ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN TRINH THÁM CỦA GIẢN TƯ HẢI*

Bài viết phân tích những điểm cách tân trong xây dựng hình tượng nhân vật thám tử và nhân vật hung thủ; sự giàu có tri thức thể hiện qua mã văn hóa - lịch sử trong truyện trinh thám của Giản Tư Hải. Qua đó, khẳng định khả năng sáng tạo và những đóng góp của Giản Tư Hải ở thể loại truyện trinh thám.

   Ở Việt Nam, truyện trinh thám ra đời khá muộn so với thế giới, đến đầu thế kỷ XX mới xuất hiện. Sau hơn nửa thế kỷ trầm lắng vì những lý do ngoài văn chương cũng như sức sống nội tại từng giảm sút bởi những lối mòn trong sáng tạo, truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI đã thực hiện một cuộc phục hưng thể loại với sự xuất hiện của nhiều tác giả, tác phẩm. Trong số các nhà văn trinh thám đương đại của Việt Nam, Giản Tư Hải là một tác giả quan trọng với chất hiện đại rõ rệt, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống và cá tính sáng tạo riêng.

   1. Cách tân hình tượng thám tử và hung thủ

   Truyện trinh thám cổ điển trên thế giới và ở Việt Nam đã đặt ra những khuôn mẫu có tính điển phạm về cặp đôi đối đầu sống còn trong tác phẩm: thám tử tư và hung thủ gây ra tội ác. Những thám tử tư lừng danh đều có cá tính rõ nét, xuất thân đa dạng, tài năng vô song trong việc quan sát, lập luận logic, đề cao lý tính cũng như có kiến thức phong phú về rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, họ ít được miêu tả nội tâm, không bao giờ sai lầm trong suy đoán và hành động phá án; lý tính đôi khi được tuyệt đối hóa. Những thám tử tư lừng danh đa phần đều là những người làm nghề chuyên nghiệp, dùng việc phá án, bắt hung thủ là nghề nghiệp chính như một kế sinh nhai. Về cơ bản truyện trinh thám cổ điển đã xây dựng nên những hình tượng thám tử tư như một cỗ máy suy luận toàn năng, bách chiến bách thắng trước kẻ thù.

   Trong năm tiểu thuyết trinh thám mà Giản Tư Hải đã công bố, tôi chia thành hai nhóm cơ bản: 1) Nhóm tiểu thuyết trinh thám gắn liền với những bí ẩn văn hóa, lịch sử có: Mật mã Champa, Minh Mạng mật chỉ, Thiên địa hội An Nam; 2) Nhóm tiểu thuyết trinh thám gắn liền với những vấn đề đương đại có: Ổ buôn người, Âm mưu thay não.

   Đối với nhóm 1, cũng là nhóm tiểu thuyết trinh thám mà Giản Tư Hải gây dựng nên tên tuổi của mình, nhân vật phá án/ thám tử tập trung vào một kẻ nghiệp dư, đó là kiến trúc sư Kỳ Phương. Kỳ Phương là một kẻ phá án bất đắc dĩ. Anh vô tình hoặc hữu ý bị cuốn vào những vụ án, những cuộc truy đuổi nghẹt thở, những thế giới mật mã và biểu tượng có từ thời cổ xưa. Anh là một học giả đích thực, một nhà kiến trúc sư chuyên nghiệp. Anh không được đào tạo để phá án, cũng chẳng có kiến thức hay kỹ năng gì liên quan đến khoa học hình sự, tâm lý tội phạm hay khả năng sử dụng vũ khí. Đây là một khác biệt rất căn bản so với những thám tử trong truyện trinh thám cổ điển. Chỉ cần so với Lê Phong (trong truyện trinh thám của Thế Lữ) hay Kỳ Phát (trong truyện trinh thám của Phạm Cao Củng) thì Kỳ Phương đã tỏ ra nghiệp dư, phá án bất đắc dĩ. Hình tượng nhân vật thám tử phá án nghiệp dư, không đam mê hình sự như kiến trúc sư Kỳ Phương làm chúng ta không khỏi liên tưởng đến nhân vật thám tử Galileo – biệt danh của Giáo sư, nhà vật lý thiên tài Yukawa Manabu của Đại học Teito trong truyện trinh thám hiện đại của nhà văn Nhật Bản Higashino Keigo. Kỳ Phương có nhiều nét rất tương đồng với Yukawa Manabu. Cả hai đều là những nhà khoa học, không có kỹ năng chiến đấu hay điều tra hình sự, không đam mê phá án, vô tình bị cuốn vào những vụ án hóc búa. Trong Minh Mạng mật chỉ, Kỳ Phương bị cô gái hoàng tộc Tôn Nữ Bạch Lan “lừa” đến giải mã, dịch một văn bản cổ mà không hề biết mình bị cuốn vào một âm mưu lớn. Trong Thiên địa hội An Nam, tình cờ Kỳ Phương cũng bị cuốn vào chuỗi truy đuổi, giải mã khi Giáo sư Huy Phan không đến một buổi ra mắt bức họa lưu lạc thời Trần.

   Trong tiểu thuyết Mật mã Champa, Giáo sư Paul – thầy của Kỳ Phương nhờ anh ra sân bay đón con gái Thi Nga từ nước ngoài du học về. Sau đó, trước sự mất tích bí ẩn rồi cái chết đẫm máu của Paul, Kỳ Phương đã bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu sang tận Campuchia truy tìm kho báu cổ. Điều khiến Yukawa Manabu cũng như Kỳ Phương trở thành những người phá án tài ba, bất đắc dĩ nằm ở kho kiến thức văn hóa - lịch sử (Kỳ Phương) và kiến thức về khoa học tự nhiên (Yukawa Manabu). Họ sử dụng trí tuệ, phân tích logic, kiến thức chuyên ngành của mình (kiến trúc, vật lý, lịch sử, mật mã, tôn giáo, hóa học…) để phá án chứ không phải là những nhân vật thám tử hành động như truyện trinh thám cổ điển.

    Ranh giới phân biệt giữa Kỳ Phương với Sherlock Holmes là ở tính chuyên nghiệp. S. Holmes chủ động đến với những vụ án bằng đam mê hiếm có trong nghề thám tử tư. Trong khi đó, Kỳ Phương bị cuốn vào những vụ án mà họ không bao giờ muốn mạo hiểm mạng sống của mình vì họ là những nhà khoa học, nghiệp dư trong nghề thám tử. S. Holmes là một vận động viên cừ khôi, anh giỏi suy đoán và giàu tri thức khoa học, song cũng vô cùng thành thạo sử dụng súng, giỏi đấm bốc, điền kinh, võ thuật… còn Kỳ Phương thì không giỏi về vận động hay tự vệ chứ chưa nói đến kỹ năng truy bắt hay khống chế tội phạm. Chính vì vậy, Kỳ Phương, qua các vụ án, đều bị thương tích nặng nề, thậm chí nhiều lần bị nguy hiểm đến tính mạng. Trong Mật mã Champa, Hội kín Naga tặng cho anh một vết sẹo lớn ngay trên mặt, dài ba phân trước tai trái. Trong Minh Mạng mật chỉ, anh cũng bị trọng thương, gãy tay khi truy tìm kho báu thời nhà Nguyễn. Trong Thiên địa hội An Nam, Kỳ Phương cũng bị thương tích và nhiều lần suýt bỏ mạng trong việc truy tìm kho báu thời nhà Trần. Anh là nhân vật phá án nghiêng về hành động tri thức và hành động tư tưởng hơn là hành động thân thể, võ thuật. Do đó, truyện trinh thám của Giản Tư Hải tích hợp dày đặc các kiến thức tôn giáo, kiến trúc, lịch sử, văn hóa…

   Trong nhóm truyện trinh thám thứ 2, nhân vật phá án trung tâm là trinh sát hình sự Nguyễn Hà Phan (Han rắn) cùng những đồng đội như Đại úy đặc công Trần Phách. Ở nhóm truyện về chủ đề tội ác đương đại của Giản Tư Hải, trách nhiệm phá án thuộc về những người chuyên nghiệp, đó là những chiến sĩ cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, Nguyễn Hà Phan mặc dù là một nhân vật hành động đúng nghĩa, một người có võ thuật cao cường, dũng cảm, khả năng sử dụng vũ khí thành thạo nhưng cũng liên tục bị thương, thậm chí nhiều lần bị nguy hiểm tính mạng trong quá trình phá án, đặc biệt thể hiện rõ trong Âm mưu thay não. Những thám tử phá án trong truyện trinh thám của Giản Tư Hải không còn là những kẻ toàn năng, bất khả xâm phạm về mặt thân thể như trường hợp S. Holmes hay H. Poirot. Họ phải trả những cái giá rất đắt, trả giá bằng máu cho những chiến công trước những hung thủ đầy tổ chức, có võ thuật và kỹ năng chiến đấu cao. Đặc biệt, trong tiểu thuyết Âm mưu thay não, Nguyễn Hà Phan bị chấn thương sọ não nặng, không có khả năng hồi phục được nữa, buộc phải cấy ghép não bộ của con trai trùm Khmer Đỏ Son Sen để duy trì sự sống. Sau đó, mặc dù thân thể là Hà Phan nhưng não bộ đã là của Son San – con trai của Son Sen. Có thể nói Nguyễn Hà Phan đã hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ triệt phá âm mưu thay não của các trùm Khmer Đỏ ở thời hiện đại.

   Xuất thân của Nguyễn Hà Phan thật ra cũng không phải chuyên nghiệp. Hà Phan xuất hiện lần đầu với biệt danh “Han rắn” trong tiểu thuyết trinh thám Ổ buôn người (2010) của Giản Tư Hải – tác phẩm đạt giải thưởng cuộc thi “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Nguyễn Hà Phan khác với những chiến sĩ công an chuyên nghiệp như Thành Trung, Nguyễn Lân trong Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn hay Đại tá Trần Trọng Hà, Thiếu tướng Đào Trung Thành, Thượng tá Lê Vũ Hoàng hay Tuấn “đen”, Quỳnh Hoa trong Bão ngầm của Đào Trung Hiếu. Nguyễn Hà Phan không được đào tạo bài bản tại trường an ninh như các sĩ quan chuyên nghiệp nói trên. Xuất hiện lần đầu trong Ổ buôn người, khi đó anh chưa là sĩ quan công an mà chỉ là một tay giang hồ, buôn rắn xuyên biên giới. Mục đích chính của “Han rắn” là tìm lại người chị gái từng bị bọn buôn người bán sang Trung Quốc. Mãi về cuối tiểu thuyết này, sau khi lập nhiều chiến công hỗ trợ đắc lực cho công an Việt Nam đánh sập những đường dây buôn người, “Han rắn” (Nguyễn Hà Phan) mới được chiêu nạp vào lực lượng an ninh bởi Đại úy Trần Phách. Như vậy, Nguyễn Hà Phan là một chiến sĩ công an xuất thân dân sự, được tuyển thẳng vào lực lượng cảnh sát. Nhưng chỉ với hai trận chiến sống còn, anh đã hi sinh, phải cấy não người khác để tồn tại. Đó là cách xây dựng nhân vật thám tử mới mẻ, kỳ lạ, khác xa mô thức của những truyện trinh thám cổ điển.

   Về nhân vật những kẻ phản diện/ hung thủ gây tội ác, truyện trinh thám Giản Tư Hải cũng có những cách tân quan trọng mang dấu ấn hiện đại. Trong các sáng tác của Agatha Christie hay Conan Doyle, hung thủ gây ra tội ác (thường là những án mạng thảm khốc hoặc vụ trộm báu vật) có động cơ từ tình yêu, trả thù hoặc chiếm hữu vật chất; chúng có thể là tội phạm, tập đoàn tội phạm nhưng thường là những kẻ trong chính gia đình, trong hội đoàn hay những kẻ quen biết với nạn nhân. Truyện trinh thám cổ điển đi sâu khai thác những bi kịch đời tư, do đó, hung thủ hiếm khi là một kẻ xa lạ hoặc là một kẻ tội phạm chuyên nghiệp. Ngược lại, truyện trinh thám Giản Tư Hải có xu hướng xây dựng nhân vật hung thủ tương đối khác biệt với truyện trinh thám cổ điển.

   Ở nhóm 1, nói chính xác là không có hung thủ đích thực. Ba tiểu thuyết Mật mã Champa, Minh Mạng mật chỉ Thiên địa hội An Nam có rất nhiều tội ác, nhiều xác chết, nhiều pha hành động, song không có hung thủ với động cơ và dã tâm như truyện trinh thám cổ điển. Ví dụ, Minh Mạng mật chỉ là tay sát thủ người Pháp vốn là Chủ tịch một công ty nước ngoài đầu tư ở Việt Nam. Hắn vốn có ông nội từng là một kẻ thực dân đô hộ nước ta ở thế kỷ trước. Hắn đã ra tay sát hại dã man các đại sư trụ trì ở Huế như Thích Bằng Lăng, Thích Đại Pháp... cũng như luôn sẵn sàng hạ sát bất kỳ ai cản tay hắn như Diệu Vy, Bạch Lan, Khắc Huynh, Kỳ Phương... Việc các nạn nhân sống sót trước tay sát thủ này chỉ là may mắn. Trong Mật mã Champa, sát thủ Simha cũng giết người không ghê tay với những nạn nhân như TS Phú Thành Tài hay nhà nghiên cứu Paul Morieree. Trong Thiên địa hội An Nam, Đại đức Bảo Phước là một sát thủ đúng nghĩa, ra tay tàn nhẫn với rất nhiều nạn nhân… Song thật ra cả Bảo Phước, Simha hay tay Chủ tịch người Pháp không phải là hung thủ đúng nghĩa, dù có là sát thủ đi chăng nữa. Chúng đều hành động dưới sự điều khiển của những kẻ khác như một công cụ giết người hay bảo vệ bí mật mà thôi. Bảo Phước không có động cơ cá nhân để giết hại các nhà khoa học. Hắn hành động là để bảo vệ bí mật và báu vật của Thiên địa hội An Nam (bức họa Trúc Lâm đạo sĩ xuất sơn đồ), trả thù cho những tiền nhân của hội kín này từng bị sát hại. Quan trọng hơn, Bảo Phước hoàn toàn hành động dưới chỉ dẫn của một lãnh tụ bí ẩn trong hội kín mà chính hắn không biết rõ là ai: Đà chủ (người đứng đầu Thiên địa hội An Nam). Simha cũng như vậy, hắn hành động, giết người hoàn toàn dưới sự chỉ đạo của một lãnh tụ bí ẩn của Hội kín Naga: Cả sư. Tay sát thủ người Pháp thì hành động dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ bí ẩn: Thiền sư (một thành viên của hội kín Hội đạo sĩ cơ mật). Về cuối truyện mới bất ngờ lộ rõ Đà chủ, Cả sư và Thiền sư đều là những đại trí thức: Giáo sư (Huỳnh Lẫm – Cả sư); giảng viên đại học (Diệu Vy – Thiền sư) hay Tiến sĩ khảo cổ Trần Phiệt, Tổng quản khu Hoàng thàng Thăng Long – Đà chủ. Nhưng Cả sư, Đà chủ hay Thiền sư chỉ đạo cấp dưới/ tay sai giết người, gây ra tội ác để bảo vệ những bí mật lớn của tiền nhân, bảo vệ cổ vật vô giá của dân tộc.

   Việc giết người, khủng bố, truy sát mà Hội kín Naga, Thiên địa hội An Nam hay Hội Đạo sĩ cơ mật tiến hành, chỉ đạo thực hiện không xuất phát từ động cơ thấp hèn mà trong nhiều trường hợp, nó mang tính chính nghĩa. Do đó, thật khó xếp Cả sư, Thiền sư hay Đà chủ là hung thủ thuần nghĩa như trong truyện trinh thám cổ điển phương Tây. Trên một phương diện nào đó, những hội kín như Thiên địa hội An Nam, Hội Đạo sĩ cơ mật hay Hội kín Naga đều là những “nạn nhân” trong các vụ án ở các tiểu thuyết trinh thám của Giản Tư Hải. Đứng trước những nguy cơ, âm mưu, toan tính của các bên nhằm chiếm đoạt kho báu của tiền nhân, của dân tộc, các hội kín này thông qua người đứng đầu của họ, dù cực đoan song là để tự vệ, chỉ đạo các sát thủ cấp dưới giết người; ngược lại với những hung thủ trong truyện trinh thám cổ điển vốn dĩ chủ yếu hành động vì dục vọng, vì tình cảm cá nhân hoặc vì những âm mưu thấp hèn. Bằng chứng là cả Thiền sư, Cả sư, Đà chủ đều bỏ mạng vì sứ mệnh lịch sử giao phó cho họ, những sát thủ cấp dưới cũng đa phần hi sinh.

   Ở nhóm tiểu thuyết trinh thám thứ 2 của Giản Tư Hải, tình hình các hung thủ có vẻ tương đồng hơn với những hung thủ truyền thống trong truyện trinh thám cổ điển. Với Ổ buôn người, Giản Tư Hải xây dựng một đường dây tập đoàn tội phạm xuyên biên giới Việt - Trung với những gương mặt tàn ác như Mãnh, Ken, Jack, Hulk, Ô Phú, Lã… Chúng có lẽ là những tên tội phạm thuần túy nhất trong truyện trinh thám Giản Tư Hải.

   Ở Âm mưu thay não, tình hình có phức tạp hơn khi những kẻ từng cầm đầu phong trào Khmer Đỏ như Son Sen đã lợi dụng, ép buộc những nhà khoa học thần kinh hàng đầu của Việt Nam lẫn thế giới thay não cho chúng vào những cơ thể mới. Tôn Thất Sắc là nhà khoa học thần kinh số 1 Việt Nam, ông đã tiến hành thay não của trùm Khmer Đỏ Son Sen vào cơ thể của Viện trưởng Viện Não Trung ương Việt Nam Nguyễn Khoa Học. Nguyễn Khoa Học không may bị ung thư não nên buộc phải cấy ghép não người khác để tồn tại. Nguyễn Hà Phan cũng bị chấn thương sọ não nặng và phải cấy ghép não của Son San (con trai của trùm Khmer Đỏ Son Sen). Khi ấy, họ chỉ là nhân vật “phản diện một nửa”, tức là thân xác là của những nhân vật chính diện còn não của kẻ phản diện/ hung thủ. Tất nhiên, tác phẩm còn có những tên đồ tể sát thủ thuần túy như Tea Sech hay Pu-vek, song dấu ấn của chúng trong tác phẩm là không lớn. Sự kiện cuối tác phẩm Âm mưu thay não, chiến sĩ Hà Phan được ghép não Son San – con trai của một trùm Khmer Đỏ – là thử thách đạo đức thú vị. Hà Phan là chiến sĩ công an phá án, là chính diện. Song bên trong, não của anh lại là Son San, một tên tội phạm sừng sỏ, con trai trùm Khmer Đỏ Son Sen – một nhân vật phản diện, hung thủ điển hình. Do đó, cả Hà Phan lẫn Nguyễn Khoa Học đều đứng giữa lằn ranh: ác - thiện, hung thủ - thám tử, trong mặt này có mặt kia, một thể xác song chứa đựng hai nhân cách, hai cá thể vốn từng là kẻ thù không đội trời chung. Đó có thể là một trong những cách tân quan trọng nhất trong nghệ thuật trinh thám hiện đại của Giản Tư Hải, biểu hiện cho tính đa trị, tính lưỡng phân, tính lai ghép của nghệ thuật hiện đại.

   2. Mã văn hóa - lịch sử trong truyện trinh thám

   Giản Tư Hải Điểm mạnh trong nghệ thuật trinh thám Giản Tư Hải cũng chính là chất ly kỳ, trí tuệ, huyền bí của các mật mã, biểu tượng văn hóa - lịch sử - tôn giáo. Giản Tư Hải biết phát huy điểm mạnh nhất của anh, đó là nguồn tư liệu văn hóa - lịch sử vô cùng chi tiết, xác thực và phong phú. Để viết được Minh Mạng mật chỉ, Thiên địa hội An Nam Mật mã Champa, rõ ràng Giản Tư Hải phải có một thời gian rất dài đọc, sưu tầm, nghiền ngẫm, chọn lọc từ những tư liệu lịch sử.

   Quan sát và sưu tầm khá kỹ mảng truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI, tôi chỉ thấy duy nhất Giản Tư Hải đưa phần “Tài liệu tham khảo” vào cuối những tác phẩm của mình, giống như những công trình nghiên cứu khoa học trường quy. Điều này cho thấy ý thức “liêm chính khoa học” của Giản Tư Hải, song nó cũng hé lộ với chúng ta ở một góc độ khác, những truyện trinh thám của anh có giá trị nghiên cứu về văn hóa, lịch sử. Tác phẩm của Giản Tư Hải hư cấu nhiều, song lại dựa trên một chân đế tư liệu lịch sử, văn hóa rất xác tín, vững chãi. Tuy cách ghi không thật thống nhất và chính xác so với quy định nghiên cứu khoa học hiện hành, song có thể nhận ra tính liên văn bản, tính chính xác, cụ thể về văn hóa, lịch sử trong sáng tác của Giản Tư Hải.

   Với Minh Mạng mật chỉ, cuốn tiểu thuyết làm tôi ngạc nhiên nhất về trình độ, phông văn hóa - lịch sử của Giản Tư Hải. Giản Tư Hải không chỉ đọc nhiều, biết rộng về Huế, anh còn sống trải nghiệm với mảnh đất Cố đô và có nhiều tri thức bản địa đáng ngưỡng mộ. Đầu tác phẩm, trong một mục hiếm thấy đối với truyện trinh thám nói riêng và cả văn học nói chung là “Những sự kiện lịch sử có thật”1, Giản Tư Hải đã cung cấp những sự kiện có thật trong lịch sử (chính sử) liên quan đến kho báu của vua Minh Mạng. Điều này cho thấy Giản Tư Hải đã rất công phu, tâm huyết nghiên cứu về lịch sử Huế, lịch sử triều Nguyễn nói chung, lịch sử kho báu của vua Minh Mạng nói riêng; tiến hành điền dã, thực địa, sống ở Huế nhiều nên có một lượng tri thức lớn về mảnh đất Cố đô. Có thể xuất phát từ nghề nghiệp kiến trúc sư nên Giản Tư Hải có niềm đam mê lẫn tri thức khá phong phú về những địa danh lịch sử gắn liền với những kỳ quan kiến trúc Việt Nam: Hoàng thành Thăng Long, hệ thống hang động Tràng An - Ninh Bình, hệ thống đền tháp cổ Champa và quần thể kiến trúc Cố đô Huế (chùa chiền, kinh thành, lăng tẩm…).

   Minh Mạng mật chỉ2 cho thấy Giản Tư Hải có kiến văn nhất định về chữ Hán. Ở tác phẩm này, lần đầu tiên trong lịch sử truyện trinh thám Việt Nam xuất hiện những hình ảnh chụp (chữ Hán - Nôm) được chèn vào trong văn bản diễn ngôn tiểu thuyết. Giản Tư Hải còn cho thấy sự hiểu biết nhất định về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc Huế qua những đoạn viết về lối trang trí nhất thi nhất họa tại cung đình Huế3; sự hình thành các chùa liên quan đến các vua triều Nguyễn (chùa Diệu Đế với vua Thiệu Trị, chùa Thiên Mụ với vua Tự Đức…); cơ cấu tổ chức, lịch sử hình thành, quy tắc hoạt động của Hội Đạo sĩ cơ mật cũng được đề cập đến4; không gian và thời tiết xứ Huế cũng được cảm nhận đầy tinh tế với một góc nhìn văn hóa rất riêng; những suy ngẫm của Giản Tư Hải về văn hóa đương đại của xứ Huế cũng có giá trị tham khảo như một nghiên cứu hơn đơn thuần chỉ là một diễn ngôn trinh thám thuần túy; những thông tin của Giản Tư Hải về cuộc đời Nguyễn Du, về thời kỳ đại thi hào làm quan ở Huế cũng có thể khiến bạn đọc ngạc nhiên.

   Với Mật mã Champa, Giản Tư Hải cũng trình hiện một kiến văn văn hóa - lịch sử phong phú qua việc ghi rõ nhiều sách tham khảo ở cuối tác phẩm. Ngay trong lời nói đầu của Mật mã Champa, tác giả đã cung cấp hàng loạt dữ liệu lịch sử về những báu vật của người Chăm rất cụ thể, chi tiết, có giá trị nghiên cứu. Anh còn tham khảo nhiều nguồn sử liệu khác nhau để viết tiểu thuyết, bao gồm: chính sử Trung Hoa, các công trình nghiên cứu của các học giả phương Tây đương đại như Lịch sử Đông Nam Á của Hall, Un royaume disparu - Les Chams et leur art của Jean Leuba, các tác phẩm của Sơn Nam, của toàn quyền Paul Doumer, George Coedes, Louis Finot cũng được nhắc đến...

   Với những ghi chép cụ thể, chi tiết về Campuchia, cả ở Mật mã Champa lẫn Âm mưu thay não, tôi cho rằng Giản Tư Hải đã có một thời gian quan sát và có thể sống tại Campuchia. Một số từ ngữ, thuật ngữ của người Champa cũng được Giản Tư Hải nhắc đến trong tiểu thuyết, tạo ra một không gian văn hóa Chăm khá đặc sắc. Văn bản tiểu thuyết còn được kỳ công sao chụp, viết lại nguyên văn chữ ký tự Balamon và ký tự Champa cổ5. Các sự kiện quan trọng liên quan đến dân tộc Champa như: việc đánh chiếm Langbian, Nam Champa năm 945 của người Khmer (Campuchia ngày nay), Đàn Hòa Chi (đời Tống) đánh phá Champa năm 445, Lưu Phương (người Trung Quốc) đánh cướp Mỹ Sơn năm 605, vua Khmer Suryavarman II đánh Mỹ Sơn, thủy quân Java tấn công Champa... từ đó đánh cắp nhiều bảo vật, vàng bạc cũng được nhắc đến khá rõ. Những kiến thức về Hội kín Naga – hội bảo vệ kho báu vật của người Champa trên đất Campuchia ngày nay cũng làm chúng ta vừa ngạc nhiên vừa băn khoăn đó là sự thật lịch sử hay hư cấu tiểu thuyết6. Nghi lễ hiến tế và trừng phạt đẫm máu của hội kín này, con trăn quái vật được nuôi làm vật giữ cửa..., tất cả khoác lên một màu huyền bí, đáng sợ nhưng cuốn hút bạn đọc vào diễn ngôn tiểu thuyết.

   Điều cho thấy sự công phu của Giản Tư Hải trong Mật mã Champa là những kiến thức của anh về Balamon giáo, Ấn Độ giáo với những vị thần như Shiva, Visnu, Brahma cùng những biểu tượng văn hóa như linga hay yoni7. Lịch sử khai thác, phát hiện, chiếm giữ cùng những lời nguyền tai ác, bí hiểm liên quan đến kho báu của người Champa cũng được Giản Tư Hải điểm đến khá kỹ, như: sự kiện cuối năm 1906, Parmentier tìm thấy kho báu giấu trên đỉnh một tháp Champa; bản di chúc của vua Khmer Ponhea Yat về việc trao trả lại kho báu của tiền nhân cho người Champa cũng được nhắc đến8. Tất cả hệ thống thông tin và kiến thức này cho thấy Giản Tư Hải có một niềm đam mê lớn đối với kiến trúc Champa nói riêng và nền văn minh Champa nói chung. Có lẽ nhà văn đã bỏ rất nhiều tâm sức để đọc và nghiền ngẫm về quốc gia (trong quá khứ) và tộc người này ở hiện tại. Chính vì thế, tiểu thuyết trinh thám Giản Tư Hải luôn đầy ắp thông tin, có giá trị nghiên cứu bên cạnh những hư cấu, sáng tạo của cá nhân người cầm bút ở một thể loại giải trí khá tự do là tiểu thuyết trinh thám.

   Thiên địa hội An Nam cũng làm tôi ngạc nhiên trước trình độ và sự hiểu biết của Giản Tư Hải về lịch sử dân tộc. Ngay mở đầu tác phẩm, trong mục “Lời dẫn”, Giản Tư Hải đã cung cấp một lịch sử hình thành hội kín Thiên địa hội ở Trung Quốc trong bối cảnh lịch sử kháng chiến “phản Thanh phục Minh” của người Hoa9. Những tổ chức hội kín Trung Hoa tràn vào Việt Nam đầu thế kỷ XX tạo ra những biến động lớn về mặt xã hội, kể cả tích cực lẫn tiêu cực. Thiên địa hội An Nam là một chi nhánh hoạt động của những kẻ lưu vong từ hội kín gốc ở Trung Quốc. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, Thiên địa hội rõ ràng đã để lại những dấu ấn nhất định về văn hóa, chính trị, quân sự.

   Ngay từ đầu tiểu thuyết Thiên địa hội An Nam đã tạo ra được sự hấp dẫn đến từ sự bí hiểm của những hội kín, gợi sự tò mò của bạn đọc trong việc phiêu lưu truy tìm những kho báu của tiền nhân. Kiến thức của Giản Tư Hải về những sự kiện lịch sử, nhân vật và báu vật thời Trần là rất đáng nể. Bức tranh cổ Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ có nhiều giả thuyết bí ẩn, được cho là được tạo nên bởi hai lần vẽ chéo nhau bởi hai tác giả là Trần Phồn (năm 1304) và Trần Giám Như (năm 1364) ở hai thời điểm lịch sử cũng khác nhau. Lai lịch đầy thăng trầm và bí ẩn của tác giả Trần Phồn cũng được nêu lại10. Bức tranh gốc được chia thành hai nửa và cất giấu ở hai nơi khác nhau ở Việt Nam11, với hai hệ thống ký tự cả phương Tây và phương Đông, do Thiên địa hội An Nam quản lý, sau nhiều năm lưu lạc tại Trung Quốc. Bức tranh là một kiệt tác hội họa thời phong kiến ở Việt Nam, song quan trọng hơn, nó thực chất là một dạng mật mã, một kiểu bản đồ để có thể dẫn đến kho báu lớn nhất đời Trần tại Tràng An - Ninh Bình. Nguồn gốc bức tranh cổ được hai lần vẽ lại, tẩy xóa một nhân vật, được nhà văn hư cấu do liên quan đến Trần Ích Tắc12, một nhân vật phản diện trong lịch sử Việt Nam, nhưng sau khi qua Trung Hoa lại rất thành công, các hậu duệ của ông như Trần Hữu Lượng suýt nữa lên ngôi Hoàng đế Trung Hoa13

   Thiên địa hội An Nam rõ ràng đã chấm dứt hoạt động từ rất lâu, có thể giữa thế kỷ XX, song Giản Tư Hải, bằng sức sáng tạo hư cấu đặc biệt cùng lượng tri thức sở hữu rất phong phú đã gần như khai quật lại hội kín này thông qua những thông tin mà không nhiều người Việt Nam đương đại biết được. Chợ Bến Thành ở Sài Gòn từng do Thiên địa hội An Nam xây dựng và mang những biểu tượng kín của hội này14. Tiểu thuyết cũng làm rõ vai trò và từng chức danh cụ thể trong tổ chức hội kín này, như chức Đà chủ hay chức Thảo hài (giày cỏ - trợ lý cho Đà chủ)15.

   Những hiểu biết về Hán tự và câu đối cổ của nhà văn Giản Tư Hải cũng làm chúng ta ngạc nhiên16. Nhà văn cũng cho thấy mình có hiểu biết đáng kể về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát tích từ các vua Trần17, kiến trúc ngầm của Hoàng thành Thăng Long, các chùa chiền cổ ở đất Thăng Long xưa kia trong tiểu thuyết Thiên địa hội An Nam. Lịch sử di dân Trung Hoa sang Việt Nam, nhất là qua Miền Nam Việt Nam, đặc biệt là sự kiện năm 1679 với ba ngàn lính nhà Minh dưới sự chỉ đạo của hai vị tướng Tàu đã vào Đàng Trong cũng được Thiên địa hội An Nam nhắc đến18. Lịch sử đầy thăng trầm, bị truy quét dữ hội của Thiên địa hội tại An Nam cũng được tiểu thuyết kể đến. Qua Thiên địa hội An Nam, Giản Tư Hải làm tôi ngạc nhiên bởi những hiểu biết của anh về lịch sử Trung Hoa, bên cạnh hiểu biết về lịch sử Việt Nam. Anh không chỉ am hiểu sử triều Trần mà còn biết khá thông tỏ lịch sử thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, giai đoạn 13 vua triều Nguyễn cũng như lịch sử nhập cư vào phương Nam của người Minh Hương. Những kiến thức về mặt kiến trúc, điêu khắc, về sự khác biệt giữa rồng thời Lý và thời Lê19 có thể không gây ngạc nhiên vì Giản Tư Hải là một kiến trúc sư. Những chi tiết về Phật hoàng Trần Nhân Tông như: sự kiện năm 1294, Ngài vào tu thiền hai lần tại Hành cung Vũ Lâm (Tràng An - Ninh Bình), đem theo rất nhiều kinh sách và châu báu… mang đến nhiều thông tin hữu ích. Những tri thức về sự giúp sức của hải tặc gốc Hoa và Thiên địa hội với những chiến công của vua Quang Trung cũng là những tri thức đáng chú ý20, chứng tỏ nhà văn đã đọc sử liệu từ nhiều nguồn khác nhau, cả chính thống lẫn phi chính thống. Hệ thống kiến trúc của Pháp tại Hà Nội cũng được Thiên địa hội An Nam phản ánh khá kỹ, điểm đến cả sự kiện năm 1904, lãnh tụ Tôn Trung Sơn của Trung Quốc từng ở một biệt thự tại Hàng Buồm cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên về hiểu biết của nhà văn.

   Tóm lại, Mật mã Champa hay Minh Mạng mật chỉ khiến độc giả ngạc nhiên khác về hiểu biết văn hóa - lịch sử của Giản Tư Hải, song thật ra cuốn tiểu thuyết mới nhất Thiên địa hội An Nam mới là công trình đồ sộ, công phu nhất của anh, không chỉ gói gọn trong phạm vi nhiều triều đại khác nhau trong lịch sử phong kiến Việt Nam mà mở rộng ra với lịch sử Trung Hoa lẫn Việt Nam thời cận đại. Những trang viết của Giản Tư Hải trong Thiên địa hội An Nam đầy ắp giả thuyết, suy đoán, sự kiện trong chính sử, huyền thoại, dã sử. Tất cả đan cài vào nhau tạo nên một diễn ngôn tiểu thuyết đặc sắc, đọc có khi nặng nề, mệt mỏi, gián đoạn vì các số liệu, năm tháng, trích dẫn… nhưng không thể phủ nhận Giản Tư Hải là một trong những nhà văn có hiểu biết về văn hóa, lịch sử và sức sáng tạo, hư cấu lịch sử tiêu biểu ở Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Đọc tiểu thuyết trinh thám - lịch sử của Giản Tư Hải, do đó, đòi hỏi bạn đọc một tầm đón đợi nhất định cũng như sự kiên nhẫn đáng kể.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Phan Tuấn Anh (2024): “Những cách tân nghệ thuật của truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế), tập 23, số 3A, tr. 91.
2. Nguyễn Thế Bắc (2023), Thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại, Luận án Tiến sĩ Văn học, Học viện Khoa học xã hội. 3. Giản Tư Hải (2019), Âm mưu thay não, NXB Thanh Niên.
4. Giản Tư Hải (2019), Ổ buôn người, NXB Thanh Niên.
5. Nguyễn Thành Khánh (2016), Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX – từ đặc trưng thể loại, Luận án Tiến sĩ Văn học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.
6. Nguyễn Thành Khánh, Nguyễn Phong Nam (2016): “Bàn về quá trình vận động của truyện trinh thám Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Đại học Đà Nẵng), số 2 (99), tr. 71.

Chú thích:
* Bài viết này thuộc Đề tài cấp Bộ có mã số B2023-DHH-01, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
1, 2, 3, 4 Giản Tư Hải (2018), Minh Mạng mật chỉ, NXB Thanh Niên, tr. 5-7, 40-49, 86, 140-143.
5, 6, 7, 8 Giản Tư Hải (2018), Mật mã Champa, NXB Thanh Niên, tr. 89, 119-120, 131, 354-362.
9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20 Giản Tư Hải (2021), Thiên địa hội An Nam, NXB Hội Nhà văn, tr. 28, 243, 125-126 & 134, 244, 295-297, 72, 267, 73, 86-87, 89, 166, 212.

Bình luận

    Chưa có bình luận