáo và sáng tạo, mang đến cho độc giả những câu chuyện thú vị và ý nghĩa. Tác giả truyện đồng thoại nổi tiếng của Trung Quốc thời kỳ này có thể kể đến Đặng Nguyên Khiết, Dương Hồng Anh, Vương Nhất Mai, Hồng Tấn Đào…
2.2. Tiểu thuyết
Tiểu thuyết là thể loại quan trọng của văn học trẻ em Trung Quốc nóiriêng và văn học trẻ em thế giới nói chung. Đây cũng là thể loại đem lại nhiều thành công cho các tác giả văn học trẻ em Trung Quốc. Theo nghiên cứu của tác giả Tăng Phương trong bài viết Vấn đề lấy trẻ em làm trung tâm qua các giải thưởng Văn học thiếu nhi xuất sắc toàn quốc thế kỷ XXI, tổng các tác phẩm đoạt giải thưởng văn học thiếu nhi xuất sắc nhất của Trung Quốc giai đoạn 2001-2016, thể loại tiểu thuyết luôn đứng vị trí đầu bảng (chiếm 30/88 tác phẩm)5.
Tiểu thuyết trẻ em Trung Quốc thời kỳ này bao gồm các tiểu thuyết hiện thực và tiểu thuyết viễn tưởng. Thông qua các nhân vật trẻ em 6-16 tuổi, tiểu thuyết gia chú trọng tái hiện quá trình trưởng thành của trẻ em và qua đó thể hiện ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn như tình yêu, lòng dũng cảm, lòng trung thành... Nhờ vào những câu chuyện sâu sắc này, tiểu thuyết trẻ em Trung Quốc có khả năng gợi hứng thú, khuyến khích tư duy và giáo dục giá trị cho độc giả trẻ. Ngoài ra, tiểu thuyết trẻ em Trung Quốc cũng chú trọng đến việc tạo ra nhân vật đa dạng và phản ánh đời sống hiện đại của trẻ em Trung Quốc. Các nhân vật thường có tính cách độc lập, sáng tạo và sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Điều này giúp cho các độc giả thanh thiếu nhi có thể tìm thấy sự đồng cảm và nhận ra chính mình.
Đề tài chính của tiểu thuyết trẻ em cũng ngày càng phong phú như vấn đề trẻ em đặc biệt, trẻ em bị bỏ lại phía sau, trẻ em di cư, tiểu thuyết động thực vật, đề tài môi trường tự nhiên, văn minh sinh thái...
Tác giả tiêu biểu như Dương Hồng Anh, Tào Văn Hiên, Hoàng Bội Giai, Trương Thiên Dực, Tần Văn Quân, Bành Học Quân, Ngũ Mỹ Trân…
2.3. Thơ
Bước sang thế kỷ XXI, để thích ứng với hiện thực văn hóa trẻ em ngày càng phong phú và sâu sắc, đề tài của thơ thiếu nhi Trung Quốc cũng bắt nhịp với thời đại, mang tinh thần hiện thực rõ rệt hơn. Nhiều nhà thơ thiếu nhi trong lựa chọn đề tài đã đáp ứng chặt chẽ tình hình thời đại, đồng thời tiếp cận gần hơn với hiện thực cuộc sống mới và những trải nghiệm sống phức tạp không ngừng biến đổi mà trẻ em hiện đại phải đối mặt. Từ thế kỷ XXI, làn sóng kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, đô thị hóa trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến không thể bỏ qua, vấn đề mới về của trẻ em thành thị và trẻ em nông thôn cũng trở thành một trong những tâm điểm của các nhà thơ thiếu nhi. Ví dụ Nỗi cô đơn và hạnh phúc của trẻ em thành thị (Khưu Dị Đông) tập trung vào những đứa trẻ sống trong thành phố hiện đại. Với bối cảnh nông thôn hiện đại, một số lượng lớn thơ thiếu nhi quan tâm đến các hiện tượng xã hội như những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là một đề tài nổi bật của thơ thiếu nhi Trung Quốc thế kỷ XXI. Các nhà thơ thiếu nhi đã có cái nhìn sâu sắc về đời sống, tâm lý đời thường, tình trạng một số lượng lớn trẻ em bị bỏ lại phía sau (ví dụ Những đứa trẻ bị bỏ rơi - Chung Đại Hoa). Sự mơ hồ của tuổi thơ do các nhân tố như áp lực học tập, sự giáo dục của cha mẹ, hoàn cảnh gia đình gây ra đã thâm nhập vào thơ và trở thành phạm trù biểu hiện của đề tài thơ thiếu nhi, ví dụ Bông hoa nhỏ u sầu (Chung Đại Hoa), Ô che mưa (Lâm Nãi Thông)… Những bài thơ này đã thể hiện cảm xúc chân thực và tinh tế, thể hiện sự bất mãn của trẻ em trước những ràng buộc cứng nhắc, những khao khát tự do và tình yêu của chúng, đồng thời truyền tải sự phê phán đối với hiện thực xã hội và nỗi trăn trở sâu sắc của nhà thơ đối với tuổi thơ bị đánh mất. Các nhà thơ thiếu nhi Trung Quốc thế kỷ XXI không chỉ giới hạn viết về những chủ đề thông thường và trải nghiệm cuộc sống tuổi thơ mà tiếp tục mở rộng chủ đề, kết nối cuộc sống cá nhân trẻ em với không khí chung của thời đại. Ví dụ tập thơ Trung Quốc bay của Trương Trạch Quân là sự kết hợp chặt chẽ ký ức dân tộc, tinh thần thời đại và trí tưởng tượng về tương lai của Trung Quốc, thể hiện ý thức tham gia xã hội của trẻ em trong thế kỷ XXI. Sáng tác của Lưu Trạch An gắn liền với thực tế thời đại. Bài thơ Giấc mơ Trung Hoa xanh của ông lấy trí tưởng tượng đẹp đẽ của giới trẻ về giấc mơ Trung Hoa như một cơ hội để nêu bật các vấn đề sinh thái và bảo vệ môi trường. Tác giả Đàm Húc Đông lấy bối cảnh động đất ở Vấn Xuyên làm nền tảng sáng tạo tập thơ Khốc ca của sinh mệnh với chủ đề là những sự kiện có thật trong cứu trợ động đất. Tập thơ tập trung khắc hoạ hiện thực và định hướng tích cực về sức mạnh tinh thần trong quá trình tự trưởng thành của trẻ thơ. Bên cạnh đó, những tác phẩm như Mùa xuân sẽ không về muộn, Chúng ta hãy cùng vào trong cổ tích nói về chủ đề chống dịch, ca ngợi cống hiến quên mình của những người làm công tác chống dịch, tích cực dẫn dắt các em nhỏ đối mặt với thử thách khắc nghiệt của dịch bệnh. Những bài thơ này tràn đầy sức mạnh cảm xúc để an ủi tâm hồn và vực dậy tinh thần thanh thiếu niên.
Bên cạnh việc mở rộng đề tài, thơ thiếu nhi Trung Quốc thế kỷ XXI có đặc điểm nổi bật khác là viết về cuộc sống hằng ngày. Ví dụ Chủ nhật là ngày gì? (Cao Hồng Ba), Nắng tinh nghịch (Đàm Húc Đông), Hoa biết đi bộ (Lí San San)… Các nhà thơ trẻ em đi vào cuộc sống hiện thực qua trái tim chân thật của trẻ thơ, bộc lộ những trải nghiệm cuộc sống của trẻ thơ với thế giới xung quanh. Dù miêu tả cuộc sống từ tư duy trẻ thơ nhưng không hề thiếu tính nghệ thuật, ngược lại có thể thông qua ánh sáng của tâm hồn trẻ thơ để chuyển hoá hình thức nghệ thuật, làm sáng tỏ nhiều hiện thực cuộc sống, nâng cao tinh thần thẩm mĩ của hiện thực.
Hình thức nghệ thuật thơ trẻ em Trung Quốc thế kỷ XXI cũng đa dạng. Trước hết, nó thể hiện ở sự tiếp thu tích cực nghệ thuật thơ ca phương Tây và sự kế thừa có ý thức những quan niệm nghệ thuật thẩm mĩ của thơ ca cổ điển. Thứ hai là việc kết hợp giữa thơ với yếu tố thẩm mĩ của các thể loại khác như truyện cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết. Điều này giúp cho thơ trẻ em Trung Quốc thế kỷ XXI không ngừng được hoàn thiện và thuần thục. Ví dụ Mèo hoa học bơi (Cao Hồng Ba), Em bé vẽ núi (Chung Đại Hoa)…
Đội ngũ nhà thơ thế kỷ này gồm ba thế hệ: thế hệ những năm 80, thế hệ những năm 90 và thế hệ những năm 2000, như Cao Hồng Ba, Tiền Vạn Thành, Chung Đại Hoa, Lưu Trạch An, Vương Lập Xuân, Đàm Húc Đông, An Vũ Lâm, Trương Hiểu Nam, Lí San San... Ba thế hệ nhà thơ này có điểm chung là cùng gìn giữ, nâng niu sự trong sáng của trẻ thơ, quan tâm đến sự trưởng thành trong cuộc sống của trẻ thơ. Đồng thời, họ đã tích cực mở rộng tư duy sáng tạo, khám phá những tư tưởng mới trong nghệ thuật thi ca, thể hiện những khuynh hướng thẩm mỹ khác nhau trên phương diện xây dựng hình tượng và bút pháp ngôn ngữ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, do phương thức tư duy nghệ thuật và tiêu chuẩn thẩm mĩ của một số nhà thơ còn lạc hậu, đơn điệu, tầm nhìn chưa đủ rộng nên vẫn có tác phẩm rơi vào tầm thường, thiếu tính nghệ thuật và chất lượng thẩm mĩ, chưa bắt kịp xu hướng thời đại.
2.4. Sách tranh
Sách tranh đã trở thành một thể loại nổi bật của văn học thiếu nhi Trung Quốc thế kỷ XXI, tác phẩm tiêu biểu như Chợ sáng thị trấn Liên Hoa (Châu Tường), Sư tử đá nhỏ (Hùng Lỗi - Hùng Lượng), Đoàn viên (Dương Mặc), Vua trốn tìm (Trương Hiểu Linh), Hạt giống của An (Vương Tảo Tảo), Lông vũ (Tào Văn Hiên), Đừng nhảy dây với chú ếch (Bành Nghị)… Sách tranh Trung Quốc phát triển mạnh ở Trung Quốc đầu thế kỷ XXI là do kể từ năm 2000 trở đi, rất nhiều sách tranh kinh điển của thế giới đã được dịch sang tiếng Trung. Hơn nữa, bước vào thế kỷ này, nhận thức của phụ huynh Trung Quốc về việc giáo dục đọc viết sớm cho trẻ đã được nâng cao. Trên cơ sở đó, các nhà xuất bản và các nhà lý luận văn học cũng tích cực giới thiệu tới phụ huynh những tri thức quan trọng về sách tranh, vai trò của sách tranh cũng như sự phát triển của thể loại này ở nước ngoài. Nhờ vậy, những thành tựu mà sách tranh Trung Quốc của 20 năm đầu thế kỷ XXI thực sự rất đáng ghi nhận. Theo thống kê của Minjie Chen và Helen Wang, từ năm 2004 đến 2019, có 24 tác phẩm sách tranh của văn học thiếu nhi Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Anh (trong tổng số 34 tác phẩm được dịch sang tiếng Anh). Kết quả này cho thấy, sách tranh Trung Quốc thực sự đã có chỗ đứng trên thị trường văn học thiếu nhi thế giới6.
Hạt giống của An (sáng tác Vương Tảo Tảo, minh hoạ Hoàng Lệ) là một tác phẩm sách tranh được đánh giá cao. Câu chuyện lấy bối cảnh là một ngôi chùa với bốn nhân vật chính: Sư phụ, Bản, Tĩnh và An. Truyện kể rằng, sư phụ đưa cho ba tiểu hoà thượng là Bản, Tĩnh, An mỗi người một hạt giống sen ngàn năm. Bản muốn hạt giống của mình mọc lên đầu tiên nên đã vội vàng gieo hạt giống xuống trong bão tuyết; Tĩnh tra đủ các loại tài liệu, cuối cùng chuẩn bị cho hạt giống của mình một dụng cụ tốt nhất để bảo vệ; chỉ có An thì lúc nào cũng đeo hạt giống trước ngực (cả khi đi quét tuyết, quét sân, xách nước, nấu ăn lẫn khi đi dạo). Vì thế mà Bản và Tĩnh không chờ được hoa sen nở, chỉ cóAn gieo hạt sen ngàn năm xuống hồ nước vào mùa xuân, chờ hoa sen nở giữa nắng hè. Hoạ sĩ minh hoạ cũng thể hiện chất Thiền của câu chuyện thật cổ xưa và đơn giản, cả cuốn sách có tông màu chủ đạo là xám đậm, và nổi lên trên tông màu đó là các cột cổng chùa mùa đỏ đất ấm áp, thêm vào đó là màu trắng của tuyết, thể hiện được tinh thần bình an, mộc mạc, ấm áp. Về thiết kế trang sách, Hoàng Lệ đặt ba nhân vật là Bản, Tĩnh và An trên cùng bề mặt trang sách để mạch truyện của ba nhân vật này đồng hiện. Kiểu kết cấu trang sách như vậy có tác dụng thông qua sự thiếu kiên nhẫn của Bản, khắc hoạ sự tính toán của Tĩnh, làm tăng thêm tính điềm tĩnh của An, khiến cho toàn cuốn truyện thể hiện bầu không khí thiền. Những chi tiết của truyện thể hiện triết lý nhân sinh tinh tế, ví dụ như ở trang sau, cây đại thụ xanh um, hoa sen nở hoa trong gió, vậy mà An – người trồng hạt giống sen ngàn năm vẫn an nhiên gánh nước – cách thiết kế này đã tạo ra một không gian lắng đọng ngoài con chữ cho sách tranh. Có thể nói, Hạt giống của An từ sự chuẩn xác của ngôn ngữ, sự cổ điển, giản dị của minh hoạ đến sự kết hợp hài hoà giữa hình ảnh và văn bản đều thể hiện là một tác phẩm xuất sắc của sách tranh Trung Quốc thế kỷ XXI.
Đoàn viên (Dương Mặc) xuất phát từ một sự kiện thường thấy trong đời thực ở Trung Quốc. Người cha đi làm ăn xa, cuối năm về quê ăn Tết, được đoàn tụ với gia đình. Tết xong lại đi làm. Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của một cô bé, kể một cách giản dị, chân thành và có sức lay động riêng. Đặc biệt là ngôn ngữ tranh rất có sức biểu hiện. Trong không khí ngày tết, mẹ đón bố về, cô con gái nhỏ đứng ở cổng, vừa rụt rè vừa mong chờ, người cha đã xa cách một năm nay đã có vẻ xa lạ trong mắt cô con gái nhỏ. Lật trang sách sau, người đọc thấy cô bé đã ở trong lòng bố, nhưng cô bé bị doạ khóc, nước mắt lưng tròng và dùng hai tay đẩy bố ra, cố thoát ra khỏi lòng bố. Chi tiết ấy đã thể hiện được sự xa cách giữa hai cha con sau một năm. Ở những trang tiếp theo, cô bé đội chiếc mũ mới bố mua cho, cùng bố đi cắt tóc, sửa nhà, ngồi trên cổ bố xem múa rồng, cùng bố mẹ treo câu đối tết, thăm hỏi họ hàng… Những ngày đó đã xoá đi cảm giác xa lạ với bố của cô bé. Không gian của tranh cũng tràn ngập yêu thương và sự gắn bó sâu sắc. Thế nhưng, khi trong lúc tình cảm cha con đang dâng trào thì xuất hiện trang sách bố thu dọn đồ đạc, mẹ quay lưng che mặt khóc, cô con gái nhỏ dựa vào khung cửa thân hình bé nhỏ đắm chìm trong nỗi buồn. Những trang sách tiếp theo là sự nối tiếp của nỗi buồn này, con gái nhỏ trong vòng tay bố nhưng rồi bố sẽ lại đi xa. Có thể nói sự thiết kế cấu trúc của tranh minh hoạ, mối quan hệ giữa ảnh nhỏ, ảnh trên một trang, ảnh lớn hai trang và văn bản của câu chuyện được đánh giá là rất phù hợp và cơ bản có đủ đặc điểm của hình thái sách tranh hiện đại.
Sự kết hợp của hai anh em Hùng Lỗi (nhà văn) và Hùng Lượng (hoạ sĩ) đã cho ra đời những sách tranh được đánh giá rất cao. Củ khoai tây của chuột nhỏ của hai tác giả này đã được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Hội Nhà văn Trung Quốc năm 2004. Sư tử đá nhỏ đoạt giải thưởng Sách dành cho trẻ em hay nhất của Thời báo Trung Quốc và đã được xuất bản ở Mĩ, Nhật Bản, Pháp. Những tác phẩm này thành công bởi sự kết hợp văn phong tao nhã và tài năng hội hoạ của hoạ sĩ minh hoạ. Tranh minh hoạ trong tác phẩm này đã pha trộn giữa nét vẽ của hội hoạ Trung Quốc và kỹ thuật hội hoạ phương Tây. Nội dung sách quan tâm đến những vấn đề nhân loại. Đó là lý do cuốn sách tranh này không chỉ được đón nhận ở Trung Quốc mà còn cả ở nước ngoài.
Có thể nói, sách tranh Trung Quốc 20 năm đầu thế kỷ XXI đã phát triển không chỉ về số lượng mà còn cả về chất lượng qua việc hình thành hình thái văn bản của sách tranh hiện đại và nội dung kết hợp giữa yếu tố dân tộc với yếu tố nhân loại.
2.5. Văn học thiếu nhi internet
Theo tác giả Vương Lê Quân trong bài viết Xu thế của văn học thiếu nhi Trung Quốc thế kỷ XXI, “sự trỗi dậy của văn học thiếu nhi trên internet trong thế kỷ XXI là điều không thể tránh khỏi”7. Bởi lẽ, trong thế kỷ XXI, internet đã trở nên áp đảo cuộc sống của con người. Trong thời đại đa phương tiện như vậy, mạng internet cung cấp một không gian rộng lớn để xuất bản văn bản. Trên thế giới ảo, ai cũng đều có thể trở thành một nhà văn, các tác phẩm văn học trên đó không còn cần sự bình duyệt của biên tập viên hay không cần tới hoạt động của nhà xuất bản. Nó có thể được xuất bản ngay lập tức và được nhiều độc giả đọc. Độc giả cũng không còn là những độc giả im lặng nữa, họ bình luận về văn bản dưới dạng bài đăng, đồng thời đưa ra gợi ý cho ý tưởng sáng tạo về khung cốt truyện của tác giả, tương tác với tác giả. Vì vậy, văn học thiếu nhi mạng đang dần trỗi dậy, để lại dấu ấn mạng rõ rệt về mặt cấu trúc văn bản và yếu tố hình thức.
Có thể kể tới một số một số tác giả văn học thiếu nhi internet tiêu biểu là Châu Duyệt, Tô Mai, Lí Chí Vĩ, Ngũ Mỹ Trân… Loạt tác phẩm Phái Cung phu của Châu Duyệt, Tiểu hoa sơn của Tô Mai, SEER của Lý Chí Vĩ, Hành tinh ma quái của Lương Bằng không chỉ mang lại niềm vui tức thời cho thanh thiếu niên trên thế giới mạng mà còn có hình thức sách in để phục vụ độc giả thanh thiếu nhi sau khi theo dõi trên mạng.
Một điểm mới khác của những cuốn sách này là việc kết hợp tác phẩm văn học thiếu nhi với game online. Văn học thiếu nhi internet ra đời và phát triển trong bối cảnh đa phương tiện, đem đến cho thế hệ thanh thiếu niên yêu thích game online một loại đọc văn học mới và cảm thụ đọc vui vẻ. Tuy nhiên, văn học thiếu nhi internet tuy nhanh chóng được xếp hạng đầu bảng nhưng cũng nhanh chóng trở nên lỗi thời, rất ít tác phẩm đủ để đứng vững, thực sự có giá trị văn học. Trước sự phụ thuộc của văn học thiếu nhi vào trò chơi trực tuyến dành cho trẻ em, làm thế nào để cân bằng giữa việc tuân thủ chất lượng văn học của văn học thiếu nhi và việc chơi trò chơi trực tuyến của trẻ em, và làm thế nào để tìm kiếm chất lượng văn học độc lập vẫn là những vấn đề văn học trẻ em Trung Quốc phải đối mặt trong tương lai.
3. Kết luận
Như vậy, thời gian hình thành và phát triển của văn học trẻ em Trung Quốc khá gần với văn học trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, trong chặng đường hai mươi năm đầu thế kỷ XXI, văn học trẻ em Trung Quốc đã có nhiều bước đột phá, có những bước chuyển mình sâu sắc. Từ một bộ phận “bên lề”, văn học trẻ em đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Về đội ngũ tác giả, văn học trẻ em Trung Quốc có sự chuyển biến mạnh mẽ gồm nhiều thế hệ tác giả, trong đó có nhiều tác giả có thương hiệu và nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên thế giới. Về thể loại, văn học trẻ em Trung Quốc thế kỷ XXI vừa bao gồm các thể loại truyền thống như thơ, tiểu thuyết, đồng thoại, vừa bao gồm các thể loại cập nhật thời đại như sách tranh, truyện tranh, văn học mạng.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, văn học thiếu nhi Trung Quốc cũng tồn tại một số vấn đề như sự bất cân bằng về thể loại, về sự thiếu cân đối giữa tác giả nữ và nam, vấn đề văn học thiếu nhi bị thương mại hoá, vấn đề lý luận chưa theo kịp thực tiễn sáng tác…
Để phát huy mặt tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực, văn học thiếu nhi Trung Quốc cần tiếp tục chú ý đến một số phương diện như: văn học cần lấy trẻ em làm trung tâm và thực sự thấu hiểu trẻ em; ngôn ngữ văn học trẻ em cần trong sáng, diễn tả chân thật sự tò mò, trí tưởng tượng phong phú, những khát vọng đẹp đẽ của trẻ em; văn học trẻ em cần phải quan tâm đến những giá trị cốt lõi như tình yêu, niềm hi vọng để giáo dục và định hướng trẻ em; văn học thiếu nhi cần phản ánh thế giới đa diện, nhiều chiều của đời sống trẻ em chứ không chỉ phản ánh một chiều; văn học trẻ em cần học tập và vay mượn những thành tựu của văn học phương Tây bởi văn học trẻ em phương Tây đã đi trước Trung Quốc khoảng 200 năm. Ngoài ra, cũng cần chuẩn hoá việc xuất bản văn học trẻ em, tăng cường nghiên cứu lý luận và xây dựng lý luận về văn học trẻ em.
Chú thích:
1, 5 曾芳 (2019), 新世纪全国优秀儿童文学奖的 儿 童本位问题, 珠海潮, 2019年第3-4期,总第95-96期. tr. 313, 318.
2, 3 王泉根 (2020), 新世纪近 20 年原创儿童文学现 场观察, 中国当代文学研究 2020 年第 3 期. tr. 90-91, tr. 89-90.
4 熊雁 (2009), 从杨红樱现象看儿童文学出版的三 个成功因素, 出版科, 第5期 第17卷. tr. 53.
6 Chen, M., Wang, H. (2021), Chinese Children’s Literature in English Translation. In: Ye, Z. (eds) The Palgrave Handbook of Chinese Language Studies. Palgrave Macmillan, Singapore. https://doi.org/ 10.1007/978-981-13-6844-8_45-1
7 王黎君 (2019), 新世纪中国儿童文学的新趋势, 扬 州大学学报(人文社会科学版),第23卷 第1期.tr. 120.