Phê bình sinh thái (ecocriticism) là một khuynh hướng nghiên cứu văn học mới ở Việt Nam từ lý thuyết sinh thái. Cơ sở lý luận của phê bình sinh thái là sự hài hòa giữa con người và tự nhiên trong chỉnh thể sinh thái, vừa đảm bảo lợi ích của con người vừa đảm bảo lợi ích sinh thái.
Bằng thế giới hình tượng và những rung cảm thẩm mĩ, tác phẩm Nguyễn Ngọc Thuần đã cất tiếng nói để bảo vệ Mẹ thiên nhiên. Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ để thấy được tinh thần sinh thái nhân văn trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần. Ẩn sâu trong những câu chuyện là nỗi đau đáu về môi trường sinh thái của quê hương, đất nước và rộng hơn là của cả nhân loại. Bởi vậy, tiếp cận sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần từ góc nhìn phê bình sinh thái là để xem xét tác phẩm một cách thấu đáo, lấy tự nhiên làm trung tâm tiếp cận, từ đó đánh giá mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa con người với thiên nhiên.
1. Mối quan hệ hoà hợp giữa con người với thiên nhiên
1.1. Con người gắn bó với thiên nhiên
Không phải ngẫu nhiên mà con người gọi thiên nhiên là Mẹ. Tác phẩm Nguyễn Ngọc Thuần thường bắt đầu từ ý niệm quen thuộc ấy: mỗi một đứa trẻ sinh ra đều được cánh đồng lúa ôm ấp và bao bọc; họ cho rằng “Ngày xưa, khi loài người chưa xuất hiện, lúc đó loài người ở đâu?... lúc đó con người nằm trên đọt cây”1, hoặc nếu như con người không được sinh ra từ một đọt cây nào đó thì có lẽ “một đứa trẻ vừa được sinh ra từ bông hoa thơm nhất trong vườn”2. Như vậy, trong quan niệm của nhà văn, con người sinh ra từ thiên nhiên. Đó chính là cội nguồn sinh dưỡng của con người. Không chỉ sinh ra từ thiên nhiên, con người còn lớn lên cùng thiên nhiên. Mọi kỷ niệm của lũ trẻ con, sự trưởng thành, từng bước đi của chúng đều gắn với những cái cây, những dòng sông, khu vườn, bông hoa…
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ thu hút sự tò mò của người đọc ngay từ nhan đề. Theo những dòng tự sự của cậu bé Dũng, chúng ta được trở lại khoảng trời tuổi thơ, ngô nghê, trong trẻo, hồn nhiên, tinh nghịch cùng với những câu chuyện cảm động về tình bạn bè, tình làng xóm. Cậu bé mới 10 tuổi nhưng đã có giác quan vô cùng nhạy bén và tinh tế. Bởi vậy, cậu chỉ cần nhắm mắt lại, thế giới đã ngập tràn trong tim… Ấn tượng đậm nét nhất trong tác phẩm là khu vườn nhà Dũng – một không gian cổ tích thần tiên khi cậu bé “nhắm mắt lại, sau đó… đi chạm từng bông hoa một… Tôi đoán được hai loại hoa… ba loại hoa… và không bao lâu tôi đã đoán được hết vườn hoa… Tôi có thể vừa nhắm mắt vừa đi mà không chạm vào vật gì”3. Cậu bé đã “chạm” vào cuộc sống từ những bông hoa. Trò chơi của bố chính là một bài học ý nghĩa về cuộc sống để cậu hiểu rằng “khu vườn là món quà bất tận của tôi. Mỗi bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là món quà lớn. Tôi nhắm mắt và chạm tay rồi gọi tên từng món quà. Tôi chạm phải bố. A! Món quà của tôi đây rồi. Ôi món quà này bự quá!”4. Bố đã dạy Dũng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu con người bằng cách giản dị và tinh tế như vậy. Với cậu bé, mỗi sự vật, con người trong cuộc sống đều là một món quà, một bí mật thú vị.
Bố tiếp tục dạy cậu chơi trò chơi khác, ngập tràn mùi hương: “Thay vì chạm vào hoa, tôi chỉ ngửi rồi gọi tên nó… Trò chơi cứ diễn ra liên tục cho đến hồi tôi nhận diện được tất cả mùi hương của các loài hoa… Tôi phân biệt được cùng một lúc những hoa gì đang nở. Bố nói tôi có cái mũi tuyệt nhất thế giới”5. Nhạy cảm trước hương thơm của các loài hoa, cậu bé đã có những tưởng tượng kỳ diệu: “Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì... Bạn thử đi rồi sẽ thấy, khu vườn sẽ lớn lên rất nhiều. Những bông hoa thơm hơn và khi nhắm mắt, bạn vẫn nhìn thấy nó… nhìn thấy cả khu vườn… Bạn sẽ không bao giờ lạc trong bất cứ một khu vườn nào, bởi vì những bông hoa sẽ chỉ lối cho bạn, một lối đi an toàn và thơm ngát. Và lúc đó, bạn sẽ tiếc lắm nếu thế giới này vắng đi những bông hoa… Những bông hoa chính là người đưa đường”6. Trong tác phẩm Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, Nguyễn Ngọc Thuần cũng tạo ra một khu vườn tuyệt đẹp, khu vườn của người cha và ba cô con gái nhỏ. Khu vườn ấy giống như một thiên đàng do người cha tạo ra bằng tình yêu thương nhưng lại đầy xa cách và thiếu đi sức sống bởi sự cô lập với thế giới xung quanh. Còn khu vườn của bé Dũng lại ấm áp, trong trẻo và lấp lánh bởi nó tràn đầy tình yêu và sự sống.
Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên nên càng ngày con người càng có ý thức giữ gìn, bảo vệ nó. Văn chương là một kênh thông tin hữu hiệu để truyền tải đến con người những thông điệp, những ý nghĩa nhân văn về môi trường sinh thái. Con người chọn lối sống chan hòa với thiên nhiên, vun đắp và chăm sóc nó. Những vui buồn đan quyện trong cuộc sống của Dũng giúp cậu nhận ra giá trị cuộc sống: “Bố tôi nói cần phải gieo những hạt mầm vào khu vườn, nhưng tôi cũng biết, mỗi một gương mặt là một hạt mầm gieo vào trí tưởng tượng của tôi”7. Sẽ thật tuyệt vời nếu như bất kỳ một đứa trẻ nào cũng được giáo dục rằng chúng cần yêu những loài hoa, cần chăm sóc những cái cây. Chỉ khi con người nhận thức rõ điều này thì trái đất của chúng ta mới trở nên xanh và đủ sức nâng đỡ sự sống của hành tinh.
1.2. Thiên nhiên nuôi dưỡng con người
Nhà thơ Koike Masayo (Nhật Bản) đã khẳng định con người cần trồng nhiều cây hơn, thay vì chặt cây; cần trồng nhiều hơn cả là những cái cây trong tâm hồn mình. Bà đã nhấn mạnh: “Khi chúng ta gieo những hạt giống, ngoài tiền bạc, chúng ta còn nhận lại sự bảo đảm về sự sống sau này”8.
Kỳ diệu hơn thế, Nguyễn Ngọc Thuần, bằng chiêm nghiệm của mình, đã phát hiện ra rằng “Những bông hoa thơm hơn và khi nhắm mắt, bạn vẫn nhìn thấy nó. Không chỉ vậy, bạn còn thấy nguyên cả khu vườn. Bạn có thể nhìn thấy bông hồng ngay trong đêm tối. Đêm bạn nằm, đắp chăn kín người nhưng bạn vẫn có thể đi dạo. Bạn sẽ không bao giờ lạc trong bất cứ một khu vườn nào, bởi vì, những bông hoa sẽ chỉ lối cho bạn, một lối đi an toàn và thơm ngát”9. Trong hành trình của cuộc đời, mỗi người sẽ có những lối đi riêng và những bông hoa sẽ dẫn lối cho bạn. Bạn sẽ thấy sự kỳ diệu và nhiệm màu đó. Nhưng nếu như con người phá hủy đi chúng, chỉ khai thác mà không chăm sóc, vun trồng, những bông hoa sẽ biến mất. Không chỉ thiếu đi “người dẫn lối”, cuộc sống sẽ tệ hơn bởi thảm hoạ diệt vong. Vậy nên, hãy biết ơn vì những loài hoa đã cho chúng ta hương thơm, sắc đẹp; những cái cây cho chúng ta bóng mát, oxy; những cánh đồng cho chúng ta bát cơm thơm dẻo… Và hơn thế, ta cần sống hòa hợp với thiên nhiên để thiên nhiên cho ta sự sống.
Thiên nhiên không chỉ nuôi dưỡng cho con người lớn lên mà đó còn là sự an ủi về mặt tâm hồn, vỗ về thế giới nội tâm của mỗi người. Chính bởi vậy mà bất kể ai khi nhìn thấy những cánh đồng lúa trải dài đều có một cảm giác quen thuộc và bình yên đến khó tả. Là những bức tranh tuyệt đẹp được vẽ bằng ngôn từ, văn xuôi Nguyễn Ngọc Thuần đã đan kết thiên nhiên với con người, tạo nên chốn nương náu yên bình cho những trái tim được tươi mới trở lại. Khi cảm nhận được sự thân thiện, hòa hợp với vạn vật thì con người càng nâng niu, trân trọng cuộc sống này hơn, dẫu đó chỉ là những điều giản dị, đơn sơ như một nhành hoa, ngọn cỏ hay áng mây…
2. Mối quan hệ xung đột giữa con người với thiên nhiên
2.1. Sự biến dạng của thiên nhiên
Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Thuần còn có một đối cực khác trong mối quan hệ giữa con người và môi trường sinh thái. Nhà văn đã phơi bày sự thật rằng môi trường sống trở thành vật tế thần trong cuộc mưu sinh của con người. Tiểu thuyết Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ là minh chứng rõ nhất cho đối cực này.
Câu chuyện kể về người bố và ba cô con gái sống trên một khu đồi cao, với khu vườn đẹp như thiên đàng. Người cha hết lòng yêu thương, chiều chuộng ba cô con gái, đến mức thay đổi cả quy luật của tự nhiên.
Khi con bé Ba (con gái thứ hai) nói với bố rằng mùi hoa lài khiến cô bé mắc ói, ngay lập tức, ông đáp “được rồi, bố sẽ chặt những cây hoa lài” và ông đã “gom những bông hoa vào một góc, ông hiểu rằng từ đây, mùi hương này sẽ không được phép xuất hiện trong nhà ông nữa. Cần phải đối xử với nó như một hoạt chất gây nên cái ác, một thứ tạo nên những tội lỗi”10. Ông coi thứ mùi hương tự nhiên ấy là tội lỗi chỉ vì con gái của ông mắc ói khi ngửi nó. Tình yêu con đã lấn át mất tình yêu thiên nhiên. “Hành vi của ông mang một giá trị mê muội”11, tàn phá, hủy hoại thiên nhiên.
Để bảo vệ những đứa con của mình, người cha đã làm mọi cách để những cô “thiên sứ bé nhỏ” được sống trong một “bầu không khí vô nhiễm”, “và có lẽ vì suy nghĩ đó ông đã biến khu vườn thành một thiên đàng có cổng vào nhưng không có lối ra”12. Người cha ấy đã dồn hết tâm huyết và sức lực để xây dựng một khu vườn thiên đàng cho những đứa con gái nhưng không hề hay biết rằng những đứa trẻ ấy khao khát về thế giới “bên kia đồi”. Phải chăng với ba cô con gái, “thiên đàng” mà ông cố công dựng lên chỉ giống như “một nhà tù giam lỏng”? Với gia đình ông, mùa thu là “mùa bệnh tật”. Bởi vậy, ông cố giấu đi mùa thu bằng cách tỉa hết cả những chiếc lá sắp vàng, tìm mọi cách để mùa thu biến mất. Đây là một minh chứng xác thực cho việc thiên nhiên đã bị biến dạng. Mùa thu nghiễm nhiên trở thành một tác nhân đem đến bệnh tật cho những đứa con, giống như hiện thân của tội lỗi và sai trái.
Thực tế, thiên nhiên luôn đem đến cho con người sự kỳ diệu, sự sống. Dù ta không muốn thì mùa đông vẫn lạnh thấu tận tâm can, mùa thu vẫn đem về những cơn gió se và những chiếc lá vàng rơi rụng. Nhưng nó tạo nên vòng tuần hoàn tự nhiên để cuộc sống chảy trôi, sinh trưởng. Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần, người cha đã luôn dốc sức giấu đi mùa thu nên trong tiềm thức của những đứa con dường như không có sự xuất hiện của mùa này trong năm. Như vậy, sự thay đổi của thiên nhiên trong khu vườn địa đàng trước hết là phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái, phá vỡ cấu trúc tự nhiên vốn có. Hơn hết, từ mối quan hệ hài hòa, con người ở đây đã dần lấn át tự nhiên. Mối quan hệ không cân xứng, thiếu bình đẳng này liệu có mang lại những điều tốt đẹp cho con người?
2.2. Sự bào mòn ý thức của con người
Khi mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trở thành xung đột, thiên nhiên không chỉ bị huỷ hoại, biến dạng mà ý thức, nhân phẩm của con người cũng bị bào mòn.
Chứng kiến một người bố sẵn sàng đốn hạ những cây lài, vung dao chém từng nhát xuống bụi hoa, tâm hồn của những đứa con liệu có được tròn đầy hay “méo mó” giống như những hành vi “mang giá trị mê muội” của người cha? Con bé Ba tiếp nhận hình ảnh tàn ác của cha mình, bởi lẽ đó, nó đã nghĩ rằng “những cây hoa lài này đáng chết chém. Cần phải băm nó ra vì cái tội tỏa hương”13. Một cái cây đơm hoa, đó là điều tuyệt nhất mà chúng có thể đem đến cho cuộc đời. Nhưng trong mắt con bé thì đó chính là “cái tội” của những cây hoa. Có thể thấy, con bé Ba đã bị chính những hành vi của người cha ảnh hưởng đến suy nghĩ, khiến cho tâm hồn của một đứa bé bị “dị dạng”.
Ảnh hưởng bởi sự sắp xếp tự nhiên của người cha, những cô con gái luôn có cái nhìn bàng quan với thiên nhiên. Trong ba cô con gái, bé Ba là người “nuốt trọn” những hành động của người cha. Đầu tiên, con bé hành hạ những con kiến bằng cách bứng tổ kiến này nhét vào tổ kiến khác, dù biết những con kiến sẽ chiến đấu để bảo vệ tổ của chính mình đến hơi thở cuối cùng nhưng con bé lại tỏ ra thích thú. Cô coi sinh mạng của đàn kiến là một thứ nhỏ bé và giống như một trò chơi. Cho đến khi trong vườn không còn bóng dáng của bất kỳ con kiến nào thì cô lại chuyển sang tấn công những con cánh cam bằng những cái ống tiêm. Chưa dừng lại ở những trò tiêu khiển động vật, con bé Ba đã chuyển ánh nhìn sang những cây hoa, tiêm nước quá độ khiến những cây hoa úa tàn. Sau này, khi mọi thứ đến quá tầm kiểm soát của người cha, khi một con gà chết trong vườn, khi con bé Ba đã giết hàng nghìn con cánh cam thì ông mới “rùng mình” nhận ra “đứa con yêu dấu của ông đang hiện thân cho một cái ác”14. Cuối cùng, khu vườn địa đàng do người cha cố công xây dựng, bảo vệ cho những đứa con lại bị chính bé Ba đốt.
Thiên nhiên không phải cạm bẫy. Cạm bẫy mà Nguyễn Ngọc Thuần nói đến, kỳ thực, đúng hơn là do chính con người tạo ra. Có thể thấy hầu hết các thảm họa thiên nhiên đều bắt nguồn từ hành động của con người. Trong chính cuốn tiểu thuyết của mình, Nguyễn Ngọc Thuần đã dành hẳn một phần với tiêu đề “Cuộc báo thù đến từ thiên nhiên”. Liệu có phải thiên nhiên đang báo thù con người hay con người đã để lại hậu quả cho chính mình?
Giống như các tác phẩm khác (Muối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp, Con chim Joong bay từ A đến Z - Đỗ Tiến Thuỵ…), văn xuôi Nguyễn Ngọc Thuần giúp chúng ta nhận ra mỗi sinh vật, mỗi loài cây… trên đời đều mang trên vai mình một số phận, một trách nhiệm nào đó. Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, văn chương hoàn toàn có thể dự báo thảm họa, cảnh báo về các nguy cơ sinh thái, kéo con người gần hơn và có trách nhiệm hơn với người Mẹ chung – Mẹ thiên nhiên.
3. Những thông điệp về sinh thái
Với trái tim mẫn cảm của người nghệ sĩ, Nguyễn Ngọc Thuần đã gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn về sinh thái trong tác phẩm của mình. Đó có thể là lời cảnh tỉnh sâu sắc: Nếu con người tàn phá thiên nhiên, môi trường sinh thái và nhân cách con người sẽ biến dạng. Con người hủy hoại thiên nhiên bằng cách tàn phá nó. Thiên nhiên trả thù bằng cách nó biến mất. Đó có thể là lời đề nghị kiến tạo một lối sống đẹp: con người và thiên nhiên bình đẳng. Nếu như con người không có thiên nhiên sẽ không thể duy trì sự sống và ngược lại. Con người cần phải coi thiên nhiên là một thực thể có linh hồn, đồng thời chọn cách chung sống hợp lý với thiên nhiên: “Hằng đêm, tôi vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, vừa nhìn ra khu vườn tưởng tượng. Tôi biết mình sẽ không bao giờ quên được, vì tôi vẫn còn nhớ lắm. Tôi nhớ tất cả những gì đã bay qua bầu trời của tôi. Tôi nhớ từng bông hoa, từng mùa mưa nắng, từng rẻo đất…”15. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, cửa sổ ấy giúp chúng ta tiếp cận thế giới. Nhưng đôi khi hãy nhắm mắt lại, mở cửa sổ để tận hưởng cuộc sống, tận hưởng thiên nhiên bằng mọi giác quan, cảm nhận bằng tâm hồn, bằng sự lắng nghe, yêu thương, chia sẻ. Con người đối xử với thiên nhiên như nào thì sẽ nhận lại từ thiên nhiên như thế: “… Em nhớ trong câu chuyện của mẹ có kể về khu vườn, khi người chủ vườn đi xa, những hàng cây đã rũ xuống một màu, đó là vì cái màu nhớ. Chúng nhớ đến nỗi không thể xanh”16. Giống như suy nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé Dũng (khuôn mặt không bao giờ cũ…), thông điệp của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần trong những câu chuyện này không bao giờ cũ.
Với sự tác động mạnh mẽ của văn chương, việc cân bằng hệ sinh thái sẽ là điều không xa bởi những trăn trở trong sáng tạo nghệ thuật về môi trường sinh thái đều thể hiện trách nhiệm của nhà văn đối với cuộc sống. Đằng sau câu chuyện về tình yêu, lẽ sống…, tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần thực sự là những thông điệp sinh thái ý nghĩa, khiến mỗi chúng ta nhìn lại trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền được xanh của Mẹ trái đất.
Chú thích:
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, thông qua đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở, mã số TNUE-2024-06.
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 15 Nguyễn Ngọc Thuần (2019), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, NXB Trẻ, tr. 25, 37, 42, 46, 47, 47, 184, 49, 184.
8 Nguyễn Văn Học (2018): “Khi văn chương thế giới trăn trở về môi trường”, https://nhandan.vn/ khi-van-chuong-the-gioi-tran-tro-ve-moi-truongpost606980.html, truy cập ngày 27/2/2018.
10, 11, 12, 13, 14 Nguyễn Ngọc Thuần (2018), Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, NXB Văn học, tr. 57, 63, 33, 56, 49.
16 Nguyễn Ngọc Thuần (2022), Nhện ảo, NXB Kim Đồng, tr. 156.