CÁI TÔI THI SĨ CÔ ĐỘC VÀ MOTIF HÓA THÂN TRONG ''PHỤC SINH'' CỦA ĐÀO QUỐC MINH

Bài viết giới thiệu tập thơ ''Phục sinh'' của nhà thơ trẻ Đào Quốc Minh. Ở đó, cái tôi thi sĩ cô độc đã tìm về khám phá quá khứ, tự vấn bằng những suy tư và cảm hứng đối thoại - triết luận về nhiều chủ đề. Tất cả những điều ấy được thể hiện bằng hàng loạt thi ảnh mới lạ, ám gợi. Tập thơ cho thấy nhà thơ Đào Quốc Minh sẽ còn tiến xa hơn nữa trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.

 

   Đào Quốc Minh là một thi sĩ - văn sĩ - dịch giả trẻ có tài năng đặc biệt. Anh vừa có sức làm việc phi thường vùa ghi dấu ấn cá tính sáng tạo độc đáo trong cả ba lĩnh vực sáng tạo: thơ, văn xuôi, dịch thuật.

   Riêng với tập thơ Phục sinh khá đồ sộ, gồm 180 bài với 212 trang in, tôi muốn nhấn mạnh đến tính phức hợp trong cảm hứng nghệ thuật của tập thơ có sự giao thoa giữa truyền thống với hiện đại rất rõ nét này.

 

   Trong tập thơ mang tính đa thanh – phức điệu này, chủ thể trữ tình thấp thoáng sau câu chữ với sự cô độc khủng khiếp. Thi sĩ nào chẳng cô độc từ trong bản thể của mình? Không! Từ cô đơn đến cô độc là một khoảng cách khá xa. Cô độc đến tột cùng như thi sĩ này là rất hiếm.Vì tâm thế ấy, anh ta đóng vai “người xuyên không cô độc” tìm về khám phá quá khứ xa và gần, tìm về thế giới thực ảo đan xen trong văn chương cổ kim, của dân tộc và của nhân loại. Trong những chuyến “Du hành xuyên không” ấy, chủ thể trữ tình phản ánh thế giới bằng nhiều cảm hứng nghệ thuật, trong đó nổi bật là cảm hứng tự vấn - suy tư với motif hóa thân và cảm hứng đối thoại - triết luận về nhiều chủ đề vĩnh hằng của nhân loại. Cả hai nguồn cảm hứng ấy được thể hiện bằng hàng loạt thi ảnh mới lạ, ám gợi, có “gốc rễ” rất sâu trong kho tàng văn hoá nhân loại và dân tộc.

   1. Cảm hứng tự vấn - suy tư và motif hóa thân 

   Qua hàng loạt thi phẩm tuy ngắn về câu chữ nhưng có sự dồn nén cao độ về dung lượng hiện thực chồng lấp thực/ ảo, về các cung bậc cảm xúc tình cảm căng như dây đàn, chủ thể trữ tình đã lặng ngắm thế giới từ tâm thế cô độc tột cùng của mình, chỉ thấy “những thước phim loang lổ cháy”:

   “những thước phim loang lổ cháy 
   chỉ còn hình bóng của người đàn bà cô đơn 
   lẳng lặng gùi trăng lên tận đỉnh đồi 
   và vệt máu lấm chấm trở về từ hoàng hôn”...
                                             (Thước phim loang lổ cháy)

   Người thơ ấy ngồi xem bộ phim thế giới quay chậm với “những thước phim loang lổ cháy” bằng tâm thế cô độc tột cùng:

   “giây phút cuối cùng 
   trong cuộc đời cô độc này 
   anh... chỉ còn muốn…
   buồn bã ngước nhìn lên 
   bầu trời đêm lất phất mưa bay 
   anh sẽ không bao giờ 
   còn nhìn vào đôi mắt em 
   mùa thu... hàn lệ giang 
   bóng-tượng-phật-vàng
   đã xanh thăm thẳm...”.
                                    (Giây phút cuối cùng)

   Chỉ cần đọc lại hai câu kết của khổ thơ trên, ta đã rùng mình ớn lạnh cùng thi sĩ: ở giây phút cuối cô độc này, nhìn lên là trời đêm lất phất mưa bay; nhìn ngang/ nhìn vào mắt em thì gặp hàn lệ giang của mùa thu - sông nước mắt lạnh; bóng tượng phật vàng tượng trưng cho niềm tin thiêng liêng cũng đã chìm vào đáy nước “xanh thăm thẳm”. Vậy tìm ở đâu hơi ấm của yêu/ thương/ tin?

   Xuất phát từ tâm thế cô độc tột cùng kể trên, chủ thể trữ tình bước vào hàng loạt cuộc “Du hành xuyên không” qua nhiều chiều không - thời gian khác nhau, hoá thân thành hàng loạt nhân vật trữ tình khác nhau, để tự vấn - suy tư tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn: - sao thế giới mãi còn chiến tranh và đói nghèo? Sao con người cô độc thế? Nghệ thuật có thể cứu được thế giới đang suy tàn không?

   Chủ thể trữ tình hay chọn hoá thân vào “vai” những đứa trẻ côi cút, khắc khoải đợi chờ ánh sáng hạnh phúc vời xa:

   “chỉ còn một đứa bé 
   một mình ngồi trên đống gạch 
   mọc đầy cỏ lạ
   mải mê thổi tù và 
   gọi mặt trời lên...”.
                               (Không còn những đoàn quân)

   Và:

   “một mảnh lá vàng rơi 
   bến sông xưa, đứa trẻ cúi đầu 
   lòng thuyền rất lạnh...”.
                                  (Lòng thuyền)

   Hay là:

   “ngoài kia có cô bé 
   đứng cười-sằng sặc 
   bên quan tài cũ - im lìm”.
                                   (Tấm gương đêm)

   Thủ pháp lạ hoá ngôn từ kết hợp với thủ pháp đồng hiện/ chồng lấp ảo và thực tạo ra những hình tượng thơ ám gợi, buộc người đọc phải suy nghĩ.

   Vẫn bút pháp nghệ thuật ấy ta gặp trong thơ Đào Quốc Minh hình tượng “cô bé” nửa điên nửa tỉnh, chờ đợi những giấc mơ không đến, cất tiếng cười vì không thể khóc nữa mà thôi:

   “cô bé giấu chín mùa giá rét 
   trong gác gỗ mục nát 
   ngồi bó gối châm điếu thuốc đỏ lửa...”.
                                           (Băng tuyết trong lồng ngực)

   Hay nụ cười này còn làm ta đau đớn hơn nữa:

   “trại thương điên đã bỏ hoang…
   mà - nụ - cười của - em 
   vẫn như bức - tranh trên - tường 
   tôi đứng mãi nhìn nụ cười… 
   ôi ánh hồi quang của cuộc đời 
   không - lời. dữ - dội...”.
                                            (Một bệnh nhân tầm thần)

   Không chỉ có thế, chủ thể trữ tình khao khát kiếm tìm câu trả lời trong tột cùng cô độc đã biến hình liên tiếp, lúc là con người lúc là loài vật, đồ vật ở những thế giới khác, trong những chiều không - thời gian bị bẻ cong, bị đảo lộn:

   Lúc là một người bán nến mà mình không thể có được ánh sáng:

   “ngày ngày...
   một người bán nến...
   lầm lũi...
   thắp muôn ngàn 
   đốm lửa 
   dọc từng 
   con đường
   rải nhựa…”
                           (Người bán nến)

   Đó là thằng bé có hành động kỳ dị:

   “có thằng bé đã ba năm 
   vùi mặt trời trong lồng ngực lạnh 
   đã ba năm giấu từng hạt mưa…”.
                              (Vùi mặt trời trong lồng ngực lạnh)

   Đó là cái nhìn “phân thân” để “Tôi” và “Đứa trẻ” sóng đôi - đồng dạng trong thân phận côi cút và chờ mong này:

   “đã nhiều năm qua đi… 
   đêm đêm... tôi vẫn thấy 
   một đứa trẻ ngồi chơi với cái vỏ ốc… 
   trong cát trắng 
   mênh mông...”.
                                 (Âm thanh từ lòng biển cả)

   Đó còn là một hoá thân kỳ lạ hơn thế: một loài chim bơ vơ trên đỉnh tháp Chàm, ngắm nhìn gạch ngàn năm vụn vỡ dưới chân:

   “ôi con khướu mun tội nghiệp…
   hót cho ai mà đậu mãi đỉnh trên tháp Chàm 
   rụng từng mảng gạch rêu phong 
   như bầu vú đá linh thiêng. nghìn năm tuổi”.
                                             (Con chim nhỏ)

   Thấy mình hoá thân thành cái lục lạc chờ vang ngân như một nhà thơ mù:

   “cái lục lạc cũ kỹ nằm lặng im 
   bên lề đường đã hơn mấy mươi năm 
   thị trấn như nhà thơ mù già nua 
   trút từng tiếng thở - dài thăm - thẳm”.
                                               (Cái lục lạc cũ kỹ)

   Đã hoá thân vào bao con người, loài vật, đồ vật ở những không - thời gan khác nhau, đã sống qua bao kiếp, nhà thơ đã tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn kia chưa? Nhà thơ chỉ nói thế này để chúng ta tự phỏng đoán vậy:

   “hạt lệ mồ côi 
   không tên không tuổi 
   người ôm nỗi buồn 
   đứng giữa 
   ngã ba sương”.
                           (Ngã ba sương)

   2. Cảm hứng đối thoại - triết luận về một số chủ đề vĩnh hằng của nhân loại

   Thời đại nào thì văn chương ấy. Mỗi thế hệ lại cất lên khúc hát của riêng mình, tiếp nối đầy sáng tạo chứ không lặp lại một cách máy móc những tín điều trong quá khứ. Tinh thần đối thoại, thậm chí tranh luận để chân lý ngời sáng hơn là bản lĩnh cần có của thế hệ trẻ. Là một nhà thơ trẻ, Đào Quốc Minh có phương thức đối thoại - triết luận bằng các hình tượng nghệ thuât đặc sắc, ghi đậm dấu ấn “vân tay văn hoá” của thi sĩ này. Nhà thơ đối thoại về hàng loạt chủ đề mang tính vĩnh hằng của nhân loại nhưng nổi bật nhất có một số chủ đề sau đây:

   2.1. Chủ đề tôn giáo trong nhận thức của nhà thơ

   Không đi sâu bàn luận, lý giải về duy vật - duy tâm, về khoa học hay không phải khoa học, nhà thơ chỉ bày tỏ nhận thức của mình về tôn giáo trong hiện tại: không đắm đuối thuộc lòng kinh sách mà chỉ nắm bắt được “linh hồn của kinh sách”, vì thế giới liên tục đổi thay mà kinh sách ngàn năm không đổi mới:

   “mở từng trang kinh phật 
   em nghe mùa mưa về gác trọ…
   gột rửa từng lời nguyện cầu
   trên cánh cửa gỗ sơn đen...
   (...) chỉ em vẫn ngồi suốt mùa mưa 
   trên gác trọ ướt sương mờ…
   âm thầm mở từng trang kinh phật”.
                                          (Kinh Phật)

   Bài thơ Pho tượng Phật lại gửi gắm một thông điệp nghệ thuật rằng bọn trộm có thể mang tượng Phật đi nhưng tinh thần Phật giáo thì không kẻ nào ăn trộm đuợc. Tinh thần ấy giản dị mà bất diệt như cỏ cây đang nảy mầm quanh ta:

   “một sớm cánh cổng chùa gỗ lim 
   nứt toác đã mở toang 
   và mấy pho tượng đá cũ đã biến mất...
   chỉ còn lại đôi chim sẻ màu nâu 
   đang nhặt nhạnh hạt mầm 
   trên tầng tầng lá vàng và cỏ dại...”.
                                         (Pho tượng Phật)

   Đến bài Mảnh kính vỡ, chúng ta gặp nhân vật viên mục sư trong nhà thờ:

   “người linh mục đã bao mùa hiến tế 
   gương mặt còn đau lấp lánh ánh sáng xanh 
   vẫn quỳ mọp trước linh đường thăm thẳm 
   ngước nhìn mảnh kính vỡ thiên thanh”.
                                            (Mảnh kính vỡ)

   Vị linh mục ấy đã cầu nguyện, đã hiến tế cả cuộc đời mình, mong bớt khổ đau cho chúng sinh, nhưng:

   “đêm nay còi báo động hú vang liên hồi 
   bao cô gái vẫn ăn sương khắp trên bao đại lộ”.

   Giấc mơ hết chiến tranh, hạnh phúc cho chúng sinh vẫn còn xa vời vợi!

   2.2. Chủ đề chiến tranh và khát vọng hoà bình

   Ở chủ đề này, hàng loạt thi phẩm xuất hiện vang vọng tiếng thét phản chiến, đau đáu khát vọng hoà bình cho dân tộc và cho nhân loại. Đó là các thi phẩm Trong giấc ngủ của cỏ dại, Cái chết của người lính, Đường trường chinh, Linh hồn người lính, Lời ru trên bến sông... Ở đó chúng ta thấy nỗi đau và những cánh hạc giấy mang theo khát vọng hoà bình của cả thế giới:

   “trên con đường chiến tranh 
   những vì sao xanh 
   nằm chói lọi bên đồi 
   (...)
   đêm đêm... có người đàn bà thấy 
   những cánh hạc giấy kia 
   cháy bùng bay theo gió ngàn vi vút…
                                     (Đường trường chinh)

   Bài thơ Lời ru trên bến sông là một bài thơ dài hiếm hoi trong tập thơ này (với dung lượng 8 khổ thơ tràn hai trang in). Chúng ta gặp ở đây thương nhớ, tự hào và bao suy tưởng về vẻ đẹp bi hùng của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của cha ông, những câu thơ hào hùng vang vọng:

   “khi tôi sinh ra - cuộc chiến đã lụi tàn 
   chỉ còn cánh hoa trôi bồng bềnh trên sông Mã 
   tiếng ngựa hí lồng suốt mấy nghìn năm 
   còn âm - vang từng đỉnh - đồi tượng - đá 
   người con gái - ánh mắt - hao mòn 
   đứng hát ru buồn. thầm lặng giữa Trường Sơn”.

   2.3. Chủ đề vai trò của người nghệ sĩ với xã hội, con người 

   Tuy số lượng những thi phẩm viết về chủ đề này không nhiều, chúng ta vẫn thấy cần trân trọng tiếng nói đối thoại - triết luận của nhà thơ trẻ tuổi nhưng không trẻ người này:

   “người người rồi - cũng - đã - ra - đi… 
   khải hoàn môn như ông lính già cuối cùng
   (...)
   chiều vũ người bộ hành trên đại lộ 
   chỉ thấy có người điên múa cọ vẽ chân trời”.
                                                            (Picasso)

   Bao họa sĩ chìm vào quên lãng, chỉ còn một người điên múa cọ vẽ chân trời. Chữ “điên” ở đây tượng trưng cho tài năng độc đáo, khác biệt với “dàn đồng ca” khôn ngoan và hợp thời ở thời đại nào cũng có.

   Bài thơ Niết Bàn lại khắc hoạ tâm trạng bất lực của người nghệ sĩ khi phản ánh ước mơ, số phận của con người:

   “có một dòng sông lam 
   Lững lờ chảy qua biên giới
   (...)
   người hoạ sĩ tóc như mây bạc 
   đứng mãi… trong sân chùa
   vẽ niết bàn dang dở đã nhiều năm”.
                                             (Niết Bàn)

   Khép tập Phục sinh lại, câu chữ vẫn như bầy chiến mã phi không ngừng nghỉ trong tâm tưởng, những vấn đề triết luận như sông mùa lũ vỗ sóng vào nhận thức của tôi. Mừng vui vì gặp được tập thơ hay đáng đọc. Dù còn rất trẻ, Đào Quốc Minh đã lặng lẽ vẽ chân dung tâm hồn tự họa của mình vào nền văn học Việt Nam đương đại - một bức chân dung đầy cá tính. Biết anh là con người kiệm lời, giao tiếp chừng mực, tiết kiệm từng phút để giành cho công việc, đọc tác phẩm của anh, tôi ngỡ ngàng rồi khâm phục: dưới mặt biển êm đềm kia là bao lớp sóng ngầm. Người văn chương tài năng lại rất khiêm tốn, đi từng bước chắc nịch tới thành công.

   Chúc mừng tác phẩm Phục sinh của Đào Quốc Minh: nhan đề “Phục sinh” đa nghĩa nhưng có lẽ có vài nét nghĩa chính. Đó là sự phục sinh những “chấn thương tinh thần” trong chính con người nhà thơ để từ sương mù buồn bã, hoài nghi đi tới mặt trời hồng yêu tin. Đó là sự phục sinh những vẻ đẹp văn hoá từng bị khuất lấp ở quanh ta...

   Tôi tin tưởng Anh sẽ còn bay cao, bay xa hơn nữa trên bầu trời sáng tạo nghệ thuật.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận