Kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng, cần nhìn lại và khẳng định những đóng góp to lớn của báo chí và đội ngũ làm báo qua các thời kỳ vào thành công chung của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước. Đây cũng nên là dịp nhìn lại vai trò của báo chí trong quá trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, cổ vũ, là thao trường luyện bút, biểu dương đội ngũ làm văn hóa và giới thiệu, truyền tải các tác phẩm văn học, nghệ thuật làm nên bộ mặt của nền văn hóa mới. Không thể hình dung sự ra đời và phát triển của nền văn học, nghệ thuật cũng như nền văn hóa mới mà thiếu vai trò của báo chí.
Trước hết, hãy nói về vai trò báo chí trong quá trình phát triển của ngôn ngữ: tiếng Việt - chữ Quốc ngữ. Khác với các nước láng giềng vẫn giữ nguyên hệ thống văn tự truyền thống, tiếng Việt đã từ bỏ tiếng Hán và chữ Nôm để chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ. Đó là quá trình đến mấy trăm năm. Do sự phát triển sớm, những nhà thám hiểm và thương gia phương Tây, thế kỷ XV, đã đặt chân đến các nước phương Đông. Sau một số nước, mãi đến năm 1516, các thương gia và giáo sĩ phương Tây mới tới vịnh Đà Nẵng, bấy giờ còn thuộc thời Tiền Lê, tiếp sau là thời nhà Mạc. Chắc là thấy quá khó trong việc học và sử dụng chữ Nôm để giao tiếp và truyền giáo, các trí thức giáo sĩ đã sử dụng hệ thống chữ Latinh để ghi âm tiếng nói của người bản địa. Sáng tạo ra cách ghi âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh chắc chắn là công trình tập thể của nhiều thế hệ người phương Tây cùng các trí thức bản xứ. Hơn 100 năm sau, năm 1651, cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latinh mới được xuất bản ở Roma - Ý, tác giả là Alexandre de Rhodes. Ngay sau đó đã phát sinh nghi vấn về tác giả đích thực của cuốn từ điển này. Giáo hội đã có nghi vấn và đưa A. Rhodes sang Ba Tư và mất ở đó. Cũng khó hiểu, một công trình về tiếng Việt mà không thấy sự tham gia của bất cứ người bản địa nào trong quá trình hình thành rất nhiều khâu để ghi được tiếng nói và làm nên từ điển. Hai trăm năm sau, 1858, những phát đại bác đầu tiên từ pháo hạm của Pháp bắn vào Đà Nẵng, đến khi buộc triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước 1884, chia nước ta thành 3 kỳ với các chế độ cai trị khác nhau, nhưng phải đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp mới đặt xong guồng máy cai trị trên cả nước. Trong thời gian đó, chữ Quốc ngữ đã ra đời nhưng chủ yếu là được các giáo sĩ truyền đạo sử dụng. Nhà Nguyễn với chủ trương cấm đạo nên thứ chữ này bị giới hạn trong một cộng đồng nhất định. Khi đã nắm quyền, người Pháp nhìn thấy nhiều lợi thế khi sử dụng cách ghi chép và truyền dạy: thanh lý được lối học cử tử cũ, loại bớt lớp quan lại bảo thủ chỉ biết chữ Hán, chữ Nôm; nhưng cũng vì thế mà gặp sự phản ứng nhân danh lòng yêu nước, bảo vệ văn hóa bản địa, xem cách viết mới là sản phẩm Tây dương, mất gốc. Phải đến khi xuất hiện lớp sĩ phu mới mới thấy cái lợi lớn của việc sử dụng chữ gốc Latinh, dễ học, dễ dùng để truyền bá những kiến thức mới, nâng cao dân trí, xóa nạn mù chữ. Mục đích khác nhau nhưng chữ Việt mới đã có cơ hội phát triển thành chữ Quốc ngữ. Trong một số tác phẩm của những người Pháp khi tiếp xúc với người Việt, tiếng Việt, bên cạnh những cảm nhận về cái hay của tiếng Việt có kèm nỗi lo một vài trăm năm nữa liệu loại ngôn ngữ này có bị lụn tàn dần như nhiều ngôn ngữ khác đã từng không? Tờ công báo đầu tiên của người Pháp in ở Sài Gòn tháng 9/1861, bằng máy in mang từ chính quốc sang. Nhưng để in được báo tiếng Việt mới, với thứ tiếng có 5 dấu, phải đặt loại chữ kèm dấu, mất vài năm mới sản xuất được. Tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo, số 1 ra ngày 19/4/1865 nhưng phải đến 1869 mới có người Việt đầu tiên đứng tên Chủ bút là Trương Vĩnh Ký. Từ đó cho đến 1925, là lúc tờ báo Thanh niên của tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ra đời và tồn tại suốt 9 năm, ở khắp 3 kỳ có đến hàng trăm tờ báo xuất hiện. Tuổi thọ khác nhau, khuynh hướng khác nhau, nằm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của bộ máy thống trị thực dân nhưng nhiều nhà báo đã tìm mọi cơ hội thể hiện lòng yêu nước, ghi nhớ truyền thống dựng nước, phổ biến trong vòng cho phép những kiến thức khoa học về tự nhiên, xã hội. Quan trọng nhất là các nhà báo tiền nhân đã có đóng góp cho sự phát triển của tiếng Việt hiện đại, biến nó thành chữ Quốc ngữ. Một trăm năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng và kháng chiến, giao lưu với những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, tiếng Việt đã có sự phát triển và phổ biến vượt bậc. Bỏ lại phía sau nỗi lo bị biến mất, không đủ khả năng để giảng dạy trong nhà trường, đặc biệt trong các cấp học trên phổ thông, ngày nay, với 100 triệu dân, nhiều triệu người Việt cư trú ở nhiều quốc gia trên các kinh độ và vĩ độ khác nhau, ở một số nước tiếng Việt ngày càng được phổ biến, cùng với nhiều tờ báo tiếng Việt. Ngôn ngữ nước nào cũng có những hạn chế nhất định, ngay cả những ngôn ngữ phổ biến nhất. Rời bỏ kho tàng truyền thống Hán - Nôm cũng để lại nhiều tiếc nuối nhưng để tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ được tôn trọng và phổ biến ở quy mô thế giới như hiện nay, công đầu phải ghi nhận sự đóng góp của báo chí. Trong quá trình phát triển, in đậm dấu ấn của các vị lãnh đạo hàng đầu của Nhà nước, những nhà cách mạng, cũng là những nhà báo lớn, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực, luôn quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt. Nhà báo Phan Quang, người nhiều năm được theo dõi đưa tin các hoạt động của các vị lãnh đạo, từng kể một chi tiết hồi đầu chiến tranh: Sau buổi Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới nói chuyện về gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt ở Báo Nhân Dân lúc nơi này đang ngổn ngang đào công sự ẩn nấp, ngày hôm sau, nhiều tờ báo phương Tây đưa tin: “Trong khi tại Nhà trắng, bộ tham mưu của Tổng thống Mĩ tới tấp hoàn thành kế hoạch tập kích thủ đô Bắc Việt, thì tại Hà Nội, vị Thủ tướng Việt Nam bình tĩnh bàn luận về ngôn ngữ”. Cũng chính vị Thủ tướng ấy, từ năm 1962, trong buổi nói chuyện với các văn nghệ sĩ, nhà báo khi học tập Nghị quyết của Đảng đã nhắc nhở: “Hãy suy nghĩ lời khuyên của M. Gorky: Bạn hãy giữ cái gì là riêng của mình, hãy săn sóc làm cho nó phát triển tự do. Lúc một con người không có cái gì là riêng của mình thì phải thấy ở người đó chẳng có gì hết”. Đó cũng là lời nhắc nhở với riêng từng nhà báo.
Ngoài chức năng chính là thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, nghị quyết… của Đảng và Nhà nước, hầu hết các tờ báo, tạp chí, các loại hình đa phương tiện đều dành một diện tích chuyển tải các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Có một khoảng chồng lấn về thể loại giữa văn học và báo chí: phóng sự, bút ký, tùy bút, tản văn, chân dung, hồi ký, ghi chép, thơ (các loại)… Rất nhiều năm, cũng như ở nhiều nước, nhiều báo hằng ngày ở nước ta thường đăng những phóng sự, tường thuật và nhất là các loại truyện, tiểu thuyết nhiều kỳ. Trong những năm kháng chiến, in sách khó khăn thì việc công bố tác phẩm trên báo, đài phát thanh là kênh phổ biến nhất. Có một hiện tượng lịch sử đáng nhớ: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các văn nghệ sĩ tiền chiến tham gia kháng chiến, nhưng không phải ai cũng tiếp tục sáng tác như đã từng, thì hầu hết đều làm báo, viết báo. Những Tô Hoài, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thâm Tâm, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Lạp, Hoàng Lộc, Chế Lan Viên… đều công tác ở một tòa soạn báo. Mà theo Chế Lan Viên, từng làm báo Quyết thắng, rồi Cứu quốc Liên khu IV suốt mấy năm chống Pháp, phải tham gia làm báo ra hằng ngày mới thật sự là nhà báo. Nếp quen viết báo ấy được nhà thơ còn giữ đến cuối đời. Có sự khác nhau giữa tác phẩm báo chí và tác phẩm văn học, cách làm việc giữa nhà báo và nhà văn nhưng gần như không nhà văn nào không từng viết báo. Khi đã là nhà văn lớn, tác giả Trăm năm cô đơn G. Garcia Marquez những năm lưu vong vẫn là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo lớn ở nhiều nước. Có một quan niệm rằng bài báo là thứ chỉ có giá trị kịp thời, ngày mai không ai đọc nữa. Nhưng có lẽ điều đó chỉ đúng với các bản tin thời sự. Trong kháng chiến, nhiều bài xã luận, bình luận, thậm chí bút ký, tường thuật… có sức mạnh như những bài hịch đầy sức cổ vũ, được truyền tay nhau trong các chiến hào, trên những chặng đường hành quân. Những cái tên Hoàng Tùng, Trần Bạch Đằng, Trường Sơn (bút danh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), Quang Đạm, Thép Mới (Hồng Châu), Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Trần Đình Vân, Phạm Bằng, Phan Quang, Hữu Thọ, Phạm Thanh… từng là tác giả của biết bao nhiêu bài báo tiếp thêm sức mạnh của quân và dân ta trong những năm chiến tranh ác liệt. Báo chí cách mạng là một bộ phận sáng giá trong nền văn hóa mới. Nhiều nhà báo được coi là những nhà văn hóa lớn. Thống kê chưa đầy đủ, có đến 511 nhà báo là liệt sĩ.
Từ Đổi mới, báo chí tham gia tích cực trong việc cổ vũ những tấm gương tích cực; kịp thời phê phán những hiện tượng và cá nhân sa sút về nhân cách, vi phạm pháp luật dưới nhiều thức; phê phán những luận điệu thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng… tạo nên một diện mạo mới, một tư thế và vị trí mới với đội ngũ nhà báo đông đảo, được đào tạo cơ bản, một hệ thống cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, qua nhiều kênh đa phương tiện. Thành tựu, đóng góp của báo chí thật là lớn lao. Các giải thưởng hằng năm của nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước trao cho các loại hình báo chí đã khẳng định và ghi nhận những thành tựu nhiều mặt đó. Nhưng hình như để kể tên những nhà báo có nhiều tác phẩm gây được tác động xã hội như một Lê Đức Dục (Tuổi Trẻ) với loạt bài về biên giới và hải đảo, một Đỗ Doãn Hoàng (Văn hóa - Thể thao) viết về môi trường và tội phạm một thời được chú ý, quả thật không nhiều. Mấy năm qua, do nhiều lý do, các báo bớt chú ý đến văn học, nghệ thuật, mà những tờ báo và tạp chí chuyên về văn học, nghệ thuật cũng hoạt động rất lay lắt, thậm chí một số phải ngừng bản. Tạp chí Nghiên cứu Văn học với truyền thống vẻ vang, là cơ quan ngôn luận của Viện Văn học, nơi công bố công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đã phải đình bản từ vài năm nay. May mắn cho giới nghiên cứu, giảng dạy văn học, nghệ thuật là vẫn còn Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thuộc Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (nay thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương). Dù mới ra đời được 14 năm nhưng Tạp chí đã khẳng định được chất lượng, uy tín và vị thế trong giới nghiên cứu khoa học; được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước xếp vào nhóm Tạp chí có điểm khoa học cao nhất. Thực hiện Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được hợp nhất hoặc chuyển chức năng, nhiệm vụ sang đơn vị mới. Giới nghiên cứu, giảng dạy và sáng tác văn học, nghệ thuật theo dõi tình hình trong tâm trạng “thắc thỏm” lo âu và... vỡ òa cảm xúc khi một cơ quan quan trọng của Đảng – Hội đồng Lý luận Trung ương – quyết tâm “giữ” Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Bởi với họ, cao hơn cả việc “có chỗ công bố kết quả nghiên cứu” là sự quan tâm, là tầm nhìn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật nói riêng và đối với văn hóa nói chung, như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá”. Hiện tượng Tạp chí Nghiên cứu Văn học bị đình bản, dù vì bất cứ lý do gì thì điều đó cũng là một biểu hiện của sự sa sút, xuống cấp của hiện trạng nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay. Chúng ta đều thấy, ra đời một vài tờ báo cho đại chúng với trình độ người làm báo và người đọc hiện nay chắc không khó nhưng để xây dựng uy tín và vận hành những tờ báo (tạp chí) khoa học có uy tín trong nước và quốc tế – bộ mặt không thể thiếu của văn hóa một quốc gia – cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đang chuyển mình, quá trình tổ chức lại bộ máy chính quyền và hệ thống hành chính trong cả nước cũng là cơ hội để hệ thống báo chí đa phương tiện được sắp xếp, tổ chức lại khoa học để hoạt động hiệu quả, với hiệu suất cao hơn. Trong đó không thể coi nhẹ sứ mệnh của báo chí đối với việc xây dựng lực lượng, giới thiệu tác giả và tác phẩm, dẫn đường cho dư luận, quảng bá thành tựu văn học, nghệ thuật trong nước ra thế giới. Vị trí của văn hóa trong cả hệ thống báo chí và những tờ báo, tạp chí chuyên về các loại hình văn học, nghệ thuật cần được quy hoạch và tổ chức cho phù hợp tình hình mới. Nền kinh tế tư nhân đang được xác định vai trò chủ đạo. Văn hóa và công nghiệp văn hóa ngày càng có sự đóng góp của các tổ chức tư nhân. Hầu hết phim điện ảnh, một số phim và chương trình truyền hình, các kênh phát sóng, một lượng sách lớn, các chương trình ca nhạc, giải trí… đều do tư nhân sản xuất. Liệu những bản tin và chuyên san giới thiệu, quảng bá tác phẩm sẽ được tồn tại và quản lý như thế nào? Lĩnh vực khoa học công nghệ có các tổ chức tư nhân, tất nhiên họ cần những tờ báo và tạp chí để trao đổi thông tin, quảng bá sản phẩm. Vậy trong khoa học xã hội, các hội chuyên ngành, các ngành lý thuyết chuyên sâu cần những tờ báo và tạp chí trao đổi sẽ ra đời, tồn tại và hoạt động theo cơ chế nào? Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta sau 50 năm hòa bình, xây dựng đã được nâng cao. Với dân số 100 triệu ở trong nước, hơn 5 triệu ở nhiều nước, nước ta đã đứng thứ 16/200 quốc gia về dân số, với nền kinh tế đang phát triển, tiếng Việt đã được phổ biến ở nhiều nước. Trong tiến trình xây dựng đất nước, đặc biệt là xây dựng nền văn hóa trong kỷ nguyên mới, vai trò của báo chí với sứ mệnh cao quý và ngày càng khó khăn trong thời đại kỹ thuật số, AI phát triển vũ bão, cần được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo những mô hình và loại hình hoạt động năng động, phù hợp. Một bộ phận báo chí có thể tự trang trải kinh phí, miễn là Nhà nước cho cơ chế. Nhưng những tờ báo, tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên sâu, về khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, cả bằng tiếng Việt và một số thứ tiếng phổ biến trên thế giới – điều không thể thiếu trong văn hóa một nước được coi là phát triển – thì nhất định phải có kinh phí tài trợ nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, trong tiêu chuẩn xét học hàm ở lĩnh vực khoa học xã hội mà vẫn yêu cầu có bài đăng ở các tạp chí khoa học nước ngoài thì không biết chúng ta vẫn còn giữ tâm lý tự ti dân tộc hay coi thường trình độ của những tạp chí khoa học trong nước? Không biết trên trường quốc tế có bao nhiêu nước nêu tiêu chuẩn này trong xét học hàm, học vị?
Nhìn lại lịch sử 160 năm của báo chí Quốc ngữ (Gia Định báo - 1863), 100 năm của báo chí cách mạng (Thanh Niên - 1925), trong niềm tự hào vì đóng góp của báo chí vào sự nghiệp giải phóng, chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước, nhớ lại tên tuổi bao nhiêu nhà báo xuất sắc qua các thời kỳ, gần đây, hằng năm báo chí có nhiều hạng mục giải thưởng. Nhưng hình như một giải thưởng trọn đời cho nhà báo như một nhà văn hóa – tương ứng với Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật – thì lại không tính đến (trong khi có đến 45 tác giả, các bức ảnh nặng về tính báo chí, các tác giả phim tài liệu – cũng là một thể loại báo chí – lại được nhận giải). Hi vọng trong việc sắp xếp lại tổ chức rộng khắp hiện nay, nếu hệ thống giải thưởng được sắp xếp lại sẽ không bỏ quên đóng góp vào sự nghiệp cách mạng, trong đó có sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới, của đội ngũ những người làm báo Việt Nam.