GIÁO DỤC LÒNG YÊU NƯỚC CHO THIẾU NHI VIỆT NAM QUA VĂN XUÔI ĐOÀN GIỎI

Bài viết tập trung phân tích những giá trị giáo dục thiếu nhi Việt Nam hiện nay qua văn xuôi của Đoàn Giỏi: lòng yêu nước qua văn hóa phương Nam; lòng yêu nước qua thiên nhiên, cảnh vật đậm tình xứ sở; lòng yêu nước qua những con người đầy khí chất Nam Bộ. Qua đó, khẳng định sự đóng góp quan trọng của nhà văn Đoàn Giỏi trong văn chương, giáo dục và bảo tồn văn hóa truyền thống.

   1. Giáo dục lòng yêu nước qua văn hóa phương Nam

   Văn xuôi của Đoàn Giỏi, nhất là truyện và ký, phản ánh sự độc đáo của miệt vườn như một thứ địa văn hóa của con người Nam Bộ. Miền đất phương Nam giàu truyền thống là ân tình và năng lượng mà Đoàn Giỏi nhận được từ người mẹ xứ sở. Những tri thức văn hóa bản địa này là dưỡng nhất quan trọng góp phần hình thành, phát triển nhân cách cho tuổi thơ Việt Nam.

   Truyện của tác giả Đất rừng phương Nam cho thấy văn hóa miệt vườn đậm rõ trong ẩm thực phương Nam. Nếu như người miền Bắc khá tỉ mỉ, cầu kỳ trong bữa ăn thì người Nam Bộ thoáng hơn nhiều trong cách chế biến và cảm thụ món ăn. Với nguồn thức ăn đa dạng, phong phú, con người nơi đây đã kết hợp nhiều nguyên liệu trong các món ăn của mình như canh chua cá lóc, cháo đậu xanh nấu thịt rắn rằn ri, thịt cóc, cháo le le, mắm kho bông súng, cá lóc nướng trui, thịt chim non nấu măng… Các tác phẩm của ông thường nhắc đến những món khô để ăn dần với cách chế biến cũng đa dạng, muôn vẻ như mực, cá, tôm, có khi cả thú rừng... Văn hóa ẩm thực Nam Bộ là kết tinh của thiên nhiên và sự năng động, nhạy bén của con người. Truyện Sự tích núi trái vải cho thấy sự năng động giao thương của vùng đất phương Nam đã có từ cách đây gần nghìn năm. Trong Cây đước Cà Mau, tác giả nhắc đến khu chợ nổi Năm Căn đông vui, sầm uất mang nét riêng của sông nước miền Tây: “Thuyền bè san sát, buồm trắng, buồm nâu chật nước. Thuyền lưới lũ lượt ra khơi. Thuyền than, thuyền củi chở cột kèo, đòn tay, thuyền trái cây xuôi ngược dập dìu. Xuồng vàm rao lảnh lót vang sông”1.

   Văn hóa miệt vườn còn được nhắc đến qua việc linh động trong sự thay đổi nghề nghiệp tùy từng thời đoạn và hoàn cảnh khác nhau. Phương Nam được thiên nhiên ưu đãi, mùa nào thức đó, cho nên con người cũng năng động xoay chuyển theo. Chỗ này không sống được, họ dám bỏ đi đến vùng đất khác. Nghề này không hợp thời nữa thì họ lại tiếp tục sống với nghề khác. Ông Hai trong Đất rừng phương Nam là minh chứng sống động cho lối sống này. Ở cuối tác phẩm, sau những ngày dài chèo thuyền tìm vùng đất mới, để kiếm sống, ông theo phường săn cá sấu - một nghề cũ cách đây mười mấy năm ông đã từng làm. Ông bắt sấu, rồi xẻ thịt, da đem bán. Khi tìm được vùng đất có thể dựng chòi ở được, ông lại trở về với nghề ruộng rồi dần dần, nghe tin chiến khu ta đang đóng trong rừng kia thì chính ông cũng là người tích cực tìm đến, tham gia cách mạng và khuyến khích An lên đường làm du kích bảo vệ quê hương.

   Đoàn Giỏi còn nhắc nhiều đến văn hóa “lai rai” của con người Nam Bộ. Chính thiên nhiên đã góp phần hình thành nên nét văn hóa ấy. Ra sông thả lưới kéo lên đã có cá, tôm; vào rừng trèo lên cây đã hốt được trứng, bắt được chim. Sự phóng khoáng trong tính cách con người cũng từ đó mà ra. Qua các tác phẩm thuộc thể loại truyện, ông khắc họa sự hồ hởi, thoải mái và quan niệm “tứ hải giai huynh đệ” của người dân phương Nam. Nhiều lúc, chẳng cần quen biết, họ cũng có thể ngồi chung mâm, chia sẻ thức ăn, uống rượu, cùng nhau tâm sự chuyện đời. Người dân xóm Kèo Nèo trong truyện ngắn Tiếng gọi ngàn mấy tháng lại tổ chức đi săn, rồi ăn uống chung vui với nhau. Trong Chuyến xe thổ mộ ngày giáp Tết, nhân vật “tôi” cùng dì Tám Đơn đến xóm Hàng Keo tìm xe ngựa cho “tôi” trốn sự truy đuổi gắt gao của giặc. Mặc dù lần đầu tiên gặp nhau, ông đánh xe ngựa vẫn vui vẻ mời “tôi” uống ly rượu và nhâm nhi khô sặc rằn nướng. Trong Rừng đêm xào xạc, sau khi được cứu thoát, Tám Mun – người thương binh lạc rừng đã dẫn hai thanh niên vào Bàu Sấu – nơi suýt nữa anh mất mạng, bắt con cá sấu và hốt ổ trứng mang về làm tiệc. Dẫu anh mới tới tá túc ở vùng đất này nhưng mọi người ở đây luôn xem anh là người anh em thân thiết.

   Không thành công như truyện nhưng ký của Đoàn Giỏi cũng có dấu ấn riêng, càng đọc càng thấy sự chân chất ngấm trong từng con chữ. Đọc chúng, độc giả thấy cả thời kỳ khai hoang mở cõi như hiện ra trước mắt. Giàu hình ảnh và sức gợi, bởi thế, tác phẩm thuộc thể loại này của ông cũng sống động và thu hút vô cùng, nổi bật là lịch sử thời kỳ khai hoang mở cõi. Từ một vùng đất hoang vu, mịt mù cây rừng cỏ dại, cha ông ta đã biến nơi đây thành một nơi để “bén rễ xanh cây” với những chỉ dấu riêng trong đời sống vật chất, tinh thần. Nhà văn thể hiện sự am hiểu về lịch sử khi đưa ra các dữ liệu, số liệu chứng minh cụ thể, thuyết phục. Nét đẹp văn hóa của con người nơi đây cũng thường được gửi gắm trong các câu ca dao, dân ca, điệu lý đậm đà tình nghĩa: “Chàng đi xắn áo theo chàng/ Hiểm nghèo há quản gian nan há từ”. Chúng không chỉ góp cho văn học nước nhà những trang viết đậm mùi hương thổ mà còn là kho tư liệu quý giá về lịch sử, xã hội, vừa thú vị vừa giàu tính nhân văn. Có được điều đó, bên cạnh tình yêu đối với quê hương là óc quan sát tỉ mỉ, tinh tế, lối kể chuyện hấp dẫn của tác giả. Bằng giọng kể đặc sệt miền Tây, những trang viết về thiên nhiên, con người xa xôi mà gần gũi của nhà văn đã cuốn hút bạn đọc nhiều thế hệ.

   2. Giáo dục lòng yêu nước qua thiên nhiên, cảnh vật đậm tình xứ sở Thiên nhiên được nói đến trong các tác phẩm của Đoàn Giỏi trước hết là một thiên nhiên mang đặc trưng riêng biệt của vùng đất phương Nam hoang sơ, kỳ thú, không ngừng thách thức con người. Trong từng trang viết của ông, người đọc luôn cảm nhận được nhịp thở của mỗi cảnh vật như những mảnh ghép tạo nên bức tranh vừa quen vừa lạ, rất chân thực mà cũng đầy sức gợi. Văn của Đoàn Giỏi tựa thước phim quay chậm trình hiện sống động thiên nhiên phương Nam với hệ thống sông ngòi, kênh rạch bủa giăng chi chít như mạng nhện. Các địa danh như bưng, biền, đìa, đầm, xẻo, dớn, láng, lung, bung, búng, đưng, trấp, vũng, trũng… xuất hiện khá nhiều. Không ít lần ông để cho nhân vật chính trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp trù phú của những cánh rừng phương Nam và đằng sau lời khen ấy là sự hiếu kỳ, thảng thốt trước ma lực đầy bí ẩn của chốn rừng thiêng. Nếu không gian văn chương của Vũ Hùng là thiên nhiên Tây Nguyên thì với Đoàn Giỏi là cảnh sắc và con người sông nước miền Tây. Nhờ những sáng tác như Đất rừng phương Nam, Tê giác trong ngàn xanh, Chuyện lạ về cá, Rừng đêm xào xạc…, nhiều độc giả dẫu chưa có may mắn về miệt vườn sông nước vẫn cảm giác mọi thứ đều thân thiết, gợi nhớ gợi thương. Đất rừng phương Nam được tái bản rất nhiều lần và được dịch và xuất bản ở Liên Xô, Hungary, Trung Quốc, Đức, Cuba... Bằng một cốt truyện phiêu lưu với nhiều tình tiết bất ngờ và quyết liệt, cuốn tiểu thuyết không chỉ thể hiện vẻ đẹp, sự giàu có đến kỳ lạ của thiên nhiên vùng cực Nam đất nước, những phong tục, tập quán, sinh hoạt đặc sắc cũng như nét tính cách riêng của con người Nam Bộ mà còn thu hút bạn đọc bởi tình thương yêu sâu sắc, sự trân trọng những mặt tốt đẹp trong bản chất của mỗi con người. Đó cũng là sức hấp dẫn của cách khai thác chất liệu cuộc sống rất tài tình của tác giả, cách xây dựng con người và cảnh vật qua thế giới tâm hồn trong veo, dung dị của lứa tuổi trẻ thơ. Đọc văn Đoàn Giỏi, tình yêu đất nước của chúng ta một lần nữa giàu có thêm vì trong văn ông, tình yêu đất nước bắt nguồn và liên hệ bền chặt với sự độc đáo của nền văn hóa lâu đời như chia sẻ của nhà văn Anh Đức: “Thật tôi chưa từng thấy ở nước ta có một nhà văn nào như anh, say mê yêu mến thiên nhiên, động vật, đến độ có cả một kho tư liệu ghi chép tỉ mỉ, đủ sức để viết dài dài loại truyện này…”2.

   Thiên nhiên phương Nam giống như người mẹ hiền bao bọc những đứa con của mình, dù là trong đời sống bình thường hay lửa đạn chiến tranh. Nhân vật trong văn xuôi của Đoàn Giỏi luôn tìm thấy được sự bình yên, che chở từ môi trường tự nhiên nguyên sơ, hoang dã. Ở xứ sở này, con người không chết đói nếu họ biết nương nhờ, thuận thảo với mẹ thiên nhiên. Họ có thể bắt cá, câu tôm, hái rau rừng, tìm bắt rắn, săn thú rừng… để lấy nguồn thức ăn: “Lúa đầy đồng, chim đầy đồng, tôm cá đầy sông. [...] Có thể nói là cá đặc nước. Cá đóng thành sáu lớp từ mặt nước xuống tận đáy sông”3. Trên hành trình về U Minh Hạ, gia đình Cò và bé An ngang qua một cái chợ nhỏ nằm ở con kênh Mặt Trời. Nơi đây tấp nập buôn bán trứng chim và các loài chim do người dân bắt được. Còn khi ở sân chim, khung cảnh càng đặc sắc gấp bội. Chim đến đậu chen nhau đủ mọi màu sắc trên những đầu cây mắm, cây chà là, cây vẹt. Nhiều con chim rất lạ, to như con ngỗng đậu đến quằn nhánh cây. Truyện Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày kể về quãng đời tù đày ở Côn Đảo của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng. Nhiều đoạn miêu tả biển cả với các loài cá đủ hình dạng, kích thước, màu sắc, tên gọi, giống loài và có chương nhắc đến việc tù nhân đi tìm lấy tổ yến, số lượng tổ yến lấy mỗi đợt đến gần trăm ki-lô-gam.

   Biên khảo Những chuyện lạ về cá mở đầu là bài viết Cá ở đồng bằng Nam Bộ giới thiệu về nguồn cá dồi dào ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bài Tha hồ bắt cá đặc tả về màu sắc, hình dáng, kích thước, giống loài của các loài cá khác nhau. Các loài cá sống trong bộng cây đậm chất trữ tình, gây thích thú cho người đọc bởi sự ngắn gọn, hàm súc mà không quá khô khan: “Mùa nước lên, nơi sâu có đến sáu mét, gặp cây có bộng cá chui vào làm tổ, hoặc đưa bầy đến ở. Nước rút, cá mắc kẹt không ra được, đành chịu giam trong đó chờ mùa nước lên năm sau”4. Trong Người và đất Cà Mau, bằng kinh nghiệm, tài hoa của người một thời cầm cọ, Đoàn Giỏi đã tái hiện dòng Cửu Long giang khi hiền hòa êm ả, lúc dữ dội sục sôi. Thổi hồn vào cảnh vật, nhà văn đã hình tượng hóa con sông bằng tất cả tình yêu và sự ngưỡng mộ đối với quê hương.

   Thiên nhiên trong các truyện của Đoàn Giỏi còn là lá chắn che chở cho chiến khu cách mạng từ những ngày còn trứng nước cho đến lúc thắng lợi hoàn toàn. Căn cứ của quân ta nằm ẩn sâu trong rừng thẳm, cây cối um tùm, bủa vây bốn phía. Trong Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, tác giả dành những lời chân thành, trân trọng để ca ngợi, tri ân mẹ thiên nhiên. Địa hình núi đá với nhiều hang hốc đã giúp Bốn Đen, Chín Lé ẩn nấp và các tán cây cùng hố cát là nơi chôn giấu kỹ lưỡng chiếc thuyền tự chế để vượt biển thoát khỏi trốn lao tù. Mẹ biển giàu có cá tôm còn giúp cho bác Tôn Đức Thắng cải thiện bữa cơm của các tù nhân chính trị lẫn phạm nhân và làm cho mối quan hệ giữa họ tốt hơn, từ đó lấy được lòng tin và đoàn kết ý chí của tù nhân để đấu tranh, chiến thắng quân thù. Trong Cuộc truy tầm kho vũ khí, tiểu đội của ta, để hoàn thành nhiệm vụ tìm kho vũ khí của Nhật xây từ những năm 1940, đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn của chốn rừng thiêng nước độc. Hết nắng chang chang, lại mưa xối xả. Nhờ có cây giá, cây mù u nên trong lều, củi đun, củi sưởi ngày đêm không ngớt lửa, anh em trong đội lấy lại sức nhanh chóng để tiếp tục cuộc hành trình. Ở Rừng đêm xào xạc, giặc cô lập người dân nơi xóm nhỏ, lùng sục, tìm bắt cán bộ cách mạng. Chúng dội bom đạn khắp nơi, nghĩ rằng dân ta cùng cán bộ vào sâu trong rừng thẳm không chết vì đạn thì cũng chết vì đói. Dân trốn vào các cánh rừng mắm, không có thóc ăn, phải luộc lá mắm, luộc đi luộc lại sáu, bảy lần cho hết đắng mới ăn được.

   Thiên nhiên còn đại diện cho sức sống, vẻ đẹp của con người Nam Bộ. Người đọc thường bắt gặp hình ảnh các cánh rừng tràm, rừng mắm, rừng đước bạt ngàn xanh tốt trong trang văn Đoàn Giỏi. Cây này ngã xuống, cây khác mọc lên. Rễ cây bám đất, bền bỉ kiên cường, đan thành lũy, thành rừng vững chãi như con người gan góc, chịu thương chịu khó, đoàn kết thương yêu nhau, cùng nhau vượt khó, đánh giặc cứu nước.

   3. Giáo dục lòng yêu nước qua những con người đầy khí chất Nam Bộ

   Sáng tác của Đoàn Giỏi đa phần đều lấy bối cảnh miền Nam vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Trên bước đường khai khẩn đất hoang, người dân không chỉ đối mặt trước sự tàn ác của bọn hội tề, địa chủ, thực dân, đế quốc mà còn phải vượt qua bao khó khăn của môi sinh khắc nghiệt. Họ là những người có tên có tuổi như ông già Bí, Tư Bốn, Ba Lương, Tôn Đức Thắng (Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày), Tám Mun, Út Thảo, vợ bác Trần Vũ (Rừng đêm xào xạc), ông Hai bán rắn, chú Võ Tòng, Cò, An (Đất rừng phương Nam)… Đó còn là những nhân vật không hề được nhắc đến tên như người thầy trong Thiện Dần đánh cọp, người đánh xe ngựa trong Chuyến xe thổ mộ ngày giáp Tết, chú bé lên năm trong Người tù chính trị năm tuổi… Đi đến đâu cũng có những con người thật thà, chất phác, luôn sẵn sàng chào đón, giúp đỡ người khác như Tư U, ông Tám, Kim Diêu, Thạch Kim, chị Năm (Cá bống mú), Võ Tòng, ông Hai, người chủ quán già, lão Ba Ngù (Đất rừng phương Nam), Trần Văn Ơn, cậu Bảy, anh Quang (Trần Văn Ơn)… Đây là căn tính vùng miền để nhiều người sớm ý thức, giác ngộ, theo đuổi đến tận cùng lý tưởng cách mạng.

   Vẻ đẹp mà Đoàn Giỏi hướng đến nhiều hơn vẫn là sự kiên cường, gan dạ của con người trước bọn hội tề, tay sai, giặc ngoại xâm. Thiên nhiên có khắc nghiệt thế nào thì cũng vẫn là môi trường chở che và nuôi sống con người. Mối quan hệ giữa giai cấp thống trị và bị trị thì khác. Người nông dân quanh năm bì bõm lội bùn, sình lầy, phải vất vả ứng phó với thiên nhiên, vậy mà bọn hội tề, hương cả, địa chủ bao phen gây khó khăn, chèn ép, cướp bóc trắng trợn. Gia đình nhà bác Bảy Phát trong truyện Cá bống mú phải cật lực ngày đêm mới được đồng lúa chín vàng, trĩu hạt nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì tên hương cả Hùng tìm tới cướp công, phá hoại gia đình bác đến tan cửa nát nhà, người thì chết tức tưởi, kẻ còn sống phải bỏ xứ mà đi. Đấu, con trai Bảy Phát, cắn răng ghìm nén nỗi đau để sống tốt, trở thành người cán bộ cách mạng trả nợ nước, thù nhà. Còn chị Tư Dương thì bị địch bắt tra tấn dã man, bàn tay bị kẹp nát, sẹo chằng chịt khắp người. Thế nhưng con người nhỏ bé ấy luôn có sức mạnh và sự chịu đựng bền bỉ để giữ vững chí khí chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cách mạng giao.

   Các nhân vật trong tiểu thuyết, truyện ngắn của nhà văn Tiền Giang này luôn thường trực tình yêu đất nước nồng nàn, sâu sắc. Tác giả không để nhân vật nói ra những tình cảm đó, cũng hiếm khi trao lời cho nhân vật khác nhận xét. Ông tập trung thể hiện vấn đề này trong từng hành động của nhân vật. Điểm đặc sắc ở đây là tình yêu nước hồn hậu, giản dị, chân chất trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân Nam Bộ. Bất cứ người dân nào của vùng đất phương Nam, trai hay gái, già hay trẻ, trí thức hay bần cố nông đều có thể là những anh hùng, tham gia cách mạng để chống lại bọn thực dân, đế quốc. Bằng cách này hoặc cách khác, nếu không trực tiếp chiến đấu thì họ cũng luôn tìm cách giúp đỡ, là hậu phương vững chắc cho cách mạng và những người làm cách mạng. Dũng trong truyện Cuộc truy tầm kho vũ khí là một chiến sĩ bị thương tật ở chân nhưng lúc nào anh cũng đặt chữ “nghĩa” lên đầu. Anh trọng tình, sống rất nghĩa hiệp. Bị bắt ép phải dẫn đường cho giặc tìm đến kho vũ khí, anh phải đối mặt với hai lựa chọn, một là từ chối và bị giết, còn giặc sẽ nắm trong tay bản đồ, thế nào cũng tìm đến được kho vũ khí; hai là theo địch nhưng âm thầm tìm cách để lại dấu hiệu cho đội của mình lần tìm ra con đường đến kho vũ khí ấy, đồng thời ứng phó để làm chậm bước tiến của địch. Cuối cùng anh đã chọn cách thứ hai. Dũng là điển hình của con người trượng nghĩa, không bao giờ toan tính thiệt hơn, không sợ hi sinh, luôn dũng cảm và mưu trí.

   Ở chương cuối Đất rừng phương Nam, cậu bé An tường thuật tất cả những điều mắt thấy tai nghe của mình về những chiến sĩ của ta. Ai cũng hiện lên với vẻ xanh xao rách rưới, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng trên đôi mắt mỗi người chưa bao giờ thôi tắt ngọn lửa tin yêu cách mạng và cụ Hồ, sự quyết tâm và vững chí. Khi ông Hai xin cho An được kết nạp vào hàng ngũ cách mạng, trước lá cờ Tổ quốc, trong cậu dâng trào một tình cảm thiêng liêng đối với đất nước, quê hương. Trong Trần Văn Ơn, hàng loạt nhân vật hiện lên với tình yêu nước nồng nàn khi tham gia buổi mít tinh, biểu tình đòi chính quyền thả học sinh bị chúng bắt giam. Trần Văn Ơn, từ đầu đến cuối tác phẩm, luôn bộc lộ tình yêu nước của một con người tuổi nhỏ chí lớn: “Muốn sống thì phải chiến đấu”. Người trai trẻ ấy đã hi sinh ngay trong buổi biểu tình. Ý chí kiên cường, tình yêu nước, sự ra đi của anh làm bừng lên ngọn lửa căm thù quân xâm lược, quyết tâm chiến thắng những kẻ bán nước và cướp nước của tuổi trẻ, của dân tộc Việt Nam.

   Truyện của Đoàn Giỏi cũng kể về nhiều con người thầm lặng làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, dũng cảm, mưu trí nuôi giấu cán bộ cách mạng như cô Hai Nhân, ông Tám Nghĩa (Hoa hướng dương), vợ chồng ông Hai, bé Cò (Đất rừng phương Nam), ông lão đánh xe ngựa (Chuyến xe thổ mộ ngày giáp Tết), Tư U, bác Tám Hiền (Cá bống mú)… Bên cạnh đó là hàng loạt những con người không tên không tuổi nhưng chính họ đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn mảnh đất cha ông.

   Tác phẩm ký của Đoàn Giỏi không chỉ nói về lịch sử thời kỳ khai hoang mở cõi, về các nhân vật văn hóa mà còn phản ánh tinh thần quật khởi của nhân dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Nhà văn luôn chú trọng mối quan hệ giữa tính cách nhân vật với đặc trưng của vùng đất. Trước thiên nhiên khắc nghiệt, để tồn tại, con người đã tôi luyện cho mình sức chịu đựng dẻo dai, bền gan, vững chí. Tâm đắc với nhận định của nhà văn lớn Liên Xô rằng thiên nhiên tác động mạnh mẽ đến sự vận động tư tưởng của con người, nhà văn đã có một liên tưởng thú vị đến đồng bào ta ở mũi đất cực Nam của Tổ quốc: “Nghĩ về cuộc sống và chiến đấu của đồng bào Cà Mau trước kia cũng như hiện nay, càng ngẫm càng thấy câu nói ấy đúng, nó cho phép chúng ta khẳng định thêm rằng: ở một thiên nhiên nào đó càng độc đáo chừng nào, thì con người địa phương càng mang một sắc thái rõ rệt, một tính chất độc đáo của thiên nhiên nơi đó chừng ấy”5. Tình yêu nước ở những con người khảng khái, chất phác trong Khí hùng đất nước (1948), sự kiên cường tranh đấu trong Những dòng chữ máu Nam Kỳ 1976 (1975) là nét đẹp văn hóa trong tính cách và lối sống của người Nam Bộ. Người và đất Cà Mau nổi bật ở cảm hứng ngợi ca những người dân đất Mũi chất phác, phóng khoáng, kiên cường và nghĩa khí. Họ thường trực tinh thần đứng mũi chịu sào, đấu tranh khuất phục thiên nhiên, chống xâm lược chỉ với hai bàn tay trắng và một con dao. Họ phải bám lấy đất rừng mà sống, làm đủ các nghề rừng, nghề biển, gọi nhau “xông pha lên đàng” để tìm lấy tự do, độc lập. Có lẽ vì thế mà người Cà Mau rất kính yêu Bác Hồ; từ Cách mạng Tháng Tám, nơi trang trọng trong nhà, thay vì là tấm vải ghi bằng mực nho hai chữ “Tổ đường” là tấm ảnh Bác Hồ. Hình ảnh Bác là động lực và niềm tin cho họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Bà mẹ ở Cái Nước trong chiến dịch tố cộng của Mĩ - Diệm thà chết chứ không chịu xé đi bức ảnh Hồ Chí Minh. Tinh thần người Cà Mau là tinh thần của bạt ngàn rừng đước: “Chốn ấy đúng là cái quê hương bất diệt của những con người nếu chưa là dũng sĩ diệt Mĩ thì chí ít cũng đã là hảo hớn từ bao năm”6.

   Bút pháp xây dựng nhân vật cũng là một thành công của Đoàn Giỏi, cho thấy mong muốn phục dựng quá khứ bằng và thông qua văn học đồng thời khước từ sự theo đuôi, minh họa lịch sử của người viết. Điều này có thể thấy qua các truyện: Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Trần Văn Ơn, Đất rừng phương Nam, Tiếng gọi ngàn… Nhân vật của ông dữ dội, hào hiệp, điển hình cho vùng đất chín rồng. Sự khu biệt hóa thế giới nhân vật để nhắc nhớ, lưu giữ ấn tượng thẩm mĩ cho người đọc còn đến từ hệ thống ngôn ngữ đầy biến ảo: ngôn ngữ tả đậm chất hội họa; ngôn ngữ kể bộc lộ kiến thức thâm hậu về quân sự, trinh thám, khoa học tự nhiên, xã hội; ngôn ngữ đối thoại đậm chất trào tiếu dân gian Nam Bộ; ngôn ngữ độc thoại với cái nhìn nội quan hóa, lột hiện sống động con người bên trong con người... Đọc truyện, ta dễ nhận thấy “chất” Đoàn Giỏi: luôn hi vọng, tin yêu con người; cách kể chuyện khá tài tử: khoáng đạt, không gò ép, buông bắt nhịp nhàng. Truyện Cuộc truy tầm kho vũ khí khắc họa thành công hình tượng con người phương Nam thật thà, ngay thẳng. Buồn, vui, mừng giận, họ tỏ ra hết trên khuôn mặt, không hề che giấu. Bất cứ suy nghĩ gì về đối phương họ cũng luôn góp ý, nhận xét thẳng thừng. Ở hai truyện dài Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày Trần Văn Ơn, tác giả đã khéo léo xây dựng thế giới nhân vật vừa mang hồn cốt của lịch sử vừa là nhân vật văn học đích thực. Bằng tình cảm, tài năng của nhà văn - chiến sĩ, người viết đã “vẽ” lại chân dung bác Hai Thắng cùng với người anh hùng trẻ tuổi Trần Văn Ơn bằng văn liệu giàu tính tạo hình và xúc cảm. Đó là câu chuyện về đoạn đời lẫy lừng của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng khi bị giam ở nhà tù Côn Đảo, nơi được xem là địa ngục trần gian, cuộc đời ngắn ngủi mà hào hùng của người thanh niên yêu nước Trần Văn Ơn cùng học sinh, sinh viên Sài Gòn tham gia đấu tranh chính trị, xuống đường chống chính phủ bù nhìn của vua Bảo Đại và sự thống trị của thực dân Pháp. Chân dung nhân vật được soi ngắm từ nhiều góc độ với nhiều đánh giá, cảm tình riêng: cái nhìn của người kể chuyện giấu mặt, của các nhân vật ở nhiều tâm thế, chiến tuyến khác nhau, cái nhìn con người trong sự tương giao với những biến chuyển của thời gian, không gian, những tình huống đặt ra như những chất thử nhân tính đặc biệt… Sự phối hợp trong bút pháp của Đoàn Giỏi làm cho nhân vật được nhìn từ khoảng cách gần, vừa đủ hào quang để ngưỡng vọng, trân quý, vừa đủ chân thực, bình dị để gần gũi, tin yêu.

   4. Kết luận

   Giáo dục thế hệ trẻ là một nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý và cũng không kém vất vả, đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội, trong đó có văn nghệ sĩ. Mang lại cho bạn đọc những kiến văn mới lạ, bổ ích để từ đó khơi gợi tình yêu, lòng tự hào, ý thức thức trách nhiệm đối với đất và người Nam Bộ là thành công vượt trội của đội ngũ nhà văn phương Nam nói chung, Đoàn Giỏi nói riêng. Đây cũng là yếu tính để sáng tác của ông bảo lưu được giá trị nhân văn cùng sức hút với tuổi thơ hôm nay và mai sau. “Chúng ta muốn trẻ em Việt Nam lớn lên, trở thành người tử tế và mang tên Việt Nam, thì sự tử tế đó phải chứa đựng vẻ đẹp văn hóa, phong tục, lịch sử Việt… Để làm được điều đó, cần có thật nhiều những tác phẩm văn học thiếu nhi mang đậm văn hóa Việt đến với các em”7. Nhiều năm qua, tác phẩm của Đoàn Giỏi đã được đưa vào dạy học trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam. Với chương trình 2006, học sinh tiểu học biết đến ông qua các bài Cây xoài của ông em (Tiếng Việt 2, tập 1), Sân chim (Tiếng Việt 2, tập 2), Rừng cây trong nắng (Tiếng Việt 3, tập 1). Trong chương trình Ngữ văn 2018, với các văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng (Ngữ văn 7, tập 1, bộ Cánh Diều), Đi lấy mật (Ngữ văn 7, tập 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), Đất rừng phương Nam (Ngữ văn 10, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo), nhà văn đã chinh phục nhiều học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông qua cách miêu tả khá độc đáo vùng sông nước cực Nam của Tổ quốc. Người học được trải nghiệm miền đất phương Nam với thiên nhiên, sản vật, văn hóa vật chất, tinh thần đậm hương tình xứ sở. Đây là một vinh dự lớn mà không phải người viết nào cũng có được. Nhiều tác phẩm của Đoàn Giỏi đến bây giờ vẫn còn mới mẻ, hấp dẫn bạn đọc còn là vì có giá trị dự báo những yếu tố quan trọng của thiên nhiên, môi trường. Nhà văn một mặt thay đổi nhận thức của chúng ta về môi sinh, một mặt cảnh báo chúng ta về sự cam go của cuộc đấu tranh gìn giữ và phục hồi thế giới tự nhiên.

 

 

 

Chú thích:
1 Đoàn Giỏi (2016), Rừng đêm xào xạc, NXB. Kim Đồng, tr. 90.
2 Đỗ Thành Nam (2010): “Đoàn Giỏi – Nhà văn của “núi cả cây ngàn””, http://www.vnca.cand.com.vn, truy cập ngày 9/11/2023.
3, 5, 6 Đoàn Giỏi tuyển tập, NXB. Văn hóa - Thông tin, 2005, tr. 653, 621, 628.
4 Đoàn Giỏi (2016), Những chuyện lạ về cá, NXB. Kim Đồng, tr. 14.
7 Phát biểu của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Dẫn theo: Phương Lan (2024): “Phát triển văn học thiếu nhi - Bài cuối: Lấp dần những “khoảng trống””, truy xuất ngày 9/10/2024 từ https://chinhsachcuoc song.vnanet.vn/phat-trien-van-hoc-thieu-nhi-baicuoi-lap-dan-nhung-khoang-trong/42033.html.

Bình luận

    Chưa có bình luận