MA VĂN KHÁNG NGƯỜI VẠM VỠ TRONG THẾ GIỚI TIỂU THUYẾT

Bài viết là những suy ngẫm, luận bàn về các yếu tố tạo nên sự thành công, hấp dẫn trong sáng tác; khẳng định tài năng, phong cách và những đóng góp quan trọng của nhà văn Ma Văn Kháng cho sự phát triển nền văn học nước nhà.

   Nhà văn Ma Văn Kháng kể rằng, sau 4 lần viết đi viết lại, đến đúng ngày 1 tháng 11 năm 1972, kỷ niệm lần thứ 24 ngày giải phóng thị xã Lao Cai, ông mới hoàn thành bản thảo ưng ý, vậy mà mãi năm 1979, tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe mới được xuất bản lần đầu. Cầm quyển sách dày 800 trang in, đầu sách thứ 11 của ông được xuất bản, ông rất mừng nhưng chưa bộc lộ niềm vui đó. Trong mấy năm chờ đợi Đồng bạc trắng hoa xòe ra mắt bạn đọc, ông đã kịp viết xong phần hai của tiểu thuyết và đã xếp hàng bản thảo ở nhà xuất bản. Phải quyển ấy được xuất bản và phát hành nữa, ông mới toại nguyện ước mơ ngày đầu đặt chân lên thị xã giáp biên khá đặc biệt này. Chờ đợi thêm bốn năm bản thảo nọ mới được in thành sách. Không giấu được niềm vui, ông khoe rằng cầm tiểu thuyết Vùng biên ải thơm mùi giấy mực trên tay với độ dày 700 trang in, trong ông dâng lên hai niềm mãn nguyện: một là, ông đã thực hiện được ước mơ về một sáng tác văn xuôi mang màu sắc sử thi về Lao Cai; hai là, với tiểu thuyết Vùng biên ải, thâm tâm ông mới thật tin rằng ông đúng là một nhà văn đích thực!

   Tôi không chỉ một lần được nghe ông bộc bạch hai thỏa nguyện này. Và vì vậy, dù đã viết một bài dài về thành công trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng, tôi thấy cần tìm hiểu và viết về tiểu thuyết của ông.

   Và tôi thật sự thấy ngợp! Cùng với việc viết và in 200 truyện ngắn, Ma Văn Kháng đã viết và in đến 20 tiểu thuyết. Có nghĩa rằng để đi vào thế giới tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, tôi sẽ phải đọc lại số trang chữ nhiều hơn hai lần số trang in 200 truyện ngắn của ông, chưa kể phải đọc tham khảo hàng chục bài viết của mọi người về tiểu thuyết Ma Văn Kháng trước tôi.

   Tôi bắt đầu đọc Đồng bạc trắng hoa xòe Vùng biên ải, rồi đọc Mưa mùa hạ, Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn… Cứ thế tôi đi dần vào cái khối lượng đồ sộ của tiểu thuyết Ma Văn Kháng để khám phá thế giới “trọng pháo văn học” (chữ dùng của nhà văn Sholokhov) của nhà văn rất đáng trọng này.

   Có thể nói ngòi bút tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng đã đi vào hầu hết các vấn đề xã hội. Đó là những vẫn đề lớn, rất lớn, như cuộc chiến đấu để giải phóng cả vùng đất biên viễn Lao Cai; như cuộc chiến tiễu phỉ, đập tan hoang tưởng tái lập một “nước Sung Sướng”, “nước Ma nước Quỷ”, giải phóng cho đồng bào H’mông và đồng bào hơn hai mươi dân tộc sống ở miền biên ải phía Bắc khỏi cuộc sống tăm tối, đầy những hủ tục, lạc hậu làm mê muội con người; như mổ xẻ, phơi bày một hiện thực xã hội đang có quá nhiều bất cập của đất nước sau cuộc chiến tranh chống Mĩ; như vấn đề trí thức và Đảng Cộng sản có thể chung đường, hòa nhập, vai trò của đảng viên và sự lãnh đạo của Đảng; như vấn đề gia đình Việt Nam sẽ ra sao trong tiến trình vận động xã hội…

   Trong các vấn đề xã hội lớn nêu trên, ngòi bút nhà văn phải giải quyết rất nhiều chuyện tưởng như nhỏ nhặt. Đó là các mối quan hệ giữa con người với con người như quan hệ vợ - chồng, cha - con, anh - em, bạn bè - đồng chí; rồi quan hệ giữa con người và truyền thống, giữa con người với thiên nhiên… Những nội dung đó có trong tiểu thuyết liên quan đến hai yếu tố hết sức quan trọng làm nên thành công hay thất bại và tầm mức giá trị của tác phẩm: một là, sự dũng cảm của người cầm bút; hai là, tài năng dự báo của nhà văn. Nếu nhà văn dũng cảm, không sợ những hệ lụy có thể có và nhà văn có nhãn quan chính trị - xã hội tốt, có tầm nhìn xa, thấy trước con đường đi của xã hội và dự báo chính xác thì tác phẩm của nhà văn càng có giá trị, càng được xã hội thừa nhận và tôn vinh.

   Nhà văn Ma Văn Kháng, qua những tiểu thuyết tiêu biểu Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Đám cưới không có giấy giá thú, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Mùa lá rụng trong vườn… đã làm được điều này.

   Làm nên thành công của tiểu thuyết, một yếu tố cực kỳ quan trọng là xây dựng nhân vật. Lịch sử văn học thế giới và trong nước ta có nhiều nhà văn mà tên tuổi gắn với các nhân vật họ tạo ra như Javert, Jean Valjean của V. Hugo; AQ của Lỗ Tấn; quan phụ mẫu, chị Dậu của Nguyễn Công Hoan; Chí Phèo của Nam Cao, Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng… Nhà văn Ma Văn Kháng, trong quá trình sáng tác 20 tiểu thuyết, đã để lại khá nhiều nhân vật trong tâm trí bạn đọc. Đó là Bí thư Lê Chính, Giàng A Pao trong Đồng bạc trắng hoa xòe; Giàng A Lử, Châu Quán Lồ trong Vùng biên ải; thầy giáo Tự và anh giáo Thuật, “quan lớn Lại” (nhân vật Lại, Bí thư Thị ủy) và Bí thư Dương trong Đám cưới không có giấy giá thú. Cũng phải kể đến hai nhân vật phụ nữ: người đáng yêu, đáng trọng là chị Hoài; người đáng trách, đáng thương là Lý - dâu thứ hai của gia đình ông Bằng trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn. Thêm mẫu người vô tích sự là Trung tá Đông đã nghỉ hưu của tiểu thuyết này nữa…

   Thế là trong thế giới tiểu thuyết của mình, nhà văn Ma Văn Kháng cũng “đẻ ra” không ít mẫu người để bạn đọc nhớ. Trong các nhân vật ấy, mỗi người mỗi vẻ riêng biệt, không ai giống ai, từ hình dáng đến tính tình. Như vậy, về mặt xây dựng nhân vật, ông đã thành công. Nhận xét về điều này, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Anh Chi, trong bộ sách nghiên cứu mới nhất Luận về văn mạch Việt, tập 2, NXB Lao Động, xuất bản quý I/2023, đã bình luận: “Ma Văn Kháng là nhà văn đổi mới rất sớm về tư tưởng văn chương ở nước ta nửa cuối thế kỷ XX. Đặc biệt, trong số những nhân vật anh tạo nên, nhân vật trí thức có vai trò quan trọng, là linh hồn và tư tưởng của nhiều tác phẩm. Những năm tám mươi, thế kỷ XX, để kiếm tiền, người ta làm bất cứ điều gì, kể cả chuyện chở hàng lậu trên tàu thống nhất Bắc-Nam. Trong cuộc sống xô bồ, chen lấn, người trí thức không né tránh đi đâu được, bởi họ yếu ớt, lại luôn muốn giữ mình trong sạch, nên thường bị rơi vào bi kịch. Ma Văn Kháng là nhà văn viết về bi kịch của những người trí thức hay và thấu tình đạt lý. Đó là các nhân vật Trọng, Luận, Kha, Tự, Khiêm… Những nhân vật trí thức của Ma Văn Kháng đã phần nào truyền được cho người đọc sự ấm nóng tình yêu cuộc sống và niềm tin rằng cái chân, thiện bao giờ cũng có trong cuộc sống này…”.

   Yếu tố quan trọng cuối cùng cần nói đến làm nên giá trị tác phẩm văn học, cũng chính là yếu tố mang đặc trưng thể loại, là ngôn ngữ, là văn chương, Ma Văn Kháng là nhà văn có thế mạnh về mặt này, kể cả khi ông viết truyện ngắn hay tiểu thuyết và thể loại bút ký nghề văn. Đã có lần tôi nhắc lại câu nói của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, khi ông trả lời phỏng vấn trên truyền hình và cả khi ông viết bài in báo về tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng, ông khẳng định: Đọc tác phẩm nào của Ma Văn Kháng, người đọc cũng có thêm được từ ngữ mới lạ bổ sung cho vốn ngôn ngữ của mình. Tôi cũng đã viết về thế mạnh này của nhà văn khi bàn về truyện ngắn của ông. Ma Văn Kháng có vốn chữ nghĩa dồi dào, lại giàu tri thức văn hóa và đời sống, nhờ cái phông văn hóa này cộng với khả năng luận bàn, tranh biện nên ông hay viết và viết hay những câu văn, thậm chí cả đoạn văn dài bên mạch truyện chính, nhằm bàn thêm những ý tứ của câu chuyện, đôi khi những đoạn văn “phiêu” (hay có thể gọi là “lãng du”) ấy còn là chủ đề kép của thiên truyện. Đây là đặc điểm riêng có làm nên cái “hơi văn” hấp dẫn, mang nhãn hiệu “Made in Ma Văn Kháng”, không lẫn với bất cứ nhà văn nào của văn học Việt Nam.

   Với khối lượng có thể nói là đồ sộ của 20 tiểu thuyết, cộng thêm năng lực nghề nghiệp cầm bút rất riêng biệt: sự nhạy bén và lòng can đảm trong cảnh báo và dự báo, trong xây dựng nhân vật và nhất là trong sử dụng ngôn từ say mê và điêu luyện, đã làm nên một nhà văn Ma Văn Kháng không chỉ viết nhiều, viết hay truyện ngắn mà ông còn là “người vạm vỡ trong thế giới tiểu thuyết” của văn học Việt Nam!

Bình luận

    Chưa có bình luận