Non nước cùng ta đã có duyên” – câu thơ mở đầu bài thơ Tự thán (bài 4), trích trong Quốc âm thi tập đã thể hiện ý thức của Nguyễn Trãi về mối quan hệ hữu cơ giữa chủ thể trữ tình và cảnh quan non nước. Mối duyên lành ấy là điểm tựa tinh thần của thi nhân cũng như suối nguồn cảm xúc của hồn thơ Nguyễn Trãi. Mối thâm giao giữa Nguyễn Trãi với tự nhiên đã được một số nhà nghiên cứu trước đây quan tâm và có những nhận định xác đáng. Theo Mai Trân, “Đứng trước một cảnh tượng của thiên nhiên, một biểu hiện của tạo vật tồn tại, Nguyễn Trãi có một năng lực rung cảm dạt dào lạ thường”; “Cảnh vật thiên nhiên nhờ ông trở nên có tình, có ý, có cá tính, có tâm tư…”1. Nguyễn Thiên Thụ nhận thấy “Tiên sinh coi thiên nhiên như người bạn chung tình…”2. Điều đó cho thấy đề tài thiên nhiên như một dòng mạch chính trong thơ Nguyễn Trãi, vừa kết nối tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” của triết lý phương Đông vừa thể hiện nét độc đáo trong quan điểm thẩm mĩ phản ánh tư duy thơ, tâm hồn, tính cách của một tác gia lớn. Đọc lại thơ Nguyễn Trãi, chúng tôi không tập trung diễn giải đề tài thiên nhiên trong thơ ông mà thể nghiệm một cách đọc dưới góc nhìn của phê bình cảnh quan – một lý thuyết đang khá thịnh hành trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. Cách đọc này đối diện với một số câu hỏi: Một lý thuyết mới như phê bình cảnh quan liệu có thực sự hiệu năng trong việc khám phá bất cứ đối tượng văn chương nào? Liệu lý thuyết có khả năng mở ra những con đường để giải phóng các khả thể vốn chưa được nhận diện của văn chương, đời sống? Bởi thách thức đó không chỉ đến từ tính kháng cự của một ngôn ngữ có lớp trầm tích văn hóa (thơ trung đại) mà còn xuất phát từ sự khác biệt về cách hiểu của các nghiên cứu cảnh quan của phương Tây và ý niệm về cảnh trong minh triết phương Đông. Đặt thơ Nguyễn Trãi giữa điểm giao cắt của việc thực hành nghiên cứu, chúng tôi mong muốn nhận diện “bản dạng cá nhân” của ông – một con người nhập thế hăm hở, lý giải những lựa chọn của ông trong những tình thế lịch sử.
1. Phê bình cảnh quan và triết lý về cảnh
Sự ra đời của lý thuyết về cảnh quan nằm trong động hướng phát triển của lý thuyết đương đại. Điều này liên quan đến ý nghĩa sâu xa của lý thuyết. Về bản chất, lý thuyết đương đại là lý thuyết của việc diễn dịch, mà diễn dịch chính là trình diễn một lối đọc trong đó hoạt động đọc chính là quá trình chúng ta truy tìm, kiến tạo, chất vấn các ý nghĩa trong văn học và trong đời sống. Như vậy, qua lý thuyết về cảnh quan, ta nhận ra khúc ngoặt của một bối cảnh văn hóa rộng lớn, nơi lý thuyết không còn bó hẹp trong thế độc tôn của mô hình thống trị tập trung vào ngôn ngữ của phê bình mới Anh - Mĩ và chủ nghĩa cấu trúc. Nó hướng tới tính liên ngành. Vì vậy, việc gọi cảnh quan là một lý thuyết trong ngành nhân văn cũng giống như cách chúng ta xác lập nên địa hạt của lý thuyết môi trường, lý thuyết chấn thương, lý thuyết chủng tộc… Nó là sự cộng sinh của nhiều lĩnh vực, “trong địa hạt của văn hóa, nó nằm ở điểm giao của khoa học địa lý và nhân văn, của khoa học môi trường và kiến trúc, của lịch sử xã hội và mĩ học và cũng liên đới chặt chẽ đến nghiên cứu không gian như là một thành tố của thi pháp nghệ thuật”3.
“Cảnh quan” (landscape) là một thuật ngữ có nội hàm phức tạp. Tính phức tạp của thuật ngữ này bắt nguồn từ việc cảnh quan trở thành “tâm điểm cho nhiều thực hành nghiên cứu” (Trần Ngọc Hiếu). Xét về mặt từ nguyên, thuật ngữ “cảnh quan” bắt nguồn từ ngữ tộc Giéc-man thuộc ngữ hệ Ấn-Âu. Theo Marc Antrop, một trong những tài liệu lâu đời nhất bằng tiếng Hà Lan xuất hiện vào giai đoạn đầu thế kỷ thứ XIII, trong đó “cảnh quan” (từ cổ là “lantscep”, “landschap”) “nhằm chỉ một vùng đất hoặc môi trường”4. Qua thời gian, “cảnh quan” trở thành một khái niệm trung tâm của ngành địa lý học. Theo Từ điển thuật ngữ địa lý nhân văn, “cảnh quan” là một thuật ngữ cơ bản của địa lý nhân văn, nó được xem như một “thực thể trung tâm” trong những công trình điều tra nghiên cứu. Thậm chí lịch sử nghiên cứu cảnh quan như một lĩnh vực quan trọng của nghiên cứu địa lý đã kéo dài cả một thập kỷ5. Cảnh quan còn được hiểu là phong cảnh (scenery). Nét nghĩa này xuất hiện muộn hơn, vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trong hội họa Hà Lan. Thời kỳ này, sự hiểu biết về phong cảnh gắn liền với nghệ thuật thị giác nên thông qua hội họa, nó được xem như “một sự biểu đạt tư tưởng, suy nghĩ, niềm tin và cảm xúc của con người”6. Bởi vậy, khi nhìn từ nét nghĩa đó (phong cảnh), khái niệm cảnh quan sẽ gắn bó với điểm nhìn, cái nhìn của con người. John Wylie, trong công trình Landscape: Key Ideas In Geography, đã nhấn mạnh: “Các từ điển nói rằng phong cảnh là cảnh vật (scenery) – thứ được nhìn bằng mắt, bởi một cá nhân. Như vậy, cảnh quan không chỉ là bản thân vùng đất mà là vùng đất được nhìn từ một quan điểm hoặc một góc nhìn cụ thể… Đó là, cảnh quan hình thành trong phạm vi nhận thức và trí tưởng tượng của con người”7. Chính quan điểm này đã cho thấy độ co giãn của khái niệm cảnh quan, nới rộng tiềm năng của những nghiên cứu về cảnh quan trong bối cảnh xuyên văn hóa, trong đó có văn chương.
Ở đây chúng tôi không muốn đi sâu vào lịch sử nghiên cứu cảnh quan – một hướng nghiên cứu rất năng động ở phương Tây thời gian gần đây mà chỉ muốn tìm hiểu sự vận động trong ý nghĩa của thuật ngữ này. Nói như Antrop, “ý nghĩa của cảnh quan thay đổi dựa vào bối cảnh và nền tảng của người sử dụng nó”8. Trong bối cảnh nghiên cứu của ngành nhân văn, nghiên cứu và phê bình cảnh quan liên quan đến cái nhìn của con người đối với thế giới xung quanh – cái nhìn có thể bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, văn hóa, tư tưởng, đạo đức và thế giới tinh thần của chủ thể. Một không gian, một cảnh tượng sẽ được xem là cảnh quan khi nó có khả năng được “trưng xuất bởi những nhu cầu nội tại”9.
Việc truy tìm ý nghĩa của khái niệm cảnh quan và lịch sử của ý nghĩa đó cho thấy ranh giới khá rõ ràng giữa lý thuyết này của phương Tây với những ý niệm về cảnh trong triết học phương Đông. Con người trong minh triết phương Đông không được xem là một đối tượng độc lập với khách thể như trong quan niệm của phương Tây. Con người hòa lẫn vào trong tự nhiên. Quan niệm “thiên nhân hợp nhất” của Nho giáo, tư tưởng “vật ngã đồng nhất” hay “thiên địa vạn vật đồng nhất thể” trong Phật giáo ở một phương diện nào đó đã cho thấy mối quan hệ giữa con người và sự vật, con người luôn hòa mình vào trong sự vật. Trong Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp viết: “Ta ngẩng đầu lên xem cái cảnh tượng rực rỡ chói lọi của trời hay cúi xuống nhìn cái vẻ phong quang chứa chất của đất thì đã có địa vị dứt khoát rồi. Như thế tức là hai nghi (vật thể chủ yếu của vũ trụ) đã xuất hiện rồi. Chỉ có con người là tham dự được vào sự biến hóa của trời đất, bởi vì người là nơi chung đúc của cái linh thiêng của thiên tính (tính linh). Vì vậy cho nên gọi trời, đất, người là ba yếu tố (tam tài)”10. Vì vậy, con người là một yếu tố trong thể thống nhất thiên - địa - nhân. Trong quan niệm về cấu trúc không gian của vũ trụ đó, con người không chỉ là một yếu tố mà còn là tinh hoa của vũ trụ. Một đặc điểm lớn của thơ ca thời kỳ trung đại là “miêu tả một thế giới tinh thần lý tưởng, thống nhất hài hoà khách quan và chủ quan”11. Đặc biệt, “thơ ca cổ điển không nghiêng về miêu tả thế giới khách quan như thơ ca hiện thực, cũng không nghiêng về biểu hiện cảm xúc chủ quan như thơ ca lãng mạn. Các nhà thơ cổ điển chưa có ý thức đối lập tách bạch chủ thể và khách thể để chỉ nhìn thế giới từ một trong hai phía”12. “Tức cảnh sinh tình”, “tức sự” – một quan niệm khá phổ biến trong sáng tạo – thể hiện rất rõ cái tâm thế của con người phương Đông trước tự nhiên: xác lập mối tương giao, tương thông tuyệt đối, xem tự nhiên là tấm gương soi rõ cái tâm, chí, đạo ở bậc Nho sĩ. Cảnh, tức là thế giới tự nhiên luôn được tri nhận thông qua nội tâm của con người. Lối ứng xử của con người đối với tự nhiên cũng là con đường để tu dưỡng nhân cách, đạo đức.
Từ nghiên cứu bước đầu, ta nhận thấy cảnh quan có thể được khúc xạ dưới cái nhìn mang tính trải nghiệm của con người, trình hiện một ý nghĩa cụ thể qua cách con người nhìn về nó, kiến tạo ý nghĩa cho nó. Dẫu ý nghĩa ban đầu xuất phát từ ngành địa lý nhân văn, ở đó, cảnh quan luôn gắn với một vùng đất, một nơi chốn, nhưng khi những nghiên cứu về cảnh quan được nới rộng đường biên, giao cắt với các ngành khoa học nhân văn khác, quan niệm về cái gọi là nơi chốn đã dần thay đổi. Chúng tôi đồng tình với ý tưởng của Stephen Bending trong bài viết “Literature and Landscape in the Eighteenth Century“ (Văn học và cảnh quan ở thế kỷ XVIII) ở nhu cầu hiểu cảnh quan không phải là cái gì cụ thể ở ngoài kia mà tập trung vào mối quan tâm đến việc thể hiện của cái nội tại. Tác giả đã thấy rằng chính sự mơ hồ trong việc sử dụng thuật ngữ “cảnh quan” có thể mở ra cho chúng ta nhiều khả năng để hiểu những gì thuộc về nó, thậm chí nằm ngoài nó. Đây chính là một khía cạnh để lý thuyết cảnh quan của phương Tây tiệm cận với ý niệm về cảnh quan của phương Đông – cũng là con đường giúp chúng tôi tìm về ý nghĩa và bản chất của cảnh quan trong thơ Nguyễn Trãi.
2. Từ cảnh quan tự nhiên đến tâm cảnh – con đường tìm về diện mục cá nhân của Nguyễn Trãi
Khảo sát những bài thơ chữ Hán được Nguyễn Trãi sáng tác vào thời kỳ đắc ý nhất của ông, đặc biệt giai đoạn mà ông tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống giặc Minh và những ngày tháng ở chốn quan trường, ta thấy thơ Nguyễn Trãi tạo ra ấn tượng rõ rệt về sự trải nghiệm không gian. Đó là bối cảnh lớn của triều đại, quốc gia, dân tộc, một Đại Việt với nền văn hiến lâu đời trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, trải qua những sự kiện xã hội lớn lao. Vì thế, nếu đọc kỹ, không khó để nhận diện những mảng ghép về bối cảnh không gian trong thơ Nguyễn Trãi. Điều đó một mặt giúp độc giả hình dung một bức tranh khá hoàn chỉnh, sinh động về đời sống chính trị, xã hội của đất nước thời bấy giờ, từ cảnh loạn lạc điêu linh trong chiến tranh (qua những bài thơ như Ký cữu Dịch Trai Trần công, Quy Côn Sơn chu trung tác, Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác…) đến khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn đã thành công, đất nước bước vào giai đoạn thái bình, thịnh trị; mặt khác, cho thấy được đằng sau các bài thơ ghi lại những nơi chốn ông từng đặt chân đến, những không gian ông từng đi qua, những cảnh tượng ông từng thưởng lãm… là một cái nhìn của một người quan sát luôn ưu tư, trăn trở với lý tưởng xây dựng một quốc gia lấy nhân nghĩa làm gốc.
Nguyễn Trãi là con người tận hiến cho quốc gia, dân tộc. Nhìn vào hành trình của Nguyễn Trãi, có thể thấy ông là con người hấp thu trọn vẹn tư tưởng của Nho giáo và thực hành một lối hành xử đậm chất Nho gia, đúng như cách Nguyễn Mộng Tuân viết về ông trong bài thơ Hạ gián nghị đại phu Nguyễn Ức Trai: “Nho lâm kỷ hứa chiêm sơn đẩu” (Trong rừng Nho người ta đều trông ngóng vào ông như là núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu). Cho nên “Đạo làm con liễn đạo làm tôi” – tư tưởng quân thần chi phối mạnh mẽ trong những sáng tác chữ Hán của ông – là điểm tựa nâng đỡ ý chí, khiến cho những đêm mưa quạnh quẽ nơi đất khách, những năm phiêu bạt không làm mờ đi chí hướng, mà ngược lại, càng tô đậm được nỗi tha thiết với giang sơn của ông. Dường như giai đoạn đi tìm minh chủ hay giai đoạn đầu của con đường hoạn lộ dưới triều đại nhà Lê là thời kỳ đắc ý nhất trong cuộc đời Nguyễn Trãi. Tư tưởng nhân nghĩa cũng nung nấu và phát triển trong giai đoạn này, cũng như viễn cảnh của một nhà nước lấy nhân nghĩa làm gốc xuất hiện, càng ngày càng đậm nét trong các sáng tác của ông. Trong Hạ quy Lam Sơn, Nguyễn Trãi viết: “Quyền mưu bản thị dụng trừ gian/ Nhân nghĩa duy trì quốc thế an” (“Quyền mưu vốn là để trừ gian/ Nhân nghĩa để giữ cho thế nước được yên”). Cái nhìn của Nguyễn Trãi ở đây vẫn là cái nhìn của một người quân tử đang giúp đời, hành đạo, đang tận hiến vì đại nghiệp, vì lý tưởng của mình. Hình ảnh của một vị vua hiền (thấp thoáng trong bài Hạ quy Lam Sơn kỳ 1, Đề kiếm) hay cảnh tượng hùng tráng của quân đội trong bài Quan duyệt thủy trận (Cờ xí bay phấp phới liền với bóng mây/ Trống trận nhiều làm huyên náo rung động cả đất/ Muôn binh giáp sáng ngời dưới sương, quân dũng mãnh (như loài tì, hổ)/ Nghìn thuyền dàn trận thành hàng (như chim quán, chim nga)) đều là những mảnh ghép hoàn hảo để tạo nên bức tranh lớn về thời đại.
Như chúng tôi đã nói ở trên, thiên nhiên là một yếu tố quan trọng làm nên ấn tượng về cảnh quan trong thơ Nguyễn Trãi, cũng là phương tiện để trưng xuất/ chuyên chở thế giới nội tại của nhà nho. Ở giai đoạn trước khi cáo quan ở ẩn, bên cạnh con người thi nhân với những rung động tế vi, trong Nguyễn Trãi vẫn tồn tại phương diện của con người xã hội, con người chính trị. Nhiều bài thơ trong Ức Trai thi tập ngân vang cái tráng khí của thời đại. Điều đó cũng xuất phát từ khía cạnh thi nhân luôn hướng cái nhìn đến những sự kiện lớn, những quang cảnh lớn. Không gian trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi vừa là không gian vũ trụ rộng lớn vừa thấm đẫm cảm quan lịch sử, không gian luôn toát ra vẻ hào hùng dưới con mắt của một người đầy tráng khí, hoài bão. Sự xuất hiện của nhiều địa danh nổi tiếng trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi cho thấy một sự xê dịch thường xuyên của ông, có khi là công cán, có lúc là du ngoạn. Thu vào tầm mắt của thi nhân là những địa danh lịch sử nổi tiếng mà ở đó, mỗi một nơi chốn hãy còn lưu lại trầm tích của một thời đại anh hùng hay chốn non cao biển rộng, cảnh sắc cẩm tú đều in bóng vẻ đẹp của thời gian vĩnh cửu. Đó là cửa biển Bạch Đằng – miền đất chiến địa ghi dấu những chiến công hiển hách của tiền nhân; cửa biển Thần Phù vừa thơ mộng vừa hùng tráng; chốn Vân Đồn núi non trùng điệp, cảnh sắc diệu kỳ khiến cho vũ trụ như hiện lên qua dáng núi và biển (“Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc”); núi Yên Tử cao tận trời, khiến cho vũ trụ như được thu hết vào trong tầm mắt (“Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại/ Tiếu đàm nhân tại bích vân trung”); núi Dục Thúy tựa tiên cảnh chốn trần gian… Mỗi bài thơ là một biểu đạt về ý nghĩa của không gian, là một trải nghiệm mang đậm cảm thức không gian. Trấn Vân Đồn, cửa biển Thần Phù, cửa biển Bạch Đằng là những địa danh đánh dấu đường biên lãnh thổ của Đại Việt. Nó kết nối với ý niệm về quốc gia, dân tộc đã từng được thi nhân tô đậm trong Bình Ngô đại cáo (“Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”). Đó còn là địa thế hiểm trở, nơi chôn vùi bao nhiêu đội quân ngoại bang xâm lược, ghi dấu chiến công lẫy lừng của bậc tiền nhân. Thậm chí chủ thể trữ tình không chỉ muốn ngắm nhìn, thưởng thức mà còn có cái ước muốn táo bạo, đó là “cưỡi kình ngao” (“Thanh dạ bằng hư quan vũ trụ/ Thu phong thừa hứng giá kình ngao” (Chu trung ngẫu thành)) tận hưởng trọn vẹn cái không gian khoáng đạt của đất trời, non nước. Giữa không gian vũ trụ, chủ thể đã bộc lộ được tư thế hiên ngang, chí hướng của người anh hùng. Những lần xê dịch đó đã đưa lại cho thi nhân những trải nghiệm không chỉ làm đầy mĩ cảm mà còn nâng cánh hồn thơ, như một lần ông viết đầy cao hứng: “Tam thập niên tiền hồ hải thú/ Tư du kỳ tuyệt thắng Tô tiên” (Thú biển hồ đã ham từ ba mươi năm trước/ Cuộc chơi này tuyệt lạ, còn hơn cả cuộc chơi của ông tiên họ Tô) - Vọng doanh.
Bên cạnh bức tranh lớn của thời đại, không khó để nhận ra sự vận động trong điểm nhìn của Nguyễn Trãi. Chúng tôi nghĩ đó chính là điểm sáng trong những sáng tác chữ Hán của ông: đặt cảnh quan trong giao điểm giữa quá khứ và hiện tại, từ đó gửi gắm niềm tâm sự sâu kín, nỗi ưu tư về thế sự. Thơ Nguyễn Trãi đã đưa lại một cảm nhận khá rõ ràng rằng cái hiện tại luôn ghi dấu những gì đã qua. Mỗi vùng đất ông đặt chân đến luôn thấp thoáng bóng dáng của một câu chuyện lịch sử trong quá khứ. Những suy ngẫm mang ý nghĩa triết học về sự biến thiên của cuộc đời không ít lần được bộc lộ trong thơ ông (“Vũ trụ thiên niên biến cố đa” (Nghìn năm nhiều biến cố xảy ra trong vũ trụ) - Họa tân trai vận). Điều đó có thể lý giải cho nỗi niềm tâm sự và nỗi ngậm ngùi của thi nhân khi đứng trước chứng tích của lịch sử: “Giang sơn như tạc anh hùng thệ/ Thiên địa vô tình sự biến đa” (Quá Thần Phù hải khẩu). Lời cảm thán trong hai câu cuối bài thơ Bạch Đằng hải khẩu gợi lên bao nỗi bồi hồi, luyến tiếc, hoài nhớ về một thời oanh liệt thuở trước. Cái dự cảm đó không chỉ cho thấy sự tinh tế, nhạy cảm với thời cuộc của Nguyễn Trãi mà còn dẫn đến quyết định rời xa thế tục, lánh đục về trong của ông.
Thực ra tình thế của Nguyễn Trãi là tình thế của rất nhiều nhà Nho có hoạn lộ trắc trở và lựa chọn của ông cũng chính là lựa chọn tất yếu trong truyền thống hành xử của Nho gia: đoạn tuyệt với con đường hành đạo để tìm về với hành trình ẩn dật. Với Nguyễn Trãi, sự lựa chọn có tính chất tình thế đó đã mở ra một không gian sống đầy khác biệt, đầy riêng tư. Đó cũng là lúc chúng ta nhận ra hồn thơ Nguyễn Trãi có sự kết nối đặc biệt. Trước hết, đó là sự tái kết nối với quê nhà – một vùng không gian luôn thường trực trong tâm tưởng của thi nhân, là nỗi hoài nhớ của thi nhân mỗi lần đứng trước nghịch cảnh (“Nhàn quải ngọ song triêu thoái nhật/ Mộng hồi nghi thị cố viên xuân” (Nhàn rỗi treo tranh ở song cửa sau buổi chầu về/ Trong giấc mơ về quê nhà ngỡ là mùa xuân vườn cũ) - Đề sơn điều hô nhân đồ). Xa hơn nữa, Nguyễn Trãi đã có sự nối kết với mạch triết lý của các nhà thơ cổ điển xưa. Tâm thế của ông trước thiên nhiên cũng giao thoa với niềm mong muốn của các nhà thơ trung đại về sự hòa hợp với thế giới tự nhiên: từ bỏ chốn quan trường, xa rời thế tục và để lại đằng sau công danh, tư tưởng của Nho giáo dần dần không còn là tư tưởng độc tôn mà đã trở nên linh hoạt; chấp nhận những hệ giá trị khác, hòa quyện vào minh triết khác để con người có thể đắm chìm vào trong thế giới tinh thần tuyệt đối. Vậy là ở đây, con đường thoái lui của Nguyễn Trãi vừa mang cái bi kịch của tình thế vừa là lựa chọn của cá nhân, lại vừa nằm trong truyền thống văn hóa trí thức phương Đông.
Nếu xem cảnh quan là một dạng kiến tạo, một sự sản xuất nên thực tại mới thì Côn Sơn, nơi ẩn cư của Nguyễn Trãi, chính là cảnh quan được thi nhân tái kiến tạo trong nỗ lực kết nối với không gian để tìm về bản thể. Nếu cảnh quan thiên nhiên trong những sáng tác trước đó là những mảnh ghép tạo trong cái nhìn hoàn chỉnh về thời đại, dân tộc thì cảnh điền viên, thôn dã chính là nơi cư ngụ của tâm hồn thi nhân. Không gian đó chính là nơi mà ông thuộc về (sense of belonging). Đây chính là một nét dễ nhận diện của con người cổ điển phương Đông. Không gian đó hoàn toàn được nhà Nho “trưng dụng” để nhằm đạt tới sự tự do – cảnh giới cao nhất về tinh thần. Chính trong không gian thanh tịnh tuyệt đối của tự nhiên, cái “ngã” của nhà Nho được giải phóng, hiện lên trong một diện mục khác.
Như vậy, thực thể thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi giai đoạn ẩn cư – thiên nhiên hiện lên trong những hình ảnh rất gần gũi, thân quen của cuộc sống thanh nhàn – hoàn toàn không đối lập với tự nhiên hùng tráng trong những sáng tác chữ Hán ở thời điểm Nguyễn Trãi còn làm quan. Thực ra khi thi nhân không còn vướng víu thế sự nữa, thiên nhiên sẽ hiện ra với cái diện mạo muôn đời của nó, là bất diệt, là trường cửu. Đặc biệt, với Nguyễn Trãi, không gian tự nhiên đã thể hiện “ý tưởng về nơi chốn”: không chỉ là chốn dung thân mà còn là nơi cư ngụ để con người có thể đạt đến sự tự do tuyệt đối. Câu thơ “Còn một non xanh là cố nhân” (Thuật hứng, bài 15) thể hiện cái ý vị đấy. Vậy “ý tưởng về nơi chốn” phải chăng có sự gặp gỡ với quan niệm của người phương Tây về cảnh quan? Nơi chốn liệu có phải là một vùng đất, một địa danh để Ức Trai tìm về khi đã mỏi mệt với công danh, với đạo quân thần? Ở đây, chúng tôi vẫn muốn nhìn nơi chốn ấy như một không gian của tinh thần, là Côn Sơn mà Nguyễn Trãi đã từng đau đáu khi xa cách, muốn nhờ người vẽ bức tranh nơi chốn cũ (“Loạn hậu gia hương phí mộng tầm”). Cảnh lúc này đã trở thành một cõi đồng nhất với thế giới nội tâm của thi nhân.
Dẫu cảnh quan điền viên thôn dã là mô hình cảnh quan kiến tạo quen thuộc trong thơ cổ điển thì trong thơ Nguyễn Trãi, nó chính là một khía cạnh quan trọng để từ đó có thể tri nhận nhiều khía cạnh khác trong con người thi nhân – con người có sự hòa quyện của nhà nho chính thống và tinh thần của Đạo gia. “Trống rỗng” và “tĩnh lặng”, hai trạng thái của tự nhiên là đặc điểm không khó để nhận diện trong thơ Nôm Nguyễn Trãi. Cảnh quan chốn ẩn cư mang một vẻ quạnh quẽ, trống trải đến kỳ lạ; hơn nữa, lại là một không gian khép kín, cô lập với thế giới bên ngoài. Đó là “một thế giới đã được gạn lọc, làm tinh khiết đến mức cao”13. Chẳng hạn cái xa vắng, quạnh quẽ của không gian trong Mộ xuân tức sự (“Nhàn trung tận nhật bế thư trai/ Môn ngoại toàn vô tục khách lai” (Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn/ Khách tục không ai bén mảng gần)) hay Trại đầu xuân độ (“Ðộ đầu xuân thảo lục như yên/ Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên/ Dã kính hoang lương hành khách thiểu/ Cô chu trấn nhật các sa miên”) tựa như được phác qua bởi nét vẽ tinh tế, làm nổi bật lên cái “khoảng trắng” cho bức tranh thủy mặc. Nếu như trong hội họa, cái khoảng không ấy có sức biểu đạt rất lớn, thể hiện một cái nhìn ý vị, sâu xa thì trong thơ ca, nó cũng mang lại cảm thức đậm nét về không gian. Kiến tạo một không gian thanh vắng tuyệt đối trong tâm tưởng, Nguyễn Trãi muốn đạt tới cái trạng thái cô tịch của tâm hồn. Bởi vắng bóng con người, cái xôn xao vang lên trong không gian tịch mịch, quạnh vắng chỉ đến từ những đối tượng rất đặc biệt: trăng, mây, núi, khe; sau nữa: có cò, có hạc, có tất cả các giống loài tạo thành một thế giới bầu bạn cùng thi nhân. Lúc này, thiên nhiên trở thành bằng hữu thay thế cho những con người mà Nguyễn Trãi đã xa lánh hoặc cố sức xa lánh. Chính thi nhân đã viết:
“Núi láng giềng, chim bầu bạn,
Mây khách khứa, nguyệt anh tam.
Tào Khê rửa ngàn tầm suối,
Sạch chẳng còn một chút phàm”.
(Thuật hứng, bài 19)
Hoặc:
“Rùa nằm hạc lẩn nên bầy bạn,
Ủ ấp cùng ta làm cái con”.
(Ngôn chí, bài 20)
“Bả cái trúc hòng phân suối,
Quét con am để chứa mây”.
(Mạn thuật, bài 6)
Không hề xuất hiện bóng dáng của con người nhưng cảm nhận về con người lại không hề nhạt nhòa trong thơ Nguyễn Trãi. Cái độc đáo của thi ca cổ điển thời trung đại là ở chỗ thơ bắt đầu từ cảnh nhưng lại kết thúc ở tâm, chí: “Cảnh và tình tương sinh, cái này gọi ra cái kia và ngược lại, đến tới chí là kết bài”14. Trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi có cả một hệ thống các bài như Mạn thuật, Ngôn chí, Tự thán… Những sáng tác đó cho chúng ta nhìn sâu vào một hệ đề tài tiêu biểu trong thơ Nôm của ông, đó là nỗi ưu tư về thế sự. Nguyễn Trãi tìm về với thế giới tự nhiên, với không gian của núi rừng, thảo mộc như một lựa chọn lánh đục về trong, lánh xa khỏi chốn quan trường nhiễu nhương. Nhưng cái không gian u tịch của chốn núi rừng vẫn không làm chìm đi con người ưu tư trong ông. Nguyễn Trãi tìm đến không gian của tự nhiên như một sự lãng quên nhưng không gian lãng quên đó, ngược lại, là một phương diện để ông nhìn thấy rõ hơn “bản dạng cá nhân” của chính mình: bản tính của một con người phụng sự, con người cống hiến, con người nuôi hoài bão lớn, luôn canh cánh với quân thần, luôn một lòng “ưu ái cũ”. Ông từng tỏ bày trong bài Mạn thuật (bài 11):
“Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân,
Lẳng thẳng chưa lìa dưới trần”.
Vì thế, những bài thơ đưa lại ấn tượng về sự tĩnh lặng lại luôn ngân vang tiếng lòng thao thức của một bậc đại Nho (“Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng” - Thuật hứng, bài 5).
Cảnh quan, ở khía cạnh này, đã cho thấy được điểm gặp gỡ trong tư tưởng của phương Đông và phương Tây, một mặt mô hình không gian như là một yếu tố của thi pháp thơ cổ điển trung đại; mặt khác, cảnh có thể trưng xuất nhu cầu nội tâm hết sức mãnh liệt của thi nhân.
3. “Mượn đá để ngồi”
Cũng như phần lớn các lý thuyết đang vận động mạnh mẽ trên thế giới, phê bình cảnh quan đã góp phần nới rộng đường biên của lý thuyết, thách thức cách con người nhìn về thế giới. Chính trong cái phông văn hóa rộng lớn, là một lĩnh vực mang tính liên ngành, lý thuyết về cảnh quan còn tiệm cận với những ý niệm về cảnh trong triết học phương Đông. Cảnh quan trong quan niệm của người phương Tây hiện lên như “một phom dạng đời sống của con người”, một bầu “sinh quyển”, thậm chí “một phom dạng văn hóa”15. Trong thơ cổ điển phương Đông, cảnh và tình, tâm và vật ánh chiếu vào nhau, giao hòa, “tương sinh, thương thành, hô ứng”16. Cảnh quan tự nhiên từ trong chính điểm giao cắt ở cách nhìn, tư tưởng của phương Đông và phương Tây đã có thể trình hiện được những khía cạnh nhân văn nhất trong con người Nguyễn Trãi. Qua những phân tích về cảnh quan trong thơ Nguyễn Trãi, chúng tôi nhận ra rằng điều tưởng chừng là nghịch lý, là mâu thuẫn trong con người Nguyễn Trãi – mâu thuẫn giữa con người nhập thế và con người xuất thế, giữa con người quân tử giúp đời hành đạo với con người cư sĩ, lánh đời – hóa ra lại thống nhất trong chính diện mạo tinh thần của ông, đó là vẻ đẹp quyện hòa của một nhà hiền triết phương Đông quen thuộc với một con người quân tử theo mô hình của Khổng Tử, một con người sẵn lòng can dự, sẵn lòng nhập cuộc. Con đường tìm về cuộc sống ẩn cư cũng là con đường Nguyễn Trãi tìm về diện mục cá nhân. Nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Côn Sơn với Nguyễn Trãi chỉ là nơi ông mượn đá để ngồi”17.
Chú thích:
1 Mai Trân (1999), “Tình yêu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi”, Nguyễn Trãi - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, tr. 650.
2 Nguyễn Thiên Thụ (1999), “Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi”, Nguyễn Trãi - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, tr. 670.
3, 7, 9, 15 Nguyễn Thị Thu Thủy - Hoàng Cẩm Giang (Chủ biên, 2023), Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 9, 9-10, 10, 11.
4, 6, 8 Marc Antrop: “A brief history of landscape research”, https://www.natur.cuni.cz/geografie /socialni-geografie-a-regionalni-rozvoj/studium/ doktorske-studium/kolokvium/kolokvium-2013- 2014-materialy/2013-antrop-2013.pdf, truy cập: 06/9/2023.
5 Ratheesh Mon P (2021): “An Introduction to the Concept of Landscape in Geography”, http://dx.doi.org/10.51983/tarce-2021.10.1.2941, truy cập: 10/9/2023. 10 Aristote, Nghệ thuật thơ ca, Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long (Phan Ngọc dịch, 1999), NXB Văn học, tr. 125.
11, 12, 14,16 Trần Đình Sử (1995), “Thơ cổ điển”, Những thế giới nghệ thuật thơ (Tiểu luận), NXB Giáo dục, tr. 12, 12, 16, 16.
13 Trần Nho Thìn (2003), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục, tr. 273.
17 Hoàng Phủ Ngọc Tường (1999), “Mượn đá để ngồi”, Nguyễn Trãi - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, tr. 516.