NGHĨ VỀ GIÁO SƯ, NGHỆ SĨ NHÂN DÂN TRẦN BẢNG

Bài viết góp một cách nhìn mới mẻ, tổng quát về một đời đóng góp, cống hiến của Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng dành cho nghệ thuật chèo. Đồng thời khẳng định tài năng, vị trí, vai trò quan trọng của ông trong sự nghiệp phát triển chèo Việt Nam.

    Trần Bảng sinh năm 1926 tại xã Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông là con trai của nhà văn Trần Tiêu và cháu của Khái Hưng – cây đại thụ của Tự lực văn đoàn. 20 tuổi ông đã tốt nghiệp tú tài, lớn lên thông thạo tiếng Pháp, Hán Nôm và biết các ngoại ngữ Anh, Nga, Đức. Ông ra đời trong xã hội tiếp xúc, giao lưu với văn hóa phương Tây, lớn lên từ vòng tay gia đình trí thức phương Tây với nguồn sáng tạo văn học, nghệ thuật cách tân đổi mới đương thời. Do đó, ông đã yêu say nguồn văn hóa, nghệ thuật phương Tây qua các nhà văn nổi tiếng như Corneille, Racine, Shakespeare, Meyerhold khi còn học trên ghế nhà trường…

    Trần Bảng là hạt giống văn chương được nảy mầm trên đất văn chương nên ngay từ thuở còn thơ đã có xu hướng văn chương theo con đường sáng tạo văn học của cha và bác.

    Năm 1947, ông đã tự thành lập Đội Kịch Sao Mai, tự viết kịch, diễn kịch nhằm tuyên truyền, cổ vũ nhân dân tham gia cách mạng ở quê hương của mình. Kịch của Trần Bảng lúc này mang nội dung tiến bộ, hình thức theo kiểu của Shakespeare và diễn theo lối ước lệ của Meyerhold.

    Năm 1951, Trần Bảng lên Việt Bắc theo cách mạng và được làm việc với nhà thơ, đạo diễn Thế Lữ, được đọc thể hệ Stanislavsky, kịch Tchekov... Kiến thức sân khấu phương Tây của ông ngày càng được bổ sung, hiểu sâu, mở rộng từ bi kịch Hy Lạp đến Trung cổ, Phục hưng, Ánh sáng, Hiện thực, Lãng mạn. Ông càng yêu sân khấu và quyết định dấn thân vào con đường “sinh tử” với nghề sân khấu.

    Cuối năm 1951, tại khu rừng Nông Lâm, Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương ra đời, có tổ chèo, tổ kịch, tổ ca múa nhạc, do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm trưởng đoàn, Thế Lữ làm phó trưởng đoàn và Học Phi phụ trách tổ chức hành chính. Còn Trần Bảng được phân công phụ trách tổ kịch với các nghệ sĩ Song Kim, Trần Hoạt, Dương Viết Bát, Thùy Chi, Thúy Cẩm, Phạm Văn Khoa, Kỳ Ngung, Kiều Hạnh, Lưu Quang Thuận...

    Thời gian này, Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương tụ hội nhiều anh tài như Hoàng Châu (múa), Hoàng Kiều, Bùi Đức Hạnh (nhạc), Hoàng Trang (họa), Trần Lực, Đào Vũ (văn), Thái Ly, Phùng Thị Nhạn, Thương Huyền, Mạnh Hùng, Đức Bình (múa), Chu Văn Thức, Nguyễn Thị Lan, Năm Ngũ, Năm Hảo, Dịu Hương (chèo)... đã tác động tới Trần Bảng nhiều kiến thức tổng hợp của nghệ thuật và giúp cho Trần Bảng có chí hướng vươn lên đỉnh cao của sáng tạo sân khấu.

    Cuối năm 1952, Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho Đoàn Văn công dàn dựng vở kịch Dân công vùng lên của tác giả Nguyễn Huy Tưởng để biểu diễn phục vụ Hội nghị Trung ương Đảng. Trong thời điểm cả đoàn dồn tâm sức vào tập luyện vở kịch thì tổ chèo rảnh rỗi, đã tạo cơ hội cho Trần Bảng sáng tác vở Chị Trầm và được lãnh đạo cùng các nghệ sĩ ủng hộ, tham gia cùng sáng tạo. Đầu năm 1953, tại ATK, vở Chị Trầm được chính thức phục vụ Hội nghị và được Bác Hồ cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng xem. Vở miêu tả cuộc đời của một cô gái nghèo đi ở cho địa chủ, khổ cực đau thương và được cách mạng giải phóng thành con người làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Vở đã được Bác Hồ khen ngợi, thưởng kẹo cho các nghệ sĩ. Riêng với Trần Bảng, Bác Hồ mời ăn cơm và căn dặn: Chèo là viên ngọc quý, phải ra sức học tập, đặc biệt phải học các nghệ nhân để hiểu sâu sắc và nắm vững nghề chèo… Từ đó, Trần Bảng đã thuộc về chèo, sống toàn tâm toàn ý cho nghề chèo Việt Nam.

    Bước vào “làng chèo”, hành trang sự nghiệp của Trần Bảng “chẳng hiểu gì về nghệ thuật chèo” và “chỉ vẻn vẹn một số kiến thức học tại trường thuộc địa về kịch cổ điển Pháp hoặc hơn thế nữa là một sự hiểu biết qua sách báo Pháp một số gương mặt đạo diễn châu Âu1.

    Mặc dù vậy, nhờ có đường lối khai thác, phục hồi di sản nghệ thuật dân tộc của Đảng, lại được sống trong hoạt động thực tiễn cùng các nghệ nhân Năm Ngũ, Dịu Hương, Trùm Thịnh, Cả Tam, Lý Mầm, Minh Lý và các nghệ nhân từ khắp mọi nơi nên Trần Bảng ngày càng được lớn lên, hiểu thêm những giá trị của “viên ngọc quý” trong chèo cổ, chèo văn minh, chèo cải lương thành tri thức, trí tuệ của mình để làm chèo.

    Tiếp thành công “đầu tay” của mình trong Chị Trầm, nhằm phục vụ cuộc phát động giảm tô, giảm tức, chia ruộng cho nông dân, Trần Bảng đã viết vở Con trâu hai nhà vào năm 1955. Vở tập trung vào mối quan hệ của hai nhà trước sự kiện con trâu được chia chung bị ốm. Sự kiện ấy gây ra hai nhà mâu thuẫn nhau làm cho tình yêu đôi lứa giữa Khóa và Mây có nguy cơ tan rã. Vở đã đoạt giải Nhất trong Đại hội Văn công toàn quốc năm 1958. Tuy nhiên, Trần Bảng vẫn nhận thấy: giống như vở Chị Trầm, Con trâu hai nhà viết theo lối cấu trúc kịch. Những câu đối thoại quá tả thực, không bắt được vào những câu thơ, làm cho nghệ sĩ hát bị gượng gạo, ép buộc bất đắc dĩ. Hành động nhân vật bị dồn ép trong xung đột, thiếu sự phối hợp ngọt ngào giữa nói thường, nói lối, ngâm, vịnh, vỉa, hát, múa với biểu diễn. Con trâu hai nhà, theo Trần Bảng thú nhận, là “kịch chèo”.

    Năm 1959, Trần Bảng viết và dàn dựng vở Đường đi đôi ngả. Vở nói về làng Vân trong vụ mùa bị hạn hán. Trước sự kiện hạn hán đó, Tư đã bỏ sản xuất để đi buôn, đã dùng bà Lợi để được gần Duyên. Trong hợp tác xã có Phởn chăm chỉ làm ăn, tìm cách ngăn cản mọi ý định của Tư và cuối cùng Phởn yêu được Duyên, hợp tác xã thắng lớn vụ mùa, Tư thất bại đau đớn. Vở Đường đi đôi ngả được Trần Bảng cấu trúc theo phong cách tự sự với lớp giáo đầu bằng nhân vật tuyên truyền viên và bảy sự kiện có bảy tên gọi riêng là: “Cô mình mất bình tĩnh”, “Bố vợ phải đấm”, “Hờ ê hê huyền hề”, “Xin chừa cái thói đong đưa”, “Gậy ông đập lưng ông”, “Lại những sự bất ngờ”, “Hai con đường”. Đặc biệt, trong vở diễn có hai nhân vật Phởn và Tư mang phong vị của hề gậy và hề áo chùng của chèo cổ. Vở được công chúng yêu thích và Trần Bảng tự khẳng định là vở chèo!

    Vào những năm 1960-1962, Trần Bảng lại cho ra đời vở Máu chúng ta đã chảy nói về cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần ca ngợi lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ đề này không chỉ thông qua hành động anh dũng hi sinh ở các nhân vật chính diện như mẹ con bà Ngát mà còn ở những gương mặt phản diện Mận và Đồng. Vở Máu chúng ta đã chảy được Trần Bảng cấu trúc thành hai phần chính: Phần một gồm các đoạn: Mẹ và con, Đôi mắt, Máu và tấm áo lụa, Cô giao liên và chiếc khăn múa; Phần hai gồm: Lưỡi dao lá trúc, Đêm tối, Tiếng gọi, Thoát, Máu chúng ta đã chảy. Mỗi đoạn có tên riêng, thành miếng trò độc lập. Điển hình là miếng trò Tiếng gọi của Phần hai đã thể hiện cán bộ Việt Minh bị thương, ẩn náu sâu trong nhà Ngát. Ngát cùng cán bộ trốn trong hầm bí mật. Bọn Pháp lùng sục, bắt nhân dân tra hỏi tàn bạo nhưng không ai khai báo. Trong tình cảnh tàn bạo, đau thương ấy, bà Ngát đã hát điệu Tò vò gọi con. Ngát nghe tiếng hát của mẹ đã bước ra hát cùng mẹ, cùng dàn đế... Ở đây, Trần Bảng đã học tập lớp Thị Kính hát 12 câu Sử rầu và 2 trổ Ba than sau lớp Đòn oan để đi tu và đạt được hiệu quả cao trong cảm thụ khán giả... Tuy có nhiều thành công so với Con trâu hai nhà nhưng Trần Bảng vẫn tự nhận thấy tính tự sự trong cấu trúc vở chưa được kết hợp chặt chẽ với tính ước lệ của sân khấu, làm hạn chế công việc chuyển cảnh, thay trò và đậm tính bi hùng, làm cho trò diễn nặng nề, đơn điệu...

    Năm 1972-1973, Trần Bảng tiếp tục cho ra mắt khán giả vở Tình rừng. Vở này đã thể hiện cô kỹ sư lâm nghiệp Nhạn say mê với nghề trồng rừng, đấu tranh quyết liệt với tư tưởng phá rừng của tổ trưởng khai thác là Trọng. Nhạn, Tùng, Hoa Nẻng là ba nhân vật với ba tính cách đã tạo cho vở Tình rừng đa tuyến, đa trò diễn mà ở chèo cổ không có. Đặc biệt, ở vở Tình rừng, Trần Bảng đã có ý thức kế thừa nguyên tắc xử lý không gian của chèo sân đình: thông qua biểu diễn của nghệ sĩ, khán giả nhận ra không gian và thời gian của tích truyện. Vì vậy, trò diễn đã được phân ra làm bốn mùa: hạ - thu - đông - xuân. Mỗi mùa lại có những lớp trò mang tên riêng. Như cảnh mùa xuân có các trò: thăm mẹ (mẹ Nhạn với dàn đế rừng) - trữ tình; Trọng hối lỗi trở lại với tay rìu - hài hước; giao duyên giữa Tùng với Hoa Nẻng - trữ tình; mẹ con Nhạn gặp nhau - trữ tình; hội mừng xuân, Tùng nhận ra mẹ và em gái - kịch tính... Những lớp trò của vở đã luôn được kết hợp với lối diễn ước lệ, cách điệu qua nghệ thuật ra trò, lời nói, động tác, làm cho khán giả phát huy trí tưởng tượng của mình trong cảm thụ sân khấu chèo như lớp Hoa Nẻng dẫn Tùng trèo đèo, lội suối, băng rừng đầy hấp dẫn. Hơn nữa, ở Tình rừng, Trần Bảng đã thử nghiệm mô hình hề theo thầy trong vai Trọng và vai Mạnh, tạo ra hiệu quả sân khấu đậm chất chèo. Vở Tình rừng đã đoạt Giải thưởng Văn học về đề tài công nhân của Tổng Công đoàn Việt Nam (1974), được tặng Giấy khen của Tổng cục Lâm nghiệp (1973) và được diễn hàng trăm đêm trong tình yêu của hàng ngàn khán giả đương thời. Tuy vậy, Trần Bảng vẫn tự cho rằng: Tình rừng chưa đạt tới phong cách tự sự - ước lệ của nghệ thuật chèo!

    Năm 1976, Trần Bảng có viết vở Cô gái và anh đô vật (đạo diễn Trung Anh). Đây là tích truyện về Cách mạng tháng Tám: có một cô gái hoang dã, không có tên tuổi, thường lấy trộm gạo nhà ông chủ đem về cứu mẹ, Đô Lực, những đứa trẻ mồ côi trong nạn đói. Cô bị Nhật bắn bị thương, chạy vào rừng, được ông Ké cứu, nuôi dạy và đặt tên cho là Thu Hồng rồi cử đi làm cán bộ tuyên truyền vũ trang. Cô gặp Đô Lực, giúp Lực thành Đội trưởng tự vệ giải phóng quê hương. Họ đã yêu nhau, thành con người cách mạng... Tích truyện Cô gái và anh đô vật mang tính huyền thoại. Ông Ké biểu tượng cho Bác Hồ, cô gái là biểu trưng cho tình yêu cách mạng, Đô Lực là sức mạnh của cách mạng. Đặc biệt, hai chân Đô Lực bị tê liệt nhưng khi nghe tin cô gái bị Nhật bắn chết, anh đã đứng vụt dậy và đi lại bình thường khiến bao người ngỡ ngàng... Theo Trần Bảng, chèo cổ có yếu tố huyền thoại, lãng mạn nên vở Cô gái và anh đô vật đã thử nghiệm nó và khẳng định là yếu tố “cốt tủy” không thể xao nhãng trong sáng tác chèo hiện đại.

    Năm 1981, Trần Bảng viết vở Chuyện tình những năm 80 (đạo diễn Trung Anh) nói về xã hội Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ XX đã bùng nổ một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa đạo đức cách mạng với thế lực đồng tiền. Trong vở có nhân vật Quang tượng trưng cho tâm hồn trong sáng lý tưởng và nhân vật Tú biểu tượng cho thế lực đồng tiền. Chuyện tình những năm 80 là câu chuyện tình yêu của Thơm Thảo với Quang. Họ gặp nhau lần thứ nhất trong hoàn cảnh “anh hùng cứu mĩ nhân”, lần thứ hai trong hoàn cảnh “tâm hồn giao hoà”, để rồi chia tay ước vọng về nhau. Thơm Thảo đã không giữ được tình yêu với Quang, bán mình cho cạm bẫy đồng tiền và sống trong hằn thù, oán trách với kẻ lừa gạt mình... Cuối cùng, Quang đã đến với Thơm Thảo như ánh hào quang cứu sống lại một cuộc đời và giúp cho Thơm Thảo chiến thắng bản thân, chiến thắng bóng đen cuộc đời. Vở Chuyện tình những năm 80 mang trong mình thấm đẫm chất chèo của phong cách tự sự - ước lệ, giàu chất thơ - lãng mạn và được đồng nghiệp đánh giá cao đối với sáng tạo chèo trong đề tài cách mạng.

    GS, NSND Trần Bảng không chỉ là tác giả tiên phong có uy tín của làng chèo mà còn là một đạo diễn chèo nổi danh đương thời. Vở Quan Âm Thị Kính là tác phẩm được Trần Bảng tiếp thu từ các nghệ nhân, đồng nghiệp qua dịp khai thác, kế thừa vốn cổ cộng với những suy nghĩ độc lập của mình trên cơ sở bốn lần dàn dựng đã trở thành “viên ngọc quý” mang tính “cổ điển” của làng chèo. Thành công của Quan Âm Thị Kính, trước hết là Trần Bảng đã xác định đúng và thể hiện hay hình tượng người phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến không cam chịu yếu mềm, chịu đựng thụ động oan trái ở đời mà đã biết ngộ ra đức nhẫn của đạo Phật với tình yêu bao la rộng lớn cứu độ chúng sinh. Vì vậy, Thị Kính đã mang hình tượng của hoa sen, thơm ngát từ bùn đen vươn lên với cái kết của vở bằng dàn đế trong cánh quạt màu sen như toà sen trong âm vang lời hát sử xuân do Thị Kính cất lên từ biệt cõi đời để tới niết bàn...

    Vở thứ hai do Trần Bảng đạo diễn cũng được giới chèo ca ngợi mang tinh thần mẫu mực của chèo truyền thống, đó là Súy Vân. Súy Vân, đối với Trần Bảng, là ngọn lửa bừng sáng lên rồi bị dập tắt liền trong đêm trường phong kiến. Dù vậy, Súy Vân vẫn thành cơn lốc mãnh liệt làm lay động cả nền tảng lễ giáo phong kiến ác nghiệt đối với thân phận người phụ nữ. Do đó, đường nét chủ đạo trong điều độ sân khấu đã được Trần Bảng xác định cho hình tượng Súy Vân là đường xoáy lốc. Mỗi lần Súy Vân “xoáy lốc” là mỗi lần làm kịch tính tăng cao, đường nét biến đổi, làm cho khán giả không bị nhàm chán trong cảm thụ. Đặc biệt, phông hậu được hoạ sĩ sáng tạo thành mạng nhện khổng lồ và con chuồn chuồn bị mắc, cùng với khóm lau yếu ớt, cây tháp xiêu vẹo đã tượng trưng cho thân phận Súy Vân trong xã hội phong kiến đang bị suy đồi.

    Trần Bảng là con đẻ của thời đại cách mạng. Thời đại cách mạng đã đưa ông vào chèo và chèo đã làm ông rạng danh với học hàm Giáo sư, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông tuy không viết nhiều như tác giả Trần Đình Ngôn, không dàn dựng nhiều như đạo diễn Bùi Đắc Sừ và không có dư luận sôi động như sáng tạo của Tào Mạt nhưng ông đã có công lớn trong sự nghiệp phục hồi chèo (1956-1962), khai thác, sưu tầm, phục dựng lại một số vở diễn cổ, tổ chức ghi chép, thu băng, ghi hình, ghi âm những làn điệu chèo, lưu giữ những lối diễn xuất độc đáo của các nghệ nhân và ông được làng chèo coi là “anh cả”, “cây cổ thụ”, “bậc thầy”, “lão tướng”… của chèo hiện đại Việt Nam. Kể cả Tào Mạt, Trần Đình Ngôn, Bùi Đắc Sừ… cũng thừa nhận như vậy.

    Trần Bảng, đối với tôi, là nghệ sĩ bất tử trong làng chèo Việt Nam. 

 

 

 

Chú thích:
1 Trần Bảng (2006), Đạo diễn chèo, NXB Sân khấu, tr. 19-20.
2 Bùi Đức Hạnh: “Những trăn trở của vị lão tướng chèo”, Tạp chí Sân khấu, tháng 12/2015, tr. 47.

    
 

Bình luận

    Chưa có bình luận