CẢM HỨNG ĐỐI THOẠI TRONG TẬP TRUYỆN ''NGƯỜI Ở BẾN SÔNG CHÂU'' CỦA SƯƠNG NGUYỆT MINH

Cảm hứng đối thoại chi phối mạnh mẽ thế giới nghệ thuật trong tập truyện ngắn ''Người ở bến sông Châu'' của Sương Nguyệt Minh. Xuất hiện đa dạng ở nhiều cấp độ, cảm hứng đối thoại đó không chỉ giúp lý giải, cắt nghĩa hiện thực cuộc sống và số phận con người mà còn thể hiện tinh thần dân chủ khi nhìn nhận, đánh giá các vấn đề của đời sống xã hội và văn học.

   Trong đời sống văn học Việt Nam đương đại, Sương Nguyệt Minh là một trong số ít các nhà văn tiếp tục viết về chiến tranh và người lính. Là nhà văn chiến sĩ, với cảm quan của người bước ra từ cuộc chiến, thấu hiểu nỗi đau của những mất mát, hi sinh, Sương Nguyệt Minh hướng ngòi bút của mình về cuộc chiến tranh cứu nước giành độc lập, thống nhất đất nước. Với ông, viết về cuộc chiến là nghĩa vụ, là trách nhiệm trước những đồng đội đã hi sinh cũng như những người đang sống cùng nỗi đau do chiến tranh để lại. Đồng thời, đó còn là lời nhắc nhớ vô cùng ý nghĩa, cần thiết đối với hiện tại bởi “cảm giác cuộc chiến này dường như đang bị lãng quên trong những mối lo toan cơm áo gạo tiền của cuộc sống đương đại gấp gáp”1. Nhưng sẽ là thiếu sót khi chưa nói tới mảng đề tài về nông thôn với bao khắc khoải, suy tư của ông. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông bộc bạch: “… còn mảng nông thôn, nông dân, tôi cũng tương đối thạo. Xuất thân từ con nhà nông mà! Nông thôn, nông dân Việt Nam đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, của số phận, và bây giờ đang đứng trước thử thách của quá trình đô thị hóa, dù đói nghèo không còn… Nghĩ là thế, nhưng viết quả thật là khó! Thôi thì cứ viết, cứ phải viết đã”2. Nhưng viết như thế nào để không “đi vào vết chân của người viết văn trước” và mỗi lần viết phải là “một lần làm mới, không chỉ mình khác với người khác mà còn phải khác với chính mình trước đây”3. Đây là sự trăn trở, lo lắng đáng trân trọng của một nhà văn hiểu sâu sắc giá trị văn chương trước những biến động, đổi thay nhiều mặt trong đời sống xã hội hiện đại.

   Tập truyện Người ở bến sông Châu tập hợp những truyện ngắn hay trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh về đề tài chiến tranh và đề tài nông thôn. Cũng vì vậy, tập truyện là minh chứng cho ý thức làm “khác mình” của ông qua sự đa dạng, phong phú về phong cách, bút pháp: “Giai đoạn đầu tôi viết trong trường thẩm mĩ truyền thống với những tác phẩm như: Đêm làng Trọng Nhân, Người ở bến sông Châu, Nỗi đau dòng họ, Mây bay cuối đường… Sau đó có sự thay đổi với những bút pháp hiện thực, huyền ảo như: Nơi hoang dã đồng vọng…”4. Làm “khác mình” còn được thể hiện rõ qua mạch cảm hứng đối thoại trước nhiều vấn đề, ở nhiều cấp độ trong đời sống xã hội. Đây cũng là yếu tố quan trọng thể hiện tinh thần dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật, vừa bộc lộ bản lĩnh, cá tính, vừa tạo sức hấp dẫn, mời gọi của truyện ngắn Sương Nguyệt Minh.

   Cảm hứng đối thoại là biểu hiện quan trọng của tinh thần dân chủ khi nhìn nhận, đánh giá các vấn đề của đời sống xã hội và văn học. Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới (sau 1986), cảm hứng đối thoại hiện diện như nhu cầu tất yếu đã tạo ra những đổi thay trong cảm quan về đời sống xã hội và con người. Trong bối cảnh mới của cuộc sống thời bình, phát triển ngày càng hiện đại, nhiều vấn đề của đời sống xã hội và văn học cũng được đặt trong cái nhìn rộng mở, toàn cục để khám phá, soi chiếu. Hiện thực xã hội và con người trong văn học được miêu tả phong phú, đa dạng với nhiều mối quan hệ đan xen, phức tạp… Hệ giá trị cùng các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức cũng thay đổi để phù hợp với sự vận động, đổi thay theo hướng ngày càng hiện đại của xã hội. Cùng với sự trở lại của ý thức cá nhân, ý thức đối thoại đã trở thành cảm hứng thường trực trong sáng tác của nhiều nhà văn. Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng không ngoại lệ. Tập truyện ngắn Người ở bến sông Châu đã thể hiện rõ cảm hứng đối thoại ở các cấp độ khác nhau. Đó có thể là cuộc đối thoại giữa hạnh phúc cá nhân với hạnh phúc gia đình, lợi ích cộng đồng; đối thoại giữa hiện tại và quá khứ (Nỗi đau dòng họ; Trương Hạ; Ngày xưa, nơi đây là cửa rừng); giữa nông thôn và thành thị; giữa truyền thống và hiện đại (Trang trại lúc hoàng hôn, Bản kháng án bằng văn); giữa con người và môi trường tự nhiên (Nơi hoang dã đồng vọng). Cảm hứng đối thoại hiện diện trong tập truyện ngắn rất đa dạng, phong phú về hình thức: khi diễn ra âm thầm qua lối ứng xử của nhân vật (Người ở bến sông Châu, Nơi hoang dã đồng vọng), khi lại xuất hiện cụ thể từ lời dẫn truyện (Đêm làng Trọng Nhân) hoặc là câu hỏi cần phải giải đáp vang lên từ nhan đề truyện (Tuổi thơ con ở đâu?). Có thể khẳng định, dù trực tiếp hay gián tiếp trong cách thể hiện, cảm hứng đối thoại là mạch dẫn làm sâu sắc tính vấn đề mà nhà văn Sương Nguyệt Minh đặt ra trong tác phẩm của mình. Và cũng thật khó khi khu biệt một cách giản đơn mạch cảm hứng này trong một tác phẩm bởi cái nhìn đa chiều của nhà văn trước hiện thực bề bộn, phức tạp của cuộc sống xã hội.

   Trong tập truyện Người ở bến sông Châu, Sương Nguyệt Minh tập hợp một số tác phẩm viết về cuộc sống của người lính thời hậu chiến (Người ở bến sông Châu, Đêm làng Trọng Nhân, Bản kháng án bằng văn). Trước Sương Nguyệt Minh, có nhiều nhà văn viết về cuộc sống, số phận của những người lính bước ra từ chiến trường như Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu), Nguyễn Minh Châu (Bức tranh, Chiếc thuyền ngoài xa), Chu Lai (Ăn mày dĩ vãng), Trung Trung Đỉnh (Tiễn biệt những ngày buồn, Ngõ lỗ thủng)… Hiện thực cuộc sống đòi hỏi những người lính phải thích nghi với tình hình mới, những mối quan hệ mới mà không phải ai cũng có thể vượt qua và không ít người rơi vào cảnh bế tắc. Để giữ được phẩm chất tốt đẹp của mình, họ phải gồng lên chống chọi, gánh chịu những thiệt thòi. Truyện ngắn Người ở bến sông Châu, Đêm làng Trọng Nhân của Sương Nguyệt Minh cũng nằm trong mạch chảy này. Đặt nhân vật của mình trong bi kịch gia đình, tình yêu, nhà văn hướng tới khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của những người lính. Nhân vật dì Mây (Người ở bến sông Châu) trở về sau chiến tranh đúng vào khi đám cưới của người yêu đang diễn ra. Bi kịch nảy sinh không đến từ con người mà đến từ cuộc chiến tranh khốc liệt (tin báo về gia đình, làng xã là dì Mây đã hi sinh). Cảm hứng đối thoại trong câu chuyện cất lên từ thái độ và cách ứng xử của những người trong cuộc. Chứng kiến cảnh ồn ào “người ra, người vào tấp nập, cười nói, chúc tụng vang một góc làng”5 khiến dì Mây rơi vào trạng thái tủi hận, “bẽ bàng, cô đơn”. Thứ “ánh sáng hạnh phúc của người tình xưa chiếu vào tận sâu thẳm của lòng dì. Nó như muôn vàn mũi kim nhọn châm, chích vào trái tim dì đang rỉ máu…”6. Thiết tưởng hạnh phúc ngọt ngào với người trở về sau khi đã hi sinh, cống hiến tuổi xuân cho độc lập thống nhất, hòa bình của dân tộc? Song thực tế nghiệt ngã đã đẩy nhân vật dì Mây rơi hết vào bi kịch này đến bi kịch khác, từ bi kịch của cá nhân (đau đớn tột cùng khi phải chấp nhận từ bỏ hạnh phúc đáng có của mình để không phải trở thành kẻ đi cướp đoạt hạnh phúc của người con gái khác) đến bi kịch gia đình (chấp nhận nuôi con thay người chị dâu thứ vừa qua đời để không làm tổn thương tới người thân). Lỗi tại hoàn cảnh? Có. Lỗi tại con người? Có. Giá trị nhân văn cao đẹp toát lên từ hành động, suy nghĩ, cách ứng xử của người lính. Câu chuyện có kết thúc mở, gợi lên hi vọng về cuộc sống tốt đẹp từ tình yêu trong sáng, thủy chung của một người lính vẫn luôn hướng về dì Mây. Song biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong lòng người đọc đòi hỏi phải đối thoại mà khó có câu trả lời.

   Truyện ngắn Đêm làng Trọng Nhân là cuộc đối thoại trong đối thoại để khẳng định vẻ đẹp, nhân cách cao thượng của con người Việt Nam. Câu chuyện là sự lý giải một cách thỏa đáng cho câu hỏi của Giôn Mắc Cơ: “Người Mĩ đi qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam không cắt nghĩa được vì sao họ là kẻ chiến bại. Phải chăng họ không hiểu được Việt Nam? người Việt Nam?”7. Với cách dẫn chuyện có duyên, vừa nhẹ nhàng, tinh tế của người bên thắng trận vừa sâu sắc của người đã gánh chịu nhiều đau thương trong cuộc chiến, Sương Nguyệt Minh đã lý giải tận cùng nguyên nhân khiến nước Mĩ thất bại trong cuộc chiến ở Việt Nam. Đó là phẩm chất cao quý, là nhân cách đáng trọng của con người Việt Nam: yêu hòa bình, sẵn sàng chịu đựng, hi sinh để mang lại hạnh phúc cho gia đình, dòng họ, đất nước. Đó là hành trang của con người Việt Nam luôn mang trong mình qua những năm tháng trường kỳ chống Mĩ. Đúng như Giôn Mắc Cơ thừa nhận: “Các ông đi qua cuộc chiến tranh bằng chính tâm hồn của các ông, tâm hồn con người Việt Nam. Bây giờ tôi mới cắt nghĩa được vì sao nước Mĩ thua. Bởi nước Mĩ không bao giờ có được một đêm như vậy: Đêm làng Trọng Nhân8. Ẩn sau cuộc đối thoại mang tính quan phương này là cuộc đối thoại giữa người lính với gia đình, quê hương trong Đêm làng Trọng Nhân - là cách ứng xử nhân văn, cao thượng của anh thương binh Trường đối với gia đình, làng xóm. Chiến tranh đã cướp đi của anh khuôn mặt lành lặn và thay vào đó là khuôn mặt “thô, ráp, xù xì”, mỗi khi sờ vào thì “cảm giác của tay anh” là “khuôn mặt đã chết”9. Cũng vì khuôn mặt đáng sợ ấy mà Trường đã lẩn trốn gia đình, giấu bặt tin tức dù chiến tranh đã kết thúc, dù gia đình mòn mỏi ngóng trông. Nhưng tình yêu quê hương, gia đình đã đưa anh trở về sau cuộc đấu tranh trong sự mặc cảm, lo lắng về khuôn mặt đáng sợ và cuộc sống nhiều gánh nặng của mình. Cảm hứng đối thoại được đặt trong tình huống trở về đã tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện. Theo bước chân người lính, người đọc không khỏi hồi hộp trước từng hành động, suy nghĩ, ký ức, hồi tưởng của Trường. Cách ứng xử của Trường là biểu hiện một cuộc đối thoại nội tâm rất hồn nhiên, chân thực. Lòng anh “thắt lại” khi nghe tin vợ mình (O Thương) sắp được gả cho anh giáo Mười. Dù ẩn mình trong hình hài khác lạ và cách giả giọng miền Trung nhưng bên trong anh lại là một thế giới khác: “Anh hoang mang. Tim anh đập loạn xạ. Phải về thôi! Về ngay nhà. Thương ơi! Tất cả hãy dừng lại. Anh đang về với em đây…”10. Đó là cuộc đối thoại diễn ra trong tâm hồn của người lính giữa một bên là khát vọng yêu thương trong dòng ký ức ấm áp về gia đình với một bên là ý thức chạy trốn bởi mặc cảm về hình hài biến dạng đáng sợ và gánh nặng của mình mang lại cho gia đình: “Tai Trường ù đi. Chiến tranh. Xa cách. Mất mát. Chia ly và chiến thắng. Anh rùng mình nhớ lại: ánh mắt trố ra kinh ngạc của cô gái, lời nói bà Còm, tiếng kêu thất thanh của thằng bé, cái mặt ông ác, tiếng nói của cha. Lòng anh quặn lại. Ngôi nhà anh bỗng trở nên xa lạ quá…”11. Song đó còn là tâm trạng cảm động về những gì gần gụi, quen thuộc, ấm áp của anh trước tình làng nghĩa xóm. Niềm mong mỏi đợi anh trở về thấm đẫm trong từng câu nói của cha, trong bóng hình của mẹ cùng tấm lòng thủy chung của người vợ đã khiến anh trăn trở, cồn cào trong đêm. Ước muốn trở về càng cao thì ý nghĩ dứt áo ra đi càng khẩn trương. Anh “bước đi như trốn chạy” trong nước mắt để lại đằng sau ba bóng người “đang chạy từ làng Trọng Nhân ra ga Giành. Người trẻ chạy trước khá xa. Hai người già chạy sau. Thỉnh thoảng vấp ngã, họ lại đứng lên chạy tiếp…”12.

   Cảm hứng đối thoại là động lực mạnh mẽ để giúp Sương Nguyệt Minh lý giải, cắt nghĩa hiện thực cuộc sống và số phận con người. Sao băng lúc mờ tối, Tuổi thơ con ở đâu?, Bản kháng án bằng văn là những truyện ngắn hướng tới cảnh tỉnh con người. Mỗi truyện ngắn là một bài học giàu ý nghĩa vang lên từ cuộc sống. Ở Sao băng lúc mờ tối, cuộc đối thoại về cuộc sống được bắt đầu từ cuộc trao đổi giữa một ông chủ thành công từ cuộc sống “cơ cực trăm bề” và “cũng vì phẫn chí”: “Có ý chí, nghị lực lại phải biết giữ mình. Em cũng nghiệm ra nhiều khi người ta đi không đúng đường, ở không đúng chỗ. Chỗ mình ở nông thôn cứ cố nhoai ra thành phố là đánh mất mình, có khi xôi hỏng bỏng không”13. Từ đây, bài học về sự vấp ngã của con người được ông lý giải một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Để mưu sinh nơi thành phố, để người yêu đỡ khổ, Văn - chàng sinh viên trẻ trường Dược đã dần lạc vào cuộc tình trái đạo lý bởi thói quen “cơm no bò cưỡi”. Cùng với đó là những ý nghĩ bao biện cho lối sống sòng phẳng: “làm việc mờ ám với Miên (người yêu) nhưng cần thiết cho chị (người tình). Chị đang cần tôi cũng như tôi đang cần chị”14. Tình yêu trong sáng sụp đổ khi Miên bất ngờ gặp Văn đang tập làm “ông chủ một đêm”. Đau đớn ê chề, cảm giác tội lỗi trong Văn nhân lên gấp bội khi bắt gặp “cái nhìn có ngọn lửa căm hờn của Miên dần dần chuyển sang lạnh tanh”15. Dù phải chịu kết cục đau đớn (tình yêu tan vỡ, bỏ dở việc học hành) nhưng Văn vẫn dứt khoát từ bỏ cuộc sống trái đạo lý, trở về với cuộc sống của chính mình. Dù không đánh mất hoàn toàn phẩm chất lương thiện và khát vọng về nghề, song đối với Văn, đây là bài học đắt giá trên con đường trưởng thành. Kết thúc này là tất yếu song trong đó chứa đựng yếu tố phản biện lại quan điểm: “Chỗ mình ở nông thôn cứ cố nhoai ra ngoài thành phố là đánh mất mình”. Vấn đề then chốt quyết định cuộc sống hạnh phúc vẫn là vấn đề con người, cho dù con người không bao giờ tách khỏi hoàn cảnh sống.

   Cảm hứng đối thoại có khi bộc lộ trực tiếp ngay từ tên tác phẩm: Tuổi thơ con ở đâu? Đây là câu hỏi lớn tác động mạnh mẽ và không dễ trả lời trong đời sống xã hội hiện đại. Dù vậy, qua nội dung của truyện, người đọc có thể khẳng định chắc chắn “tuổi thơ con” chỉ có ở nơi không tồn tại sự ích kỷ của bậc làm cha làm mẹ. Chỉ có ở nơi mà trẻ em được quan tâm, yêu thương và tôn trọng. Câu hỏi này hiện hữu trong tác phẩm và trở thành vấn đề lớn, nhức nhối trong xã hội ngày càng hiện đại cùng những áp lực đè nặng lên cuộc sống con người. Câu chuyện không dừng lại ở cuộc đối thoại giữa nông thôn và thành thị trong suy nghĩ của trẻ thơ: “Trăng phố mày đếch đẹp bằng trăng làng tao. Trăng làng tao có chú Cuội ngồi gốc cây đa”16, cũng không dừng lại ở sự đối lập giữa không gian rộng lớn, khoáng đạt của nông thôn cùng những trò vui dân dã với không gian tù túng, chật hẹp, nhốt kín của cuộc sống thành phố. Phải chăng là sự vô tâm, vô trách nhiệm của người lớn đối với con trẻ - một thế giới trong trẻo, dễ tổn thương nhất? Từ một sự việc cụ thể, Sương Nguyệt Minh đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cả xã hội trước những bất an, xuống cấp về đạo đức, thái độ vô trách nhiệm, vô cảm của con người trong đời sống hiện đại. Tiếng chuông cảnh tỉnh ấy đâu chỉ gắn với một gia đình, một hoàn cảnh cụ thể mà dường như đã lan tỏa rộng trong xã hội bởi căn tính ham muốn của cá nhân trước những cám dỗ của xã hội. Ích kỷ đã trở thành căn bệnh trầm trọng của con người và đây cũng là cuộc đối thoại không hề giản đơn để tìm được cái đúng, cái sai. Tũn (tên gọi thân mật trong gia đình) đã phải sống trong cảnh gia đình đổ vỡ. Đây là nguyên cớ khiến cho Tũn luôn phải chịu những ấm ức trong lòng. Cuộc sống của cậu bé chỉ là sự định hướng bởi mong muốn của người lớn. Kết thúc truyện là những giọt nước mắt ân hận cùng những suy tư, ngẫm ngợi về tương lai của con khiến người đọc lại phải suy ngẫm: “Anh nghĩ đến cái nhất thời và cái vĩnh hằng, đến người lớn và trẻ thơ… Một cái tát, cả cuộc đời. Có thể lắm! Con anh không chỉ là như vây. Còn cả tuổi thơ nữa, tuổi thơ làm nên cuộc đời một con người. Nhưng trời ơi! Tuổi thơ con ở đâu???”17.

   Cảm hứng đối thoại chi phối mạnh mẽ thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh từ tình huống nghệ thuật đến các yếu tố cốt truyện, cách xây dựng nhân vật, ngôn ngữ. Để tạo chiều sâu trong mạch đối thoại, nhân vật của các tác phẩm thường được đặt vào các tình huống nhận thức để khai thác. Truyện ngắn Người ở bến sông Châu, nhân vật dì Mây được tác giả đặt vào tình huống trớ trêu phải tự lựa chọn cho mình cách ứng xử của người trở về. Giá như, dì Mây về sớm trước ngày chú San lấy vợ! Giá như chú San - người luôn có tên trong những trang nhật ký của dì Mây những năm tháng ở Trường Sơn cùng những hồi ức, kỷ niệm đẹp… là kẻ phản bội! Giá như, cô Thanh (giáo viên ở xóm bãi bên kia sông) là người đàn bà chẳng ra gì! Ngược lại, họ là những người tốt. Cũng vì vậy, không thể dùng cái tốt này để thay cho cái tốt khác được. Trong tình huống như vậy, dì Mây buộc phải suy nghĩ, lựa chọn cho mình một cách ứng xử sao cho ít tổn thương nhất tới mọi người: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi”18. Có người cho rằng quyết định của nhân vật dì Mây phù hợp, đúng với bản chất, tính cách của người phụ nữ giàu lòng nhân ái, vị tha. Đây là cách lý giải đúng như chưa đủ. Quyết định nhận phần thiệt thòi về mình của nhân vật dì Mây phải là quyết định có từ chính nhận thức về hoàn cảnh của mình. Không dễ gì cho một cô gái mang trong mình vết thương từ chiến trường trở về đồng ý từ bỏ một tình yêu chung thủy với biết bao kỷ niệm đẹp, thơ mộng. Quyết định này phải xuất phát từ nhận thức sâu sắc về nguyên nhân dẫn đến sự tổn thương. Chiều sâu tư tưởng của tác phẩm được gợi mở từ tình huống nhận thức này. Và đây cũng là chìa khóa để giải mã cho cách ứng xử nhân văn của nhân vật dì Mây khi giải quyết những mâu thuẫn trong quá khứ, hiện tại của gia đình, làng xóm. 

   Cảm hứng đối thoại cũng tác động mạnh mẽ tới cách xây dựng nhân vật trong tập truyện ngắn Người ở bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh. Độc giả cũng không phải quá mất công tìm ở thế giới nhân vật phẩm chất tốt hay xấu, cá tính mạnh mẽ hay nhút nhát. Cảm hứng đối thoại khiến nhân vật của ông phải lựa chọn cho mình một hướng đi, một lối ứng xử trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Ở Đêm làng Trọng Nhân, nhân vật phải lựa chọn cho mình một “vai diễn” để mong muốn cho gia đình, bà con hàng xóm không phải chịu nỗi ám ảnh, sợ hãi bởi gương mặt của mình “thô, ráp, xù xì” có cảm giác như “khuôn mặt đã chết”. Đó là “vai diễn” của một người chiến sĩ có tấm lòng cao thượng. Đó cũng là “vai diễn” khó khăn nhất trong cuộc đấu tranh dữ dội trong nội tâm nhân vật giữa một bên là tấm lòng yêu thương cha mẹ, nỗi nhớ, tình yêu da diết đối người vợ thủy chung, đẹp người đẹp nết với một bên là tâm trạng lo lắng, “chạnh lòng, tủi thân” khi gia đình, làng xóm nhận ra khuôn mặt đáng sợ của mình. Cái “giật mình” cùng đôi mắt “mở to kinh ngạc” và sự sợ hãi của cô bé hàng nước khi nhìn thấy khuôn mặt của Trường. Anh lại nghĩ về cảm giác hoảng loạn, tiếng kêu “sợ hãi” cùng câu nói của Thương khi bất chợt nhìn thấy bộ mặt của “Ông ác” trong đêm: “Anh ơi! Anh đừng là ông ác nhé”. Hành động chạy trốn của Trường (cuối tác phẩm) dù đã mờ mờ cảm nhận được về “vai diễn” đã bị lộ là hành động được chi phối từ cảm hứng đối thoại. Đó là sự đối thoại giữa tác giả với bạn đọc về một kết thúc có hậu hay không có hậu, đã phải là hành động mang tính nhân văn không? Song đó lại là câu trả lời, là sự cắt nghĩa đầy đủ cho thắc mắc vì sao người Mĩ thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam của Giôn Mắc Cơ.

   Ngôn ngữ trong tập truyện Người ở bến sông Châu cũng là ngôn ngữ bị chi phối bởi cảm hứng đối thoại. Ngôn ngữ đối thoại hay độc thoại thường hướng vào thế giới nội tâm phong phú, phức tạp của nhân vật. Nhân vật của Sương Nguyệt Minh thường xuất hiện những suy ngẫm, hồi tưởng, liên tưởng trước những tình thế cụ thể. Trong Đêm làng Trọng Nhân, tác giả sử dụng ngôn ngữ độc thoại dài để diễn tả trạng thái hồi hộp mong nhớ của nhân vật Trường. Đó là dòng liên tưởng của Trường khi gặp mẹ, gặp cha và người vợ chung thủy của mình. Các câu hỏi và dự kiến trả lời: “Gặp mẹ như thế nào nhỉ… Còn bố nữa… Còn Thương nữa…” đã diễn tả cảm giác hân hoan trong mơ ước về ngày đoàn viên của Trường. Đó là ngày người lính trở về với khuôn mặt lành lặn trong niềm vui chiến thắng. Song đó cũng là trạng thái tâm lý ngăn cản mạnh mẽ ý nghĩ trở về của Trường. Hay đoạn kết trong câu chuyện Tuổi thơ con ở đâu?, sau những giọt nước mắt ân hận của người cha là các câu hỏi chưa có câu trả lời hiện lên trong suy nghĩ của nhân vật: “Anh nghĩ đến cái nhất thời và cái vĩnh hằng, đến người lớn và trẻ thơ… Một cái tát, cả cuộc đời. Có thể lắm! Con anh không chỉ là như vậy. Còn cả tuổi thơ nữa, tuổi thơ làm nên cuộc đời một con người. Nhưng trời ơi! Tuổi thơ con ở đâu?”19.

   Với cảm hứng đối thoại, Sương Nguyệt Minh đã tạo ra dấu ấn riêng của mình trong tập truyện ngắn Người ở bến sông Châu. Cảm hứng đối thoại xuất hiện đa dạng ở nhiều cấp độ tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nội dung phản ánh đời sống của tác phẩm. Cùng với đó, chi phối mạnh mẽ thế giới nghệ thuật và mở ra chiều sâu trong nhận thức của người đọc. Quan trọng hơn, cảm hứng đối thoại đã tạo cho nhà văn Sương Nguyệt Minh mối quan hệ dân chủ, bình đẳng với bạn đọc trước mọi vấn đề của cuộc sống và con người.

 

 

 

Chú thích:
1, 3 Lê Thiếu Nhơn: “Văn chương phải chạm tới thân phận con người”, ngày 13/11/2015, nguồn: http://www.lethieunhon.vn/2015/11/van-chuongphai-cham-toi-than-phan-con.html
2, 4 Nhật Anh: “Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Chiến tranh và người lính không phải độc quyền của người viết đã qua trải nghiệm”, ngày 17/7/2022, nguồn: https://nguoihanoi.com.vn/nha-van-suongnguyet-minh-chien-tranh-va-nguoi-linh-khongphai-doc-quyen-cua-nguoi-viet-da-qua-trai-nghiem -535.html
5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 Sương Nguyệt Minh (2016), Người ở bến sông Châu (Tập truyện ngắn), NXB Phụ nữ, tr. 8, 10, 248, 269, 250, 251, 256, 269, 200, 216, 220, 105, 121, 8, 121.

Bình luận

    Chưa có bình luận