ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ HUẾ TRONG THƠ THANH HẢI

Đất và người xứ Huế là một trong những chủ đề chính của thơ Thanh Hải. Ông đã quan sát và thể hiện tinh tế về phong thổ, bầu trời, thời tiết, cảnh sắc thiên nhiên ở Huế; về những con người xứ Huế yêu nước, đảm đang, nhân hậu. Qua đó cho thấy những đóng góp của Thanh Hải cho văn học Thừa Thiên Huế nói riêng, văn học Việt Nam nói chung.

   Từ bao đời nay Huế là xứ sở thơ mộng, là một trung tâm văn hóa, văn học. Cảnh Huế, tình Huế là đề tài, là nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ vơi cạn đối với các nhà thơ, nhà văn. Chính vẻ đẹp của đất nước và con người xứ Huế đã làm rung động trái tim biết bao thế hệ, trong đó có những người con sinh ra từ đất Huế. Thanh Hải là người con của xứ Huế. Ông là một trong những nhà thơ có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam và thơ ông cũng có những bài, những đoạn trích được giảng dạy trong nhà trường, từ các lớp ở bậc tiểu học đến trung học.

   Thanh Hải có nhiều tác phẩm viết về Huế, nơi ông sinh ra và lớn lên. Bài viết này phân tích những nét nổi bật về đất và người xứ Huế trong thơ Thanh Hải, đồng thời làm nổi bật sự đóng góp của ông trong cho sự nghiệp văn học nước nhà nói chung và cho quê hương xứ Huế nói riêng.

   1. Đôi nét về tác giả Thanh Hải

   Thanh Hải (1930-1980) tên thật là Phạm Bá Ngoãn, quê ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Gia đình và quê hương ông có truyền thống cách mạng. Thân sinh ông là một nhà giáo dạy học ở trường huyện. Thanh Hải mồ côi mẹ từ rất sớm, bản thân ông là anh cả nên chịu nhiều vất vả. Thanh Hải là người gắn bó suốt cuộc đời với quê hương thân yêu của mình. Bởi vậy biết bao con người, bao số phận và những biến cố, những sự kiện diễn ra trên quê hương đều đi vào thơ ông một cách chân thành. Đó là đề tài, là nguồn cảm hứng sáng tạo trong thơ ông. Thanh Hải tham gia cách mạng từ rất sớm và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng. Năm 17 tuổi ông làm chính trị viên Đoàn Văn công huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Sau Hiệp định Geneve, ông ở lại quê hương hoạt động trong vùng bị tạm chiếm, làm chủ bút Báo Cờ giải phóng, làm Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền văn nghệ của Khu ủy Trị Thiên - Huế. Được sống trong phong trào kháng chiến chống Mĩ, ông đã chứng kiến những tháng ngày gian khổ, những cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Huế. Tập thơ Những đồng chí trung kiên ra đời từ đó. Hơn 30 năm làm thơ, phục vụ cách mạng, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ giải phóng, Ủy viên Thường vụ Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên. Nhà thơ Thanh Hải mất khi ông vừa mới 50 tuổi, để lại những tập thơ: Những đồng chí trung kiên (1962), Huế mùa xuân (1975), Dấu võng Trường Sơn (1977), Mưa xuân đất này (1982).

   2. Xứ Huế trong thơ Thanh Hải

   Thanh Hải là nhà thơ của xứ Huế, đề tài Huế và miền Trung là một chủ đề quan trọng trong thơ ông. Thanh Hải là người gắn bó với Huế một cách thiết tha mãnh liệt: “Ta yêu Huế chi lạ, ai yêu Huế hơn ta” (Hát về Huế yêu thương) đến khát khao cháy lòng và tác giả để cảm nhận Huế một cách sâu sắc: “Huế là thơ là mộng, Huế là nước là trăng, Huế dịu hiền thủy chung, Huế nặng tình nước non” (Bài thơ gởi Huế yêu thương). Đọc thơ Thanh Hải, người đọc còn bắt gặp hình ảnh đất nước xứ Huế qua những cảnh vật như con đường Trường Sơn, mùa thu A Lưới, cờ đỏ trên Ngọ Môn, ánh trăng tà Vĩ Dạ… và biết bao địa danh xứ Huế in dấu trong thơ ông. Thanh Hải đã bộc lộ là con người thấu hiểu phong thổ, bầu trời, thời tiết, cảnh sắc thiên nhiên xứ Huế thật sâu sắc và tinh tế. Nhà thơ đã cảm nhận: “Trời Hà Nội có xanh như trời ở Huế”, từ đó cho người đọc hiểu được sắc thái bầu trời xứ Huế rất xanh và đẹp.

   Mùa xuân xứ Huế trong thơ Thanh Hải có một nét đặc biệt theo sự cảm nhận của người con xứ Huế:

   “Sắc mai vàng ngỡ là sắc nắng
   Áo bay ngỡ là cánh én
   Mùa xuân Huế dài, mùa xuân Huế nhiều bâng khuâng”.
                                                                   (Mùa xuân Huế)

   Mùa xuân với người Việt bao giờ cũng là nguồn cảm xúc của thơ ca. Mượn ý xuân, tình xuân để gửi gắm những tấm lòng, những lời chúc mừng tốt lành của năm mới. Thanh Hải cảm nhận mùa xuân Huế có cánh mai vàng như sắc nắng, có cánh én như áo trắng bay nên thơ rất đẹp, từ đó gieo vào lòng người cảm giác “Mùa xuân Huế dài, khó quên quá em ơi”. Mùa thu cũng là nguồn cảm hứng trong thơ ca, nhạc họa. Trong thơ lãng mạn, những nỗi buồn trống vắng như mơ hồ nhưng rất đẹp trong thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu… Mùa thu của xứ Huế được Thanh Hải cảm nhận bằng cái hồn, cái tình của mình một cách sâu sắc: “Ôi mùa thu ở Huế/ Mà hồn thu rất trẻ/ Mà tình thu rất sâu”. Đối với Thanh Hải những ký ức về mùa hè xứ Huế đã đi vào thơ ông với những cảm xúc náo nức bâng khuâng:

   “Hoa phượng bên đường nảy nở sinh sôi
   Lòng ta nôn nao như gọi mùa hè về với nắng
   Đêm nay những con đường bâng khuâng im lặng”.
                                          (Hai mươi lăm ngày về với Huế)

   Trước Cách mạng Tháng Tám, xứ Huế hiện lên thật đau thương bởi cuộc chiến tranh tàn phá. Sự đau đớn và tủi nhục đó đã gợi nên trong Thanh Hải những câu thơ xúc động:

   “Hỏi làm chi làm chi
   Quê mình trong máu lửa
   Cỏ cây cũng tơi bời
   Gió nước cùng đau khổ”.
                                            (Mang hồn quê hương)

   Thật xót xa đau đớn, những thành quách, cung điện ở Huế là chốn thiêng liêng cần được nâng niu, trân trọng. Vậy mà giặc Pháp đã dã man tàn phá. Lời thơ của Thanh Hải thật nghẹn ngào, xúc động pha lẫn sự căm thù sâu sắc. Những địa danh quen thuộc của Huế như Hương Thủy, Phú Vang, Bồn Trì, Bồn Phổ hiện lên thật đau thương thảm khốc:

   “Hương Thủy của chúng ta
    Hắn lập vòng đai trắng
    Phú Vang của chúng ta
    Hắn cắt cho từng chặng
    Qua Bồn Trì, Bồn Phổ
    Quằn quại trong đau khổ”.
                                         (Những đồng chí trung kiên)

   Trong cuộc chiến tranh ác liệt, đạn bom của kẻ thù tàn phá quê hương nhưng Huế vẫn lạc quan tin tưởng vào ngày chiến thắng. Hình ảnh con đường Trường Sơn, chiến khu A Lưới là những minh chứng sinh động. Nhân dân Huế đã làm chủ thành phố, chiếm đài phát thanh. Trong giây phút lịch sử hào hùng ấy, Thanh Hải đã phấn khởi ca lên:

   “Huế của ta như chàng dũng sĩ
   Vươn vai thần đứng dậy giữa mùa xuân
   Những cửa thành dang rộng cánh chim ưng
   Bay phơi phới trên đường đi lịch sử”.
                                                (Huế nổi dậy rồi)

   Sau ngày giải phóng, Huế bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Huế ngày càng đổi mới, to đẹp hơn. Xúc động trước sự đổi thay của quê hương, nhà thơ đã viết:

   “Tôi ngắm mãi những dòng xanh bát ngát
   Những dòng mương tươi mát nương dâu
   Đất giải phóng đất cũng chừng ca hát
   Khoai mượt ven đồi cỏ mát chân trâu”.
                                                    (Giữa làng quê giải phóng)

   Viết về quê hương xứ Huế, Thanh Hải đã khơi dậy những tình cảm, những kỷ niệm sâu sắc, những hình ảnh được chắt lọc qua nhiều năm tháng. Cái hay của những bài thơ này là những lời tâm sự chân thành của một trái tim chân thành, mộc mạc, cho thấy Thanh Hải yêu mến cuộc sống, yêu mến quê hương bằng sự lắng sâu, chắt chiết của mình.

   3. Con người xứ Huế trong thơ Thanh Hải   

   Con người vừa là chủ thể của văn học nói chung, đồng thời cũng còn là khách thể phản ánh. Đặc biệt đối với thơ ca, con người là đối tượng để nhà thơ gửi gắm tình cảm, là nguyên nhân trực tiếp khơi gợi niềm cảm xúc của tác giả. Giáo sư Trần Đình Sử đã viết: “Bình luận về con người được miêu tả trong thơ cùng nghệ thuật biểu hiện con người cũng là nội dung của việc nghiên cứu thơ”1. Điều quan trọng cơ bản của việc nghiên cứu, tìm hiểu con người trong thơ là tìm xem nhà thơ đã lý giải quan niệm, đối tượng đó như thế nào, sử dụng hệ thống các phương tiện để thể hiện con người với một mức độ chiều sâu ra sao, từ đó giúp cho người đọc hiểu được tư tưởng và quan niệm nghệ thuật của nhà thơ trong tác phẩm của mình.

   Ở Thanh Hải, ngay từ tập thơ đầu tiên Những đồng chí trung kiên gồm những bài thơ được viết trong thời kỳ gian khổ của cách mạng miền Nam 1954-1960, ông đã tái hiện hình ảnh nhân dân Huế biểu tình, bãi chợ, chuyện bà mẹ nuôi giấu cán bộ, chuyện em bé cất giấu ảnh Bác Hồ chỉ đêm mới đem ra nhìn… Đọng lại sâu sắc nhất trong thơ Thanh Hải là hình ảnh người chiến sĩ trung kiên được thể hiện qua nhiều bài thơ (A Vầu không chết, Núi vẫn nhớ, người vẫn thương, Mồ anh hoa nở…) Đó là những người cao đẹp, có tấm lòng kiên trung với cách mạng. Hình ảnh người thanh niên A Vầu bị giặc đánh chết vẫn không khai báo gì (A Vầu không chết). Người con trai làng Dương bình thường, một con người bằng da bằng thịt dám bước vào lửa vì lòng căm thù giặc chứ anh có phép thần thánh nào đâu (Núi vẫn nhớ, người vẫn thương)… và biết bao tấm gương khác biểu hiện một cách cao đẹp trong cuộc đấu tranh với giặc của người dân xứ Huế. Hình ảnh hoa hồng nở trên mộ người cộng sản là một dự cảm cho tương lai cách mạng. Đối với nhân dân, hình ảnh người cộng sản mất đi để lại lòng căm thù và ý chí chiến đấu trong quần chúng, còn đối với kẻ thù thì hình ảnh đó lại là một nỗi khiếp sợ, một cơn ác mộng: “Lũ chúng nó qua đây/ Mắt diều không dám ngó” (Mồ anh hoa nở).

   Thật cảm động là Thanh Hải đã ghi lại một một cách đầy ấn tượng hình ảnh người vợ, người mẹ xứ Huế. Họ hi sinh cái riêng vì cái chung, xem việc đánh giặc giải phóng quê hương là nhiệm vụ cao cả hàng đầu. Hình ảnh người vợ khát khao nhớ chồng mà chỉ trong chiêm bao tâm hồn chị mới có dịp vượt tuyến thăm chồng:

   “Lòng em thường vượt tuyến
   Đêm đêm ra thăm anh”.
                                            (Vượt tuyến)

   Còn người phụ nữ trong bài Nhớ thì biểu hiện dưới dạng khác. Ban đêm chị nhớ chồng làm khăn ướt lệ nhưng ban ngày thì chị đi làm rẫy hoặc đi đấu tranh. Để rồi nỗi nhớ chồng ngoài tiền tuyến cứ chất chồng dồn nén qua bao ngày bao tháng:

   “Anh lại hỏi nương rẫy
   Em nhớ anh thứ nào
   Mà mùa mùa anh thấy
   Lúa gập cả trời cao”.
                                            (Nhớ)

   Có thể nói Thanh Hải đã hoà nhập vào cuộc sống, vào tâm trạng của họ mới có những phát hiện tinh tế và sâu sắc như vậy. Thơ Thanh Hải đã tái hiện lại hình ảnh thật cảm động, những phút giây lưu luyến chia tay của người mẹ Huế với đứa con của mình trước lúc lên đường. Mẹ ân cần dặn:

   “ Con đi con cứ đi
   Mẹ chờ con trở lại
   Thương con mẹ ngậm ngùi…
   Tay con trong tay mẹ
   Tay mẹ ấp tay con”.
                                (Con đi con cứ đi)

   Tiếp tục truyền thống anh hùng của quê hương, những chàng trai xứ Huế đã xác định được mục đích ý nghĩa cho mình rất cao đẹp và đúng đắn “anh là trai đất xứ Huế, đi giữ những gì cho Huế yêu thương”. Thanh Hải đã ghi lại những phút giây dù tự nguyện dứt khoát lên đường đi chiến đấu nhưng vẫn không thôi vương vấn khi phải giã biệt quê hương thân yêu, gắn bó:

   “Dù rất nhớ Tịnh Tâm và Thương Bạc
   Tiếng rao chè man mác giữa đêm sương
   Dù rất nhớ con sông Hương xanh ngát
   Anh vẫn đi anh vẫn lên đường”.
                                          (Theo lời Bác gọi)

   Mùa xuân 1968, với cuộc tổng tấn công của kinh thành Huế, Thanh Hải đã viết tập thơ Huế mùa xuân với một tinh thần hào hứng và lãng mạn. Trong tập thơ này, nhà thơ ghi lại cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân dân Huế. Hình ảnh những dũng sĩ chợ Đông Ba một ngày đánh sáu trận, những người mẹ mang sữa, mang nước băng qua bom đạn đến với những đứa con ở chiến hào, những chị ẵm con chỉ mặt từng tên ác ôn. Đặc biệt là hình ảnh người con gái Vân Dương giết được hàng trăm tên giặc mà Bác Hồ đã ngợi khen được nhà thơ vẽ nên bằng những hình ảnh đầy ấn tượng:

   “Và quê ta đó hỡi Vân Dương
   Dáng ai rất đẹp rất yêu thương
   Mười cô gái Huế mười tay súng
   Giết giặc trăm tên giữa chiến trường”.
                                            (Những ngày lịch sử)

   Những con người xứ Huế trong tập thơ Dấu võng Trường Sơn của chiến trường Trị Thiên đã in đậm dấu ấn trong lòng người đọc. Đó là những du kích, chị dân công, em bé giao liên, những người lính lái xe Trường Sơn… Mỗi người mỗi công việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng chung một mục đích là đều phục vụ quê hương, phục vụ kháng chiến. Những câu thơ trữ tình, lãng mạn tái hiện hình ảnh bàn tay những cô gái làm đường Trường Sơn trên chiến khu A Lưới:

   “Xe anh chạy trên đường em xẻ
   Ôi những bàn tay những chuyện phi thường
   Trời A Lưới có em nên rất trẻ
   Anh nhớ hoài bàn tay nhỏ thân thương”.
                                                     (Những bàn tay nhỏ)

   Hay hình ảnh anh giải phóng quân Huế chiến đấu thì rất anh dũng nhưng trong đời thường thì hiền lành, giản dị:

   “Khi anh cười đôi mắt sáng long lanh
   Như nước sông Hương trong đôi mắt ấy
   Anh giải phóng quân Huế ơi
   Trông anh hiền như cô con gái”.
                                                       (Một đêm với anh giải phóng quân Huế)

   Nhìn chung, Thanh Hải là người con xứ Huế, ông luôn bám sát hiện thực của một vùng đất để phản ánh một cách chân thực và sinh động hình ảnh con người xứ Huế trong thời kỳ cách mạng. Họ tiêu biểu cho những đức tính, phẩm chất anh hùng mà quả cảm, nhân hậu mà rất trữ tình lãng mạn, những nét đặc trưng truyền thống của con người xứ Huế.

   4. Kết luận

   Xứ Huế là một xứ sở thơ mộng với nhiều cảnh đẹp, nhiều di tích văn hóa lịch sử. Mặc dù chịu nhiều sự tàn phá của bom đạn kẻ thù trong chiến tranh nhưng Huế vẫn luôn là một xứ sở có nhiều cảnh đẹp nên thơ. Con người xứ Huế trong thơ Thanh Hải hiện lên đông đảo, đủ mọi thành phần, mọi giai cấp trong xã hội. Họ hiện lên rất đẹp, mang đầy đủ tính cách, phẩm chất của người con xứ Huế. Trong thời chiến thì lạc quan yêu đời, trong cuộc sống đời thường thì đảm đang, nhân hậu, chịu thương chịu khó. Họ là sự hội tụ, kết tinh cao đẹp những phẩm chất con người miền Trung nói chung, xứ Huế nói riêng. Thanh Hải đã dành những tình cảm ưu ái nhất khi viết về đất và con người trên quê hương mình.

 

 

 

Chú thích:
1 Trần Đình Sử (2001), Giáo trình Thi pháp học, NXB. Giáo dục, tr. 112.

Bình luận

    Chưa có bình luận