TRỞ LẠI VỚI TÁC PHẨM ''CHÍ PHÈO'' CỦA NAM CAO

Từ góc nhìn cổ tích và góc nhìn phân tâm học Freud, bài viết phân tích kiểu nhân vật được tạo dựng bằng sự kết nối cái thô kệch với các yếu tố hiện thực và kiểu nhân vật chấn thương tinh thần qua cặp nhân vật Chí Phèo - Thị Nở trong tác phẩm ''Chí Phèo'' của Nam Cao. Qua đó cho thấy tài năng và sự thành công xuất sắc trong xây dựng hình tượng nhân vật của nhà văn.

   Là tên tuổi nổi bật trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nam Cao đến và đi như một vệt sao băng lóe sáng trên bầu trời, để lại cho những người ham thích văn chương ở xứ sở con Lạc cháu Hồng này một nỗi niềm luyến tiếc. Nếu tính từ thời điểm các truyện ngắn Cảnh cuối cùng Hai cái xác được đăng lần đầu tiên trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, năm 1936, dưới bút danh Thúy Rư, cho đến thời điểm ông ngã xuống trước họng súng quân thù, ngày 30/11/1951, tại khu vực bốt Hoàng Đan (Gia Viễn, Ninh Bình), thì cuộc đời văn nghiệp của ông không phải là dài nhưng di sản văn học mà ông để lại là vô giá bởi các tác phẩm của Nam Cao đánh dấu bước ngoặt nghệ thuật sáng tạo văn chương dân tộc. Trong số đó, tác phẩm Chí Phèo, là một truyện ngắn nhưng mang tầm vóc tiềm năng của một tiểu thuyết lớn, phải được kể đến đầu tiên. Trở lại với Nam Cao, ta hãy trở lại với câu chuyện tình của cặp đôi Chí Phèo - Thị Nở, một câu chuyện tình ngộ nghĩnh, đầy sắc thái cổ tích, trong tác phẩm này.

   Câu chuyện Chí Phèo - Thị Nở đã trở thành hiện tượng trong dòng chảy văn chương Việt Nam, đặc biệt đến nỗi mỗi lần đọc lại, nghĩ lại thì câu chuyện đó lại gợi nên trong lòng độc giả những suy nghĩ miên man trong tính đa chiều ngữ nghĩa của sức mạnh ngôn từ và cũng là sức mạnh của phẩm chất nhân văn mà văn chương đích thực mang lại. Cặp đôi ấy được sinh ra trong chế độ nửa thực dân nửa phong kiến nhưng lại rơi đúng vào giai đoạn khi mà chế độ phong kiến ở vào thời điểm cuối cùng của nó, còn chế độ thực dân thì đang rơi vào thời kỳ tàn suy hủy diệt, khi mà trên bình diện thế giới, cuộc xung đột mang tên Thế chiến thứ II đang diễn ra quyết liệt mà kết quả là sự ra đời của một hệ thống thế giới mới, còn trên bình diện quốc gia thì đây lại là thời kỳ đi tới đỉnh cao của cuộc chiến giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mà kết quả là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, cuộc cách mạng vừa mang ý nghĩa trọng đại trong lịch sử dân tộc vừa có ý nghĩa toàn cầu như một mô hình đi tới tự do, độc lập chưa từng có trong lịch sử nhân loại, khi một quốc gia đất không rộng, người không đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã thực hiện thành công việc giải phóng dân tộc, đưa đất nước tiến vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Văn chương đích thực bao giờ cũng mô tả con đường vận động của cuộc sống đương diễn ra.

   Cặp đôi ấy được sinh ra tại một ngôi làng mang tên Vũ Đại, một ngôi làng thuần Việt, thể hiện trước hết qua quan niệm văn hóa “nhất cận thị nhị cận giang”, với thế đất được ca ngợi là thế “quần ngư tranh thực” theo quan niệm của địa lý phong thủy cổ truyền, cũng là mô hình tổ chức sinh hoạt xã hội văn hóa điển hình một thời của làng xã Việt Nam. Ngôi làng ấy được chia làm hai nửa, có ranh giới là một con đê, có thể hoàn toàn nhân tạo, là hình ảnh gợi mở hình thức tự vệ quan trọng, thể hiện quan niệm văn hóa sinh thái trong đấu tranh sinh tồn của người Việt. Điều đặc biệt hơn, con đê ấy mang trên mình nó lối đi tắt mà Thị Nở vẫn thường xuyên ra sông lấy nước, mà lối đi tắt ấy cũng chỉ dành riêng cho mình Thị thôi. Lối đi ấy xuyên qua vườn chuối như một lối mòn thường được tái hiện trong những khu vườn cổ tích trong văn hóa Đông - Tây. Khu vườn trồng toàn chuối, một loài cây mà từ gốc đến ngọn không bị bỏ đi phần nào, rất đặc trưng, thân thuộc, gần gũi trong cuộc sống đời thường của người Việt. Khu vườn ấy trở nên kỳ ảo một cách lạ thường trong “Những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen như những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi. Và những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như là hứng tình”.

   Sự hòa quyện giữa cảnh và tình được tái hiện qua giọng điệu trữ tình của người kể chuyện, vừa cho thấy tính chất kỳ lạ của vườn chuối được bao quanh bằng những bãi dâu. Vì là vườn chuối cho nên câu chuyện tình được kể tiếp sau đó sẽ không bao giờ trở thành chuyện tình kiểu “trên bộc trong dâu” mà sẽ mang tính chất của câu chuyện tình yêu “dã hợp” vốn đã từng xảy ra không ít trong mùa lễ hội mà các truyền thuyết dân gian không hề giấu giếm khi thuật lại, trong đó có cả motif ướm thử bàn chân, ướm thử chiếc giày... Vườn chuối cung cấp cho Chí Phèo thức nhắm cần thiết để hắn uống rượu, bởi vườn chuối ấy của hắn không phải để bán, cũng chẳng để cho, ai cần thì lấy, chẳng xin, cũng chẳng cho, tự nhiên như cách thức hái lượm vậy. Vườn chuối ấy cứ mặc nhiên phát triển theo thuộc tính hoang dã vốn có của nó, cũng giống như cái hoang dã mà cuộc đời đã định dạng cho Chí Phèo, biến hắn thành một kiểu người bị lưu đày trong chốn nhân gian với đặc trưng là cái mặt chằng chịt những vết sẹo có được do “rạch mặt ăn vạ” như một dạng thức sinh tồn bản năng, muốn có ăn thì phải giành giật, tranh cướp, xâu xé: “Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ”.

   Cả khu vườn chuối trải mình dưới ánh trăng, tạo ra khung cảnh trời trong xanh, đất trong lành, nơi tình người lai láng, đó cũng là nơi mà “một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích” mang tên Thị Nở, cho đến lúc đó vẫn chưa có chồng, hiện diện. Người kể chuyện thẳng thừng gọi là “người đàn bà ấy” bởi lẽ “Ngoài ba mươi tuổi, thị vẫn chưa có chồng. Ở cái làng Vũ Ðại này người ta kết bạn từ khi lên tám, và có khi có con từ lúc mười lăm; không ai đợi đến năm hai mươi đẻ đứa con thứ nhất”. Ở phương Tây, một người phụ nữ được gọi là “bà – dame” khi và chỉ khi đã cưới chồng, còn không có chồng thì cho dù già đến bao nhiêu đi nữa người đó vẫn chỉ được định danh là “cô – demoiselle”. Cho nên Thị Nở là một dạng “bà-cô”, tuân thủ tọa độ ranh giới kiểu người theo cách kể dân gian trong các truyện cổ tích. Và đương nhiên người đàn bà ấy cũng thuộc dạng “người mang lốt” hiện hình qua bức chân dung được bình phẩm là “xấu ma chê quỷ hờn”, là “một sự mỉa mai của hóa công”, “đã thế thị lại dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công” trở thành thuộc tính đặc hữu của nhân vật. Thị Nở hiện hình qua góc nhìn grotesque (hay mĩ học về cái thô kệch) – như cách thức mà V. Hugo đã miêu tả toàn diện hơn về nhân vật Quasimodo của ông1. Nói là toàn diện hơn vì Quasimodo, ngoài khuôn mặt, nhân vật này còn được miêu tả qua cách thức vận động chuyển hóa từ bé đến lớn, còn Thị Nở chỉ được khắc họa qua khuôn mặt như “là một sự mỉa mai của hóa công” trước hết vì tỷ lệ không cân đối, “nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, lại được bàn tay vụng về của bà mụ nặn cho “hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại. Thêm vào đó, cái vật đập vào mắt và để lại ấn tượng trước hết khi ta nhìn nhau, là cái mũi thì “vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh”, như thể ganh đua với cặp môi “cũng cố to cho không thua cái mũi”, mà “hai môi dày được bồi cho dày thêm” bởi thị ăn trầu thuốc, được tô điểm bằng “cái màu thịt trâu xám ngoách”, kèm theo sự hỗ trợ của “những cái răng rất to lại chìa ra”. Cách miêu tả này gia tăng sức nặng nghệ thuật cho hình tượng bởi “cái thô kệch, là suối nguồn phong phú nhất mà tự nhiên trao vào tay nghệ thuật”, vì vậy V. Hugo kết luận: “Cái đẹp chỉ có một, cái xấu có cả ngàn”2.

   Cặp Chí Phèo - Thị Nở không chỉ minh họa cho một trạng thái xã hội cụ thể mà còn tạo ra trạng thái xã hội ấy, tạo thành kiểu nhân vật điều kiện hóa, cho phép xác định tính chất của xã hội trong đó chúng tồn tại. Đây là kiểu nhân vật hiện thực được hư cấu mang theo nó nền tảng của nguyên mẫu nhưng không phải là một bức ảnh chụp nguyên xi hiện thực mà là bức họa được tạo kết bằng các nét đặc trưng khác nhau mà nhà văn nắm bắt được trong trường cuộc sống. Loại nhân vật này được tạo ra từ kinh nghiệm sống cá nhân mang tính xã hội nhưng đồng thời các phẩm chất riêng tư của mỗi nhân vật cũng tạo ra một thành tố của kinh nghiệm sống này. Vì thế, việc xác lập tính điều kiện cho các nhân vật khác, như cách thức gặp gỡ vừa mang tính chất ngẫu hợp của tạo hóa vừa mang tính chất sắp xếp của tài năng văn sĩ, kiểu Chí Phèo - Thị Nở, sẽ được tạo ra. Cặp đôi này chuyển hóa từ chỗ “phụ thuộc” thường thấy sang kiểu nhân vật “phối thuộc” của mô hình cổ tích, kiểu nhân vật cổ tích được giao nhiệm vụ. Tính cách của hai nhân vật đều bị quy định bởi hoàn cảnh sống đã tạo ra chúng. Cả hai, do đó, mang chức năng xã hội vì chúng được tạo ra và tồn tại trong bối cảnh một hệ thống các quan hệ chung, trong đó không nhân vật nào có thể có được vị thế ưu trội hơn nhân vật kia. Tương tự, chất “grotesque” sẽ bổ sung cho chúng, tạo ra một chuỗi các sự kiện hay tình tiết gắn với hành trình của mỗi nhân vật. Từ đó, cái điển hình được mở ra từ phương diện tư tưởng, theo kiểu thức lựa chọn của nhà văn, là sự lựa chọn các sự kiện tình tiết có thể xác lập chuẩn mực xã hội cho nhân vật. Vì vậy, nghệ thuật hiện thực là cách tạo ra ý nghĩa cho sự kiện hay tình tiết nghệ thuật gắn với cách giải thích sự kiện hay các tình tiết ấy.

   Trở lại với văn bản, ta thấy Thị Nở được xuất hiện trong cảnh trăng thanh gió mát, như là một sự ban phát sự công bằng mà tạo hóa dành cho thị, bởi lúc ấy thị cảm nhận được cái đặc biệt của ân huệ đó: “Nhưng chiều hôm ấy, trăng lại sáng hơn mọi chiều, trăng tỏa trên sông và sông gợn biết bao nhiêu gợn vàng. Những gợn vàng ấy rung rinh mới trông thì đẹp, nhưng trông lâu mỏi mắt. Gió lại mát như quạt hầu” và đương nhiên, cho dù bị coi là dở hơi nhưng thị không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một mà ông trời ban cho thị: “Bởi vì thị đã luật quật đập đất từ trưa tới giờ. Mà mấy khi được một nơi mát thế, mát rợn da rợn thịt, sung sướng quá! Mát y như quạt hầu”. Vì thế, hành động tiếp theo của thị cũng trở thành đương nhiên như nó vốn phải vậy và đương nhiên sẽ là như thế: “Ngáp một cái, thị nghĩ bụng: khoan hãy kín nước, hãy để lọ xuống ngồi nghỉ đã”. Những dải vàng mà trăng rắc lên mặt đất đã tạo ra cảm giác kỳ ảo cho thị, song cái đẹp vốn mang trong nó sức mạnh quyến rũ nhưng “trông lâu mỏi mắt”, khiến “Thị Nở thấy muốn ngáp mà mí mắt thì nặng dần, toan díp lại” gắn với cái tật “không sao chữa được” là“có lúc đột nhiên muốn ngủ, bất cứ ở đâu hay đang làm gì” của thị. Có thể đó là “người vô tâm” như cách đánh giá của bà cô thị nhưng thực ra đấy là kiểu người tự sinh tự tại, một dạng thức của sinh tồn. Tạo hóa đã nặn ra nó thì tạo hóa cũng ban cho nó một cách sống theo quy luật riêng phù hợp với kiểu người đó. Nói cách khác, Thị Nở là một kiểu dạng người của cổ tích, bởi bức chân dung của thị là kết quả của sự chạm khắc vội vàng của tạo hóa, còn bức chân dung của Chí Phèo lại là kết quả của việc phong sát, bắt buộc hắn phải tự loại mình ra khỏi cộng đồng người của các thế lực đương quyền làng Vũ Đại. Cả hai đều thuộc dạng chúng sinh bị xua đuổi như thể chúng là những kẻ lạc loài rơi xuống làng Vũ Đại trong cái xã hội nửa thực dân nửa phong kiến ấy. Tính chất điển hình hóa theo mô thức hiện thực tô đậm các bức chân dung này, khiến chúng trở thành bất tử trong thế giới hình tượng nghệ thuật văn chương của người Việt. Nếu để chúng tách rời thì ấn tượng sâu đậm sẽ mất đi, vì thế, việc kết nối chúng thành một cặp đôi trở thành biện pháp nghệ thuật đắc dụng, tạo ra tầm vóc mới cho cặp hình tượng này, chứng minh sức mạnh của diễn ngôn nghệ thuật, bởi “Số trời định thế, để không ai phải trơ trọi trên đời này” hay nói theo cách thức dân dã thì “nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”, ai cũng có đôi có cặp cả, mà như thế mới là nhân hậu, mới là cảm thông sâu sắc.

   Mĩ học về cái thô kệch sử dụng biện pháp cường điệu làm biến dạng, méo mó, hay đẩy tới sự vô lý của hình tượng. Nó thiên về cái dị dạng, méo mó chứ không phải về cái bình thường hằng ngày. Nó sử dụng cường điệu, tương phản. Xét về bản chất nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật “grotesque” nắm bắt đặc tính của một hình tượng nào đó ở trạng thái vận động biến hóa nhưng chưa hoàn thành. Nó có thể đang ở trong thời kỳ kết thúc, đang trưởng thành trong hiện tại và sẽ phát triển trong tương lai. Sự phát triển trong tương lai là nhân tố cấu thành có tính chất quyết định của hình tượng thô kệch. Hình tượng thô kệch mang tính song nghĩa đối lập, thường có hai cực của sự biến hóa: cái cũ và cái mới, cái đang chết và cái đang nảy sinh, cái khởi đầu và cái kết thúc. Sự khập khiễng giữa hình thức biểu đạt và nội dung phản ánh tạo nên cái cười có ý nghĩa nhận thức sâu sắc, nhân vật hiện lên với những đường nét hình khối cụ thể giàu sức biểu cảm và thuyết phục. Cách nhìn sự vật trong thế tương phản giữa cái đẹp và cái xấu, cái thô kệch và cái cao cả, nhìn sự vật trong tổng thể trọn vẹn sinh thành, vận động tròn trĩnh trọn vẹn của nó cũng là một kiểu tư duy nghệ thuật giàu tính dân gian, phản ánh trí tuệ hài hước kiểu dân gian, thể hiện sự thông minh sắc sảo và trí tưởng tượng phong phú, táo bạo của nhân dân và được nâng cao trong quá trình phát triển.

   Hơn nữa, đêm gặp gỡ trời xui đất khiến của cặp đôi hiếm lạ này diễn ra trong ngời ngợi ánh trăng. Trăng được nhà văn miêu tả đẹp một cách lạ thường, đẹp theo cách nhìn cổ tích bởi “mặt trăng lên, mặt trăng rằm vành vạnh. Và ánh trăng chảy trên đường trắng tinh”. Dưới ánh trăng ấy, người và vật càng trở nên kỳ ảo hơn dẫn tới sự phát hiện của Chí Phèo về cái vật bất thường đi theo hắn: “Ồ, cái gì đây, đen và méo mó trên đường trăng nhễ nhại? Nó xệch xạc về bên trái, thu gọn vào rồi lại dài loang ra, xé rách vài chỗ”, “Nó cứ quần quật dưới chân Chí Phèo. Chí Phèo đứng lại và nhìn nó và hắn bỗng nghiêng ngả cười. Hắn cười ngặt nghẽo, cười rũ rượi” bởi “Cái vật xệch xạc trên đường chính là bóng hắn”. Đây là bức hình động trong bức tranh toàn cảnh của vườn chuối dưới trăng, mà cảnh động thì tình sinh. Đồng thời, đây cũng là thời điểm nhân vật tự ngộ ra bản thân mình, hắn nhận ra hắn, hắn tự cười hắn, do đó, hắn sẽ trở lại với bản ngã nhân tính của hắn. Nhờ vậy, hắn nhận ra một “người đàn bà,… nhờ mái tóc dài buông xõa xuống vai trần và ngực” đang “ngồi tênh hênh” “giữa hai lọ nước”, “tựa lưng vào gốc chuối”. Tư thế của người đàn bà ấy cũng rất tự nhiên: “Hai tay trần của mụ buông xuôi, cái mồm của mụ há hốc lên trăng mà ngủ, hay là chết. Đôi chân thì duỗi thẳng ra trước mặt, cái váy đen xộc xệch... Bên kia, có lẽ vì mụ giẫy, cái yếm xẹo xọ để trật ra cái sườn nây nây”. Đây là bức chân dung tĩnh được phác tả súc tích và nhanh gọn, gợi lại hình ảnh tương đồng nhưng tương phản về thời gian mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã đưa ra trong Thiếu nữ ngủ ngày với nét vẽ “Yếm đào trễ xuống dưới nương long” khiến cho “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”3. Người thiếu nữ của Bà Chúa thơ Nôm hiện ra dưới ánh mặt trời của một trưa hè khi đang có “hây hẩy gió nồm nam”, gắn với màu sắc không lẫn được của chiếc “yếm đào”, còn người đàn bà mà tạo hóa dành riêng cho Chí Phèo là một người đẹp ngủ trong vườn chuối, cũng mang vẻ đẹp lạ thường, vẻ đẹp của màu trắng tinh khiết: “Tất cả những cái ấy phơi ra trăng, rười rượi những trăng, làm trắng những cái đó có lẽ ban ngày không trắng; trăng làm đẹp lên”. Cho dù hắn không phải là quân tử, chỉ là hạng dân bị coi là lưu tán, không có tên trong sổ hộ khẩu của làng, đã bị loại khỏi cộng đồng trong khi hắn vẫn hiện diện trong cộng đồng ấy nhưng hắn đã gặp được báu vật mà tạo hóa ban tặng cho mình. Hắn bị ném vào cái làng Vũ Đại ấy vào một đêm đen để rồi được “một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương” nhặt được hắn trong tư thế “trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không”. Hắn không phải là đứa trẻ nằm trong chiếc giỏ để chim thiên nga mang tới cửa sổ một gia đình nào đó. Hơn nữa, nhà văn cũng không nói tới việc hắn khóc chào đời, bởi lẽ để được sống, hắn đã bị cấm khóc. Nhưng cho dù không được thiên nga mang đến cõi đời thì hắn cũng được con người đón nhận, chuyền tay qua những người khác nhau như một đồ vật, chịu những cảnh đời khác nhau bởi lẽ hắn là đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ khi mới ra đời, thậm chí ngay cả khi cha mẹ hắn còn sống mà phải giấu mặt. Còn Thị Nở “là dòng giống của một nhà có mả hủi”, mang theo suốt cuộc đời lời nguyền bất công của tạo hóa. Thị cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với bà cô ngoài năm mươi tuổi chưa chồng. Xét từ bình diện này, cả hai đều là kiểu nhân vật chấn thương tinh thần theo góc nhìn phân tâm học Freud, để từ góc nhìn này, sức mạnh tái hiện hiện thực tỏa sáng với giá trị phê phán của nó4. Xã hội ấy sinh ra hoàn cảnh ấy, hoàn cảnh ấy tạo ra tính cách ấy, tính cách ấy gắn với vết thương tinh thần hằn sâu trong tâm khảm nhân vật, tạo ra sức nặng ngữ nghĩa của hình tượng. Vì thế, tất yếu cái gì đến phải đến, tạo hóa sửa sai bằng cuộc tình ngẫu hợp Chí Phèo - Thị Nở.

   Nhà hiền triết cổ đại Hy Lạp Platon dí dỏm nhận xét: “Cái đẹp nằm trong mắt của người ngắm”5, mà cái đẹp thì bao giờ cũng khiến cho người ta si mê say đắm, bất luận đó là ai, bởi vì “tình yêu làm cho thị có duyên”, khiến câu chuyện của cặp đôi Chí Phèo - Thị Nở trở thành câu chuyện tình cổ tích hiện đại. Nhưng nhà hiền triết cũng than thở: “Tình yêu là một căn bệnh tinh thần nghiêm trọng”, vì “tình yêu chính là sự điên rồ nảy sinh từ một khao khát có lý trí nhưng không thể thỏa mãn, muốn hiểu được sự thật tối thượng về thế giới”6, cho nên “Chí Phèo tự nhiên thấy ứ đầy miệng bao nhiêu là nước dãi, mà cổ thì lại khô, hắn nuốt ừng ực, hắn thấy cái gì rộn rạo ran khắp người. Bỗng nhiên hắn run run”. Song nhà hiền triết khẳng định: “Mỗi trái tim đều hát một bài ca, không trọn vẹn, cho tới khi một trái tim khác thì thầm đáp lại. Những người muốn hát luôn tìm thấy bài hát. Dưới sự đụng chạm của người yêu, ai cũng trở thành thi sĩ”7. Nói cách khác, khi tình yêu về thì cuộc sống mang tính người cũng ùa đến, ập vào mọi ngõ ngách tâm hồn của Chí Phèo, nhắc nhớ hắn là một con người, hắn có quyền được sống, quyền được làm người: “Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời chắc đã cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. Cứ nghe chim ríu rít bên ngoài là đủ biết... Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn… Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá […]. Chí Phèo đoán một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Ðịnh về. Hắn nôn nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.

   Nhưng chuyện cổ tích thường mang tính chất mộng mơ, trôi nổi trên nền thực tại: “Thị lườm hắn. Một người thật xấu khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí khanh khách cười. Lúc tỉnh táo, hắn cười nghe thật hiền. Thị Nở lấy làm bằng lòng lắm. Bấy giờ mấy bát cháo ý chừng đã ngấm. Hắn thấy lòng rất vui”. Cái thực tại đó chuyển hóa thành giấc mơ: “Chúng sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi. Chúng cũng nhận thấy thế, và nhất định là lấy nhau. Như thế năm ngày chẵn, thị ở nhà hắn cả ngày lẫn đêm, trừ những lúc đi kiếm tiền. Hắn không còn kinh rượu nhưng cố uống cho thật ít. Ðể cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để tỉnh táo để yêu nhau”. Nhưng giấc mơ nhanh chóng tan biến ngay trên nền thực tại ấy bằng hành động bất ngờ nhưng dứt khoát và quyết liệt: “Thị gạt ra, lại giúi thêm một cái. Hắn lăn khoèo xuống sân”. Dấu chấm hết đã được thực hiện. Vì thế, nếu sự phản ánh tái hiện cái đẹp thì dễ dẫn tới sự đơn điệu theo kiểu kết thúc có hậu (happy ending) thì việc tái hiện hiện thực theo mĩ học về cái thô kệch (grotesque) lại thực hiện chức năng tạo ra ấn tượng về sự khác biệt, gắn liền hay được đặt trong trường quan hệ với cái đẹp nhưng không cô lập cái đẹp mà mang lại tính chất tương đối cho cái đẹp, nâng chuyện tình Chí Phèo - Thị Nở thành chuyện tình cổ tích hiện đại, giàu tính nhân văn, có giá trị phê phán nhiều mặt bởi sức gợi của nghệ thuật ngôn từ. Mĩ học về cái thô kệch thể hiện trước hết qua cách trang trí kết hợp kỳ quái, hoang đường, vô lý các hình người, cỏ cây hoa lá, các vật, các đồ vật lại với nhau. Nó bóp méo các hình, cường điệu các hình, lắp ghép người với súc vật, cỏ cây hoa lá, tạo ra một hình tượng dị hình dị dạng, kỳ quặc, tức cười hoặc đôi khi gớm ghiếc, ghê sợ. Ở đây không có sự cân xứng hài hòa, hợp lý, mà tạo ra cảm xúc về sự phóng khoáng, tự do, hài hước, ngộ nghĩnh, như các bức chân dung ngoại hiện của hai nhân vật này. Cái cười toát ra ở đây không phải là cái cười chế giễu mà là cái cười tán dương, tôn vinh và cổ vũ, bởi chúng ta mừng cho “đôi lứa xứng đôi”.

   Câu chuyện tình của cặp đôi Chí Phèo - Thị Nở diễn ra êm đềm trong vỏn vẹn năm ngày nhưng đó là năm ngày mà Chí Phèo ngộ ra được tính chất hạnh phúc của cuộc đời con người để tự đứng lên đòi quyền làm người, đòi được trở lại là người lương thiện, còn Thị Nở cũng được hưởng trọn vẹn hạnh phúc được làm vợ cho dù đây chỉ là cuộc hôn nhân chưa có cưới xin ăn hỏi. Hình thức điều kiện hóa tôn tạo làm nổi bật nhân vật, còn sự tổn thương tinh thần là trào dâng khát vọng sống. Câu chuyện kết thúc buồn như thực tại vẫn vốn vậy nhưng không mang tính chất bi lụy, mà luôn chỉ là bi thương.

 

 

 

Chú thích:
1 V. Hugo (Nhị Ca dịch, 1982), Nhà thờ Đức Bà Paris, NXB Văn học.
2 Lê Nguyên Cẩn (2011), Tiểu thuyết phương Tây thế kỷ XIX, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
3 Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, tuyển chọn, 2006), Hồ Xuân Hương, Thơ và Đời, NXB Văn học.
4 Lê Nguyên Cẩn (2021), Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa, NXB Đại học Sư phạm.
5 Platon, “Cái đẹp”, nguồn: Dr Khỏe Review - Tuyển tập câu nói hay, danh ngôn, trích dẫn nổi tiếng (drkhoe.vn).
6 Platon, “Sự thật, thế giới, tình yêu”, nguồn: Dr Khỏe Review - Tuyển tập câu nói hay, danh ngôn, trích dẫn nổi tiếng (drkhoe.vn).
7 Platon, “Trái tim”, nguồn: Dr Khỏe Review - Tuyển tập câu nói hay, danh ngôn, trích dẫn nổi tiếng (drkhoe.vn).

Bình luận

    Chưa có bình luận