Việt Nam có năm mươi tư dân tộc, mỗi dân tộc đều có nét đặc trưng riêng. Đặc trưng để phân biệt dễ nhất, sắc thái nổi bật nhất trong bản sắc văn hóa mỗi dân tộc là trang phục. Dân tộc Dao cũng “có khoảng trên dưới mười nhóm có tên gọi khác nhau như: Thanh Y, Áo Dài, Đại Bản (Dao Đỏ), Dao Coóc Ngáng, Dao Sửng, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang, Tiểu Bản (Dao Tiền)...”1 . Sự khác biệt trong trang phục của người Dao Đỏ dễ dàng nhận thấy so với các tộc Dao khác và dân tộc khác nói chung ở hoa văn sặc sỡ, màu đỏ là chủ đạo, chiếm diện tích lớn.
Hiện nay, xu hướng tìm về bản sắc dân tộc làm nguồn cảm hứng sáng tác trong nghệ thuật nói chung và thời trang nói riêng đang phát triển mạnh mẽ. Không ít bạn trẻ lựa chọn giữ nguyên nét đặc trưng của trang phục, bao gồm kết cấu, hoa văn, họa tiết, màu sắc hay chất liệu dân tộc Dao Đỏ, đưa vào trong các thiết kế để làm mới trang phục dân tộc hay mạnh dạn phá bỏ khuôn khổ, phá bỏ những định kiến xưa cũ, chỉ lấy trang phục Dao Đỏ làm cảm hứng, đưa đến cho các thiết kế một cái nhìn hoàn toàn khác biệt cho trang phục dân tộc truyền thống. Dù giữ lại nét đặc trưng, chỉ làm mới nó hay phá bỏ khuôn khổ đem đến sự khác biệt thì việc gìn giữ giá trị di sản văn hóa truyền thống cũng đáng được trân trọng. Bài viết hướng đến phân tích thực trạng thời trang đương đại mang cảm hứng từ trang phục dân tộc Dao Dỏ, góp phần làm rõ giá trị của ứng dụng cảm hứng trang phục dân tộc Dao Đỏ trong thời trang đương đại, đề xuất giải pháp góp phần khuyến khích, lan tỏa việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Một thiết kế của NTK. Đỗ Ngọc Duyên, phá vỡ “định kiến”, lấy cảm hứng từ trang phục cô dâu người dân tộc Dao Đỏ, một hướng đi khác biệt tạo nên sự ấn tượng của bộ sưu tập “Sèng Sờ Boàng”. (Ảnh: Đào Thế Vũ)
1. Đặc trưng trang phục truyền thống dân tộc Dao Đỏ
Từ xa xưa, người Dao có truyền thống tự làm ra trang phục của mình. Họ trồng bông, chàm, dệt, nhuộm vải, cắt may, thêu thùa…, có thể nói người Dao đảm nhiệm mọi việc trong quá trình làm ra trang phục. Việc cắt may, phụ nữ Dao truyền từ đời này sang đời khác, các em gái mười hai, mười ba tuổi đã có thể may vá, thêu thùa, việc này trở thành kỹ năng, giúp các em có thể hoàn thiện bộ trang phục cầu kỳ trong thời gian dài từ một đến hai năm. Từ những tấm vải dài năm sải tay đủ để may trang phục cho nam hoặc nữ, phụ nữ dân tộc Dao đã làm ra những bộ trang phục thường ngày hoặc trang phục trong những dịp quan trọng, mang dấu ấn riêng không lẫn với các dân tộc khác.

Phụ nữ người Dao Đỏ tự tay làm trang phục. (Ảnh: Báo Lào Cai)
Về kiểu dáng, phụ nữ người Dao Đỏ thường mặc áo dài và quần, thắt lưng, khăn vấn đầu, trang sức bạc... đi kèm. Hai nẹp trên áo được trang trí khá cầu kỳ, liền với ngực thân áo. Đàn ông người Dao thì mặc áo ngắn, quần, khăn vấn đầu – đơn giản hơn với phụ nữ.
Về màu sắc, người Dao Đỏ quan niệm màu đỏ là màu đem lại sự may mắn, đủ đầy, hạnh phúc nên trang phục của họ thường màu đỏ, có diện tích khá lớn, đan xen với các màu khác như xanh, trắng, đen, vàng...
Về họa tiết hoa văn, trên trang phục của người Dao Đỏ là những hình ảnh rất gần gũi với đời sống hằng ngày như hình hoa lá, cỏ cây, động vật..., thông qua cảm nhận của từng người mà được tạo ra theo một cách rất riêng, không bộ nào giống bộ nào.
Về kỹ thuật, nhuộm vải màu chàm, đen, tạo hoa văn từ thêu, khâu tay tinh xảo hay chắp ghép trang sức, phụ nữ Dao Đỏ đã khéo léo phối hợp tạo nên tổng thể bộ trang phục với hòa sắc rực rỡ, bố cục trang trí chặt chẽ, mang đậm dấu ấn của người dân tộc mình.
2. Sự khai thác đầy ấn tượng của các nhà thiết kế từ cảm hứng trang phục truyền thống dân tộc Dao Đỏ
Một vài năm gần đây, các thiết kế lấy cảm hứng từ di sản văn hóa truyền thống ngày càng tạo dấu ấn trong lòng công chúng, không chỉ trong nước mà còn với bạn bè quốc tế. Điển hình là bộ sưu tập (BST) “Sèng Sờ Boàng” của nhà thiết kế (NTK) Đỗ Ngọc Duyên – cựu sinh viên ngành Thiết kế thời trang - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. “Sèng Sờ Boàng” lấy cảm hứng từ hình ảnh cô dâu Dao Đỏ, được NTK trẻ gửi gắm thông điệp muốn phá vỡ định kiến cho là sự cổ hủ của đồng bào dân tộc thiểu số, tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Thông qua ngôn ngữ tạo hình, NTK đã khéo léo giữ lại những dấu hiệu đặc trưng của dân tộc Dao Đỏ như khăn quấn đầu, màu đỏ, họa tiết hoa văn thổ cẩm, phụ kiện trang trí như quả bông bằng chỉ hoặc len đỏ, các chuỗi hạt cườm đa màu sắc, kỹ thuật thêu thủ công, khâu tay tinh xảo và vải được nhuộm màu chàm… thì NTK còn thể hiện sự “phá vỡ định kiến” trong các thiết kế của mình. Cụ thể như:
Về hình khối trang phục, trang phục truyền thống của người Dao Đỏ có hình khối phù hợp với cơ thể, được thắt eo bằng chiếc thắt lưng mang đầy tính thủ công, thuận tiện cho việc di chuyển hay sinh sống hằng ngày, còn trang phục trong BST “Sèng Sờ Boàng” lại có hình khối rộng mang tính hiện đại.
Về kết cấu trang phục, các thiết kế trong bộ sưu tập được kết hợp nhiều lớp vải ngắn dài khác nhau, các đường cut out với sự tính toán kỹ lưỡng tạo nên sự đối lập, mang đến một cảm giác đầy táo bạo
Về bố cục hoa văn họa tiết, thay vì chỉ sử dụng hoa văn họa tiết ở một số mảng trang trí nhất định như trên nẹp áo, khăn quấn đầu, cổ tay áo, gấu quần thì trong BST “Sèng Sờ Boàng”, NTK đã đưa họa tiết trang trí lên trên thân váy, thân áo...
Về phối màu, có thể thấy hệ thống màu của BST rất đa dạng với nhiều màu sắc tươi mới, sự phối màu đối lập thể hiện tính thời thượng, trẻ trung của giới trẻ hiện nay.
Về chất liệu, thay vì chỉ sử dụng vải nhuộm chàm như trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ, NTK đã đưa các chất liệu hiện đại như vải da, đinh tán, oxidized sliver...
Phụ kiện cũng được phối hợp khác biệt hoàn toàn, những đôi boot da bóng cao đến đầu gối, găng tay, trang sức bạc với các kiểu dáng hiện đại... tạo nên một tổng thể mới mẻ, sáng tạo, thời thượng nhưng đặc trưng của trang phục dân tộc người Dao Đỏ vẫn còn phảng phất đâu đây. Để làm được điều này, NTK. Đỗ Ngọc Duyên đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu tại bản Tà Phìn (Sa Pa, Lào Cai) – nơi còn giữ được những nét truyền thống của người Dao Đỏ – và sự nhiệt huyết của giới trẻ, sự khát khao thể hiện góc nhìn cá nhân của NTK, sự sáng tạo của người làm nghệ thuật, tất cả đã tạo nên một tổng thể khác biệt, ghi đậm dấu ấn “Sèng Sờ Boàng” của NTK. Đỗ Ngọc Duyên.

Ba trong bảy thiết kế trong BST “Sèng Sờ Boàng” của NTK. Đỗ Ngọc Duyên rất trẻ trung, thời thượng nhưng vẫn tôn vinh được giá trị truyền thống của dân tộc Dao Đỏ. (Ảnh: Đào Thế Vũ)
Một ví dụ nữa đáng được nhắc đến là thiết kế “Cô em Dao Đỏ” của NTK. Phạm Minh Hiếu cũng được lấy cảm hứng từ trang phục cưới của người Dao Đỏ. Trái ngược với thiết kế “Sèng Sờ Boàng”, “Cô em Dao Đỏ” lại mang một vẻ đẹp kiêu sa, mĩ miều với gam màu đỏ, vàng và những họa tiết thổ cẩm đặc trưng trên nền áo dài. Thiết kế đã để lại dấu ấn, tạo sự ngỡ ngàng cho khán giả trong và ngoài nước, cụ thể là thiết kế đoạt giải Nhì phần thi “Trang phục văn hoá dân tộc” tại Miss Grand Việt Nam 2022 và được chọn trở thành trang phục dân tộc cho Á hậu Bảo Ngọc tại cuộc thi Miss Intercontinental - Hoa hậu Liên lục địa 2022 ở Ai Cập. Có thể nói cảm hứng từ trang phục dân tộc Dao Đỏ trong thời trang đã tạo ra được giá trị, phần nào góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc.

Vẻ đẹp mĩ miều của Á hậu Bảo Ngọc khiến công chúng ấn tượng với thiết kế “Cô em Dao Đỏ”. (Ảnh: NVCC)
3. Thực trạng và giải pháp phát huy cảm hứng trang phục truyền thống dân tộc Dao Đỏ
Hiện nay càng nhiều bạn trẻ có xu hướng tìm về cội nguồn, tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để quảng bá nhiều hơn nữa đặc trưng của người dân tộc Dao Đỏ? Làm thế nào để truyền tải các giá trị thông qua các yếu tố thủ công như nhuộm, thêu, khâu tay của người Dao Đỏ khi hiện tại, trong đời sống chúng ta, công nghệ đã chiếm lĩnh phần lớn? Có thể thấy rõ bức tranh thực trạng thời trang đương đại với những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ như sau:
* Về thuận lợi:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nên việc sáng tạo trong thời trang đương đại lấy cảm hứng từ trang phục các dân tộc, trong đó có dân tộc Dao Đỏ nhận được nhiều sự quan tâm, khiến việc lan tỏa giá trị, quảng bá hình ảnh trở nên dễ dàng hơn.
Thứ hai, việc phát huy nét độc đáo trong trang phục của người Dao Đỏ với thời trang đương đại lại có sợi dây kết nối, sự tương đồng giữa trang phục với trang phục, khiến cho sự chuyển thể, giao thoa giữa cái lâu đời với cái mới được phối hợp nhịp nhàng.
Thứ ba, trang phục của người Dao Đỏ được tích hợp rất nhiều yếu tố, các yếu tố đều phần nào góp phần tạo nên giá trị đặc trưng của người Dao Đỏ nên khi các NTK tìm hiểu sẽ có rất nhiều nguồn tài nguyên để khai thác, dù ít hay nhiều, sự khai thác để sáng tạo, quảng bá giá trị truyền thống đều đáng được trân trọng.
* Về khó khăn:
Thứ nhất, các nguồn tư liệu còn khá hạn hẹp khiến cho các NTK gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin hoặc tiếp cận thông tin không đúng, sai lệch.
Thứ hai, hiện nay dân tộc Dao Đỏ tập trung chủ yếu ở phía Bắc, ở các tỉnh miền núi và trung du như Lào Cai, Cao Bằng... khiến cho việc tiếp cận trở nên khó khăn, các NTK muốn tìm hiểu thường mất nhiều ngày, nhiều chi phí, thời gian và công sức, khiến cho tinh thần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống bị giảm sút.
Thứ ba, xu hướng hội nhập quốc tế khiến xã hội đi theo hướng công nghệ. Một loạt máy móc với công nghệ hiện đại như máy thêu, máy in 3D... khiến cho kỹ thuật nhuộm chàm, thêu thủ công và khâu tay của trang phục dân tộc Dao Đỏ có nguy cơ bị mai một, mất đi tính đặc trưng của trang phục dân tộc.
Thứ tư, nhiều NTK sáng tạo quá mức trên nền văn hóa truyền thống dân tộc khiến các thiết kế trở nên phản cảm, gây khó chịu cho người xem.
* Về giải pháp:
Từ thực trạng nêu trên, để bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống dân tộc Dao Đỏ, xin đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất, các NTK cần tìm các nguồn tư liệu uy tín như sách, bài báo, nghiên cứu để có cái nhìn chính xác nhất về các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và dân tộc Dao Đỏ nói riêng.
Thứ hai, cần tạo ra hoặc tham gia các buổi chuyên đề, talkshow, các buổi triển lãm, trưng bày sản phẩm thủ công hoặc chủ đề về bản sắc dân tộc, từ đó, việc tiếp cận nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn.
Thứ ba, các bạn trẻ cần hiểu được giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc như thêu thủ công, nhuộm hay họa tiết thổ cẩm đều là nét đặc trưng nên tìm cách thực hiện sao cho tinh thần truyền thống không bị mai một, tránh để máy móc công nghệ làm mai một đi giá trị mà chúng ta cần bảo tồn.
Thứ tư, các NTK nên cân đối các yếu tố giữ lại hoặc bỏ đi để đưa ra được hướng sáng tạo phù hợp với xu hướng nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống.
4. Kết luận
Bài viết là sự nghiên cứu phát hiện ra giá trị của việc đưa cảm hứng trang phục truyền thống dân tộc Dao Đỏ vào thời trang đương đại qua việc phân tích các thiết kế trong BST “Sèng Sờ Boàng” của NTK. Đỗ Ngọc Duyên. Đó không chỉ là các thiết kế sáng tạo mà còn thể hiện được sự phá bỏ định kiến cho là sự cổ hủ của các dân tộc thiểu số, sự tôn vinh nét truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
Việc làm mới những yếu tố tưởng chừng như đã lâu đời càng chứng tỏ khả năng sáng tạo không giới hạn của các NTK, khiến cho bạn bè quốc tế có cái nhìn khác về thời trang Việt Nam. Từ đó, góp phần đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khăn, tồn tại, giúp cho việc nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống nói chung và trang phục dân tộc Dao Đỏ nói riêng được thuận lợi hơn.
Chú thích:
1 Ngô Đức Thịnh (2014), Trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam, NXB. Khoa học xã hội, tr. 124.