TẢN VĂN CỦA HUỲNH NHƯ PHƯƠNG: QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC, TÌNH NGƯỜI

Trên cơ sở phân tích các giá trị quê hương, đất nước, tình người trong tản văn của Huỳnh Như Phương, bài viết đã nêu bật lên nét bình dị, ôn hòa của từng trang tản văn trong sự nghiệp chữ nghĩa cũng như trong cuộc đời ông.

   Sinh ra nơi quê hương Quảng Ngãi - núi Ấn, sông Trà, khi tuổi đời 18, chàng thư sinh Huỳnh Như Phương mang bút nghiên đến Đại học Văn khoa, Viện Đại học Sài Gòn để “dùi mài kinh sử”. Đất nước hòa bình, chàng thư sinh ấy tiếp tục cuộc hành trình sự học ở Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Sau bảy năm làm giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, anh làm nghiên cứu sinh tại Viện Văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận văn học, Huỳnh Như Phương quay lại mái trường đại học xưa, tiếp tục công việc giảng dạy và gắn bó cho đến hôm nay.

   Dấu ấn sâu đậm nhất của Huỳnh Như Phương là dấu ấn của nhà khoa học, nhà sư phạm. Song, ngay từ thời niên thiếu, chàng thư sinh miền quê nghèo Mộ Đức có lẽ đã được văn chương lựa chọn, bởi như tác giả từng viết về Trần Mai Châu: “Nếu văn chương là bản mệnh đeo đuổi một con người, thì nó sẽ gõ cửa số phận không chỉ một lần, bởi nó tin rằng người được gọi sẽ góp phần làm nên công tích”. Bên cạnh những công trình lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học, sự nghiệp chữ nghĩa của Huỳnh Như Phương còn truyền cảm hứng đến người đọc qua các tập tản văn: Ngôi nhà và con người (2006), Bây giờ mà có về quê… (2011), Thành phố - những thước phim quay chậm (2018).

   1. Quê hương

   Dù hoàn cảnh thời thế khác nhau, mỗi người đều sẵn có trong tâm trí một hình bóng quê nhà. Viết về quê hương, Huỳnh Như Phương dường như không hề dùng chút “công phu” nào, cũng không thấy nội lực thâm hậu của nhà giáo hay nhà nghiên cứu trải qua mấy chục năm tôi luyện. Tác giả trở về những ngày còn là cậu thiếu niên mới lớn, hồn nhiên, tỉ mỉ miêu tả và thuật lại những câu chuyện quê. Nói vậy để bạn đọc thấy rằng, những trang tản văn này cũng hiền hòa như quê hương năm cũ, cũng thoang thoảng mùi hương dĩ vãng với tiếng chim cu gù trên mấy đọt tre, ruộng vườn, heo gà hay món mứt Tết của bà ngoại làm. Quê hương vốn dĩ trong sáng, hiền hậu, chan hòa như thế thôi.

   Tác giả trở về quê hương không với bất cứ danh vị nào mà chỉ với hành trang duy nhất: ký ức tuổi thơ. Anh trở về chân phương, mộc mạc như đứa con thơ dại của quê hương thuở ban đầu. Viết những trang này, có lẽ tác giả không hướng đến viễn đích tao nhân mặc khách. Hình bóng quê nhà không phải nơi thể hiện nghệ thuật chữ nghĩa mà chỉ là không gian cho phép trải lòng với đời, với người, với thời gian. Mà có lẽ vậy, có nhiều đoạn, từng con chữ vang lên âm thanh trong trẻo, chẳng khác từng nốt nhạc của tuổi ấu thơ tươi tắn. Và biết đâu, đó chính là những ký ức đẹp đẽ nhất trong đời anh: “Hai mươi tám tháng Chạp, bà cháu tôi đón xe lam từ Đồng Cát vô đến Quán Vịt thì xuống xe, đi bộ gần cây số đường đất đã thấy hiện ra lũy tre xanh bao quanh làng Vinh Hiển. Tôi vừa chạy lon ton theo bà, vừa thèm thuồng ngước nhìn những tổ chim dồng dộc treo lủng lẳng trên ngọn tre. Nhà ông Giáo là nhà ngói nền cao lát gạch hoa chứ không phải nhà tranh nền đất như nhà tôi. Bà Giáo lau chùi nhà cửa sạch bóng, các cậu ngồi học nghiêm trang, tôi rón rén ra hái trái trứng cá trên cây, nghe gió xuân rười rượi từ cánh đồng Lai Dương thổi lên da thịt” (Bây giờ mà có về quê…).

   Một điều đáng quý nữa trong những tản văn thấm đẫm tình quê của Huỳnh Như Phương chính là những danh thắng, giá trị văn hóa của quê hương Quảng Ngãi được tác giả thuật lại một cách tự hào. Chẳng hạn như làng Thi Phổ trong thơ của thầy Nhan Thùy Diên, chợ Liên Chiểu với “Liên trì dục nguyệt”, núi Xương Rồng, núi Chóp Vung, Núi Bút, La Hà, cầu Cây Bứa… hay mùi nước mắm Châu Ổ, mì quảng Sông Vệ… Vậy mới thấy tình quê là thứ tình cảm bản nhiên vốn có, là sợi dây gắn kết vô hình trong tâm tưởng mỗi người. Thậm chí mối giao cảm tình quê hồn người ấy đã kiến tạo nhân sinh quan của mỗi đứa con quê nhà, hễ càng đi xa càng nhận ra bóng hình quê hương trong thân mình một cách rõ rệt. Huỳnh Như Phương không ít lần viễn du đến trời Tây hay một buổi chiều Kyoto nào đó nhưng càng đi xa, anh lại càng nhận ra rõ ràng bóng quê trong bóng hình nước Việt.

   “Bây giờ mà có về quê…”, câu nói mơ hồ như giả định, bởi lẽ làm sao có chuyến xe lam nào, xe đò nào, tàu hỏa nào, tàu bay nào có thể đưa ta trở về quá khứ quê cũ với bao nhiêu người thân yêu mà nay chỉ còn trong hoài niệm. Xơ rơ bóng mẹ đầu sân đợi con về mỗi độ xuân sang là hình ảnh nắm níu tâm khảm con người dù lưu lạc khắp bốn phương trời. Tin rằng, trang viết mộc mạc của Huỳnh Như Phương đủ sức khiến bạn rung động, bởi vì đã chạm đến hình ảnh/ hằng số vốn có và rất thân thuộc trong tim mỗi con người.

   Và khi đã rung thì sẽ cảm, chính những ký ức càng tươi đẹp thì lại càng luyến tiếc. Thậm chí nó có thể trở thành niềm ân hận khôn nguôi. Kỳ lạ, tác giả viết rất nhẹ, rất khẽ khàng nhưng chọn đúng lúc để “cài cắm” niềm đau rất ngọt: “Lần đầu được vào thăm Sài Gòn, tôi đi chợ Bến Thành thấy người ta bán những cái ống giã trầu bằng đồng vàng óng rất đẹp. Tôi chọn mua về cho bà một cái giống như cái ly uống rượu, có cây giã trầu chạm trổ như một chiếc chìa khóa mạ vàng. Bà vui lắm, gặp ai cũng khoe món quà của cháu nội. Bà gói cái ống giã trầu trong một túi vải có dây buộc, lúc nào cũng mang theo người, cả khi đi ăn giỗ, ăn cưới. Đó là một lần hiếm hoi tôi đem lại niềm vui cho cuộc đời đầy khổ cực của bà. Tôi là đứa cháu bất hiếu. Ngày bà mất, tôi không kịp về đưa bà ra nghĩa trang dưới chân đồi. Bác và ba tôi đã bỏ mình nơi đất lạ, cả đứa cháu đích tôn là tôi cũng không vuốt mắt cho bà lần cuối” (Ống giã trầu của nội).

   Niềm tiếc nuối và nỗi đau trong tập sách rất hiền của Huỳnh Như Phương găm vào hồn người, chỉ có thể để niềm đau nằm yên trong lòng và êm dịu theo thời gian nhưng chắc rằng anh cũng như bao người, từng cảm thấu nỗi đau của quê hương trong thời tao loạn sẽ không bao giờ có thể quên được. Hễ nhắc nhớ, ai cũng cảm thấy sống mũi nghèn nghẹn, khóe mắt cay cay: “Khi tôi về, một mình ông tôi ngồi trên bậc thềm, lặng lẽ nhìn ra con ngõ dài, nơi bà vừa ra đi sau bao năm mỏi mắt chờ hai đứa con trai. Bậc thềm này cũng là nơi mẹ tôi, bác gái tôi và cô tôi ngồi chờ đợi người thương bao tháng năm dài. Hàng cau và dây trầu đã chết rũ khi nhà tôi bị đốt cháy trong chiến tranh. Ông tôi từ Miền Bắc trở về, kịp trồng lại hàng cau mới và gây một dây trầu không trong khu vườn cũ. Trầu đã lên xanh, nhưng cau mới tượng hình thì bà đã đi xa” (Ống giã trầu của nội).

   Tràn ngập ba tập tản văn của Huỳnh Như Phương là nỗi nhớ quê da diết đến cồn cào. Hình ảnh quê hương là sự gắn bó giữa tuổi thiếu niên với từng góc phố, con đường, hàng quán rất đỗi thân thuộc. Chắc rằng ngay từ buổi đầu bước chân vào đời, nhất là khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong lòng chàng thanh niên ấy đã hun đúc tình yêu đất mẹ. Âu cũng là lẽ tự nhiên, tác giả nhớ các ngõ ngách thị xã Quảng Ngãi, nhớ chiều nhạt nắng trên đồi, nhớ những con tem trên vách, nhớ cây mai trước sân nhà, giếng mát trong vườn ngoại, chuyến xe lam ngày giáp Tết… Còn hơn thế, bên cạnh tình quê, tình nước, những bài tản văn ấy còn gợi ra cho ta nỗi cảm hoài về thời quá khứ, khiến ta bồi hồi, xao xuyến.

   Cùng với nỗi nhớ, tản văn của Huỳnh Như Phương tràn đầy kỷ niệm, thậm chí có thể nói, các văn bản được xây dựng trên dòng hồi ức. Dàn trải trong hầu khắp các bài viết là những cuộc du hành của người viết vào miền ký ức thăm thẳm. Từng hồi ức rời rạc được kết nối, mở ra con đường thời gian, như để có dịp sống lại những ngày thơ dại, tuổi hăng hái mới bước vào đời. Thời ấy, anh vừa biết mộng mơ: “Tôi yêu nhất Quảng Ngãi những ngày mưa. Ở trường về, xắn quần lội qua những ngả đường nước tuôn ào ạt vào cống rãnh, mải mê nhìn những nữ sinh mặc áo mưa mà để đầu trần đạp xe lướt qua, những ngón tay thon vuốt nước mưa trên má. Nhiều năm sau này tôi còn tiếc là mình chưa một lần nào dám chạy xe theo bóng dáng thiếu nữ một ngày mưa thị xã để nghe tiếng mưa reo vui trong lòng cậu con trai tuổi vừa mới lớn” (Chỉ là một năm thôi). Nhưng nếu có thể quay lại những ngày thơ ấy, chắc anh cũng chỉ rụt rè đứng nhìn mà vẫn không chạy theo bóng hình thiếu nữ dưới mưa. Có lẽ nhờ sự rụt rè ấy qua đôi mắt dõi theo những cô thiếu nữ trong cơn mưa, ký ức mới thật sự “nóng hổi”, xuân thì và thanh tân mãi mãi.

   Bên cạnh ký ức về bóng dáng “những nữ sinh” dưới làn mưa thị xã, con đường quá khứ còn dẫn anh về những năm tháng học trò bên thầy cô, bè bạn; kỷ niệm về lớp 10B6 và những giờ học cùng thầy Phạm Huệ, cô Hồ Thị Kim Duyên nay đã thuộc về cõi xa mờ. Kể lại những kỷ niệm thời còn đi học, vẻ buồn thương nhường chỗ cho tâm hồn rộn ràng, vui vẻ chẳng khác tiếng xôn xao, tí tách của những giọt mưa đầu mùa trên mái ngói.

   Phải chăng mệnh số gắn bó với mái học đường vốn đã sắp đặt từ những ngày còn cắp sách đến trường. Đọc những dòng hoài niệm của tác giả mà ngỡ như mới ngày hôm qua. Nhớ hồi nào còn là cậu học trò vật lộn với đề thi của thầy Phạm Huệ về một câu nói của Balzac. Ngó lại, mái tóc đã điểm sương. Tuy nhiên, chắc những ai qua ngũ thập (đã “tri thiên mệnh”) mới cảm nghiệm và thấm thía nỗi ngậm ngùi bâng khuâng như chén rượu thời gian nhấp vào tê môi khiến cho hồn người lâng lâng, mê mải trong những khung trời dĩ vãng.

   Trên dòng ký ức, nếu để ý, bạn đọc sẽ thấy những đoạn quay chậm. Lời kể đến những chỗ ấy bỗng nhiên tốc độ chậm lại, dường như có phản lực nào khiến cho dòng tâm tưởng không chảy xuôi mà gặp những xoáy nước hiểm hóc, thâm sâu. Ký ức chia ly là những xoáy nước hiểm hóc như vậy. Không khó để tìm những đoạn ly biệt trong tản văn của Huỳnh Như Phương. Dường như ly biệt có tác động lớn đến suy tưởng của tác giả. Bao ký ức tươi đẹp, hóm hỉnh, trong sáng quá ngắn ngủi và thường bị những “thước phim biệt ly quay chậm” chia cách: “Từ buổi chiều ấy đến nay đã ba mươi ba năm, tôi chưa có dịp bước chân trở lại ngôi trường Trần Quốc Tuấn. Những lần về thăm quê, tôi vẫn thường ngồi ở quán cà phê bên kia đường Quang Trung nhìn sang để mường tượng lại hình ảnh cậu học trò bơ vơ ngày trước” (Chỉ là một năm thôi). Không hiểu vì sao, hoài niệm của Huỳnh Như Phương đầy ly biệt, chia cách, mất mát, tan biến. Có cảm giác như cuộc đời đã ném anh vào đời trong những tình huống buộc phải lựa chọn. Phần lẽ vì anh sẵn có trái tim nặng tình, phần vì đa số những tình huống ấy xảy ra đột ngột.

   2. Đất nước

   Với mỗi người con nước Việt sinh ra và lớn lên trong thời tao loạn, không có khát vọng nào lớn hơn khát vọng đất nước thống nhất, quê hương hòa bình. Niềm khao khát này thể hiện khá rõ trong các tập tản văn của Huỳnh Như Phương.

   Những bài tản văn này có lẽ vì chia cách, ly biệt mà phần nhiều mang chất giọng buồn thương. Anh vốn tính rụt rè (như anh tự nhận xét về mình). Nhưng có lẽ vì tính điềm đạm, anh thường không bộc lộ trạng thái tình cảm gì quá khích. Có thể trong lòng nhiều nỗi niềm, anh vẫn thường giữ riêng cho mình đời sống tâm hồn kín đáo. Dẫu rằng ít khi bộc lộ tình cảm thái quá nhưng giọng kể từ tốn (có phần hờ hững) lại khiến cho bạn đọc xốn xang. Ví như câu chuyện về chị Sáu và người bác họ hàng xóm trong Những con tem trên vách. Vẫn từ góc nhìn hiện tại quy hồi về quá khứ, vẫn từ một con đường dẫn về dĩ vãng, câu chuyện về những con tem mở ra. Chuyện ngắn ngủi, chỉ gần bốn trang giấy khổ nhỏ, ấy vậy mà tác giả gợi ra cả một quãng thời gian nhiều biến động của xã hội Miền Nam bấy giờ. Những chi tiết đắt giá mà người viết lựa chọn để khắc họa câu chuyện về những con tem, kỳ thực đã gợi nhớ cho những kẻ “bên trời lận đận” sống dậy cồn cào nỗi niềm luyến nhớ. Luyến nhớ để rồi luyến tiếc. Số phận nghiệt ngã của chị Sáu, người bác họ nhớ thương con gái phiêu bạt xứ người và cái chết của chị nơi đất khách, cùng những chi tiết (Hà Tiên, Đà Lạt, Sài Gòn, thiết lộ xuyên Việt, khu trù mật), thực sự đã khắc họa cảnh đời tang tóc không chỉ của chị Sáu mà của rất nhiều người Việt bấy giờ. Số phận con người thời ấy có khác gì những con tem lưu lạc, bơ vơ.

   Lẽ vì sao Huỳnh Như Phương nói nhiều về chia xa cách trở? Dường như anh bị đeo bám bởi ám ảnh mất mát, ly tán. Niềm vui quá ư tạm bợ, ngắn ngủi. Đau thương lại dằng dặc khôn vơi. Nhiều câu chuyện trong tập sách bắt đầu hoặc kết thúc bằng những chi tiết, sự kiện chia ly: “Bà ngoại mất, các cậu đi làm ăn xa, một mình dì Bảy coi sóc nhà thờ và khu vườn rộng” (Giếng mát trong vườn ngoại). Không gian câu chuyện cứ đìu hiu xa vắng, gợn buồn rười rượi. Có phải bởi vì lòng người vốn có xu hướng chiêm nghiệm, quen thả lòng miên man theo dòng thời gian? Dù nghĩ về quê cũ hay nhớ lại nơi chốn thân quen, tác giả đều chan đầy niềm nhớ vào không gian: “Trong những năm đất nước bị chia cắt, những người con Miền Bắc ly hương và những người con phương Nam xa xôi vẫn từng mơ ước được về ngủ chỉ một đêm trong lòng Hà Nội, ước mơ bình dị mà xa vời như một ảo vọng” (Hà Nội trong sương mù ký ức). Nỗi đau mơ hồ len lỏi vào tâm khảm bạn đọc rất khẽ khàng, lặng lờ và rồi thấm nhuần lòng dạ lúc nào không hay. Viết như không viết, kể như không kể, không nói trắng ra, chỉ để độc giả tự liên tưởng.

   Khi ngồi trên ghế nhà trường, tác giả luôn quan tâm theo dõi và góp phần lên tiếng đòi hòa bình cho quê hương bằng con đường chữ nghĩa. Thiết nghĩ, đó cũng là mong mỏi hết sức chính đáng của bất cứ người con đất Việt nào. Mong mỏi quê hương ngưng tiếng súng, nằm mơ về một ngày hòa bình cho đất nước, thế hệ của tác giả ôm ấp trong lòng lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ:

   “Triệu người nằm xuống cho núi sông ngàn đời đứng lên
   Nhớ chứ em ơi
   Nhớ chứ em ơi
   Tổ quốc ta qua cơn dông tố
   Dòng máu thiêng ta trao cho đời
   Cả nước ta đang vui đi tới
   Những con đường rợp bóng chim câu”.

   Huỳnh Như Phương ghi lại theo trí nhớ lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Sau này ông tìm lại nhưng không thấy bài hát này trong tập Trái tim Việt Nam. Ba mươi năm qua ông chưa một lần nào nghe lại bài hát ấy. Kỳ lạ, bài hát ấy trong một buổi chiều Vạn Hạnh vẫn còn sống động trong trí tưởng của tác giả. Thông tin về “Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực từ lúc 8 giờ sáng ngày 28 tháng Giêng 1973” đủ sức làm nao nức mọi trái tim Việt Nam. Tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông chùa vang động khắp Sài Gòn, tác giả nhớ lại. Phải chăng đó là âm thanh mừng vui của trái tim mỗi con người Việt Nam thời bấy giờ trước ánh sáng hòa bình đang tỏ rạng.

   “Tình tự dân tộc” hơn ba mươi năm trước trong lòng chàng thanh niên năm ấy đến giờ vẫn nguyên vẹn, tưởng như chỉ mới ngày hôm qua: “Chúng tôi lắng nghe, không để ý ngoài kia chiều đang xuống. Những người dự khán buổi trình diễn không chính thức ấy hẳn có cùng nỗi xúc động với tôi khi cảm nhận tình tự dân tộc đang vỗ về chính lòng mình qua một bài hợp xướng. Tổ quốc bay lên cùng tiếng hát trong một buổi chiều chớm xuân. Theo hơi gió, âm điệu bài hát như đang òa ra cổng trường, đến với phố chợ, với khu nhà ổ chuột trên bờ kênh Nhiêu Lộc. Và tôi mường tượng những chiếc phong linh trên tháp chuông chùa Pháp Hoa gần đó như cũng ngân theo” (Buổi chiều Vạn Hạnh). Chắc rằng những người cùng thế hệ với tác giả đều xúc động khi đọc lại những trang viết của ông về “tình tự dân tộc” hết sức thắm thiết và trong sáng như buổi chiều năm ấy.

   Rồi hai miền thống nhất, trang viết của Huỳnh Như Phương bày tỏ niềm vui trước hình ảnh đất nước đổi thay. Tác giả không bàn chuyện “quốc gia đại sự” mà chỉ thông qua cảm nhận cá nhân về những đổi thay dọc theo dòng đời, qua từng chặng thời gian để bạn đọc tự nhận ra sự chuyển mình của quê hương qua hình ảnh đoàn tàu: “Đã quen những toa tàu ngồi hành khách mắc võng dọc ngang hay nằm la liệt dưới sàn, những khoang giường nằm quá tải vì bán vé bổ sung, tôi bỗng có cảm giác lần này mình không còn đi những chuyến tàu năm cũ” (Ba mươi năm những chuyến tàu Thống Nhất). Quê hương đã qua rồi từng hồi bom đạn. Qua lời văn của tác giả, ta chợt cảm nhận, phải chăng chúng ta cũng đánh mất điều gì đó. Bên cạnh sự phát triển của đất nước, dường như trôi theo năm tháng là những kỷ niệm. Điều này cũng có nghĩa những vết thương năm cũ đang dần liền sẹo.

   Hồi ức và tưởng tượng kết nối xưa và nay, quá khứ và hiện tại thấp thoáng ẩn hiện khiến bạn đọc nhận ra nỗi ngậm ngùi trước thời gian trôi đi. Được và mất! Đất nước trở mình, đồng thời cũng phôi pha không ít dấu vết. Trang viết đầy vết tích thời gian như vậy khiến ta nghĩ đến đôi câu thơ của Trung niên thi sĩ: “Hỏi tên: rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê: rằng mộng ban đầu đã xa” (Bùi Giáng). Tất nhiên, những bạn trẻ của buổi đương thời không thể chia sẻ cùng người viết buổi chiều Vạn Hạnh của hơn 30 năm về trước: “Cảnh trí đã nhiều thay đổi. Tôi lạ lẫm giữa những sinh viên đang ngồi chuyện trò hay mải mê đọc sách trên hàng hiên. Buổi chiều bây giờ là của họ. Họ đâu biết gì về buổi chiều của tôi ba mươi năm trước” (Buổi chiều Vạn Hạnh). Tác giả lần bước tìm về một nẻo Vạn Hạnh năm nào, xơ rơ trong bóng chiều một mình lật giở những trang đời cũ. Hồi tưởng năm ấy, để ký thác chút tâm sự trên đường về quá khứ, ký thác cả niềm mong mỏi cho thành phố trong thời kỳ đổi mới: “Vẫn là màu nắng tháng Giêng của Sài Gòn. Nhưng không gian như rộng ra, hẻm 220 giờ mở thành con đường thoáng đãng chạy dọc bờ kênh, nối đến tận cầu Công Lý. Bờ kênh được xây kè đá kiên cố. Đã mất dấu những căn nhà ổ chuột, thay vào đó là bãi cỏ non và hàng điệp vàng đang nở những lứa hoa đầu tiên. Nhưng giữa lòng kênh, dòng nước tù hãm đục ngầu vẫn trôi lờ đờ, để lộ những váng bùn và lều bều rác rưởi mùi hôi bốc lên làm ngạt một khoảng không gian. Biết đến bao giờ con kênh mới khơi lại được dòng xanh soi bóng những ngôi nhà cao tầng đang từng ngày mọc lên? Đến bao giờ người ta mới có thể đi thong dong trên con đường mới mở này, lồng ngực hít thở bầu không khí trong lành và cảm nhận tròn đầy những khoảnh khắc mùa về trên thành phố?” (Buổi chiều Vạn Hạnh).

   Đất nước hòa bình, thống nhất, tác giả tiếp tục bản mệnh và trách nhiệm với văn chương. Trong góc nhìn đó, nhà giáo họ Huỳnh nghĩ rằng văn chương vẫn cần thiết cho một xã hội từ “đô thị hóa nông thôn” dẫn đến tình trạng “nông thôn hóa đô thị”. Đời sống con người lại tiếp tục có những vấn đề về phát triển và môi trường sinh thái. Ông nhắc đến Leon Battista Alberti “từng đòi hỏi người kiến trúc sư phải có kiến thức và tầm nhìn cả về lịch sử, toán học và thơ ca. Không phải ngẫu nhiên mà khi nói đến những thành phố hài hòa, người ta thường dùng hình ảnh những bài thơ đô thị” (Đô thị, con người và văn học). Mối quan hệ văn chương và đời sống nằm ở tiêu điểm vấn đề đô thị hóa và những tác động của nó đến hiện trạng nhân sinh - nhân tính ở phạm vi rộng.

   Như đã nói, Huỳnh Như Phương viết khá nhẹ nhàng, đôi khi như lời thủ thỉ. Nhưng vấn đề mà ông đặt ra lại có tính thời sự. Những công trình nghiên cứu khoa học về tác động của đô thị hóa đến nhân tâm khó có thể biểu đạt thấm thía bằng những trang văn. Từ đầu thế kỷ, nhà phê bình đã nhắc đến những cây viết khai thác đề tài này như Nguyễn Quang Thiều, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam… Thông qua thực tiễn và trang viết của một số nhà văn, ông nhận thấy “đô thị bây giờ là nơi bộc lộ những thang giá trị mới của các tầng lớp xã hội, nó như một guồng máy khổng lồ mà những bộ phận cư dân là những khớp vận động. Nó cũng có thể xem là nơi thắt nút của những dự đồ và mưu tính của một số công dân được chọn lọc, có khả năng chi phối sự vận hành của xã hội” (Đô thị, con người và văn học).

   Nhưng trên hết, nhà giáo họ Huỳnh bày tỏ niềm thương cảm với những con người bị cuốn vào guồng quay lạnh lùng đô thị hóa, đến mức đánh mất mình trong ngổn ngang đau đớn. “Mỗi ngày guồng máy đó nuốt chửng những con người tràn đầy sinh lực và ham muốn để rồi trả lại những hình hài mệt mỏi và kiệt sức. Và những trục trặc trong đời sống đô thị đã dần dần bào mòn niềm sùng bái đô thị và công nghiệp nơi những người nhà quê quanh năm trong cuộc sống chật vật, muốn thoát ra phố thị với ước mong làm cuộc đổi đời”. Điều này cho thấy niềm cảm thông đối với phận người chìm nổi, tìm phương kế sống giữa đô thị khốc liệt. Tác giả từng đặt ra câu hỏi nhức nhối: “Văn học có thể làm gì để con người hòa giải với đô thị, hay ít nhất, không cảm thấy đối nghịch với nó?” (Đô thị, con người và văn học). Những cuộc di tản đầy thương tâm trong đại dịch Covid-19 đã chứng minh cho điều dự báo đó.

   3. Tình người

   Trên bước đường đời, nhà giáo họ Huỳnh đã gặp được những con người với tấm chân tình và nghĩa cử đáng quý. Tình nghĩa giữa thời thế tạo ra mối giao cảm văn chương thâm trầm. Trong bài thơ Nói với mọi người (“gửi Huỳnh Như Phương - người đã hát”), Hoàng Ngọc Biên nhắc lại điệp khúc “tôi sẽ lội qua con sông này” phải chăng vì tâm tư nhà thơ đã hiểu thấu nỗi đời ở những giao điểm ký ức: tuổi thơ, mùa mưa, dấu chân mẹ cha, nước buổi chiều chảy máu, tiếng anh em gọi mãi bên cầu, mặt trời rực đỏ, đốt nóng tiếng kêu…

   “tôi sẽ lội qua con sông này
   không mùa mưa nước cũng lên cao
   tôi sẽ lội qua con sông này
   cỏ sẽ khóc khi tuổi thơ tìm thấy
   cây hai mươi năm không hề lớn dậy
   nước buổi chiều chảy máu không thôi.

*

   tôi sẽ lội qua con sông này
   dấu chân mẹ cha hãy còn để lại
   con đường dài như sáng mùa đông
   khi cánh cửa mở ra một trời trắng buốt
   một sớm mai về với núi sông
  nghe tiếng anh em gọi mãi bên cầu.

*

   tôi sẽ lội qua con sông này
   nắng sẽ reo trong mặt trời rực đỏ
   cát trên cồn trưa đã cháy vàng
   đã bốc lửa đầy đốt nóng tiếng kêu”.

   Và Huỳnh Như Phương chia sẻ với tác giả bài thơ: “Bây giờ, ở thế giới bên kia, chắc hẳn Hoàng Ngọc Biên vẫn không thôi mơ tưởng về cuộc đời, về quê hương đất nước - mười năm qua chưa thấy bóng người về” (Hoàng Ngọc Biên - quê hương, người về). Hằng số thân phận và thời thế cơ hồ là hằng số chung của những ai biết ưu tư về quê hương và kiếp người.

   Cùng trong mối giao cảm ấy, từ ba lần gặp gỡ với nhà văn Thế Nguyên, Huỳnh Như Phương cũng chia sẻ nỗi niềm thân phận, một nhãn quan về đời sống, một cách thức trải nghiệm thế cuộc qua tác phẩm Hồi chuông tắt lửa: “Hoạt động thực tiễn tạo điều kiện cho Thế Nguyên tìm thấy ở phong trào dân tộc một điểm kết nối giữa tinh thần xã hội và đức tin Kitô giáo. Nhưng rồi chính Hồi chuông tắt lửa và tác giả của nó cũng không tìm được sự dung hợp và chỗ đứng trong lịch sử. Nhà văn đã chịu chung thân phận với nhân vật của mình, thân phận con người ở giữa hai làn đạn” (Hồi chuông tắt lửa và cái nhìn hiện tượng luận). Ở giữa cuộc diện ấy, tâm thế con người hầu như lạc lõng. “Giữa hai làn đạn” là một tình thế ngặt nghèo hơn cả lạc loài.

   Bên cạnh những kỷ niệm có phần kịch tính, tha nhân trong tản văn Huỳnh Như Phương cũng gợi lại không khí êm đềm, nhất là những người thầy học cũ, trong đó có thầy Võ Hồng và những cánh thư họa hình hoa lá cách điệu để mang lại thêm chút thú vị cho người nhận thư. Và những hạt giống hoa bươm bướm không đơn thuần chỉ là kiếp hoa. Đó là thuốc. Bài thuốc chạy chữa cho tâm hồn trăn trở trong đời sống đôi khi chai sượng: “Tôi biết đây là thuốc thầy gửi cho tôi. Và tôi làm theo lời thầy dặn. Trên sân thượng trước phòng làm việc có một bồn hoa, những ngày căng thẳng và mệt mỏi tôi bỏ bê chẳng thiết gì chăm sóc. Bây giờ tôi xới đất, gieo hạt và chiều chiều ngồi một mình chờ hạt nẩy mầm. Quả như thầy nói, chỉ mấy ngày sau những mầm xanh bé tí đã nhú ra và lớn dần lên. Chờ hơn tháng nữa là hoa nở kín bồn, một màu vàng dịu làm mát lòng giữa mùa hè nóng bỏng” (Hoa bươm bướm một mùa hè).

   Rồi đời sống lại tiếp tục lăn trôi, lòng người cũng trôi dạt. Vậy mà một nhúm hạt giống hoa bươm bướm cứ như một thứ kỷ vật cho lòng người có nơi nắm níu. Bài thuốc của thầy Võ Hồng được tác giả mang theo trên bước đường đời, để cánh hoa vàng ươm tươi tắn trong ánh nắng ban mai lại phục sinh hồn người giữa bộn bề ưu tư: “Năm ngoái gia đình tôi chuyển về một căn nhà nhỏ hơn. Những cây hoa đang nở ở nhà cũ chúng tôi tặng hết lại cho người chủ mới. Nhưng tôi đã kịp mang theo một nhúm hạt hoa bươm bướm để trong cái phong bì như ngày trước thầy Võ Hồng gửi vào. Về nhà mới không có bồn hoa lớn, chúng tôi gieo hạt hoa trong những chậu đất nung đặt trước sân nhà. Và mỗi buổi sáng, tôi lại có dịp ngồi dõi xem các mầm xanh mọc lên mà ngỡ như một điều gì đó đã phục sinh giữa cuộc đời và năm tháng đang trôi đi không ngưng nghỉ này” (Hoa bươm bướm một mùa hè). Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn - nhà giáo Trần Đồng Minh đã hồi đáp tác giả bằng một bài tản văn khác: Hãy gửi cho tôi chút hạt hoa bươm bướm.

   Vậy rồi từ cánh hoa bươm bướm quê nhà đến cánh hoa súng phương xa, tác giả vẫn tiếp tục nuôi nấng, tu bổ tâm hồn mình bằng cái đẹp. Những vẻ đẹp đáng quý từ bao nhiêu tấm lòng tha nhân được gìn giữ, trân trọng thể như báu vật hiếm hoi của đời. Hơn thế, cánh hoa còn là mối nhân duyên nhiệm màu không thể dự tưởng. “Hoa súng là nhân duyên của chuyến đi này”. Nhân duyên đưa nhà văn đến với lòng người phương xa, đưa anh đi vào cõi nhân gian mịt mù. Hồn anh nhập hòa vào hồn tha nhân và nhận ra bóng hình Monet thuở xưa: “Những bông hoa phớt hồng, tím nhạt, xanh màu thiên thanh hay trắng màu trinh nguyên đã từ những tranh vẽ cuối đời của Monet bước ra hay từ đây đi vào tranh vẽ? Chúng vừa mới nở đêm qua hay còn sót lại từ đầu thế kỷ trước, thuở nhà danh họa có tâm hồn và hình dáng như một đạo sĩ phương Đông còn đứng tựa vào lan can cầu bình thản nhìn ngắm thời gian trôi qua sau khi tất cả những bạn đồng hành trên con đường nghệ thuật ấn tượng đã lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng?” (Hoa súng ở nơi xa).

   Cánh hoa súng mở ra cuộc giao kết thần tình giữa anh và thiên nhiên, cho anh có cơ hội sống những năm tháng cũ cùng tha nhân. Phải chăng tác giả đã cảm nghiệm được vẻ đẹp thần tình, niềm ẩn mật sâu kín của hồn vũ trụ - cũng là điểm chung/ chỗ gặp gỡ giữa viễn mộng Đông phương và huyền tịch Tây phương. Chẳng là vậy thì biết vin vào nguyên do gì để thấu hiểu cảm nghiệm của tác giả trong đoạn văn này, khi anh bước từng bước trên thành phố Giverny mà những tưởng thả hồn vào chốn sương mù trầm mặc Kyoto thế kỷ XV: “Vẫn cây cầu dáng cong và những đóa hoa súng nhu mì khoe sắc, chỉ thiếu những đôi thiên nga nhàn tản trong bóng trời chiều. Ánh nắng xuyên qua kẽ lá rơi lốm đốm trên mặt nước làm nên những gợn sóng lăn tăn. Tôi đang dừng chân ở đâu đây? Kyoto hay Giverny? Không, hình như là một chỗ nào đó còn thân thuộc hơn nữa? Chỗ nào? Và tôi chợt nhớ ra. Đó là một buổi chiều Hà Nội…” (Hoa súng ở nơi xa).

   Hóa ra thần giao cách cảm Đông-Tây ấy đã dẫn hồn người từ tha phương trở về nước Việt quê nhà. Tận cùng xa xôi, hóa ra, lại hết sức gần gũi và quen thuộc! Gặp gỡ tha nhân, Huỳnh Như Phương đã mang hình bóng bốn phương về quê hương nước Việt. Lạ ở chỗ, hình bóng Nga trong lòng tác giả lại bắt gặp trên thành Paris chứ không phải trên xứ bạch dương. Bài hát Chiều ngoại thành Moskva còn luyến nhớ khôn nguôi. Cuộc gặp gỡ tình cờ trên tàu điện Paris năm ấy vẫn còn in hằn trong tâm trí. Vì sao? Có lẽ tha nhân - một giọng nữ trong vắt với âm sắc Nga thuần khiết đã khiến tác giả cảm thấy gần gũi giao cảm. Bởi chung cảnh ngộ - những kẻ tha phương vì giấc mơ ngày cũ hay vì lưu lạc trong cuộc sinh nhai ở hiện tại, những kẻ xa lạ chợt đi qua đời nhau và trang trải cùng nhau chút nỗi niềm. Kỳ thực, tác giả không nhớ và cũng không biết mặt cô gái Nga ấy - chỉ là hình bóng Nga: “Suốt bốn tháng liền tôi thắc thỏm đợi chờ được nghe lại giọng hát Nga với bài hát Chiều ngoại thành… Có mấy người ca sĩ hát rong nghe mãi đã thành quen giọng, duy người con gái Nga năm trước thì không hề gặp lại một lần nào nữa. Đôi khi hoài nhớ bài hát cũ, tôi lại tự an ủi rằng biết đâu người con gái ấy đã chẳng trở về quê hương và bây giờ cô đang hát bài Chiều ngoại thành Moskva ngay trên đất nước của mình” (Hình bóng Nga).

   Người con gái Nga phải chăng gợi cho tác giả bài viết cảm thấu nỗi niềm lạc loài của thân phận chìm nổi giữa dòng đời, bỗng một chiều trào sôi nỗi nhớ quê hương. Hoặc giả, tiếng hát của người con gái Nga làm tác giả ngậm ngùi động lòng trắc ẩn về cái “thiên mệnh” mà con người phải nếm trải trước khi kịp thấu hiểu. Hoặc giả, chỉ là niềm cảm hoài siêu hình không biết gọi tên.

   Với tha nhân, ngoài nghĩa tình dìu dắt còn là niềm trân quý - ví như cơ duyên nhiệm màu khó lòng nói ra rành rẽ. Nhà giáo họ Huỳnh đã khiêm tốn cho rằng tự thân chưa đủ tinh tấn để nhận ra cơ duyên với Phật học. Thế nhưng, nếu theo dõi những tập tản văn này, người đọc sẽ thấy không ít trang viết nhắc đến bóng chùa. Phải chăng, bóng chùa xưa từ thuở nào đã in hằn vào tâm thức dân gian. Mỗi làng quê nước Việt đều thấp thoáng bóng chùa cùng tiếng chuông cảnh tỉnh nhân tâm. Với tác giả, mối thiện duyên cảm tình với đạo pháp nhiệm màu của Đức Thế Tôn đã chiếu vào cuộc đời ông từ thuở nhỏ. Lẽ đó, ông đã có duyên may nhận được chiếc lá bồ đề từ chính cội bồ đề, nơi hơn 2.500 năm trước Đức Thế Tôn đã thành đạo. Tác giả cho rằng chiếc lá bồ đề chẳng khác gì thông điệp mật pháp: “Chiếc lá bồ đề cũng có một cuộc đời, một số phận. Từ khi được thầy nhặt lên dưới gốc cây, chiếc lá đã được tái sinh, sự hiện hữu của nó như kéo dài ra. Và tôi, hạnh phúc thay, là người được tham dự vào cuộc đời mới của nó. Đời chúng ta cũng như đời chiếc lá, một ngày nào đó ta cũng sẽ bay đi. Chỉ tiếc không có bàn tay bao dung nào như bàn tay thầy Huyền Diệu nhặt chúng ta lên cho được tái sinh. Chính chúng ta, ngay từ khi còn trên cây đời, khi chưa úa vàng, phải tự chuẩn bị cho mình một chuyến bay vào vô tận” (Chiếc lá bồ đề).

   Và vì vậy, Huỳnh Như Phương trân trọng chiếc lá bồ đề chẳng khác gì lời nhắc nhở tự thân. Bóng hình chiếc lá bồ đề trong tâm thức như quả chuông lòng, có khả năng lay động tâm linh, đánh thức hồn người.

   4. Văn chương

   Huỳnh Như Phương trải qua tuổi thơ và một phần tuổi trẻ trong chiến tranh. Anh đã mắt thấy tai nghe những đau thương, mất mát vì bom đạn: “Những trang văn về chiến tranh đã ám ảnh tôi từ hồi ấy. Có lẽ vì hàng ngày tôi phải chứng kiến cảnh người chết trên cầu, cảnh nhà cháy vì bom Mĩ, cảnh xe tăng nghiền nát ruộng lúa vừa trổ bông. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần một bài văn trong sách giáo khoa tả người lính trẻ William may mắn sống sót sau chiến tranh ngồi một mình lặng lẽ trầm tư trên bãi chiến trường chưa tan mùi khói súng”. Chiến tranh lan tràn và khốc liệt, gia đình anh cùng gánh chịu nỗi đau của toàn dân tộc: “Vì chiến tranh mà gia đình tôi kẻ Nam người Bắc, cha tôi ngã xuống trong một trận đánh với lính Park Chung-hee, nhà tôi bị thiêu rụi và tôi phải nghỉ học mất một năm tròn” (Những bài báo viết thời đi học).

   Chính chiến tranh đưa Huỳnh Như Phương đến với văn chương. Ngược lại, văn chương đã khiến cho Huỳnh Như Phương nhìn thấu hung thần chiến tranh. Quê hương - chiến tranh - văn chương có lẽ là những điểm tựa ban đầu cho chàng thiếu niên năm ấy đến với chữ nghĩa. Anh từng viết truyện ngắn Lời thăm cuối cùng trên Bán nguyệt san Tuổi Hoa khi cuộc chiến đi vào tâm hồn tuổi 15. Tâm hồn ấy đã thao thức, “tê tái khi lần đầu đọc Nuôi thù của Oe Kenzaburo qua bản dịch của Diễm Châu, dưới ngọn đèn dầu ngay bên miệng hầm trong một đêm làng quê âm vang tiếng súng” (Những bài báo viết thời đi học). Anh không còn tuổi thơ. Đôi mắt ngọc của tuổi thiếu niên mãi mãi đánh mất tuổi thơ.

   Cũng bởi vì ý thức trách nhiệm về đời sống xung quanh, đường văn chương của Huỳnh Như Phương từ buổi đầu gặp không ít khó khăn, sóng gió. Bước đường phát triển nhận thức cũng là bước đường chống chịu, đối diện với chướng nghịch của đời. Từ những bài báo xuân học trò đến tùy bút Ngày tự do hòa bình đang tới trên Tạp chí Trình Bầy, truyện ngắn Không còn ai tin trên Tạp chí Đối Diện đều cho thấy lương tri đã sớm hình thành trong tâm hồn cậu thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường: “Họa vô đơn chí, cũng năm học lớp 10, tôi còn gặp một tai nạn văn chương khác. Tờ Giai phẩm Xuân Nhâm Tý (1972) của Trường Trung học Trần Quốc Tuấn đăng trên trang đầu bài viết Bài học nào dành cho chúng ta của tôi, như nêu cái nhìn và ý kiến của một học sinh về nền giáo dục đương thời. Bài viết làm ngứa mắt nhà cầm quyền và cảnh sát đã vào trường cật vấn cả người chủ biên - thầy Huỳnh Châm - lẫn tác giả. Điều an ủi là lần này tất cả các số báo đã được bán hết khi vừa in xong” (Những bài báo viết thời đi học). Phải chăng số phận muốn thử thách lòng chân thành và nghị lực của Huỳnh Như Phương nên đã đẩy anh vào chỗ chông gai? Những tai nạn văn chương ấy có ý nghĩa gì trong cuộc đời này? Câu trả lời thuộc về chính tác giả và thuộc về bạn đọc - những người từng trải qua thời kỳ giông tố gian nan của quê hương! Riêng tác giả, anh vẫn giữ mình là người trung thực. Anh trung thực với đời và với chính mình. Vậy thôi, anh không còn băn khoăn, nghĩ ngợi về những phản ứng trái chiều đối với những bài viết về sau bị quy chụp là “có vấn đề”: “Văn chương, như vậy, ngay từ hồi nhỏ, với tôi chưa bao giờ là một trò chơi dễ chịu. Nó như một người con gái đỏng đảnh, trái tính trái nết nhưng lại có sức cuốn hút kỳ lạ làm mình không dứt ra được. Nó chắp thêm cho mình đôi cánh tự do, nhưng cũng không ít lần trói buộc chính mình. Hồi trẻ, tôi hình dung thế giới văn chương như cánh đồng phía sau nhà mình, mênh mông, tít tắp, nhưng mình hăm hở đi và tin sẽ đến tận chân trời. Lớn lên, được cuộc đời dạy cho nhiều bài học, tôi thấy mình đi hoài mà chân trời lại vẫn còn xa, thậm chí đôi khi có cảm giác như mình đang quay về chỗ cũ” (Những bài báo viết thời đi học).

   Cho đến nay, có lẽ trách nhiệm chiếm nhiều thời gian, tâm huyết hơn cả là giữ gìn và gieo trồng những giá trị nhân văn trong văn chương chữ nghĩa. Quê hương hun đúc tâm hồn, thời cuộc đẩy Phương vào những tình thế, bước ngoặt. Có lẽ khó nói may mắn hay rủi ro nhưng có thể thấy, số mệnh đã chọn Phương, văn chương đã chọn Phương, bởi lẽ, người học trò nghèo Mộ Đức ngày nào có thể góp phần truyền cảm hứng, khơi dậy lương tri nơi những người trẻ. “Bây giờ, bước vào tuổi “tri thiên mệnh” rồi, tôi hiểu rằng không phải lúc nào mình cũng chủ động trong những chọn lựa của đời mình. Mơ thành kỹ sư nông nghiệp mà theo con đường khoa học nhân văn. Mê sáng tác mà phải dần dần rời bỏ để chuyên tâm làm nghiên cứu. Ghi danh học Triết mà rồi lại tốt nghiệp ngành Văn. Không định là nhà giáo mà suốt đời đứng trên bục giảng” (Những bài báo viết thời đi học).

   “Tri thiên mệnh” rồi, ắt anh cũng hiểu rằng thiên mệnh là bản mệnh. Ý hướng cảm nghiệm hồi trời đất tác tạo, một khi đã phóng tới không thể dừng lại và dù muốn dù không, mệnh số vẫn cứ đẩy đưa anh đến với văn chương. Có lẽ, vì tri thiên mệnh nên sống cho trọn bản mệnh. Đến nay, Huỳnh Như Phương vẫn tiếp tục cuộc hành trình văn chương, dầu “nghề nghiệp mà số phận run rủi đẩy tới đã đem lại cho tôi không ít niềm vui lẫn những cực khổ và tai họa”. Số phận không thể thay đổi, cũng không thể bôi xóa, che lấp nhân cách của một con người luôn trăn trở cùng vận nước: “Những khát vọng văn chương từ thời trẻ vẫn không ngừng nung nấu trong tôi một ý thức xã hội để không sa vào con đường của hư văn” (Những bài báo viết thời đi học).

   Huỳnh Như Phương đã trang trải lòng mình theo cách thâm trầm, kín đáo, có lẽ vì hiểu rõ “Thuở ra sân khấu không làm rộn/ Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi” (Ưng Bình Thúc Giạ Thị). Đọc tản văn của ông, qua những câu chuyện nhỏ bé đời thường, qua những câu chữ nhẹ nhàng, chân thật, qua lối dẫn chuyện tự nhiên, giản dị, thấy hiện lên những nét chân dung tác giả: cẩn ngôn, khiêm nhường, điềm đạm và thanh nhã.

Bình luận

    Chưa có bình luận