Nhận diện, định vị “bản sắc” văn chương Nguyễn Nhật Ánh, Trần Thị Trâm sử dụng thuật ngữ “mĩ học ấu nhi” bởi Nguyễn Nhật Ánh đã đưa trẻ thơ trở về thế giới đích thực của trẻ, hồn nhiên giữa cuộc sống đời thường1. Văn Giá cho rằng nỗi ngạc nhiên và xúc động là mĩ học của nhà văn được xem là “thuộc về tất cả”2. Tôi nhận thấy thêm một ánh sáng khác từ thế giới nghệ thuật Nguyễn Nhật Ánh mang tên “Mĩ học của ngày hôm qua”.
Điều này phần nào có mối liên hệ với tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong tác phẩm, nhân vật Thư, khi đã là học sinh trung học, có cảm tình đặc biệt với Việt An - cô bạn cùng lớp dịu dàng, xinh xắn, thông minh, quyết đoán, sâu sắc. Cao trào của câu chuyện là khi Thư nhận ra Việt An chính là Tiểu Li của ngày xưa - người Thư thường bắt nạt, trêu chọc và chỉ thực sự cảm thấy “trống vắng mênh mông” khi cô bé đột ngột chuyển đi. Sự thật về Việt An cho thấy những gì đã qua không hẳn là mất đi, dù rằng đã có những thay đổi về hình thức. Cùng với việc khẳng định sự biến đổi, trưởng thành của con người theo thời gian, Cô gái đến từ hôm qua còn nhắc nhớ về sự quyến luyến, trân trọng, gìn giữ những điều tốt đẹp trong quá khứ.
Cái tứ ấy của câu chuyện, ngẫm ra, rất giống đời văn Nguyễn Nhật Ánh.
Trước hết, cần phải khẳng định sự vận động của văn chương Nguyễn Nhật Ánh. Những thành công tiêu biểu cho sự dịch chuyển ấy, theo tôi là: Chuyện xứ Lang Biang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Chúc một ngày tốt lành, Ngày xưa có một chuyện tình. Lựa chọn này về cơ bản là trùng khít với chia sẻ của nhà văn, bởi Nguyễn Nhật Ánh từng nói: Kể từ năm 2007, khi tôi bắt đầu viết tác phẩm Tôi là Bêtô, tiếp ngay theo đó là Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tôi đã có những suy nghĩ khác. Tôi muốn ngẫm nghĩ nhiều hơn trong tác phẩm và tạo nên một cuốn sách thiếu nhi chứa đựng được nhiều hơn so với vẻ bề ngoài của nó. Ngay cả Chúc một ngày tốt lành hay Ngày xưa có một chuyện tình có lẽ cũng nằm trong trường hợp này, do những vấn đề nó đặt ra đã không còn đơn giản, kể cả hình thức văn chương dùng để chuyên chở nó. Có thể đó không phải là những tác phẩm thiếu nhi. Nếu gọi là văn học thiếu nhi thì nó đã phá vỡ các quy ước truyền thống để mở rộng biên độ về cách viết và cách hiểu về mảng văn học này.
Chuyện xứ Lang Biang không có mặt trong chia sẻ đó. Thậm chí, vào năm 2007, nó từng được đặt lên bàn cân với Kính vạn hoa ở cuộc trưng cầu ý kiến trên Báo Thanh Niên về việc nhà văn nên viết tiếp Kính vạn hoa hay Chuyện xứ Lang Biang. Độc giả đã chọn Kính vạn hoa. Dù vậy, Chuyện xứ Lang Biang vẫn là bước nhảy ngoạn mục trong đời văn Nguyễn Nhật Ánh. Về phía người sáng tác, Nguyễn Nhật Ánh thừa nhận đã nhìn thấy sức hút của các truyện thần thoại như Sabrina - Cô phù thủy nhỏ và Harry Potter với độc giả nhí và khẳng định, với chính mình, “lối viết cũ đã không còn kích thích” nữa, viết Chuyện xứ Lang Biang là một thách thức mới. Với giới nghiên cứu, sự chuyên nghiệp của Nguyễn Nhật Ánh thường được nhận diện xoay quanh hai lý do: “Thứ nhất, vì ông có lượng fan đông đảo nhất trong số các nhà văn ở xứ này, bằng chứng là chưa thấy nhà văn nào mỗi lần ra sách lại có hàng dài độc giả đứng xếp hàng trong nhiều tiếng liền để xin chữ ký. Thứ hai, đó là “giữ nếp” ra sách mới rất đều đặn. Ở khía cạnh này, có thể cũng có một vài “cạnh tranh” nhưng không mấy “quyết liệt” và chắc không đáng ngại, bởi sự đều đặn ra sách mới của Nguyễn Nhật Ánh đã “đạt chuẩn””3. Chuyện xứ Lang Biang tiếp tục khẳng định tính chuyên nghiệp ở bình diện khác. Được biết, để viết tác phẩm, nhà văn đã phải mất nửa năm tìm tài liệu và đọc các loại sách liên quan như Phù thủy và pháp sư, Ma thuật và thuật phù thủy ở Philippines, Các huyền thoại phương Đông, Thần thoại Hy Lạp và La Mã, Một số vấn đề phát triển kinh tế xã hội buôn làng các dân tộc Tây Nguyên, Họ và tên người Việt Nam, Các dân tộc ít người ở Việt Nam, Các nền văn minh cổ đại4… Đây cũng là tác phẩm nhà văn phải “phát huy tối đa sức tưởng tượng và tính tổ chức” để tìm ra sợi dây kết nối những bộn bề chi tiết của 4 tập truyện gồm 2000 trang. Đó là điều mới mẻ với một tác giả vốn thâm canh trên cánh đồng văn chương đậm hơi thở cuộc sống sinh hoạt thường nhật với những câu chuyện viết theo lối “độc lập và liên hoàn”. Những thông điệp về thiện - ác, tình yêu - tình bạn, sự sống - cái chết được cài cắm tự nhiên và nhất quán trong thế giới mênh mông của phép thuật, thần chú, lời nguyền; sự hòa hợp giữa huyền thoại và hiện thực, giữa phương Tây và phương Đông là nỗ lực “vượt qua chính mình” của Nguyễn Nhật Ánh.
Bốn năm sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ với sự thay đổi kỹ thuật kể chuyện đã thuận lợi chinh phục nhiều đối tượng độc giả, làm xê dịch quan niệm về văn học thiếu nhi. Câu chuyện không tái hiện độc lập qua một góc nhìn mà là kết quả của sự gặp gỡ giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành, giữa trẻ em và người lớn. Điểm thú vị nữa khi đó là đều hai phần, hai nửa của một cuộc đời, một con người. Nhà văn không hoàn toàn kể chuyện thay trẻ em và cũng không để cho trẻ em toàn quyền kể chuyện. Tác phẩm mang không khí của một phiên tòa, bớt bình yên hơn so với không khí thường thấy của truyện Nguyễn Nhật Ánh, “chứa đựng nhiều điều hơn so với vẻ bề ngoài của nó” khi tác giả sử dụng đồng thời quan điểm của đứa trẻ ngây thơ và quan điểm của người trung niên từng trải. Định hướng này đã tạo ra sự đa chiều về điểm nhìn và vùng thẩm mĩ. Vùng truyện do trẻ em kể lại thực sự đáng yêu với những nỗi buồn tươi tắn đến từ khao khát sắp xếp lại thế giới, vào vai người lớn để trải nghiệm những điều vượt tuổi. Ở ngả kia, vùng truyện được kể bằng điểm nhìn của nhà văn tuổi trung niên lại chứa nhiều nghiệm sinh sâu sắc được rút ra từ “tấm lưới” hôn nhân, sức khỏe, cuộc đời. Nguyễn Nhật Ánh không lấy quyền lực của người trưởng thành để khẳng định trẻ con là sai trái, lệch lạc. Tác giả kiềm chế quyền lực người lớn, nhắn nhủ họ ghi nhớ về mình khi đang còn ở sân ga tuổi thơ. Cứ thế, sự kết nối hai thế hệ đã làm rộng góc nhìn về trẻ em, để người lớn bao dung, thấu hiểu chúng và cũng để trẻ em tự rút ra những bài học giúp mình lớn lên một cách tử tế.
Chúc một ngày tốt lành thành công với lối viết giả tưởng mà trước đấy nhà văn từng sử dụng ở tác phẩm Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Vẫn tiếp tục khẳng định sức mạnh của yếu tố tưởng tượng, vẫn tiếp tục chuyển dịch các vấn đề của con người vào con vật nhưng con người nhất định là điểm đến của mong đợi. Tuy nhiên, nếu như Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ mang đến nỗi xúc động man mác, nhẹ nhàng với bài học về tình yêu thì Chúc một ngày tốt lành có những biến hóa bất ngờ, khôn ngoan, đậm chất humour. Tác phẩm này cho thấy Nguyễn Nhật Ánh là người nhà quê thức thời, không chỉ quanh quẩn với chum gạo, giàn su su mà đã thâm nhập sâu vào đời sống của con người thành thị. Là “liệu pháp tinh thần” của nhà văn nhằm cân bằng tâm lý để vượt qua thương tổn tinh thần do đại dịch COVID-19 mang đến, tác phẩm đã tạo ra một thế giới rộn ràng, đáng yêu, ấm áp. Đáng nói là những phẩm tính ấy chỉ thuộc về thế giới loài vật và trẻ con. Thấy rõ những nghi thức giao tiếp tối thiểu, những mối tương tác của người lớn đang dần xa, nhà văn lập tức kích hoạt chất giọng giễu nhại. Sự quần tụ của giới truyền thông, giới chức sắc với nhà báo, ông chủ tịch, ông an ninh, ông động vật hoang dã, ông du lịch, ông thuế vụ, bà y tế, bà kế hoạch đầu tư, nhà ngôn ngữ học, sinh học và tâm lý học bên khu vườn có “trò chơi ngôn ngữ vớ vẩn” của trẻ thơ hé lộ phần lố của xã hội. Tất cả “các bậc trí thức lỗi lạc” đó ở lỳ trong vườn nhà bà Đỏ để quan sát, nghiên cứu, khám xét, đo đạc, chẩn đoán, mân mê, vày vò các con vật, “quay cuồng các con vật theo đủ kiểu, chỉ thiếu mỗi chuyện lộn trái từng con”, nhằm tìm hiểu xem “tại sao những con vật tầm thường vào một ngày thình lình trở nên phi thường rồi vào một ngày khác lại đột ngột trở lại tầm thường”. Càng nực cười khi người lớn khoác lên các con vật và trẻ con những chiếc áo ngôn ngữ diêm dúa, mĩ miều như: thiên tài ngôn ngữ, ca sĩ ngôi sao, nhà ảo thuật phi thường, trong khi lũ heo con, gà con, chó con chẳng xem nó “ra cái củ cà rốt gì”. Lần đầu tiên chúng ta thấy một Nguyễn Nhật Ánh gai góc và có phần tinh quái. Nhà văn chính thức khởi động cuộc đối thoại về bản sắc văn hóa và văn hóa ứng xử của con người hiện đại trong thế giới văn chương của mình. Tôi cho rằng đây là tác phẩm có nhiều khoảng trống để người đọc điền vào.
Với Ngày xưa có một chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh sử dụng kỹ thuật dựng phim để thực hiện trải nghiệm kể chuyện độc đáo. Tác phẩm như một thứ tài sản được kiến tạo bởi nhiều phiên bản trần thuật. Độc giả được dẫn dắt qua nhiều trạm kể. Điều đặc biệt là trạm kể nào cũng chú trọng miêu tả tâm lý nhân vật, điều Nguyễn Nhật Ánh không thường làm trước đấy. Các vai kể chuyện không cạnh tranh nhau, chỉ hỗ trợ thúc đẩy mạch truyện, bảo hộ cho nhân vật, phân tán bí mật cuộc đời nhân vật trong lớp sương mù. Người đọc cũng nhận ra mức độ phức tạp của thế giới nội tâm trẻ thơ lẫn sự phức tạp của vấn đề đạo đức trong tác phẩm. Đây là câu chuyện đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh để cho nhân vật trượt ngã trên chính tình yêu của mình. Miền đã phải chấm dứt cuộc đời học sinh, phải rời thị trấn để tránh sự đàm tiếu và chính thức trải nghiệm sớm vai trò người mẹ. Sau buổi tối “định mệnh” Miền và Phúc thiếu sự kiểm soát, bé Su ra đời. Miền đã sống “những ngày tháng sầu muộn” khi Phúc cứ biền biệt. Dù bé Su là “liều thuốc an thần” giúp Miền chữa trị vết thương nhưng chắc chắn không thể xóa sạch tất cả. Tiếng thở hắt của người mẹ thương con, đôi vai trĩu nặng của người cha bên bàn rượu... đó là những vệt ký ức buồn làm cho Miền bao lần khổ tâm và hối hận. Viết về “cú ngã” của nhân vật, nhà văn đã thể hiện quan điểm, thái độ đối với giới hạn cần thiết trong tình cảm tuổi học trò. Bằng tác phẩm này, Nguyễn Nhật Ánh khẳng định không có giới hạn nào về “tình huống đạo đức” diễn ra với trẻ em đương đại. Đấy thực sự là một cuộc phiêu lưu, có khả năng làm mờ mã ký hiệu văn chương mà Nguyễn Nhật Ánh đã xác lập trước đấy với thiên hướng thích sự trong trẻo, an yên hơn là bụi bặm, va đập. Nhờ đó độc giả nhìn thấy được sự đa dạng của nhà văn khi khai thác những vùng thẩm mĩ vốn dĩ đã thân quen như máu thịt.
Theo đánh giá riêng tôi, bốn tác phẩm trên đã tạo quyền lực lớn cho đời văn Nguyễn Nhật Ánh. Trước đấy, như nhân vật Tiểu Li, cách viết của Nguyễn Nhật Ánh trong trẻo, giản dị, hiền lành, không chú trọng nhiều đến cách kể. Trạng thái “mơ màng êm dịu” của Thư khi nghĩ và nhớ về Tiểu Li cũng là cảm nhận chung của độc giả Kính vạn hoa một thời. Những tác phẩm kể tên trên đã cho thấy sự hiện diện của một Việt An trong văn chương Nguyễn Nhật Ánh. Cá tính, có chiều sâu, thách thức người đọc hơn, quyến rũ hơn, hấp dẫn hơn. Thư từng nhìn vào mắt Việt An và ngạc nhiên thấy “những giọt nắng chiều đang nhảy múa trong đó. Những giọt nắng lung linh và không ngừng đổi màu khiến đôi mắt của nó đột nhiên rực rỡ và kỳ dị”. Đọc Chuyện xứ Lang Biang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Chúc một ngày tốt lành, Ngày xưa có một chuyện tình cũng sẽ thấy hiện tượng đổi màu quyến rũ ấy. Với những tác phẩm này, kỹ thuật kể/ viết truyện Nguyễn Nhật Ánh được định vị ở một nấc thang mới. Tác giả kiểm soát, can thiệp một cách khôn khéo vào câu chuyện của nhân vật. Quyền lực của người kể chuyện trong các tác phẩm ấy được thể hiện rất rõ.
Những đổi thay ấy là sự vận động tất yếu của một nhà văn chuyên nghiệp, của người được định danh là “hiệp sĩ của tuổi thơ”. Nhưng kỳ thực, dù vươn về những vùng sáng khác lạ thì phần hôm qua, phần quá khứ vẫn hiện hữu ở đấy, trong từng tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, trong những điển hình đổi mới thi pháp.
Tôi nhận thấy phần nào “sinh khí” của Tuổi Ngọc - hiện tượng rất đáng kể của văn học đô thị Miền Nam xuất hiện vào năm 1969 - trong văn chương Nguyễn Nhật Ánh. Tuổi Ngọc với chủ bút là Duyên Anh được xem là diễn đàn của các sáng tác dành cho tuổi mới lớn. Với slogan “Tuần báo của yêu thương”, các tác giả đã chạm đến những bâng khuâng của tuổi mới lớn với khát khao thầm kín được đón nhận “hạnh phúc dịu dàng” của tuổi. Thư hàng tuần của Chủ nhiệm Tuổi Ngọc dành cho độc giả (số 2 năm 1969) có đoạn viết: “Cho tôi được mừng nỗi mừng của con nhà nghèo có tấm áo mới dự hội xuân. Tấm áo không lộng lẫy nhưng rất vừa vặn. Có thể đã may vụng vì may vội. Tấm áo chưa kịp thêu hoa lá, chim bướm. Bà mẹ khâu áo cho con bằng tay. Thức suốt đêm, mắt mờ vì đường kim mũi chỉ. Bà mẹ mong con được mặc áo mới dự hội. Hơi lo lắng. Chỉ sợ tấm áo làm con mình lạc lõng. Tuổi Ngọc ví như tấm áo dự hội mùa xuân của con nhà nghèo. Nó không bị hắt hủi. Bạn đọc đã mở rộng đôi tay dễ dãi đón nhận nó. Với nhiều thương mến, ít chê bai... Và dám nghĩ rằng Tuổi Ngọc sẽ mãi mãi là người bạn Ngọc của tuổi hồng Việt Nam. Nó chỉ chết yểu khi chúng ta không thích ngợi ca tình yêu, tuổi thơ và quê hương”5. Thực tế, Tuổi Ngọc chỉ duy trì được vài năm. Tuy nhiên, dòng chảy thương mến độc giả dành cho Tuổi Ngọc thì không dừng lại. Nguyễn Nhật Ánh vừa là một phần của dòng chảy ấy vừa là người đã từng tham gia dệt “tấm áo dự hội mùa xuân”. Năm 1969, lúc đang là học sinh lớp 9, Nguyễn Nhật Ánh đã có truyện ngắn mang tên Mẹ là niềm đau thân phận đăng ở Tuổi Ngọc. Lên cấp 3, Nguyễn Nhật Ánh thêm duyên với tuần báo này qua một số bài thơ. Từ năm 1987 trở đi, sau một số tác phẩm viết cho thiếu nhi như: Bàn có năm chỗ ngồi, Trước vòng chung kết, Chú bé rắc rối, nhà văn chuyển hẳn sang sáng tác cho tuổi mới lớn. Điều này trước hết là sự bắt nhịp kịp thời của nhà văn với chủ trương của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ, tập trung vào việc sáng tác cho tuổi mới lớn để đẩy lùi nạn “sách đen”, “sách chép tay” đang “hoành hành đến mức đáng báo động”6. Bằng cách này, Nguyễn Nhật Ánh cùng với các bạn văn Đoàn Thạch Biền, Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc… đã “trở thành lá chắn cho tâm hồn học trò”7, đồng thời góp phần bù lấp khoảng trống về đề tài tuổi mới lớn vốn dĩ vắng bóng ở Miền Bắc và đang bị bỏ dở ở Miền Nam sau khi tuần báo Tuổi Ngọc ngừng hoạt động. Những tác phẩm như Thiên thần nhỏ của tôi, Mắt biếc, Hạ đỏ… ít nhiều gợi nhớ không khí truyện của Duyên Anh, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện... một thuở.
Nhìn rộng hơn, phần hôm qua trong Nguyễn Nhật Ánh chính là bóng dáng của các tác phẩm, tác giả văn học thiếu nhi nước ngoài nổi tiếng trên trang viết nhà văn xứ Quảng. Ở góc nhìn khái quát, Lê Huy Bắc nhận định: “Đọc Nguyễn Nhật Ánh, với tư cách là một cây bút truyện thiếu nhi, ta thấy ở ông có sự tiếp thu tinh hoa của loại truyện này từ hầu hết các cây bút bậc thầy thế giới như Mark Twain, Rudyard Kipling, J. D. Salinger, Happer Lee, thậm chí là cả Miguel de Cervantes... với đầy đủ các đặc thù truyện thiếu nhi mà bất cứ bậc thầy nào cũng sử dụng. Đó là đa tầng cảm xúc, là tiếng cười, tính triết lý, nỗi đau chết người và bài học đạo đức... tất cả được đặt trên cái nền đối thoại hài hước hay bi đát với các chuẩn mực lỗi thời của thế giới người lớn”8. Chính nhà văn cũng tự nhận đã yêu thích và chịu sự ảnh hưởng của một số tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài như: Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (Mark Twain), Vichia Maleev ở nhà và ở trường (Nikolay Nosov)… Theo tác giả, tác phẩm Cậu bé rắc rối có sự tiếp nhận sáng tạo Vichia Maleev ở nhà và ở trường của Nikolay Nosov. Vận dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp, Lã Thị Bắc Lý liên hệ Chuyện xứ Langbiang với Harry Potter của J. K. Rowling9, Lê Nhật Ký liên hệ Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ với Con mèo dạy hải âu bay của Luis Sepúlveda10, Nguyễn Thị Mai Liên so sánh Hạ đỏ với Tugumi của Y. Banana11. Tôi không thể không nghĩ đến Bên kia đường có đứa dở hơi của Wendelin Van Draanen khi đọc Ngày xưa có một chuyện tình. Wendelin Van Draanen trao quyền kể chuyện cho cả nhân vật Bryce và Juli Baker. Hai nhân vật tạo thành hai con đường bắt sáng. Mỗi một sự kiện, một chi tiết lại được “double” thành hai câu chuyện. Chuyện của Juli thì sôi nổi, nhiệt thành lúc này, bồng bềnh, yên ả lúc khác. Bryce thì căng thẳng với những “hoạch định chiến lược bài bản” cho những cuộc trốn chạy. Đồng hành cùng hai người kể chuyện, người đọc thích thú khi đối diện với sự thật sau sự thật. Không nghi ngờ người kể chuyện nào, người đọc nhờ cả hai nhà kể chuyện mà hiểu hơn bản chất của sự vật, hiện tượng khi nó chính thức sống trong cái nhìn nhị nguyên. Ông ngoại của Bryce từng nói: “Con người... mỗi người một vẻ. Kẻ nhờ nhờ, kẻ hào hoa, bóng bẩy... Nhưng sẽ có lúc nào đó con tìm được ai đó lấp lánh sáng, và khi đó thì chẳng gì có thể sánh nổi”. Dần dần, Bryce may mắn đã nhìn thấy cây vi huyền lấp lánh trong chính Juli. Như Nguyễn Nhật Ánh với cây vi huyền mang tên Vinh trong Ngày xưa có một chuyện tình - hệ quả của nghệ thuật bắt sáng mang dấu ấn của Wendelin Van Draanen. Thậm chí, với sự chuyển đổi qua nhiều điểm nhìn trần thuật hơn, tác phẩm Ngày xưa có một chuyện tình thực sự thách thức độc giả về sự phức tạp của các mối quan hệ giữa người với người và tầm quan trọng của sự đồng cảm trong nhìn nhận, đánh giá người khác.
Có một bức tranh nổi tiếng của danh họa Salvador Dalí mang tên Sự bền bỉ của ký ức (The Persistence of Memory). Thực hành nghệ thuật trong bối cảnh rực rỡ của chủ nghĩa siêu thực, Salvador Dalí đã “tạo ra trạng thái thôi miên cho phép mình thoát khỏi thực tại”. Tác phẩm của Dalí “tạo ra những liên tưởng mới, tái cấu trúc cơ chế toàn năng của thời gian”12. Những thông điệp về thời gian, ký ức, ý thức được Dalí chuyển tải sâu sắc. Tôi gọi Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn của ngày hôm qua cũng vì “sự bền bỉ của ký ức” trong con người này. Văn chương Nguyễn Nhật Ánh mang dáng dấp cuộc đời dân dã, vương vít “sương khói quê nhà”. Nhà văn cưu mang thôn quê hơn là chốn thị thành. Như cây tầm gửi một đời quấn quýt bám vào kỷ niệm, truyện Nguyễn Nhật Ánh là bản hợp âm, hợp sắc của nhiều âm thanh, hình ảnh gợi nhắc những ngôi làng xứ Quảng mang tên Đo Đo, Trà Long. “Từ xưa, Quảng Nam đã là một trong những địa phương có con dân đi lưu lạc nhiều nhất nước. Vì vậy nỗi hoài nhớ quê hương trong lòng người Quảng Nam xa xứ dằng dặc và rất sâu đậm” (Sương khói quê nhà). Nhà văn của chúng ta ngăn cách với Đo Đo, Trà Long không chỉ về không gian, thời gian mà còn cả “những dâu bể đời người”. Có thể vì thế mà Nguyễn Nhật Ánh đã tìm cách “bê nguyên cái làng ruột thịt của mình” vào trang viết cho thỏa “nỗi hoài cố quận”. Thị vàng, sim chín, su su, đậu bắp, luống cải, vồng cà; tiếng chim, tiếng dế, tiếng đập cánh của bọ rầy; những chú cún, đám gà con “như những nắm bông màu vàng bị gió thổi dạt từ bờ rào tới vườn cải”; mùi phân bò, mùi đất ải, mùi mứt tết, vị cùi thơm; giếng đá mốc rêu, quầy tạp hóa, những vạt ruộng… theo về trong “giấc mơ sầu xứ”. Người thân và bè bạn cũng líu ríu tụ bạ trên những trang văn. Mỗi một câu chuyện là một cách gọi tên thời thơ ấu, là sự phản quang của ngày xưa. Nhà văn chiếu rọi ánh sáng tới thời xa lắc, làm sống dậy những mối tình, trò chơi, giọng nói, thức quà, nỗi niềm thơ dại. Thậm chí, tác phẩm Còn chút gì để nhớ còn mang đậm yếu tố tự truyện. Tôi cho rằng, với Nguyễn Nhật Ánh, viết văn là một cách để thỏa mối tình quê. Dẫu cuộc đời và trang văn cho Nguyễn Nhật Ánh sống kiếp tha nhân thì lữ khách ấy cũng tìm bến quê mà neo đậu, như nhân vật của anh trong Ngày xưa có một chuyện tình: “Trong tám năm rời xa thị trấn, tôi cũng nhiều lần nằm mơ thấy tôi trở về”; về vườn ổi những chiều lộng gió, cỏ lông chông bay suốt quãng đường dài; về giã muối ớt trong chiếc cối đá ở gian nhà bếp; về với bức tường quét vôi vàng của ngôi trường thời thơ dại...
Ở phương diện này, không thể không nói đến sự hiện diện của đứa trẻ “mãi mãi tuổi mười lăm” trong Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh rất trẻ so với tuổi đời tác giả. Sự tươi tắn, thanh thuần của từng trang viết là điều không phải nhà văn nào cũng giữ được cho mình. Nhà văn miêu tả nhân vật tự nhiên, chân thực đến mức không ít người cho rằng nhà văn đã tìm hiểu trẻ con rất kỹ. Thực ra, đó còn là cái cách Nguyễn Nhật Ánh đối xử với ký ức của mình. Nhà văn thành công trong việc chia sẻ với người đọc một đoạn, một góc đời thân thuộc mà mình từng qua. Nhờ vậy, độc giả của nhà văn chính thức có mặt trên sân ga tuổi thơ, cười khóc cùng với sự trong sáng, dại khờ của nhân vật và của chính tác giả. “Tôi nghĩ bất cứ ai trong chúng ta, các bạn và tôi, đều có những kỷ niệm đẹp về quãng đời tuổi nhỏ – là quãng đời mà thời gian đã lấy đi của chúng ta và sẽ không bao giờ trả lại. Vì vậy, viết về tuổi thơ là cách duy nhất để tôi trục vớt những kỷ niệm đã chìm sâu dưới đáy thời gian, tái hiện lại những ngày tháng tươi đẹp đó và bày chúng trên trang sách như bày ra một thứ bánh ngon để hương vị quyến rũ của chúng mãi mãi ở lại với chúng ta. Cũng có thể chính tuổi thơ đã mượn tay tôi để làm tất cả những chuyện này”13. Phát biểu đấy của nhà văn giúp chúng ta hiểu hơn nhận định của Lê Huy Bắc khi cho rằng Nguyễn Nhật Ánh là môn đồ xuất sắc của Sigmund Freud. Từ “ám ảnh của tuổi thơ”, truyện Nguyễn Nhật Ánh thể hiện sự diễn giải sinh động về mối quan hệ giữa con người với thời gian. C. Walter Hodges có câu: “Nếu trong mỗi đứa trẻ có một người lớn cố thoát ra, thì trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ cố quay lại”. Trẻ em đặt kỳ vọng khám phá, trưởng thành vào thời gian còn người lớn thì mắc kẹt trong hoài niệm về thời thơ dại. Là nhà văn của ngày hôm qua xét ở phương diện sống bền sống lâu với ký ức là biểu hiện của một Nguyễn Nhật Ánh trong trạng thái không ngừng tìm kiếm bản ngã và cân bằng nội tâm.
Mĩ học của ngày hôm qua còn được khẳng định bởi sự thủy chung trước sau như một của Nguyễn Nhật Ánh với văn chương chữa lành. Kiên trì quan điểm không đem “giông bão” đến cho các cây non, không giày vò người đọc bằng những phiền muộn, chấn thương, những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh không làm tổn hại đến cảm xúc độc giả, không làm sợ hãi hay tước đi hi vọng của họ. Ngay cả tác phẩm khai thác chấn thương tâm lý đầu đời của nhân vật như Ngày xưa có một chuyện tình thì chức năng chữa lành vẫn trọn vẹn. Chuyện tình tay ba của Phúc, Vinh, Miền được dõi theo từ thuở nhân vật còn ở tuổi hoa niên cho đến lúc họ ở tuổi 45. Tuổi hoa niên là những ngày yêu thương ngây ngô, vụng dại. Những giọt nước mắt lăn trên má nhỏ Miền đủ làm cho lòng Vinh “ướt sũng”, “trái tim như nhúng trong bùn lầy”. Phúc trở thành nơi cho Vinh gửi gắm bí mật. Thế nhưng cậu con trai nhút nhát này đã không gặp may mắn trong tình yêu đầu đời. Miền, “thứ trái ngọt trổ bất thường trên cây phả hệ đầy những cành đắng” đã gửi tình cảm cho chính người bạn thân của cậu. Nhận thức rõ tình cảm tréo ngoe của ba người, Vinh chủ động chuyển chỗ ngồi trong lớp, không ngồi cạnh Miền nữa. Một thời gian dài, Vinh như “con tằm loay hoay trong kén”, “mụ mị và bất lực” với những câu hỏi tối tăm. Nhân vật càng không có lối thoát khi không thể ghét được người bạn thân và vẫn tiếp tục “chăm chỉ” yêu Miền. Thậm chí Vinh còn dõi theo mối quan hệ của hai bạn với những lo lắng thầm lặng. “Cất nỗi buồn ở nhà”, Vinh tình nguyện đi chơi chung với hai bạn vì không muốn “thiên hạ tiếp tục dị nghị” về mối quan hệ giữa Phúc và Miền. Lúc những tiếng đồn thổi về tình cảm hai bạn tan dần theo gió thì Phúc đột ngột biến mất khỏi thị trấn, Miền nghỉ học với lý do vào Phú Yên chăm chị đang trong thời gian sinh con. Kể từ đây, bạn đọc càng có dịp thấy rõ hơn tình yêu cao thượng của cậu bé Vinh nhút nhát ngày nào. Vào đại học, trở thành thầy giáo... qua thời gian, Vinh vẫn gìn giữ tình yêu với Miền, vẫn cưới Miền làm vợ dù biết rằng bé Su con chị Lụa kỳ thực là con của Miền và Phúc. Dù trái tim như bị chia hai khi nghe tin Phúc quay về thị trấn, rồi sau đó tan chảy ra khi nghe cuộc trò chuyện giữa Phúc và vợ, Vinh vẫn quyết định im lặng, vờ như không biết về kế hoạch bỏ nhà ra đi của Miền. Đó không phải là sự nhu nhược mà bởi Vinh hiểu rõ “nếu Miền quả thật không cảm thấy hạnh phúc khi ở bên tôi thì cuộc sống chung giữa hai đứa tôi càng để lâu càng mưng mủ”. Tình cảm mà Vinh dành cho Miền thực sự chân thành. Nói như Nguyễn Nhật Ánh, Vinh đến với Miền vì tình yêu tinh khôi như ánh mặt trời và cưới Miền dưới bóng mây đen của quá khứ, nhưng Vinh như con tằm nhả đến sợi tơ tình cảm cuối cùng. Chính tình cảm đẹp đẽ ấy đã làm xoay chiều tất cả. Tình yêu bền bỉ, vị tha được chưng cất qua nhiều năm tháng của Vinh đã níu chân Miền lại. Tình bạn chân thành của Vinh còm cũng là lý do để Phúc một mình khoác ba lô ra đi. Một câu chuyện tình có hậu dù nhiều nước mắt và tổn thương. Đó là cách nhà văn gạn bớt cái u ám, hóa giải phần sầu muộn. Sau những thay đổi về kỹ thuật trần thuật, vẫn vẹn nguyên một Nguyễn Nhật Ánh miệt mài nhả sợi tơ lành làm dịu lòng người. Trong hành trình chữa lành ấy, Nguyễn Nhật Ánh nhấn mạnh hoài niệm cá nhân hơn là sự thật lịch sử. Từ đầu đến cuối, tác giả đều thể hiện sự tồn tại bền vững kiểu văn chương không định kiến, chỉ có yêu thương dành cho những con người bình dị, nhỏ bé, thân quen, khiếm khuyết.
Nguyễn Nhật Ánh, cùng với mĩ học của ngày hôm qua, đã thành công trong việc đan dệt những khoảng sáng diệu kỳ ngoài văn bản, cho nhiều đối tượng người đọc, ở nhiều thời điểm, đúng như kỳ vọng của tác giả về những tác phẩm có thể “bật cái công-tắc trong ký ức” của các thế hệ người đọc, giúp tuổi thơ của họ “một lần nữa tỏa sáng lung linh như những ngọn nến hồng”. Đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa thấy mối quan hệ kế thừa, phát triển của văn học vừa nhận ra thông điệp nhẹ nhàng mà sâu xa về việc duy trì sự cân bằng giữa việc trưởng thành và giữ lại những điều trong sáng của tuổi thơ để có thể sống một cuộc sống vừa đủ chín chắn vừa đủ hồn nhiên, phóng khoáng.
Chú thích:
1 Trần Thị Trâm (2015): “Nguyễn Nhật Ánh - Người đổi mới văn học trẻ hôm nay”, Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
2 Văn Giá (2015): “Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ”, Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
3 Hoàng Thu Phố (2013): “Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Người bán vé đi tuổi thơ”, nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/201312/nhavan-nguyen-nhat-anh-nguoi-ban-ve-di-tuoitho-2292499
4 https://tuoitre.vn/nguyen-nhat-anh-voi-chuyenxu-lang-biang-23473.htm.
5 Duyên Anh (1969), Tuần san Tuổi Ngọc, số 2.
6 Lê Công Sơn (2021): “Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ gắng sáng tác để đẩy lùi nạn sách đen”, nguồn: https://thanhnien.vn/nha-van-nguyen-nhatanh-tiet-lo-gang-sang-tac-de-day-lui-nan-sachden-1851026253.htm
7 Đỗ Trung Quân (2005): “Nguyễn Nhật Ánh - Văn chương như một thái độ”, Hành trình vươn tới vì sao, NXB Trẻ.
8 Lê Huy Bắc (2015): “Nguyễn Nhật Ánh và truyện thiếu nhi”, Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
9 Lã Thị Bắc Lý (2015): “Nguyễn Nhật Ánh - Người giữ lửa cho văn học thiếu nhi”, Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
10 Lê Nhật Ký (2015): “Nguyễn Nhật Ánh giữa cuộc chiến không cân sức”, Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
11 Nguyễn Thị Mai Liên (2015): “Hạ đỏ của Nguyễn Nhật Ánh và Tugumi của Y. Banana từ góc nhìn manga shouji”, Nguyễn Nhật Ánh - Hiệp sĩ của tuổi thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
12 Trang Ps (2020): “Sự dai dẳng của kí ức: Kiệt tác siêu thực của Salvador Dalí”, https://luxuo.vn/ culture/su-dai-dang-cua-ki-uc-kiet-tac-sieu-thuccua-salvador-dali.html
13 Lê Công Sơn (2020): “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ qua Nhật, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói gì?”, https://thanhnien.vn/cho-toi-xin-mot-ve-di-tuoitho-qua-nhat-nha-van-nguyen-nhat-anh-noigi-185991711.htm.