PHÊ PHÁN VÀ GHI ƠN TRONG ''NGỤC TRUNG NHẬT KÝ''

Bài viết điểm lược về chủ đề ''phê phán và ghi ơn'' thể hiện trong tập "Ngục trung nhật ký". Những ghi chép ''ân-oán'' đó không chỉ thể hiện tình thế khó khăn mà Bác phải chịu đựng trong những năm tháng tù đày mà còn để thấy rõ hơn những nét đặc sắc trong phẩm cách đạo đức và phong độ con người vị lãnh tụ.

    Câu chuyện Ngục trung nhật ký khởi tự việc ngày 29 tháng 8 năm 1942: 

    “Túc Vinh mà để ta mang nhục,
    Cố ý dằng dai, chậm bước mình;
    Bịa chuyện tình nghi là gián điệp,
    Cho người vô cớ mất thanh danh”. 

                                                                        (Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh1 - Huệ Chi dịch, tr. 10)

    Về phần mình, Hồ Chí Minh hẳn ít nhiều biết nội tình sự thể tù đày của bản thân. Và vì thế Người cũng chuẩn bị tâm thế để “không nao núng tinh thần”2 mà cũng không trút nỗi bất bình lên đầu cá nhân “thi hành công vụ” cụ thể hay chìm trong nỗi oán hận đối với những đối xử “phi nhân loại”3 mà bản thân phải chịu đựng trong năm trời ròng rã. Ngược lại, cũng trong ngần ấy ngày tháng tù tội “Rét đến cho than, không mấy kẻ/ Đời nay người thế vẫn còn mà”4, Người cẩn thận ghi lại từng trường hợp với những lời thơ chân thành cảm động. Bài viết này là một cố gắng điểm lược một lượt chủ đề gọi là “phê phán và ghi ơn” thể hiện nơi tập thơ tù mà Người gọi là tập Ngục trung nhật ký khai quyển ngày 29/8/1942, kết thúc 10/9/1943, xuất bản phổ biến với bản dịch nhan đề Nhật ký trong tù.

    1. Phê phán trong Ngục trung nhật ký

     Trong bài thơ dẫn trên ta thấy chủ nhân của cuốn Ngục trung nhật ký ở đây không nói cụ thể cảnh tượng bắt bớ. Chuyện cụ thể này không quan trọng nữa. Vấn đề là hành xử của nhà đương cục, nói rộng nữa là nền tư pháp. Bằng sự hài hước, tác giả bài thơ chơi chữ với cái tên nơi chốn bắt người: Túc Vinh khước sử dư mông nhục. Nghĩ ra đó là nỗi nhục của tư pháp đương cục. 

    Hồ Chí Minh bị bắt ở phố Túc Vinh, thị trấn Thiên Bảo và bị giải quay lại tống giam nhà tù huyện Tĩnh Tây. Để có thể giam được người, lệnh bắt đã cho người bị bắt “tân phạm” tội mới bịa là “gián điệp”. “Tân phạm nhân” hài hước chơi chữ: 

    “Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm,
    Thiên thượng tình vân trục vũ vân.
    Tình vũ phù vân phi khứ liễu,
    Ngục trung lưu trú tự do nhân”.
                                             
 (Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây5)

    Vậy là Tĩnh Tây huyện ngục lại thêm một “tân phạm” (bản dịch thơ, Nam Trân dùng chữ “tù” để dịch câu thơ: “Trong lao tù cũ đón tù mới/ Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa” (tr. 12). Sự việc Hồ Chí Minh vào tù ở Quảng Tây dĩ nhiên có bối cảnh sử học lớn lao. Trong tính cách là một tập ngục trung nhật ký bằng thơ6, lẽ dĩ nhiên đương sự không thể chuyện gì cũng có thể đề cập. Ta chỉ có thể nhận định tác giả hẳn phải là người “biết nội tình” và vì thế đã chọn lấy cách ứng xử thích đáng nhất có thể. Bình tĩnh đón nhận tai ách và tin tưởng vào ngày “Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay!” (Nam Trân dịch, bài Chiết tự - tr. 117). Và vì vậy độc giả của Ngục trung nhật ký đành chỉ bằng lòng với những cách nói vừa đủ để biết một cảnh tù: 

    “Núi cao gặp hổ mà vô sự,
    Đường phẳng gặp người bị tống lao.
    […]
    Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió,
    Phải làm “khách quý” tại nhà giam!”
                                           
(Đường đời hiểm trở, Nam Trân dịch, tr. 15)
    Và “thế lộ” này đi cho đến gần cuối
    chặng không phải là không gay cấn:
    “Thuốc đắng, cạn liều càng thấy đắng,
    Đường gay, cuối chặng lại thêm gay;
    Dinh quan chỉ cách đây chừng dặm,
    Sao mãi giam ta ở chốn này?”.
                                            
(Giam lâu không được chuyển, Nam Trân dịch, tr. 147)

    Chính quyền Tưởng Giới Thạch đã “câu giờ” đối với Hồ Chí Minh bằng việc giải loanh quanh “hiềm nghi gián điệp phạm” này qua hơn chục nhà lao ở Quảng Tây. Trong suốt năm trời đó, người tù không xét xử này cũng đã kịp ghi lại nhiều cảnh tượng đủ giúp hình dung bức tranh nhà tù Quốc dân Đảng. Khi đó, như một bài thơ có nói: “Nhà lao xây dựng kiểu tân thời/ Đèn điện thâu đêm sáng rực trời” (Nhà ngục Nam Ninh, Nam Trân dịch, tr. 93) nhưng trong tình thế thời chiến, mọi việc hẳn không tránh khỏi ngày một tồi tệ hơn (bắt giam vợ người trốn lính, giá cả đắt đỏ, kinh doanh, trấn lột trong tù). Thực ra tác giả Ngục trung nhật ký không nói gì hơn ngoài điều mắt thấy tai nghe hoặc bản thân từng trải. Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ Người nói đến những việc đó với giọng mạt sát hay căm hận, cay độc. Tất nhiên ta cũng biết ở “địa vị” người tù, việc thể hiện quan điểm, nhất là thể hiện chính thức (tài liệu viết ra), hẳn là một việc bất tiện. Dù vậy, với những gì mà các bài thơ ngắn đó thể hiện, ta đã có thể thấy được tất cả sự sắc sảo đi kèm vẻ hài hước hiếm có. Những sự việc, hiện tượng mà tác giả Ngục trung nhật ký chớp ghi lại trong khuôn khổ bài thơ 4 câu 28 chữ đó một mặt cho thấy quan sát sắc sảo vô song, mặt khác cũng cho thấy tầm cao hay phong độ của người quan sát – đó không phải là sự phê bình cá nhân hay lên án chuyện riêng biệt. Người quan sát và ghi chép đó không còn ngạc nhiên hay nặng lời với người và việc cụ thể bởi dường như sớm biết rằng, hết thảy những việc diễn ra đó là hệ quả tất nhiên của một thể chế và lề lối vận hành xã hội. Vì rằng nhà tù là một phần của xã hội, xã hội ở một huyện nhỏ đi nữa thì đó cũng là một phần của tỉnh của nước, đủ phản ánh cái thời đại “y cựu thái bình thiên”: 

    “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,
    Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh;
    Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,
    Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”. 
                                                 
 (Lai Tân, Nam Trân dịch, tr. 144)

    Thực vậy, ta thử đọc bài thơ nhan đề Cái cùm. Bài thơ phong cách “vịnh vật” này mở đầu với những dòng mô tả cái vật đặc trưng của nhà tù: “Dữ tựa hung thần miệng chực nhai/ Đêm đêm há hốc nuốt chân người”. Vậy mà ý của tác giả không ở cái cùm, ý tác giả ở chỗ khác:

    “Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật,
    Cùm chân sau trước cũng tranh nhau;
    Được cùm chân mới yên bề ngủ,
    Không được cùm chân, biết ngủ đâu?”.
                                                       
 (Cái cùm, Nam Trân dịch, tr. 29)

    Chế độ cùm chân đương nhiên hà khắc, cho thấy sự đối xử bất nhân, nhưng bài thơ còn khiến ta nghĩ tới một điều rằng là rất có thể nhà đương cục hoặc là bắt người quá nhiều (lạm dụng việc giam giữ) hoặc tuy có dự trù số lượng tù nhân nhưng nhà tù không thèm tính đến việc đủ chỗ ngả lưng cho những kẻ bị tống giam. Tác giả Ngục trung nhật ký thêm vài ghi chép theo phong cách hài hước cố hữu về cùng chủ đề này:

    “Năm mươi ba dặm, một ngày trời,
    Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi;
    Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ,
    Ngồi trên hố xí đợi ban mai”. 
                                          
(Mới đến nhà lao Thiên Bảo, Huệ Chi dịch, tr. 52)

    “Lệ thường tù mới đến,
    Phải nằm cạnh cầu tiêu;
    Muốn ngủ cho ngon giấc,
    Anh phải trả tiền nhiều”. 
                                           
(Quán trọ, Nam Trân dịch, tr. 118)

    Tất nhiên cũng có chỗ hẳn phải đặc biệt hơn như “cấm bế thất” của Cục Chính trị thì diện tích phòng giam theo tác giả mô tả được thiết kế cụ thể “Nhị xích khoát hề tam xích trường” (tr. 163). Các dịch giả Ngục trung nhật ký chú thích cẩn thận: “Nguyên bản là chữ “xích”, một đơn vị đo chiều dài của Anh, tương đương với 0,305m. Bản của Viện Văn học trong lần xuất bản trước viết là “xích”, đơn vị đo chiều dài của Trung Quốc, tương đương 0,31m, cũng gần bằng xích Anh. Nếu theo những con số này thì diện tích phòng giam chỉ rộng chừng hơn nửa mét vuông (0,305 x 3 x 0,305 x 2 = 0,56). Có lẽ không có một loại cấm bế thất nào nhỏ đến như vậy. Chúng tôi đoán tác giả dùng chữ “xích” để chỉ công xích, tức mét (mètre), nên chúng tôi tạm dịch là thước. Xà lim rộng 6m2 cũng là loại thường thấy”7. Nhưng xây theo quy cách là một việc mà tăng thêm số tù nhân lại là một việc khác. Kết quả như ta đọc thấy:

    “Ba thước chiều dài hai thước rộng,
    Bốn người chen chúc ở bên trong;
    Duỗi chân một tý cũng không thể,
    Nhà hẹp mà người lại quá đông”.
                                               
(Nhà giam của Cục Chính trị, Huệ Chi dịch, tr. 164)

    Điều kiện sinh hoạt trong tù thật đặc biệt. Nước dùng được cấp, thoạt nói thấy thoải mái: “Rửa mặt, pha trà tùy dùng/ Tẩy diện, phanh trà các tuỳ tiện”, nhưng ý vị hoạt kê bùng nổ liền ở hai câu tiếp theo: “Ai muốn đun trà, đừng rửa mặt/ Ai cần rửa mặt, chớ đun trà”8. Hồ Chí Minh ghi lại chi tiết (phát minh) chăn giấy của một người tù:

    “Quyển xưa, sách mới bồi thêm ấm,
    Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn;
    Trướng gấm, giường ngà, ai có biết?
    Trong tù bao kẻ ngủ không an”.
                                                
(Chiếc chăn giấy của người bạn tù, Nam Trân-Băng Thanh dịch, tr. 71).

    Quả đúng là “Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn”, nhất là lúc tiết trời cuối thu: 

    “Đêm thu không đệm cũng không chăn,
    Gối quắp, lưng còng, ngủ chẳng an;
    Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh,
    Nhòm song, Bắc Đẩu đã nằm ngang”.
                                                 
   (Đêm lạnh9, Nam Trân dịch, tr.74)

    Nhưng khổ ải lớn nhất mà người tù phải chịu đó là cái đói. Ghi chép của Hồ Chí Minh cho thấy vài nét nổi bật liên quan đến vấn đề này. Thứ nhất, tù cờ bạc không được cấp ăn: “Quan không cấp bữa cho tù bạc/ Để họ mau chừa tội cũ hơn” (Tù cờ bạc, Nam Trân-Huệ Chi dịch, tr. 39). Thứ hai, tù nhân chỉ được chia cháo. Chuyện này có lẽ là phổ biến vì thấy được nói đến trong ít nhất ba bài liên quan đến các nhà tù: Điền Đông, Nam Ninh, Bình Mã và Đồng Chính.

    “Cháo tù mỗi bữa chia lưng bát,
    Cái bụng luôn luôn rên rỉ sầu”.
                                           
 (Điền Đông, Nam Trân-Hoàng Trung Thông dịch, tr. 49)10

    “Bình Mã thế nào Đồng Chính vậy,
    Bữa lưng bát cháo bụng cồn cào”.
                                           
(Đồng Chính, Nam Trân dịch, tr. 70)

    “Nhưng mỗi bữa ăn lưng bát cháo,
    Cho nên cái bụng cứ rung hoài”. 
                                           
(Nhà ngục Nam Ninh, Nam Trân dịch, tr. 93)

    Di chuyển tù cũng là một việc cho thấy “đặc sắc” của chế độ nhà tù Dân Quốc. Cứ như mô tả trong Ngục trung nhật ký thì ta thấy tù nhân được áp giải đi bộ là chính. Và điều nổi bật là áp giải trong trạng thái trói hay xiềng tay. Tác giả Ngục trung nhật ký ghi lại không dưới bốn, năm lần bị áp giải trong tình trạng mang theo “phụ kiện” nhà tù này (Dây trói, Đi Nam Ninh, Trên đường, Cảnh binh khiêng lợn cùng đi, Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh). Điều lạ là tác giả bao giờ cũng nói về việc khổ ải đó với một thái độ trào lộng thú vị. Khi thì tác giả ví sợi dây trói “vòng quấn khắp chân tay” như là tua dây trên võ phục của sĩ quan cao cấp ngoại quốc, khi thì tác giả ví tiếng xiềng xích với tiếng leng keng chuỗi ngọc. Tuồng như bị trói mà được ra khỏi phòng giam đối với người tù này cũng là một đánh đổi xứng đáng: 

    “Dẫu trói chân tay đến ngặt nghèo,
    Khắp rừng hương ngát với chim kêu;
    Tự do thưởng ngoạn, ai ngăn được,
    Cô quạnh đường xa, vợi ít nhiều”.
                                             
  (Trên đường, Huệ Chi dịch, tr. 82)

    Dĩ nhiên như thường thấy, lòng yêu thiên nhiên đó trong phần đa trường hợp cũng đều gắn liền với cảnh tượng sinh hoạt của người dân:

    “Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh,
    Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình;
    Làng xóm ven sông đông đúc thế,
    Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”. 
                                                 
(Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh, Nam Trân dịch, tr. 92)

    Xử tội trốn quân dịch cũng là một “đặc sắc” của nhà tù Dân Quốc (thời kỳ Chính phủ Trùng Khánh) được tác giả Ngục trung nhật ký ghi lại theo phong cách quen thuộc dí dỏm và sâu sắc:

    “Lang quân nhất khứ bất hồi đầu,
    Sử thiếp khuê trung độc bão sầu;
    Đương cục khả liên dư tịch mịch,
    Thỉnh dư lai tạm trú lao tù”.
                                             
(Trưng binh gia quyến)

    Bản dịch tiếng Việt:
    “Biền biệt anh đi không trở lại,
    Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu;
    Quan trên xót nỗi em cô quạnh,
    Nên lại mời em tạm ở tù!”. 

                                                (Gia quyến người bị bắt lính, Nam Trân dịch, tr. 84)

    Như ta thấy nguyên văn dùng từ “đương cục”, dịch giả dịch “quan trên”. Bài thơ này trong ấn bản có thêm một chú thích của người biên tập như sau: “Trong bài này, tác giả châm biếm việc bắt lính của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Tuy gọi là “đi lính cứu nước”, nhưng thực chất chỉ là để bảo vệ nhà cầm quyền, nên phần đông nhân dân bỏ trốn không chịu đi. Để đối phó lại, chính quyền đã dùng thủ đoạn bắt vợ vào ngồi tù thay (BT)”11. Dĩ nhiên trong trường hợp con nhỏ thì cảnh tượng là đây:

    “Oa...! Oa...! Oaa...!
    Cha sợ sung quân cứu nước nhà;
    Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,
    Phải theo mẹ đến ở nhà pha”.
                                           
(Cháu bé trong nhà lao Tân Dương, Nam Trân dịch, tr. 131)

    Sau cùng về sự phê phán xã hội trong Ngục trung nhật ký ta có thể nói đến vấn đề cũng là hệ quả tất yếu của thể chế: nhà tù trở thành nơi nửa kinh doanh nửa trấn lột. Tuân theo phong cách nhất quán, tác giả Ngục trung nhật ký thực hiện những ký họa nhanh gọn, những ký họa luôn nhuốm chút hài hước đầy dư vị. Chẳng hạn lối định tiền công theo “hối đoái” nội bộ nhà tù:

    “Thổi một nồi cơm, trả sáu hào,
    Nước sôi mỗi chậu, một đồng trao;
    Một đồng của đáng sáu hào chỉ,
    Giá cả trong tù định rõ sao!”.
                                           
 (Tiền công, Nam Trân dịch, tr. 104)

    Bản dịch vô tình dịch câu kết bài thành câu cảm thán, trong nguyên tác đơn thuần chỉ là một câu trần thuật: “Ngục trung giá cách định chiêu nhiên” (Giá cả trong tù định rõ như thế). Dù sao, có thể xem đó là dịch vụ trong tù. Cái dịch vụ độc quyền hình thành đi liền với chế độ thiếu thốn cố ý cộng thêm ảnh hưởng của lạm phát thời chiến:

    “Cháo tù mỗi bữa chia lưng bát,
   Cái bụng luôn luôn rên rỉ sầu;
   Cơm nhạt ba đồng ăn chẳng đủ,
   Củi thì như quế, gạo như châu”.
                                           
 (Điền Đông, Nam Trân dịch, tr. 49)

    Nhưng ngoài phí dịch vụ còn có những loại phí kỳ quặc:

    “Vào lao phải nộp khoản tiền đèn,
    Tiền Quảng Tây vừa đúng sáu “nguyên”;
    Vào chỗ tối tăm mù mịt ấy,
    Quang minh đáng giá bấy nhiêu tiền”.
                                             
(Tiền đèn, Nam Trân dịch, tr. 135)
    “Mới đến nhà giam phải nộp tiền,
    Lệ thường ít nhất năm mươi “nguyên”!
    Nếu anh không có tiền đem nộp,
    Mỗi bước anh đi, một bước phiền”.
                                               
(Tiền vào nhà giam, Nam Trân dịch, tr. 159)

    Các loại phí đó thực chất là tiền trấn lột. Tất nhiên trong tù không chỉ trấn lột tiền:

    “Hút thuốc nơi này cấm gắt gao,
    Thuốc anh nó tịch, bỏ vào bao;
    Nó thì kéo tẩu tha hồ hút,
    Anh hút, còng đây, tay ghé vào”.
                                               
(Cấm hút thuốc)

    Nhưng “đặc sắc” nhất là một “dịch vụ” khác, thậm chí ta phải nói đó còn hơn cả một dịch vụ. Tác giả Ngục trung nhật ký ký tả vài nét rất nhẹ nhàng:

    “Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội,
    Trong tù đánh bạc được công khai;
    Bị tù, con bạc ăn năn mãi: 
    Sao trước không vô quách chốn này!?”.
                                               
(Đánh bạc, Nam Trân dịch, tr. 38)

    “Quan không cấp bữa cho tù bạc,
    Để họ mau chừa tội cũ hơn;
    Tù “cứng” ngày ngày no rượu thịt,
    Tù nghèo, dãi với lệ cùng tuôn”. 
                                               
(Tù cờ bạc, Nam Trân-Huệ Chi dịch, tr. 39).

    Nguyên tác câu thứ 3 bài thơ là 硬犯餚饌天天有(“Ngạch” phạm hào soạn thiên thiên hữu)12. “Ngạch” (cứng) ở đây là tiếng lóng chỉ tù đánh bạc có máu mặt. Chữ “cứng” này xuất hiện trở lại trong nhan đề một bài thơ khác cũng viết về tù đánh bạc: Bài 62 - Nhất cá đổ phạm “ngạch” liễu (一個賭犯硬了(Một người tù cờ bạc “cứng” rồi)):

    “Thân anh da bọc lấy xương,
    Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi;
    Đêm qua còn ngủ bên tôi,
    Sáng nay anh đã về nơi suối vàng!”.
                                               
 (Một người tù cờ bạc chết cứng, Nam Trân dịch, tr. 96). 

    Ghi chép tiếp theo của tác giả Ngục trung nhật ký: “Lại một người nữa...” (Nhan đề bài tiếp theo cũng nói về việc có người tù cờ bạc khác lại vừa chết đói) lặng lẽ gợi lên tình cảnh ngục tù thê thảm. Ý vị phúng dụ cao siêu cô đặc trong những câu như “Tù bạc chẳng ăn cháo nhà nước” (nguyên văn “công gia chúc”, từ “công gia” dịch là “nhà nước” được dùng trở lại ở câu kết bài: “công gia ngục”)13:

    “Di, Tề chẳng ăn gạo nhà Chu,
    Tù bạc chẳng ăn cháo nhà nước;
    Di, Tề chết đói ngàn Thú Dương,
    Tù bạc chết đói trong nhà ngục”. 
                                           
    (Lại một người nữa, Nam Trân dịch, tr. 99)

    Phê phán trong Ngục trung nhật ký nói chung không nhằm vào cá nhân xác định (trái ngược hẳn việc ghi ơn). Tác giả tập thơ cười giễu cái xấu, cái ác như là bộc phát của thể chế chứ không nhằm nặng lời với con người cụ thể. Một đôi khi chẳng hạn có nói rõ “những kẻ gian này” (bỉ gian nhân) ấy cũng vì muốn để giãi bày chuyện cảm động khác. Chúng tôi muốn nói đến bài thơ Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy của ta (Ngục đinh thiết ngã chi sĩ đích). Bài thơ viết là để thương nhớ cây gậy như người bạn nay “hai ta” bị chia rẽ đôi nơi. Hận là hận kẻ gian chia lìa một gắn bó bạn bè chứ không phải là nỗi hận mất đồ hay niềm căm kẻ cắp thông thường (nguyên việc cố ý đùa dùng từ “tây” sĩ đích (cây gậy/ ba toong) trong nhan đề đã đủ cho thấy điều đó): 

    “Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường,
    Dìu dắt nhau đi mấy tuyết sương;
    Giận kẻ gian kia gây cách biệt,
    Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương”.
                                               
Nam Trân dịch, tr. 127)

    2. Ghi ơn trong Ngục trung nhật ký

    Thực ra nói “ghi ơn” (trong Ngục trung nhật ký) là hơi hẹp. Hoặc nói đúng hơn, nhiều khi đó không chỉ là một sự ghi ơn cá nhân (tác giả chịu ơn) mà còn là lời cám ơn giùm cho nhiều người nữa. Dù những người biết cám ơn đó có ít ra sao đi nữa thì đó cũng vẫn là một sự tỏ bày lòng biết ơn chân thành:

    “Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,
    Phu đường vất vả lắm ai ơi!
    Ngựa xe, hành khách thường qua lại,
    Biết cảm ơn anh được mấy người?”.
                                               
 (Phu làm đường, Nam Trân dịch, tr. 1215).

    Trong Ngục trung nhật ký, người đầu tiên thấy tác giả nhắc tên như là một người đáng để cho mọi người ghi ơn là một Lưu sở trưởng:

    “Làm việc đúng thay Lưu sở trưởng,
    Ai ai cũng bảo bác công bình;
    Đồng tiền, bát gạo đều công bố,
    Sạch sẽ, lao tù rất vệ sinh”.
                                             
 (Sở trưởng Long An họ Lưu, Nam Trân dịch, tr. 65)

    Nhớ ơn người tốt với mình, điều đó tự nhiên. Nhưng Hồ Chí Minh không quên những người có lòng hảo tâm đối số đông người hoạn nạn. Chẳng hạn gương người tốt Mạc ban trưởng:

    “Trưởng ban họ Mạc người hào hiệp,
    Dốc túi mua cơm giúp phạm nhân;
    Đêm đến cởi thừng cho họ ngủ,
    Chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân”.
                                                 
(Mạc ban trưởng, Nam Trân dịch, tr. 139)

    Tất nhiên, có thể việc làm của Mạc ban trưởng không phải và không thể là chuyện phổ biến – chuyện người có chức vụ trong hệ thống quan quyền cai quản nhà tù (ban trưởng) giúp đỡ người trong tù – nhưng ấn tượng về lòng tốt, về sự giúp đỡ không chỉ đối với cá nhân riêng lẻ (bản thân Người có lẽ lúc đó đang ở phòng giam nhà tù này) khiến Người xúc động ghi lại thành bài thơ này. Có thể thấy, dù chuyện một người quản ngục giúp đỡ tù nhân hẳn không có nhiều nhưng như lời Người nói, ấy cũng là “Đời nay người thế vẫn còn mà”. Bài thơ Mạc ban trưởng là bài thứ 93 của tập Ngục trung nhật ký. Trước đó 4 bài là bài thứ 87 nhan đề Tân Dương ngục trung hài (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương) tả cảnh em bé nửa tuổi vào tù cùng mẹ. Ta hi vọng hai mẹ con em bé ở tù vì bố trốn quân dịch này có lẽ cũng đã nhận được chút giúp đỡ từ “khảng khái Tân Dương Mạc ban trưởng”.

    Đôi khi người mà Hồ Chí Minh ghi ơn đó có thể là một người cùng cảnh (bình thủy thủy tương phùng):

    “Gặp nhau bèo nước”, chuyện gần xa,
    Ông Quách ân cần đối đãi ta;
    “Rét đến cho than”, không mấy kẻ,
    Đời nay người thế vẫn còn mà”.

                                                (Tiên sinh họ Quách, Nam Trân - Huệ Chi dịch)

    Thực ra cứ như bài thơ cho thấy, tiên sinh họ Quách với Người cũng chưa phải là sự giúp đỡ gì lớn. Cũng chỉ là một lần chuyện trò ngắn, chút đối đãi ân cần giữa đường đời ba đào. Nhưng Người xem đó đã là “Tuyết trung tống thán”. Cao cả sâu xa hơn, Người nói đến cái niềm tin vào cuộc đời và con người: “Trên đời người thế vẫn còn mà” (Thế giới nhưng tồn giá chủng nhân).

    “Ăn có cơm rau, ngủ có mền,
    Báo xem, thuốc hút: cấp cho tiền.
    Ông Lương chủ nhiệm đãi ta hậu,
    Cảm kích lòng ta, chẳng nói nên14”.
                                            
  (Được ưu đãi, Huệ Chi dịch, tr. 165)

    Vậy “ông Lương chủ nhiệm” (Chủ nhiệm Lương công) nói đến trong bài thứ 111 của tập Ngục trung nhật ký ở đây là ai? Các bản in Nhật ký trong tù không thấy có chú thích nhưng ta có thể đoán định đó chính là người sẽ được ghi đầy đủ họ tên, chức vụ ở bài thơ thứ 122 sau đó của tập thơ – bài Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm phó tư lệnh:

    “Đốc quân ngày trước vùng Tương, Chiết,
    Chống giặc năm nay mạn Miến, Điền;
    Lừng lẫy uy danh, thù mất mật,
    Khải hoàn mừng trước, xướng thành thiên”.

    Lương Hoa Thịnh (梁 华 盛 ) là Trung tướng (tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân Hoàng Phố), Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Đệ tứ chiến khu của Trung Hoa Dân Quốc. Đệ tứ Chiến khu lúc đó do tướng Trương Phát Khuê làm Tư lệnh trưởng, bao gồm địa bàn hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, đặt Tổng Hành dinh tại Liễu Châu (Quảng Tây)15. Lương Hoa Thịnh phụ trách công tác huyến luyện chính trị cho Đệ tứ Chiến khu. Khi Lương Hoa Thịnh được thăng chức Tư lệnh phó thì Thiếu tướng Hầu Chí Minh – cũng là được nhắc đến ở cuối tập Ngục trung nhật ký – thay ông đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị chiến khu này. Tác giả Ngục trung nhật ký khi đó bị giải từ Quế Lâm ngược lại Liễu Châu (xem bài 109: Đáo Đệ tứ chiến khu Chính trị bộ (Bài Đến Cục chính trị Chiến khu IV), giam ở “Chính trị bộ cấm bế thất” (Bài 110 - Nhà giam Cục chính trị). Tiếp liền bài Nhà giam Cục chính trị này chính là bài Được ưu đãi (bài 111).

    Nối kết các bài thơ theo trình tự hành trình của chủ nhân tập nhật ký như thế ta biết được chẳng hạn như ở trường hợp gặp người tốt “chủ nhiệm Lương công” này, Người đã nhắc đi nhắc lại vài ba lần: lần ở bài thơ này, lần ở bài thơ kia. Lương chắc chắn cũng là người được nhắc đến thêm lần thứ ba nữa ở bài Tặng chú Hầu (Hải) tiếp theo bài Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm phó tư lệnh vừa dẫn trên:

    “Bé thì phải học, lớn thì hành,
    Với dân, đảng, nước16, dạ trung thành;
    Kiệm cần, dũng cảm và liêm chính,
    Chớ phụ ông Lương dạy dỗ mình”. 
                                               
(Đỗ Văn Hỷ dịch, tr. 184)

    Đọc bài thơ ta cũng có thể tạm đoán người gọi là Tiểu Hầu chắc là một sĩ quan tùy tòng thân cận của tướng Lương Hoa Thịnh. 

    Có thể nói, đối với những người mà Hồ Chí Minh ghi ơn, Người luôn ghi rõ tên (theo cách gọi họ kèm chức vụ, hoặc gọi họ kèm từ công, hay gọi kèm từ tiên sinh), thường là ngay trong nhan đề bài thơ. Hoặc nếu không ghi rõ ở nhan đề thì cũng sẽ ghi rõ trong bài. Không chỉ đối với người giúp đỡ riêng, người tốt với mọi người cũng được tác giả Ngục trung nhật ký chú tâm ghi lại. Những người có từ tâm hay huệ tâm giúp người đó, có kẻ có điều kiện – tức có chức vụ, quyền uy – nhưng cũng có người đơn thuần là nhân viên. Các nhà biên khảo Ngục trung nhật ký ngày nay có thể sẽ không còn có thể khảo ra nhân viên phòng ban họ Hoàng hay họ Trần nào đó là ai, nhưng dù sao họ cũng đã được ghi lại trong vài bài thơ viết trong những ngày ở tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thử đọc bài thứ 115 nhan đề Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên:

    “Ngũ khoa trưởng dữ Hoàng khoa viên,
    Lưỡng nhị kiến ngã thái khả liên;
    Ân cần uỷ vấn hoà bang trợ,
    Giá tượng đông hàn ngộ noãn thiên”.

    Bản dịch Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng:
    “Họ Ngũ trưởng khoa với họ Hoàng,
    Thấy ta cùng cực động lòng thương;
    Ân cần thăm hỏi và cưu giúp,
    Như nắng bừng lên giữa giá sương”.
                                                   
(Huệ Chi dịch, tr. 171)

    Đọc bài này ta có thể đoán chừng người họ Hoàng có lẽ là nhân viên trực thuộc cơ quan của cấp trưởng họ Ngũ. Hay như một viên chức khác họ Trần (Khoa viên họ Trần tới thăm): 

    “Lính tráng tuần canh nhìn nhẵn mặt,
    Hôm nay mới được gặp văn nhân;
    Người trông nho nhã, ai không thích,
    Mái tóc ta xanh lại mấy phần”.
                                                 
 (Huệ Chi dịch, tr. 189)

    Sau cùng phải nói đến một nhân vật quan trọng, người giúp khép lại Ngục trung nhật ký. Tác giả tập nhật ký viết bài Kết luận (Lời kết) – bài cuối cùng của tập thơ tù. Thực ra danh xưng “Hầu chủ nhiệm” trước đó đã được đề cập đến ở bài 128 – Chủ nhiệm họ Hầu tặng bộ sách:

    “Sách ngài Chủ nhiệm mới đưa sang,
    Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang;
    Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ,
    Chân trời một tiếng sấm rền vang”.
                                                   
(Đỗ Văn Hỷ dịch, tr. 191)

    Dịch giả bài Hầu Chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư có chú thích như sau: “Hầu Chủ Nhiệm: tức Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục Chính trị Chiến khu IV, người đã trực tiếp thả Hồ Chí Minh theo lệnh của Tưởng Giới Thạch. Được tiếp xúc với Người, ông từng tỏ lòng mến phục (ND)” (tr. 191).

    Ta không rõ nguồn tài liệu tham khảo cho chú thích trên của dịch giả. Nếu đúng như vậy thì chuyện này hẳn phải khiến các nhà sử học liên hệ đến việc làm của nhóm luật sư Francis Henry Loseby ở vụ án Tống Văn Sơ (tháng 9 năm 1931) tại Hồng Kông. 

    Hầu Chí Minh (侯志明, 1896-1980), người Quảng Đông, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân Hoàng Phố, lần lượt giữ nhiều nhiều chức vụ lớn trong quân đội và Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc; năm 1949, ra Đài Loan cùng Tưởng Giới Thạch; từ 1976, sống tại Mĩ. Dưới đây chúng tôi mạnh dạn dịch một đoạn liên quan đến Hầu Chí Minh trong khoảng thời gian có liên hệ tiếp xúc với tác giả Ngục trung nhật ký, gọi là góp thêm tư liệu liên quan: 

Phiên âm Hán Việt Bản dịch thơ (Khương Hữu Dụng)
KẾT LUẬN
Hạnh ngộ anh minh Hầu chủ nhiệm,
Nhi kim hựu thị tự do nhân;
Ngục trung nhật ký tòng kim chỉ,
Thâm tạ Hầu công tái tạo ân.
                                       Hoàn
                                          29/8/1942
                                          10/9/1943
KẾT LUẬN
Sáng suốt, nhờ ơn Hầu chủ nhiệm,
Tự do trở lại với mình rồi;
Ngục trung nhật ký từ đây dứt,
Tái tạo ơn sâu, cảm tạ người.
                                  Hết
                                   29/8/1942
                                   10/9/1943

 

    (Sau khi trực ngôn báo cáo về tình hình ở vùng chiến khu Thiểm Tây của Đảng Cộng sản bị Tưởng Giới Thạch quở trách) Năm 1942, Hầu Chí Minh phải rời Trung ương (Trùng Khánh) xuống nhận chức vụ Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu. Nhậm chức không lâu, biết được việc Tư lệnh Đệ tứ chiến khu là tướng Trương Phát Khuê bắt giam Hồ Chí Minh – lãnh đạo Việt Nam Độc lập Đồng minh liền trực tiếp báo cáo Tưởng về tầm quan trọng của việc đoàn kết hữu nghị kháng Nhật cũng như của việc tiếp nhận viện trợ quân sự từ Anh, Mĩ qua ngả Việt Nam. Tưởng chấp nhận ý kiến của Hầu, phóng thích Hồ Chí Minh, cho phép Việt Minh hoạt động ở Vân Nam và Quế Lâm, đồng thời giao Hầu Chí Minh làm đại biểu chỉ đạo Việt Minh. Không lâu sau đó, Hầu phát hiện Chủ tịch tỉnh Vân Nam Long Vân và Trương Phát Khuê với sự ủng hộ của tướng Joseph Warren Stilwell, dự định thành lập một chính phủ độc lập tại Tây Nam Trung Quốc. Hầu bèn đi Trùng Khánh mật báo với Tưởng, đồng thời kiến nghị đối nội hẵng vì đại nghĩa và kháng chiến chống Nhật để thuyết phục Long Vân và Trương Phát Khuê; đối ngoại thông qua ngoại giao, nói sự thực với tổng thống Franklin D. Roosevelt điều động Joseph Warren Stilwell về nước. Tưởng chấp nhận ý kiến của Hầu, tránh được tranh chấp quốc tế và sự đổ vỡ của chính quyền Trùng Khánh. Từ đó Tưởng rất coi trọng Hầu Chí Minh. Mùa đông 1944, Hầu được điều về đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Vệ binh Trùng Khánh (Hầu Chí Minh, Chương 1 Nhân vật truyện, Tập 31 Nhân vật, trong sách Mai Châu thị chí, 1979-2000, quyển hạ, tr. 1307).

    3. Vài lời kết

    Bài viết này như đã nói từ đầu là một cố gắng điểm lược một lượt chủ đề gọi là “phê phán và ghi ơn” thể hiện trong Nhật ký trong tù – tác phẩm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ trước tới nay, việc tìm hiểu nét chủ đề thứ hai (sự ghi ơn) có vẻ như ít được chú ý hơn so với việc tìm hiểu nét chủ đề thứ nhất (sự phê phán). Tìm hiểu về sự phê phán cũng thường tập trung nhận định tác giả thông qua miêu tả người và việc có ý nghĩa đại diện để lên án chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch, tố cáo mặt hắc ám của xã hội Trung Hoa Dân Quốc đương thời. Nhìn một cách giản dị, chúng tôi dường như lại thấy rằng với sự sắc sảo và hài hước hiếm có, tác giả đã chỉ ghi lại những sự thể trong tù như là biểu hiện phổ biến đáng tiếc nhưng là tất yếu của một thể chế hay lề lối xã hội bao trùm. Tác giả Ngục trung nhật ký viết về những người và việc xấu-ác đó không phải với ý “tìm lấy điển hình đại diện” đáng hứng trọn sự phê bình cay nghiệt mà chỉ là với cách tiện thấy thì nêu ra (không bao giờ là một sự điểm danh chì chiết) với vẻ u-mua bất tuyệt. Ngược lại, chứng kiến hay may mắn nhận được một sự hảo tâm giúp đỡ, từ thoáng thăm hỏi ân cần hay lớn tới mức “cứu sống lại” (tái tạo ân), Người đều xúc động ghi danh thật rõ ràng trong các bài thơ. Đọc lại tất cả những ghi chép “ân-oán” trong Nhật ký trong tù cũng là dịp để ta thấy rõ hơn những nét đặc sắc trong phẩm cách đạo đức và phong độ con người vị lãnh tụ.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh (2015), Nhật ký trong tù, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
2. 近现代诗词精选•胡志明“狱中日记”诗抄 — 子夜星网站 (ziyexing.com)
3. The Prison Diary of Ho Chi Minh - Google Books, truy cập 10/8/2023.
4. Poems from The Prison Diary of Ho Chi Minh - Google Books, truy cập 10/8/2023.
5. 梅州市志1979-2000下册 | 广东省情网 (gd.gov.cn) truy cập 12/1/2022.

Chú thích:
1 Chú thích của sách Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2015: “Túc Vinh: tên một phố ở thị trấn huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tác giả bị bắt ở đây ngày 29/8/1942 (BT)”. Toàn bộ dẫn thơ Ngục trung nhật ký trong bài viết này đều dẫn theo ấn bản này, chúng tôi mở ngoặc số trang sau mỗi dẫn chứng.
2 Câu trong liên thơ kết bài Bốn tháng rồi (Tứ cá nguyệt liễu): “Vật chất tuy đau khổ/ Không nao núng tinh thần” (tr. 154).
3 Liên thơ trong bài Tứ cá nguyệt liễu (Bốn tháng rồi): “Tứ nguyệt phi nhân loại sinh hoạt/ Sử dư tiều tụy thập niên đa” (Sống khác loài người vừa bốn tháng/ Tiều tụy còn hơn mười năm trời) (tr. 153).
4 Hai câu kết bài Quách tiên sinh (Tiên sinh họ Quách): “Tuyết trung tống thán tuy nhiên thiểu/ Thế giới nhưng tồn giá chủng nhân” (tr. 137).
5 Tĩnh Tây: một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, gần biên giới Trung - Việt. Tác giả bị bắt ở thị trấn Thiên Bảo, quá Tĩnh Tây mấy chục kilômét, nhưng lại bị đưa trở lại Tĩnh Tây giam giữ (BT).
6 Một số cách gọi, cách dịch nhan đề tác phẩm này phản ánh những cách đọc hiểu nhất định: chẳng hạn trang web 近现代诗词精选•胡志明“狱中日记”诗抄子夜星网站(ziyexing.com)
7, 8, 11, 12 Hồ Chí Minh (2015), Nhật ký trong tù, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr. 163, 34, 83, 39.
9 Nam Trân dịch “Đêm thu”, nguyên tác “Thu thâm vô nhục diệc vô chiên”. Bản dịch Trần Đức Thọ sát hơn: Cuối thu chăn đệm cũng đều không.
10 Nguyên văn “Mỗi xan nhất uyển công gia chúc”. “Công gia” chỉ nhà nước.
13 Nguyên văn 公家 (công gia): Xưa chỉ triều đình, nay chỉ quốc gia, cơ quan, đoàn thể hoặc tổ chức đại biểu cho lợi ích chung; phân biệt với tư nhân. Trong bài Điền Đông ở phần đầu tập thơ, tác giả đã dùng từ này – “Mỗi xan nhất uyển công gia chúc” (Cháo tù mỗi bữa chia lưng bát – Nam Trân-Hoàng Trung Thông dịch, bài 33, tr. 49).
14 Nguyên văn bài thơ:
                                                   蒙優待
                             吃夠飯菜睡夠氈,又給零錢買報煙。
                             主任梁公優待我,我心感激不塍言。
Câu đầu 吃夠飯菜睡夠氈 (Ngật câu phạn thái, thuỵ câu chiên) – có thể diễn nghĩa đầy đủ là: “Ăn thì đủ cơm đủ thức ăn, ngủ đủ chăn ấm”. Bản dịch “ăn có cơm rau”. Thực ra “phạn thái” chỉ cơm và thức ăn nói chung, không chỉ mỗi rau. Nguyên văn còn có chữ “câu” với nghĩa “đủ”. Trong nhan đề có chữ “mông” nghĩa cũng không vỏn vẹn chỉ là “được”. Từ này có thể dịch sát hơn là “được ơn”.
15 Trung Hoa Dân Quốc phân chia các chiến khu trong toàn quốc để đối phó với chiến tranh xâm lược của quân đội phát xít Nhật từ năm 1937. Việc phân chia các khu vực chiến đấu này chủ yếu dựa trên các hoạt động của quân đội.
16 Nguyên văn câu thứ 2 này: 上忠黨國下忠民; phiên âm Hán Việt cũng như dịch thuật đối câu này đã dùng dấu phẩy “Thượng trung đảng, quốc, hạ trung dân” cho thấy cách đọc hiểu “đảng và nước”. Ta không rõ tác giả bài thơ có ý đó hay chỉ dùng 2 chữ đó như một từ phổ biến lúc đó – từ “đảng quốc” (thuật ngữ chính trị đương thời, hiểu gọn là đảng hoặc chế độ).

 


 

Bình luận

    Chưa có bình luận