NGUYỄN XUÂN - TRÁI TIM ĐÃ THUỘC VỀ ĐỒNG ĐỘI*

Nhà báo Nguyễn Xuân đến với thơ như một cơ duyên. Cách đây 7 năm, tập thơ đầu tay ''Hồn Xuân'' của ông mới ra mắt bạn đọc nhưng đến nay Nguyễn Xuân đã cho ra đời đều đặn hơn một chục đầu sách. Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), tập thơ ''Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc'' do NXB Hội Nhà văn ấn hành mang đến những vần thơ gần gũi, trữ tình và đặc biệt gây xúc động bởi tấm lòng sâu nặng, thiết tha của Nguyễn Xuân đối với đồng đội.

 

   Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Xuân, tên thật là Nguyễn Xuân Đương, sinh năm 1951 tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ông có 20 năm tuổi quân, 35 năm làm nghề báo và là đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng. Nguyễn Xuân tâm sự: Từ cầm súng chuyển sang cầm bút, vừa làm báo lại làm thơ, viết truyện, tất cả đều là cơ duyên, xuất phát từ cuộc sống và có phần để mưu sinh.


Nhà thơ Nguyễn Xuân

   Năm 2017 Nguyễn Xuân mới có tập thơ đầu tay Hồn Xuân và năm 2019 ông mới được kết nạp vào Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Trong Lễ kết nạp Nguyễn Xuân đùa hóm hỉnh: “Tôi là nhà báo già, nhưng là nhà thơ trẻ đấy nhé”. Cả hội trường cười vui. Không ngờ cái “biệt danh” dễ thương đó đã đồng hành với ông như là một nguồn sinh lực mới. “Ngày báo, đêm văn” như nhà văn Bùi Việt Thắng từng nhận xét. Quả thật, từ năm 2017 đến 2024 Nguyễn Xuân đã cho ra đời đều đặn hơn một chục đầu sách. Riêng mấy tháng cuối năm 2024 Nguyễn Xuân in đến ba cuốn: Điểm tựa (truyện ngắn), Alechxandre Yersin âm vang mãi mãi (trường ca) và Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc (thơ) đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

   Khi còn làm báo, đồng nghiệp thừa nhận Nguyễn Xuân là một trong những cây bút từng trải, sắc sảo, nhạy bén, bản lĩnh. Tuy đã lớn tuổi nhưng ông viết khỏe, viết nhiều, thuộc loại bút sắc, tâm sáng. Nguyên Tổng biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa nơi ông có hơn chục năm đầu quân cho biết: “Các bài điều tra liên quan đến pháp luật, đạo lý dưới ngòi bút của Nguyễn Xuân đều được bạch hóa, sáng tỏ, rõ ràng và tin cậy!”. Nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học, TS Nguyễn Sĩ Đại trên facebook của Nguyễn Xuân mới đây, khi được tin NXB Hội Nhà văn lại có quyết định cho Nguyễn Xuân xuất bản tập thơ: Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc đã bày tỏ: “Chúc mừng anh với sức viết phi thường!”. 

   Dù ở những tác phẩm đã xuất bản hay tập thơ Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc vừa ấn hành thì trái tim của Nguyễn Xuân từ lâu đã hướng về đồng đội. Ở tập Hồn Xuân của ông xuất bản trước đây, chỉ với ít bài như Đồng đội, Hà Nội 12 ngày đêm và trường ca Vị tướng huyền thoại (viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chúng ta đã dễ dàng nhận ra tấm lòng của Nguyễn Xuân đối với đồng đội tha thiết đến nhường nào. Khi qua Nghĩa trang Đường 9, ông viết về đồng đội: “Thắp cả bó nhang/ Ngửng mặt lên trời, cúi đầu xuống đất/ Muôn ngàn vạn lạy/ Đồng đội ở bên kia thế giới vĩnh hằng”; “Tôi chẳng quên đâu/ Mùa hè tổng động viên/ Những chàng trai trên giảng đường đại học/ Gác bút nghiên lên đường xông pha/ Hầu hết vào nơi tuyến lửa/ Rồi nằm lại dưới những dòng sông sâu”. 

   Hết chiến trường Quảng Trị mùa hè đỏ lửa đến mùa Đông Hà Nội Điện Biên Phủ trên không: “Mười hai ngày đêm Hà Nội – Hồng Hà/ Chằng chịt lửa, rực sáng trời và đất/ Bom gầm, đạn xé, máy bay gào/ Pháo cao xạ tầm thấp, tầm cao/ Nhịp một, nhịp ba vươn nòng bắn trả/ Tên lửa đất đối không, rồng bay cuộn lửa/ Thần sấm, con ma cháy đỏ rực trời/ Mic 17, 21 cất cánh, liên hồi…/ Tất cả tưng bừng lập công/ Vì non sông Tổ quốc ngàn đời yêu dấu”. 

   Thơ viết về đồng đội của Nguyễn Xuân hừng hực khí thế, dũng mãnh, hào hùng. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi không đề cập rộng, đi sâu vào nội dung chủ đạo của tập thơ đầu tay Hồn Xuân của ông mà chỉ phác họa đôi nét; bởi chúng tôi muốn dành dung lượng bàn luận sâu hơn đến tập thơ Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc. Đến đây, theo chúng tôi “Trái tim của Nguyễn Xuân đã hoàn toàn thuộc về đồng đội”.


Ảnh bìa tập thơ Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc

   Nguyễn Xuân cho biết: Sự ra đời của tập thơ rất ngẫu nhiên. Sau chuyến đi trại sáng tác ở Vũng Tàu về, trong một buổi cà phê sáng với đồng đội ở Nha Trang, anh em nhắc đến “Kỷ niệm lần thứ 80 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam”, lập tức trong đầu Nguyễn Xuân lóe lên hình ảnh “Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc” trong hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Nơi đó cả hai tuyến, chàng lính trẻ Nguyễn Xuân Đương đã trực tiếp cầm súng và cầm bút cùng đồng đội chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi đó đồng đội của ông, những chiến sĩ quân hàm xanh đã bắn đến viên đạn cuối cùng, hi sinh đến người cuối cùng. Kỷ niệm tràn về. Vậy là ông viết.

   “Bên trái – bên phải/ Phía trước – Phía sau/ Bốn bề thọ địch/ Đồn trưởng Nguyễn Minh Phương hô: Tung lựu đạn./ Chính trị viên Hồ Đăng Khầm thét: Tuốt trần lưỡi lê/ Quyết giữ trọn từng tấc đất biên ải./ Đánh, đánh, đánh!/ Ba mươi chiến sĩ Anh hùng/ Hóa thân thành ba mươi Thánh Gióng/ Bay lên trời xanh/ Để Tổ quốc muôn đời vững chãi!” (Bên dòng sông ấy - Sông Giang Thành – Kiên Giang). Cùng với đó là nhiều cuộc chiến được tái hiện như cuộc chiến ở Pha Long - Lào Cai; Đồng Đăng - Lạng Sơn; Đắk Lăk - Tây Nguyên và Pò Hèn - Quảng Ninh: “Cái ngày ấy, tháng ấy, năm ấy/ Hiên ngang/ Đi vào lịch sử/ Ghi đậm chiến công/ Chống quân xâm lược/ Pò Hèn ơi, Quảng Ninh ơi/ Bi tráng đến vô cùng!”. 

   Ở bài thơ Bi tráng Pò Hèn, Nguyễn Xuân còn nhắc lại sự kiện tổ chức “Đám cưới” cho hai liệt sĩ là cô gái ngoại thương Hoàng Thị Hồng Chiêm và anh sĩ quan biên phòng Bùi Văn Lượng, sau 17 năm hai anh chị hi sinh. Sự kiện đồng đội đi làm thủ tục để cháu Vũ Trọng Hùng được nhận cha là liệt sĩ Vũ Trọng Hiên và mẹ của Hùng là chị Nguyễn Thị Thê, cô gái nông trường năm xưa, được công nhận là vợ liệt sĩ gây nhiều xúc động.  

   Cuộc chiến ở Pha Long lại có cái bi hùng riêng của nó. Sau 4 ngày chiến đấu với quân xâm lược, lúc 11 giờ ngày 19/2/1979, Chính trị viên Trần Xuân Ngọc ký bức điện cuối cùng có nội dung: “Bộ đội đã bắn đến viên đạn cuối cùng/ Chúng tôi xin vĩnh biệt!”… Đọc bức điện ai mà không xót xa, thương cảm và ai mà không tự hào, kiêu hãnh trước ý chí kiên cường của những vệ binh quốc gia? Nguyễn Xuân viết tiếp: “Năm ấy, đào không đơm hoa/ Ban không xòe nụ/ Dòng sông Xanh lờ đờ ủ rũ/ Núi rừng Mường Khương âm u/ Chỉ có biên cương Tổ quốc rực ngời ánh lửa!”.

   Bài thơ Prest của Việt Nam viết về Pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn cũng vậy. Các chiến sĩ quân hàm xanh đã chiến đấu chống quân xâm lược đến người cuối cùng, viên đạn cuối cùng. Riêng bài Nơi dòng sông chảy ngược ngoài việc phản ánh về cuộc chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sêrêpôk (Đắk Lắk), Nguyễn Xuân còn khéo léo nhắc lại truyền thuyết về sông bố Krông Nô và sông mẹ Krông Ana hợp lưu tạo thành Sêrêpôk, sinh ra “Nàng thơ” Dray Nur: “Để có một thời/ Việt Nam -  Campuchia/ Tay nắm tay đuổi giặc/ Nơi tuyến đầu biên cương”. Hào khí anh hùng của Đồn Biên phòng Sêrêpôk còn ở chỗ: “Đã có một bến phà Sêrêpôk/ Một cung đường 14C/ Một Đài tưởng niệm/ Lưu danh 71 liệt sĩ anh hùng/ Cùng nhau chia lửa/ Nhưng lại có một ngày/ Trái gió trở trời/ Bạn phản bạn/ Gieo rắc thù hận/ Biên cương đỏ ối trời chiều màu lửa!”.

   Trái tim của Nguyễn Xuân thiết tha hướng về đồng đội qua những việc làm giản dị mà cảm động. Ở tuổi 75, khi in cuốn sách Điểm tựa, ông đã mang một số ấn phẩm đến tặng Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, nơi ông từng công tác và cũng là địa phương hiện giờ ông đang sống. Rồi ông làm thơ tặng Bộ đội Biên phòng Việt Nam “Nơi biên cương Điểm tựa”: “Chia tay 35 năm/ Biên phòng ơi, nhung nhớ/ Nay có dịp “trở về”/ Lòng dạ cứ bâng khuâng/ Màu áo xanh/ Quân hàm xanh/ Tuổi xanh sức trẻ/ Gắn bó đời mình/ Hải đảo – Biên cương/ Đồn là nhà, biên giới – “Quê hương”!

Nhà thơ Nguyễn Xuân tặng sách cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa

   Những vần thơ thật gần gũi, da diết, trữ tình và càng sâu nặng hơn là sự gửi gắm đầy trách nhiệm: “Món quà mọn/ Chú và anh gửi tặng/ “Điểm tựa” vững vàng, Hải đảo - Biên cương/ Tổ quốc yêu thương/ Đất nước kiên cường/ Cần có các cháu, các em/ Ngày đêm canh giữ/ Đội vệ binh Quốc gia chân cứng đá mềm!”.

   Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc càng có ý nghĩa khi Nguyễn Xuân dành cho cuốn sách lời tựa “Chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024)”. Cuối tập thơ, ông trích đăng Chương 3 “Khẳng định NIỀM TIN” của trường ca Niềm tin mà ông đang tâm huyết dồn sức thực hiện: “Đứng trước Quân kỳ. Tôi thề: “Trung với Đảng,/ Trung với nước/ Hiếu với dân…/ Khi vào Đảng: Tôi thề: “Suốt đời chiến đấu hi sinh/ Vì sự nghiệp của Đảng/ Vì độc lập tự do của Tổ quốc/ Vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân!”. Tinh thần ấy, khí thế và quyết tâm ấy gợi nhớ đến lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Công an nhân dân vũ trang năm 1962: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao”. Lời thơ như một sự cam kết tráng kiện, tràn ngập niềm tin. Nhà thơ Nguyễn Xuân cũng cho rằng, phải có niềm tin mới chiến thắng - chiến thắng kẻ thù, chiến thắng thiên nhiên và chiến thắng cả bản thân mình.

   Điều rất vui là đáp lại tấm lòng của Nguyễn Xuân đối với đồng đội, nhân Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội Văn học, nghệ thuật, Thư viện tỉnh Khánh Hòa đã chọn chùm tác phẩm của ông vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành gồm: Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc (thơ); Điểm tựa (tập truyện ngắn); Alechsandre Yersin Âm vang mãi mãi” (trường ca) đưa vào chương trình giới thiệu “Tác giả - tác phẩm” chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Được biết chương trình sẽ diễn ra vào sáng 17/12/2024 tại Thư viện tỉnh Khánh Hòa. Ở đó, Nguyễn Xuân sẽ tâm sự với đồng đội, đồng đội nói về ông và ông tặng sách cho các đơn vị lực lượng vũ trang cùng bạn bè và người yêu sách đến dự.

   Chúng tôi xin chúc mừng ông và trân trọng gửi đến bạn đọc đôi điều về một nhà thơ người lính, một tấm lòng vì người lính, vì đồng đội đáng trân trọng của Nguyễn Xuân.

 

 

 

Chú thích:
* Nhân đọc tập thơ Đồng đội nơi biên cương Tổ quốc.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận