1. Nhà văn thủy chung với “đất rừng phương Nam”
Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 17/5/1925 tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Xuất thân trong một gia đình địa chủ lớn, có hàng trăm mẫu ruộng màu mỡ ven sông Tiền, ông từng theo học tại Trường Mỹ thuật Gia Định trong những năm 1939-1940. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công và toàn quốc kháng chiến bùng nổ, gia đình ông đã tự nguyện hiến toàn bộ nhà cửa, ruộng đất cho chính quyền Việt Minh. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ, từng giữ chức Phó trưởng Ty Thông tin Rạch Giá (1949). Từ năm 1949 đến năm 1954, ông công tác tại Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, viết bài cho Tạp chí Lá Lúa, rồi Tạp chí Văn nghệ Miền Nam. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông tập kết ra Bắc. Giai đoạn này, ông chuyên viết văn xuôi. Hầu hết các tác phẩm của ông hướng về cuộc sống và con người miền Nam trong những năm tháng đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp trước Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chín năm (1945-1954): Trần Văn Ơn (truyện ký, 1955), Cá bống mú (truyện, 1955), Ngọn tầm vông (truyện ký, 1956), Hoa hướng dương (tiểu thuyết, 1960)… Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), Đoàn Giỏi, dù bận rộn công việc quản lý, vẫn nặng lòng với văn chương. Các sáng tác tiêu biểu của ông trong giai đoạn này có thể kể đến những cuốn biên khảo: Những chuyện lạ về cá (1981), Tê giác trong ngàn xanh (1982); truyện lịch sử Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày (1981)…
Đoàn Giỏi là một cây bút viết truyện thiếu nhi xuất sắc, đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển nền văn học cho tuổi thơ Việt Nam từ những ngày đầu: Đất rừng phương Nam (1957), Cái trống con (1958), Cuộc truy tầm kho vũ khí (1962)… Ông được nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi trong và ngoài nước mến mộ bởi những trang viết bình dị mà lạ lẫm, chân thực mà bay bổng về quê hương, đất nước, con người Nam Bộ. Thủy chung với quê xứ trong cả đời sống và trang viết, những tác phẩm của ông như Đất rừng phương Nam, Cuộc truy tầm kho vũ khí, Cá bống mú, Hoa hướng dương, Tiếng gọi ngàn, Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Rừng đêm xào xạc, Tê giác trong ngàn xanh, Trần Văn Ơn, Những chuyện lạ về cá… được tái bản nhiều lần, mê cuốn bao bạn đọc. Gia tài đáng ngưỡng mộ đó đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí của nhà văn đối với nền văn học Nam Bộ nói riêng và văn học Việt Nam nói chung, đồng thời giúp cho người đọc hiểu sâu hơn về con người, mảnh đất Nam Bộ thời khai hoang mở cõi và hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của dân tộc.
Cả cuộc đời Đoàn Giỏi sống đạm bạc, đi, đọc và viết, trọn tình với văn chương. Ông mất ngày 2/4/1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Hiện nay, tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh và tại tỉnh Tiền Giang có những con đường, trường học mang tên nhà văn.
2. Những trang văn nặng tình đất nước
Sự nghiệp sáng tác của Đoàn Giỏi trải rộng với nhiều thể loại: từ thơ, kịch thơ, truyện ngắn, truyện ký, ký, tiểu thuyết đến biên khảo… Ở thể loại nào, văn chương của Đoàn Giỏi cũng thu hút người đọc bởi những trang viết đặc sắc, sống động, phập phồng cảm xúc, thấm đượm hơi thở của sông nước, rừng cây, đậm đặc chân tình như quê hương ông – miền đất hoang sơ và hào phóng Tây Nam Bộ.
Phải rất thiết tha tình quê xứ sở thì Đoàn Giỏi mới có thể viết nên những trang văn đằm thắm ân tình, gợi nhớ gợi thương mảnh đất miền Tây xa xôi mà xiết bao gần gụi. Ông là một trong những nhà văn trụ cột, tiêu biểu của văn học Nam Bộ, đặc biệt là giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Nặng tình với quê hương xứ sở, như một quy luật tất yếu, mối quan hệ giữa sáng tác của nhà văn với mảnh đất, con người, di sản văn hóa, văn học phương Nam là điều dễ nhận thấy. Đây cũng là những cơ sở quan trọng để nhận diện, định vị nhà văn trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại nói chung, văn học Nam Bộ nói riêng. Nguyễn Quang Sáng đã có nhận xét khá tinh tế về đời văn của cây bút đồng hương: “Trong con mắt tôi, với nhà văn Đoàn Giỏi, sự sáng tạo đồng nghĩa với một cuộc đấu tranh, một cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt. Trong quá trình sáng tác Đất rừng phương Nam, tôi có cảm tưởng anh Năm Đoàn Giỏi đánh vật với từng chữ […]. Xuất thân là một họa sĩ, anh vẽ thiên nhiên bằng văn đầy màu sắc”1.
Đời người và đời văn Đoàn Giỏi đã thể hiện bản sắc chung của văn học yêu nước phương Nam bên cạnh những đặc trưng khó lẫn trong nội dung và nghệ thuật thể hiện. Những sáng tác của nhà văn, nhất là mảng truyện viết cho thiếu nhi, như đánh giá của bạn bè và các nhà nghiên cứu văn học, là những khám phá cái đẹp của con người và đất nước. Văn của ông đa dạng nhưng thống nhất trong một phong cách nghệ thuật chung: góc cạnh mà chân chất, giản dị mà sâu sắc, bình thường mà lạ lẫm... Người đọc cũng nhận ra tác giả là một nhà văn luôn nghiêm túc, chỉn chu với trang viết của mình. Qua đó, độc giả có dịp cảm biết vùng đất phương Nam vừa hoang sơ, dữ dội vừa tươi đẹp và là người mẹ phù sa nhân hậu. Những người dân miền sông nước chất phác, thật thà, gan dạ, kiên cường, yêu nước mãnh liệt, luôn sống chan hòa, gần gũi với tự nhiên cũng là yếu tính tạo nên chất men đặc biệt cho trang viết của Đoàn Giỏi. Sự độc sáng, ám gợi của văn xuôi nhà văn gốc Tiền Giang này còn ở thế giới động vật phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc. Dù là truyện ngắn, ký hay biên khảo, ông cũng tạo được dấu ấn cá nhân nhờ sự đầu tư kỹ lưỡng trong từng con chữ, thường trực một tình yêu lớn với nơi chôn nhau cắt rốn của mình: “Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam Bộ”2. Đó là những nhân tố quan trọng để tác giả sinh tạo những trang văn bình dị mà mê đắm, chân mộc mà minh triết, hòa kết các phẩm tính của văn hóa, lịch sử và văn học.
Có lẽ chưa có nhà văn nào viết về thiên nhiên Nam Bộ được như Đoàn Giỏi. Với sự chững chạc và phong cách vững vàng trong sáng tác, ông đã tạo sự ngạc nhiên cho người đọc qua hàng loạt tác phẩm thú vị. Sau sáng tác đầu tay là Cây đước Cà Mau, nhà văn cho ra đời nhiều truyện ngắn viết về cảnh sắc thiên nhiên miền Tây mang đậm chất văn hóa đặc trưng của một vùng đất. Với óc quan sát tỉ mỉ, tinh tế kết hợp với tình yêu quê hương tha thiết, tác giả đã có những trang viết chạm khắc thật đẹp, thật ấn tượng về thế giới thiên nhiên rất đặc trưng, mang đậm phong vị phương Nam, thấm đượm hơi thở sông nước, rừng cây, vừa hoang sơ trong trẻo vừa kỳ bí, lạ lùng. Bên cạnh đó, ông còn khắc họa thế giới loài vật vô cùng sinh động, hấp dẫn, mang đến cho người đọc những hiểu biết và tình cảm về một vùng đất hoang sơ vùng cực Nam của Tổ quốc. Những trang văn đầy mê hoặc này không chỉ thu hút trẻ con mà còn làm say mê cả những người lớn tuổi. Sáng tác của ông còn khắc họa đậm nét chân dung con người Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Đó là những người dân quê chân chất nhưng phóng khoáng, dũng cảm và hào hiệp. Họ nghèo nhưng sống chất phác, nghĩa tình, một lòng một dạ theo cách mạng, theo kháng chiến. Ở thể loại ký, nhà văn đã tái hiện thành công bối cảnh sông nước, con người Nam Bộ thuở ông cha “mang gươm đi mở cõi”. Sự dụng công và nét tài hoa của tác giả thể hiện rõ nhất trong việc khắc họa chân dung những nhân vật lịch sử vừa mang cốt cách của truyền thống vừa là nhân vật văn học đích thực. Quá khứ của tiền nhân được phục dựng một cách chân thực, đầy cảm động, giúp cho người đọc có thêm những hiểu biết về chân dung của những người anh hùng cách mạng. Nhà văn còn khảo cứu và biên soạn nhiều tài liệu về các loài động vật có giá trị, góp phần cung cấp thêm nhiều tư liệu quý giá cho giới nghiên cứu nước nhà.
Là người bén duyên với hội họa, Đoàn Giỏi đã phát huy sở trường này trong sáng tác văn chương. Văn xuôi của ông là những bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Khả năng miêu tả thiên nhiên với nhiều mới lạ, độc đáo trong cách nhìn, cách cảm là một nét phong cách nghệ thuật của văn xuôi Đoàn Giỏi. Tác giả đã vận dụng tất cả các giác quan để nắm bắt cái hồn của cảnh vật, từ đó đem đến cho độc giả những bức tranh sống động, phong phú, độc đáo, giàu đường nét, màu sắc và âm thanh. Có thể thấy, trong sáng tác của mình, ông rất hạn chế dùng ngôn ngữ sách vở, hàn lâm mà chuộng sử dụng ngôn ngữ đời thường, đôi khi bình dân, thông tục, đậm sắc thái địa phương. Lối kể chuyện chân chất, hóm hỉnh đã mang đến cho người đọc những câu chuyện hấp dẫn về thiên nhiên, cảnh sắc, cuộc sống, con người. Tình yêu tha thiết với quê hương xứ sở đã kết tinh thành những áng văn hay và thực sự có giá trị cho nền văn học hiện đại Việt Nam. Nếu không có những nhà văn như Đoàn Giỏi viết về thiên nhiên, cảnh vật, sản vật miền Nam thì tuổi thiếu nhi của không ít người sẽ mất đi cơ hội quý để trải nghiệm, để thêm hiểu biết và tự hào về Tổ quốc.
3. Vọng vang minh triết của văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn
Nhắc đến Đoàn Giỏi là người đọc nghĩ ngay đến một nghệ sĩ đa tài. Con người ấy đã dành cả cuộc đời và tâm huyết của mình cho vùng đất phương Nam thân yêu. Tác giả sáng tác nhiều thể loại khác nhau và thể loại nào cũng mang những giá trị, dấu ấn riêng khó lẫn. Những trang viết của Đoàn Giỏi phục dựng thế giới thiên nhiên, con người phương Nam thật đặc sắc khiến cho độc giả càng đi sâu khám phá càng bị cuốn hút.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết về Đoàn Giỏi: “Khá may cho Đoàn Giỏi là sau ba mươi năm, nhiều bài của anh đọc lại, vẫn chịu được. Kỹ thuật chăng? Tài năng chăng? Chớ về thông tin, về chất liệu thì quả là vừa vậy vừa không phải vậy. Năm Căn tôi đã đến rồi, cây đước tôi đã thấy rồi, bà má Năm Căn và hàng ngàn bà má khác tôi đã gặp rồi, thế sao đọc các bài văn kia tôi vẫn xúc động. Có gì ở đằng sau chất liệu kia, trên hay dưới, hay bạt ngàn chung quanh chất liệu kia, vừa là nó và không phải nó. Cái gì vậy? Tôi muốn nói đó là tâm hồn, đó là tấm lòng, đó là sự xúc động chân thành của tác giả. Cái đó giúp cho chất liệu đi qua mà không chìm, không tan rã trong thời gian”3. Chính tấm lòng, sự xúc động chân thành đã giúp nhà văn để lại cho đời những trang văn thật đẹp, lay động lòng người.
Chú thích:
1 Vân Thanh (Biên soạn, 2006), Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, NXB. Từ điển bách khoa, tr. 228.
2 Ý kiến của Chế Lan Viên trong trang bìa sách: Đoàn Giỏi (2016), Tê giác trong ngàn xanh, NXB. Kim Đồng.
3 Huỳnh Mẫn Chi: “Đoàn Giỏi và những áng văn của đất, của rừng phương Nam”, http://nhavantphcm. com.vn, 20/8/2022.