PHƯƠNG PHÁP SÁNG TẠO TÁC PHẨM BÁO CHÍ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Bài viết nhấn mạnh những nguyên lý và phân tích phương pháp sáng tạo tác phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo lỗi lạc của báo chí cách mạng Việt Nam. Phương pháp sáng tạo tác phẩm báo chí đặc trưng của Người mang lại giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần định hướng nền báo chí cách mạng Việt Nam.

   Báo chí là một nghề nghiệp đặc thù, kết hợp giữa tư duy sáng tạo và phương pháp khoa học. Nhà báo không chỉ phản ánh thực tiễn xã hội mà còn phải biết tập hợp, phân tích, chọn lọc thông tin để tạo nên tác phẩm có dấu ấn riêng. Báo chí mang sứ mệnh cách mạng, phục vụ lợi ích chung của xã hội. Chính vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức và tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp là điều kiện tiên quyết để trở thành một nhà báo giỏi.

   Hoạt động sáng tạo báo chí trong tư duy Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa mục đích và phương pháp. Xuất phát từ kinh nghiệm của một nhà báo tầm vóc quốc tế, từng viết nhiều thể loại và bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó, phương pháp sáng tạo tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh có ý nghĩa lý luận và giá trị vận dụng sâu sắc.

   1. Những nguyên lý về phương thức sáng tạo báo chí

   Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguyên lý về phương thức sáng tạo báo chí. Những lời dạy của Người rất giản dị, thiết thực nhưng cũng rất sâu sắc, thấm thía. Theo Người, đó là một công việc không dễ dàng nhưng nếu “không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”1; “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ”2. Hiệu quả công việc dựa trên kiến thức và sự rèn luyện của nhà báo với tư cách “người cán bộ cách mạng” và “nhân chứng tin cậy của lịch sử”.

   Chọn đề tài, đây là điều quan tâm đầu tiên với mỗi người cầm bút. Giữa những vấn đề của thực tiễn đang diễn ra sôi động, chọn vấn đề để phản ánh và phản ánh ở mức độ nào là câu hỏi không dễ trả lời. Với Hồ Chí Minh, sự lựa chọn đề tài trước hết xuất phát từ mục tiêu: viết để làm gì? Trò chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Người nói: “Về nội dung viết, mà các cô chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”3.

   Cứ theo “chuẩn” mà Người đặt ra thì những vấn đề cần phản ánh rất phong phú, sinh động, miễn là trong quá trình sáng tạo, nhà báo phải luôn hướng tới mục đích “phục vụ cách mạng”. Việc lựa chọn “phản ánh cái gì”, do đó, trở nên rất giản dị, không gò bó chặt chẽ, đẩy người viết vào tình trạng “bí” đề tài. Nói về đề tài và lựa chọn đề tài, Hồ Chí Minh dẫn giải bằng trường hợp cụ thể để thấy được sự đa dạng và sinh động của nó, thấy cái bên trong và cái bên ngoài, cái bản chất và cái hiện tượng.

   Trong thực tiễn đời sống, nhiều vấn đề còn chưa bộc lộ đầy đủ; cái xấu, cái tốt nhiều lúc ẩn hình. Điều đó thử thách tài năng và bản lĩnh của nhà báo phải tìm cho được bản chất của vấn đề. Với cái nhìn sắc sảo của một nhà báo dày dạn kinh nghiệm, Hồ Chí Minh coi đó là một mảng đề tài rất cần thiết phản ánh và phản ánh cho đầy đủ. Người chỉ rõ cách tuyên truyền chống lại kẻ địch: “Sự hung ác, xấu xa của chúng nó rất nhiều, nếu biết gom góp tài liệu thì tha hồ mà viết. Có những việc chúng nó làm, bên ngoài thì như là tốt, mà bên trong thì thật là xấu, ta phải giải thích cho nhân dân ta hiểu”4.

   Trong đời sống báo chí hiện nay, nhiều nhà báo nêu lên khái niệm “báo chí giải pháp”, coi đó là sự “xung trận”, góp phần tích cực thúc đẩy xã hội phát triển. Đề tài báo chí không chỉ “khuôn” trong việc “phản ánh cái gì” mà còn mở rộng ra “giải quyết vấn đề như thế nào”. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm báo chí của Hồ Chí Minh. Viết về vấn đề gì, nội dung gì, Hồ Chí Minh cũng luôn hướng ngòi bút vào mục tiêu phục vụ cách mạng, thúc đẩy sự phát triển của thực tiễn. Mục tiêu đã trở thành yếu tố chi phối, thậm chí là một phần chủ chốt không thể tách rời trong tên gọi đề tài Người lựa chọn. Không câu nệ vấn đề lớn hay nhỏ, không kén chọn đề tài, miễn là có ích cho cách mạng, tầm vóc báo chí Hồ Chí Minh đã toả sáng một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn.

   Thu thập tư liệu, Hồ Chí Minh đến với nghề báo bằng việc viết cho các tờ báo Pháp. Hạn chế về ngôn ngữ ban đầu là một khó khăn lớn. Nhưng bù lại, ưu điểm nổi bật của Người là gắn bó với đời sống nhân dân lao động Pháp, thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân thuộc địa. Đó là cả một kho tư liệu phong phú, sinh động để Người vận dụng trong hoạt động báo chí nhằm đấu tranh “chống đế quốc, phong kiến” và “tuyên truyền cho nước ta”. Những hoạt động sôi nổi không mệt mỏi của Người trong phong trào yêu nước và phong trào cộng sản ở Pháp những năm 1919-1923 đã tiếp thêm nguồn nhựa sống cho ngòi bút cách mạng của Người. Có thể nói, tư liệu đời sống đã đi vào các bài báo của Người một cách tự nhiên, góp phần làm nên một phong cách báo chí Nguyễn Ái Quốc giữa Pari: vừa hài hước, tinh tế, vừa quyết liệt, đanh thép.

   Nhận xét về phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng gọi đó là phong cách “tư duy hành động”. Những lời dạy của Người bao giờ cũng ngắn gọn, thiết thực, không sa vào lý luận kinh viện, khó làm, khó học. Luận điểm Người đưa ra thường đi kèm với những ví dụ sinh động, thuyết phục. Vậy làm thế nào để Hồ Chí Minh thu thập được nguồn tư liệu phong phú, tạo nên hiệu quả của bài viết? Điều đó còn tuỳ thuộc vào điều kiện từng thời kỳ, nhưng tựu trung lại, “Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:

   1. Nghe: lắng nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết.

   2. Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi.

   3. Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy.

   4. Xem: xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài.

   5. Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó5.

   Năm phương thức kết hợp với nhau, đan xen vào nhau, là những thủ pháp cơ bản của việc thu thập tài liệu. Giản dị, thiết thực, dễ hiểu, những kinh nghiệm Người đúc rút ra có thể áp dụng ngay vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của mỗi nhà báo. Nhưng để đạt hiệu quả ra sao thì còn tùy thuộc vào trình độ và nỗ lực rèn luyện của mỗi người mà Người nói giản dị là “phải chịu khó”. Nhìn tổng thể, có thể chia năm phương thức ấy thành hai nhóm chính. Nhóm một là những phương thức thu thập thông tin từ thực tiễn cuộc sống, bao gồm: “nghe”, “hỏi”, “thấy”. Nhóm hai là phương thức thu thập tài liệu qua sách báo, tức là “xem”. Còn “ghi” là cách chung nhất tập hợp tư liệu từ hai phương thức trên.

   Suốt cuộc đời hoạt động báo chí, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đề cao vai trò của thực tiễn cuộc sống. Người coi đó là chất liệu cơ bản để làm nên tác phẩm báo chí. Nói chuyện với cán bộ làm công tác báo chí, tuyên truyền, Người căn dặn: “Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”6. Người nêu phương châm hoạt động: “Từ trong quần chúng mà ra. Về sâu trong quần chúng” vì “nếu không vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào trong quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giày””7. Đây là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh về yêu cầu gắn bó với thực tiễn, sâu sát thực tiễn của nhà báo – nhân chứng tin cậy của lịch sử. Nó thể hiện tác phong gần dân và vì nhân dân của người cán bộ cách mạng, đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp.

   “Nghe”, “hỏi”, “thấy” là những phương thức quan trọng để người làm báo tiếp cận thực tiễn cuộc sống, nắm bắt và phản ánh những vấn đề bản chất của đời sống. “Nghe” phải tinh, “hỏi” phải kỹ, “thấy” phải rõ, tránh chủ quan, coi mình là tuyệt rồi” vì cuộc sống vốn đa dạng, phong phú. Nhà báo phải là người nắm rõ thực tiễn, sâu sát thực tiễn và thực sự sống trong thực tiễn. Với Hồ Chí Minh, “nghe”, “hỏi” và “thấy” không chỉ là phương pháp thu thập tư liệu viết báo mà còn thể hiện tác phong gần gũi, giản dị của một vị lãnh tụ vĩ đại. Nếu không sâu sát thực tiễn, không “nghe”, không “hỏi”, không “thấy” thì làm sao Người có thể có những phát hiện chính xác và tinh tế để đề ra những quyết định kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống? Không “nghe”, không “hỏi”, không “thấy”thì làm sao người thanh niên tuổi ba mươi Nguyễn Ái Quốc có thể tập hợp một khối lượng tư liệu dày dặn để làm nên Bản án chế độ thực dân Pháp đanh thép và thuyết phục đến thế.

   Bên cạnh việc tiếp cận thực tiễn bằng “mắt thấy, tai nghe”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh một “kênh” quan trọng nữa: thu thập thông tin qua sách báo. Việc khai thác tư liệu trên báo chí là một kỹ năng nghề nghiệp quan trọng, thể hiện tầm tư duy và năng lực nghề nghiệp của nhà báo. Yêu cầu đặt ra là: “phải xem cho rộng”, “xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài”, “xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. Muốn khai thác được nguồn tài liệu quý giá này, nhà báo phải có những phẩm chất nhất định, trong đó khả năng ngoại ngữ là rất cần thiết. Phương thức khai thác tư liệu của Hồ Chí Minh rất linh hoạt, năng động, biểu hiện nhãn quan chính trị sắc sảo, trình độ bậc thầy về nghề báo. Đó cũng là cách Người đã thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và làm báo của mình để có những bài báo đanh thép, lập luận sắc sảo, dựa trên khối lượng tài liệu dày dặn, phong phú, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

   Cách thể hiện: Với nghề báo, sản phẩm cuối cùng của người viết chính là tác phẩm báo chí. Đây là đơn vị sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, là thước đo tài năng, trí tuệ, tâm huyết của nhà báo. Mọi sự sâu sắc, tài hoa, mọi sự uyên bác, thông thái phải được thể hiện ở tác phẩm và bằng tác phẩm, bằng không, dưới góc độ nghề nghiệp, nó không có ý nghĩa gì cả. Nhà báo thông qua quá trình lựa chọn đề tài, thu thập tài liệu phải đi đến bước cuối cùng: sáng tạo tác phẩm báo chí. Đây là khâu quan trọng và bản thân nó cũng chứa đựng những yêu cầu nhất định của một loại hình nghề nghiệp chính trị - xã hội mang tính chất sáng tạo đặc thù.

   Trong quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí, cách thể hiện là nội dung được đề cập khá kỹ lưỡng, góc cạnh. Người không chỉ đề ra những vấn đề có tính chất lý luận chung mà còn đi sâu vào nhiều chi tiết, tình huống, đặt ra nhiều vấn đề có tính thực tiễn sâu sắc. Những luận điểm Người đưa ra vừa là lời dạy về nghề vừa là sự gợi ý, tạo ra những suy ngẫm phong phú để mỗi người có thể áp dụng vào hoạt động cụ thể một cách thiết thực, dựa trên nguyên tắc thống nhất: “làm báo để làm cách mạng” và “viết sao cho quần chúng hiểu, hiểu rồi thì dễ làm theo”.

   2. Phương pháp sáng tạo tác phẩm báo chí của Nhà báo Hồ Chí Minh

   Một là, luôn chú trọng định hướng, mục tiêu chính trị. Trong suốt cuộc đời hoạt động báo chí, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến định hướng chính trị, đến hiệu quả và mục tiêu chính trị. Người yêu cầu các nhà báo phải “nắm vững chính trị” vì “chính trị đúng thì việc khác mới đúng”. Nắm vững quan điểm chính trị trở thành yêu cầu sống còn, quyết định chất lượng tác phẩm báo chí. Quan điểm này bắt rễ sâu xa từ mục đích hoạt động báo chí của Người: làm báo để làm cách mạng. Sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh song hành cùng sự nghiệp cách mạng cũng xuất phát từ ý thức sâu sắc về vai trò báo chí trong đời sống xã hội. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Thành: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên nắm vững và sử dụng triệt để báo chí là một thứ vũ khí hết sức hiệu quả trong đấu tranh cách mạng”8.

   Yêu cầu nắm vững và thể hiện nhất quán quan điểm chính trị đã trở thành tiêu chuẩn người làm báo cách mạng chân chính. Đặt trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí, tiêu chuẩn này được cụ thể hóa ở việc xác định rõ mục tiêu, ý đồ của bài viết và việc xác lập phương thức đạt đến mục tiêu đó. Vì thế, không nên hiểu chính trị chỉ là những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài mang tính chỉ đạo; mà quan điểm chính trị được thể hiện trên những vấn đề rất cụ thể, rất thiết thực của đời sống hằng ngày.

   Từ thực tiễn lao động nghề nghiệp, Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất nghiêm khắc về nhận thức chính trị của người làm báo cũng như chất lượng chính trị của tác phẩm báo chí. Người làm báo chân chính không phải “muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn”9 mà luôn xác định “báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội”10 là mục đích cao nhất. Quan điểm này chính là nội dung trung tâm về chất lượng chính trị của tác phẩm báo chí và quan điểm chính trị đúng đắn của người làm báo. Nó chi phối mọi hoạt động sáng tạo báo chí, thể hiện sâu sắc trong từng tác phẩm, trên các đề tài khác nhau. Hồ Chí Minh phê phán “chủ nghĩa cá nhân”, “ảnh hưởng tư tưởng tư sản, tiểu tư sản” trong một số nhà báo, dẫn đến nhận thức lệch lạc về chính trị. Người yêu cầu các nhà báo “phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”11.

   Từ những nội dung cơ bản có ý nghĩa định hướng chung, mỗi nhà báo phải có cách vận dụng phù hợp vào hoạt động nghề nghiệp, hoạt động sáng tạo. Định hướng chính trị trong tác phẩm báo chí không phải là cái gì cứng nhắc, xa lạ với đời sống. Trái lại, nó phải được thể hiện trong tác phẩm một cách sinh động, linh hoạt và sát thực, góp phần giải đáp những vấn đề nóng bỏng mà cuộc sống đang đặt ra. Tính chính trị trong sáng tạo báo chí là sự tích cực hóa hoạt động thực tiễn, hướng ngòi bút vào bảo vệ quyền lợi chân chính của dân tộc và của nhân dân lao động. Nhà báo không nói chuyện viển vông, xa lạ, “đánh đố” mà chọn những vấn đề thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tạo dư luận xã hội, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Quan điểm chủ nghĩa Marx - Lenin nên coi báo chí là vũ khí đấu tranh tư tưởng hữu hiệu cũng là dựa trên nguyên lý này. Việc vận dụng nó tuỳ thuộc vào tài năng, kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị của mỗi người cầm bút.

   Tìm hiểu các tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nhận thấy quan điểm và định hướng chính trị luôn nổi bật, thể hiện cả ở nội dung và hình thức của tác phẩm. Người không bỏ sót từng chi tiết nhỏ làm bật lên chủ đề cần hướng tới. Nội dung phản ánh là một lẽ nhưng phản ánh nội dung ấy để nhằm mục đích gì mới là chiều sâu tư duy sáng tạo Hồ Chí Minh. Đó chính là mục đích và định hướng chính trị mà Người yêu cầu các nhà báo phải đạt tới khi phản ánh bất cứ sự kiện gì. Định hướng chính trị trong tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh luôn hướng tới tích cực hóa hoạt động thực tiễn, làm cho cuộc sống tốt lên, người bị phê bình cũng thấy dễ tiếp thu và sửa chữa. Điều đó thể hiện tầm vóc và bản lĩnh một nhà chính trị, một nhà báo bậc thầy!

   Hai là, tránh viết dài và viết rỗng, nhất quán trong tư duy sáng tạo Hồ Chí Minh là tâm niệm phải xuất phát từ đối tượng tiếp nhận để có cách viết, cách nói phù hợp. Nói ngắn, viết ngắn, tránh viết dài và viết rỗng trở thành phương châm xuyên suốt, chi phối và định hình phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh, là mẫu mực cho phong cách ngôn ngữ của nền báo chí cách mạng. Nó cũng phù hợp với trào lưu báo chí hiện đại: thông tin đến công chúng nhanh, gọn, chính xác và kịp thời. Người phê phán “bệnh hay nói chữ”, lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”12, Hồ Chí Minh lý giải: “Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”13. Người phê phán lối viết dài: “Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì. Thế là vô ích”14.

   Viết báo là để “phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Nhưng nếu viết “dài dòng” và “rỗng tuếch” là đi ngược lại mục đích đó, là “quyết không muốn để quần chúng xem”. Cách diễn đạt hài hước nhưng rất nghiêm khắc của Người cho thấy thái độ phê phán dứt khoát lối viết dài dòng “không có ích cho người xem”, nhất là trong bối cảnh lịch sử “nước sôi lửa bỏng” của đất nước, lối viết ấy càng không phù hợp: “Trong lúc kháng chiến này, chiến sĩ trước mặt trận phải đánh giặc, đồng bào ở hậu phương phải tăng gia sản xuất. Ai có thời giờ đâu mà xem những bài dài quá”15.

   Hình thức đi liền với nội dung. Hình thức ngắn gọn nhưng nội dung phải đầy đủ. Hồ Chí Minh ý thức rất sâu sắc điều này. Người đặt ra vấn đề chống “viết rỗng” chính là nhằm bảo đảm nội dung cần diễn đạt: “Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng”16.

   “Viết ngắn” hay “viết dài” suy cho cùng cũng là nhằm “viết hay”, “viết đúng” và “viết cho phù hợp”. Xét dưới góc độ hiệu quả báo chí thì điều quan trọng là viết sao cho công chúng hiểu và hiểu rồi thì dễ thực hiện. Điều đó cũng có nghĩa là báo chí tác động mạnh mẽ vào dư luận xã hội, làm thay đổi nhận thức, hành vi, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của thực tiễn xã hội. Tư duy báo chí Hồ Chí Minh về bản chất là xuất phát từ tư duy phương pháp luận cách mạng, “làm báo để làm cách mạng” nên tính hiệu quả luôn được Người đặt lên hàng đầu. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với quan điểm báo chí vô sản.

   Như vậy, phong cách thể hiện, hay nói rộng ra là phương pháp sáng tạo của nhà báo phải phù hợp với đối tượng công chúng và tuỳ thuộc vào vấn đề đề cập, không nhất thiết rập khuôn, cứng nhắc. Nhiều nhà nghiên cứu khi đánh giá về “cách viết” của Người cũng thống nhất nhận định: “Có một sự thay đổi rõ nét trong văn phong, ngôn ngữ Hồ Chí Minh giai đoạn viết báo ở nước ngoài và giai đoạn viết báo bằng tiếng Việt sau này”. Không đơn thuần là sự khác biệt của hệ ngôn ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nga... so với tiếng Việt) mà đây là sự chuyển đổi về phong cách, tư duy ngôn ngữ một cách có ý thức. Đó là sự chuyển đổi từ lối viết thâm trầm với nhiều tầng nghĩa, nhiều phương thức lập luận, so sánh sang lối viết giản dị, dễ hiểu và ngắn gọn. Điều này càng thấy rõ nếu phân tích thời kỳ Người làm báo ở Pháp với một thứ “văn Pháp rất Pháp”, “giễu cợt có duyên và mỉa mai sâu sắc”, như nhận xét của Giáo sư Phạm Huy Thông17. Giáo sư Đặng Anh Đào thì cho rằng: “Tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc là những mô-típ, đề tài, cảm hứng thuần tuý Việt Nam, được diễn đạt qua một phong cách báo chí hiện đại, báo chí Pháp”, “Cho đến nay, dù khoảng cách giữa báo chí Việt Nam và Pháp đã rút ngắn đi nhiều so với sự thâm nhập, trao đổi gần một thế kỷ, nhưng ta thấy những bài báo của Nguyễn Ái Quốc so với lối viết báo Việt Nam hiện nay – trừ một số trường hợp đặc biệt – vẫn khác biệt. Dường như lối viết báo ở ta vẫn nghiêm túc, đạo mạo, ít cá tính hơn, cổ kính và trung hoà so với phong cách Nguyễn Ái Quốc, một người “cổ lai hy”!”18.

   Ba là, ngôn ngữ đại chúng, dễ hiểu. Báo chí là phương tiện truyền thông - đại chúng. Do đó, ngôn ngữ phải phù hợp với trình độ của đông đảo công chúng, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Trước yêu cầu lịch sử đặt ra cấp thiết, cần những bài báo chỉ thẳng, nói rõ, định hướng dư luận trực tiếp, Hồ Chí Minh nhắc nhở các nhà báo: “Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ người xem”19.

   Tính đại chúng, dễ hiểu được Người xác định như một điều kiện quyết định làm nên hiệu quả báo chí. Nó phù hợp với phương thức làm báo hiện đại, đồng thời cũng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. “Viết cho đúng trình độ người xem”, để người xem “hiểu được, nhớ được”, đó là mục tiêu của báo chí cách mạng trong việc “giáo dục, cổ động và tuyên truyền” cách mạng. Nếu “người xem mà không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích”. Những mệnh đề giải thích ngắn gọn nhưng sắc nét, rõ ràng cho thấy tư duy báo chí Hồ Chí Minh luôn nhất quán một nguyên tắc: gắn với công chúng và vì công chúng.

   Là một nhà báo có bề dày hoạt động quốc tế, Người yêu cầu “mỗi nhà báo phải biết ít nhất một ngoại ngữ” để học hỏi kinh nghiệm bè bạn. Nhưng Người nói rất nghiêm khắc với “bệnh hay nói chữ”, mượn tiếng nước ngoài vô lối: “Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng lung tung; nhiều khi không đúng”20, “Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc, thì quần chúng hiểu sao được?”21. Người căn dặn về cách viết cho quần chúng: “Các chú còn hay mắc cái tật nói chữ nhiều. Người ốm thì các chú gọi là “bệnh nhân”. Làm bệnh nhân, thì oai hơn người ốm có phải không? Giúp đỡ thì các chú không thích bằng “tương trợ”. Hình như các chú tương trợ Bác thì quan trọng hơn giúp đỡ Bác! Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta”22.

   Phê phán bệnh nói chữ, Hồ Chí Minh xuất phát từ yêu cầu về tính đại chúng, dễ hiểu của báo chí. Nhà báo viết bài không phải là để “khoe chữ”, “cho oai” mà điều quan trọng là để công chúng hiểu, từ đó tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động: “Báo chí ta không phải để một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”23, Người yêu cầu những người làm báo “phải học cách nói, cách viết của quần chúng”, “Viết rồi phải đọc đi, đọc lại. Thấy chỗ nào thừa, câu chữ nào thừa thì bỏ bớt đi”, “Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”24. Có thể nhận thấy một phẩm chất đặc biệt trong tư duy Hồ Chí Minh là luôn có sự nhìn nhận tổng thể, hài hoà, đề cao tiếng Việt, coi việc dùng tiếng Việt như một biểu hiện tinh thần cách mạng, tinh thần dân tộc, một quyền lợi của người dân một nước độc lập.

   Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức nói và viết cho quần chúng hiểu và hơn thế, nói hay, viết hay bằng tiếng Việt là thể hiện tư chất người cách mạng. Tuy nhiên, Người không tuyệt đối hóa đến mức cực đoan. Người coi trọng cả những từ Hán đã được Việt hóa trở nên quen thuộc trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày, những từ ngữ mà dùng tiếng Việt thuần tuý sẽ không lột tả hết được ý nghĩa: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng riêng ta. Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu”25.

   Yêu cầu về tính đại chúng, dễ hiểu trong tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh xuất phát từ cái nhìn tổng thể, khách quan và khoa học về đặc điểm ngôn ngữ tiếng Việt, sự chuyển hóa ngôn ngữ thông qua giao lưu quốc tế và những điều kiện lịch sử khác. Người coi “bệnh hay nói chữ” là tàn dư của chế độ cũ, của tư duy nô lệ, vọng ngoại vô lối. Hồ Chí Minh đã có những đóng góp rất lớn trong việc hiện đại hóa tiếng Việt. Đó cũng là biểu hiện về tính đại chúng, dễ hiểu trong tư tưởng về báo chí của Người.

   3. Kết luận

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp sáng tạo báo chí là một vấn đề lớn, có tính hệ thống. Nó thể hiện qua những chỉ bảo, dặn dò ân cần của Người tới các thế hệ nhà báo và cả trong hoạt động báo chí rất phong phú, sinh động của Người suốt nửa thế kỷ, trong nhiều hoàn cảnh biến động lịch sử khác nhau. Tuy vậy, điểm trọng tâm, cốt lõi của tư tưởng ấy vẫn là làm báo để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Cho nên, nhà báo phải viết sao để đại đa số công chúng hiểu, viết sao có lợi cho đất nước, cho nhân dân. Rõ ràng Hồ Chí Minh luôn ý thức về tính phổ cập và nâng cao, ý thức về các yêu cầu đúng và hay của báo chí. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp sáng tạo báo chí vì thế rất sát thực, giàu sức thuyết phục nhưng cũng rất linh hoạt, đa dạng. Việc nắm bắt đầy đủ những tư tưởng ấy cần cái nhìn tổng thể, bám sát hiện thực đời sống báo chí và đặt trong thế so sánh, kiến giải thật kỹ lưỡng. Đây là nền tảng góp phần làm phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh và minh chứng thêm cho tầm vóc văn hóa xuất chúng của Người.

 

 

 

Chú thích:
* Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
1, 3, 9, 10, 11, 23 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 171, 171, 165, 166, 167, 167.
2, 4, 5, 12, 13, 14, 19, 20, 24 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 212, 206, 206-207, 205, 205, 207, 207, 207, 208.
6 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Sđd, tr. 103.
7, 15, 16, 21, 25 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 288, 339, 340, 340, 341.
8 Nguyễn Thành (2005), Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB. Văn hóa thông tin, tr. 497.
17, 18 Nhiều tác giả (1997), Hồ Chí Minh - Tác giả, tác phẩm và nghệ thuật ngôn từ, NXB. Giáo dục, tr. 191, 237-238.
22 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 666.

Bình luận

    Chưa có bình luận