Bên cạnh công tác quản lý với nhiều đóng góp đáng trân quý, sự nghiệp PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị1 chủ yếu ở địa hạt nghiên cứu văn học - văn hóa dân gian Việt Nam. Đặc biệt, với nhiều công trình nghiên cứu về văn học dân gian Nam Bộ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả và nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Như một số công trình: Sen Tháp Mười (1980); Ca dao dân ca Nam Bộ (1984); Truyện cười dân gian Nam Bộ (1989)… Có thể nói, cuộc đời PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị gắn bó với văn hóa - văn học dân gian. Ở đó, tâm hồn ông bộc lộ tình yêu tha thiết dành cho văn hóa truyền thống dân tộc, biểu hiện nổi bật là tình yêu quê hương, tình tự dân tộc xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu văn học của ông.
Trang sách trang đời tập hợp những bài viết tinh túy với hàm lượng khoa học cao đã xác tín phương diện học thuật cũng như toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu của Bùi Mạnh Nhị. Đặc biệt, trang viết của ông ghi nhận sự phát hiện/ cách tiếp cận mới mẻ và khẳng định sự đóng góp của văn học dân gian Nam Bộ vào dòng chảy phát triển của văn hóa truyền thống dân tộc.
1. Khám phá và khẳng định vẻ đẹp văn hóa truyền thống dân tộc
Nhớ về PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị, nhiều thế hệ bạn đọc, nhiều trang lứa học sinh, sinh viên hẳn sẽ nghĩ ngay đến mảng nghiên cứu văn học dân gian của ông. Rõ là, dù vướng bận công việc quản lý, song ông vẫn luôn dành thời gian tập trung - nếu không nói đam mê, vun đắp sự nghiệp nghiên cứu dày dặn. Ngoài ra, ông còn viết tản văn, sáng tác thơ... Thế nhưng, nổi bật nhất trong toàn bộ sự nghiệp trước tác của ông: nghiên cứu văn học dân gian. Ở địa hạt này, độc giả sẽ nhìn thấy đặc điểm xuyên suốt làm “kim chỉ nam” cho ngòi bút của một người du học ở Nga mang tâm hồn Việt đậm đặc cội nguồn dân tộc. Ông đã dùng ngòi bút mạnh mẽ cày xới trên cánh đồng văn chương nhằm phơi ải đất dưới ánh nắng quê nhà nhằm gieo hạt chữ nảy mầm nghĩa trong lòng học trò và bạn đọc về “ý thức dân tộc, ý thức lịch sử”:
“Tổ tiên ta sáng tác câu chuyện này trước hết nhằm giải thích một cách tự hào rằng nguồn gốc dân tộc ta là cao quý (con Rồng, cháu Tiên), con cháu của những người anh hùng, tài giỏi, đẹp đẽ. Truyện đã thần kỳ hóa, thần thánh hóa nguồn gốc dân tộc, giống nòi để chúng ta thêm tự hào, tin yêu, tôn kính tổ tiên mình. Truyện còn cho thấy ý thức dân tộc và ý thức lịch sử của nhân dân ta có từ rất sớm”2.
Yêu kính tổ tiên tạo thành nền tảng đạo hiếu, và cũng là vị trí có nền tảng then chốt trong toàn bộ hệ thống đạo đức nhân sinh của người Việt. Phải chăng, điều này, tạo thành quan niệm “đạo nhà” của Việt khắp ba Miền Bắc - Trung - Nam3; những tôn giáo lớn trên thế giới dẫu du nhập được vào nước Việt tất buộc phải linh hoạt sao cho hài hòa vào đạo nhà. Gia đạo theo lối Nho gia, hay Phật giáo qua câu ca dao “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”, có lẽ phần nào phản ánh sự dung hòa này. Từ trang viết của Bùi Mạnh Nhị, độc giả hẳn cũng nhận được tín hiệu những “hằng số văn hóa” truyền thống dân tộc khác cũng đáng trân quý. Bởi sự khơi gợi cội nguồn dân tộc vừa có thể tác động đến nhận thức để xây dựng ý thức dân tộc, vừa có thể tác động để tình cảm để nâng cao tinh thần tự hào dân tộc. Nhận thức - tình cảm dựa trên cội nguồn dân tộc, thiết nghĩ, có thể góp phần gia tăng tiềm lực giống nòi.
Từ việc phác họa ý thức dân tộc, Bùi Mạnh Nhị đi tới khẳng định tinh thần độc lập tự chủ, khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Đi sâu vào địa hạt văn học dân gian, ông đã khai thác những cơ tầng văn hóa vừa trừu tượng vừa sâu sắc và qua đó, người đọc thấy rằng văn hóa vừa rất trực diện, gần gũi, thiết thực, ích dụng; vừa rất nhất quán, uyên áo, trừu tượng mang tính nguyên lý.
“Có người cho rằng, triết lý “Trời tròn, Đất vuông” là một nét văn hóa muộn màng hội nhập từ Trung Hoa. Không phải thế! Trong Minh triết thiêng thiêng, tập một, Hamvas Bela, một bác học nổi tiếng thế giới, đã viết: “Giữa các dân tộc trên trái đất có một sự thống nhất vô hình, và càng quay lại những thời kỳ xa xưa điều này càng rõ nét hơn… Hình vuông và hình tròn là hình ảnh tượng trưng cổ tự nhiên trong thời kỳ con người còn tư duy bằng hình tượng. Hình ảnh tượng trưng này có thể tìm thấy trong tất cả các truyền thống, ở Ai Cập, Azték, Kelta, Hy Lạp. Hình tròn tượng trưng cho Trời, hình vuông tượng trưng cho Đất. Trong tư duy chung của nhân loại cổ, ông cha ta đã tạo nên cái của riêng mình: làm bánh giầy tượng hình bầu trời, làm bánh chưng tượng hình mặt đất. Cắt nghĩa như thế, cha ông bộc lộ cái nhìn và khát vọng vừa muốn chiếm lĩnh vừa muốn hòa vào, song hành cùng vũ trụ bao la. Chất liệu, hương vị, hình dáng bánh chưng, bánh giầy cũng chứa đựng tấm lòng, tâm tình con cháu tôn vinh công lao cha mẹ, tổ tiên như Trời, như Đất. Lấy cái bao la, mênh mông, cao vô tận và sâu cũng vô tận để diễn tả, gửi gắm những tình cảm, sự suy tôn và biết ơn cũng bao la, mênh mông và cao sâu vô tận. Bánh chưng bánh giầy vui lòng hiếu dưỡng, ấm tình cảm của con người”4.
Những vấn đề sâu xa của cơ tầng văn hóa được Bùi Mạnh Nhị trình bày một cách nhẹ nhàng, giản dị và dễ tiếp nhận cho mọi đối tượng độc giả. Hình tượng bánh chưng, bánh giầy vừa thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, vừa cho thấy vũ trụ quan, gắn liền nhân sinh quan và quan niệm đạo đức (cụ thể đạo hiếu và tục thờ gia tiên)5 . Sự phân tích của ông khiến độc giả liên tưởng đến tinh thần độc lập tự chủ của Ức Trai trong Bình Ngô đại cáo: “Sơn xuyên chi phong vực ký thù,/ Nam bắc chi phong tục diệc dị./ Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc,/ Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương”. Dường như Trang sách trang đời và hầu hết các trang viết của ông đều dung chứa tinh thần độc lập tự chủ, khẳng định chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc rất xuyên suốt, dứt khoát. Tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc gắn bó với bình dân, tắm mình trong tâm hồn dân gian đã khiến cho trang viết của ông luôn phảng phất hương vị quê hương xứ sở và có thể, khơi dậy trong tâm hồn độc giả tình yêu nước nồng nàn.
Với sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, sự nghiệp nghiên cứu văn học dân gian của Bùi Mạnh Nhị còn làm rõ thêm việc giữ gìn bảo vệ bản sắc văn hóa đồng thời với bảo vệ đất nước. Hay nói đúng hơn, từ trong văn học - văn hóa dân gian, ông truyền cảm hứng và kích hoạt làm rõ thêm tình yêu nước như truyền thống ngàn đời được hun đúc để tạo thành ý thức bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt. Từ truyền thuyết Thánh Gióng cho tới truyền thuyết Hồ Gươm, ông lý giải theo hướng khai thác tình yêu nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm. Nhưng chủ thể của tình yêu nước và sự bất khuất này không phải “cá thể” mà “công thể”, tức quần chúng nhân dân.
“Thánh Gióng hiện ra như một con người, một anh hùng cụ thể, song hình ảnh đó chính là biểu tượng về tinh thần yêu nước, sức mạnh, ý chí của cả tập thể cộng đồng trong công cuộc chống ngoại xâm. Phải có hình tượng khổng lồ, đẹp và khái quát như Thánh Gióng mới nói được lòng yêu nước, khả năng và sức mạnh quật khởi của dân tộc”6.
Theo phân tích của PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị, các văn bản văn học dân gian thuộc thể loại sử thi, thần thoại, truyền thuyết thiên về việc dẫn giải nguồn gốc dân tộc, công cuộc chinh phục tự nhiên, khẳng định bản sắc cội nguồn văn hóa dân tộc cũng như những truyền thống đáng quý của dân tộc Việt: truyền thống yêu nước, truyền thống nhân nghĩa, truyền thống cần cù sáng tạo... Với thể loại cổ tích, nhà nghiên cứu làm rõ một truyền thống khác trong nhận thức của dân tộc Việt. Đó là truyền thống đề cao giá trị con người - nói khác đi, truyền thống nhân bản. Ví dụ, như truyện Sọ Dừa, Bùi Mạnh Nhị nhấn mạnh ý nghĩa truyện “đề cao giá trị đích thực, vẻ đẹp bên trong của con người…; đề cao lòng nhân ái đối với người bất hạnh…; toát lên sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan không gì ngăn nổi của nhân dân lao động …”7. Còn ở truyện Thạch Sanh, ông nhấn mạnh ở khát vọng công lý xã hội, ở truyện Em bé thông minh, ông nhấn mạnh ở trí khôn dân gian và ước mơ nhân dân. Bên cạnh ngợi khen trí khôn dân gian, rất mực trân trọng vẻ đẹp của tính cách tâm hồn dân tộc Việt trong ca dao - dân ca.
“Ca dao yêu thương, tình nghĩa là những bài ca diễn tả tình cảm yêu thương, ân tình, nghĩa tình như tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước, con người. Đấy là truyền thống tình cảm tốt đẹp của dân tộc. Truyền thống ấy đã trở thành chủ đề lớn của ca dao, xuyên thấm trong nhiều câu hát. Qua một số bài ca đã học, có thể thấy được đời sống tâm hồn phong phú, sâu sắc về tài năng thể hiện đời sống tâm hồn ấy của nhân dân ta”8.
Tựu trung, độc giả nhận thấy quan điểm nhất quán trong toàn bộ các bài viết của PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị: người bình dân là chủ thể của văn hóa dân tộc; người bình dân vừa sáng tạo, lưu truyền và phát triển truyền thống văn hóa này. Tâm thế triệt để đứng về phía người lao động bình dân - đứng về phía con người, nhất là những người yếu thế. Lẽ đó, nhãn quan của ông kỳ thực chính ở cái nhìn của người bình dân đối với sự kiến tạo, giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc.
Ở Trang sách trang đời, Bùi Mạnh Nhị nhắc nhở và tô đậm thêm truyền thống vốn có của văn học Việt Nam, mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Cụ thể, đó là truyền thống “bình văn”. Nói đúng hơn, truyền thống thưởng thức nghệ thuật ở trình độ thẩm mĩ cao.
“Bình văn là cái thú tao nhã, uyên thâm của sinh hoạt văn hóa dân tộc. Xưa, cha ông đã bình văn ở Hội Tao đàn nhị thập bát tú (thế kỷ XV), Chiêu Anh Các, Bình Dương thi xã (thế kỷ XVIII), Bạch Mai thi xã (thế kỷ XIX). Thậm chí, chẳng đợi phải có các tổ chức thơ văn như thế, khi bằng hữu tri kỷ gặp nhau, các cụ vẫn bình văn. Chính từ truyền thống độc đáo ấy mà văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông đã lưu giữ được những lời bình bất hủ, của Chu Mạnh Trinh đề tựa Truyện Kiều, của Mộng Liên Đường bái phục Nguyễn Du… Cũng từ truyền thống ấy mà văn học Việt Nam hiện đại có những lời bình khó ai vượt qua được của Hoài Thanh về Thơ mới”9.
Bình văn như việc thưởng thức tác phẩm nghệ thuật với hàm lượng “kiến văn” cao và rộng. Văn chương là loại hình nghệ thuật đòi hỏi người thưởng lãm có kiến thức nhất định; đồng thời đòi hỏi sự giao cảm sâu sắc tâm hồn. Với ông, thú vui tao nhã ấy phải đi tới hồn cốt của tác phẩm nghệ thuật mới thực là “đỉnh cao của sự cảm thụ”. Hiểu và cảm thấu được vậy, hẳn ông phải là nhà khoa học ngoài tính nghiêm cẩn còn chất chứa một tâm hồn nghệ sĩ dào dạt thi ca.
Từ việc thưởng thức, Bùi Mạnh Nhị nhấn mạnh đến vấn đề giảng dạy văn chương trong nhà trường. Vai trò của người thầy cực kỳ quan trọng - quan trọng hơn hết là người dạy truyền được cảm hứng đến người học. Và, người thầy như người lái đò chuyên chở ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của tác phẩm đến người học. “Chờ và tìm những bài với tới được cái hồn của tác phẩm, đó mới là đỉnh cao của sự cảm thụ, giúp bạn đọc, trước hết là thầy giáo và học sinh cảm và nghe được cái hay, cái đẹp của văn chương”10. Điều này, cũng tức là, ông rất chú trọng và đề cao vai trò của việc giảng dạy văn chương trong nhà trường, đề cao chức năng nhận thức - giáo dục của văn chương. Bên cạnh chức năng giáo dục, đối với ông, văn hóa truyền thống dân tộc (trong tác phẩm văn học dân gian chẳng hạn như những truyện cổ tích) chẳng khác gì bài thuốc trường sinh nuôi dưỡng tâm hồn. “Bạn muốn tìm sự mẫu mực của thơ trong văn xuôi, hãy cùng tôi gõ vào cánh cửa truyện cổ tích đi! Kìa, những đoạn thơ giản dị như chưa có thơ mà lấp lánh màu sắc sợirơm vàng, màu sắc xà cừ, màu sắc ngọc trai đang làm thành tiếng muốn loài, tiếng gọi người, gọi bạn, tiếng ghềnh, tiếng thác, làm thành thuốc trường sinh bất tử nuôi dưỡng những tâm hồn”11. Tình yêu thiết tha của ông đối với văn học dân gian cũng ẩn chứa trong đó lời kêu gọi: hãy tắm mát tâm hồn dân ta bằng những tác phẩm văn học dân gian thắm đượm cốt cách dân tộc.
Bởi tác phẩm văn chương vừa chuyển tải cái hay cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật của chủ thể sáng tạo mà còn phản ánh đời sống và văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc qua văn chương có ý nghĩa sâu xa đối với sự phát triển chung của nòi giống. Sự phát triển này còn có thể nhìn thấy từ phía người tiếp nhận. Ông nắm bắt sự tiến bộ trong “tầm thưởng thức” của cộng đồng tiếp nhận đã được nâng cao đáng kể.
“So với quá khứ (không kể những đỉnh cao), trình độ thẩm văn, bình văn của bạn đọc hôm nay nói chung đã có những bước tiến dài. Bước tiến ấy phản ánh sự trưởng thành của văn hóa. Và cũng vì vậy, làm nhà văn nhà thơ hôm nay ở một đất nước sành văn, vừa rất đáng tự hào, vừa rất đáng kinh sợ…”12.
PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị ít nhiều cũng đã khai mở vấn đề văn hóa đọc và tầm nhận thức của độc giả hôm nay. Rồi, ông có cái nhìn lạc quan đầy tin tưởng nơi sự tiến bộ trong nhãn quan độc giả; phần vì nhìn thấy văn hóa đọc có phát triển ở mức độ nhất định. Dễ thấy nhất là phạm vi, đối tượng, chất liệu của văn hóa đọc hiện thời đã mở rộng cũng như nâng cao thêm nhiều. Như ông từng nói, muốn nhìn thấy sự phát triển của đất nước dân tộc, ít nhiều có thể nhìn thấy qua sự phát triển tầm nhận thức của “cộng đồng diễn giải”. Có lẽ, vì vậy ông cho rằng điều đó vừa “rất đáng tự hào” vừa “rất đáng kinh sợ”! Xa hơn nữa, ông khai mở việc nghiên cứu tính dân tộc trong văn học dân gian.
“Rộng hơn vấn đề văn học dân gian địa phương là vấn đề văn học dân gian dân tộc. Việc nghiên cứu tính dân tộc của lĩnh vực sáng tác này cũng phải chú ý song song đến hai phương diện. Phương diện thứ nhất bao gồm tổng hòa những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa, con người tác động đến văn học dân gian. Phương diện thứ hai là đặc trưng của văn học dân gian, đặc trưng của từng thể loại”13.
Cấp độ vi mô, ông nhấn mạnh cần đi sâu vào đặc trưng thể loại. Cấp độ vĩ mô, ông cho rằng cần gắn liền nghiên cứu văn học dân gian với các yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa… Việc nghiên cứu thi triển trên các chiều kích khác nhau. Song, chủ yếu hướng đến làm rõ tính địa phương và tính dân tộc hài hòa trong cấu trúc văn hóa truyền thống. Quay về cắm rễ sâu bền vào nền tảng văn hóa dân tộc chính là sự chuẩn bị cho tương lai.
2. Khát vọng bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc
Hình dung văn hóa dân tộc như dòng chảy xuyên suốt, PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị mong mỏi kết nối và khai thông hơn nữa bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học dân gian. Tiếng gọi của thời gian trong văn học bình dân thúc bách nỗi lòng của ông hướng về tình tự dân tộc. “Thời gian và các quan hệ, ngữ nghĩa cứ sóng đôi như thế; thời gian ấy là cảnh ấy, tình ấy, cái nọ gợi cái kia. Đấy là những con sóng của dòng sông văn hóa mênh mông cứ gối nhau mà gọi, mà reo”14. Qua việc nghe thấy tiếng réo gọi của thời gian của những con sóng trên dòng sông văn hóa; ông bộc lộ niềm tin tưởng, vui mừng với sự khám phá và phát huy giá trị truyền thống dân tộc trong ca dao - dân ca nói riêng, văn học dân gian nói chung. Đó là nỗi vui mừng của một tâm hồn yêu quê hương sâu sắc.
Về mặt thể loại, Bùi Mạnh Nhị dành tình cảm cho cả truyền thuyết, cổ tích, và các loại hình diễn xướng dân gian... Ví dụ, như hát ru! Với hát ru, ông thể hiện nỗi khát vọng bảo tồn thể loại này. Bởi vì, ông nhận ra âm điệu hát ru chính là ký ức tuổi thơ của hồn dân Việt. Giữ gìn bảo tồn hátru chính là giữ gìn và phát huy tình mẹ Việt Nam. Mẹ gắn liền mái gia đình, gắn liền quê nhà. Hát ru có khả năng khơi gợi cả “sinh cảnh văn hóa” mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Hơn nữa, tình mẹ là tình cảm nền tảng định hình nhận thức tính cách và tình cảm của con người. “Cái chính là những người mẹ thời hiện đại ngẫm ra điều này. Trí tuệ dân gian đã đúc kết bao điều sâu sắc về việc nuôi dạy trẻ. Dù sao, tôi vẫn cứ muốn tin rằng, hát ru sẽ còn mãi trong các nền văn hóa hiện tại và tương lai của chúng ta. Không phải chỉ như những hoài niệm”15. Sự gắn bó máu thịt giữa người và quê hương chính khởi từ tình mẫu tử. Ký ức tình mẫu tử buổi ấu thơ không gì hơn lời hát ru. Giữa buổi trưa hè oi ả, tiếng cu kêu trên những vòm tre, giọng mẹ cất lên ngọt ngào đưa con vào giấc ngủ êm ả đầu đời. Không tiện nghi vật chất, không phương tiện kỹ nghệ nào thay thế được lời hátru của mẹ. Độc giả hôm nay hẳn có thể hiểu được nỗi niềm hoài vọng của ông.
Từ trong kho tàng văn học dân gian, với nỗi hoài vọng lớn, Bùi Mạnh Nhị đã phát huy vẻ đẹp rạng rỡ của văn hóa dân tộc, qua đó bộc lộ cá tính dân tộc. Đồng thời, hình như ông muốn chuyển tải một thông điệp - thông điệp của “bánh chưng, bánh giầy”, ấy là văn hóa trọng người hiền tài hay như lời của Phó đô Nguyên súy Tao đàn Nhị thập bát tú: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Thông điệp của ông - người con họ Bùi, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - thật đáng quý, đáng trân trọng. Đặc biệt hơn, ông còn nhận diện và khẳng định: hiền tài/ anh hùng không ý nghĩa cá nhân, mà đại diện cho “cộng thể” dân tộc Việt Nam
“Bánh chưng, bánh giầy phản ánh rất sinh động những đặc sắc của văn hóa chọn người hiền tài, văn hóa Tết của dân tộc. Vua Hùng, Lang Liêu là những anh hùng văn hóa. Bánh chưng, bánh giầy càng có ý nghĩa bao nhiêu thì càng nói lên sự cao sâu trong cách chọn hiền tài của Vua Hùng và tài năng, phẩm chất của Lang Liêu bấy nhiêu. “Cũng như Vua Hùng, Lang Liêu là một khái niệm về “anh hùng văn hóa”, nó không có y nguyên trong cá thể (cá nhân) nhưng có trong cộng thể của nhân dân, dân tộc Việt Nam”. Chính nhân dân đã chọn ra người hiền tài! Chính nhân dân sáng tạo nên văn hóa”16.
Chủ thể sáng tạo văn hóa là nhân dân- cũng tức là văn hóa nhân dân/ văn hóa công thể. Không thể nào văn hóa như một bản sắc của “cá thể” hay “nhóm cá thể”. Văn hóa nhân dân hay văn hóa dân tộc là nền tảng và những vận động văn hóa khác dựa trên đó bồi đắp phấn phát thêm. Nói khác, mỗi người bằng cách sống và lao động không ngừng đóng góp vào văn hóa chung của dân tộc. Một cách gián tiếp, thông điệp này trong trang viết của Bùi Mạnh Nhị cũng khiến cho bạn đọc ý thức trách nhiệm đóng góp vào đời sống văn hóa chung. Đúng hơn, đó là ý thức trách nhiệm của mỗi cá thể đối với văn hóa “cộng thể” của dân tộc mình.
Để góp phần bồi đắp thêm văn hóa dân tộc, Bùi Mạnh Nhị nhìn thấy sự cần thiết và khả thi trong việc khai thác để kết nối tinh thần dân tộc trong ca dao - dân ca và văn học dân gian nói chung với folklore học quốc tế. Có lẽ, đó là mong muốn, kỳ vọng đóng góp tinh hoa văn hóa dân tộc vào kho tàng nghệ thuật thế giới, mang cốt cách Việt, vẻ đẹp tâm hồn Việt vươn nở trong vườn hoa nghệ thuật thế giới.
“Nếu đối với truyền thuyết, truyện cổ tích thần kỳ, sử thi, chúng ta đã bước đầu thống kê, miêu tả được những motif cốt truyện, thì đối với CDDCTT, chúng ta cũng có thể và cần thống kê, miêu tả các mẫu đề truyền thống, cũng như các công thức chi tiết của từng mẫu đề. Có thể lập từ điển và các chương trình vi tính khác nhau cho những vấn đề này, mã hóa hình thức, ngữ nghĩa nghệ thuật, “cốt” văn hóa, dân tộc học của chúng. Những công trình như thế rất cần cho folklore học, không chỉ trong việc tìm hiểu cấu trúc các bài ca, mà cả trong việc nghiên cứu các vấn đề nội dung, ý nghĩa, đặc trưng địa phương, dân tộc và quốc tế của folklore”17.
PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị, thấm ngấm một kho tàng quý báu trong ca dao - dân ca trữ tình nói riêng và văn học dân gian nói chúng. Đó là “cốt” văn hóa ẩn chứa “khí chất” trong sinh hoạt chữ nghĩa bình dân. Ở đó, ông bày tỏ nỗi lòng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, đối với văn học dân gian; tiếp nhận tín hiệu cũng như khả năng phát triển giá trị này ở môi trường rộng lớn hơn. Bởi, không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi folklore học dân tộc và quốc tế. Hơn hết là có ý nghĩa thiết thực đối với việc bảo tồn giữ gìn và phát huy “cốt” văn hóa, nền tảng làm nên bản sắc của văn hóa Việt hôm qua, hôm nay và mai sau.
Muốn đưa “cốt văn hóa” trong folklore học dân tộc ra quốc tế, Bùi Mạnh Nhị đề xuất cần hợp sức đẩy mạnh nghiên cứu, bổ khuyết những yêu cầu cấp bách. Bên cạnh đó, để có thể đóng góp cho folklore học nước nhà và folklore học quốc tế, ông đặc biệt chú ý đến hoạt động nghiên cứu văn học dân gian. Với tầm nhìn đó, ông mong mỏi có sự bổ sung, phát triển và bồi đắp thêm những “yêu cầu” cấp thiết của một công trình nghiên cứu văn học dân gian toàn diện. Nghiên cứu văn học dân gian không dừng lại ở địa hạt văn chương bình dân mà từ đó, còn khuếch trương phát triển để vươn đến sự khái quát chung các quy luật vận động của tính dân tộc.
“Để có một công trình lịch sử văn học dân gian hoàn thiện hơn, người đọc có thể mong muốn các tác giả tiếp tục bổ sung, điều chỉnh những vấn đề lý luận và thực tiễn khác nhau. Riêng tôi, có mấy mong muốn với các tác giả trong lần xuất bản sau: 1) Bổ sung thêm nội dung về văn học dân gian các dân tộc thiểu số. Tuy các tác giả đã có nhiều cố gắng nhưng nội dung này trong tập sách còn khiêm tốn. Ở một số giai đoạn, cũng cần bổ sung thêm tư liệu mà những công trình sưu tầm, nghiên cứu của các tác giả khác đã cung cấp căn cứ để phân tích; ví dụ hệ thống truyền thuyết về các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ hay hệ thống truyền thuyết về Đề Thám, trong giai đoạn Pháp thuộc, chống Pháp thuộc; văn học dân gian trong thời đại kỹ thuật số; 2) Tăng thêm “việc miêu tả sự vận động của toàn bộ cơ cấu văn học dân gian (kể cả hoạt động sáng tác, hoạt động diễn xướng và hoạt động thưởng thức) trong mỗi thời kỳ và qua các thời kỳ”; 3) Bổ sung khái quát những quy luật của tiến trình lịch sử văn học dân gian Việt Nam”18.
Không chỉ có ý nghĩa trong việc khái quát quy luật vận động của tính dân tộc, Bùi Mạnh Nhị còn nhận thấy ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu văn học dân gian nói riêng và cả nền văn học nói chung vào hoạt động xã hội đương thời. Đó là sự đóng góp rất thiết thực, hữu ích cho sinh hoạt đời sống thời nay. Chính vì nhận thức như vậy, tinh thần độc lập tự chủ quốc gia dân tộc còn được ông cẩn trọng làm rõ, nâng lên thành truyền thống thông tuệ mẫu mực - ông phát hiện ở hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy đó hỗ trợ thêm cho “chiến lược ngoại giao” văn hóa trong tương lai.
“Ở thời đại chúng ta, Hồ Chí Minh là mẫu mực của thông tuệ sử dụng văn hóa, văn học vào công việc ngoại giao. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp, ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”. Nhà thơ Đức Vili Xanbao xúc động nói về Bác: “Trong tầm nhìn của Bác, không những thấy Người là nhà quốc tế đáng kính phục, mà còn là nhà văn hóa lớn, giàu tình thương yêu nhân loại”. Tiếp khách quốc tế, Người không câu nệ “đối đẳng chức vụ”, luôn chủ động, sâu sắc, tự nhiên, tinh tế và hay dùng văn hóa, thơ ca gửi gắm ý tình. Năm 1960, tiếp Tổng thống Guinea Sekou Toure, Bác đã “lẩy” Kiều: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”. Khi sang Trung Quốc, Người thường làm thơ, viết đại tự trước mặt người Trung Quốc, khiến bạn càng nể phục và càng nhiều thiện cảm. Tháng 5 năm 1963, đón Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ, Người đọc hai câu thơ cho đến nay vẫn là biểu tượng của mong muốn về mối quan hệ giữa hai nước, trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền độc lập của Việt Nam: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa/ Vừa là đồng chí vừa là anh em”. Nói về mối quan hệ Việt-Lào, Người cũng dùng thơ: “Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”19.
Từ đó, ông cho rằng khả dĩ phát huy văn hóa, văn học như chiến lược ngoại giao. Văn hóa như “sức mạnh mềm” giúp dân tộc hôm nay kết nối với dân tộc khác trong tình hữu nghị. Và chính trong văn học, ông cảm và nhận có nhiều giá trị có thể sử dụng để phát triển thành phương tiện ngoại giao.
“Nhắc lại truyền thống ấy của dân tộc để thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan ngoại giao, văn hóa, văn học và các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa trong việc tư vấn, chuẩn bị cho chuyến thăm các quốc gia và tiếp khách quốc tế của những người đứng đầu nhà nước. Nên chăng, cần khẩn trương có một chiến lược đưa văn hóa, văn học vào ngoại giao. Văn hóa, văn học luôn luôn là “sức mạnh mềm”, chiếc cầu kỳ diệu để đối thoại, và quan trọng hơn là để nối con người, nối các dân tộc với nhau. Xưa đã thế, và nay cũng thế, thậm chí càng hơn thế”20.
Nghiên cứu văn minh thế giới điều trước tiên được giới học thuật bàn đến luôn là ngôn ngữ và văn học. Lẽ đó, văn học có thể xem như nằm ở “tiền sảnh” của nền văn hóa dân tộc. Chính khả năng “định vị mã văn hóa” cho sự tồn tại dân tộc khả dĩ có thể dựa vào đó để chuyên chở các thông điệp quốc gia, ý chí dân tộc trong mối bang giao hữu hảo quốc tế. Thiết nghĩ, đề xuất Bùi Mạnh Nhị xem ra cũng hữu lý và có thể, từng bước thận trọng thực hiện ở chừng mực nào đó.
Bên cạnh đề xuất phát huy sức mạnh mềm của văn học trong ngoại giao, Bùi Mạnh Nhị đặt nhiều tâm huyết cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học quốc tế. Nỗi ưu tư của ông hướng đến việc nâng cao chất lượng khoa học, ngõ hầu giúp khoa học nước nhà hội nhập cộng đồng khoa học quốc tế. Để đạt được kỳ vọng đó, ông cùng cộng sự đã phân tích cụ thể sự phát triển tạp chí khoa học ở nước ta, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp thiết thực.
“Các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương xây dựng tầm nhìn, chiến lược phát triển tạp chí khoa học Việt Nam; xác định quy hoạch phát triển tạp chí khoa học đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2040. Việc này có ý nghĩa quan trọng không những đối với sự phát triển khoa học, sự phát triển kinh tế-xã hội, mà cả với việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia”21.
Có thể nói, Bùi Mạnh Nhị dành cả cuộc đời để cống hiến vì sự phát triển chung của đất nước. Trong đó, có hoạt động nghiên cứu văn học dân gian, văn hóa truyền thống dân tộc và hoạt động khoa học quốc gia thời hội nhập. Không chỉ khẳng định, giữ gìn, bảo tồn, ông vẫn canh cánh về phương thức hoạt đông nhằm phát huy giá trị dân tộc trong bối cảnh quốc tế rộng mở. Đó là kỳ vọng lớn - kỳ vọng hoàn toàn tin vào thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam.
3. Tình yêu đối với nét đẹp văn hóa Nam Bộ
Từ đầu tập sách, PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị, thổ lộ: “Thời gian này (làm công tác quản lý), tôi ít có thời gian và điều kiện để viết, tuy vậy tình yêu văn hóa, văn chương vẫn luôn là đam mê lớn, luôn vẫy gọi tôi, phía trước”22. Chính sự vẫy gọi đó, ông tự nguyện cống hiến bằng tất cả sức lực và tâm trí thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cho đời cho đất nước. Mà, nổi bật là những công trình nghiên cứu về văn hóa - văn học dân gian Nam Bộ. Qua đó, ông bày tỏ một tình yêu tha thiết với quê hương Miền Nam. Đúng hơn, tình yêu đối với đời sống lao động bình dân phương Nam: những vần ca dao, những khúc dân ca, những câu hò, những bài ca vọng cổ, những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện tiếu lâm... thấm đậm bản sắc và tư duy người bình dân vùng châu thổ Cửu Long.
Có thể nhắc đến một số công trình như: Sen Tháp Mười (Ca dao Miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh) (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1980); Một số đặc điểm nghệ thuật của ca dao - dân ca Nam Bộ (1982, in trong Kỷ yếu “Văn hóa văn nghệ truyền thống đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ Văn hóa); Dân ca của miền đất phương Nam Tổ quốc (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 11/1984); Suy nghĩ về việc sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian ở đồng bằng sông Cửu Long (1984, Kỷ yếu “Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ Văn hóa); Đặc điểm ngôn ngữ ca dao - dân ca Nam Bộ (Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1984); Truyện Trạng Ba Phi - một hiện tượng văn học dân gian độc đáo (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3/1985); Bác Hồ trong thơ ca dân gian Miền Nam (in trong Bác Hồ với Miền Nam, Miền Nam với Bác Hồ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1986)… Những bài nghiên cứu này hầu hết đều được in lại trong tập Trang sách trang đời, thể hiện niềm trân quý, thể hiện văn học - văn hóa dân gian Nam Bộ có vị trí nhất định trong sự nghiệp nghiên cứu của PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị.
Đến với văn học dân gian Nam Bộ, Bùi Mạnh Nhị sử dụng lối viết chân phương giản dị của người bình dân đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói, trong tòa nhà văn học dân gian - kiến trúc tinh thần mang “hồn nước” - Bùi Mạnh Nhị đã “nhập gia tùy tục”. Tránh lối viết hàn lâm, kinh viện, như chính ông chia sẻ ở “Phần một: Tiểu luận, phê bình, tập hợp một số bài nghiên cứu, phê bình chủ yếu là về văn học dân gian, ngoàira cũng có những bài về văn học trung đại, hiện đại Việt Nam. Tôi cố gắng trình bày, chọn lối viết giản dị, tránh kinh viện, hàn lâm, khi thì ở nội dung lý luận, khi thì ở thực tiễn nghiên cứu, những cách tiếp cận mới, hữu dụng đối với các thể loại và tác phẩm văn học dân gian cũng như văn học viết”23. Đúng như lời chia sẻ, trang viết của ông dù thể hiện những chi tiết, luận điểm rất sâu sắc tinh tế, nhưng không nặng “khái niệm” - ngược lại,rất trong sáng giản dị; giúp cho bạn đọc khắp nơi với đủ giai tầng trong xã hội đều có thể tiếp cận. Nhất là, các thầy cô giáo, các em học sinh - sinh viên rất cần có những chia sẻ về tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường.
Với tác phẩm văn học dân gian Nam Bộ, Bùi Mạnh Nhị đã phát hiện và khẳng định sự đóng góp của nó vào việc mở rộng, làm đa dạng phong phú ngôn ngữ văn học dân tộc. Ông rất quan tâm đến khía cạnh ngôn ngữ cửa văn học dân gian Nam Bộ. Bởi nó đã thể hiện óc sáng tạo và lưu lại những gì cần lưu giữ của người miền quê sông nước phương Nam trong cuộc mưu sinh tương tác với thế giới tự nhiên hoang sơ đa dạng và rất đặc thù so với những khu vực khác của đất nước.
“Để tạo nên diện mạo đó, nhân dân đã, một mặt, sử dụng kho tàng ngôn ngữ sẵn có của ca dao, dân ca dân tộc; mặt khác, biến đổi không ít từ ngữ, câu ca và sáng tạo rất nhiều bài ca mới, từ ngữ mới. Do đó, trong vốn từ ngữ mà ca dao, dân ca Nam Bộ sử dụng, là sự có mặt của những từ ngữ nảy sinh tại địa phương. Đó là những từ ngữ làm tên gọi cho các sự vật, sản vật mới, những từ ngữ biểu hiện các sắc thái tình cảm khác nhau của con người nảy sinh trong bối cảnh tự nhiên và xã hội mới”24.
Từ ca dao - dân ca Nam Bộ, Bùi Mạnh Nhị nghĩ về hoàn cảnh lịch sử của vùng đất khẩn hoang lập điền hơn ba trăm năm trước để phát hiện và khẳng định sự linh hoạt trong tư duy người lưu dân; đồng thời với việc lưu giữ hằng số văn hóa dân tộc Việt trước những biến động thời cuộc từ nguyên nhân trong và ngoài nước. Sự nhấn mạnh của ông thể hiển tầm nhìn bao quát, đa chiều (lịch sử, địa lý, văn hóa, nhân chủng...) đối với thực tiễn tác phẩm văn học dân gian Nam Bộ. Qua đó, ông thể hiện niềm tin tưởng trong hoàn cảnh mới: văn hóa Nam Bộ sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu mở rộng với các vùng/ tiểu vùng văn hóa khác trên mọi miền đất nước.
“Trong quá trình giao lưu với các miền, một bộ phận trong số này đã và sẽ được phổ biến rộng rãi, một bộ phận khác vẫn giữ nguyên tính chất của phương ngữ. Do hoàn cảnh lịch sử, sự giao lưu văn hóa giữa các miền trên Tổ quốc trong quá khứ chủ yếu là con đường từ các miền ngoài đi vào. Đất nước đã thống nhất, chắc chắn sự giao lưu văn hóa từ Nam Bộ trở ra các miền ngoài sẽ phát triển mạnh hơn, rộng và sâu hơn, trong tình cảm mong mỏi của nhân dân cả nước”25.
Quả thực, từ việc nghiên cứu văn học dân gian Nam Bộ, Bùi Mạnh Nhị đã phác họa và khai mở góc nhìn về cảnh quan sinh thái nhân văn ở vùng đất này26. Đây là vấn đề có ý nghĩa khoa học sâu rộng vì từ sự phát hiện và khẳng định đó, độc giả có thể liên hệ đến các phương diện khác của đời sống con người Nam Bộ xưa và nay. Bạn đọc càng thêm hiểu cá tính và tâm hồn con người vùng đất sông nước Cửu Long. Thế nên, sự gắn bó và thấu hiểu giữa các vùng miền văn hóa sẽ ngày càng sâu sắc toàn diện hơn.
Những phân tích của Bùi Mạnh Nhị thường rất đơn giản, dễ nhìn thấy song có tính khái quát cao. Chỉ thông qua việc phát hiện lớp từ vựng quen thuộc liên quan đến phương tiện di chuyển “ghe” (ghe tam bản, ghe giàn, ghe lòng, ghe lườn, ghe mỏ vạch, ghe nổi, ghe tắc rán, ghe bầu, ghe bầu nóc) và sinh cảnh “nước” (nước ròng, nước rong, nước rông, nước lớn, nước kém, nước rặc, nước nhửng, nước ương, nước chửng, nước lửng, nước sình, nước xẹt, nước đứng, nước bò, nước nhảy, nước nằm, nước giựt, nước sụt, nước dềnh, nước lên, nước lui, nước rút, nước sụt, nước trồi…) trong ca dao - dân ca, ông đã khái quát được đặc trưng cốt lõi trong mô hình làng ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.
“Số lượng từ phong phú đó là “chỉ số” cuộc sống gắn bó mật thiết với sông nước, ruộng đồng và cái nhìn rất tinh tế, nhạy cảm của con người với thiên nhiên, sự vật. Nếu ở Bắc Bộ, làng xóm được bao bọc, khép kín nghìn đời bằng hệ thống đê điều, những lũy tre xanh, tầm mắt con người cũng bị giới hạn trong không gian ấy, thì ở Nam Bộ, ruộng đồng rất bao la, xóm ấp là làng mở, trải dài theo kinh rạch, nhà cửa người dân luôn hướng ra thủy lộ - những dòng kinh, tầm mắt con người do vậy cũng được mở rộng, thoáng đạt hơn”27.
Tình yêu ca dao - dân ca Nam Bộ không chỉ ở sự phát hiện này nó còn ở góc nhìn thể hiện niềm trân quý đối với “tính mở” của làng Nam Bộ và ca dao - dân ca Nam Bộ. Gắn bó với nước và sống với nước, quả đúng như ông đã nhận xét, con người Nam Bộ có tầm mắt và tư duy mở - động. Con người gắn bó với thiên nhiên để gây tạo đời sống, tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần, vừa lưu giữ trao truyền giá trị truyền thống vừa không ngừng “biến tấu” thích nghi với đời sống luôn biến đổi vận động. Tư duy mở - động này giúp người lưu dân Nam Bộ có thể bám trụ và thích nghi với đời sống vùng đất mới trải qua thời gian thế cuộc.
Cũng bằng cách nhìn so sánh, ông đưa ra góc nhìn mới về sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ tự nhiên trong sinh hoạt hằng ngày. Với góc nhìn này, ông khẳng định giá trị và vẻ đẹp ca dao - dân ca Nam Bộ vừa tự nhiên, tự do, phóng khoáng, vừa có nét óng ả chải chuốt rất riêng.
“Thực tế này một mặt giúp ca dao Nam Bộ có thể tiến xa vào lĩnh vực hiện thực của tâm trạng, mặt khác làm cho không ít câu ca dao chưa được trau chuốt, gọt giũa nhiều. Đây là nguyên nhân làm cho không ít người nghiên cứu cho rằng ca dao, dân ca Nam Bộ không có giá trị cao về mặt nghệ thuật như ca dao, dân ca các miền ngoài. Thực ra vấn đề không đơn giản như vậy. Cần chú ý, xu hướng thẩm mĩ của người dân Nam Bộ là thích hướng về sự giản dị, chân thực trong nội dung cũng như hình thức thể hiện các đối tượng, hiện tượng, thích nói những gì chân thực và thích nói giản dị, phù hợp tâm tư tình cảm mọi người vùng đất này”28.
PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị thể hiện quan niệm khách quan trong việc đánh giá hàm lượng nghệ thuật ca dao - dân ca Nam Bộ. Và khi nhận ra điều này, ca dao - dân ca Nam Bộ đã để lại trong ông tình cảm “khó phai mờ”, nghe một lần “là thương là nhớ”. “Ai đi Châu Đốc, Nam Vang/ Gởi thơ nhắn lại em khoan có chồng”. Và cũng từ ca dao - dân ca, ông còn nhìn thấy quan niệm sống và cá tính rất đặc trưng của người Nam Bộ. Ông trân quý và lý giải khía cạnh tính cách trong bối cảnh lịch sử - văn hóa - tự nhiên vùng đất này bằng lời lẽ nhiều quý mến, thiện cảm.
“Người dân Nam Bộ rất quý trọng đời sống tình cảm, tình nghĩa, nhạy cảm với sự dịu dàng, mềm mại, duyên dáng, đầy tình nhân ái của con người và ngôn ngữ Việt Nam. Cực thứ hai là chất sống xông xáo, phóng túng, trẻ trung, hài hước. Điều này vừa phù hợp với tâm lý tính cách con người vừa phù hợp với phong cách sinh hoạt xã hội ở Nam Bộ. Với người Việt Nam Bộ và những di dân khác tại đây, cuộc sống trên vùng sông nước, ruộng đồng, miệt vườn mênh mông đem đến sự tự do, thoát khỏi những quy ước, ràng buộc nặng nề truyền thống vốn tồn tại ở những trung tâm có bề dày lịch sử như Bắc Bộ và Trung Bộ. Người dân Nam Bộ yêu ra yêu, ghét ra ghét, cực nào cũng sống hết mình. Cuộc đời họ đã chứng tỏ sự yêu trọng nghĩa khí, ưa tự do, thích tung hoành ngang dọc, đề cao trung hiếu, tiết nghĩa, bản lĩnh cứng cỏi, táo bạo được hình thành trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ trước một thiên nhiên hoang vu, dữ dằn trong những buổi đầu mở đất và trước một thực tế lịch sử ngày càng phức tạp dưới chế độ phong kiến-thực dân: “Trời sanh cây cứng lá dai/ Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều”. Cũng vì vậy ca dao, dân ca Nam Bộ mang phong cách ngôn ngữ mạnh mẽ, xông xáo, bộc trực, đầy sức sống và cũng đầy dí dỏm, hài hước”29.
Độc giả cảm nhận Bùi Mạnh Nhị thực lòng hòa mình vào nghĩa tình chòm xóm Nam Bộ, gắn bó máu thịt với nếp sống nếp nghĩ của người dân vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Sự dí dỏm, vui tươi, hài hước của tâm hồn con người Nam Bộ còn biểu hiện ở địa hạt tự sự dân gian. Ở địa hạt này, ông cho thấy cuộc sống nhân sinh người bình dân Nam Bộ giàu lạc quan, tin tưởng và ước mơ. Cụ thể, các truyện kể Ba Phi, ông tỏ ra thích thú với sự độc đáo đa dạng của nhóm truyện và ông phát hiện ở đó “lòng tự hào về quê hương xứ sở U Minh giàu có”30 và “ngợi ca sự thông minh, sáng tạo, bộc lộ những ước mơ của con người trong quá trình chinh phục tự nhiên”31. Hẳn nhiên, độc giả nhận thấy sự trân phục của tác giả tập sách dành cho nỗ lực không ngừng nghỉ, với rất nhiều mồ hôi nước mắt lẫn máu xương của người dân Nam Bộ trong việc khai hoang, phục hóa phát triển vùng đất mới trải qua nhiều thời kỳ khác nhau.
Bên cạnh đó, ông phục trí thông minh và sáng tạo của người bình dân; đồng thời nể sự chịu khó của người dân Nam Bộ trong gian lao thử thách. “Ở hoàn cảnh lịch sử, xã hội mới, con người trong truyện Ba Phi đã vươn lên bằng đích thực sức lao động, sự thông minh, sáng tạo của mình, chiếm lĩnh tự nhiên”32. Sự chiếm lĩnh này có nghĩa là sự thấu hiểu và chan hòa với tự nhiên. Người bình dân Nam Bộ tôn trọng môi trường, vạn vật. “Con người lao động bằng khối óc và trí khôn nhân dân. Con người làm chủ được tự nhiên, biết tường tận đặc điểm của từng mùa nước, từng loại thú, cây rừng”33. Trước gian khổ khó khăn, người bình dân Nam Bộ không hề nao núng hay chùng bước, họ giữ vững tinh thần lạc quan không bị khuất phục và biết chung cùng hợp sức vươn lên sau mỗi lần ngã xuống “đau thương”. “Họ luôn mơ ước một sự đổi thay”34. Có lẽ, lạc quan và mơ ước cuộc sống ấm no hạnh phúc là vốn liếng cũng là nguồn động lực mạnh mẽ giúp người bình dân Nam Bộ vượt qua khó khăn giữa trời Nam đất Việt như Bùi Mạnh Nhị đã phân tích.
“Ca dao dân ca Nam Bộ đã góp phần nuôi dưỡng những nhà thơ đất Đồng Nai-Gia Định như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Hồ Huân Nghiệp, những nghệ sĩ tài danh của âm nhạc truyền thống như Trần Văn Khê, Cao Văn Lầu, Nguyễn Vĩnh Bảo… Dễ hiểu vì sao ca dao Nam Bộ đến nay vẫn sống trong các bối cảnh sinh động khác nhau của đời sống nhân dân, đi vào nhiều ca từ của những bài ca vọng cổ, những trang văn của các nhà văn […] Tìm về cội nguồn ngôn ngữ ca dao, dân ca Nam Bộ sẽ tìm được nhiều minh chứng, nhiều bài học về sự giàu có trong sáng của tiếng Việt, về tình yêu tiếng mẹ đẻ, tiếng dân tộc”35.
Quả thực, văn học - văn hóa dân gian Nam Bộ có vị trí nhất định trong sự nghiệp nghiên cứu của PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị. Và, có thể nói, ông là người nhiệt thành giới thiệu ca dao - dân ca Nam Bộ ra thế giới mà trước đó, rất ít người quan tâm.
4. Thay lời kết
Trang sách trang đời thể hiện tâm nguyên của PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị: “Văn học, đối với tôi, là đam mê, là nghề, là nghiệp, là cõi thiêng. Văn học nâng con người trưởng thành hơn và luôn gọi ta, phía trước”36.Trang sách trang đời là sự kết nối những chặng đường sự nghiệp, những chặng đường cống hiến và cũng như những chặng đường tâm tình đam mê thơ ca của chàng học sinh lớp chuyên văn trường Lê Hồng Phong, Nam Định. Bùi Mạnh Nhị nay đã là người thiên cổ song với đời, ông vẫn hiện hữu bởi trang sách của ông vẫn còn hữu ích trang đời. Trang sách để lại dấu ấn sâu đậm trên trang đời: niềm tự tôn - tự hào - tự cường dân tộc; tình yêu nước và ý thức bảo vệ Tổ quốc; tình yêu quê hương trong sáng… Những thông điệp này đặc biệt có ý nghĩa đối với hoạt động giáo dục - một địa hạt mà ông, từng chịu thương khó và tâm huyết gầy dựng tạo thành… Trang sách của ông không chỉ giàu tính khoa học, nhiều vấn đề lý luận khái quát mà còn rất tươi mới, gần gũi đối với đông đảo bạn đọc. Những nghiên cứu của ông về ca dao, dân ca, truyện cười… và đời sống văn hóa nói chung đã mang lại nhiều thông tin cùng góc nhìn đối với vẻ đẹp tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc.
Và có thể xem Trang sách trang đời như bản tóm lược những nét nổi bật nhất trong sự nghiệp chữ nghĩa của PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị. Tập sách bao gồm những bài tiểu luận - nghiên cứu, những bài phân tích tác phẩm văn học dân gian, cùng những bài tản văn chân dung cá nhân, nhiều bài thơ và cả những bài viết về Bùi Mạnh Nhị. Trong đó, kết hợp nhiều bài viết trong giáo trình, tập sách nghiên cứu chuyên ngành, tạp chí, nhật báo, tuần báo… Cho thấy, ngòi bút của Bùi Mạnh Nhị rất linh hoạt, sắc sảo, đa tài đa lãnh vực và ở lãnh vực nào ông cũng quyết tâm bằng tất cả sự đam mê. Ông từng tâm sự: “Làm việc gì cũng phải tận tâm, say mê. Không say mê không thành công. Đã không làm thì thôi đã làm thì phải làm hết mình, vô tư vì học sinh, sinh viên thân yêu. Trong công việc phải luôn sáng tạo. Công việc gì cũng có cái khó nhưng khó khăn sẽ tạo cơ hội để thành công” (Phim K.23 yêu dấu của chúng tôi - ngày ấy bây giờ). Bùi Mạnh Nhị đã biến lời tâm sự thành chữ nghĩa Trang sách trang đời. Lời tâm sự ấy, cũng chính là lời nhắn gửi đến thế hệ hôm nay và mai sau!
Chú thích:
* Đọc Trang sách trang đời của PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị, NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2022.
1 PGS, TSKH Bùi Mạnh Nhị (21/2/1955 - 05/4/2023); Tiến sĩ khoa học năm 1995 tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Bang Nga; chức danh Phó Giáo sư năm 2001 và được phong tặng Nhà giáo Ưu tú năm 2010.
2,4,6,7,8,9,10,11, 12,13,14,15,16,17,18,19,20,22,23,24,25,26,27,28,29,30,31,32,33,34,35 Bùi Mạnh Nhị (2022), Trang sách trang đời, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 214, 10, 223, 260, 338-339, 201, 202, 30, 206, 96, 58, 63, 12, 45, 130-131, 144- 145, 145, 3, 3, 64, 64, 65, 67, 73, 76-77, 101, 102, 103, 103, 103, 80.
3 Toan Ánh (1996), Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc.
5 Trịnh Thế Truyền, Nguyễn Thị Huyền, Hà Thị Lịch (2020), Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thời Hùng Vương qua hình tượng Lang Liêu và truyện Bánh chưng bánh dày, Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Hùng Vương), tập 18, số 1/2020, tr. 87-92.
21 Trần Văn Nhung, Bùi Mạnh Nhị, Nguyễn Đức Huy (2019), Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 6 (250), tr. 8 (1-9).
36 Suy nghĩ về nghề văn, nhà văn Bùi Mạnh Nhị, Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh.