VĂN CAO VÀ SỰ HIỆN HỮU TRONG ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ MIỀN NAM 1954-1975

Bài viết tái hiện đời sống, sự hiện hữu của Văn Cao trong đời sống văn nghệ Miền Nam 1945-1954, nhất là ở lĩnh vực âm nhạc. Qua đó làm rõ sức lan toả, sự ảnh hưởng của sáng tác văn nghệ của Nam Cao trong đời sống văn nghệ Miền Nam thời kỳ này.

    Với một tư duy cởi mở, chấp nhận mọi sự khác biệt, văn học Miền Nam giai đoạn 1954-1975 không những tiếp nhận nhiều hệ hình lý thuyết của các nền văn hóa Đông, Tây và văn hóa Mĩ mà còn tiếp nhận một cách khách quan, công bằng, khoa học giá trị của nhiều hiện tượng văn học dân tộc, trong đó có tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ tiền chiến và kháng chiến đang sống, làm việc ở Miền Bắc, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây chính là căn tố để hình thành một nền văn học đa khuynh hướng, đa giọng điệu, đa trường phái ở Miền Nam. Vì vậy, trong suốt hai mươi năm, tình dân tộc, nghĩa đồng bào vẫn hằng sống trong tâm thức mỗi người Việt Nam con Lạc cháu Hồng mà bài thơ Tâm sự Lạc Long Quân của Đỗ Nghê trên Ý thức số 04 (15/11/1970) là một xác chứng về cảm thức giống nòi: “Các con sẽ không bao giờ quên/ Đã cùng sinh ra trong một bọc/ Một trăm trứng/ Một trăm con/ Các con sẽ không bao giờ quên…”1.

    Vì vậy, cho dù đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 thì sự chia cắt ấy chỉ có nghĩa về mặt địa chính trị còn trong tâm thức nhân dân Việt Nam vẫn còn đó tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Và cho dẫu đất nước có chia phân nhưng nền văn học nước nhà vẫn vẹn nguyên. Thế nên, trong văn học Miền Nam 1954-1975, nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam dù sống “phía bên kia vĩ tuyến” vẫn hiện hữu trong đời sống văn học, vẫn được quan tâm nghiên cứu, được đưa vào sách giáo khoa quốc văn giảng dạy trong nhà trường, được tôn vinh như những giá trị cao quý của văn học dân tộc mà không có bất cứ sự kỳ thị nào. Đó là những sáng tác của Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Hoài Thanh, Nguyễn Xuân Sanh, Tú Mỡ, Quang Dũng, Hữu Loan, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu…, thậm chí cả thơ của nhà thơ Tố Hữu2 (một nhà lãnh đạo cao cấp của Chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa lúc bấy giờ), và tất nhiên trong đó có cả những sáng tác của Văn Cao. Vì vậy, trong lời “phi lộ” gửi độc giả, viết ngày 1/5/1967, khi tái bản tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận tại Sài Gòn, người biên soạn tập thơ đã chia sẻ: “Gần đây một số thi phẩm của các thi nhân tiền chiến được tuyển chọn làm tài liệu tham khảo văn chương cho chương trình đại học văn khoa. Trong số những thi phẩm ấy có một số của các thi nhân mà hiện thời họ đang sinh sống bên kia giới tuyến, nơi phân nửa của lòng đất mẹ cách ngăn! […] Đứng trong địa hạt văn chương – đối với thi nhân – chúng tôi quan niệm rằng: Đây là những bông hoa tươi sắc ngát hương của “Vườn Hoa Tiền Chiến” thì không lý nào chúng tôi lại dang tay ngắt bỏ đôi cành! Mà trái lại, chúng ta còn có cái trách nhiệm vun bồi và vun bồi mãi mãi để cho Vườn Hoa Đất Nước ngày càng thêm phô Sắc ngát Hương… Có quan niệm và nhận chân được như thế, chúng ta mới có thể hi vọng sẽ làm tròn bổn phận của kẻ “chăn vườn” hiện đại!”3. Trong cảm thức này, chúng tôi sẽ đề cập đến những sáng tác văn nghệ của Văn Cao trong thời kỳ tiền chiến và kháng chiến đã hiện hữu trong đời sống văn nghệ Miền Nam 1954-1975.

    1. Văn Cao với những sáng tác văn nghệ tiền chiến và kháng chiến4

      1.1. Văn Cao với những sáng tác văn nghệ thời tiền chiến

    Nói đến Văn Cao, một điều cần được xác quyết không chỉ về ý nghĩa khoa học mà cả về ý nghĩa thực tiễn rằng: Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài. Và như lời giới thiệu về Văn Cao trên Tạp chí Văn học số 114 ra ngày 1/11/1970 thì “Văn Cao là một người thật đặc biệt ít ai giống vì Văn Cao không được học ở trường nào mà Văn Cao cũng trở thành một nhạc sĩ có tài. Cái tài của Văn Cao đứng đầu là nhạc sau đến thơ và họa. Văn Cao đúng là con người nghệ sĩ của “nhân dân” do hoàn cảnh đã tạo nên một Văn Cao một nghệ sĩ đa tài”5. Văn Cao hiện hữu trên nhiều lĩnh vực văn nghệ mà ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm thức người tiếp nhận. Đó là một Văn Cao-nhạc sĩ mà giai điệu và ca từ trong nhạc đã làm say đắm hồn người; một Văn Cao-thi sĩ với những lời thơ vừa sâu lắng vừa tinh tế, lấp lánh một sắc màu ngôn ngữ thi ca rất riêng của Văn Cao làm mê hoặc mĩ cảm người đọc, và một Văn Cao-họa sĩ với những tranh vẽ mang sắc màu lập thể, cuốn hút cái nhìn của người thưởng ngoạn ngay từ phút đầu tiên. Ở Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, hầu như những sáng tác của Văn Cao trên các lĩnh vực nghệ thuật như thơ, nhạc, họa đều được các nhà xuất bản quan tâm phổ biến và không lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật nào của Văn Cao lại không được các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình luận bàn đến, trong đó, có thể nói, lĩnh vực âm nhạc tiền chiến được quan tâm nhiều hơn cả.

    Tạp chí Văn học số 114 ra ngày 1/11/ 1970 với chủ đề “Văn Cao nghệ sĩ đa tài” đã dành một bài tiểu luận giới thiệu khái quát về cuộc đời, văn nghiệp và hành trình sáng tạo nghệ thuật của Văn Cao với tiêu đề Văn Cao – Nguyễn Văn Cao – Họa sĩ, Nhạc sĩ, Thi sĩ. Đồng thời, giới thiệu một số nhạc phẩm bất tử của Văn Cao như Buồn tàn thu (Chinh phụ khúc); Trương Chi, Bến Xuân (Đàn Chim Việt) (nhạc và lời Văn Cao - Phạm Duy); Suối mơ (Bài Thơ bên suối) (nhạc và lời Văn Cao - Phạm Duy). Không những thế, tạp chí này còn giới thiệu trang trọng danh mục những tác phẩm của Văn Cao đã xuất bản gồm các thể loại: nhạc có Suối mơ, Buồn tàn thu, Trương Chi, Bến xuân, Thiên thai, Tiến quân ca, Không quân Việt Nam, Trường ca Sông Lô, Bắc Sơn, Thu cô liêu, Đêm sơn cước, Cung đàn xưa, Thăng Long hành khúc; kịch có Cái hầm (1951); thơ đã đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm, bài thơ nổi tiếng nhất là bài Chiếc xe đi qua phường Dạ lạc; hoạ thì Văn Cao vẽ bìa sách cho các nhà xuất bản và vẽ tranh. Nhưng vẽ đối với Văn Cao là phụ, nhạc mới là linh hồn chính của Văn Cao.

    Âm nhạc Văn Cao có sức mê đắm lòng người nhưthế nên trong giai đoạn 1954-1975, ở Miền Nam, qua chất giọng đặc biệt và đầy quyến rũ của các ca sĩ như Thái Thanh, Lệ Thu, Duy Trác… được các hãng băng, đĩa “tranh nhau” thu âm phát hành ra thị trường âm nhạc và được người yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt. Đó là các sản phẩm âm nhạc như: băng nhạc thứ 9 của Mây Hồng với chủ đề thu âm những bài ca tiền chiến hay nhất trong đó có bài Trương Chi với giọng ca đặc biệt của nam ca sĩ Duy Trác; băng nhạc thứ 10 của Mây Hồng giới thiệu 16 nhạc phẩm tiền chiến, trong đó có Thiên thai với giọng hát Thái Thanh và Suối mơ với giọng hát Lệ Thu; băng nhạc gồm 18 tình khúc Quê hương yêu dấu do Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết sản xuất đã thu âm bài Đàn chim Việt do Lệ Thu ca. Ngoài ra, Nhà xuất bản Kẻ Sĩ đã ấn hành tập nhạc tiền chiến vào tháng 6/1970, trong đó giới thiệu các nhạc sĩ tài danh như: Nguyễn Mỹ Ca, Văn Cao, Văn Chung, Phạm Duy, La Hối, Nguyễn Xuân Khoát, Dzoãn Mẫn, Phạm Ngữ, Thẩm Oánh, Đặng Thế Phong, Hoàng Phú, Nguyễn Đình Phúc, Hoàng Quí, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Thiện Tơ, Lê Yên, trong đó, Văn Cao được giới thiệu các bài Suối mơ, Trương Chi, Thiên thai, Bến xuân (Đàn chim Việt), Buồn tàn thu.

    Như vậy, trong đời sống văn nghệ Miền Nam 1954-1975, nhạc Văn Cao, mà đặc biệt là các ca khúc tiền chiến, đã có một vị trí quan trọng trong thị hiếu thẩm mĩ người yêu nhạc. Chính vì vậy, khi luận về những tác giả âm nhạc thời tiền chiến, Lê Thương, trong bài viết Thời tiền chiến trong tân nhạc (1938-1946) trên Văn học số 114 ra ngày 1/11/1970, đã chia sẻ: “Đầu tiên phải kể Văn Cao, nhạc sĩ nổi bật từ 1945 với những tác phẩm Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu, được ưa thích khắp nơi”6. Còn Vũ Bằng khi nói về ảnh hưởng và tác động của nhạc Văn Cao thời tiền chiến trong đời sống xã hội và văn nghệ Miền Nam cũng đã luận bàn khá tinh tế và dí dỏm theo kiểu của Vũ Bằng, một “Kẻ sĩ Bắc Hà chính hiệu”, một nhà văn rất có uy tín trên văn đàn Miền Nam lúc bấy giờ, khi ông cho rằng: “Nói đến Văn Cao, ai cũng nhận là anh duyên dáng, quyến dũ người nghe chuyện từ buổi đầu gặp gỡ và có những cử chỉ mã thượng dễ làm cho các cô gái mến yêu như ta đã yêu mến các bản nhạc Thiên thai, Bến xuân, Suối mơ của anh lúc mới tung ra đời cũng như bây giờ người ta vẫn còn say mê khi nghe thấy ti-vi hay ra-đi-ô hát những bài đó mà người ta xếp vào loại nhạc tiền chiến”7

    Khác với Vũ Bằng, Tạ Tỵ không nhìn nhận giá trị nhạc tiền chiến của Văn Cao từ điểm nhìn xã hội học với những hiệu ứng từ âm nhạc Văn Cao đối với quý thính giả yêu nhạc mà ông cảm nhận nhạc Văn Cao qua tâm cảm của một nghệ sĩ liên tài thấm đẫm tâm thức hiện sinh. Âm nhạc Văn Cao, trong đó có âm nhạc tiền chiến, chính là hiện thân của tâm hồn Văn Cao từ những nghiệm sinh của cuộc đời mình mà trong cảm nhận của Tạ Tỵ, “Tâm hồn Văn Cao luôn luôn nghiêng về đau khổ. Văn Cao cố tìm cách tránh né nó bằng sự thoát du của trí tuệ. Trong mọi sáng tác của Văn Cao tiền chiến, chúng ta nhìn thấy rõ quan niệm ấy ẩn nấp trong ca khúc Thiên thai, Trương Chi hoặc các đoản tác về nhạc cũng như văn thơ khác. Văn Cao lẩn trốn thực tại, một thực tại nhức nhối rã rời của cuộc sống phẫn nộ. Văn Cao tìm đến sự cứu rỗi linh hồn ở Lưu Nguyễn, ở tình yêu không phai tàn trong Sắc - Hương, Thiên - Giới hay nỗi hờn ngàn kiếp giữa gã lái đò nghèo và cô gái đài trang. Chiếc chén tương tư đã tan thành nước và biến vào dòng suối đau buồn của cõi trần gian có từ khi trái đất hình thành. Văn Cao đã mượn hình thức cũ để nói lên tâm sự mình, một tâm sự chứa trọn vẹn nỗi bất bình xã hội. Nhưng đừng ai hiểu lầm Văn Cao đã sáng tác Trương Chi theo chiều hướng căm thù giai cấp”8. Và với cái nhìn đầy tính nhân bản trong việc quan tâm đến những vấn đề mang tính phổ quát về thân phận con người, Tạ Tỵ đã tìm thấy trong âm nhạc tiền chiến Văn Cao không chỉ sự “lẩn trốn thực tại” và sự “phẫn nộ” cuộc sống thực tại mà còn tìm thấy ở đó chính thân phận của Văn Cao: “Trong nỗi bơ vơ của kiếp người, lớn lên với bao nhiêu cực nhọc, chịu thiếu thốn thường xuyên về cơm ăn, áo mặc, Văn Cao mong vượt thoát bằng sự ước mơ, bằng trở lui về quá khứ thơ mộng, bằng đam mê với suy tư trong ảo ảnh xa lìa. Văn Cao muốn tự giải thoát bằng sáng tác”9. Phải chăng đây chính là điều mà nhiều người dẫu rất say mê nhạc Văn Cao với những Buồn tàn thu, Suối mơ, Trương Chi, Thiên thai, Bến xuân nhưng ít ai hiểu và sẻ chia với những nỗi đau buồn, bất hạnh của phận số mà Văn Cao đã trải qua như một khổ nạn của kiếp người, để cảm và hiểu rằng âm nhạc Văn Cao chính là tiếng lòng, là tâm hồn, là cuộc đời của người nghệ sĩ thiên tài nếu không có sự thấu cảm và sẻ chia của Tạ Tỵ về cuộc đời Văn Cao.

    Không chỉ nhìn thấy ý nghĩa xã hội và nhân văn ở âm nhạc tiền chiến của Văn Cao trong việc quan tâm đến phận số con người với những yêu cầu thiết thân nhất như “nỗi bơ vơ của kiếp người, lớn lên với bao nhiêu cực nhọc, chịu thiếu thốn thường xuyên về cơm ăn, áo mặc”, các nhà nghiên cứu, phê bình còn quan tâm đến những phẩm tính nghệ thuật trong sáng tác của Văn Cao, không chỉ ở âm nhạc mà còn ở thơ ca và theo cảm nhận của Tạ Tỵ, “ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là một sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ. Sự vượt lên của Văn Cao trong một thành phố đục lấm cát bụi, trong tiếng khua rộn ràng của những sợi giây xích sắt khổng lồ thả neo cập bến, trong tiếng còi xé ruột của chia ly, trong tiếng nấc nghẹn ngào không thoát khỏi cổ họng, được coi như cố gắng phi thường của một tâm hồn sung mãn. Đối nghịch đã làm cho Văn Cao trở thành một con người có phong cách riêng biệt”10.

    Còn Sông Thao, từ góc nhìn so sánh với âm nhạc Phạm Duy trên một số phương diện như thể loại, đối tượng tiếp nhận, giá trị thẩm mĩ, khi luận về cá tính sáng tạo trong âm nhạc tiền chiến của Văn Cao, cho rằng: “Trong giới thưởng ngoạn âm nhạc, có người cho rằng ở nước ta có hai nhạc sĩ thành công nhất trên phương diện sáng tác các bài hát trữ tình: đó là Phạm Duy và Văn Cao. Nhưng nếu như nhạc của Phạm Duy thường được tầng lớp thính giả bình dân ưa chuộng nhiều thì nhạc của Văn Cao lại thường lôi cuốn mạnh mẽ số thanh niên tiểu tư sản thành thị. Nhận định này đúng hay sai không thuộc phạm vi bài này. Nhưng có điều dễ nhận là cái đẹp ở nhạc Phạm Duy là cái đẹp của những câu ca dao mộc mạc, hồn hậu, ngọt ngào; cái đẹp của nhạc Văn Cao tựa như một bức tranh huy hoàng, diễm lệ, thấp thoáng những đường nét giàu sang, quý phái. Nhạc của Phạm Duy phảng phất nhiều màu sắc đại chúng hóa, nghiêng nặng về quan điểm phục vụ nhân sinh, trong khi nhạc của Văn Cao bàng bạc nhân tố rung cảm chủ quan, mang khuynh hướng vươn đến cái đẹp thuần túy của nghệ thuật. Nghệ thuật đối với Văn Cao lại là một thứ lẽ sống, một nhu cầu thiết thực, một lý tưởng thiêng liêng và cao quý tới cái mức khiến cho ông đã phải vì nó mà nhận chịu tất cả những cay đắng bạc bẽo ê chề trong cuộc sống. Chính vì vậy mà nghe nhạc Văn Cao, nhiều lúc ta có cảm tưởng ngỡ ngàng rằng tác giả dẫn dắt ta rồi bỏ một thung lũng gai góc hay một vùng đất cằn cỗi để bước lên một đỉnh cao vời vợi, ở đấy chan hòa ánh sáng lung linh và tràn ngập những âm thanh huyền diệu, lâng lâng, bay bổng tuyệt vời. Đó cũng chính là cái đẹp đích thực mà nhà nghệ sĩ Văn Cao đã nắm bắt được để cống hiến cho đời”11.

    Luận về những mĩ cảm mà nhạc tiền chiến của Văn Cao mang lại cho mỗi người, có lẽ không ai giống ai, bởi tiếp nhận nghệ thuật là một cánh cửa luôn mở với mỗi người tùy vào tầm đón đợi của họ, nhưng một điều không thể phủ nhận đó là sự rung cảm thẩm mĩ trong nhạc tiền chiến của Văn Cao tạo nên trong tâm cảm người tiếp nhận không chỉ có trong giai điệu mà còn có trong ca từ. Sự hợp hôn màu nhiệm này đã làm nên một hệ giá trị riêng có của nhạc Văn Cao, nói như Trần Văn Nam: “Từ cảm nghĩ hình ảnh thiên nhiên hóa thân vào âm thanh nghệ thuật, ta có thể nhận định ngược lại là âm thanh cũng có thể cho ta hình dung ra một quang cảnh nào đó. Tiếng nhạc du dương trong trẻo của bản Thiên thai cho thấy trước mắt một vùng thần tiên mây khói; tiếng nhạc êm đềm của bản Bến xuân là màu tươi mát của khói sóng trên sông; và bài thơ huyền hoặc Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc… cả ba là những dòng sông phảng phất một thứ sương mù kỳ ảo, tuy khác biệt đôi chút về màu sắc nhưng từ nguồn một tâm hồn thơ mộng Văn Cao, nhạc sĩ thời tiền chiến”12.

    Còn Lê Hoàng Long, trong bài viết Nhận xét và phê bình nhạc sĩ Văn Cao, đã thể hiện một sự chân thành trong cảm nhận những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao và đem lại cho người tiếp nhận những thông tin khá thú vị về giá trị của âm nhạc Văn Cao, mà theo ông: “Qua tác phẩm của Văn Cao, chúng tôi nhận thấy loại nhạc “biểu diễn nhiều hơn là bài nhạc đồng ca”, nhạc của Văn Cao tuy viết không nhiều lắm nhưng bài nhạc nào cũng có hồn. Những nét nhạc của Văn Cao viết lúc tâm hồn xúc động nên không tự gò ép, nhạc của Văn Cao đã từng vang ra nước ngoài (bài Thiên thai đã được Ban nhạc Đài Phát thanh Cựu Kim Sơn trình bày, sau đó đã được Thư viện Trung ương Mĩ hỏi mua năm 1945 nhưng Văn Cao đã biếu không)”13.

    Có thể nói, những luận bàn về nhạc tiền chiến của Văn Cao xuất hiện trong đời sống văn học Miền Nam giai đoạn 1954-1975 ở bài viết này chưa hẳn đã đủ đầy do những khó khăn và hạn chế về việc kiếm tìm tư liệu nhưng qua ngần ấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình cũng đã cho thấy sự hiện hữu những nhạc phẩm tiền chiến của Văn Cao và mĩ cảm mà nó đem lại cho người thưởng ngoạn âm nhạc trong đời sống văn nghệ ở Miền Nam trước 1975 cũng như hiện nay là một thực tế không thể phủ nhận. Điều này càng được xác tín hơn qua sự hồi sinh của những đêm nhạc Văn Cao xuất hiện ở những năm chín mươi trong thời kỳ đổi mới của thế kỷ trước cũng như những đêm nhạc tôn vinh sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao trong dịp kỷ niệm 90 năm sinh (2013) và gần đây là sự kiện kỷ niệm 100 năm sinh của Văn Cao (2023) đã minh chứng cho sự bất tử của âm nhạc Văn Cao, trong đó có nhạc tiền chiến.

    Song, nếu nói đến âm nhạc Văn Cao mà chỉ nói đến nhạc tiền chiến của ông là một sự khiếm khuyết, bởi bên cạnh nhạc tiền chiến, Văn Cao còn có những nhạc phẩm kháng chiến mà những nhạc phẩm này cũng là một hệ giá trị trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông đã được các nhà lý luận, phê bình văn nghệ Miền Nam quan tâm bàn luận.

    1.2. Văn Cao với những sáng tác văn nghệ kháng chiến

    Là con người có số phận không may, sinh ra và lớn lên trong đói khổ của giới cần lao ở thành phố cảng Hải Phòng, tại một đất nước đang sống trong những năm tháng tối tăm của kiếp nô lệ thời thuộc Pháp, hơn ai hết Văn Cao luôn khát khao cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc. Chính vì vậy, việc Văn Cao tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng để chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc và cơm áo cho nhân dân là điều tất yếu, như Tạ Tỵ đã xác quyết: “Văn Cao đã khóc tiếng khóc đầu tiên để chào cửa biển Hải Phòng với ngần ấy gia tài. Văn Cao lớn lên và được dạy dỗ bằng nước mắt hơn là tiếng cười. Những khuôn mặt lem luốc của công xưởng, của hầm mỏ, của bến tàu đã khắc sâu vào tiềm thức, trở thành ám ảnh, dằn vặt khôn nguôi. Văn Cao đã sống với tiếng máy và thở cùng than bụi. Văn Cao đã biết đói, biết rét, biết đau khổ trước khi làm người lớn. Vì thế, sự hiện diện của Văn Cao ở một hàng ngũ cách mạng nào đó trước 1945, người ta đừng lấy làm lạ, phải coi như một lẽ đương nhiên. Kẻ thù đã đẩy chẳng riêng gì Văn Cao mà cả dân tộc đứng lên đòi quyền sống”14.

    Có lẽ hơn ai hết vì sự liên tài của những nghệ sĩ tài năng nên Tạ Tỵ đã thấu cảm sâu sắc với phận số và hoàn cảnh xuất thân của Văn Cao mà ông đồng cảm với sự chọn lựa của Văn Cao cũng như sự chọn lựa của cả dân tộc và xem đây là điều tất yếu mà Tạ Tỵ gọi là “lẽ đương nhiên”. Và cũng trong trường tiếp nhận này, khi bàn về sự dấn thân trên con đường cách mạng của Văn Cao cũng như việc Văn Cao đứng vào hàng ngũ Việt Minh, Sông Thao đã chia sẻ: “Nhớ lại vào khoảng năm 1942-1945 là thời chủ nghĩa thực dân trên thế giới bắt đầu đi vào con đường suy yếu thì ở nước ta, mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và quần chúng bị trị cũng bắt đầu căng thẳng đến cùng độ. Chính sách đàn áp man rợ của bọn thực dân Pháp cùng bè lũ phong kiến tay sai nhằm dập tắt các phong trào yêu nước càng làm cho nhân dân thêm phẫn nộ, căm thù. Trong bối cảnh lịch sử quyết liệt đó, Văn Cao đã tự nguyện rời bỏ con đường sáng tác mà ông cảm thấy tác dụng của nó cơ hồ như bất lực trước hoàn cảnh chính trị sôi nổi đương thời để tìm đến một con đường hành động thiết thực hơn, có điều kiện phục vụ Tổ quốc và đồng bào một cách đắc lực hơn. Thế là Văn Cao hăng hái gia nhập mặt trận Việt Minh, một tổ chức mà ông coi như có đủ môi trường thuận lợi giúp ông phát huy tinh thần yêu nước”15.

    Có thể khẳng định sự chọn lựa của Văn Cao lúc này là một sự chọn lựa mang tính cách mạng nhưng cũng là một sự chọn lựa mang tâm thức hiện sinh để tự mình trả lời cho câu hỏi: Tồn tại hay không tồn tại và tồn tại như thế nào để thấy sự hiện hữu của mình có ý nghĩa nhất?! Và đây cũng là tiền đề để ông tự nguyện dấn thân đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc với tư cách là một người nghệ sĩ-chiến sĩ, để rồi từ đây ông tự thay đổi tư duy nghệ thuật của mình. Âm nhạc và thi ca của Văn Cao lúc này không còn là những nỗi buồn, niềm cô đơn miên viễn trong cõi “thiên thai” với những mùa thu tàn úa, những ánh trăng mờ ảo theo kiểu Buồn tàn thu. Không những thế, Văn Cao đã tìm thấy cho mình những cảm hứng sáng tạo mới trong cuộc chiến đấu oai hùng của dân tộc, điều mà ông đã ủ men, nuôi dưỡng từ trong khí quyển cách mạng của những ngày tiền khởi nghĩa, khi ông viết Tiến quân ca. Thế nên, Sông Thao, nhà nghiên cứu văn nghệ rất ngưỡng mộ Văn Cao, khi luận bàn về tài năng và tư tưởng trong sáng tác của Văn Cao, cho rằng: “Ở những người tài hoa chân chính, tư tưởng và tình cảm trong họ rất dễ biến thành hành động cao cả khi phải đứng trước một hoàn cảnh đau thương chung của quê hương đất nước. Đặc biệt ở các nghệ sĩ đích thực, cảm xúc nơi họ thường rất nhạy bén với những cảnh đời lầm than cơ cực của quần chúng, trước những nỗi thống khổ đọa đày của nhân dân để từ cơ sở xúc động ấy mà tiến lên phấn đấu không ngừng cho sự thắng lợi của chính nghĩa”16. Không những thế, để luận giải rõ hơn sự cảm nhận của mình về những giá trị trong sáng tác âm nhạc của Văn Cao thời kháng chiến, Sông Thao còn nâng sự cảm nhận lên một tầm cao hơn trong tư duy luận lý qua cách đặt vấn đề với những điều tự vấn khá tinh tế và sâu sắc khi cho rằng: “Hiểu được sự thật thì mọi người thông minh đều hiểu được, vươn tới điều thiện thì mọi người có tinh thần cao thượng đều muốn vươn lên, nhưng cảm được cái chân, cái thiện một cách mãnh liệt và biết tìm trong đó một lẽ sống thiết thực để trình bày ra bằng hình tượng nghệ thuật hấp dẫn thì chỉ có văn nghệ sĩ mới làm được. Đó cũng chính là trường hợp của Văn Cao sau này. Và cũng chẳng ai ngạc nhiên khi thấy một nghệ sĩ ốm yếu, trầm lặng như tác giả Thiên thai lại đã có thể chuyển hướng sáng tác của mình một cách đầy hứng thú” khi ông từ một nhạc sĩ lãng mạn thời tiền chiến lại trở thành một nhạc sĩ kháng chiến viết nên những bài hùng ca như Tiến quân ca, Bắc Sơn, Trường ca Sông Lô, Trường làng tôi… để ca ngợi công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc trong những năm kháng chiến chống Pháp oai hùng mà những nhạc phẩm này đã trở thành những tráng ca bất tử tạo nên sức mạnh của cả dân tộc trong công cuộc đấu tranh cho quyền tự chủ của dân tộc”17. Chình vì thế, trong sự thẩm định của Lê Thương, khi luận bàn đến những sáng tác âm nhạc thời kháng chiến, ông đã cho rằng: “Với tư cách chiến sĩ, Văn Cao sáng tác thật nhiều nhạc chiến đấu như nhạc mĩ thuật, ta chỉ cần nhắc tên ít bài như: Tiến quân ca, Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam, Chiến sĩ hải quân, Chiến sĩ không quân, Thăng Long hành khúc. Đỗ Nhuận, người chiến sĩ như Văn Cao, sáng tác cũng nhiều. Được mọi nơi truyền bá là các nhạc phẩm Nguyễn Trãi Phi Khanh, Đoàn lữ nhạc, nhất là bài Nhớ chiến khu. Phạm Duy, người du ca tiền khởi từ năm 1943, “người reo nhạc buồn của Văn Cao khắp chốn” (lời tặng của Văn Cao) đầu năm 46 sáng tác Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu rồi Xuất quân (46). Nhưng nhạc nghiệp Phạm Duy còn dài hàng trăm bài mĩ thuật đủ loại về sau”18.

    Như vậy, trong cảm quan của Lê Thương, một nhạc sĩ “lão làng”, một người mà nhạc sĩ Văn Cao tự nhận là bậc thầy của mình trong lĩnh vực âm nhạc đã từng có nhiều năm làm Giảng sư ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn trước 1975 ở Miền Nam, thì ở cả thời kỳ tiền chiến và thời kỳ kháng chiến, Văn Cao không chỉ là một nhạc sĩ tài năng mà còn là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Những đóng góp của Văn Cao cho nền âm nhạc nước nhà là một hệ giá trị không thể phủ nhận và cần được tôn vinh mà những điều Vũ Bằng đã chia sẻ sau đây là một chứng cứ xác tín cho những đánh giá của Lê Thương về những giá trị của âm nhạc Văn Cao đối với âm nhạc dân tộc, trong đó có những nhạc phẩm viết trong những năm khởi nghĩa của Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, mà theo hồi ức của Vũ Bằng: “Đến 19/8 là ngày khởi nghĩa” cả nước vùng lên mở hội, từ thôn quê đến thành thị, từ ngõ hẻm đến hang cùng, cuồn cuộn những làn sóng gớm ghê, đâu đâu cũng vang âm những tiếng hát “Tiến quân ca” và “Diệt phát xít”. “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi được hoan nghênh vào bực nhì, chờ đến bài “Tiến quân ca” của Văn Cao thì có thể nói là… vô địch. Suốt ngày suốt đêm, từ ông già đến đứa trẻ tập giọng biết nói, hết thảy đều hát: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc”. Chỉ trong một ngày, danh tiếng của Văn Cao nổi lên như cồn. Nhà thi sĩ nhỏ bé ấy, từng bắn chết Việt gian Đỗ Đức Phin, bây giờ lại thành ra một nhạc sĩ chỉ mới đưa ra sơ sơ có một bản nhạc thôi mà đã làm cho cả Âu Á đều biết tiếng”19. Và trong cảm nhận của Vũ Bằng: “Thực ra bản quốc ca Tiến quân ca của Văn Cao không phải là bản nhạc đầu tiên của anh. Trước đó anh đã từng soạn nhiều bản nhạc lúc còn làm anh thi sĩ lang thang trên vỉa hè của thành phố Hải Phòng. Nhân bài Tiến quân ca, những bản nhạc ấy cũng “lên” theo, trai gái, trẻ già đâu đâu cũng hát Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, lời đã nên thơ mà nét nhạc lại mềm mại, uyển chuyển, đúng với tinh thần chuộng đẹp của người Việt Nam muôn thuở? Đài phát thanh lúc ấy hát các bản nhạc của Văn Cao suốt ngày, nghe mấy cũng không chán, ở ngoài đường, ở trong nhà. Ai cũng hát những bản nhạc “thần diệu của Văn Cao”20.

    Có thể nói Văn Cao nhập cuộc vào cách mạng và kháng chiến từ nhận thức về số phận không may của chính mình trong cuộc đời cũng như sự ý thức về nỗi đau của dân tộc trong những tháng năm nô lệ, lầm than thời thuộc Pháp, vì thế, theo Tạ Tỵ: “Văn Cao nhập cuộc không phải bằng tài năng đơn độc mà bằng một thác lũ nghệ thuật, chùm lấp vòm trời Kinh Đô Văn Nghệ. Từng bước khoảng khoát, Văn Cao hiên ngang đi vào lòng Mẹ Việt-Nam và được tiếp nhận nồng hậu. Chưa ai nghĩ tới và tưởng tượng nổi một Văn Cao trước những đối nghịch lớn, chứa đựng trong cái vóc dáng khiêm nhường ấy…”21.

    Song, Văn Cao dự phần vào con đường cách mạng và kháng chiến không chỉ có âm nhạc mà còn có thơ ca, tuy thơ ca không phong phú như âm nhạc nhưng cũng có những bài thơ để lại trong người đọc những suy tư về đất nước, về nhân dân mà trên hết là sự cảm thương về những bất hạnh của kiếp người trong xã hội tăm tối lúc bấy giờ, khi cả dân tộc phải đắm chìm trong kiếp đời nô lệ mà những bài thơ như Đêm mưa, Đêm ngàn, Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 1946… là một minh chứng. Vì thế, nhận định về tài năng phong phú và đa dạng của Văn Cao, Vũ Bằng cho rằng: “Nếu theo các cụ ta ngày trước, một người tài hoa là một người phải biết đủ cầm kỳ thi họa thì ngày nay Văn Cao quả là một người tài hoa số một. Đến lúc Văn Cao nổi tiếng về nhạc và vụ ám sát Đỗ Đức Phin, người ta mới dở lại những bài thơ anh đăng tải trên Tiểu thuyết thứ Bảy và một, hai tờ báo khác và đến lúc người ta mới thấy thơ Văn Cao cũng hay như nhạc của anh. Chẳng qua chỉ vì Văn Cao không quan niệm cái gì là quan trọng, không kéo bè, kéo đảng để đưa nhau lên, suy tôn nhau là thi hào “lớn”, văn sĩ “lớn” nên lúc bước vào làng văn nghệ, anh không được quảng cáo nhiều, do đó thơ anh bị chìm. Nhưng văn hay thơ hay cũng như người đẹp, dù giặt lụa nơi thâm sơn cùng cốc hay sống nghèo nàn ở rừng núi thâm u mà đẹp nghiêng nước nghiêng thành thì cũng có sứ thần của nhà vua đến triệu về để làm mẫu phi thiên hạ; trái lại, vô tài vô sắc mà cố đút tiền cho kẻ gian thần, quảng cáo vào lỗ tai nhà vua thì cũng chẳng ai “ngó” tới”22.

    Văn Cao trong cảm thức của Vũ Bằng là một nghệ sĩ đa tài. Cái nhìn của Vũ Bằng về tính chất đa tài của Văn Cao cũng thức nhận cho chúng ta những điều suy nghĩ về thiên năng của Văn Cao trong hành trình sáng tác của ông, khi Vũ Bằng cho rằng: “Thơ Văn Cao cũng như nhạc, sau thời cách mạng, được người ta đưa ra mổ xẻ, ca ngợi ầm lên, Văn Cao thành ra một thứ “sản phẩm trác tuyệt của những năm bốn mươi”. Tuy nhiên, cái tài hoa của anh phát động trong mấy lĩnh vực đó, hình như vẫn bị anh cho là chưa đủ […]. Văn Cao còn đánh đàn, còn ngâm thơ, còn ca hát. Ba môn này Văn Cao chơi chỉ thường thôi, nhưng về họa thì Văn Cao tỏ ra một cái tài năng cũng đặc biệt lắm trong môn phái lập thể. Về điểm này tôi là một anh mù nhưng theo các họa sĩ lớp ấy như Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Tạ Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung thì Văn Cao tuy chỉ học có hai năm ở trường Mỹ thuật Hà Nội với tư cách thính giả tự do nhưng đã tỏ ra có một tài họa kỳ lạ, khó tả, hứa hẹn rất nhiều. Mấy bức họa mà anh trưng bày trong “Cuộc triển lãm độc nhất” (Salon unique) hồi 1943, bây giờ vẫn còn được anh em nói tới, nhất là bức họa Cuộc vũ của những người tự sát23.

    Trần Tuấn Kiệt, trong Thi ca việt Nam hiện đại (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1967), cũng luận bàn đến thơ Văn Cao với bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc. Còn Trần Văn Nam khi cảm nhận về hành trình sáng tạo nghệ thuật của âm nhạc và thơ ca trong sáng tác của Văn Cao trong thời kỳ tiền chiến cũng như kháng chiến đã cho rằng Văn Cao không chỉ nhận ra cái màu sắc của vẻ u huyền sâu thẳm của phương Đông trong âm nhạc mà Văn Cao còn thấy cả những giá trị hiện thực trong thơ, mà theo Trần Văn Nam: “Trong khi dòng sông thiên thai đầy màu sắc của thi ca Ðông phương khuất lấp ở cuối chân trời, nhánh sông “hiện thực” của Văn Cao bắt đầu trườn mình đi tới. Văn Cao nhạc sĩ, và Văn Cao cũng là một nhà thơ có tài, điển hình qua bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc. Trong bài thơ này, Văn Cao mô tả một cảnh lầm than của xã hội, một hình ảnh tương phản vô cùng bất công khi chiếc xe xác chở thi hài của những kẻ nghèo đói đi ngang qua một xóm ăn chơi ở Hà Nội trong vụ đói năm 1945. Nhánh sông thứ hai của tâm hồn Văn Cao bây giờ chảy quanh co trong một thành phố sa đọa rác rưởi, những dãy hồng lâu rũ rượi mấy hình hài trụy lạc, những chuỗi tiền gieo mạnh trong ghê lạnh của đêm trường chết chóc, những ánh sáng vẫy người vào đêm khỏa thân khiêu vũ, những điệu kèn vô luân, hương nha phiến chập chùng, áo thế hoa lượn lờ tìm hoan lạc, trong lúc ấy thì chiếc xe xác âm thầm chở xác ngườira khỏi thành phố khi tiếng gà bắt đầu gáy sáng. Nhánh sông hiện thực trườn đi trong đêm tối, sương khói bây giờ là không khí ma chơi chập chờn, là ánh đèn đỏ quạnh máu người, là đốm lửa ngã tư hư huyền, là tiếng sáo ma quái của xe xác, là ngoại ô lầy lội mưa đêm, là tiếng gà tàn canh báo tin những kiếp người đã ra khỏi vực... Tính chất hiện thực trong thơ Văn Cao pha lẫn với huyền hoặc, lầm than xã hội trở thành một hình ảnh siêu thực ma quái”24.

    2. Thay lời kết

    Khi luận về thời gian như một ý niệm hiện sinh về triết lý sống của con người trong cuộc đời ở chốn nhân gian, Văn Cao đã trần tình: “Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ rơi/ như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ/ còn xanh/ Riêng những câu hát/ còn xanh/ Và đôi mắt em/ như hai giếng nước” (Thời gian, Xuân Đinh Mão, 2/1987). Bài thơ được Văn Cao viết năm 1987, lúc ông 64 tuổi, cái tuổi không còn trẻ, nếu không muốn nói là đã lên “lão”, thế mà lời thơ vẫn xanh trong một niềm tin vào nghệ thuật, vào tình yêu và cuộc sống. Bởi theo sự cảm nhận của Văn Cao, mọi thứ trong cõi nhân gian đều hư ảo, có thể tàn phai, khô héo, thậm chí phân rã như những chiếc lá trước sự nghiệt ngã của thời gian nhưng tình yêu và nghệ thuật chân chính, trong đó có âm nhạc và thi ca thì vẫn mãi xanh tươi giữa cuộc đời. Và đó là quy luật bất biến như Cyprian Norwid đã xác quyết: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: thi ca và lòng nhân ái… không còn gì khác”25.

    Trong cảm thức của những ý niệm hiện sinh mang tính nhân bản này, âm nhạc và thi ca của Văn Cao ở cả hai thời kỳ tiền chiến và kháng chiến luôn là những bông hoa nghệ thuật xanh mãi trong đời sống văn nghệ Miền Nam thời kỳ 1954-1975. Không những thế, những giá trị của âm nhạc và thi ca của Văn Cao còn được bảo tồn, trao truyền qua việc tổ chức biểu diễn, ấn hành, luận bàn ở các sinh hoạt khoa học và nghệ thuật trong đời sống văn nghệ tại Miền Nam như một hệ giá trị nhân văn mà ngày nay đọc lại những ấn phẩm âm nhạc và thi ca của Văn Cao cùng những luận bàn của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình được phổ biến trong đời sống văn nghệ Miền Nam vẫn thấy nguyên giá trị nên càng trân quý hơn những sáng tạo nghệ thuật của ông đóng góp vào nền văn nghệ nước nhà ở lĩnh vực âm nhạc, thi ca và hội họa. Bởi theo Sông Thao: “Trong giới sáng tác, phê bình và thưởng ngoạn văn học, nghệ thuật ở nước ta, chắc chắn không mấy ai chưa một lần viết, đọc hoặc nghe nói đến Văn Cao, vẫn trong số những người đó, chẳng mấy ai không dành cho Văn Cao một tấm lòng khâm phục kèm theo một cảm tình nồng hậu. Điều đó chứng minh rằng Văn Cao là một nghệ sĩ tài hoa, lại vừa có một phẩm chất đạo đức tư cách mẫu mực hiếm quý. Nếu như nói rằng Văn Cao là một nhạc sĩ thiên tài, đồng thời cũng là một nghệ sĩ lớn của dân tộc ta, có lẽ cũng không phải là một nhận định quá hàm hồ, thiên lệch”26. Còn trong suy niệm của Vũ Bằng khi đúc kết hành trình sáng tạo nghệ thuật của Văn Cao, bằng sự sẻ chia và cảm thông sâu sắc, ông đã có những nhận xét khá tinh tế khi cho rằng: “Hoàn cảnh không thuận lợi là một yếu tố hại Văn Cao. Sự thành công sớm quá cũng làm cho Văn Cao bất lợi. Cái nghèo túng là yếu tố thứ ba làm cho Văn Cao không vượt được lên. Một người như anh mà có hoàn cảnh thuận lợi, có tư cách để học hỏi thêm, để trau dồi thêm cái tài trời cho để đem áp dụng cái thông minh vào các ngành văn nghệ thì sự hứa hẹn còn to lớn không biết bao nhiêu, chớ đâu chỉ quy vào mấy tác phẩm như Trường ca Sông Lô, Ngày mùa… tương đối rất ít so với Phạm Duy, Đỗ Nhuận, Văn Chung… Đó là một thiệt thòi cho văn nghệ nước ta… Nhưng biết làm sao được? Cái đẹp nhiều khi nó nở lộng lẫy như hoa hồng chỉ một buổi sáng rồi tàn như thế đấy: nhưng hãy thận trọng mà nghe, hỏi những người yêu hoa vì có những loài hoa kỳ lạ lắm, nhiều khi chỉ vào những lúc sắp tàn lại trở lại đẹp một cách ác liệt và tiết ra một mùi kỳ ảo mê ly hết sức. Phải rồi… Biết đâu đấy ạ Văn Cao!”27. Và sự hiện hữu của Văn Cao trong đời sống văn nghệ Miền Nam 1954-1975 cùng những sáng tạo nghệ thuật của ông luôn là những bông hoa có mùi hương “kỳ ảo, mê ly”, quyến rũ một cách lạ thường trong tâm thức và mĩ cảm những người yêu mến và trân quý thiên tài Văn Cao và hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà ở cả tương lai…

 

Chú thích:
1 Đỗ Nghê, “Tâm sự Lạc Long Quân”, Ý Thức số 04 (15/11/1970), tr. 51.
2 Trần Tuần Kiệt, trong Thi ca Việt Nam hiện đại (1880-1965), Khai Trí xuất bản (1967), trích và phân tích bài Mồ côiTiếng hát sông Hương của Tố Hữu; Lê Văn Siêu, trong Văn học sử thời kháng Pháp (1858-1945), Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn (1974) phân tích bài Tiếng hát sông Hương trong Từ ấy của Tố Hữu; Uyên Thao trong Thơ Việt Nam hiện đại (1900-1960), Hồng Lĩnh xuất bản, Sài Gòn (1969), trích giảng các bài Cá nước, Phá đường, Bầm ơi trong Việt Bắc của Tố Hữu…
3 Huy Cận (1967), Lửa thiêng (tái bản tại miền Nam), Sài Gòn, tr.6-7.
4 Theo quan niệm của các nhà nghiên cứu Miền Nam, những sáng tác văn nghệ xuất hiện trước kháng chiến chống Pháp gọi là văn nghệ tiền chiến nên mới có sự định danh là nhạc tiền chiến, thơ tiền chiến; và những sáng tác văn nghệ xuất hiện trong kháng chiến chống Pháp thì gọi là văn nghệ kháng chiến. Trong bài này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ tiền chiến và kháng chiến theo hàm nghĩa này.
5 Bài giới thiệu về Văn Cao của Tạp chí Văn học số 114 (1/11/ 1970), tr. 1.
6, 18 Lê Thương, “Thời tiền chiến trong tân nhạc (1938 -1946)”, Văn học số 114 (1/11/ 1970), tr. 96, 96.

7 Vũ Bằng, “Văn Cao: một nghệ sĩ tài hoa…, có hai đầu mà không nói được”, Văn học số 114 (1/11/ 1970), tr. 5.
8, 9, 10, 14, 21 Tạ Tỵ (1970), Mười khuôn mặt văn nghệ, tác giả xuất bản, Sài Gòn, tr.179, 179, 179, 178, 178.
11, 15, 16, 17, 26 Sông Thao, “Văn Cao, một nghệ sĩ tài hoa…”, Văn học số 114 ra ngày 1/11/ 1970, tr. 31-32, 36, 35, 35, 28.

12, 24 Trần Văn Nam, “Văn Cao, dòng sông ba nhánh sương mù”, Văn học số 114 (1/11/ 1970), tr. 75, 71.
13 Lê Hoàng Long, “Nhận xét và phê bình nhạc sĩ Văn Cao”, Văn học số 114 (1/11/ 1970), tr. 100.

19, 20, 22, 23, 27 Vũ Bằng, “Văn Cao: một nghệ sĩ tài hoa… Có hai đầu mà không nói được”, Văn học số 114 (1/11/ 1970), tr. 10, 11, 12, 12, 16.
25 Trần Hoài Anh (2010), Thơ, Quan niệm và cảm nhận, NXB Thanh niên, tr. bìa 1.

  

    

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận