CÙNG VŨ THỊ HỒNG SỐNG LẠI KÝ ỨC CHƯA XA

Bài viết làm hiện lên cuộc đời và sự nghiệp làm báo, viết văn của Vũ Thị Hồng trong kháng chiến chống Mĩ. ''Chạm vào ký ức'' của chị đã đưa bạn đọc sống lại những ngày gian khổ và ác liệt của cuộc chiến tranh giữ nước, làm hiện lên hình ảnh một thế hệ những nhà văn, nhà báo quân đội qua góc nhìn đậm tính nữ.

   Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào thời kỳ rất khốc liệt. Sau Mậu Thân, nhiều cơ sở của ta ở nội đô và đồng bằng bị vỡ do bị lộ và bị khủng bố, càn quét. Hội nghị Paris về Việt Nam được tiến hành và bên nào cũng muốn được đàm phán trên thế mạnh ở chiến trường nên rất bế tắc. Đường Trường Sơn Tây đã thành một huyết mạch quan trọng của ta nhưng để chặn con đường Trường Sơn Đông tiếp tế vào khu vực Nam Trung Bộ và tiếp cận được với đường Hồ Chí Minh trên biển, địch tăng cường lực lượng trên bộ, trên không và hạm đội ngoài biển thường xuyên nã pháo vào nhằm biến vùng này thành đất trắng. Cách mạng ở vào tình thế khó khăn vô cùng, nhất là khi cuộc giằng co ở Quảng Trị diễn ra vào những năm 1971-1972: không chỉ thanh niên nông thôn, công nhân trên các công trường, trong nhà máy mà hàng nghìn sinh viên các trường đại học đã xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. Cuốn Chạm vào ký ức của Vũ Thị Hồng chủ yếu viết về khoảng thời gian 4 năm còn lại đó của chiến tranh cho đến sau ngày giải phóng không lâu, cũng tức là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của một thời tuổi trẻ tham gia trận mạc. Đương nhiên trước khi vào chiến trường, dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu, tôi chắc chị cũng không hình dung ra được những gì mà hơn năm mươi năm sau, khi “chạm vào ký ức”, tất cả cái khốc liệt của chiến tranh cùng chân dung cô gái Hà Thành lại hiện ra rõ ràng đến thế.

   Những ai đã đọc Cát cháy của Nguyên Ngọc thì rõ: “Ngày ấy, trên đất Quảng Nam, địch cày ủi điên cuồng. Bị vây đánh liên miên, cùng quẫn trên cả một vùng đất không chỉ mỗi con người già trẻ gái trai, mà cả đến mỗi mô đất, mỗi gốc cây ngọn cỏ đều là mối hiểm nguy, bất cứ lúc nào cũng có thể tung cái chết vào mặt chúng nên kẻ thù quyết cào bằng, xóa sạch mọi màu xanh trên đất này… Trên toàn vùng đồng bằng Quảng Nam, chúng cày trắng. Cả một vùng đất mênh mông bị xới tung lên, băm nát, thiêu rụi… Cho đến đầu năm 1971, sự thực là ta đã mất toàn bộ vùng Đông”. Những trang viết đó của Nguyên Ngọc như được bổ sung thêm: trước đây là Vùng chân Hòn Tàu của Thái Bá Lợi, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, rồi Tiếng khóc của nàng Út của Nguyễn Chí Trung… những trang viết của Vũ Thị Hồng với một ký ức tươi nguyên dưới một cái nhìn khác ra đời vào thời điểm này như góp vào để hoàn thiện thêm gương mặt chiến tranh của vùng đất Khu V. Viết về chiến tranh là một đề tài nổi bật, đạt được nhiều thành tựu trong nền văn học cách mạng và điều đó cũng có nghĩa là bạn đọc đã không xa lạ với những ác liệt của một cuộc chiến vừa không cân sức vừa kéo dài liền suốt mấy chục năm ròng. Điều tôi muốn nói ở đây là hiện thực đó được hiện ra từ ký ức của một phụ nữ tham gia chiến tranh trong binh chủng văn nghệ quân đội và đã sống trực tiếp ở chiến trường những bốn năm với cả hai tư cách: người lính cầm súng và người viết sử dụng cây bút như một vũ khí. Vào chiến trường, cùng một lúc chị buộc phải làm quen hai công việc: làm quen với tất cả những khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm của một trong những chiến trường khốc liệt nhất hồi bấy giờ và làm quen với nhiệm vụ chính: viết báo, viết văn.

   Cũng vào thời điểm đó, Vũ Thị Hồng cùng khá đông sinh viên trong hai năm cuối khóa 11, 12 của Khoa Văn và Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp được cử đi dự lớp bồi dưỡng khóa 4 của Hội Nhà văn để bổ sung cho chiến trường. Sau một thời gian học tập, rèn luyện và chuẩn bị, ngày 16/4/1971, đoàn của chị lên đường. Nghe tin đó, nhà văn Nguyên Ngọc trực tiếp sang xin để bổ sung cho lực lượng văn nghệ quân đội đang cắm chốt ở vùng đất này. Thể theo nguyện vọng, Vũ Thị Hồng được phân vào chiến trường Khu V, gần Miền Bắc nhất nhưng cũng là chiến trường gian khó nhất. Chị – nhân vật trong tập sách mang tên Thục – cùng hai đồng môn đồng khóa khác là Nguyễn Bảo và Nguyễn Hồng đã tình nguyện sang Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Trước khi vào chiến trường, chị cùng các đồng môn của mình mới học xong năm thứ ba mà ba năm ấy Trường Đại học Tổng hợp phải sơ tán lên Đại Từ - Thái Nguyên, tuy là nơi chịu rất ít tác động trực tiếp của bom đạn nhưng bữa ăn, nơi ở, tiện nghi sinh hoạt, điều kiện sống thiếu thốn đã ảnh hưởng không ít đến thời gian dành cho việc học, đọc và viết, điều mà khi bước chân vào học ngành Văn, mỗi sinh viên ít nhiều đều ấp ủ. Cho nên ta hiểu vì sao ngay từ lúc bước chân vào chiến trường, nhân vật Thục của Vũ Thị Hồng luôn trăn trở làm thế nào để có những trang viết hay về cuộc sống mà chị đang sống, về những con người anh hùng giản dị mà chị gặp trên dọc đường đi, được tiếp xúc và nghe báo cáo trong hội nghị, trong những lần đi xuống các đơn vị cơ sở và hầu như chị không vừa lòng với những gì chị viết ra dù rất tâm huyết. Đó là một cảm giác thực và vì thế chị cố tìm căn nguyên. Những năm tháng đó, đi thực tế là một nguyên tắc gần như vừa là bắt buộc vừa là tự nguyện của mọi người viết. Vả chăng mấu chốt là ở đó? Chị nghĩ vậy và từ đó, với chị, đi không chỉ là để lấy vốn sống, để hiểu hơn nhân dân và người lính của mình; đi còn là để lấy cảm hứng; đặc biệt, ở hoàn cảnh của chị lúc bấy giờ, đi còn là để chứng tỏ chị không hề ngại khó, ngại khổ, không sợ ốm đau, nguy hiểm, thậm chí chấp nhận có thể hi sinh. Chị đã không nề hà bất cứ một khó khăn nào, kể cả khi sốt rét đang cơn, chị vẫn cố gượng dậy để đi hoặc làm việc gì có thể làm được.

   Chính những người phụ nữ chị được gặp, được nghe trong Hội nghị Hậu cần thực sự là những tấm gương sống tác động đến Thục trong những tháng ngày đầu khi đi vào thực tế. Chị “vừa thương vừa cảm phục” và thầm nghĩ không biết những người phụ nữ ấy lấy đâu ra chừng ấy sức lực để vượt qua cái ngưỡng chịu đựng của bản thân mình như vậy: cả một tiểu đoàn gần 500 chị em hầu hết là thanh niên nhưng “bị mất kinh nguyệt”, mông teo, ngực lép, mỗi lần gội đầu, tóc rụng hàng búi… Các chị có thể chịu đựng nỗi đau vết thương thể xác như Tiểu đội trưởng Mai, các chị có thể làm mọi công việc nặng nhọc như mọi đàn ông mà không hề hấn gì nhưng nhìn nhan sắc của nhau xuống cấp nghiêm trọng với những mái tóc ngày càng xơ xác, cụt ngủn thì đêm về “họ ôm nhau khóc ròng”. Đây là một cách nhìn mang thiên tính nữ của Vũ Thị Hồng. Chính vì thế mà nhân vật Thục càng cảm phục hơn những công việc mà các chị đã làm, cũng như chị vừa cảm thông vừa buồn cười “mẹo” giữ chân Thục lại qua đêm, dù cách có 200 mét, của các chàng lính ở nơi đóng quân của Cục Hậu cần bởi lý do là “mấy khi gặp được nữ đồng hương Miền Bắc”; hay việc Chính trị viên phó giúp chị cất quần áo, xô màn phơi ở góc rừng khi trời đột ngột đổ mưa bằng cách “lấy que kều xuống” khiến cho anh em được bữa cười vui mà chị thì quá xấu hổ!

   Cuộc chiến tranh hiện lên qua những trang văn của chị cũng đầy gian khổ và mang rõ cách nhìn của một người phụ nữ. Ghẻ lở, hắc lào không chừa ai, nước không có để tắm. Đối với phụ nữ, đó là những cực hình nhưng mọi người đều chấp nhận vì không có cách nào để khắc phục trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Thời gian nằm viện, chị có được ít tiền và hộp sữa để dành cũng bị đánh cắp mà không dám kêu dù biết người có khả năng làm việc đó là một phụ nữ. Rồi một người con gái vốn là y tá, nhỡ nhàng, uống thuốc phá thai không thành dẫn đến cái chết thương tâm khiến Thục rất đau lòng khi nhìn thấy cái chết cả về thể xác lẫn tinh thần đang mỗi lúc một cận kề với cô. Cảm giác đau xót ở Thục được nhân lên khi chị nghĩ đến người mẹ cô gái ở Miền Bắc làm sao có thể biết nguyên nhân cái chết của con mình ở chiến trường và người mẹ ấy, cũng như mẹ chị, đang nóng lòng chờ mong con trở về… Biết bao cái chết, biết bao sự hi sinh khác nhau qua những con số biết nói, qua sự khuyết vắng những người thân quen trong những lần Thục trở lại nơi mình từng đến, từng công tác, qua mỗi lần chứng kiến hoặc nghe qua bạn bè tin về những đồng đội thân thiết, cảm mến của mình ngã xuống trong các trận đánh khác nhau… cho thấy các cung bậc cảm xúc nhân ái trong tâm hồn và tình cảm của cô gái trẻ Thủ đô trực tiếp tham gia chiến tranh với trái tim nồng nàn tình yêu con người và đất nước.

   Ghi lại những tháng ngày đã qua đó của cuộc đời mình, Chạm vào ký ức còn cho thấy luôn chân dung chị: một nhà báo chiến trường với những tác nghiệp nhanh chóng, một nhà văn lặng lẽ nuôi bao ý tưởng, để rồi đây, qua từng bài báo, những bút ký đó sẽ có một cái gì đó văn chương hơn, tầm cỡ hơn, những trang viết ra đời lúc bấy giờ với mục đích cao nhất là phục vụ cuộc chiến đấu, thể hiện tấm lòng trung kiên của chị với lý tưởng. Tất cả những điều đó đã giúp chị vượt qua bao gian khổ, khó khăn trong cuộc sống, kể cả những đớn đau về thể xác và những tổn thương tinh thần. Nhớ ngày chúng tôi mới nhập trường, là một trong năm cô gái Hà Nội, Hồng có một vẻ ngoài giản dị, hiền lành, đặc biệt là có đôi mắt biết nói và lúm đồng tiền trên má cùng giọng nói Hà Nội chuẩn mà ấm. Chị nhập học với gương mặt buồn buồn và chiếc băng tang trên tay áo: bố Hồng vừa mất trong trận máy bay Mĩ ném bom phố Huế cách đấy có vài tháng. Hồng là con cả, sau chị còn có 5 đứa em, mà sau này tôi mới biết là gia đình Hồng kinh tế không hề dư giả... Với hoàn cảnh như vậy, lẽ ra Hồng cứ học nốt năm thứ tư, ra trường, đi làm, đỡ đần cho mẹ, làm chỗ dựa hàng ngày cho các em. Nhưng con người Hồng là thế, lặng lẽ mà kiên quyết. Mẹ Hồng – một phụ nữ tham gia cách mạng từ rất sớm – hiểu tính con nên không ngăn cản, điều đó cũng có nghĩa là bà chấp nhận mọi khó khăn của cuộc sống gia đình từ nay sẽ chất lên vai bà. Hai mươi tuổi, hành trang chị mang vào chiến trường là mối thù nhà nợ nước với tất cả ý nghĩa đầy đủ của nó và song hành cùng nó là nỗi nhớ, đã đành, còn là nỗi lo cho mẹ và các em không biết sẽ xoay xở thế nào để có đủ cái ăn cái mặc tối thiểu hàng ngày trong hoàn cảnh Hà Nội cũng phải sơ tán, mẹ đi theo cơ quan, các em đi theo trường, là kỷ niệm về gia đình bao nhiêu năm trời sống nhờ, sống trong căn nhà dột nát ngoài bãi Cát Linh…

   Một cô gái, lại là cô gái Hà Nội, với vẻ ngoài duyên dáng, một tinh thần chịu khó, bền bỉ, một ý chí gan góc, một sinh viên Văn khoa Trường Đại học Tổng hợp đa cảm, giờ đây lại là một nhà báo, chị có đủ mọi tiêu chí “của hiếm” nơi chiến trường khiến cho mỗi lần chị xuất hiện là bị hút vào tầm nhìn của các chàng lính trẻ. Cho nên không ngạc nhiên khi rất nhiều người cảm tình, quý mến, sẵn sàng giúp đỡ và tìm cách chuyện trò cùng chị. Có những người yêu chị mà chị biết nhưng cũng có người chỉ sau khi họ hi sinh, đọc nhật ký họ, chị mới hay. Ngày mới vào, chị cũng có một mối tình dù ngắn ngủi nhưng đã từng làm cho trái tim chị thổn thức, nhớ nhung khi xa, xót thương khi người ấy bị thương, phải chuyển về tuyến sau và thất vọng vì người ấy đã không như chị đã mong chờ… Những chuyến đi xuống các đơn vị cơ sở, đặc biệt là chuyến đi Bắc Bình Định vào tháng 7/1973 – chuyến đi mà chị mong “sẽ là một sự kiểm nghiệm lại bản thân mình về mọi phương diện, kể cả ý chí”, chuyến đi với những dự định về chuyên môn đã đem lại cho chị nhiều vốn sống nếu xét ở góc độ tư liệu và mở ra nhiều cảm hứng tươi xanh về những con người cụ thể, không chỉ là đồng đội, bộ đội mà còn là nhân dân với bao tấm lòng thủy chung sắt son với cách mạng. Bắt đầu từ đây, Thục chăm ghi nhật ký hơn và chị cũng cho thấy rõ hơn những cung bậc cảm xúc của mình, nhất là của người dân đối với chị và ngược lại, cũng như những người anh hùng bình dị như Hoàng Sinh Tùng, chính trị viên Nguyễn Hừu Ba, Tiểu đội Nữ cối 60 ở Hoài Châu… Chính là với chuyến đi này, tiếp xúc với nhiều người, biết thêm nhiều kiểu người, bản thân Thục cũng chín hơn cùng những trang viết và chị vẫn tiếp tục tìm cách “lý giải cho được nguyên nhân vì sao họ đã sống và chiến đấu ngoan cường đến vậy”. Ngày lại ngày chứng kiến bao nhiêu người ngã xuống, tận mắt nhìn thấy cảnh làng mạc tan hoang, chị nhận ra một điều đặc biệt là không ai còn khóc được, kể cả bản thân mình, vì “nước mắt đã cạn khô”, dù trong thâm tâm chị rất muốn khóc cho vơi bớt những đau đớn, xót thương. Sau chuyến đi này, trở về cơ quan thì cũng là lúc chị và các bạn nhận hung tin: Nguyễn Hồng – người cùng chị và Nguyễn Bảo tình nguyện chuyển sang Văn nghệ quân giải phóng lúc mới vào – đã hi sinh anh dũng trong một trận chống càn. Không ai trong đơn vị của chị cầm nổi nước mắt trước sự ra đi của người đồng đội trẻ tràn đầy nhiệt huyết và triển vọng, dẫu biết rằng trong chiến tranh cái chết có thể đến bất cứ lúc nào… Trước khi mất, Nguyễn Hồng có viết được Đêm cao điểm được đánh giá tốt và sau đó ít lâu đã được đăng trên Văn nghệ quân đội.

   “Chạm vào ký ức”, với Vũ Thị Hồng, còn là chạm vào đời sống của anh chị em làm báo, viết văn – những người đi chiến trường, sống và viết ở chiến trường cùng chị trong những tháng năm cam go nhất của cuộc chiến tranh, cũng là thời kỳ bắt đầu cầm bút tập làm người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ với mong muốn những trang viết của mình sẽ có ích cho cuộc chiến đấu. Họ hiện lên với tinh thần tận hiến nhưng cũng mang cả sắc thái của đời thường, nhất là sau đợt chỉnh huấn hàng năm, cơ quan lại tổ chức đánh giá, kiểm điểm từng cá nhân. Được dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua ở khu vực Trung Trung Bộ, gặp lại các bạn thời đại học cùng vào chiến trường, chị cởi bỏ được tâm trạng nặng nề trước đó vì bị quy kết vô lý. Đi để viết, viết rồi lại đi tiếp, theo thời gian, những bài viết của chị dày hơn về chất, nhưng dường như không bằng lòng với những gì được viết ra, chị vẫn trở trăn tìm kiếm, càng có thêm nhiều tư liệu, có thêm nhiều ghi chép về chiến công thầm lặng của nhân dân, chị càng nhận ra cái khoảng cách giữa trang viết và cuộc đời. Tất nhiên chị vẫn đủ tỉnh táo để căn dặn mình “đừng cố biến mình thành một anh nông dân suốt ngày hì hục trên cánh đồng chữ nghĩa để rồi nhận lấy những trái đắng”.

   Rồi cái điều mà Thục mong đợi, kể cả ông “mặt sắt” từng gây cho chị bao điều khó chịu, bực mình mà theo như ông bảo với Thục rằng tất cả chỉ nhằm để mong “ngày em được đứng trong hàng ngũ của Đảng”, cũng đã đến. Đây là sự kiện lớn của Thục, thức dậy trong chị những tình cảm thiêng liêng và sâu sắc cũng như ý thức và trách nhiệm trong chị - một nhà báo, nhà văn quân đội với vũ khí đánh giặc không chỉ là khẩu súng mà còn là cây bút.

   Vào tháng 2/1975, bước vào một mùa chiến dịch mới, với tâm thế của người đảng viên trẻ, chị lại tiếp tục theo chân các đơn vị đi chiến dịch với nỗi lo và cũng là niềm mong ước làm sao để có cách viết mới hơn, hay hơn. Bất ngờ với diễn biến cuộc chiến thay đổi sau khi quân địch thất thủ ở Buôn Mê Thuột, rồi Đà Nẵng được giải phóng, chính quyền Việt Nam Cộng hoà tan rã nhanh chóng… chị lại háo hức với niềm vui của người viết được theo những người lính giải phóng đi dọc suốt Miền Trung, có mặt ngay tại Sài Gòn sau khi thành phố được giải phóng. Và thật cảm động khi những học viên trong lớp viết văn khóa 4 hồi tháng 4/1971 cùng vào các chiến trường ở Miền Nam gặp nhau mừng mừng tủi tủi và ngậm ngùi khi nhắc đến những người bạn đã nằm lại trên đường đi như Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Kim hoặc đã hi sinh như Nguyễn Hồng. Những người lính làm báo viết văn ấy đã thay hình đổi dạng vì gian khổ của chiến tranh nhưng đằng sau vẻ khắc khổ, gầy ốm là nụ cười của tuổi trẻ, là hạnh phúc của những người chiến thắng, người được sống. Thục còn theo tiếp các đơn vị đến một số tỉnh Miền Tây, lên Đà Lạt. Cảm giác đó đến với chị và mọi người dẫu đã gần năm mươi năm trôi qua, đến hôm nay vẫn như còn vẹn nguyên trong chị.

   Ba tháng sau ngày thống nhất đất nước, chị được cấp trên cho ra Bắc điều trị sức khỏe, cũng có nghĩa là chị được về thăm gia đình sau hơn bốn năm xa cách trong âu lo, nhớ nhung. Khi vào Đà Nẵng, chị mất ba tháng để lội bộ. Và lần này, thật may mắn, chị được đi nhờ máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội chỉ mất có mấy tiếng đồng hồ. Không có tiền nhưng ra đến Nội Bài, chị thuê hẳn một chuyến xích lô chở về nhà! Trong bộ quân phục, vẻ xanh gầy của người nữ quân nhân đã thu phục được lòng cảm mến của những người chị gặp trên đường. Lòng chị háo hức với bao cảm xúc dâng trào khi được đặt chân lên Thủ đô vẫn đang ngập tràn không khí mừng Miền Nam giải phóng và xúc động nghĩ đến giây phút được gặp mẹ và các em.

   Gặp lại những chuyện trong quãng thời gian vô cùng quan trọng của cuộc đời một người cầm bút như chị, người đọc càng cảm phục tinh thần của một thế hệ thanh niên nói chung và đội ngũ nhà văn chống Mĩ nói riêng. Biết đâu rất có thể trong bốn năm ấy, chị ngã xuống hoặc chị sẽ trở thành tàn phế! Trong một lần lau súng, chị vô ý không khóa nòng, viên đạn văng ra trúng vào người Nguyễn Bảo, rất may là chỉ ở phần mềm và Nguyễn Bảo được chở đi cấp cứu kịp thời. Rất có thể chỉ cần chệch một tí là Nguyễn Bảo sẽ rơi vào một trong hai trường hợp trên và suốt đời chị sẽ sống trong giày vò, ân hận. Nhưng chị, Nguyễn Bảo và nhiều đồng đội khác lại gặp điều “có thể” may mắn hơn: họ đã đi qua chiến tranh với nhiệt tình của một công dân yêu nước, một chiến sĩ viết báo, viết văn quân đội với ý nghĩa đích thực. Sau chiến tranh, viết vẫn là niềm đam mê của chị. Chị đã nhận được nhiều giải thường danh giá như Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1990-1995), Giải A Cuộc thi tiểu thuyết do Bộ Nội vụ tổ chức, Giải A Cuộc thi viết về kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, Giải B Cuộc thi truyện ngắn do Bộ Lâm nghiệp tổ chức. Chị đã từng đảm nhiệm chức Trưởng Ban Nữ trong quân đội. Đương nhiên, để ông xã Chu Lai có thời gian cày sâu cuốc bẫm như chúng ta biết, tôi nghĩ, ít nhiều cũng đòi hỏi chị phải hi sinh.

   Với ngần ấy thời gian ở chiến trường và ngần ấy giải thưởng nghề nghiệp cũng như những cống hiến trong những cương vị công tác sau chiến tranh, Vũ Thị Hồng quả là một cây bút chiến sĩ tận hiến. Sau gần năm mươi năm, chị đã đưa bạn đọc sống lại những ngày gian khổ và ác liệt của cuộc chiến tranh giữ nước, ở đó chúng ta còn nhìn thấy qua chị là hình ảnh một thế hệ những nhà văn, nhà báo quân đội. Viết lại những gì đã đến với mình, chị đã đưa người đọc trở lại một thời gian khổ đầy vất vả, hi sinh cũng như những niềm vui của người chiến thắng, tất nhiên, trong đó có niềm vui của người đã chiến thắng bản thân mình.

Bình luận

    Chưa có bình luận