Trần Danh Án (陳名案, 1755-1794) hiệu Liễu Am (了庵), thuỵ hiệu Trung Mẫn (忠愍), người xã Bảo Triện, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sẽ rất thú vị nếu như dựng nên một “trường văn học” và “trường chính trị” cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX với những nhân vật xung quanh quanh Trần Danh Án như: Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), Lê Duy Đản (1743-1813), Ngô Thì Chí (1753-1788), Bùi Dương Lịch (1757-1828) và đặc biệt là với những danh sĩ không cùng “chiến tuyến” như Trần Văn Kỷ (?-1801) hay anh em Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Phan Huy Ích (1751-1822)… Tiếc thay, trong thời kỳ mà hình tượng người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ, những kẻ sĩ thức thời như Ngô Thì Nhậm được đề cao, tư tưởng trung quân phong kiến bị coi là lạc hậu, trì níu sự phát triển của xã hội, Trần Danh Án cùng hàng loạt tên tuổi khác như Lê Duy Đản, Lê Huy Dao, Hoàng Quang, thậm chí cả những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn học Việt Nam thời bấy giờ cũng như mãi mãi về sau như Nguyễn Du, Phạm Thái… cũng bị khép vào hai chữ “ngu trung” thì lẽ đương nhiên tên tuổi của ông cũng không thể có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học, nói như Mai Quốc Liên là “mất hút vào chân trời lịch sử, chân trời thơ ca”1. Còn nói như Trần Đình Hượu là: “Lý Trần Quán, Trần Danh Án, xét về mặt đạo đức cá nhân thì tinh thần trách nhiệm, lòng tín nghĩa, tinh thần dũng cảm là cao cả, nhưng xét về mặt xã hội, về mặt chính trị thì hành động trung nghĩa của họ là phản động”2. Song có lẽ Trần Danh Án không chỉ đơn giản một chiều như vậy. Xử lý một số dữ liệu đa chiều trong bối cảnh cởi mở hiện nay, chúng ta thử hình dung lại chân dung Trần Danh Án, dù không phải dễ dàng để vượt qua những định kiến, nhất là khi chạm đến các vấn đề khá nhạy cảm về mặt chính trị và văn hóa.
1. Đau đáu cô trung
Trần Danh Án có xuất thân danh gia vọng tộc, ba đời hưởng bổng lộc vinh hiển của triều đình Lê - Trịnh. Ông là cháu nội của Trần Phụ Dực, đỗ đồng Tiến sĩ khoa Quý Hợi (1683) đời Chính Hòa, làm đến tham chính Lạng Sơn3. Cha ông là Trần Danh Lâm, Tiến sĩ khoa thi Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731) đời vua Lê Duy Phường, làm quan được thăng đến chức Thượng thư Bộ Hình, một trọng thần đã được ban thơ ngự bút (có phần chắc là của chúa Trịnh Sâm4 chứ không phải của vua Lê Hiển Tông). Bác ruột ông là Trần Danh Ninh (hay Thành?), đỗ Tiến sĩ đồng khoa, làm quan đồng triều với cha ông, được thăng đến chức Thượng thư Bộ Lễ. Bản thân ông cũng hiển đạt, từ nhỏ đã nổi tiếng ứng đối thông minh gắn với giai thoại về câu đối “Chày cháy trôi sông, lão ngư ông ngỡ cá” mà cậu học trò Trần Danh Án đã nhanh trí đối là “Hôm mai vượt biển, người tinh tướng xem sao”. Vế ra đối lắt léo ở chỗ: ba chữ đầu đều là tên của các loài cá, ứng với chữ “ngư” và chữ “cá” trong câu. Vế đối lại rất chọi và tài tình ở chỗ: ba chữ đầu đều là tên của các ngôi sao, ứng với chữ “tinh” và chữ “sao” trong câu5.Cậu học trò ấy đến năm 29 tuổi đã thi đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) năm Chiêu Thống thứ nhất (1787) đúng như lời tiên đoán của người ra đối thuở nào, cũng xứng danh là “dòng dõi thế phiệt thi thư được làng Nho trọng vọng” như thơ ngự bút của chúa ban vậy. Gia thế này cũng cho phép chúng ta tưởng tượng cuộc sống khá ấm êm nếu không muốn nói là nhung lụa của một cậu ấm cô chiêu đúng nghĩa (chữ “chiêu” vốn dĩ ban đầu chỉ dùng cho con của những người đỗ Tiến sĩ).
Điều đáng tiếc nhất là bậc “công tử con nhà”, kẻ “có học có tài”, “thông minh sắc sảo” (lời của Ngô Thì Nhậm) đó lại sinh bất phùng thời. Năm 1780 (Trần Danh Án 25 tuổi), “nội biến” bắt đầu từ việc mưu giành ngôi chúa của Trịnh Khải. Năm 1782, Trịnh Sâm mất, loạn kiêu binh. Từ 30 tuổi trở đi, Trần Danh Án không những đã tận mắt chứng kiến “hồi quốc biến” mà còn bị cuốn vào trung tâm của cơn lốc thời đại. Tất cả những điều đó đụng chạm sâu sắc đến cuộc sống riêng tư của ông. Có thể nói ngay từ đầu ông đã bị kẹt trong tình thế lưỡng nan: “Huống thị thiếu niên tằng bội phục/ Kiêm tri tráng tuế dĩ quan thân” (Huống đã tập rèn khuôn lễ giáo/ Lại từng rạng rỡ vẻ đai cân) - Ngôn chí. Tình thế này khiến cho ông vừa không thể thoát khỏi vòng vây của tư tưởng Nho gia, lại thêm một chức quan thắt buộc vào triều đại. Hơn thế nữa, vì chịu ơn tri ngộ của vua, vì quá “gần mặt trời” mà như ông nói là: “Cửu tiêu hồng nhật thanh quang cận/ Vạn lý thanh vân vũ cách khoan” (Chín tầng ráng đỏ, gần mặt trời rực sáng/ Muôn dặm mây xanh cánh rộng giang) - Họa Bùi hàn lâm, nên ông không thể hời hợt làm một khách thơ đi bên lề thời đại, càng không thể làm một kẻ “thay lòng”, ông chỉ có thể đi đến cùng con đường mình đã chọn, dù hành trình ấy đầy gian khổ và không ít băn khoăn.
Vừa đỗ đạt (tháng Mười), ông đã phải đứng trước một bước ngoặt mà rồi đây sẽ là dấu mốc cho cái kết của cả một triều đại: quân Tây Sơn ra Bắc, Lê Chiêu Thống xuất bôn (tháng Chạp). Vị tân Tiến sĩ tương truyền còn chưa kịp mũ áo vinh quy thì đã phải đóng vai trò một sứ giả bất đắc dĩ:
“Vạn cổ ưng truyền kỳ tuyệt sự,
Tệ sam tàn lạp sứ thần trang”6
(Nghìn thuở còn truyền câu chuyện lạ
Sứ thần áo rách, nón mê tàn).
(Quá Cổ Phao thành)
Hành trình đi sứ gian khổ với núi non đèo dốc, gió lạnh nước khe, cả nỗi phập phồng lo sợ đầy may rủi của chuyến đi mang trọng trách được đích thân vua Lê giao phó hiện lên khá rõ nét trong thơ Trần Danh Án. Nhưng vượt lên trên hết vẫn là một tấm lòng trung quân ái quốc, những chữ “xã tắc”, “giang sơn”, “quốc gia”, “tông miếu”… trở đi trở lại trong thơ ông rất nhiều lần như một lời tự nhắc: “Giá cô minh gia gia/ Đỗ quyên minh quốc quốc/ Vi cầm do hữu quốc gia thanh/ Cô thần đối thử tình vô cực” (Giá cô kêu gia gia/ Đỗ quyên kêu quốc quốc/ Loài chim nhỏ còn kêu tiếng quốc gia/ Kẻ cô thần trước cảnh này lòng không dứt) - Cảm hoài; “Tông miếu hạnh an thần trách tắc/ Giang hồ hảo hứng bệnh tương nghi” (Tông miếu may yên, mình thỏa dạ/ Giang hồ khuây khỏa, bệnh rồi lui)7 - Tự thán; “Vô dược khả y ưu quốc bệnh/ Hữu quan nan trở mộng gia hồn” (Thuốc nào chữa được cơn lo nước/ Cổng đó khôn ngăn mộng nhớ nhà)8 - Tự thán...
Ông cũng tự soi mình vào tấm gương của những bậc anh hùng hào kiệt như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn để khắc cốt ghi tâm tấm lòng trung hậu vì nước của người. Trong thơ ông, chữ “trung” hiện lên đau đáu như một lời tuyên ngôn, hơn thế, một lời thề: “Nhất phiến cô trung nhật nguyệt minh/ Bạt thiệp cần lao thần tử phận/ Quốc gia ân trọng cố thân khinh” (Một tấm cô trung sáng tỏ như mặt trời mặt trăng/ Lặn lội khó nhọc là phận của kẻ bề tôi/ Ơn nghĩa quốc gia sâu nặng nên tấm thân mình thành ra nhẹ) - Lạng Sơn đạo trung. Đến lượt mình, những tác phẩm như bài thơ Ngôn chí nổi tiếng của ông cũng trở thành điển phạm để người đời truyền tụng: “Nhân chi dữ vật bất đồng quần/ Phong nghĩ tuy tiểu thượng hữu quân/ Huống thị thiếu niên tằng bội phục/ Kiêm tri tráng tuế dĩ quan thân/ Bắc song xử sĩ do tư Tấn/ Đông hải tiên sinh bất đế Tần/ Tử hậu mộ bàng nhân chỉ điểm/ Lê triều Tiến sĩ tính danh Trần” (Người với vật không cùng một bầy/ Ong kiến tuy nhỏ cũng còn có chúa/ Ta từ thuở nhỏ đã được thấm nhuần lẽ đó (như áo mặc vào mình)/ Huống chi khi lớn lại xênh xang mũ áo (làm quan với nhà vua)/ Khi xưa người xử sĩ ở cửa sổ hướng Bắc (Đào Tiềm) vẫn chép niên hiệu nhà Tấn/ Bậc tiên sinh ở bờ biển Đông (Lỗ Trọng Liên) không công nhận đế hiệu nhà Tần/ Mong sau khi ta chết, những khách qua đường đều trỏ vào mồ ta mà nói/ Đây là mồ người họ Trần, Tiến sĩ triều Lê đây)9 - Ngôn chí. Đó cũng chính là lý do khiến vua Tự Đức sau này đã cho lập đền thờ “Cố Lê Tiết Nghĩa”, trong đó bài vị Trần Danh Án được xếp đứng đầu văn ban (Tĩnh Nạn công thần). Vua cũng có thơ vịnh ông rằng: “Ngâm thành Chính khí ca kham tục/ Bất quý Ô đài nghĩa liệt cao” (Ngâm thành Chính khí ca còn nối/ Nghĩa liệt danh cao Ngự sử đài)10. Đó cũng chính là lý do để Lịch đại danh hiền phổ đánh giá về ông: “Trong số các vị trung thần về cuối đời Lê, thì ông là nhất, thiết tưởng thời bấy giờ, những rường cột của trời đất cũng nhờ ông mà đứng vững, ông thật không thẹn với khoa danh vậy”11.
2. Điệu buồn lữ khách
Từ tuổi trẻ hạnh phúc đan xen những ánh huy hoàng của danh gia vọng tộc, cung vua phủ chúa, ông đã phải thực sự đối mặt với cuộc sống đầy biến động, một sự chuyển mình của xã hội mà với ông là đầy đau xót, càng đau xót hơn khi chính bản thân ông cũng bị cuốn vào vòng xoáy của thời cuộc, chìm nổi trong cảnh khốn cùng. Vậy nên thơ ông là một điệu buồn hoài cổ, đẹp và buồn không khác gì thơ Bà Huyện Thanh Quan sau này, nhất là khi đối với ông, Lê triều không phải là một khái niệm xa xôi hoàn toàn thuộc về dĩ vãng, mà những kỷ niệm ân cần của đấng quân vương vẫn còn đây như mới ngày hôm qua, nay đã không biết “xe vua” long đong chốn nào: “Lục Đầu giang thượng Mạc thành hoang/ Đoạn bích tàn bi mộ chiếu thương/ Hoa thảo kỷ kinh xuân đại tạ/ Giang sơn do tiếu cổ hưng vong/ Yên mê viễn phố hương tình trọng/ Vân đoạn cô thôn lữ tứ mang/ Nam vọng thần loan hà xứ thị/ Hy luân nhất phiến dũng thương lang” (Thành nhà Mạc trên bờ sông Lục Đầu hoang vắng/ Bức tường đổ tấm bia hỏng, ánh trời chiều chiếu xuống đám rêu mờ/ Hoa cỏ lụi đã trải mấy xuân/ Sông núi còn cười việc hưng vong cũ/ Khói che bến nước xa, tình quê hương nặng trĩu/ Mây chắn ngang nơi thôn nhỏ, lòng người lữ khách buồn rầu/ Nhìn về nam, xe vua không biết ở chốn nào/ Chỉ thấy một mặt trời nổi lên trên biển xanh) - Bắc quy quá Cổ Phao tự thành.
Cuộc thế phút chốc trải qua những phen dâu bể, bản thân ông gánh vác trọng trách lớn lao, có lúc ông đã ngỡ công thành danh toại lên đến cực điểm, lúc lại lưu lạc giang hồ “Lênh đênh như cánh bèo khắp Nam Bắc Tây Đông”, từ trung tâm của trường văn học, trường chính trị đương thời bỗng dạt ra bên lề, rơi xuống đáy cùng tuyệt vọng. Chiến tranh, lưu lạc và trốn tránh trong đói rét, bệnh tật, tuổi già chớm đến: “tóc bạc”, “kẻ đào vong tóc bạc như tơ”, “răng rụng mất một chiếc”... khiến cho thơ ông khó thoát khỏi sắc buồn. Ông thấm thía cái lẽ “Tố quan dung dị tố nhân nan” (làm quan dễ, làm người mới khó), đành chỉ mượn cơn say để gửi gắm vần thơ u hoài buồn bã trong những ngày mưa cô đơn phiêu bạt: “Càn khôn lãng bạc bán suy ông/ Thân tự phù vân mấn tự bồng/ Thốc bút kỷ chi ngâm tứ thiển/ Hàn song nhất trản lữ hoài nùng/ Lâm linh hà xứ thương tâm vũ/ Cự thác chung tiêu quát nhĩ minh/ Lãnh lạc đơn trù thù phục tỉnh/ Mộc lan hoa ngoại viễn sơn chung” (Trời đất lênh đênh, lão dật dờ/ Mình như mây nổi, tóc bơ phờ/ Song vài chén lạnh, say tình khách/ Bút mấy cây cùn, cạn tứ thơ/ Từng tiếng lòng đau rơi giọt nước/ Suốt đêm tai lắng rụng tàu mo/ Chăn đơn phủ lạnh, say rồi tỉnh/ Ngoài cỗi mộc lan, chuông núi đưa) - Khách trung thu dạ.
Luôn có thể bắt gặp trong thơ Trần Danh Án hình ảnh một con người tha thiết muốn dõi về quê hương mà đành vô vọng, chỉ biết tủi thẹn khi nhìn thấy từng đàn chim hồng mang ráng chiều bay về. Ông nhận thức được sâu sắc cái cảm giác lạc lõng của một người khách trọ - “kiều cư” nơi xứ lạ: “Ở đất khách lâu không còn giọt nước mắt/ Thân cùng chỉ biết tự xấu hổ với mình”. Hơn một lần nước mắt đã rơi trên gối người lữ khách. Con người của họ tộc, xóm làng, đẳng cấp bị dứt ra khỏi cái chung, trở thành con người cô độc đối diện với chính mình: “yếm môn độc tọa”. Đi nhiều, trải nhiều nhưng có lẽ vì thân phận của một sứ giả đặc biệt, một viên quan “bị truy nã” khiến cho ông không thể thực sự hòa nhập vào cuộc sống của những nơi ông đã đi qua, và do đó, chúng ta hiếm thấy hình ảnh con người đời thường cũng như những câu chuyện đằng sau họ đi vào thơ ông. Đây đó cũng thấy ông từng ngậm ngùi cho một kiếp hồng nhan, đó là người cung nữ già triều cũ: “Bông hoa vô chủ bay theo ngọn gió/ Người cung nhân đầu bạc tự thương xót thân mình”, người ca kỹ chết trẻ: “Chớp mắt yên hoa thành bạc mệnh”. Có lẽ trong quãng đời lênh đênh cũng thấp thoáng bóng dáng mĩ nhân đi qua đời ông, như mơ như thực: “Mĩ nhân uyển tại bạch vân hương/ Ngã dục tùng chi trở thả trường/ Toàn trượng phu phong suy đoản mộng/ Lạc hoa nhất dạ đáo Ngô giang” (Người đẹp dường như ở trong làn mây trắng/ Ta muốn đi theo nhưng đường hiểm trở lại xa xôi/ Đành phải nhờ ngọn gió thu thổi vào giấc mộng/ Như cánh hoa rơi, chỉ một đêm là đến sông Ngô) - Hữu hoài. Những hình ảnh con người hiếm hoi đó không đủ làm sinh động và xanh lại thơ ông trên cái nền chung buồn bã và u ám.
3. Tráng chí mỏi mòn
Vào cái Tết đầu tiên xa quê hương, Trần Danh Án còn tin tưởng đầy sách vở như bất cứ một nhà Nho nào vốn ôm mộng kinh bang tế thế, nghĩ rằng trời che đất chở nên mới có thân ta, trong cõi trời đất này không có việc gì không thuộc phận sự nhà Nho: “Vũ trụ mạc phi nho giả sự/ Giang hồ vị hứa thử thân gian” (Trời đất đâu không chờ kẻ sĩ/ Non sông chưa để rỗi thân đời), bởi vậy, ông tỏ ra yên vui với cảnh nghèo một cách đầy đắc ý dù không khỏi có nét khuôn sáo gượng gạo: “Dĩ ư trọc thế vi nho giả/ Tu hướng sơn trung tác chủ nhân/ Tạo hóa bất khan phong nguyệt phúc/ Vô gia khước hạnh hữu tân xuân“ (Đã sinh ở đời ô trọc, lại làm một nhà nho/ Nên tìm chốn rừng núi để làm chủ/ Tạo hóa không hẹp hòi với cái hạnh phúc gió trăng/ Không nhà, may lại gặp mùa xuân mới) - Nguyên Đán (Đinh Mùi).
Một năm sau, tình thế đã khác. Bài thơ Đông dạ thuật hoài cho ta biết: “Việt Tây khách lạp kỳ ân sứ/ Giang Bắc kim đông đóa sứ thần” (Tháng Chạp trước sang Quảng Tây làm sứ giả đi cầu viện/ Mùa đông này ở Bắc Giang làm viên quan lánh nạn). Ông như có ý thấp thỏm ngóng chờ thời vận đến: “Thuỳ tương nhất khúc xuân giang thuỷ/ Vi tẩy quan hà vạn lý tinh” (Ai đem một khúc sông xuân/ Rửa sạch quan hà muôn dặm tanh) - Chu trung ngẫu chiếm. Ông cũng tự trấn an rằng: “Nhân tâm khả thị do tư Hán/ Thiên mệnh ưng tri vị tuyệt Chu” (Lòng người vẫn còn đáng tin cậy vì còn nhớ nhà Hán/ Thiên mệnh có lẽ vẫn còn chưa nỡ tuyệt nhà Chu) - Lạng Sơn đạo trung, cố bám víu vào một chút hi vọng mong manh “được thua chưa rõ” để tỏ ra cao ngạo: “Triều đại mới dù tốt, ta không có phận sự để thờ/ Huống chi việc được thua còn là giấc chiêm bao chưa rõ” (Cảm thời). Nhưng thực tế phũ phàng quá khác với những gì ông được học trong sách vở, với ý thức hệ truyền thống cùng những khái niệm và giáo lý của nó, vua tôi giờ đây mỗi người một nẻo: “Vọng Đế thù phương Bắc/ Di thần cố quốc Nam”, bản thân ông cũng bị giam cầm và chứng kiến cảnh “du dân12 nhàn dị tục, di lão thuyết tân triều13” (Đã thấy người dân triều cũ quen dần với phong tục mới/ Đã nghe các di lão nói chuyện tân triều) - Họa Nạp Ngôn Nhữ Nghĩa Trạch kiến tặng (Họa bài thơ tặng của ông Nạp Ngôn Nhữ Nghĩa Trạch). Ông không còn có thể tự an ủi mình rằng “Cuộc đời như ván cờ”, “Làm sao một cánh tay kéo được bể trời?” được nữa. Không ít lần ông đã phải thừa nhận không đủ cứng lòng như sắt đá, lực bất tòng tâm: “Trượng phu sơ tâm tí tứ hải/ Khả lân vô nại nhất thân hàn” (Nguyện ước ban đầu những muốn làm đấng trượng phu cứu giúp bốn bể/ Thương thay giờ đây chỉ còn tấm thân đơn lạnh bất lực này) - Thu dạ hàn.
Thực tại phũ phàng khiến cho kẻ chinh phu rơi vào trạng thái tráng chí mỏi mòn: “Tráng tâm tiêu bạc tận”, chỉ còn biết quay về với nỗi đau khổ riêng tư, tự xót thương thân mình: “Hồ thỉ sơ tâm tiêu tỏa tận/ Nhất thanh sương chử mấn hoa điêu” (Tấm lòng hồ thỉ buổi đầu tiêu tan hết cả/ Nghe một tiếng chày sương, thương cho mái tóc phôi pha), không khỏi thương vay cho những kiếp người cùng cảnh ngộ: “Nhàn hoa vô chủ trục phong phi/ Bạch thủ cung nhân độc tự bi/ Nhĩ mục dĩ di tân phục ngữ/ Y quan bất đổ cựu uy nghi/ Mộc miên chi thượng14 hàn nha lão/ Kim tự môn tiền chiến mã phì/ Tối thị bất quan hưng phế hận15/ Thượng lâm xuân sắc chính y y” (Bông hoa vô chủ bay theo ngọn gió/ Người cung nhân đầu bạc tự thương xót thân mình/ Tai mắt đã đổi theo cách ăn mặc mới/ Áo mũ không thấy uy nghi ngày trước/ Trên cành cây gạo con quạ già kêu nghe lạnh lẽo/ Trước cửa có đề chữ vàng con ngựa chiến béo phì/ Tốt nhất không nên day dứt về chuyện hưng phế/ Trên vườn thượng uyển sắc xuân vẫn cứ xanh tươi) - Giam trung kiến cố lão cung nhân khấp tự loạn ly, nhân hữu cố cung chi cảm (Trong lúc bị giam thấy người cung nhân già than khóc về cảnh loạn ly, nhân đó xúc cảm về việc trong cung cấm).
Nếm trải sự nghiệt ngã của số phận, sự biến động của thời cuộc, Trần Danh Án cũng như hầu hết những văn nhân cuối Lê đã không khỏi hoài nghi cái tài mà chính bản thân họ hằng lấy làm tự thị: “Hà dụng suy thời thức tự nhân?/ Văn chương túng hảo bất y bần!” (Trong thời suy, người biết chữ có làm trò gì/ Văn dù hay cũng không chữa được bệnh nghèo) - Thán bần.
Tổng kết đời mình trong Bắc quy quá Nhĩ Hà, Trần Danh Án đã phải thốt lên đau đớn: “Thử sinh thành thậm sự/ Lược đắc tảo phong hầu” (Suốt một đời chẳng làm nên việc gì/ Chỉ được cái phong hầu rất sớm); và: “Tự phận sơ dung phi đại khí/ Ngẫu nhân cừu bại kiến vi trung” (Biết phận mình tầm thường không phải bậc đại tài/ Có gặp lúc thất bại mới biểu lộ được đôi chút lòng trung). Ông đã ý thức được trong những năm tháng loạn lạc, cái tài của văn nhân cũng như quan tước và bổng lộc triều đình không những không thể khiến cho họ vinh thân phì gia phong thê ấm tử mà trái lại còn gây ra những bất hạnh cho cuộc đời của họ. Ý thức đó cũng đồng thời khiến cho họ mất phương hướng trong cuộc tìm đường tới tương lai, trong việc tìm kiếm lý tưởng sống, chỉ còn lại một nỗi buồn, buồn đến cực điểm, đến tê liệt mọi cảm xúc, phó mặc cho dòng đời chảy trôi, phó mặc cả tấm thân cho số phận, sống chết nhục vinh tất cả chỉ còn là giấc mộng hư hão: “Tiền trình vạn lý phó du du/ Bất trứ Nam quan học Sở tù/ Kim cổ thị phi tranh đại mộng/ Bắc Nam khứ vãng thuộc hư chu/ Phạn chi tàn bệnh cơ lai thực/ Thuỵ áp dư tình tuý hậu hưu/ Bất thị chinh nhân tâm tự thiết/ Sầu thâm dĩ chuyển nhập vô sầu” (Con đường trước mắt, mặc cho muôn việc muốn đến đâu thì đến/ Không bắt chước kẻ tù nước Sở đội mũ phương Nam/ Việc phải trái trong đời, kim cổ chẳng qua như giấc mộng lớn/ Đi hay ở, về Bắc hay Nam, rút lại chỉ có chiếc thuyền không/ Cơm muối, thân bệnh, khi đói mới ăn/ Ngủ khuây nỗi buồn, khi say thì nghỉ/ Chẳng phải là kẻ chinh nhân này lòng dạ sắt đá/ Mà chỉ vì nỗi sầu quá sâu nặng đến nỗi đã chuyển thành vô sầu) - Vô sầu.
4. Thay lời kết
Có lẽ trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, Trần Danh Án đã thoát khỏi thân phận tù đày và mặc dù không thể trở về quê hương nhưng lâu ngày đất lạ thành quen, ở đây, ông được sum vầy đoàn tụ với gia đình, đắp tai cài trốc không màng đến thế sự: “Mạc vấn cư đình đình ngoại sự/ Thử ông nhĩ trọng thính nan thông” (Chuyện bên ngoài đừng có hỏi/ Lão này nặng tai không nghe thấy gì đâu) - Tân đình ngẫu đề kỳ 1. Lần này, ta thấy ông đắc ý một cách thành thực, mạch thơ ông tuôn chảy, lời thơ ông mộc mạc như cởi bỏ mọi nỗi lòng, thoát ra ngoài vòng khuôn sáo: “Mạc hiềm dư thất lậu/ Thất lậu cánh hà phương/ Thập niên vi lữ khách/ Thử địa thị gia hương/ Thượng phú mao tam xích/ Tiền biên trúc kỷ hàng/ Trung tài dung tất địa/ Hậu nhiễu cập kiên tường/ Nội vi phòng dữ táo/ Ngoại vi đình dữ đường/ Nhàn cư vô gián tuyệt/ Khách chí sảo phân trương/ Yên cận lân đông noãn/ Phong đa ái hạ lương/ Khai khâm nghênh tảo nguyệt/ Trảo bối bộc triêu dương/ Dạ đăng ảnh cô diệm/ Tứ bích minh hoàng hoàng/ Nhi đồng độc thư sử/ Bộc thiếp sự tao khang/ Bần thê cung phường tích/ Lão ông cứ hồ sàng/ Trường ẩm tửu nhất bôi/ Hoặc ngâm thi nhất chương/ Thử cảnh vô câu thúc/ Ư trung tự thảng dương/ Vấn ông hồ thảng dương/ Ông ngôn biệt hữu phương/ Biệt hữu khoan nhàn địa/ Linh lung nạp bát hoang”16 (Chớ chê nhà ta tồi tàn/ Nhà tồi tàn có sao đâu?/ Mười năm làm người lữ khách/ Thì nơi này là quê hương/ Mái lợp ba thước tranh/ Phía trước vài hàng trúc/ Bên trong hơi chật chội/ Phía sau có tường bao cao chấm vai/ Trong nhà chia ra buồng và bếp/ Bên ngoài chia ra sân và đường/ Cuộc sống nhàn nhã quanh năm/ Có khách đến mới khẩn trương một tí/ Gần khói, mùa đông ấm áp/ Gió nhiều, mùa hè mát mẻ/ Mở vạt áo mời trăng sớm/ Nghiêng lưng phơi nắng mai/ Ban đêm một ngọn đèn soi bóng/ Bốn vách sáng lung linh/ Trẻ con đọc sử sách/ Nàng hầu lo cơm nước/ Bà vợ nghèo mải kéo sợi/ Ông lão ngồi giường mây/ Uống tràn một cốc rượu/ Hoặc ngâm một đoạn thơ/ Chốn này không ràng buộc gì/ Sống ở đó thật thoải mái/ Hỏi ông vì sao mà thoải mái?/ Ông bảo có phương pháp riêng/ Có riêng rộng rãi thảnh thơi/ Mênh mông đủ chứa được cả tám cõi) - Lậu thất ngâm.
Có lẽ sau mười năm làm khách trọ, phiêu dạt đến khốn cùng, Trần Danh Án đã chẳng còn mong gì hơn là có một cuộc sống yên bình nơi thôn dã. Ở đây, ông có thể cùng bạn bè đàm đạo thơ văn, thậm chí nếu loạn lạc qua đi, có được sự bảo trợ của ngai vàng, ông có thể chuyên tâm viết sách chẳng khác gì Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ hay Phan Huy Chú, hoặc chí ít ông cũng có thể được như những người đồng hương của mình – vị sứ giả áo rách đồng hành Lê Duy Đản, nhờ thọ đến 71 tuổi nên ngay từ năm đầu tiên của triều đại mới, vua Gia Long đã triệu ông và phong Kim Hoa điện Đại học sĩ, lãnh chức Hiệp trấn Lạng Giang, hay Vũ Trinh – người đã dốc hết của cải cho Lê Chiêu Thống, rước về ở tại gia quán, nhưng nhờ hưởng thọ 70 nên hậu vận cũng có phần vinh hiển về sau. Tiếc thay, cảnh vui thú điền viên cuối đời Trần Danh Án chẳng kéo dài được bao lâu. Đại Nam nhất thống chí còn ghi một chi tiết đáng quý về vợ ông: Bà Nguyễn Thị Tuần và con ông – Trần Danh Thường, chỉ tiếc đó là một cái kết không có hậu: “(Bà Nguyễn Thị Tuần) người huyện Chí Linh, vợ ông Trần Danh Án ở xã Bảo Triện huyện Gia Bình, lúc gặp binh biến Tây Sơn, vua Lê chạy qua Thanh, Án theo không kịp, quân địch nghe được, bèn tìm bắt rất gấp, Thị ẩn mặt trong thôn dã, kịp sau khi Án tuyệt thực rồi chết, người con trai là Trần Danh Thường cũng kế chết, Thị thủ tiết trọn đời không lấy chồng khác, nên trong hàng xóm đều tán tưởng rằng: có người chồng tiết nghĩa như thế, lại có người vợ cũng tiết nghĩa như thế”17.
Đáng ra một tên tuổi như Trần Danh Án với những dữ liệu phong phú cả trong chính sử lẫn dã sử và đặc biệt là trong sự nghiệp thơ văn, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng thành phim ảnh, tiểu thuyết lịch sử dài hơi và dành cho ông một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học – với tư cách là đại diện cho một tiếng nói khác, một thế ứng xử khác của trí thức thời đại. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói về Nguyễn Đình Chiểu: “Trên bầu trời văn học Việt Nam có những ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng”. Chúng ta cũng có thể mượn câu ấy để nói về trường hợp Trần Danh Án: Có những ngôi sao phải đổi góc nhìn mới thấy sáng!
Chú thích:
1 Mai Quốc Liên, Đỗ Thị Hảo, Kiều Thu Hoạch, Trần Huy Hân (2001), Ngô Thì Nhậm, tác phẩm, tập 1, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học, tr. 95.
2 Trần Đình Hượu (1996), Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn hóa, tr. 45.
3 Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, NXB Sử học, tr. 300.
4 http://yeuhannom.blogspot.com/2016/07/buttich-vua-le-hien-tong-hay-chua.html.
5 Giai thoại này còn được gán cho Nguyễn Văn Giai, theo: Gia phả họ Nguyễn Văn, xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
6 Nguyên chú trong Nam thiên trung nghĩa thực lục (Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành, quyển 18, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2010), tr. 69: “Án phụng mệnh sang nhà Thanh xin quân, qua thành Cổ Phao cảm tác”.
7, 8 Phan Trần Chúc (2002), Nhân vật lịch sử thời Lê Mạt, NXB Văn hóa thông tin, tr. 51, 50.
9 Tuyển thơ văn Nguyễn Bích Ngô, NXB Văn học, 1999.
10 Dực Tông Anh hoàng đế (Tự Đức), Ngự chế Việt sử tổng vịnh (Bộ 3 tập), Lê Xuân Giáo, Nguyễn Quang Tô, Hoàng Khôi, Hồ Tánh, Nguyễn Duy Tiếu và Ban Cổ văn, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa, 1970, Tập Trung (quyển 5, 6, 7), tr. 96.
11 Lịch Đại Danh Hiền Phổ, NXB Bộ Quốc gia Giáo dục, Nguyễn Thượng Khôi dịch, 1962, tr. 143.
12 Du dân: Tạ Điệp Sơn người Tống, không chịu hàng nhà Nguyên, trong bức thư ông gửi cho bọn quan lại đã hàng Nguyên có câu: “Vi Tống bô bá thần khả, vi Nguyên du nọa dân khả” (nghĩa là: Coi tôi là bầy tôi ngoan cố đời Tống cũng được, coi tôi là người dân lười nhác đời Nguyên cũng được”. Ở đây chỉ những người không hợp tác với triều đại mới.
13 Tân triều: Chỉ triều đại Tây Sơn. Hai câu này chứng tỏ triều đại Tây Sơn dần dần chinh phục được những người vẫn tự coi là trung thành với nhà Lê.
14 Nguyên chú trong Nam thiên trung nghĩa thực lục: Bên cạnh cố cung nhà Lê có cây gạo. Nguyên chú trong Tứ gia thi tập: Trước Thái miếu có nhiều cây gạo. Chữ “mộc miên” trong Liễu Am thi tập và Nam phong tạp chí chép là 木綿.
15 Bản trong Liễu Am thi tập và Nam phong tạp chí chép là “hưng phế hận” 興廢恨. Bản trong Tứ gia thi tập bên cạnh chữ “sự” chép thêm chữ “hận”.
16 Sách Độc thư lạc thú có câu Dĩ bát hoang vi đình trù (nghĩa là lấy tám cõi rộng lớn làm cái sân cái thềm). Trong bài này câu thơ ý nói ngôi nhà tuy nhỏ nhưng tự do, thoải mái thì cũng cảm thấy nó rộng rãi mênh mông.
17 Chúng tôi theo bản: Văn hóa tùng thư, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hoá, Tổng bộ Văn hóa xã hội 1966, Phần: Tỉnh Bắc Ninh, tr. 93.