VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG TRUYỆN ''TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH'' CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH

Bài viết luận bàn về văn hóa ứng xử trong truyện ngắn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ở các phương diện: ứng xử với thiên nhiên, gia đình, nhà trường, xã hội và thế giới tâm linh, cùng những kết tinh nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh như các so sánh giàu tính triết lý, hình ảnh đậm chất thơ và cách sử dụng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc.

   heo Edouard Herriot, “Văn hóa là cái còn lại khi người ta quên đi tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”1, tức là những thành tựu về mặt vật chất và tinh thần của tộc người được những trí thức ưu tú – “con đẻ” của một cộng đồng học tập, sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị nhân văn bổ ích. Trên hành trình sáng tạo, làm giàu cho vốn văn hóa - ngôn ngữ của dân tộc, những nhà văn có phong cách thường để lại những tác phẩm có giá trị về mặt tư tưởng, cảm xúc thẩm mĩ và nghệ thuật ngôn từ. Đó là chính là những giá trị kết tinh thành bản sắc, hằn in thành nét văn hóa ứng xử và gây được khoái cảm thẩm mĩ trong lòng bạn đọc. Trong các tác phẩm viết về tuổi mới lớn, người đọc có thể nhận ra nét văn hóa ứng xử của người Việt trong truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đó chính là một chuỗi kỷ niệm của tuổi mới lớn gắn bó với ứng xử của người dân làng quê Việt Nam vùng miền Trung.

   Ứng xử (behavior) là thái độ của con người nhằm bày tỏ quan niệm trước hiện thực khách quan và là lựa chọn các giá trị phù hợp với quy ước của cộng đồng. Theo Từ điển bách khoa toàn thư Xô viết, ứng xử là “Hệ thống các quan hệ tương tác, các phản ứng được thực hiện bởi vật thể sống để thích nghi với môi trường”2.

   Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là tập truyện dài gồm 81 chương, được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2003 và được tái bản nhiều lần, được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình. Nội dung của truyện được Nguyễn Nhật Ánh kể lại theo hồi ức của nhân vật “tôi”, tức nhân vật Thiều. Điểm nhìn của truyện được nhà văn tường thuật lại ở ngôi thứ ba. Trong đó, người đọc có thể hình dung ra một thế giới của kỷ niệm. Đó là những kỷ niệm về quê hương, gia đình, mái trường và những con người bình dị, tảo tần, chịu thương chịu khó, ngay thẳng. Nhan đề truyện đưa người đọc liên tưởng đến một thế giới của cái đẹp với “hoa vàng” như hai câu đề từ của truyện: “Ngồi im trong gió nghe đêm rớt/ Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Phải chăng “hoa vàng” là những bông hoa tay còn sót lại trên bàn tay trái của chú Đàn? Sau tai nạn lao động, bàn tay phải của chú đã bị cưa đi, còn lại một mẩu tay cụt và năm cái hoa tay trên bàn tay phải cũng mất đi vĩnh viễn. Trong hoàn cảnh không may mắn ấy, sức sống của bông hoa lạc quan yêu đời, yêu văn hóa dân gian và yêu quý những tâm hồn nhỏ tuổi cứ lung linh những màu sắc diệu kỳ. Người đọc khâm phục tài ghi nhớ và tài kể chuyện của chú Đàn. Đó là những câu chuyện cổ tích, chuyện ma, chuyện làng, chuyện rừng, chuyện nhà ông ba Huấn… mà chuyện nào chú Đàn kể cũng mạch lạc, hấp dẫn và chiếm được thiện cảm từ phía nhân vật Tường – người em trai của Thiều. Mấy cái hoa tay còn sót lại của chú Đàn đã lướt trên cây kèn harmonica một cách tài hoa và viết lên những trang thư tình yêu chân thành bậc nhất gửi cho chị Vinh. Nguyễn Nhật Ánh không chỉ ngợi ca sự tài hoa của chú Đàn mà còn cảm phục trước một con người vượt lên số phận. Ông nhìn nhận các sắc thái tình cảm từ đôi bàn tay lành lặn của nhân vật “tôi” đến bàn tay của chú Đàn như một lời khuyên người đọc hãy biết dùng đôi tay của mình để biết cảm thông, quý mến sự sống, biết cẩn thận hơn khi làm việc và vỗ về, an ủi, sẻ chia với nỗi đau của người khác. “Hoa vàng” ở đây không chỉ là sự tài hoa, là hồn vía dân gian kết tinh qua các câu chuyện kể mà còn phản ánh nét đẹp thật thà, trong sáng trong tâm hồn Tường và sự ăn năn, ân hận, phục thiện trong suy nghĩ của Thiều.

   Thiên nhiên trong cái nhìn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một thế giới gần gũi, quen thuộc và rất hiền lành gắn với những trò chơi ngộ nghĩnh của tuổi thơ như đá dế, chơi châu chấu, dùng các loại lá cây gọi tên cho các món ăn “vỏ quế”, “thịt gà” và bày mâm cỗ… Đó còn là một thế giới đom đóm, ma trơi chập chờn và một đồi cỏ Hồng mênh mông, kỳ thú. Bên cạnh đó, Nguyễn Nhật Ánh còn dành những tình cảm gia đình thân tộc khi gọi tên cho một con cóc được nuôi trong góc nhà và được Tường đặt tên dễ thương là “Cu Cậu”. Đó là những mùa hè âm vang tiếng ve và rực rỡ sắc phượng hồng, những mùa đông với làn mưa bay rất nhẹ. Hấp dẫn hơn là mùa hoa cỏ hồng ở một triền đồi gió thổi và cũng có những khoảnh khắc lặng im, bí ẩn khiến bọn trẻ rất mực e sợ vì những lời đồn thổi nhưng lại rất mực gần gũi khi bước chân của Tường sau trận đòn hiểu nhầm nằm liệt giường đã đứng lên, chạy theo “nàng công chúa”. Bởi lẽ sau lời đồn thổi về một thế giới của ma quỷ, chúa sơn lâm thì đó là một thế giới của cung đình vương giả thiêng liêng, thoát tục – nơi tuổi nhỏ luôn ước mơ hóa thân làm công chúa, hoàng tử, khác biệt với cuộc sống hằng ngày khiến cho bước chân của Tường trở nên can đảm, mạnh mẽ, vượt thoát trong niềm vui về nhận thức và tình cảm. Trong cái nhìn giàu màu sắc nhân sinh của Nguyễn Nhật Ánh, thiên nhiên trở thành người bạn gần gũi, thân thiết, có ngôn ngữ riêng và mang hơi thở, tính cách của con người. Thiên nhiên trở thành thế giới thứ hai cho tuổi nhỏ vui chơi, tâm tình và là một thế giới kỷ niệm trong sáng, dễ thương hằn in trong ký ức của nhân vật “tôi”.

   Gia đình chính là tổ ấm chở che, là nơi lưu giữ những tình cảm thiêng liêng bậc nhất góp phần hình thành nhân cách của con người. Trong cái nhìn của Nguyễn Nhật Ánh, người đọc có thể nhận ra hình ảnh một người cha của Tường và Thiều. Đó là một người cha thâm trầm, ít nói và nghiêm khắc, nhờ vậy mà nền nếp gia đình được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Đó là một kiểu gia đình mang màu sắc Nho giáo. Ở đó, các nhân vật đều “dùng lễ nghĩa để làm cho gia đình thuận hòa”3. Bên cạnh đó là một người cha hóa trang thành ông vua bất đắc dĩ vì tình thương con mình ở đồi cỏ Hồng. Đó là hình ảnh một người mẹ lam lũ, chịu thương chịu khó và rất mực nhẹ nhàng. Đó là hình ảnh chú Đàn trẻ trung, chiều lòng bọn trẻ. Trong các nhân vật trên, nhân vật người mẹ của Tường và Thiều khiến ta cảm phục hơn cả. Người mẹ buôn chuyến kiếm ăn. Sau sự cố hỏa hoạn, mẹ của Mận – một người hàng xóm bị oan, bị bắt giam; mẹ của hai anh em đã lo cơm nước, cưu mang và chăm sóc “con Mận”. Người mẹ ấy đã bảo con mình đến trông nom gian nhà còn lại sau đám cháy của nhà “con Mận” và đùm bọc làng xóm láng giềng trong lúc khó khăn. Phải chăng, sau hình ảnh người mẹ, người cha là một gia đình thuận hòa, yên ấm. Đằng sau hình ảnh những người cha, người mẹ, chú Đàn, người ta nhận ra những tấm lòng hiếu kính, biết ơn của nhân vật “tôi” và Tường. Phải chăng nếu gia đình là chỗ dựa của hai anh em, là nơi chăm sóc, giáo dục con cái học hành, làm việc, biết giúp đỡ hàng xóm vào lúc hoạn nạn, nơi của nếp nhà xưa yên bình bậc nhất, thì nhà trường là nơi hóa thân của những kỷ niệm bạn bè, trang lứa và tình nghĩa thầy - trò?

   Trong ký ức của đời người, nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi đến của những tâm hồn vô tư, trong trẻo và rất mực hồn nhiên. Người đọc sẽ đặt ra câu hỏi là tại sao Nguyễn Nhật Ánh ít miêu tả về ước mơ, chí hướng của các nhân vật như Tường, Thiều, Mận…? Tại sao ông ít đề cập nhiều đến chuyện học hành, thi cử, mà lại nói nhiều đến các trò chơi, những đùa nghịch của họ? Vì xét về mặt tâm lý thì đó là nhu cầu vui chơi của tuổi mới lớn. Ở lứa tuổi này, những trò chơi hấp dẫn và say mê như “chơi bi”, “chơi đáo”, “chơi ô ăn quan”, “nhảy lò cò” của đám “học trò thôn quê” bao giờ cũng có sức hấp dẫn hơn cả; vì chỉ qua vui chơi thì con người mới dễ dàng giao tiếp và kết nối những tình cảm bạn bè thân thiết nhất. Tiếp đó là những rung động đầu đời hồn nhiên và rất mực dễ thương của nhân vật “tôi” vừa như một sự tò mò vừa có chút “ghen tuông hờn giận vô cớ” và hiểu nhầm, nhưng đó cũng là một nhu cầu nhân bản rất bình thường của con người. Những rung động đầu đời của tuổi mới lớn được nhà văn nhìn nhận trên nền tảng đạo lý, nghĩa tình nên nó trong sáng và hấp dẫn bạn đọc. Người ta nhận thấy đạo thầy - trò được được ứng xử bằng sự nghiêm khắc kiểu “thương cho roi cho vọt” của thầy Nhãn đối với nhóm học trò “nhất quỷ nhì ma”. Đó là những tình cảm bạn bè được xây dựng từ sở thích say mê và rất mực chân thành. Nguyễn Nhật Ánh đã đặt ra những tình huống truyện gay cấn trong suy nghĩ, hành động của nhân vật “tôi”. Tuy nhiên, đằng sau những nghi ngờ, hơn thua bồng bột là một nhân vật “tôi” biết ăn năn hối hận, biết phục thiện, hướng thiện. Phải chăng đây là phương thuốc “chữa lành”, là sự thức tỉnh, sửa mình và đó chính là con đường giúp nhân vật “tôi” hoàn thiện nhân cách?

   Ứng xử trong xã hội được Nguyễn Nhật Ánh nhìn trên nguyên tắc “trọng tình” của những người hàng xóm cư ngụ trong làng Việt miền Trung. Người ta có thể nhận thấy một làng Việt thời kỳ trước giai đoạn đầu Đổi mới với bao nhiêu biến cố từ thiên nhiên như hỏa hoạn, lụt lội và những cam go của cuộc sống đói nghèo khi mà “cá thịt thưa dần mất tích hẳn”, “bữa cơm thỉnh thoảng có vài con tôm mà muối trắng như tuyết”. Ở đó, con người thực sự nhận được sự quan tâm, giúp đỡ vô tư của làng xóm láng giềng trước. Trước cảnh nghèo đói quắt queo, ba Tường đã lặng lẽ đeo túi ra đi, còn mẹ của Tường và Thiều thì được ông Tư Cang giúp đỡ theo xe tải đường dài bán buôn để lo từng bữa cơm nuôi sống gia đình. Trước thảm họa cháy nhà, tài sản tiêu tan, cha Mận bị biến mất, chỉ còn một nắm xương cháy đen, mẹ của cô bé bị tình nghi là người đã gây ra vụ cháy và bị bắt giam không thể thanh minh. Sau nạn cháy nhà, Mận đã rơi vào tình trạng hoảng loạn, không có cơm ăn và bao quanh là nỗi lo sợ khi phải đối mặt với búa rìu dư luận bủa vây, mẹ của Tường đã đến “quét tước nhà cửa”, “sắp xếp đồ đạc” và khuyên cậu bé mang thức ăn và đến trông nhà cho bạn mình. Bà còn đón Mận về chăm sóc, động viên giúp cô bé vượt qua biến cố ấy và từng bước vượt qua cú sốc đầu đời, được gặp lại mẹ mình sau khi bà được giải oan. Khi Tường bị một trận đòn do hiểu nhầm từ phía người anh, cậu đã nằm bất động, lúc ấy, “cả làng đều đến thăm”. Có thể nói đây là ứng xử của những người láng giềng bình thường tốt bụng. Họ luôn chở che, an ủi nhau những lúc khốn khó, nhọc nhằn. Những ứng xử trong xã hội khiến chúng ta nghĩ đến triết lý “cộng cảm” và “cộng mệnh” của những người dân cư trú trong làng Việt ngày xưa.

   Trong không gian cư ngụ gia đình - hàng xóm, người đọc có thể nhận thấy một không gian đan cài giữa làng và nghĩa trang. Có thể nói rằng nhân vật “tôi” đã cảm nhận được có một thế giới tâm linh song hành, bước đi bên cạnh cõi sống của con người. Người ta cũng nhận ra những câu chuyện ma của chú Đàn đang sống lại trên con đường làng và những câu chuyện ly kỳ về “truyền thuyết xóm Miễu” hằn in trong ký ức trẻ nhỏ. Thế giới tâm linh ở đây là những chuyện kể về người hóa hổ ở ngôi “Miễu” đồi cỏ Hồng. Tuy nhiên, đằng sau những câu chuyện kể nhuốm màu sắc ma quái, ghê người ấy là một ứng xử của tình người. Đó là hình ảnh một người cha thương con, mong muốn cho con mình được sống yên ổn về mặt tinh thần. Trước hoàn cảnh của Nhi – cô con gái của ông Tám Tàng sau một vụ chấn thương sọ não và luôn xem mình là công chúa, người cha ấy đã đưa con đến đồi cỏ Hồng để chăm sóc và hóa trang thành một ông vua mang theo “thanh kiếm” nhựa bảo vệ, an ủi, chiều theo niềm vui của con mình. Phải chăng đằng sau một hiện thực của bệnh tật, bất an, Nguyễn Nhật Ánh đã đưa người đọc trở về và sống lại một thế giới của người xưa cung đình vương giả? Ông đã đặt quyền uy của tình phụ - tử ngang hàng với quyền uy bậc nhất của bậc đế vương cầm quyền ngày xưa. Cho dù chỉ là một thế giới tưởng tượng nhưng đó là một thế giới sang trọng, mực thước giúp con gái của ông từng bước hồi phục sức khỏe và trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường. Ở đồi cỏ Hồng ấy, người ta không thấy những con vật hung dữ mà chỉ thấy quyền uy một tấm lòng người cha che chở, giàu đức đức hi sinh. Thế giới tâm linh vì thế không hề xa xôi mà được Nguyễn Nhật Ánh kéo gần lại với cuộc sống con người. Đó là khi Tường bị liệt hai chân do những hiểu lầm sau trận đòn của người anh. Khi ấy Tường nằm bất động trên giường và nhìn ra phía nghĩa trang. Cũng chính lúc ấy, nàng công chúa ở đồi cỏ Hồng đã xuất hiện như một phép màu bên ô cửa sổ để an ủi cậu bé. Người con gái ấy đã truyền cho Tường một sức mạnh để ước mơ, đã giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ của tình yêu và truyền một niềm tin để cậu bé ngồi dậy, chập chững bước đi và chạy theo “nàng công chúa” với một sức mạnh diệu kỳ. Đó là một thế giới khác biệt hoàn toàn với cuộc sống hằng ngày. Phải chăng khi chạm đến niềm tin, chạm đến một thế giới của lẽ thiện, điều lành, người ta sẽ tìm thấy một phương thuốc xoa dịu tâm hồn, một chỗ dựa vững chắc cho chính mình trong một cuộc sống còn nhiều bất ổn? Điều đó cũng cho thấy rằng văn hóa tâm linh là một phạm trù che chở không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Văn hóa, văn học giúp con người thích ứng với mọi biến đổi của hoàn cảnh và vượt lên hoàn cảnh. Ở đó, nềm tin và ước mơ có sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn tuổi mới lớn. Nó giúp Tường đứng lên như một cái cây sau cơn bão, chạy theo và bản lĩnh bảo vệ cho “nàng công chúa” trước những lời trêu chọc của đám trẻ cùng làng, cho dù lúc này đôi chân của Tường vẫn còn rất yếu. Điều gì đã biến đôi chân ấy trở nên vững khỏe? Phải chăng đây là sức mạnh của niềm tin và lẽ phải, của sự đồng hành từ thế giới tâm linh đã tiếp sức cho cậu bé trở thành người dũng cảm? Người đọc cảm thấy thích thú khi Nguyễn Nhật Ánh tạo dựng nên một tình huống, một cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa các nhân vật trong nghĩa trang. Ông đã để cho những con người mang bóng dáng của thế giới người xưa và hôm nay, “công chúa” và “hoàng tử”, tuổi trẻ và tuổi già, người sâu sắc và đám trẻ “bầy đàn” gặp gỡ, đối thoại với nhau. Dù chỉ là khoảnh khắc những dấu ấn nhưng thế giới tâm linh có sức hấp dẫn đặc biệt, giúp con người đi theo, can đảm chống lại cái xấu, cái ác. Thế giới tâm linh giúp người ta nhớ lại người bạn gái ngày xưa, phục hồi trí nhớ, thức tỉnh người đọc thăng hoa trong khoái cảm thẩm mĩ. Nói như nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư: “Ý nghĩa cao cả của nghệ thuật không phải là một đòi hỏi tùy tiện, điều này có thể thấy rõ từ quan hệ không thể tách rời mà xưa kia đã từng tồn tại giữa nghệ thuật và tôn giáo”4.

   Những so sánh giàu tính triết lý xuất hiện ở hầu hết các chương trong truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là sự kết tinh nghệ thuật trong cách thể hiện các ứng xử của nhân vật. Ở đó Nguyễn Nhật Ánh đã nhận ra những thông điệp từ thiên nhiên, gia đình, nhà trường, bạn bè và từ thế giới tâm linh. Với kiểu so sánh ngang bằng, sáng tác của ông giúp người đọc vừa nhận ra những điều bình dị, gần gũi hằng ngày vừa thấy được những ý vị của cuộc sống. Chẳng hạn, khi ông viết về cảm xúc của nhân vật “tôi” sau chuyện những chiếc hoa tay bị mất đi sau tai nạn của chú Đàn đến chuyện những cái hoa tay con Mận. Ông so sánh: “Hai bàn tay của ta giống như những người bạn thân, luôn chia sẻ với ta những vui buồn trong cuộc sống”5; “khi mừng hay phấn khích, hai bàn tay vỗ vào nhau để nhân đôi niềm vui trong lòng bạn”; “khi khóc, hai bàn tay lại kiên trì lau khô những giọt lệ trên gò má bạn”; “hai bàn tay lúc đó giống như những chú chim vàng anh trong cổ tích, cần mẫn tha những hạt cườm long lanh trên mặt bạn đem gửi vào nắng, vào gió, vào mưa để một chốc sau sự tươi tỉnh lại nhuộm hồng gương mặt mới đây còn tái xanh của bạn”6. Bàn tay được so sánh như “bạn thân” vừa mang ý nghĩa của sự gắn bó gần gũi, thân thiết về mặt tình cảm vừa mang lớp nghĩa ứng xử của những người biết trân trọng, gìn giữ những mối quan hệ tốt đẹp như phần máu thịt trên cơ thể con người. Hoặc khi Tường làm “chim xanh” đưa thư tình của chú Đàn cho chị Vinh con thầy Nhãn, Tường không chỉ bị thầy lấy mất lá thư mà còn bị “ném” cho một “ánh nhìn lạnh lùng”, khinh bỉ khiến cậu bé xấu hổ và òa khóc. Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả tiếng khóc của Tường: “Và thế là nó khóc tức tưởi, khóc tồ tồ như vòi nước bị hỏng khóa”7. Đó là tiếng khóc của trẻ con khi nhận thức được những việc làm sai trái. Tiếng khóc vì những lời nói dối và sự tủi thân khi tâm hồn tuổi thơ bị người lớn coi thường. Tiếp tục miêu tả tiếng khóc của Tường, Nguyễn Nhật Ánh đã khái quát về tiếng khóc trong một so sánh gần gũi: “Con người ta khóc như trời mưa. Chỉ khi nào hết nước thì trời mới thôi mưa và chúng ta mới thôi khóc”8. Dù không viết về cõi tu hành nhưng từ góc nhìn liên văn bản, người đọc có thể liên tưởng đến những gặp gỡ của Nguyễn Nhật Ánh với triết lý về nỗi khổ của chúng sinh qua câu nói của Đức Phật: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”.

   Từ góc nhìn văn hóa, ta có thể nhận thấy thói quen sử dụng motif, biểu tượng của người Việt. Đó chính là các hình ảnh nhỏ xinh, gần gũi, mộc mạc, hiền hòa chứ không phải những cái to tát, lớn lao, kỳ vĩ. Chẳng hạn như bàn tay chú Đàn, mái tóc của Mận, cái gượng cười trong lúc ốm đau của Tường góp phần an ủi, cảm thông cũng như sự bình lặng cần thiết giúp mỗi người vượt qua nghịch cảnh. Phải chăng đây là những cái bình thường xung quanh, gắn bó với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Những hình ảnh ấy góp phần làm nên một thế giới người xưa, người làng, người bạn, người anh, người em… rất mực tươi tắn, dễ thương như cái nhìn hồn nhiên, tò mò và không kém phần hấp dẫn, tạo nên sự lôi cuốn của các chương truyện. Những liên tưởng giàu hình ảnh và đậm chất thơ giúp người ta trải nghiệm và sống lại một thế giới của những đứa trẻ trong một ngôi làng. Rõ ràng những câu chuyện về tình anh em, tình yêu thời học trò đã góp phần đưa khán giả quay về tắm mình trong ký ức của tuổi thơ êm đẹp. Viết về ký ức của tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh đã nói về những khoảnh khắc lãng đãng nhưng rất đúng về tâm lý của tuổi dậy thì: “Những ngày ẩm ương, chưa lớn mà cũng chẳng còn nhỏ, có ai chưa từng dõi mắt nhìn theo một ai”. Đó chính là “những ngày ẩm ương” chợt vui, chợt buồn, chênh vênh giữa hai thế giới trẻ con và người lớn. Phải chăng đây là những ngày mang tính bước ngoặt để mỗi người biết quan sát, quan tâm đến người khác, biết rung cảm và cũng dần lớn lên?

   Tóm lại, tìm hiểu tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh có nhiều góc nhìn, nhiều cách đọc khác nhau. Xuất phát từ phạm trù văn hóa ứng xử, văn hóa Việt Nam như “trọng tình, thương người, vì nghĩa”, tôn kính thế giới tâm linh và cách sống hài hòa với thiên nhiên, chúng tôi xin góp thêm một cách tiếp cận nội dung của truyện qua ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng. Với dung lượng của một bài viết, chúng tôi đã chỉ ra những giá trị tinh thần chi phối cách cảm, cách nghĩ, cách ứng xử với thiên nhiên, xã hội và với chính mình, từ đó rút ra một số nét cơ bản trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là một phong cách trẻ trung, sôi nổi, thông minh và dí dỏm.

 

 

 

Chú thích:
1 Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa là cái còn lại khi ta quên đi tất cả”, http://vanhoahoc.edu.vn/tientich/2867-van-hoa-la-cai-con-lai-khi-ta-quen-ditat-ca.html.
2 Nguyễn Nhật Ánh (2003), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, NXB. Trẻ.
3 Trần Đình Hượu (1996), Đến hiện đại từ truyền thống, NXB. Văn hóa Thông tin, tr. 328.
4 Phạm Vĩnh Cư (2007), Sáng tạo và giao lưu, NXB. Giáo dục, tr. 700.
5, 6, 7, 8 Trần Thúy Anh (2004), Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc Bộ, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 18, 19, 73, 73.

Bình luận

    Chưa có bình luận