PHƯƠNG THỨC CẢI BIÊN LỤC VÂN TIÊN TỪ VĂN HỌC ĐẾN KỊCH BẢN CẢI LƯƠNG

  • 26/05/2025 11:21:00
  • NGUYỄN TRỌNG NHÂN;VÕ LÊ MAIANH;CHUNG NGỌC BẢO NGUYÊN;THẠCH NGUYỄN YẾN NHI
  • Nghiên cứu, trao đổi
  • 0

Bằng các phương pháp phân tích tổng hợp, so sánh đối chiếu và nghiên cứu loại hình... bài viết phân tích các phương thức cải biên từ truyện thơ Nôm "Lục Vân Tiên" sang kịch bản cải lương ở phương diện cốt truyện, nhân vật và ngôn ngữ, góp phần vào thành công của "Lục Vân Tiên" trong kịch bản cải lương. Từ đó, mang đến góc nhìn mới về sự tiếp nhận tác phẩm này trên sân khấu.

 

   Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu từ lâu đã vượt qua giới hạn của một tác phẩm văn học thông thường, chuyển mình trong dòng chảy văn hóa, hiện thân thành nhiều hình thức nghệ thuật và sinh hoạt dân gian khác nhau, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống cộng đồng người dân Nam Bộ nói riêng và đời sống dân tộc Việt Nam nói chung. Từ đó, có thể thấy vấn đề nghiên cứu cải biên tác phẩm Lục Vân Tiên thành những loại hình văn hóa, nghệ thuật khác là một đề tài khá thú vị. Tuy vậy, phạm vi đó vẫn còn khá rộng nên trong bài viết này chúng tôi chỉ khai thác dựa trên loại hình nghệ thuật cải lương – loại hình nghệ thuật được phát triển rực rỡ ở miền Nam và được đông đảo nhân dân cả nước đón nhận. Cụ thể, bài viết tập trung vào việc phân tích các phương thức cải biên Lục Vân Tiên sang kịch bản cải lương nhằm làm rõ quá trình biến đổi từ văn bản truyện thơ sang kịch bản văn học và cách thức tạo nên sự biến đổi đó, cung cấp cơ sở để hiểu sâu hơn quá trình tiếp nhận và diễn giải một tác phẩm văn học được cải biên trên sân khấu cải lương.

   1. Khía cạnh cốt truyện

   Truyện thơ Nôm là loại hình tác phẩm tự sự bằng thơ kết hợp với trữ tình, được viết bằng chữ Nôm và chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát hay song thất lục bát. Cốt truyện thơ Nôm cũng vô cùng phong phú và đa dạng như: cốt truyện tài tử giai nhân vay mượn từ Trung Quốc, cốt truyện tài tử giai nhân do các văn nhân Việt Nam tự sáng tác, cốt truyện vay mượn từ cốt truyện dân gian. Cốt truyện Lục Vân Tiên thuộc cốt truyện tài tử giai nhân nhưng có điểm khác biệt là không vay mượn từ Trung Quốc mà do văn nhân Việt Nam tự sáng tác. Còn kịch bản cải lương là mô hình kịch nói pha ca kết hợp với mô hình kết cấu kịch hát truyền thống. Kịch bản được viết ra với mục đích cuối cùng là trình diễn trên sân khấu nên sẽ có những giới hạn về không gian, thời gian. Để cải biên một tác phẩm văn học như Lục Vân Tiên lên sân khấu cải lương, các soạn giả và đạo diễn phải thực hiện một quá trình sáng tạo đầy tinh tế: tinh chọn một đoạn nào đó chứa đựng các sự kiện hay biến cố có tính đặc sắc, thu hút, tránh việc đem toàn bộ tác phẩm lên sân khấu. Ngoài ra, các soạn giả hay đạo diễn không chỉ lựa chọn những đoạn trích hay trường đoạn phù hợp mà còn có thể chủ động sắp xếp lại các sự kiện, biến cố hay thậm chí cả tuyến nhân vật xuất hiện trong tác phẩm của họ. Để thực hiện được việc đó, đòi hỏi các tác giả phải nắm vững được cốt truyện của tác phẩm nguồn, từ đó mới có thể chắt lọc, nhấn mạnh những sự kiện hay tình tiết quan trọng, lược bớt những điểm thứ yếu. Điều này nhằm mục đích đảm bảo cho không gian, thời gian của kịch bản cải lương cũng như làm sao cho khán giả có thể nắm được câu chuyện sẽ diễn ra theo tiến trình như thế nào, các nhân vật có tính cách ra sao thể hiện qua những sự kiện, biến cố được nhấn mạnh đó, như trường hợp vở Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga của cố soạn giả Ngọc Cung, lối kết cấu của kịch bản không hoàn toàn trình bày tuần tự theo mạch của kết cấu cốt truyện truyện thơ Nôm: gặp gỡ và đính ước - gia biến và lưu lạc - đoàn tụ, mà có những đoạn đảo lộn thời gian, xen vào đoạn hồi ức của nhân vật.

   Kịch bản trên có những đoạn được lược bỏ như Vân Tiên tạ thầy về đi thi, Vân Tiên đi thi và gặp nạn, Vân Tiên được cứu giúp..., chỉ tập trung xoáy sâu vào các biến cố của nhân vật Kiều Nguyệt Nga. Đây là những sự kiện giàu kịch tính, ở đó tính cách của các nhân vật được bộ lộ rõ nét nhất. Có thể thấy sự sắp xếp, tinh chọn nội dung ở đây phần nào vừa phù hợp với ý đồ soạn giả là thể hiện nội dung “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” (Câu thơ được ngâm trước khi mở đầu vở diễn) vừa làm cho vở cải lương đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian, không gian.

   2. Khía cạnh nhân vật

   Trong quá trình cải biên từ truyện thơ Nôm sang kịch bản cải lương, các soạn giả thường có xu hướng bổ sung nhân vật và giữ nguyên nhân vật nhưng làm nổi bật lên những nét tính cách đặc trưng của nhân vật đó.

   Về xu hướng bổ sung nhân vật, soạn giả thường lược bỏ nhiều chi tiết kỳ ảo xuất hiện trong Lục Vân Tiên, bổ sung những nhân vật mới nhằm tăng thêm tính thực tế và logic cũng như sự hấp dẫn cho vở diễn. Trong trường hợp kịch bản cải lương Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, soạn giả Ngọc Cung đã sáng tạo thêm hai nhân vật là thằng hầu (giữ vườn) và con hầu tại nhà của Bùi Kiệm. Hai nhân vật này được khắc hoạ là người có lòng nhân nghĩa, có khả năng phân biệt rõ ràng giữa cái thiện và cái ác, đồng thời, sự xuất hiện của hai nhân vật cũng tạo nên những khoảnh khắc dí dỏm, hài hước. Qua việc bổ sung nhân vật thằng hầu và con hầu, câu chuyện được thúc đẩy phát triển và có tính logic, kịch tính hơn. Tại nhà Bùi Kiệm, khi hắn muốn vào phòng của Nguyệt Nga thì thằng hầu một mực can ngăn:

   “Bùi Kiệm đứng dậy đi vào chỗ Nguyệt Nga, bị thằng hầu can lại.

   Bùi Kiệm: Dữ vậy mậy.

   Thằng hầu: Lão gia đã ra lệnh cho kẻ này trấn giữ ở đây. Xin công tử chớ làm điều xằng bậy mà e cây gậy nó chẳng dung tình à (múa gậy)

   Bùi Kiệm: Cha… cha ơi cha, giữ vườn nó đánh con nè cha ơi... nó đánh con nè cha ơi (mếu máo)

   Thằng hầu: Trời ơi, công tử em múa gậy gió đằng này có trúng công tử đâu mà công tử vu oan giá họa cho em vậy?

   Bùi Kiệm: Mày cho tao vô trỏng đi, tao ra mắt nàng chút xíu rồi tao trở ra được hông?

   Thằng hầu: Hông”.

   Trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga đã một mình chạy trốn khỏi nhà của Bùi Kiệm nhân lúc canh ba, không có ai giúp đỡ. Nhưng trong kịch bản cải lương Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga của cố soạn giả Ngọc Cung, nhân vật thằng hầu và con hầu đã giúp nàng bỏ trốn khỏi nhà của cha con Bùi Kiệm:

   “Thằng hầu: Tiểu thơ ơi thương cho tiểu thơ thân gái long đong thân yếu tay mềm má hồng phận mỏng. Vì động lòng trắc ẩn, tôi sẽ giúp tiểu thơ thoát thân lánh xa vòng khổ hận, hãy mạnh dạn ra đi lìa bỏ nơi miệng sói hang hùm.

   Con hầu tiếp lời:

   Con hầu: Em đã quyết tâm lên đường tìm thân mẫu, để rồi tiện lúc giúp đỡ tiểu thơ đây. Chim non đang khát khao trời rộng, đêm nay cả hai tiếp tay tháo cũi buông lồng”.

   Như vậy, việc bổ sung nhân vật thằng hầu và con hầu để cả hai dẫn Kiều Nguyệt Nga trốn thoát khỏi nhà Bùi Kiệm đã tăng thêm kịch tính, logic cho vở diễn.

   Đối với nhân vật Kim Liên, xét trong trường hợp kịch bản cải lương Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga của soạn giả Ngọc Cung, hình tượng nhân vật Kim Liên được khắc hoạ vô cùng chi tiết. Kim Liên trong kịch bản cải lương là một nhân vật hoạt bát, nhanh nhạy, rất hiểu chuyện và khéo léo trong ứng xử, thể hiện qua chi tiết Kim Liên là người đã ngỏ lời với Lục ông khi cô và Kiều Nguyệt Nga sang nhà Lục ông để trả nghĩa:

   “Kim Liên: Dạ, dạ bởi vậy nên lòng của con nè, lúc nào cũng muốn thấy lão ông vui, dù chỉ vui trong khoảnh khắc. Lục công tử không may lâm vòng bất trắc đến mệnh chung, để cha già quạnh quẽ cô đơn mòn mỏi với thời gian năm tháng chung sầu. Tuổi hạc còng lưng thương nhớ bạc đầu. Ước chi đường công danh xuôi chiều nhung gấm, hạnh phúc gia đình êm ấm biết bao nhiêu. Dẫu cho cuộc sống có nhục nhằn khổ ải trăm chiều, cũng không u uất, nặng nề bằng sự quạnh quẽ cô liêu. Bất kể việc nào có thể nói nhiều, con cũng biết điều chen vào cho vui vẻ”.

   Không những vậy, cô còn là một nhân vật đa sầu đa cảm, luôn kề cạnh bên Kiều Nguyệt Nga, là chỗ dựa tinh thần cho nàng:

   “Kiều Nguyệt Nga: Kim Liên ơi, một ngày nào đó có con tạo xui khiến cho chị em mình bắt buộc phải xa nhau...

   Kim Liên: Không không. Sẽ không bao giờ có ngày đó tiểu thơ à, em nói thiệt. Dẫu lão trời già có đay nghiệt chơi khăm, em cũng quyết nắm vạt áo tiểu thơ đeo đuổi cho tới cùng. Nói cho cùng mà nghe, nếu dạng bất đắc dĩ mà tiểu thơ có mệnh chung, em cũng quyết theo người về ấp cùng (Vẫn nắm tay của tiểu thơ mà quỳ xuống, đoạn lại đứng lên). Dẫu phận tôi đòi cũng vẹn nguyên lòng trung, không thể nào xa nhau”.

   Tóm lại, trong quá trình cải biên từ truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên sang kịch bản cải lương, các soạn giả được quyền thêm thắt những chi tiết, chất liệu, nhân vật cần thiết nhằm mang lại nhiều giá trị mới, thông tin mới, cảm xúc mới cho kịch bản cải lương, đồng thời, những chi tiết được thêm mới vào kịch bản cải lương đã góp phần thể hiện cách tiếp nhận, quan điểm riêng của soạn giả.

   3. Khía cạnh ngôn ngữ

   Lục Vân Tiên là tác phẩm được viết bằng thể lục bát, mà đặc trưng của thơ lục bát là càng đọc càng thấu cảm được sự uyển chuyển, mượt mà, linh hoạt toát ra từ nhịp điệu của bài thơ, nhạc tính của từng câu thơ cũng từ ấy được trình hiện một cách rõ nét. Qua đó, tác giả cải biên sẽ có khả năng tận dụng triệt để nhạc tính của ngôn ngữ thi ca, biến nó trở thành lời ca của nhân vật trong kịch bản cải biên, bởi cải lương là mô hình kịch nói pha ca, các nhân vật chủ yếu sử dụng lời ca và giai điệu của dân ca, âm nhạc tài tử, nhạc lễ Nam Bộ để truyền tải nội dung cũng như cảm xúc trong vở cải lương. Đồng thời, kịch bản cải lương là mô hình kết cấu kịch hát truyền thống dân tộc, với ngôn ngữ là một sự kết hợp hài hoà giữa lời nói, âm nhạc, vũ đạo và động tác, từ đó tạo nên sự độc đáo và hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, đây không phải lần đầu tiên thi ca được cải biên thành âm nhạc, trong dòng chảy của văn học dân gian có những bài ca dao đầy chất trữ tình dùng để chia sẻ kinh nghiệm lao động, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa... dần dần trở thành những bài hát dân gian hay những làn điệu dân ca như quan họ, hát xoan... phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người. Chính yếu tố này cũng góp phần thúc đẩy việc thay đổi hình thức diễn ngôn Lục Vân Tiên. Tuy nhiên, một lần nữa phải khẳng định kịch bản cải lương có hay thì mục đích tối thượng vẫn là trình diễn trên sân khấu nên tác giả cải biên không phải sao chép nguyên văn từ tác phẩm gốc mà phải có sự thay đổi cao độ, trường độ, thêm lời lẽ, luyến láy, biến đổi cả thanh điệu, chỉnh lý cho phù hợp. Chưa dừng lại ở đó, từ ngôn ngữ thi ca đến ngôn ngữ “lời ca” là một sự chuyển dịch rất lớn trong việc cải biên truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên thành kịch bản cải lương. Cải lương là ca kịch, không phải nhạc kịch, soạn giả không sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời ca theo các bản nhạc cho phù hợp với tình huống sắc thái. Chính nhờ những bài bản, làn điệu đã tạo cơ hội cho lời ca của nhân vật được thể hiện trọn vẹn cảm xúc, tâm trạng của mình. Chẳng hạn, trong vở cải lương Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga của Ngọc Cung, tác giả cả biên đã sử dụng bài Ngựa Ô Nam để cho nhân vật thể hiện nội tâm của mình. Đây là bài hát có nguồn gốc từ bài Ngựa Ô Bắc sang hơi Nam nên gọi là Ngựa Ô Nam, thuộc bài ca ngắn, diễn tả tình cảm nhớ thương bâng khuâng, ngả về buồn. Trong bài có nhiều phách đảo tạo nên chất thổn thức, bài ca này thuộc loại đa dụng, gần như vở cải lương nào cũng sử dụng, tuy nhiên thường dùng cho các vai nữ trong hoàn cảnh kể lể thoáng qua sự tình éo le, trắc trở. Ví dụ, khi ở nhà bà lão, Kiều Nguyệt Nga gặp lại Lục Vân Tiên, trong giây phút trùng phùng, nàng đã kể lại tất cả những nỗi đau khổ của mình vang lên thành lời ca đầy xúc động:

   Bên cạnh những bài bản mang âm hưởng u buồn, nghẹn ngào, bi thương nhằm bộc lộ xúc cảm nội tâm thì tác giả cải biên còn sử dụng những bài bản mang âm hưởng trong sáng, nồng nhiệt mang tính kể chuyện, thông báo, khắc họa tính cách nhân vật như bài Xuân tình (được phát triển từ bài Xuân tình vắn) với cấu trúc 4 lớp, mỗi lớp đều có sắc thái, âm hình và giai điệp riêng tạo nên nhịp điệu nhộn nhịp, khỏe khoắn, giàu tính tự sự. Nó thường xuất hiện trong trường hợp đối đáp hoặc kể lể sự tình, không quá gay cấn hay cao trào… như khi Lục Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, bị lạc lúc trời tối, trông thấy ánh đèn le lói trong đêm tìm đến nhà bà lão, xưng chức tước và kể ra câu chuyện, cụ thể như sau:

   Quả thực các bài bản, làn điệu đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cải biên tác phẩm văn học sang kịch bản cải lương. Cụ thể, trong kịch bản cải lương Lục Vân Tiên, nhờ những tính chất vốn có của các bài bản, tác giả cải biên đã xây dựng rất linh hoạt sắc thái tâm lý cũng như tính cách đặc trưng của nhân vật qua những lời ca. Đồng thời, đây cũng là một trong những phương thức cải biên truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên thành kịch bản cải lương ở phương diện ngôn ngữ.

   Trong quá trình cải biên, bên cạnh việc sử dụng các bài bản, làn liệu vốn có của cải lương thì soạn giả còn chọn cách giữ nguyên lời thơ hoặc ý thơ của tác phẩm gốc để chỉnh sửa thành lời ca. Ở thao tác này, nếu soạn giả chọn vay mượn hoàn toàn lời thơ hầu như nội dung và hình thức của câu thơ không có sự thay đổi, nếu có thì chỉ là việc lược bỏ một vài câu thơ mang tính chất kể nhằm mục đích tinh giản lời thoại cho nhân vật, như kịch bản Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga của soạn giả Ngọc Cung đã đưa trọn vẹn sáu câu thơ đầu tiên của Lục Vân Tiên vào phần mở đầu kịch bản của mình:

   “Trước đèn xem truyện Tây Minh
   Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le
   Ai ai lẳng lặng mà nghe
   Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
   Trai thời trung hiếu làm đầu
   Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”.

   Cách giữ nguyên lời thơ này nhằm gây ấn tượng mạnh cho khán giả khi tiếp cận vở cải lương bởi lẽ khi kịch bản cải lương được cải biên từ tác phẩm văn học thì nghiễm nhiên tác phẩm văn học ấy phải được ra đời trước, có sự tiếp cận với công chúng và đã nhận được sự đón nhận nhất định. Đồng thời, việc vay mượn hoàn toàn như một cách gợi nhớ, nhắc nhớ về tác phẩm nguồn kích thích sự tò mò của khán giả muốn đi sâu thưởng thức tác phẩm. Tuy vậy, thực tế đã chứng minh, từ ngôn ngữ thi ca đến ngôn ngữ “lời ca” là cả một quá trình biến đổi đầy phức tạp, việc giữ nguyên lời thơ kết hợp với sự biến đổi thanh điệu và luyến láy để tạo thành lời ca âm nhạc là một trong những thao tác cơ bản. Không chỉ vậy, trong kịch bản cải lương, ngôn ngữ nhân vật rất được chú trọng bởi các nhân vật không chỉ độc thoại mà đa phần họ sẽ được đặt trong thế đối đáp với những nhân vật khác trong từng lượt lời. Mỗi khi nhân vật phát ngôn phải thể hiện được sắc thái biểu cảm trong lời nói, tính cách nhân vật phải được bộc lộ... Để làm được việc đó, phần chỉ đạo diễn xuất, kỹ thuật biểu diễn... của nghệ sĩ được chú thích trong kịch bản được tác giả cải biên rất mực chú trọng.

   Như vậy, ngoài việc giữ nguyên lời thơ, để cải biên ngôn ngữ thi ca thành ngôn ngữ lời ca, các soạn giả cải lương còn thực hiện một số thao khác: thứ nhất, chỉ sử dụng câu thơ làm chất liệu để gợi ý tứ nhằm viết ra lời ca âm nhạc; thứ hai, phá vỡ khuôn mẫu bằng - trắc của thể loại lục bát; thứ ba, trật tự các câu thơ có phần “nhảy cóc”. Xét cảnh Lục Vân Tiên sau khi cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp Phong Lai:


   Qua bảng đối chiếu trên, có thể thấy những thao tác cơ bản được sử dụng trong quá trình thay đổi hình thức diễn ngôn từ truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên sang kịch bản cải lương ở phương diện ngôn ngữ: thứ nhất, soạn lời ca theo các bản nhạc cho phù hợp với tình huống sắc thái của nhân vật; thứ hai, vay mượn lời thơ nhưng nội dung và hình thức câu thơ không thay đổi; thứ ba, vay mượn ý tứ và từ sự liên tưởng ấy mà viết thành lời ca cải lương. Chính sự sắp xếp và chọn lựa trên đã giúp kịch bản cải lương không đánh mất đi giá trị cốt lõi vốn có của văn bản nguồn, đồng thời vẫn cho thấy được khả năng sáng tạo độc đáo của soạn giả.

   Dưới góc nhìn của đại đa số độc giả, cải biên tác phẩm văn học là hoạt động “bình cũ rượu mới”, không có sức sáng tạo và có nguy cơ phá hủy văn bản nguồn. Thông qua các phương thức cải biên được sử dụng trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên sang kịch bản cải lương, có thể khẳng định cải biên là một hoạt động nghệ thuật đầy sáng tạo, dù rất nhiều định kiến. Qua các phương diện cơ bản: ngôn ngữ, nhân vật và cốt truyện, các soạn giả/ đạo diễn đã khai thác Lục Vân Tiên một cách đa chiều, đa diện. Không chỉ làm phong phú hơn kho tàng kịch bản cải lương dân tộc mà cải biên còn là kết quả của quá trình đồng sáng tạo của độc giả mà ở đây chính là soạn giả/ đạo diễn và phương thức cải biên Lục Vân Tiên vẫn là một hoạt động tiếp nhận và sáng tạo nghệ thuật thuần túy.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận