Không phải ngẫu nhiên Goethe, thi si vĩ đại của nước Đức và thế giới, đã xác tín về giá trị của tình yêu khi ông suy niệm đại ý rằng: Con người ta sinh ra trong tình yêu, lớn lên trong tình yêu và chết đi trong tình yêu. Còn Quỳnh Dao, một nữ văn sĩ viết tiểu thuyết diễm tình nổi tiếng ám ảnh không chỉ giới trẻ của Đài Loan mà còn ám ảnh giới trẻ của nhiều đất nước, bằng sự nghiệm sinh trong cuộc đời tình ái đầy ngọt ngào nhưng cũng đầy cay đắng của chính mình, đã tuyên ngôn về ý nghĩa của tình yêu khi bà khẳng định: Tình yêu tôn giáo thứ nhất của loài người; Tình yêu từ đó mà có mọi sự; Tình yêu không có nó con người không còn là con người. Và R. Tagore, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Ấn Độ và nhân loại, khi luận bàn về nghĩa ý của tình yêu đã xác quyết: “Ái tình là ý nghĩa tuyệt đỉnh của cái gì bao quanh chúng ta. Nó không phải là tình cảm đơn giản mà là chân lý, là hoan lạc ở tận nguồn của sáng tạo”1.
Như vậy, tình yêu không chỉ là vấn đề thuộc phạm trù tình cảm mà còn là vấn đề của đạo đức, luân lý, của văn hóa và tâm linh gắn với hành trình sống của con người tự ngàn đời, mà thơ tình của Nguyễn Quang Hà cũng không nằm ngoài những trường diễn ngôn đó. Bởi nói như Alfred De Musset: “Đời là giấc ngủ, yêu là giấc mộng và bạn đã sống nếu bạn đã yêu”2. Không những thế, để khẳng định hơn ý nghĩa của ái tình, Musset thêm một lần nữa xác quyết: “Điều mà người trần thế gọi là thiên tài, đó là nhu cầu ái ân, ngoài cái đó ra, tất cả là vô ích”3. Nói như thế sẽ có người cho rằng liệu Musset có cực đoan lắm không!? Câu trả lời, theo tôi là có thể có nếu chúng ta quy chiếu ái tình từ điểm nhìn của một hệ giá trị khác. Nhưng nếu quy chiếu ái tình từ hệ giá trị của chính nó thì đây là một suy niệm hoàn toàn hợp lý. Bởi giá trị của tình yêu chỉ có thể tạo nên bằng chính ý nghĩa của nó và không thể có một ý nghĩa nào khác thay thế được. Nói như Standal: “Ái tình là dục tình duy nhất mua bằng tiền mà chính nó tự đúc lấy”4.
Đọc thơ tình của Nguyễn Quang Hà, có lẽ những suy tư về ái tình như đã nói trên đều tìm thấy ở thơ anh, mà một trong những bài thơ để lại trong tâm thức người đọc dấu ấn sâu sắc về dư vị tình yêu là bài thơ Con còng gió.
Bài thơ là “màn kịch” khá sinh động về một “cuộc rượt đuổi” mà đích đến không có người chiến thắng, chỉ có những kỷ niệm được lưu dấu qua trò chơi “đuổi bắt” giữa còng gió với em và giữa em với anh.
Hai khổ thơ mở đầu có thể xem là phân cảnh (1) với những hình ảnh lạ, hồn nhiên, linh động và giàu mĩ cảm với vai diễn là còng gió và em, còn anh là “trọng tài” bất đắc dĩ để chứng kiến cuộc “rượt đuổi” dễ thương này: “Còng gió và em tinh nghịch như nhau/ Hai đứa chơi trò đuổi bắt/ Còng ranh mãnh biết mình thua sức/ Nó lừa em bằng lối chạy chữ chi/ Cuộc đuổi săn trên bãi cát phẳng lỳ/ Chạy tới chạy lui em vồ cứ trượt/ Còng nín thở nép vào màu cát/ Giương đôi mắt tròn trêu ngươi/ Anh nhìn em không nín được cười/ Còng gió giật mình chạy biến vào ngọn sóng/ Cát trên tay em rơi rơi từng giọt nắng/ Mất còng rồi em rượt bắt đền anh”5. Lời thơ chân mộc, sáng trong, không màu mè, làm dáng nhưng hình ảnh sinh động và giàu tính biểu cảm với những từ ngữ bình dị nhưng ấn tượng như “tinh nghịch”, “đuổi bắt”, “chạy chữ chi”, “vồ cứ trượt”, “nép vào màu cát”, “biến vào ngọn sóng”… Những hình ảnh này cho thấy cuộc “đuổi bắt” thật đáng yêu như trò chơi con trẻ mà mục đích chỉ để tìm niềm vui, không phải để phân định thắng thua như bao cuộc “đuổi bắt” khác trong cõi nhân gian này. Điều độc đáo ở đây là tài dựng chuyện của nhà thơ khi mượn câu chuyện em và còng gió “tinh nghịch” đuổi nhau làm tiền đề dẫn đến chuyện anh và em “đuổi bắt nhau” để dệt nên kỷ niệm, kết gắn tình yêu qua những câu thơ còn lại trong bài thơ, có thể xem là phân cảnh (2): “Ơi con còng con còng gió biển xanh/ Đang vô cớ bỗng trở thành kỷ niệm/ Tim cảm nhận nỗi niềm xao xuyến/ Nhìn vào đâu cũng thấy lung linh/ Anh yêu cuộc đời và yêu biển mênh mông/ Anh yêu em đắp thành trên cát/ Yêu ngọn sóng ta chơi trò đuổi bắt/ Bắt chước con còng em cũng chạy chữ chi/ Nhưng em không lao vào ngọn sóng biến đi/ Bao giờ em cũng để cho anh bắt được/ Con còng gió bên bờ biển biếc/ Giương đôi mắt tròn không hiểu vì sao”. Ở phân cảnh này, kịch bản đã thay đổi, cuộc đuổi bắt bây giờ không còn là em và con còng gió mà đó là anh và em. Điểm giống nhau ở hai phân cảnh (1) và (2) cũng vẫn là trò chơi “đuổi bắt”, em cũng chạy “chữ chi” như con còng gió. Nhưng cái khác ở chỗ không phải em “đuổi bắt” con còng gió mà anh và em “đuổi bắt” nhau trong “biển” ái tình. Và trong cuộc “truy đuổi” này, em “không lao vào ngọn sóng biến đi” như con còng gió để “giương đôi mắt tròn trêu ngươi” mà “Bao giờ em cũng để cho anh bắt được”, khiến còng gió chỉ còn biết “Giương đôi mắt tròn không hiểu vì sao”!? Thật tội nghiệp cho chú còng gió hồn nhiên làm sao “đọc” được diễn ngôn tình yêu đang hình thành trong trái tim của những người yêu nhau với một thứ mật ngữ riêng mà không ai có thể hiểu được ngoài chính họ. Nói như như W. Shakespeare: “Ái tình không nhìn bằng mắt mà bằng tâm hồn”6.
Bài thơ có kết cấu như một kịch bản được diễn khá linh động. Kết thúc của vở kịch thật bất ngờ, con còng gió không hiểu vì sao em lại để “cho anh bắt được”. Bởi điều đơn giản còng gió muôn đời vẫn là còng gió. Còng gió không thể hóa thân thành “anh và em” để tạo nên tình yêu, để kết nối nhau trong hạnh phúc ấm êm. Chính cái kết thúc bất ngờ này đã tạo cho bài thơ lực hấp dẫn nên chạm đến tâm cảm của những con người biết yêu và luôn có khát vọng về một tình yêu đẹp. Và đó cũng là niềm ngưỡng vọng mà những đôi lứa yêu nhau đều hướng đến. Cái hay của bài thơ là thi sĩ đã mượn hình ảnh về cuộc rượt đuổi của em với con còng gió làm “nguyên cớ” để thể hiện tình yêu của mình. Bởi trong vở kịch này, anh và em mới chính là con “còng gió tình yêu” mà mỗi người kiếm tìm trong cuộc đời. Phải chăng mọi giấc mộng kết nối tình yêu cũng bắt nguồn từ những kỷ niệm bình thường ấy!?
Tình yêu bao giờ cũng là một hành trình đuổi bắt và kiếm tìm. Chính cái khát vọng kiếm tìm này khiến cho tình yêu trở nên vĩnh cửu bởi những tận hiến tột cùng của nó. Đây cũng là điều được Nguyễn Quang Hà thể hiện khá tinh tế và giàu chất phồn sinh trong thơ mà những bài thơ như Gửi em cô gái đỏng đảnh, Bồng bềnh, Hôm nay… là sự minh chứng khá rõ cho bình diện này: “Nào hai đứa chúng mình cứ bát ngát trời mây/ Em như bán cầu nam, anh như bán cầu bắc/ Khi chồng khít lên nhau thành trái đất/ Làm một hành tinh xanh/ Vi vu giữa vũ trụ sinh thành” (Gửi em cô gái đỏng đảnh), nên đã tự nguyện hiến dâng mà không hề toan tính: “Dắt nhau vào chốn bồng lai/ Cởi nghìn tục lụy vất ngoài trần gian/ Tình say say đến ngút ngàn/ Vành trăng nghiêng ngửa cung đàn lả lơi/ Thời gian chết quách cả rồi/ Chỉ còn anh với mặt trời là em/ Bồng bềnh trôi giữa cõi tiên/ Bồng bềnh giọt nhớ giọt quên bồng bềnh” (Bồng bềnh); và rồi, trong cõi “bồng bềnh” ấy, tình yêu đã lên ngôi để kết nối nhau miên viễn đắm say trong hạnh phúc lứa đôi: “Hôm nay/ không rượu mà say/ Ngả nghiêng/ Như thể rừng cây bão về/ Quấn nhau như sam/ Đê mê/ Như tuần trăng mật/ Đầm đìa/ Yêu! Yêu!/ Hiến dâng/ Một cõi nuông chiều/ Bâng khuâng/ Như một cánh diều/ Đung đưa/ Lênh đênh/ Khao khát/ Đợi chờ/ Trời thương/ Cho cập bến bờ…/ Hôm nay” (Hôm nay). Đúng như Jules Barbey D’Aurevilly đã nói: “Người si tình cũng như người tẩu mộng: chẳng những họ thấy bằng mắt mà còn bằng toàn thể thân xác họ”7.
Đọc thơ tình của Nguyễn Quang Hà, ta cũng bắt gặp trong thơ anh những khát vọng kiếm tìm như một ám ảnh của tâm thức hiện sinh. Và điều này thể hiện khá cảm xúc, đúng với quy luật tình cảm của con người trong bài thơ Bối rối: “Lánh xa những tưởng đã quên/ Dối lòng thôi/ có dễ gì mà quên/ Trở về/ Quanh quẩn/ Trốn em/ Đã rối bời/ lại càng thêm/ Rối bời/ Bâng khuâng/ Tự nhủ/ Rằng/ Thôi/ Vừa nhủ xong/ Lại nhớ rồi/ Lạ không!” (Bối rối). Thực ra cái cảm giác “chạy trốn” và “kiếm tìm” này là một quy luật mang tính phổ quát trong tình yêu của con người, không phải là cái riêng có trong thơ Nguyễn Quang Hà. Điều này ta cũng bắt gặp trong ca từ của Trịnh Công Sơn ở nhạc phẩm Tưởng rằng đã quên mà từng lời ca như một “tiếng thét” đớn đau của con tim không chỉ của chàng nhạc sĩ đa tài và đa tình mà cũng là của những người đã sống trong vũ trụ tình yêu: “Tưởng rằng đã quên/ Cuộc tình sẽ yên/ Tưởng rằng đã quên/ Nhưng tim yếu mềm/ Một ngày thấy em/ Là đời bỗng đêm vây khốn/ Tưởng rằng đã quên/ Cuộc tình sẽ yên/ Tưởng rằng đã quên/ Thân đau muốn nằm/ Vì từng bước em/ Là từng mũi đinh cuồng điên” (Tưởng rằng đã quên).
Phải chăng vì tâm trạng “chạy trốn” và “kiếm tìm” này mà tình yêu trong thơ Nguyễn Quang Hà luôn chất chứa những mật ngọt của yêu thương, một điều tất yếu của con người khi yêu và được yêu. Ta hãy đọc những câu thơ sau đây trong các bài thơ Hoa Hồng, Không đề 1, Hòn Trống Mái, Không đề 2, Chiều Đà Lạt, Tình yêu, Cây cầu, Hoa đào hoa mai đã nở… để cảm nhận rõ hơn những cảm xúc ngọt ngào ấy trong thơ anh. Đó là những cảm xúc và suy tư đa sắc màu như chính sự đa dạng trong các cung bậc khác nhau của tình yêu mà những người đã yêu, đang yêu chắc chắn sẽ cảm nhận bằng sự trải nghiệm của chính mình. Bởi tình yêu là một điều rất thiêng liêng trong trái tim mỗi con người. Vì thế, người ta chỉ có thể yêu bằng chính tiếng gọi của trái tim mình chứ không thể yêu theo một sự định hướng, một sự chỉ bảo nào khác và mọi nghĩa ý của tình yêu cũng từ đó lên ngôi. Nói như J. Steinbeck: “Một chút ái tình cũng như một chút rượu ngọt”8 sẽ làm say đắm hồn người trong cõi riêng tư của chính nó. Ta hãy lắng lòng để chiêm nghiệm những cung bậc khác nhau của suy cảm tình yêu trong thơ Nguyễn Quang Hà. Có khi chỉ bắt đầu bằng một nụ cười bâng quơ vốn là một trong những sắc màu lung linh của tình yêu: “Bâng khuâng nhớ một nụ cười/ Có gai chăng hỡi vành môi hoa hồng” (Hoa hồng); có khi là cảm xúc về một cuộc gặp bất ngờ, trở thành duyên nợ: “Nào em/ nâng chén/ chân tình/ mừng đêm hội ngộ/ chúng mình gặp nhau” (Không đề 1); có khi là một lời tự tình đáng yêu: “Đến như đá cũng đa tình/ Nữa là hai đứa chúng mình với nhau” (Hòn Trống Mái). Còn đây là nỗi khao khát được yêu mặn nồng: “Những ngón tay/ nắm những ngón tay/ đắm đuối/ Bốn mắt dại khờ/ thèm/ được chết/ cho nhau” (Không đề 2); hay nỗi khao khát có nhau: “Sương mù bay hay sóng núi bập bềnh/ Đà Lạt trôi trong hoàng ôn huyền ảo/ Thì em ơi những trái tim giông bão?/ Bỗng muốn trở về ấp ủ giữa tay em” (Chiều Đà Lạt) vì “Chỉ có yêu nhau mới biết/ Thế nào là nỗi nhớ mong/ Ngước trông trời cao xanh thẳm/ Đôi mắt đen dài mênh mông” (Hoa đào hoa mai đã nở). Song, thơ tình Nguyễn Quang Hà không chỉ có yêu thương ngọt ngào mà còn có buồn khổ, hờn ghen, oán trách vu vơ, những mùi vị không thể không hiện hữu trong tình yêu: “Thấy em/ quấn quýt bạn trai/ Anh về/ Không ngủ/ Suốt hai/ Tháng liền/ May mà/ anh không phát điên/ Thôi chúc em/ được/ Bình yên/ Một đời” (Anh); “Nhớ em tắm bến cây si/ Anh ghen với nước đang ghì chặt em” (Gửi R…); có khi là những ngờ vực trong tình yêu: “Ngã ba này em đi em về/ Khi sang phải khi thì rẽ trái/ Anh bất chợt rùng mình lo ngại/ Chỉ sợ lòng em lây ngã ba” (Ngã ba). Nhưng đây cũng là điều thường tình trong tình yêu, thể hiện sự phong phú, đa dạng ở những cung bậc suy cảm khác nhau trong thơ tình Nguyễn Quang Hà.
Tình yêu trong thơ Nguyễn Quang Hà không chỉ có những cảm xúc bình thường của tình yêu mà nhiều khi trong suy niệm của thi nhân, tình yêu là một cái gì thiêng liêng của “cõi vô hình” như một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh: “Đặt vào đó cả niềm tin/ Thiêng liêng như trước nỗi niềm tâm linh/ Giờ đây/ Giữa cõi vô hình/ Xôn xao/ Đặt giữa tim mình/ Là anh” (Em). Với em, tình yêu của anh luôn được “đặt giữa tim mình”; còn với anh, tình yêu của em là một niềm tri ân như tri ân một ân sủng của cuộc sống mà Thượng đế đã dành cho anh: “Nếu không có tình em làm bến cảng/ Lênh đênh cánh buồm anh biết về đâu” (Vũng Tàu) hay “Cám ơn trời đất yêu thương/ Dắt anh đi khắp nẻo đường là em” (Nợ Tình). Đọc những câu thơ này của Nguyễn Quang Hà, tôi bỗng nhớ đến ca từ trong nhạc phẩm Còn chút gì để nhớ nổi tiếng của Phạm Duy, phổ thơ Vũ Hữu Định: “May mà có em/ đời còn dễ thương”. Thì ra suy cảm tình yêu đẹp nhất, nghĩa ý nhất chính là lòng biết ơn, sự trân quý đối với người mình yêu.
Một điều không thể không nói đến trong thơ tình Nguyễn Quang Hà, đó là thơ tình của anh không chỉ có cảm xúc yêu thương đơn thuần mà còn có những suy niệm mang tính triết luận về nhân sinh thể hiện qua những câu thơ tuy chân mộc nhưng ẩn chứa suy tư về thế thái nhân tình từ quá trình nghiệm sinh của thi nhân: “Nghìn năm đá mãi xuân thì/ Bởi cho nhau một chữ “vì” mà thôi” (Hòn Trống Mái). Hay sự suy tưởng về ý nghĩa tình yêu trong thơ Nguyễn Quang Hà qua những hình ảnh thơ với những liên tưởng đầy tính ẩn dụ: “Tình yêu như kẻ tha phương tìm lại được nhà/ Như đàn bướm hoang gặp mùa xuân thắm/ Mỗi ngọn gió cũng dạt dào sâu lắng/ Hai trái tim thầm thì/ chỉ thèm/ yêu nhau” (Thơ tặng những mối tình si). Rõ ràng tình yêu có ý nghĩa và sức mạnh lạ lùng như Chế Lan Viên đã cảm nhận thật tinh tế khi ông xác quyết: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Còn đây là sự liên tưởng khá thú vị mang màu sắc suy tưởng, không chỉ thể hiện tính triết luận mà còn cho thấy sự độc đáo trong việc kiến tạo hình ảnh thơ: “Gương tan tình vỡ còn đâu/ Chúng mình tan cả vào nhau thì còn” (Tan). Và điều này cũng được biểu hiện khá sinh động ở bài thơ Cây cầu với những hình ảnh thơ tưởng chừng đối lập mà lại rất hòa hợp như sự hòa hợp của đôi lứa yêu nhau: “Hai người yêu nhau lắm/ Sông chen vào cách chia/ Thành đôi bờ từ đó/ Mấy nghìn năm đợi chờ/ Nói với nhau nhờ gió/ Thư cho nhau nhờ thuyền/ Cảm mối tình đôi lứa/ Cầu đứng ra xe duyên/ Đôi bờ đã thành đôi/ Mà cầu thì đơn chiếc/ Dòng sông xanh xanh biếc/ Như màu xanh hẹn hò/ Trăng nghìn năm ngây thơ/ Tình nghìn năm sâu lặng/ Cớ sao cầu cô độc/ Giữa đôi bờ bình yên” (Cây cầu). Những người yêu nhau nhờ những nhịp cầu để gắn kết với nhau trong yêu thương, song, chiếc cầu thì lại “đơn côi” miên viễn. Nhưng chắc chắn chiếc cầu sẽ không bao giờ hờn trách các đôi lứa yêu nhau tại sao lại để mình “cô độc”!? Phải chăng đây là sự hi sinh cao đẹp của những chiếc cầu để thực thi sứ mệnh thiêng liêng là đi nối “những bờ vui” cho những cặp uyên ương? Thế nên ca dao mới có những câu hát về tình yêu luôn gắn với biểu tượng chiếc cầu: “Yêu nhau chẳng quản xa gần/ Cầu không tay vịn em lần em qua” hay “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”. Ôi những chiếc cầu của tình yêu dù có đứng “chơ vơ” giữa cuộc đời nhưng sẽ không bao giờ mất đi trong trái tim những đôi lứa yêu nhau. Thế mới có những câu ca dao gắn với cây cầu mà mỗi khi đọc lên đã thấy lòng quặn thắt, xốn xang: “Qua cầu dừng bước trông cầu/ Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu”.
Trong thi phẩm Bài thơ tuổi nhỏ ở tập Thơ thơ xuất bản năm 1938, luận về ý nghĩa của tình yêu, Xuân Diệu chia sẻ: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào?/ Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa!/ Cho bừng tai mắt đọ tia sao!”. Như vậy, trong suy niệm của Xuân Diệu, cũng là của mỗi người, tình yêu chính là hơi thở, là sự sống không thể thiếu. Có lẽ, vì thế, văn thi sĩ nào khi cầm bút cũng không thể không viết tình yêu. Thế nên chủ đề tình yêu hiện hữu trong thơ Nguyễn Quang Hà cũng là điều tất yếu trong hành trình sáng tạo thi ca của anh.
Là một nhà văn mặc áo lính, bên cạnh đề tài viết về cuộc chiến tranh vệ quốc và xây dựng đất nước trong những ngày hòa bình mà anh đã dự phần như một chứng nhân không chỉ trong tư cách một người chiến sĩ mà còn là một nghệ sĩ viết văn, làm thơ mà bộ tuyển tập Thời tôi mặc áo lính gồm 4 tập (NXB Thanh niên ấn hành năm 2023) với hàng nghìn trang viết là một minh chứng cho cuộc đời và văn nghiệp của anh.
Trong hành trình sống và dấn thân giữa cuộc đời, với trái tim nóng bỏng của một nghệ sĩ, Nguyễn Quang Hà đã đến với thơ tình yêu như một nhu cầu tất yếu của tiếng nói vang vọng từ sâu thẳm tâm hồn anh. Với tất cả niềm đam mê khám phá sáng tạo thi ca, trong đó có thơ tình, anh đã đóng góp cho thơ tình Việt Nam những sắc màu của riêng mình qua các cung bậc suy cảm khác nhau. Tuy không được “tấn phong” với danh xưng là “ông hoàng thơ tình” như Xuân Diệu nhưng không vì thế mà thơ tình Nguyễn Quang Hà không có những bài thơ, câu thơ để lại ấn tượng trong lòng người đọc, tiêu biểu như bài thơ Con còng gió. Thiết nghĩ, nếu có tập thơ nào tuyển chọn những bài thơ tình hay trong thơ ca hiện đại Việt Nam, có lẽ không thể thiếu thi phẩm Con còng gió của Nguyễn Quang Hà. Thơ tình Nguyễn Quang Hà, vì thế, sẽ có một chỗ đứng nhất định trong thơ Việt hiện đại để những người yêu nhau tìm đến và sẻ chia. Bởi tình yêu bao giờ cũng có quy luật riêng của nó như anh đã đúc kết trong thơ: “Chỉ có yêu nhau mới biết/ Thế nào là nỗi nhớ mong/ Ngước trông trời cao xanh thẳm/ Đôi mắt đen dài mênh mông” (Hoa đào hoa mai đã nở)…
Và tôi nghĩ “Đôi mắt đen dài mênh mông” ấy vẫn hiện hữu bên anh từng ngày, từng giờ trong phần đời còn lại của thi nhân nên Nguyễn Quang Hà sẽ còn viết thơ tình cho mình và cho cuộc đời. Tôi tin như thế nếu anh thủy chung với thơ, biết chăm chút, vun trồng cho từng ý tưởng, từng con chữ trong mỗi bài thơ, dù thơ không phải là sở trường của anh. Bởi nói như Alain: “Một bài thơ hay, nảy nở dần dần như một trái chín”9. Tôi và người đọc mong sẽ còn những “trái chín” tỏa hương trong thơ Nguyễn Quang Hà, trong đó có thơ tình của anh…
Chú thích:
1 , 2, 3, 4, 6, 7, 8 Hoàng Xuân Việt (1972), Danh ngôn từ điển, Khai Trí xuất bản, tr. 29, 445, 445, 341, 463, 444, 472.
5 Thơ dẫn trong bài này đều trích trong tập thơ Gửi em cô gái đỏng đảnh, NXB Hội Nhà văn, 2019, của Nguyễn Quang Hà.
9 Đoàn Thêm (trích dịch), Quan niệm về sáng tác thơ, Viện Đại học Huế xuất bản, 1962, tr. 378.