KẾT NỐI TÀI NĂNG VÀ TÂM HUYẾT, TIẾP TỤC ĐÓNG GÓP NHIỀU HƠN NỮA TRÍ TUỆ, KINH NGHIỆM CHO SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT NƯỚC NHÀ

Tối 5/9, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự, phát biểu chúc mừng và định hướng nhiệm vụ cho Hội đồng những năm tới. lyluanphebinh.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa.

    Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước !

   Thưa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật !

   Thưa quý vị đại biểu !

   Thưa các đồng chí !

    Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự “Lễ Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương”. Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi xin gửi tới các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; quý vị đại biểu; các đồng chí Lãnh đạo và thành viên Hội đồng qua các thời kỳ; các nhà khoa học, nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, anh chị em văn nghệ sĩ đã cộng tác, gắn bó với Hội đồng nhiều năm qua lời chào trân trọng, lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

    Thưa quý vị đại biểu !

    Thưa các đồng chí !

   Đảng ta đã khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam**. Trong đó, lý luận, phê bình là bộ phận hữu cơ; là sự “tự ý thức” của văn học, nghệ thuật trong quá trình phát triển. Nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo, lãnh đạo, chỉ đạo, thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

   Bước vào thế kỷ 21, trước tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ mới, ngày 10 tháng 9 năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - một dấu ấn quan trọng trên hành trình đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật.

    Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với 5 nhiệm kỳ hoạt động, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã từng bước khẳng định được vai trò, uy tín trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà; tập hợp, kết nối trí tuệ, tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà lý luận, phê bình, văn nghệ sĩ cả nước; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần định hướng và thúc đẩy sự phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam, với những dấu ấn nổi bật như sau:

   Thứ nhất, Thông qua các hoạt động khoa học phong phú, thiết thực, Hội đồng đã tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn nhiều giải pháp giúp Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề đặt ra và những khó khăn, vướng mắc trong đời sống văn học, nghệ thuật. Sản phẩm tư vấn của Hội đồng đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng; cơ chế, chính sách của Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

   Thứ hai, trong suốt 20 năm qua, Hội đồng đã chủ động tổ chức các hội nghị tập huấn; từng bước tạo được những diễn đàn khoa học, dân chủ; tham gia quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; định hướng tư tưởng học thuật, trau dồi phương pháp, kỹ năng sáng tạo; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh, củng cố niềm tin, tạo động lực và sự gắn kết của những người hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, những bước phát triển vững vàng của Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã tạo thêm một diễn đàn học thuật tin cậy của giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cả nước.

   Thứ ba, Hội đồng đã tích cực, chủ động phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, tiêu biểu trong hoạt động lý luận, phê bình; tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Hội đồng đã tổ chức nền nếp việc xét tặng thưởng, hỗ trợ đối với các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng. Các hoạt động đó có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá và tiếp nhận văn học, nghệ thuật.

   Thứ tư, Thường trực Hội đồng, Cơ quan Hội đồng luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực đổi mới nội dung, phong cách làm việc; sáng tạo, tận tụy, nhân văn; là đầu mối kết nối hiệu quả các thành viên tham gia hoạt động chung của Hội đồng. Cơ cấu tổ chức, bộ máy và cơ sở vật chất, điều kiện làm việc từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác của Hội đồng.

   Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi xin ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Trân trọng cảm ơn, ghi nhận sức sáng tạo và công lao của các đồng chí Lãnh đạo, thành viên Hội đồng qua các thời kỳ; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lý luận, phê bình và anh chị em văn nghệ sĩ đối với sự trưởng thành và phát triển của Hội đồng 20 năm qua.

   Thưa quý vị đại biểu !

   Thưa các đồng chí !

   Trong bài phát biểu quan trọng, sâu sắc tại Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam; Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”…”+ . Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, cần tập trung khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém trong sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. 

   Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và định hướng của Đồng chí Tổng Bí thư đã xác định rõ sứ mệnh cao cả và trọng trách nặng nề nhưng rất vẻ vang trước Đảng, Nhân dân và đất nước của giới văn học, nghệ thuật; trong đó có trách nhiệm của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Tôi đề nghị Hội đồng tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng và các phát biểu của Đồng chí Tổng Bí thư về văn hóa, văn học, nghệ thuật; từ đó cụ thể hóa thành phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác của Hội đồng trong thời gian tới.

   Trong buổi lễ ra mắt Hội đồng khóa V, nhiệm kỳ 2021-2026 cuối năm ngoái và buổi làm việc với Thường trực Hội đồng đầu năm nay, tôi đã có một số gợi ý với Hội đồng. Tại Lễ Kỷ niệm hôm nay, xin nêu một số nội dung để chúng ta cùng nhau suy nghĩ và tổ chức hoạt động:

   Thứ nhất, tiếp tục phát huy hiệu quả đóng góp của các thành viên Hội đồng; huy động tối đa kinh nghiệm, trí tuệ, tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo và thành viên Hội đồng qua các thời kỳ; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong cả nước. Bám sát và thấu hiểu sâu sắc hơn nữa thực tiễn văn học, nghệ thuật đang vận động, phát triển đa dạng, phong phú; từ đó nâng cao khả năng phát hiện, dự báo, tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách khoa học và có hệ thống đối với những vấn đề lớn đang đặt ra. Tăng cường số lượng, gắn với nâng cao chất lượng báo cáo tư vấn cho Đảng, Nhà nước, nhất là tư vấn chuyên đề, chuyên sâu.

   Kiên định phát huy vai trò nền tảng, chủ đạo của mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; tổ chức nghiên cứu thấu đáo tư tưởng văn nghệ truyền thống của cha ông; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận văn học, nghệ thuật trên thế giới; từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Đây là nhiệm vụ được khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Hội đồng đã góp sức triển khai nghiên cứu bước đầu, có kết quả tốt; nay cần tiếp tục triển khai một cách bền bỉ, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Đồng thời, chú trọng tư vấn cơ chế, chính sách phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

   Thứ hai, hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa với đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, qua đó góp phần định hướng và nâng cao hiệu quả các hoạt động sáng tạo, quảng bá và tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Mở rộng các diễn đàn học thuật, nâng cao tinh thần đối thoại, tranh luận thật sự dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, nhằm nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác lý luận, phê bình. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; kịp thời phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, tiêu biểu; tích cực, chủ động tham gia hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

   Hội đồng phát huy tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa Đảng và đội ngũ văn nghệ sĩ; thường xuyên cung cấp, cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; đồng thời nắm bắt, phản ánh, dự báo tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tổ chức nghiên cứu, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình nói riêng và lực lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung.

   Thứ ba, tiếp tục xây dựng cơ chế và kế hoạch hợp tác quốc tế có hiệu quả trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong nước; trao đổi, hợp tác với các đối tác nước ngoài; tổ chức các sinh hoạt học thuật chuyên sâu để đánh giá, định hướng việc dịch thuật, tiếp thu, vận dụng đúng đắn, chắt lọc tinh hoa, thành tựu văn học, nghệ thuật thế giới. Đồng thời, tham gia giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn học, nghệ thuật của dân tộc, nhất là các thành tựu sau 40 năm đất nước đổi mới đến với bạn bè quốc tế.

   Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ động tham gia tổng kết thực tiễn; sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, đóng góp vào quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025); tổng kết 40 năm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; thiết thực đóng góp xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

   Thứ năm, phát huy bài học kinh nghiệm qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, tiếp tục xây dựng cơ quan Hội đồng ngày càng chuyên nghiệp, vững mạnh toàn diện, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Từng thành viên Hội đồng, Thường trực Hội đồng, công chức, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm, không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, uy tín chuyên môn; phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.

   Thưa quý vị đại biểu !

   Thưa các đồng chí !

   Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương là sự kiện có ý nghĩa trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà; ghi dấu mốc phát triển quan trọng của Hội đồng, cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại, xác định rõ hơn trách nhiệm to lớn của mình; quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, xứng đáng với kỳ vọng của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự tin tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ, của các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cả nước.

   Tôi mong rằng, các đồng chí Lãnh đạo và thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, công chức, viên chức, người lao động Cơ quan Hội đồng qua các thời kỳ; cùng các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà đã dành tình cảm, sự gắn bó với Hội đồng trong hành trình 20 năm qua tiếp tục quan tâm, đóng góp nhiều hơn nữa trí tuệ, kinh nghiệm cho sự phát triển của Hội đồng. Tôi cũng đề nghị các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ để Hội đồng hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình trong thời gian tới.

   Một lần nữa, với tình cảm thân thiết, quý trọng, tôi xin chúc toàn thể quý vị đại biểu, các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công !

   Xin trân trọng cảm ơn !

 

 

Chú thích:
* Tiêu đề do Ban Biên tập đặt.
** Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
+Bài phát biểu của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận