Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) diễn ra trang nghiêm và đầy xúc động.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Trưởng Ban Tổ chức tang lễ, cho biết đã có gần 6.000 đoàn đại biểu, đại diện các cơ quan đoàn thể Trung ương, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, các tổ chức, cá nhân trong nước và 100 đoàn đại biểu quốc tế, gần 200.000 đồng bào, đồng chí, đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (TP Hà Nội), Hội trường Thống nhất TPHCM và tại xã Đông Hội (huyện Đông Anh, TP Hà Nội).
Ngoài ra, gần 500.000 lượt người dân, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang truy cập, gửi lời chia buồn qua sổ tang điện tử.
Nhiều lãnh đạo các nước, bạn bè quốc tế đã đến viếng, gửi điện chia buồn với Đảng, Nhà nước, nhân dân và gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường (Ảnh: Mạnh Quân).
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp"
Đọc điếu văn tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân; mang phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Theo Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng, dân tộc và nhân dân. Đất nước mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú.
Điểm lại những dấu mốc trong cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết trong gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Chủ tịch nước Tô Lâm xúc động đọc Điếu văn trong Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Mạnh Quân).
Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở ra chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam với đối tác quốc tế, thúc đẩy tình hữu nghị, tăng cường sự đóng góp của Việt Nam bằng nhiều cam kết, hành động thiết thực, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền cảm hứng mãnh liệt, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cảm hứng ấy đến từ trí tuệ, tinh thần nhân văn, nhân ái cao cả, bằng ý chí, quyết tâm mạnh mẽ, bằng nhân cách và danh dự người chiến sĩ cộng sản hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tâm niệm "Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất".
Đặc biệt, theo Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng.
"Đây là cuộc chiến chống giặc nội xâm vô cùng gian nan vất vả, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, khẳng định vai trò tiên phong, bản lĩnh, trí tuệ, để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh", Chủ tịch nước nêu trong Điếu văn.
Bên cạnh đó, với nhãn quan chính trị sâu sắc, nhạy bén, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng tầm tư duy chiến lược, tạo bước phát triển mới cho nền quốc phòng, an ninh và đối ngoại Việt Nam.
Ông luôn coi Quân đội, Công an đoàn kết gắn bó như "hai cánh của một con chim", như "thanh kiếm và lá chắn", chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. (Ảnh: Mạnh Quân).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát huy vai trò tiên phong của nền ngoại giao toàn diện, hình thành và lãnh đạo thực hiện hiệu quả nghệ thuật ngoại giao thời đại mới mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" trên cơ sở cốt cách con người Việt Nam "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", "hòa hiếu", "lấy chí nhân thay cường bạo".
Dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm trên trường quốc tế; không ngừng hội nhập sâu rộng, toàn diện vào nền chính trị quốc tế, nền kinh tế thế giới và nền văn minh nhân loại.
Tên tuổi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sáng mãi trong lịch sử vẻ vang
Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, trọn cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mang hết tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết cách mạng, làm việc đến hơi thở cuối cùng, tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho nước, cho dân; khẳng định một nhân cách lớn, sống trọn cuộc đời vì nước, vì Đảng, vì dân.
"Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, lối sống giản dị, liêm khiết, chân thành, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, sâu sát, quyết liệt, nhất quán giữa nói và làm, tôn trọng và yêu thương con người, rất đỗi gần gũi với nhân dân", theo lời điếu văn.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Ảnh: Mạnh Quân).
Chủ tịch nước khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự là hạt nhân quy tụ đoàn kết, thống nhất trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài kính trọng, tin tưởng và tự hào, được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao.
Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi nhưng tên tuổi và sự nghiệp, công lao và cống hiến, tài năng và đức độ của Tổng Bí thư sẽ còn sáng mãi trong lịch sử vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, trong sự tri ân của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, trong tình cảm của bạn bè quốc tế.
"Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà Đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh", Chủ tịch nước xúc động trước khi kết thúc lời điếu văn dành cho người lãnh đạo đặc biệt xuất sắc - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu đáp từ, ông Nguyễn Trọng Trường, con trai cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chia sẻ nỗi đau sâu sắc của gia đình khi Tổng Bí thư từ trần, đặc biệt là nỗi đau của Phu nhân Ngô Thị Mận.
"Từ khi bố chúng cháu lâm bệnh đến tận những giây phút cuối cùng và trong suốt quá trình tổ chức tang lễ, gia đình nhận được rất nhiều tình cảm động viên, chia sẻ chân thành, giúp đỡ tận tình. Mẹ cháu và toàn thể gia đình xin bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc, chân thành nhất", ông Trường nói.
Linh xa đưa thi hài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua phố Tràng Tiền (Ảnh: Trần Thanh).
Sau một phút mặc niệm dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đoàn khách quốc tế cùng gia đình và nhân dân, lần lượt đi vòng quanh linh cữu tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Ngô Thị Mận, Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các con cháu, không ngừng bật khóc khi đi quanh linh cữu Tổng Bí thư. Ở bên dưới, những giọt nước mắt cũng bắt đầu rơi, nhiều người không kìm được xúc động trong Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
13h53, đoàn xe nghi lễ chở di hài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời Nhà tang lễ Quốc gia để về Nghĩa trang Mai Dịch, nơi an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nguồn: dantri.com.vn