Câu chuyện phim Tro tàn rực rỡ (được chuyển thể từ hai truyện ngắn: Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)1, khai thác tính cách, thân phận con người thông qua câu chuyện tình yêu, hôn nhân, mất mát của các nhân vật sinh sống ở một làng chài nghèo Miền Tây với cái tên hư cấu là xóm Thơm Rơm của vùng Thổ Sầu. Bộ phim đã thực sự khiến cho khán giả cảm nhận được số phận của các nhân vật giống như câu nói “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhàn (Phương Anh Đào thủ vai) và Tam (Quang Tuấn thủ vai) đến với nhau bằng một tình yêu nguyên sơ, chân thành nhất như một cặp trai tài - gái sắc sinh ra là để dành cho nhau. Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling thủ vai) và Dương (Lê Công Hoàng thủ vai) lại là cặp đôi đến với nhau bằng một sự cố sau buổi say rượu. Hai cặp đôi đại diện cho các sắc thái khác nhau của tình yêu thể hiện sự biến động như cuộc sống vốn dĩ và con người vẫn luôn yêu nhau trong sự lo âu. Với lối kể chuyện nhấn nhá, không quá nhanh, không quá chậm mà vừa phải, đủ để khán giả thấm và cảm nhận. Không có sự cưỡng ép hay lên gân, câu chuyện phim diễn ra một cách tự nhiên. Chuyện phim còn có câu chuyện thứ ba là cô Loan “Khùng” (Hạnh Thuý thủ vai) và ông Khang (Thạch Kim Long thủ vai), một câu chuyện tình yêu nhưng đau đớn đến tuyệt vọng khi người đàn bà đem lòng yêu kẻ đã hãm hại mình lúc còn nhỏ. Mặc dù tuyến truyện này không có quá nhiều ảnh hưởng đến câu chuyện chính của phim nhưng nó cũng góp phần làm cho bức tranh về thân phận của những người phụ nữ trong phim trở nên đa màu sắc hơn, có tính đa chiều hơn và có nhiều chuyện để kể hơn.
“Nếu muốn làm một bộ phim xuất chúng, bạn cần có ba thứ đó là: kịch bản, kịch bản, kịch bản”, đây là điều mà nhà làm phim bậc thầy Alfred Hitchcock đã từng khẳng định. Vậy nên một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng của bộ phim Tro tàn rực rỡ đó là kịch bản. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thể hiện sự tôn trọng đối với nguyên tác văn học – hai truyện ngắn Củi mục trôi về và Tro tàn rực rỡ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đồng thời chuyển thể đưa lên màn ảnh một cách xuất sắc. Một bộ phim chuyển thể không phải là cách mà đạo diễn đi tìm hình ảnh cho câu chữ. Đó là cách mà đạo diễn phát huy trí tưởng tượng của khán giả sau khi họ đọc xong tác phẩm văn học. Nếu như văn học cho phép tác giả mô tả tâm lý nhân vật thì với điện ảnh, đạo diễn phải nắm bắt được trạng thái cảm xúc bằng những diễn tiến hành động. Nếu như đòi hỏi một tác phẩm điện ảnh chuyển thể2 phải mô tả được tâm lý giống như nguyên tác văn học thì chẳng khác nào bắt nhà làm phim từ bỏ ngôn ngữ đặc trưng của loại hình cũng như từ bỏ cách tiếp cận của cá nhân. Trong phim Tro tàn rực rỡ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên gần như rất ít sử dụng những cận cảnh chặt, các cảnh quay trong phim cho khán giả thấy không gian nhân vật hiện diện nhiều hơn một nửa không gian của khuôn hình.
Bên cạnh đó, với dung lượng ngắn của tác phẩm gốc, trong quá trình chuyển thể, đạo diễn đã thêm vào những chi tiết mới, như: mối quan hệ của Hậu và Nhàn, sự tham gia của Loan vào cốt truyện chính cũng như khắc họa một cách rõ nét sự hoang hoải của Dương trong cuộc tình câm của mình… Tất cả những điều này được đạo diễn thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng của điện ảnh với nhiều cảnh quay ấn tượng.
Với bộ phim Tro tàn rực rỡ, chúng ta có thể thấy một đạo diễn Bùi Thạc Chuyên rất khác, thể hiện độ chín và những chiêm nghiệm, tạo nên phong độ của tác giả hơn hẳn so với những tác phẩm ở những giai đoạn trước như Sống trong sợ hãi – một tác phẩm xuất sắc của anh ở giai đoạn đầu. Trong phim này, anh lựa chọn cách kể chuyện khách quan, cho khán giả thấy được sự đồng nhất ở tất cả các cảnh quay. Khán giả xem phim như được đóng vai trò của người quan sát ngay tại bối cảnh quay, được quan sát câu chuyện bằng mắt thường và khán giả như trở thành một phần trong thế giới của câu chuyện. Điều này thể hiện qua rất nhiều cảnh quay ấn tượng, gợi rất nhiều dư vị cho khán giả xem phim. Chính vì vậy mà yếu tố kịch tính hay căng thẳng không phải là thứ mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đi tìm hay xây dựng, mặc dù câu chuyện trong phim càng về cuối càng bạo liệt hơn với lửa, với những hành động bạo lực… Đạo diễn cho khán giả thấy được một vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết của những nhân vật trong phim. Họ là những con người bản năng, hoang sơ giống như chính cái nơi hoang sơ mà họ đang sinh sống. Đạo diễn đã cho khán giả nhìn thấy khía cạnh khác về mặt ứng xử của những con người nơi đây: những người phụ nữ tình cảm nhưng cũng không kém phần tinh tế khi đối diện với những ghen tuông, sự ghẻ lạnh, bạo lực hay những biến cố lớn hơn xảy đến với cuộc sống của họ.
Lựa chọn cách kể chuyện3 khách quan, có thể coi như khách quan đến cực đoan, khi đạo diễn thể hiện điều đó thông qua sự tối giản về mặt hình ảnh, chuyển động của máy quay, màu sắc và nhịp điệu của phim. Chính điều này mà Bùi Thạc Chuyên đã tạo ra những khoảng lặng, giúp khán giả có thời gian để thấm và cảm nhận được cái “tĩnh” ở trong bộ phim. Đôi khi cái tĩnh đó khiến khán giả cảm nhận một hơi thở cũng trở nên sự thô bạo hay cái nhìn của các nhân vật cũng làm khán giả cảm thấy xao động. Tuy nhiên, đối lập với cái “tĩnh” đó là thế giới nội tâm đầy xáo động của các nhân vật trong phim. Bên cạnh sự tài tình của đạo diễn khi khắc họa được điều này trên phim thì phải kể đến diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên có thực lực. Trong hầu hết các phân đoạn, chúng ta thấy được sự biểu đạt đầy tương phản giữa vẻ bình lặng bên ngoài với sự náo động bên trong của mỗi nhân vật. Thậm chí như nhân vật Dương, mặc dù nội tâm không hề bình lặng nhưng biểu hiện ra bên ngoài rất hời hợt, nhiều lúc không cần, không muốn biểu hiện nữa. Để có được sự biểu đạt này, đạo diễn lựa chọn khung hình (16:9) bình thường và sử dụng xuyên suốt bộ phim, kết hợp với chuyển động máy chậm để tăng thêm góc nhìn khách quan cho câu chuyện được kể.
Một trong những điểm sáng tạo trong phim phải kể đến đó là tạo hình của các nhân vật. Đạo diễn không xây dựng nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề, nhiều kiểu người. Đạo diễn chỉ lựa chọn và thể hiện lên phim một số nét đặc trưng tính cách, phẩm chẩt, lối sống, sinh hoạt của con người nơi đây. Có thể nói đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tuy không phải là một người con được sinh ra ở vùng đất Nam Bộ nhưng đã thể hiện được vốn hiểu biết phong phú của mình cũng như những tình cảm với mảnh đất Nam Bộ nên đã tạo ra một thế giới các nhân vật hết sức chân thật, từ anh Tam làm than, Dương làm nghề chài lưới, Nhàn đảm đang, giỏi việc nhà với cách nấu ăn đặc trưng của người Nam Bộ đến nhân vật Hậu rất thuần thục trong việc sử dụng ghe, làm bánh chuối…
Trong phim, đạo diễn đã thoát ra khỏi tạo hình rập khuôn của những bộ phim khai thác văn hoá, con người Miền Tây sông nước. Tất cả các nhân vật trong phim không còn khoác lên người những bộ trang phục đặc trưng đã trở thành biểu tượng như chiếc áo bà ba, tuy nhiên, trang phục của các nhân vật vẫn rất đậm chất Nam Bộ như chiếc áo thun bông, quần đũi, nón lá, áo chấm bi, sơ mi… Khi nhìn vào thế giới nhân vật ở trong phim, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy được những nét đặc trưng riêng của từng nhân vật. Tuy nhiên, ở mỗi nhân vật vẫn mang những đặc điểm chung của người dân Nam Bộ: lam lũ, vất vả nhưng giàu lòng yêu thương. Có thể nói khi thể hiện những nét ngoại hình cũng như việc quy định hành động của nhân vật ở trong phim, đạo diễn đã không sao chụp một cách máy móc chân dung các nhân vật của mình, anh chỉ dùng một vài nét chấm phá nhưng lại mang một ý nghĩa to lớn: vừa có giá trị về mặt tạo hình cho nhân vật vừa tái hiện được một cách chân thực, sinh động tính cách con người Nam Bộ.
Nghệ thuật điện ảnh là một loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống một cách chân thực bằng ngôn ngữ đặc thù, khu biệt. Hình ảnh trong điện ảnh phải miêu tả một cách rất thực, thực đến từng chi tiết để mỗi khán giả khi xem phim sẽ cảm nhận được từng khuôn hình đó là đời thực được tái tạo trên màn ảnh và bối cảnh là một giá trị đặc biệt của ngôn ngữ điện ảnh. Trong phim Tro tàn rực rỡ, bối cảnh chính của phim là Miền Tây sông nước, được thực hiện ở hai tỉnh Cà Mau và Đồng Tháp, trong đó, ở Đồng Tháp là bối cảnh chủ yếu. Bên cạnh việc lấy bối cảnh không gian làng quê Nam Bộ như không gian miệt vườn, không gian chợ, không gian sông… gần gũi quen thuộc với nhiều khán giả, đạo diễn còn lựa chọn bối cảnh không gian có phần mới mẻ với nhiều khán giả, đó là không gian nhà người Chăm và Khmer được thể hiện thông qua kiến trúc nhà ở và không gian sinh hoạt tín ngưỡng của các nhân vật. Nhà của hai nhân vật Tam và Nhàn hay ngôi chùa Thổ Sầu, chất liệu gỗ, gạch là những yếu tố giúp cho bối cảnh của phim trở nên đặc biệt.
Bên cạnh bối cảnh, không gian điện ảnh được đạo diễn thể hiện một cách đặc biệt thì một yếu tố nữa phải nhắc đến đó là âm nhạc trong phim Tro tàn rực rỡ. Với các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc là một phần không thể thiếu. Âm nhạc được sử dụng ở những thời điểm hợp lý, ở những phân cảnh cần thiết sẽ giúp cho các nhân vật thể hiện được chiều sâu tâm lý rõ ràng, dẫn dắt cảm xúc người xem một cách tự nhiên và góp phần gia tăng ấn tượng, tình cảm của khán giả đối với bộ phim. Trong phim Tro tàn rực rỡ, nhạc sĩ Tôn Thất An là người soạn nhạc, nhạc phim không giống như âm nhạc được sử dụng trong các phim Việt khác, đặc biệt là những bộ phim về văn hoá Nam Bộ. Âm nhạc thường sẽ nhiều tầng lớp, đa nghĩa, sử dụng chất liệu nhạc cụ địa phương như đàn tranh, đàn kìm. Âm nhạc trong phim Tro tàn rực rỡ là thứ âm nhạc phi giai điệu. Bên cạnh âm nhạc thì âm thanh của phim được giản lược nhiều nhất có thể tạo nên không gian của một vùng quê yên tĩnh, yên bình nhưng mặt khác lại tôn lên hai hình tượng đối lập là lửa và nước.
Nếu như trong hai tác phẩm nguyên tác của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, câu chuyện được dẫn dắt bởi nhân vật Hậu, thể hiện một điểm nhìn từ nữ giới thật rõ ràng, điểm nhìn của Hậu xoay quanh nhân vật Nhàn và những đám cháy thì đạo diễn Bùi Thạc Chuyện lại thể hiện điểm nhìn của nam giới trong phim Tro tàn rực rỡ. Ba nhân vật nam ở trong phim là Dương, Tam, Khang đều kết thúc câu chuyện của mình thông qua sự thúc đẩy của các nhân vật nữ. Dương vẫn cứ lạnh nhạt và tiếp tục ra biển sau những cố gắng níu kéo của Hậu. Tam vẫn cứ đốt nhà dưới sự ủng hộ của Nhàn. Khang biến mất mà không có sự lý giải nào (có lẽ bởi sự tự trách mình về những việc gây ra cho cô Loan Khùng). Thế nhưng cảnh kết của phim lại đem lại niềm hi vọng cho khán giả, đó là cảnh Hậu đi chiếc xuồng của mình ra biển để tìm Dương. Cái kết này khác so với cái kết trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, cái kết khiến độc giả thấy được rằng, một ngày nào đó sẽ có một đám lửa do Hậu thắp lên.
Mục đích của những thủ pháp nghệ thuật là làm cho tác phẩm được khách thể thẩm mĩ tiếp nhận ở mức cao nhất. Tài năng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thể hiện ở khả năng sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để đào sâu vào bản chất của tình thương chứ không phải là đào sâu vào tâm lý nhân vật. Chính điều đó giúp khán giả thấy được sự mênh mông của thế giới bên trong nhân vật và để lại một phần cho khán giả có thể đặt những câu hỏi là tại sao các nhân vật lại hành động như vậy, tại sao các nhân vật lại làm thế?… nhưng cũng chính vì thế mà câu chuyện được in hằn sâu trong tâm trí của khán giả.
Tài liệu tham khảo:
1. John W. Bloch, William Fadiman, Lois Peyser (1996, 1998), Nghệ thuật viết kịch bản điện ảnh (tập 1, 2), Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh Việt Nam.
2. David Bordwell, Kristin Thompson (2008), Nghệ thuật điện ảnh, NXB Giáo dục.
Chú thích:
1 Dự án phim độc lập, năm 2022, đạo diễn và biên kịch: Bùi Thạc Chuyên; nhà sản xuất: Trần Thị Bích Ngọc; các diễn viên: Bảo Ngọc Doling, Phương Anh Đào, Ngô Phạm Hạnh Thuý, Lê Công Hoàng, Ngô Quang Tuấn, Thạch Kim Long, Mai Thế Hiệp, Nguyễn Thị Ngọc Hiệp…
2 Việc chuyển thể sang điện ảnh một tác phẩm văn học, về nguyên tắc, không được đặt ra một vấn đề gì, cả về kích thước câu chuyện, cả về bình diện các nhân vật; việc đó đơn giản là một cuộc chọn lựa, chọn lọc cái tốt, không phải xét về mặt chất lượng mà là tốt cho sự vận động cũng như hiệu quả của tính kịch. Về cơ bản có hai loại chuyển thể: 1) Chuyển thể sát nguyên bản: bám theo nội dung câu chuyện, tôn trọng chiều sâu (thậm chí hình thức) của tác phẩm; 2) Chuyển thể tự do: chọn những gì thích hợp.
3 Thuật ngữ “kể chuyện” dùng để chỉ một phương pháp quyết định cách thức thông tin tự sự, được giới thiệu đến khán giả.