Cách đây tám mươi năm có một chàng trai đôi mươi vừa mới nếm trải hương vị tình đầu và cùng lúc ấy cũng bén duyên với âm nhạc, da diết trong tình ca đầu tay: “Ra đi mong tìm em thân yêu với lòng thương nhớ” (Trầu cau), quyết liệt trong hành khúc: “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thà chết chớ lui” (Giải phóng quân).
Cách đây mươi-mười lăm năm có một cụ ông quả quyết không chút ngại ngần: Tim còn đập còn yêu, còn sáng tác. Một cây đại thụ bát thập rồi cửu thập vẫn đào hoa, vẫn được nhiều bạn vong niên thế hệ sau gọi một cách thân thương là “người anh em trẻ mãi không già”, vẫn được những người yêu nhạc tôn vinh như một “nhạc sĩ tuổi thơ” và “nhạc sĩ tình yêu”.
Sinh thời, ông được coi là người không tuổi bởi tính lạc quan, trẻ trung, yêu đời trong âm nhạc và trong cuộc sống. Khi ông về với hồn núi sông thì tác phẩm thay ông sống tiếp, trường tồn bởi giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật. Giá trị lịch sử được ghi nhận từ sự phản ánh dấu tích thời cuộc đất nước nói chung cùng những bước tiến triển của nền nhạc mới nói riêng; còn giá trị nghệ thuật là những yếu tố tạo nên cái đẹp, chất nhân văn và sức sống bền lâu của tác phẩm.
“Tình yêu và âm nhạc nằm trong máu thịt tôi”.(Phan Huỳnh Điểu)
Dù có một di sản đáng tự hào hàng trăm ca khúc, ông vẫn coi “số lượng đó chỉ là hư danh, trong âm nhạc cái gì còn đọng lại trong quần chúng, được hát, được nuôi dưỡng, đó mới là hạt vàng”. Ông có không ít hạt vàng như thế, những hạt vàng đã làm nên một “Phan Huỳnh Điểu - tình ca” với Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Thuyền và biển (thơ: Xuân Quỳnh)…; một “Phan Huỳnh Điểu - hùng ca” với Giải phóng quân, Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ: Dương Hương Ly), Hành khúc ngày và đêm (thơ: Bùi Công Minh)…; một “Phan Huỳnh Điểu - trẻ thơ” với Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác, Những em bé ngoan…
Không ngừng sáng tạo trong các loại nhạc khác nhau, từ tình khúc đến hành khúc và cả “hài khúc, triết lý khúc, thiếu nhi khúc”, ông vẫn luôn nhất quán trong cách diễn đạt giàu chất thơ, chất ca xướng trữ tình – trữ tình cả trong hành khúc, trong ca khúc suy ngẫm sự đời, trong bài hát dành cho con trẻ.
Trong tác phẩm âm nhạc của ông, chất thơ nổi trội hơn cả trong tình yêu đôi lứa, thường được ẩn dụ bằng hình ảnh các “cặp đôi” biển và thuyền, sóng và bờ, thuyền và bến, đò và sông (Bến vắng, Con sóng lẻ loi, Sóng - thơ: Xuân Quỳnh, Thuyền và biển - thơ: Xuân Quỳnh, Sang sông - phỏng thơ: Đào Hồng, Nhớ lắm chiều nay - thơ: Đào Hồng). Nhạc phẩm của ông cũng luôn tái hiện không gian chiều (Chiều trên cầu Thăng Long, Chiều Paris, Chiều quạnh hiu - thơ: Chế Lan Viên, Chiều tím - thơ: Đào Hồng, Khi chiều xuống Đa Nhim - thơ: Lê Giang, Tương tư chiều - thơ: Xuân Diệu)… và mùa thu (Thơ tình cuối mùa thu - thơ: Xuân Quỳnh, Tiếng thu - thơ: Lưu Trọng Lư, Mùa thu câu cá - thơ: Nguyễn Khuyến, Nói với mùa thu - thơ: Kim Tuấn)… Có lẽ vì đó là những thời điểm phù hợp với hoàng hôn đời người, đủ chín, đủ tĩnh lặng để thấu hiểu những được mất sau mọi bão tố cuộc đời. Không chỉ yêu thơ tình, ông còn khoái cả thơ “tếu”. Khi còn trẻ nhiều “duyên nợ” với thơ tình bao nhiêu thì đến già lại dí dỏm với thơ hài, thâm thúy với thơ cổ bấy nhiêu (Người đẹp - thơ: Lò Ngân Sủn, Làm cây thông reo - thơ: Nguyễn Công Trứ, Qua đèo Ngang - thơ: Bà Huyện Thanh Quan)…
Nổi tiếng với tài chắp cánh cho thơ, ông còn được coi là người viết nhạc vượt cả thơ. Biệt tài ấy xuất phát từ khả năng thẩm thấu thơ được phát huy mạnh mẽ qua tình yêu âm nhạc cổ truyền. Ông đã khéo vận dụng kinh nghiệm phổ thơ trong dân gian, đặc biệt các “chiêu” lặp từ, lặp câu. Tựa như những dị bản biến hóa từ lòng bản, một câu thơ được hát ở những cung bậc khác nhau, thậm chí có tới sáu giai điệu khác nhau dành cho một câu thơ (Người ấy bây giờ ở đâu - thơ: Hoài Vũ); có lúc đay lại chỉ một từ với đầy dụng ý như kiểu nói lắp bắp để giễu nhại chàng quân tử bắt gặp cô gái ngủ ngày: “Dùng dằng… dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thời cũng dở ở… ở không xong” (Thiếu nữ - thơ: Hồ Xuân Hương). Bài hát đời hơn, sinh động hơn qua tiếng cười “hi hi, ha ha” (Của nặng hơn người - thơ: Nguyễn Bỉnh Khiêm); tiếng tặc lưỡi “chậc!” trên những nốt nhạc không cao độ (Bạn đến chơi nhà - thơ: Nguyễn Khuyến); giai điệu phát triển linh hoạt hơn nhờ các từ đệm “mà”, “chừ”, “chứ mà”, “ấy mấy”, phóng khoáng hơn trong các đoạn vocalise trên các hư từ “ơ” (Bóng cây kơnia - thơ: Ngọc Anh), “à ơi” (Thiếu nữ - thơ: Hồ Xuân Hương), “hừ hứ hư” (Cái quạt - thơ: Hồ Xuân Hương).
Với các quãng đặc trưng, đường nét luyến láy và âm hình tiết tấu nghịch đảo, những bài hát đậm chất dân ca của ông đã dẫn dắt người nghe tới các vùng miền khác nhau, từ Bắc vô Nam, từ miền núi cao nguyên xuống đồng bằng sông nước. Xứ Bắc hiển hiện trong Giai điệu quê mình (thơ: Thế Hùng), Nghệ - Tĩnh trong Sợi nhớ sợi thương (thơ: Thúy Bắc), Huế trong Đây thôn Vĩ Dạ (thơ: Hàn Mặc Tử), Tây Nguyên trong Bóng cây kơnia (thơ: Ngọc Anh), Nam Bộ trong Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ: Hoài Vũ)...
Đã gần chục năm “con chim vàng” của nền nhạc mới Việt Nam vẫy cánh bay về trời nhưng những ca khúc làm nên tên tuổi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn luôn được hát, được yêu thích trong đời sống ca nhạc hôm nay. Những tác phẩm đậm chất thơ trong lời ca, giàu chất hát trong giai điệu ấy sẽ mãi còn lại cùng năm tháng. Với riêng tôi, mãi còn lại là nụ cười đôn hậu, vẻ hóm hỉnh của ông trong những cuộc trò chuyện về nhạc, về đời.
Bác Bảy thương nhớ ơi, con xin chúc mừng sinh nhật lần thứ 100 của bác!