PHAN HUỲNH ĐIỂU: NHẠC SĨ CỦA NHỮNG ÂM ĐIỆU TRỮ TÌNH, DUYÊN DÁNG

Bài viết chỉ ra nét đặc sắc nổi bật trong âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu là tính chất trữ tình, duyên dáng, thể hiện sự rung cảm sâu sắc với cuộc sống. Nhấn mạnh về sự thành công của việc phổ nhạc cho thơ, dấu ấn của những ca khúc đi cùng năm tháng…, bài viết khẳng định những đóng góp lớn của Phan Huỳnh Điểu cho nền âm nhạc Việt Nam.

   han Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam với những đóng góp lớn lao. Hoạt động âm nhạc từ những năm bốn mươi thế kỷ trước nhưng chỉ từ những ngày sôi động của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hoạt động âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu mới thực sự có ý nghĩa, bắt đầu với bài hát Giải phóng quân khỏe khoắn, rắn rỏi mà tha thiết, thúc giục. Tiếp sau đó anh sáng tác tương đối đều đặn để phục vụ kháng chiến, có những bài hát viết kịp thời cho một nhiệm vụ như: Tuyên truyền xung phong (1946), Hoan nghênh tín phiếu (1948)… Phan Huỳnh Điểu thuộc thế hệ nhạc sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Cho đến bây giờ, âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu vẫn làm xúc động lòng người và có nhiều sáng tác đã trở thành những ca khúc bất hủ trong nền âm nhạc Việt Nam. Có được điều đó bởi anh là một nhạc sĩ tài năng, rung động và nhạy cảm với cuộc sống. Toát lên từ những tác phẩm của Phan Huỳnh Điểu là những âm điệu trữ tình, duyên dáng, yêu đời…

   Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11 tháng 11 năm 1924 tại Đà Nẵng – mảnh đất kiên trung của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp anh đã hòa mình vào không khí sôi động, khẩn trương của nhân dân Đà Nẵng đấu tranh chống giặc Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Anh gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu V. Trong thời kỳ này anh sáng tác tương đối đều. Các tác phẩm đã thể hiện niềm tin và ước vọng vào sự thắng lợi của ngày mai. Có thể kể đến những ca khúc: Nhớ ơn Hồ Chủ tịch (1952), Chúng ta yêu mến hòa bình (1954), Quê tôi miền Nam (1954)…

   Trong lời “Tựa” của công trình giới thiệu về chân dung một số nhạc sĩ tham gia xây dựng đời sống âm nhạc của đất nước từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhà lý luận, phê bình âm nhạc Tú Ngọc nhận định: “Chúng ta sẽ gặp ở đây lớp nhạc sĩ đầu tiên đã đi vào con đường nghệ thuật trước cách mạng. Lớp người ấy không nhiều, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Sau ngày đất nước độc lập, các anh đã đi vào cuộc sống Cách mạng, đã tìm thấy chỗ đứng của mình trong sự nghiệp đó - người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật”1. Cùng với lớp đầu còn có những nhạc sĩ sớm được tiếp xúc với phong trào cách mạng, do đó nhiều tác phẩm của họ là sự nối mạch trực tiếp với nền âm nhạc mới. Và lớp nhạc sĩ tiếp theo đến với nền âm nhạc mới ngay từ những ngày độc lập đầu tiên nhưng hành trang nghệ thuật của họ chỉ thật sự đầy đặn sau hành trình của cuộc kháng chiến chín năm: “Phan Huỳnh Điểu từ dải đất Miền Trung xa xôi đã cất tiếng ngợi ca đội quân vũ trang của một quốc gia độc lập có chủ quyền - Đoàn vệ quốc quân. Khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc nổ ròn rã ở Thủ đô Hà Nội, thì lớp nhạc sĩ tương lai cũng bắt đầu khoác ba lô lên vai cùng với các đoàn vệ quốc bước vào cuộc chiến đấu. Họ đến các chiến trường Việt Bắc, Khu 3, Khu 10. Có người theo bộ đội ngược sông Hồng đi Tây Tiến. Hình ảnh người chiến sĩ vũ trang đã trở thành nhân vật trung tâm của âm nhạc cách mạng. Hình ảnh ấy được các nhạc sĩ khắc họa với tính cách ngày càng da dạng, phong phú trên bối cảnh của hiện thực Việt Nam”2.

   Hòa bình lập lại, Phan Huỳnh Điểu cùng nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam tập kết ra Bắc. Không khí khẩn trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc là nguồn cảm hứng mới cho sáng tác của Phan Huỳnh Điểu. Cũng như trước đây, hình ảnh Bác Hồ kính yêu và Đảng quang vinh đã hòa quyện một cách tự nhiên vào hình ảnh quê hương, đất nước trong tác phẩm của anh. Lòng nhớ thương quê hương càng được bộc lộ qua ngôn ngữ âm nhạc giàu chất trữ tình, thiết tha của Phan Huỳnh Điểu.

   Có thể nói, ngay từ những sáng tác đầu tiên, Phan Huỳnh Điểu đã tạo dựng được cho mình một cách nói riêng, đầy chất trữ tình. Ngay trong những ca khúc viết ở thể loại hành khúc, tính chất này cũng rất đậm nét, từ Giải phóng quân (1954) đến Cuộc đời vẫn đẹp sao (1971, thơ Dương Hương Ly), Hành khúc ngày và đêm (1972, thơ Bùi Công Minh)… Với những tác phẩm viết về đề tài chiến đấu, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhìn nhận đối tượng từ một góc độ riêng. Anh quan niệm rằng: dù là với đề tài chiến đấu, tại sao lại không thể thể hiện được bằng những bài hát tình yêu! Anh đã nghĩ, đã làm như vậy và cũng đã thành công từ cách nghĩ, cách làm ấy.

   Một nét nổi lên trong những sáng tác của Phan Huỳnh Điểu là những ca khúc viết về đề tài tình yêu. Những bản tình ca của anh về tình yêu đôi lứa luôn hòa điệu với bản tình ca lớn của đất nước; những mối tình riêng quyện chặt vào tình cảm chung của dân tộc. Tình yêu ở tấm lòng người nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhiều khi chỉ là một cảnh sắc quê hương, từ một ngọn gió đêm hè đến những con người từng gắn bó với anh. Với quan niệm sáng tác bài hát trữ tình cũng là một yêu cầu chính đáng như các loại bài ca chiến đấu khác trong chế độ ta. Anh có những đòi hỏi khe khắt đối với những bài viết về đề tài này. Anh đã có những thành công đáng kể để chứng minh cho suy nghĩ ấy của mình. Một loạt những ca khúc trữ tình đã ra đời, âm vang của nó luôn luôn làm xúc động người nghe như: Tình trong lá thiếp (1955), Ta sẽ cưới nhau (1972), Anh ở đầu sông em cuối sông (1978, thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (1978, thơ Thúy Bắc), Quảng Nam yêu thương (1980), Thuyền và biển (1981, thơ Xuân Quỳnh)…

   Đặc điểm ngôn ngữ âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu là đậm đà trữ tình, duyên dáng và tha thiết. Nó thể hiện sự rung cảm sâu sắc của trái tim nhạc sĩ với cuộc sống mà ở đó có những con người đang hăng say lao động để xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong bút pháp sáng tác, Phan Huỳnh Điểu cũng là một nhạc sĩ có ý thức sử dụng vốn âm nhạc truyền thống và anh đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận. Anh còn là tác giả những bài hát đáng yêu cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng như: Nhớ ơn Bác, Đội kèn tí hon, Những em bé ngoan, Ngày vui mới

   Điều đặc biệt là Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc cho thơ rất nhiều. Ngay khi đang học phổ thông, Phan Huỳnh Điểu đã rất thích thơ. Sau này khi bắt đầu sáng tác, Phan Huỳnh Điểu đã thử sức với một bài thơ của Tế Hanh nhưng không thành công. Không bỏ cuộc, ông kiên trì với việc chọn thơ để phổ nhạc. Phan Huỳnh Điểu đã tâm sự về điều này trong bài viết “Từ Giải phóng quân ra đi”: ““Thơ và nhạc là hai chị em song sanh”. Hình như có nhà văn nào đó nói như vậy? Đúng! Tôi cũng xin đưa tay tán thành ý kiến đó. Anh chàng nhạc sĩ nào không yêu thơ, hoặc giả không hề đọc thơ, đó là anh nhạc sĩ què quặt, khô khan, nghèo nàn. Bài hát của anh sẽ không có những lời ca đẹp, dạt dào tình cảm. Nếu là một người chuyên viết ca khúc, lại càng cần phải đọc rất nhiều thơ. Phải có một quyển sổ tay để ghi chép những bài thơ hay, nếu được là một quyển sổ đẹp, càng tốt. Từ lúc nhỏ đi học, tôi đã có những quyển sổ như vậy”3. Phan Huỳnh Điểu bộc bạch rằng mình mê loại thơ tình hơn loại thời sự, chính trị hay lên gân khô khan, sống sượng: “Là người phải viết lời ca cho bài hát của mình, tôi rất chịu các nhà thơ tìm cấu tứ cũng như hình ảnh, màu sắc, vần điệu rất giỏi. Nhiều bài thơ đọc xong, mình hình dung như đang đứng trước cảnh đẹp đó, hoặc đang ở trong tâm trạng vui, buồn, yêu, giận của tác giả. Và những cái đó, bỗng nhiên gợi lên trong tôi những cung bậc rung cảm trong âm nhạc”4.

   Trong lời giới thiệu tập ca khúc Tình trong lá thiếp (NXB Văn hóa – Nghệ thuật, 1963), một người bạn của nhạc sĩ – nhà thơ Tế Hanh – đã viết rằng: “Cùng với thời gian và quyết tâm, Phan Huỳnh Điểu còn tiến nữa và sẽ cho chúng ta hưởng những bài hát, bản nhạc thấm thía hơn nữa”. Đúng vậy, sau những thành quả của thời kỳ sáng tác ấy, từ đó cho đến những sáng tác sau này, Phan Huỳnh Điểu đã có thêm nhiều ca khúc tràn đầy tình yêu cuộc sống. Nhạc sĩ tâm sự: “Trong hơn bốn mươi năm qua, tôi đã không lùi bước trước khó khăn, gian khổ. Chẳng những riêng tôi, nhiều bạn bè khắp nơi cũng đã hưởng ứng tiếng hát của tôi để đi theo cách mạng và đã hiên ngang tiến lên, không lùi bước trước cái chết. Một câu hát ngắn gọn như một lời thề, qua hơn bốn chục năm vẫn luôn luôn thúc giục tôi và mọi người hãy ngẩng cao đầu mà đi. Tin vào tương lai. Nhất định Tổ quốc chúng ta sẽ đàng hoàng và tươi đẹp hơn”5.

   Qua những sáng tác của Phan Huỳnh Điểu, mọi người đều nhận ra rằng càng về sau này, tác phẩm của anh càng trữ tình, tha thiết hơn. Những sáng tác của anh khi tuổi đời đã nhiều, ít có ai nghĩ rằng những bản nhạc trẻ trung ấy được viết ra bởi một nhạc sĩ đã ngoài 60, bởi lẽ trái tim nghệ sĩ vốn không có tuổi già. Trọn đời mình, anh đã viết nên những bản nhạc đằm thắm, thiết tha, sống mãi với đời. Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam”, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.

 

 

 

Chú thích:
1, 2 Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1986), Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam, tập 1, NXB Văn hóa, tr. 10, 10-11.
3, 4, 5 Lê Giang, Lư Nhất Vũ (Chủ biên, 1989), Nhạc và đời, NXB Tổng hợp Hậu Giang, tr. 99, 102, 112.

Bình luận

    Chưa có bình luận