NHẠC SĨ ĐỖ HỒNG QUÂN VÀ NHỮNG SÁNG TẠO TRONG TÁC PHẨM KHÍ NHẠC

Trên cơ sở phân tích những sáng tạo của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong tác phẩm khí nhạc, bài viết khẳng định tài năng thiên phú, tâm huyết cùng năng lực sáng tạo dồi dào của ông qua những thành tựu âm nhạc thính phòng – giao hưởng Việt Nam.

 

   Nền khí nhạc Việt Nam được hình thành và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ XX và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Các nhạc sĩ Việt Nam bắt đầu từ sự chủ động tiếp thu những kỹ thuật viết nhạc của phương Tây, vận dụng những hình thức âm nhạc cơ bản trong các tác phẩm khí nhạc và phát triển các thủ pháp sáng tác. Một trong những cách phát triển được nhận thấy rõ nhất là sự kết hợp các hình thức âm nhạc cơ bản khác nhau trong cùng một tác phẩm dẫn tới sự hình thành của hình thức hỗn hợp. Hình thức hỗn hợp đã được ứng dụng trong một số tác phẩm âm nhạc thính phòng – giao hưởng Việt Nam, trong các chương nhạc của các tác phẩm lớn cũng như trong các tác phẩm độc lập.

   Hình thức là kết cấu của một tác phẩm âm nhạc được tính bằng thời gian (độ dài) của tác phẩm, chia thành những phần (đoạn) giống nhau hoặc khác nhau về tính chất âm nhạc. Trong mỗi thời đại lịch sử, hình thức âm nhạc luôn bổ sung những điều mới, những thay đổi phù hợp với thẩm mĩ và khuynh hướng của thời kỳ đó. Nếu như lịch sử âm nhạc phương Tây thế kỷ XVII-XVIII đã ghi nhận đây là thời kỳ định hình và phát triển cho những hình thức âm nhạc cơ bản, trở thành mẫu mực cho các thời kỳ tiếp theo với các hình thức như: ba đoạn phức, rondo, biến tấu và đặc biệt là hình thức sonate thì sang thế kỷ XIX-XX, hình thức âm nhạc đòi hỏi tính linh hoạt hơn, có khả năng phản ánh một cách đầy đủ nhất, phong phú nhất sự đa dạng của hiện tượng cuộc sống. Ở thời kỳ này, âm nhạc đề cao tính tự do sáng tạo, hướng tới sự tổng hợp trong nghệ thuật dẫn đến sự hình thành của những hình thức hỗn hợp – là sự kết hợp đa dạng của nhiều hình thức âm nhạc cơ bản khác nhau trong cùng một tác phẩm như: hình thức sonate kết hợp với hình thức biến tấu, hình thức rondo kết hợp với hình thức ba đoạn phức… Sang đến thế kỷ XXI, các hình thức âm nhạc được vận dụng ngày càng phong phú và sáng tạo hơn, với sự kết hợp tổng hợp cả hình thức và thể loại âm nhạc. Hòa chung với dòng chảy của thời đại, các nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp thu, vận dụng sáng tạo và có chọn lọc những thành tựu của âm nhạc thế giới, trong đó có hình thức hỗn hợp.

   Trong số những nhạc sĩ trưởng thành sau năm 1975, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là một trong những nhạc sĩ tài năng, hoạt động âm nhạc trên nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có nhiều tác phẩm thành công và luôn nhận được sự yêu mến, tán thưởng của người yêu âm nhạc với những tìm tòi, sáng tạo trong ngôn ngữ âm nhạc cũng như thủ pháp sáng tác, ông cũng là một trong số ít các nhạc sĩ Việt Nam đương đại sử dụng hình thức hỗn hợp trong khá nhiều tác phẩm khí nhạc của mình.

   Trải dài từ những thập niên 90 và cho đến nay, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân luôn tìm tòi những bút pháp sáng tác mới, hình thức mới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các hình thức âm nhạc khác nhau trong cùng một tác phẩm, đôi khi là kết hợp giữa cả hình thức và thể loại âm nhạc.

   Tác phẩm Rhapsodie Việt Nam viết cho dàn nhạc giao hưởng được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác khi đang tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky, tác phẩm đã đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác của các nhạc sĩ Liên bang Xô viết (cũ) năm 1985. Tác phẩm từng được công diễn lần đầu tiên tại Moscow tháng 6 năm 1985 và lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 6 năm 2012 ở Nhà hát Lớn Hà Nội, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng người Đức Christian Schumann. Tác phẩm gồm 4 phần, mỗi phần có cấu trúc độc lập và thống nhất trong ý đồ, nội dung nghệ thuật.

   Phần IV – phần kết trong bản Rhapsodie Việt Nam được diễn tấu ở tốc độ rất nhanh (vivace) với tính chất âm nhạc tưng bừng, nhộn nhịp như miêu tả không khí ngày hội vui vẻ, náo nhiệt – tác giả đã xây dựng hình thức rondo tự do trong phần IV của tác phẩm này bởi sự lược bớt sự xuất hiện của chủ đề A (chỉ xuất hiện hai lần thay vì ba lần như hình thức rondo thông thường với sơ đồ đặc trưng: A B A C A), đồng thời cũng mang những đặc điểm nổi bật của hình thức ba đoạn phức – tạo thành hình thức hỗn hợp. Đặc biệt, tác giả đã dành cho bộ gõ một vị trí quan trọng trong phối khí.

   Chủ đề của phần này (A) được trình bày và nhắc lại mang tính biến tấu, đậm tính chất vũ khúc.

   Ví dụ 1: Đỗ Hồng Quân, Phần IV Rhapsodie Việt Nam, Chủ đề A:

   Đoạn chen thứ nhất (B) phát triển chất liệu tiết tấu và mô phỏng lại nét giai điệu từ chủ đề A, cũng có cùng tính chất vũ khúc giống với chủ đề A.

   Đoạn chen thứ hai (C) là trung tâm của hình thức, có khuôn khổ lớn nhất trong toàn chương nhạc – thể hiện nhịp độ dồn dập ngày càng tăng, biên chế dàn nhạc thu hẹp lại, hầu như chỉ do bộ gõ đảm nhiệm trên nền đệm điểm xuyết của trompette và bộ dây mang đậm âm hưởng dân ca Ê Đê.

   
Ví dụ 2: Đỗ Hồng Quân, Phần IV Rhapsodie Việt Nam, Đoạn chen thứ hai C:

   Chủ đề chính (A) xuất hiện lần thứ hai có chức năng “kép”, vừa họa lại âm điệu của chủ đề chính vừa có vai trò như phần coda – tóm tắt lại những đường nét, chất liệu chính của cả đoạn chen B và C.

Sơ đồ hình thức Phần IV – phần kết trong bản Rhapsodie Việt Nam:

   Ở phần IV trong tác phẩm Rhapsodie Việt Nam, chủ đề A cấu trúc ở hình thức đoạn nhạc nhắc lại có tính biến tấu. Chen giữa các lần nhắc lại biến tấu chủ đề là 1 nhịp nối do các nhạc cụ gõ diễn tấu – đây như một bước chuẩn bị, một lời giới thiệu trước vai trò quan trọng của nhóm nhạc cụ này sẽ được bổ sung thêm biên chế ở những phần sau của chương nhạc. Đoạn chen B có khuôn khổ nhỏ, phát triển chất liệu tiết tấu và mô phỏng lại nét giai điệu từ chủ đề A – tựa như một đoạn nhạc phát triển từ A mà thôi. Tác giả đã để đoạn chen C – trung tâm của hình thức – xuất hiện ngay sau đoạn chen B mà không nhắc lại chủ đề chính A theo đúng nguyên tắc của hình thức rondo. Đoạn chen C giống như một đoạn cadenza dành riêng cho bộ gõ, tính chất âm nhạc của phần này không tương phản với chủ đề chính A và đoạn chen B mà tiếp tục hòa vào không khí nhảy múa, tưng bừng, nhộn nhịp chung của toàn chương nhạc. Điều này khẳng định tính thể loại của hình thức rondo trong chương nhạc này (mặc dù thiếu vắng một lần xuất hiện chủ đề), đồng thời vẫn đề cao tính tự do trong cấu trúc – đặc điểm chủ đạo của loại hình rhapsodie. Tác phẩm cũng mang những đặc trưng rõ nét của hình thức ba đoạn phức với phần giữa tương phản trong thủ pháp phối khí dẫn tới phần tái hiện rút gọn.

Ví dụ 3: Đỗ Hồng Quân, Hòa tấu 95 cho hai piano, Chủ đề A:

Sơ đồ hình thức của Hòa tấu 95 cho hai piano:

     Tác phẩm Hòa tấu 95 cho hai piano của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân được viết trong những năm đầu của thập niên 90 cũng sử dụng hình thức hỗn hợp trong cấu trúc, đó là sự kết hợp giữa hình thức rondo và hình thức ba đoạn phức, đồng thời còn biểu hiện một bút pháp sáng tạo mới, dân tộc mà hiện đại.

   Tác phẩm được xây dựng theo tiết tấu có cấu trúc tự do (nhưng vẫn có chu kỳ trong cách phân ngắt), không ghi chỉ số báo nhịp (chỉ đánh số thứ tự trong tổng phổ), có phần xác định đuợc điệu tính, có phần không rõ điệu tính. Tính chất âm nhạc căng thẳng, dồn dập với thủ pháp đi canon, điệp quãng tám giữa hai tay, mang tính ngẫu hứng, làm nổi bật tính thể loại của tác phẩm.

   Với sơ đồ trên, có thể thấy chủ đề A xuất hiện 3 lần (mỗi lần nhắc lại chủ đề đều có sự thay đổi, mang tính biến tấu), xen kẽ chủ đề là những đoạn chen tương phản hình thành nên hình thức rondo. Tuy nhiên, giữa đoạn chen C và đoạn chen D, tác giả đã lược bỏ bớt lần họa lại chủ đề mà thay vào đó là đoạn nhạc nối mô phỏng từ âm hình tiết tấu của chủ đề, không ổn định về chất liệu mà chỉ mang dáng dấp của chủ đề. Nếu nhóm 6 phần của tác phẩm Hòa tấu 95 cho hai piano làm ba nhóm dựa trên mối quan hệ về tính chất âm nhạc giữa các phần với nhau sẽ thấy những đặc điểm cơ bản của hình thức ba đoạn phức, đó là:

   Với hình thức hỗn hợp và bút pháp có nhiều cách tân, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã tiếp cận với tư duy sáng tạo của đời sống âm nhạc đương đại.

   Bản Nocturne Tiếng vọng – thuộc thể loại nocturne symphonie – được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác xuất phát từ sự đồng cảm và rung động sâu sắc khi đọc bài thơ Tiếng vọng của nhà thơ Trương Quang Được. Tác phẩm này đã đồng thời nhận được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và giải thưởng của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1995 cho những tác phẩm xuất sắc viết về đề tài chiến tranh.

   Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng sử dụng hình thức hỗn hợp trong bản Nocturne Tiếng vọng viết cho dàn nhạc giao hưởng mang âm hưởng trữ tình, lãng mạn, miêu tả vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên và những cảm xúc của tác giả khi nhìn lại quá khứ chiến tranh:

   “Một nếp nhà tranh bên sông vắng
   Một chiếc thuyền nan chở đầy trăng
   Ai đó chờ ai trong im lặng
   Đã mấy xuân rồi dứt chiến tranh”.

   Từ những vần thơ tràn đầy cảm xúc của tác giả Trương Quang Được, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lấy cảm hứng làm đề từ cho tác phẩm Nocturne Tiếng vọng của mình. Tác phẩm được viết ở hình thức hỗn hợp giữa ba phần và biến tấu, đồng thời có sự kết hợp giữa thể loại nocturne và thơ giao hưởng, mỗi phần đều có tiêu đề riêng.

Sơ đồ của tác phẩm:

   Phần mở đầu - Largo với tiêu đề Cảnh đêm trăng mang đậm tính trữ tình. Ở đây nhạc sĩ đã vẽ nên một khung cảnh thiên nhiên mờ ảo của ánh trăng dát vàng trải dài trên mặt nước trong một không gian tĩnh lặng với âm hưởng của bassoon, bộ đồng, cello và contrabass. Phần mở đầu có hai giai đoạn, ở giai đoạn 2 có thêm sự tham gia của đàn piano với những nét lướt tựa như âm hình sóng nước.

Ví dụ 4: Đỗ Hồng Quân, Nocturne Tiếng vọng cho dàn nhạc giao hưởng, Phần trình bày A, đoạn chen.

Ví dụ 5: Đỗ Hồng Quân, Nocturne Tiếng vọng cho dàn nhạc giao hưởng, Phần C, giai đoạn 1, đoạn a.

    Ở Phần A - Adagio Trăng tình yêu được viết ở hình thức ba đoạn đơn phát triển. Nếu như chủ đề âm nhạc của đoạn a tiếp nối tính chất âm nhạc trữ tình của phần trình bày thì đoạn b với sự tăng cường nhạc cụ ở bộ gỗ và kèn horn khiến cho âm nhạc tươi sáng và rộn ràng hơn.

   Tác giả đã sử dụng một đoạn chen với chất liệu hoàn toàn mới – tươi vui nhí nhảnh - tương phản với tính chất âm nhạc chung ngay sau đoạn b bởi sự kết hợp giữa âm hưởng của điệu Fa Nam Ai và gam toàn cung mang màu sắc mới lạ.

   Phần B - Allegretto - với tiêu đề Tiếng vọng chiến trường xưa gồm hai giai đoạn mang đậm tính kịch, tính không ổn định, thể hiện những tâm tư xáo trộn.

   Phần C – Andantino sostenuto Khúc tưởng niệm được viết ở hình thức biến tấu hỗn hợp. Giai đoạn 1 là ở hình thức biến tấu trên cơ sở bè trầm cố định. Âm nhạc diễn tả những cảm xúc dâng trào trong nội tâm khi hồi tưởng về những mất mát trong chiến tranh.

   Giai đoạn 2 sử dụng thủ pháp biến tấu tự do, phong phú về chất liệu rồi quay lại Chủ đề a - tái hiện nguyên dạng. Nối sử dụng những trường độ ngân dài dẫn dần sang phần tái hiện của toàn tác phẩm.

   Phần tái hiện rút gọn quay trở lại âm hình mờ ảo bảng lảng của hình tượng “Trăng”, giữ nguyên sơ đồ hình thức giống như phần trình bày.

   Coda với tiêu đề Mẹ Việt Nam – tượng đài thế kỷ nhắc lại nét nhạc của phần mở đầu trên gam toàn cung, tạo tính thống nhất cho toàn tác phẩm.

   Ở tác phẩm này, với sự kết hợp giữa các hình thức âm nhạc cơ bản rất phong phú, ngoàira, chúng ta còn thấy sự kết hợp về thể loại giữa nocturne – với đặc điểm ca xướng trữ tình thể hiện những ước mơ, gợi sự yên tĩnh, những hình tượng về đêm kết hợp với thể loại thơ giao hưởng một chương.

   Tác phẩm Concerto Trống hội cho piano và dàn nhạc được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hoàn thành và dàn dựng năm 2018. Tác phẩm thuộc thể loại concerto một chương được viết ở hình thức hỗn hợp giữa ba đoạn phức với hình thức sonate và thể loại concerto. Tác giả sử dụng nhịp hỗn hợp với tốc độ liên tục thay đổi trong toàn bộ tác phẩm.

   Phần A với tính chất âm nhạc căng thẳng, dồn dập hoàn toàn tương phản với Phần B như một khoảng lặng đột ngột xuất hiện, tốc độ chậm, đề cao vai trò của bè piano solo, chất liệu âm nhạc mới. Tác giả luôn sử dụng một bè trì tục ở piano solo như để khắc họa hình ảnh đồng quê thanh bình của phần này.

Ví dụ 6: Đỗ Hồng Quân, Concerto Trống hội cho piano và dàn nhạc, Phần B, đoạn a

    Phần C là trung tâm của hình thức gồm hai giai đoạn.

   Giai đoạn 1 là biến thể từ motive tiết tấu nhân tố 2 của phần trình bày. Sau nét lướt ở bè piano, tác giả đã bổ sung thêm các âm hình tiết tấu mới trên nền đệm của nhóm tiết tấu đảo phách từ phần trình bày, âm nhạc hoan ca và tươi sáng

   Giai đoạn 2 đề cao vai trò của bộ đồng và bộ gỗ tạo sự tương phản về màu sắc phối khí, bè piano và bộ dây với những nét nhạc lướt bay bổng tạo nên sự đối nghịch về cá tính âm nhạc ở phần này.

   Cadenza đột ngột xuất hiện thể hiện đúng tính chất âm nhạc “Trống hội” như tiêu đề của tác phẩm. Phần này tác giả để cho nghệ sĩ nhạc cụ gõ gồm: timpani, xylophone, percussion và drum set tự đảm trách phần ngẫu hứng với những ghi chú mở.

   Phần tái hiện động được mở rộng về khuôn khổ, xuất hiện hai đoạn chen với chất liệu âm nhạc mới.

   Phần A được tái hiện rút gọn. Sự thay đổi xuất hiện bởi đoạn chen 1 với nét giai điệu chính ở bộ gỗ trên âm hưởng của giọng Fisdur, tutti toàn dàn nhạc với tính chất âm nhạc tràn đầy hứng khởi.

   Coda quay trở về với âm điệu không điệu tính, sử dụng tiết tấu chấm dôi ở bộ dây và bộ gõ tựa như thúc giục, liên tục dẫn tới cao trào kết thúc tác phẩm.

   Có thể thấy trong bản concerto này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã vẽ nên một bức tranh đặc sắc, sắc màu tươi mới nhưng cũng không kém phần lãng mạn với bút pháp ngẫu hứng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các hình thức âm nhạc cơ bản với thể loại concerto, bè piano giữ vai trò dẫn dắt và kết nối các hình tượng âm nhạc khác nhau, bộ gõ giữ vai trò chủ chốt trong phối khí.

   Sử dụng kết hợp nhiều hình thức âm nhạc cơ bản khác nhau trong cùng một tác phẩm là bút pháp xuyên suốt của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trải qua các thời kỳ sáng tác. Sự trao đổi các nguyên tắc và các quy luật giữa các hình thức âm nhạc là một quá trình toàn diện, đổi mới nội dung của cấu trúc, làm phong phú bằng các phương tiện mới và mở rộng hơn các hình tượng âm nhạc, mở ra viễn cảnh không giới hạn để có thể đáp ứng được những trạng thái tình cảm, những hiện tượng sinh động mới của nội dung cuộc sống. Hình thức hỗn hợp trong các tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân còn thể hiện sự kết hợp không chỉ các hình thức âm nhạc cơ bản mà còn cả với thể loại âm nhạc. Âm nhạc với khuynh hướng tổng hợp khả năng của nhiều hình thức âm nhạc, nhiều thể loại âm nhạc khác nhau dường như đã tiếp nhận sự phát triển và phổ cập rộng rãi hơn trong tương lai.

   Hi vọng trong tương lai, nền âm nhạc thính phòng – giao hưởng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc nhằm hội nhập vào dòng chảy chung của nền âm nhạc chuyên nghiệp của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

 

   

 

Bình luận

    Chưa có bình luận