Trên thế giới đã có biết bao lời ngợi ca tốt đẹp về Bác Hồ, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về thân thế và sự nghiệp của Người. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phong phú, bao quát nhiều lĩnh vực: triết học, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, đạo đức... Việc nghiên cứu để hiểu rõ hơn tầm vóc, quy mô, chiều sâu của những di sản quý báu mà Người để lại là công việc rộng lớn, lâu dài, đòi hỏi công phu nghiên cứu của nhiều người, nhiều thế hệ.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, là vì dân, vì nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Điều đó được thể hiện rất cô đọng trong câu nói của Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1. Đó là lý tưởng, là mục tiêu chiến đấu rất kiên định trong suốt cuộc đời cách mạng của Người. Lý tưởng ấy, mục tiêu ấy được hình thành không phải ngẫu nhiên, mà trong những điều kiện lịch sử nhất định: truyền thống của gia đình, của quê hương, của dân tộc; thực trạng của đất nước và của thế giới Người đã sống; lý tưởng của Người được hình thành đầy đủ, có cơ sở khoa học khi Người từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, nghĩa là đến với khoa học cách mạng của thời đại. Điều quan trọng là Người đã đưa lý tưởng vào nhân dân, dẫn dắt nhân dân đi theo lý tưởng ấy. Làm sáng tỏ mục tiêu, lý tưởng mà Người đã lựa chọn là điều rất quan trọng, nhất là trong tình hình các nước xã hội chủ nghĩa đang diễn ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, chủ nghĩa đế quốc đang tiến công quyết liệt vào chủ nghĩa xã hội.
Qua quá trình hoạt động gian khổ, Người đã tìm ra con đường để thực hiện mục tiêu, lý tưởng nói trên. Đó là: gắn chặt độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội mà sau này Đảng ta gọi là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người đã giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế... Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo. Để làm sáng tỏ một cách sâu sắc tư tưởng về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải nghiên cứu nhiều luận điểm của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Con đường cứu nước duy nhất đúng đắn là con đường cách mạng vô sản”, quan hệ giữa cách mạng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở các nước tư bản với hình ảnh con chim hai cánh và hình ảnh con đỉa hai vòi khi nói đến chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù chung của nhân dân lao động các nước tư bản và nhân dân thuộc địa.
Những vấn đề trên chứa đựng nội dung lý luận sáng tạo của Người. Khi nêu ra tư tưởng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, một câu nói ngắn gọn, dễ hiểu nhưng lại chứa đựng nội dung rất phong phú, một chân lý vĩ đại, sản phẩm của quá trình tư duy khoa học lâu dài. Đây không chỉ là sự đúc kết những ước mơ, nguyện vọng, yêu cầu lớn nhất và sâu xa nhất mà còn là sự đúc kết cả những thành công, thất bại, những bài học đấu tranh giành quyền làm chủ đất nước trong hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc ta. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ là mục tiêu, phương châm chỉ đạo cuộc đấu tranh giành độc lập, mà còn là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, động viên nhân dân ta quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tiếng gọi thiêng liêng ấy nảy sinh trên đất nước Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt. Ý nghĩa và tầm vóc của khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã vượt ra khỏi không gian nước ta, và được nhiều dân tộc coi như chân lý của thời đại.
Đảng ta rất coi trọng những giá trị tư tưởng của Người về xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong tình hình đổi mới hiện nay. Người không đưa ra những định nghĩa cao xa về chủ nghĩa xã hội. Qua những khái niệm rất dễ hiểu, chúng ta thấy toát lên quan niệm của Người về xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng đất nước giàu mạnh, sự công bằng cho xã hội, nhân dân lao động là người chủ đất nước, mọi người có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Để đạt được mục tiêu ấy phải tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, kiến trúc thượng tầng. Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ của nhân dân, nên Đảng phải vững mạnh và trong sạch; Nhà nước là của dân, do dân, vì dân; muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa; sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của nhân dân…
Nói đến giá trị tư tưởng, giá trị tư duy lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể không nói đến sự sáng tạo vĩ đại của Người về phương pháp cách mạng. Đó là phương pháp cách mạng tổng hợp. Với phương pháp đó, Đảng ta đã khơi dậy dược mọi tiềm năng, mọi lực lượng đủ sức đánh thắng quân thù. Phương pháp cách mạng tổng hợp không chỉ có giá trị trong chiến tranh, nó còn được vận dụng phù hợp với điều kiện xây đựng chủ nghĩa xã hội.
Giá trị tư tưởng của Người còn được thể hiện rõ nét ở sự chỉ đạo chiến lược, sách lược tài tình. Trong quá trình cách mạng nước ta nảy sinh rất nhiều vấn đề về chỉ đạo chiến lược phải xử lý: mối quan hệ giữa nhiệm vụ chống thực dân và chống phong kiến trong cách mạng dân tộc dân chủ; quan hệ giữa cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam; quan hệ giữa mục tiêu cơ bản và mục tiêu trước mắt; vấn đề tạo thời cơ và nắm thời cơ; vấn đề lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù; vấn đề dành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn... Chỉ đạo chiến lược để giải quyết đúng đắn những vấn đề trên là vấn đề khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự nhạy cảm về chính trị, óc thông minh, sáng tạo, sự dày dặn kinh nghiệm, khả năng đánh giá chính sách tình hình, tính quyết đoán. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta là người tiêu biểu cho những phẩm chất đó, là người thầy về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược và sách lược cách mạng. Hội nghị Trung ương lần thứ tám, năm 1940, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đi tới những quyết định lớn về điều chỉnh chiến lược, trong đó có việc tạm thời gác khẩu hiệu ruộng đất; chủ trương tạo ra thời cơ và nắm thời cơ để tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; Hiệp định Sơ bộ 6/3… là những minh chứng cụ thể về thiên tài chỉ đạo chiến lược, sách lược của Người - những quyết định lịch sử ở những bước ngoặt lịch sử.
Không những là nhà tư tưởng lớn, nhà chiến lược thiên tài mà Người còn là nhà tổ chức vĩ đại. Suốt đời làm công tác tổ chức, khi hoạt động ở nước ngoài cũng như khi hoạt động ở trong nước, Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta, thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất, lực lượng vũ trang nhân dân, sáng lập chính quyền nhân dân. Những quan điểm lý luận trên lĩnh vực tổ chức giữ vị trí rất quan trọng trong những giá trị tư tưởng của Người. Điều đó được thể hiện ở những phương châm, những chủ trương, những biện pháp xây dựng các tổ chức cách mạng, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Người khẳng định: Đảng ta là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước2. Người đề ra quan điểm chiến tranh nhân dân, quan điểm nhân dân là người chủ đất nước từ rất sớm: “Chính quyền từ cơ sở đến Trung ương đều do nhân dân bầu ra, vì nhân dân mà phục vụ”; cán bộ nhà nước là đày tớ của nhân dân chứ không phải là ông quan cách mạng, là tư tưởng chỉ đạo xây dựng nhà nước của nhân dân; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” là tư tưởng vĩ đại chỉ đạo việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân, xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, một nhân tố quyết định những thắng lợi của cách mạng; trong việc tổ chức các lực lượng, toát lên tư tưởng bao trùm: “nước lấy dân làm gốc”3, mọi việc đều do dân và vì dân, nhân dân là lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng.
Cái tạo nên con người Hồ Chí Minh vĩ đại không chỉ ở tư duy lý luận sáng tạo, ở những quyết định chiến lược thiên tài, ở những hoạt động tổ chức kiên trì, bền bỉ rất có hiệu quả, mà còn ở đạo đức, phong cách hoạt động cách mạng của Người. Người là một hình mẫu cao đẹp của con người mới. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nói: Bác Hồ của chúng ta là con người mà “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy quyền không thể khuất phục”, con người “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Toàn bộ cuộc đời của Người toát lên chủ nghĩa nhân văn cao đẹp, chủ nghĩa nhân văn cộng sản.
Đối với người Việt Nam, mỗi khi nói đến Bác Hồ, lòng chúng ta kính yêu và đầy tự hào. Càng tựhào, chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm của chúng ta đối với đất nước.
Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ VI. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn luôn kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, những giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giải quyết kịp thời và đúng đắn những đòi hỏi mà thực tiễn cách mạng nước ta đặt ra.
Chú thích:
* Trích bài phát biểu khai mạc Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản quốc tế”, in trong Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới”, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015, tr. 149-154.
1 Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tập 4, tr. 187.
2 Xem Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tập 12, tr. 406.
3 Xem Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tập 5, tr. 501.