VỀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG ''TRUYỆN KIỀU'' CỦA NGUYỄN DU*

Với các phương pháp nghiên cứu chủ yếu: bám sát ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật, nghiên cứu trong tính chỉnh thể - hệ thống, gắn không gian nghệ thuật với cái nhìn con người, nghiên cứu đối tượng trong quan hệ so sánh, công trình ''Thi pháp Truyện Kiều'' của GS, TS Trần Đình Sử đã thể hiện được cái nhìn lịch sử cụ thể mang tính hệ thống khi khám phá chiều sâu không gian nội cảm có ý nghĩa nhân sinh mang tính phổ quát của ''Truyện Kiều'' - tập đại thành của thơ ca Việt Nam thế kỷ XVIII.

   Nghiên cứu Truyện Kiều không còn là vấn đề xa lạ trong giới phê bình và ngay cả việc nghiên cứu tác phẩm này từ cái nhìn thi pháp (một hướng mới) cũng không phải là quá mới mẻ. Song, đâu là câu trả lời đích thực và tương đối toàn vẹn về chiều sâu cũng như đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm tầm cỡ này thì phải đến những năm cuối thế kỷ XX chúng ta mới xác định được. Một trong những người đưa ra câu trả lời ấy cho văn học Việt Nam là GS, TS Trần Đình Sử.

   Có nhiều lý do khác nhau để lý giải sự đa dạng trong các phương pháp nghiên cứu văn học, trong đó một lý do quan trọng chính là tính đa dạng trong thế giới của bản thân văn học. Và Truyện Kiều - tập đại thành của thơ ca Việt Nam thế kỷ XVIII - đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phê bình cũng như quy tụ nhiều phương pháp nghiên cứu là điều dễ hiểu: từ thi pháp học cổ điển đến phương pháp phê bình khảo cứu của văn học Thái Tây (Phạm Quỳnh), phương pháp biên khảo hiện đại (Dương Quảng Hàm); từ phương pháp tiểu sử và so sánh (Đào Duy Anh) đến so sánh và quy nạp (Hoài Thanh); từ phương pháp hiện thực chủ nghĩa (sau Cách mạng Tháng Tám) đến nghiên cứu thi pháp hiện đại… Có thể nói, từ cổ điển đến hiện đại, Truyện Kiều đã khẳng định được sức hút mãnh liệt và sức sống vĩnh cửu của mình nơi công chúng nghệ thuật.

   Thi pháp Truyện Kiều ra đời là kết quả của quá trình trăn trở, tìm tòi và tốn nhiều công sức. Điều đáng chú ý ở công trình này là đã khẳng định tính khoa học của mô hình thế giới nghệ thuật mà tác giả đã tạo lập từ trước đó (Thi pháp thơ Tố Hữu, 1987). Giá trị của nó được thể hiện ở chính bản thân sự tồn tại như một cẩm nang cho những ai quan tâm đến Truyện Kiều cũng như thi pháp nói chung. Thi pháp Truyện Kiều ra đời cũng chứng minh cho quan điểm toàn diện và hiện đại: “Muốn hiểu tác phẩm như một sáng tạo toàn vẹn thì phải nhìn tác phẩm như một sản phẩm sáng tạo của chủ thể, khám phá ý thức chủ thể trong tác phẩm, xem nó như một hệ thống biểu hiện cụ thể, bao gồm cái nhìn, điểm nhìn, hình thức mang quan niệm”1.

   “Không gian nghệ thuật” trong Truyện Kiều cũng được đặt trong hệ thống đó. Vấn đề quan trọng này đã được nhà nghiên cứu nhìn nhận như một phần không thể thiếu khi khám phá một tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta không thể hiểu con người nếu không hiểu được không gian tồn tại của nó. Điều quan trọng và cũng là điều mang tính nhất quán trong nghiên cứu của GS Trần Đình Sử là “xem xét không gian nghệ thuật như một quan niệm về thế giới và con người, như một phương thức chiếm lĩnh thực tại, một hình thức thể hiện cảm xúc và khái quát tư tưởng - thẩm mĩ, để từ đó lý giải khả năng phản ánh hiện thực của một hệ thống thơ nhất định”2. Bằng sự nhất quán ấy, tác giả đã cho ta thấy một không gian toàn diện mang đầy giá trị nhân sinh, nhân bản của Truyện Kiều.

   1.Không gian nghệ thuật trong Truyện Kiều

   Không phải đến Thi pháp Truyện Kiều, Trần Đình Sử mới có cái nhìn về không gian nghệ thuật. Trước đó, trong Thi pháp thơ Tố Hữu, ông viết: “Trong văn học, nghệ thuật, không gian nghệ thuật chính là hình thức tồn tại chủ quan của hình tượng”3. Đến Giáo trình Dẫn luận Thi pháp học (1998), vấn đề này được đề cập sâu sắc hơn: “Không gian nghệ thuật là mô hình thế giới độc lập có tính chủ quan và mang ý nghĩa tượng trưng của tác giả”4. Theo tác giả, bản chất của không gian nghệ thuật trong tác phẩm “là sự mô hình hoá các mối liên hệ về thời gian, xã hội, đạo đức của bức tranh thế giới thể hiện quan niệm về trật tự thế giới và sự lựa chọn của nhà văn”5. Ở khía cạnh này, chúng tôi muốn nói đến tính thống nhất có sự phát triển trong quan điểm của nhà nghiên cứu. Mặt khác, trong mối quan hệ so sánh với không gian địa lý, vật lý, tác giả khẳng định: “Không gian nghệ thuật có thể xem là một không quyển tinh thần bao bọc cảm thức của con người, là một hiện tượng tâm linh, nội cảm, chứ không phải hiện tượng địa lý và vật lý”6. Từ khái niệm đến biểu hiện và đi sâu tìm hiểu bản chất, đó chính là quy trình và thao tác nghiên cứu có tính thống nhất của Trần Đình Sử. Bằng cái nhìn toàn diện, ông đã cho thấy một thế giới đa dạng trong Truyện Kiều mà ở đó mỗi không gian được khám phá như kết quả cuộc tìm kiếm đầy thách thức trong ý niệm của tác giả.

   Truyện Kiều được nhìn nhận là tiểu thuyết lưu lạc. Vì vậy nét đặc trưng trong không gian của loại tiểu thuyết này là không gian xa lạ (lưu lạc). Đó là không gian mà mọi mối liên hệ của con người đã bị đứt tung, con người không còn nơi bấu víu, trở nên lênh đênh, vô định, trôi dạt, lơ lửng. Trong hoàn cảnh đó, không gian sống của con người bị chia thành hai nửa: quê mình và quê người (tha hương). Và điều đặc biệt mà Trần Đình Sử đã phát hiện ra là cảm quan biên ải luôn thường trực trong nhân vật chính - Thuý Kiều. Đối lập với không gian lưu lạc là không gian giam hãm. Có thể nói cả cuộc đời Kiều chìm trong những giam hãm, sức cản và hàng loạt những cuộc giải thoát, vùng vẫy, bất lực, chiến thắng và đau khổ. Không gian thứ ba mà nhà nghiên cứu nói đến là không gian vũ trụ, “không gian cõi ngoài của sự tam hợp, không gian trong mộng” của hồn ma và ảo giác.

   2. Về phương pháp nghiên cứu của GS Trần Đình Sử

   2.1. Bám sát ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật của nhà văn

   Nghiên cứu theo hướng thi pháp học thực chất là nghiên cứu ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật mang tính quan niệm của nhà văn. Từ đó phát hiện ra thế giới nghệ thuật mà tác giả xây dựng trong tác phẩm. Văn học là nghệ thuật ngôn từ và không có gì trong văn học được thể hiện ngoài ngôn ngữ. Trong khi đó, “không gian nghệ thuật là mô hình của thế giới chủ thể, được biểu hiện bằng ngôn ngữ của các biểu tượng không gian”7. Xuất phát từ quan niệm ấy, nhà nghiên cứu đã bám sát ngôn ngữ - dĩ nhiên là ngôn ngữ nghệ thuật (những từ chỉ không gian, các địa danh…) và các thủ pháp nghệ thuật mà Nguyễn Du đã sử dụng trong Truyện Kiều để nhận định và gọi tên các hiện tượng không gian. Điều này liên quan đến lý thuyết về tín hiệu thẩm mĩ, mà vấn đề trọng tâm là nguồn gốc của nó. Tín hiệu thẩm mĩ được xây dựng từ các yếu tố, chi tiết trong hiện thực và bản thân ngôn ngữ. Những từ ngữ chỉ sự xa cách, phiêu lưu vô định trong chỉnh thể nghệ thuật đã cho thấy không gian lưu lạc bao trùm tác phẩm:

   - “Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”.
   - “Để còn bèo nổi mây chìm vì ai”.
    - “Lỡ làng chút phận thuyền quyên
   Bể sâu sóng cả có tuyền được vay”.
   - “Phận bèo bao quản mưa xa
   Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”.
   - “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo
   Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân…”.

   Những từ với ý nghĩa trực tiếp chỉ không gian quê mình - quê người (tha hương) hay những địa danh khác nhau cũng tạo ra không gian đó:

    “Buồn trông phong cảnh quê người”.
   - “Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu”.
   - “Dặm nghìn nước thẳm non xa
   Biết đâu thân phận con ra thế này”.
   - “Tiễn đưa một chén quan hà
   Xuân Đình thoắt đã đổi ra Cao Đình”.
   - “Sông Tần một dải xanh xanh
   Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan”.

   2.2. Nghiên cứu trong tính chỉnh thể - hệ thống

   Iu.M. Lotman, nhà ký hiệu học nổi tiếng của Liên Xô quan niệm: “Tư tưởng không được chứa đựng trong bất kỳ sự trích đoạn dẫu gọn ghẽ nào, mà được diễn đạt trong toàn bộ cấu trúc nghệ thuật”8. Toàn bộ cấu trúc nghệ thuật ở đây thể hiện tính hệ thống của tác phẩm với sự tập hợp các yếu tố có mối quan hệ qua lại với nhau. Để làm nổi bật không gian nghệ thuật trong Truyện Kiều, nhà nghiên cứu được đặt nó trong tổng thể các phạm trù thi pháp học. Từ con người, mở rộng ra không gian, thời gian với thể tài, hình tượng tác giả và phương thức thể hiện… Mặt khác, tác giả còn chỉ rõ, “những yếu tố hình thức ở cấp độ thấp như vần, thanh, điệu, ngắt nhịp… thì tính nội dung thường mờ nhạt, khó xác định. Hình thức càng ở bậc cao thì tính nội dung càng rõ rệt. Chính vì vậy, việc tìm hiểu tính sáng tạo của Truyện Kiều phải bắt đầu từ những hình thức mang tính chỉnh thể ở bậc cao”9.

   Trong tính chỉnh thể, hệ thống ấy, tác giả còn có cái nhìn nhất quán về tính quan niệm. Đây là cái nhìn bao trùm các nghiên cứu của Trần Đình Sử. Từ ngôn ngữ, chi tiết đến cốt truyện, kết cấu…, nói chung mọi tín hiệu nghệ thuật trong tác phẩm đều được nhà nghiên cứu nhìn nhận ở tính quan niệm của nhà văn. “Không có sự thống nhất trên mọi cấp độ và giữa các cấp độ với nhau thì không thể có được phong cách. Yếu tố tạo nên sự thống nhất ấy không gì quan trọng hơn là quan niệm nghệ thuật”10. Đi tìm quan điểm nghệ thuật và hệ thống biện pháp nghệ thuật tương ứng vốn có trong một tác phẩm thực chất là công việc của nghiên cứu thi pháp tác phẩm. Đó cũng là điều mà Trần Đình Sử đã từng tâm niệm.

   2.3. Gắn không gian nghệ thuật với cái nhìn con người

   Đây là điểm nổi bật, có tính hệ thống trong nghiên cứu của Trần Đình Sử từ Thi pháp văn học trung đại, Con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Thi pháp thơ Tố Hữu đến Thi pháp Truyện Kiều… Thống nhất với quan điểm “không gian nghệ thuật gắn với quan niệm về con người và góp phần biểu hiện cho quan niệm ấy”, nhà nghiên cứu đã luôn gắn việc tìm hiểu không gian nghệ thuật với việc xác định hình ảnh con người trong không gian đó. Trong Truyện Kiều, ta nhận thấy ở mỗi một không gian, Kiều hiện ra với một tư thế, một cảnh trạng khác nhau. Theo tác giả, không gian gắn liền với tư thế ứng xử. Ở không gian lưu lạc, con người buộc phải liều lĩnh, bất chấp tất cả, con người “buộc phải sống bên ngoài các giới hạn và khuôn khổ vốn có của mình, một mình phải đối mặt với thế giới bằng tất cả những gì nó có”11:

   - “Cũng liều nhắm mắt đưa chân
   Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”.
   - “Biết thân chạy chẳng khỏi trời
   Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”.

   Liều lĩnh và bất lực. Trong cái không gian lưu lạc ấy, con người bị đánh bật khỏi địa vị tốt đẹp trong bậc thang xã hội. Con người “như chiếc lá bị bứt khỏi cây, là con chim lìa khỏi đàn, trở thành kẻ bơ vơ, muôn dặm một mình”12. Trong không gian ấy, con người buộc phải bộc lộ những phẩm chất của mình, cả nỗi khổ đau, lòng trung trinh và những bất lực đầy day dứt. Không gian làm bộc lộ con người trong con người (Bakhtin). Trong không gian lưu lạc, chí hướng của con người là hướng về quê cũ, nhớ về nguồn cội:

   - “Bốn phương mây trắng một màu
   Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”.
   - “Tấc lòng cố quốc tha hương
   Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời…”.

   Không gian lưu lạc còn cho thấy con người của gia đình, con người trách nhiệm và niềm xót thương. Không thể quên gia đình, không thể quên người yêu và những kỷ niệm êm đềm, Kiều càng trở nên bơ vơ lạc lõng, cô đơn, cô độc. Đây cũng chính là bi kịch trong cuộc đời đầy bất hạnh của Kiều.

   Không gian vũ trụ, một không gian đặc trưng của văn học viết trung đại. Không gian ấy luôn gắn liền với quan niệm về con người vũ trụ. Trong Thi pháp Truyện Kiều, tác giả không nói rõ điểm này nhưng nếu xâu chuỗi với phần trước đó (“Cái nhìn nghệ thuật về con người”) thì ta sẽ thấy luận điểm ấy thể hiện rất nổi bật: chẳng những khi muốn đổi thay xã hội người ta nói “động lòng bốn phương”, “chọc trời khuấy nước” mà cả khi chỉ làm một bài thơ (“Tay tiên gió táp mưa sa”), khi khóc một người tình (“Vật mình vẫy gió tuôn mưa”), khi đỗ đạt (“Cửa trời rộng mở đường mây”), con người đều được hình dung trong một quy mô vũ trụ, đứng giữa đất trời”13.

   2.4. Nghiên cứu đối tượng trong quan hệ so sánh

   Nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều thực chất là nghiên cứu văn học so sánh. Không chỉ so sánh Truyện Kiều với các sáng tác khác ở các nền văn hóa khác mà theo tác giả, Truyện Kiều là sản phẩm của văn hóa, văn học Việt Nam, cho nên việc so sánh lịch sử trong nội bộ văn học dân tộc cũng rất cần thiết.

   Nghiên cứu và làm nổi bật không gian vũ trụ trong Truyện Kiều, Trần Đình Sử đã so sánh với không gian kịch, không gian ngụ ngôn, cổ tích - những không gian đơn tuyến - và kết luận: “Trong Truyện Kiều, tác giả (tức Nguyễn Du - người viết) đã giã từ không gian kịch để thực hiện một không gian tiểu thuyết đích thực”. Truyện Kiều được nhìn nhận là một tiểu thuyết. Mặc dù còn mang nhiều biểu hiện của kịch (lối trang trí mặt nạ, hồng nhan, mặt sắt, râu hùm, hàm én…), nhưng khác với kịch, “bước tiến tiểu thuyết hóa hiện đại thực sự của Truyện Kiều biểu hiện ở chỗ xóa bỏ khoảng cách xa giữa nhân vật và người đọc và xóa bỏ cách nhìn nhận nhân vật một chiều”14.

   Thao tác so sánh còn được nhà nghiên cứu áp dụng với những địa danh. Những địa danh khác nhau đã làm nổi bật không gian trong Truyện Kiều và điều quan trọng, nó còn cho người đọc nhận thấy sự vận động, di chuyển của không gian, thấy được chiều hướng của không gian nghệ thuật.

   - “Tiễn đưa một chén quan hà
   Xuân Đình thoắt đã đổi ra Cao Đình”.
   - “Sông Tần một dải xanh xanh
   Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan”.

   Những địa danh khác nhau nhưng quen thuộc trong thơ Đường (“Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/ Tây xuất Dương Quan vô cố nhân” - Vương Duy) gợi cảm nhận về số phận luân lạc của bao kẻ tài hoa bạc mệnh, trâm gãy bình tan. Xin lưu ý, ở đây không phải không gian địa lý mà là không gian nội cảm. Không gian ấy “làm ta quên mất đi câu chuyện đang xảy ra ở tại các địa danh xa lạ của Trung Quốc mà nhập thân sống với nhân vật như là đang ở Việt Nam. Từ so sánh liên tưởng đó, Trần Đình Sử đã rút ra nhận định mang tính giả thuyết về đặc điểm không gian nghệ thuật Truyện Kiều: “Bề ngoài là tên đất, phong cảnh phương Bắc, nhưng cảm thức không gian nội cảm khoắc lên trên nó lại là không gian Việt Nam gần gũi, hoặc không gian sống phổ quát của kiếp người”15.

   Không gian nghệ thuật trong Truyện Kiều còn được so sánh với không gian cổ tích: “Khác với không gian của truyện cổ tích là không mang sức cản […], không gian của tiểu thuyết thường là đầy sức cản để thử thách tính tích cực chủ động của con người”. Theo đó, Truyện Kiều đồng thời cũng là tiểu thuyết về khát vọng giải thoát: “Từ trong tâm hồn, cảm thức nhân vật chính của Truyện Kiều luôn luôn sống trong một không gian tù túng, giam hãm và con người ấy luôn khao khát được vùng vẫy, giải thoát, giải phóng”16.

   Có thể nói, các thao tác đã được nhà nghiên cứu phối hợp nhuần nhuyễn, khoa học trong công trình của mình. Ngoài ra, “nguyên tắc của sự lặp lại” các hình thức nghệ thuật cũng được tác giả lưu ý. Chính sự lặp lại của các hình thức không gian tạo thành tính loại hình của không gian nghệ thuật. Từ nhãn quan tổng hợp ấy, tác giả đã đưa ra những nhận định xác đáng về không gian nghệ thuật trong Truyện Kiều.

   3. Kết luận

   Thi pháp Truyện Kiều ra đời là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, công phu, âm thầm và đầy trách nhiệm của nhà nghiên cứu. Thực hiện công trình này, Trần Đình Sử đã có cái nhìn lịch sử cụ thể mang tính hệ thống về đối tượng. Mặt khác, các thao tác ngữ học, tự sự học cũng được vận dụng thích đáng để làm nổi bật đối tượng.

   Không gian nghệ thuật được nhìn nhận như một vấn đề trọng yếu trong việc khám phá tác phẩm văn học. Bằng sự sắc nhạy của tư duy khoa học, Trần Đình Sử đã tái hiện một cách sinh động không gian trong Truyện Kiều với những biểu hiện đa dạng của nó. Từ đó giúp người đọc có được cái nhìn về thế giới đầy phiêu lưu, bất trắc, thế giới của sự cô đơn đầy thách thức đối với cuộc đời Kiều; hiểu được thế giới nội tâm và không gian nội cảm của con người. Phải chăng đó mới là ý nghĩa đích thực của cuộc hành trình khám phá nghệ thuật, khám phá con người?

   Không chỉ dừng lại ở việc phân tích những biểu hiện của không gian nghệ thuật, nhà nghiên cứu còn đi sâu làm nổi bật bản chất của nó và khẳng định: “Truyện Kiều sử dụng những địa danh cụ thể của nước ngoài trong cốt truyện vay mượn nhưng tác giả của nó đã sáng tạo ra một không gian nội cảm với những mẫu gốc có ý nghĩa nhân sinh phổ quát, biến không gian nghệ thuật thành một hình tượng có tầm khái quát nhân loại”17. Đó cũng chính là chiều sâu và sức khái quát lớn mà Trần Đình Sử đã thể hiện nhất quán trong các công trình của mình. Đã có những ý kiến khác nhau xoay quanh Thi pháp Truyện Kiều, khen có mà chê cũng có18. Thiết nghĩ, những con đường mới - nhất là trong bối cảnh nghiên cứu văn học đang thiếu bộ công cụ hữu hiệu - luôn cần được trân trọng. Đó là con đường khoa học, con đường nghệ thuật, những con đường vốn không có điểm dừng. Bài viết được nhìn nhận như một đối tượng khoa học và những kiến giải quanh nó là khách quan. Tính khách quan và khoa học cũng chính là những thu hoạch ban đầu mà tôi nhận được từ các công trình nghiên cứu của GS Trần Đình Sử.

 

 

 

Chú thích:
* Đọc lại Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử.
** Trường Đại học Sài Gòn.

1 , 6, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 Trần Đình Sử (2003), Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục, tr. 6, 143, 6, 7, 149, 146, 128, 156, 151, 156.
2, 3 Trần Đình Sử (2001), Thi pháp thơ Tố Hữu, NXB Văn hóa thông tin, tr. 211, 209.
4, 5, 7 Trần Đình Sử (2005), Dẫn luận Thi pháp học, NXB Giáo dục, tr. 107, 109.
8 Iu.M. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 32.
18 Trần Mạnh Hảo: “Thi pháp Truyện Kiều mang lại điều gì mới mẻ?”, VietNamNet, ngày 07/11/2003.

 

   

Bình luận

    Chưa có bình luận