ỨNG DỤNG VẬT LIỆU TRE, NỨA, TRÚC VÀO SẢN PHẨM TÚI XÁCH THỜI TRANG

Bài viết tập trung phân tích đặc điểm cấu trúc, tính chất vật lý và cơ học của tre, nứa, trúc, cùng với quy trình thiết kế phụ kiện thời trang túi xách từ các nguyên liệu này. Bên cạnh đó, đánh giá tiềm năng phát triển của sản phẩm túi xách được làm từ vật liệu tre, nứa, trúc cũng như những đóng góp của chúng đối với việc bảo vệ môi trường.

 

   Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, ngành công nghiệp thời trang đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm các giải pháp bền vững. Xu hướng vật liệu tái chế đang ngày càng được quan tâm, hướng đến việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường cùng quy trình sản xuất giảm thiểu ô nhiễm.

   Tre, nứa, trúc là những vật liệu tự nhiên có tiềm năng lớn trong ngành thời trang bền vững. Với đặc tính nhẹ, bền, dễ gia công cùng khả năng phân hủy sinh học, các loại nguyên liệu này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải công nghiệp mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ứng dụng các vật liệu tự nhiên vào thiết kế trang phục nói chung và phụ kiện thời trang nói riêng không chỉ nâng cao giá trị thẩm mĩ mà còn thúc đẩy nhận thức của người tiêu dùng về việc “tiêu dùng có trách nhiệm” hơn. Tuy nhiên, dù nhận thức về thời trang bền vững đã gia tăng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng. Hiện nay, số lượng người tiêu dùng cân nhắc về tính bền vững của sản phẩm khi mua sắm vẫn còn khá thấp. Do đó, việc nghiên cứu các vật liệu tre, nứa, trúc ứng dụng vào phụ kiện thời trang không chỉ giúp mở rộng sự lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường mà còn góp phần thúc đẩy nhận thức về thời trang bền vững cũng như việc thiết kế đảm bảo giá trị thẩm mĩ và công năng sử dụng cho sản phẩm.

   Phụ kiện thời trang còn được gọi là phụ trang (Accessories) là một phần rất quan trọng để tạo nên một bộ trang phục đẹp, bao gồm các vật dụng hoặc đồ trang trí như túi xách, giày dép, trang sức, khăn quàng cổ, nón, mũ… đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung và làm nổi bật trang phục, đồng thời thể hiện phong cách và xu hướng cá nhân của người mặc.

   Bài viết tập trung phân tích đặc tính vật lý, cơ học của tre, nứa, trúc, đồng thời đề xuất phương pháp nghiên cứu từ các vật liệu tre, nứa, trúc ứng dụng vào thiết kế sản phẩm túi xách thời trang.

   1. Tính chất của vật liệu tre, nứa, trúc

   Tre, nứa, trúc thuộc nhóm thực vật một lá mầm, thân rỗng, có nhiều đốt. Hình dáng của tre, nứa và trúc khá tương đồng chỉ khác ở cấu trúc và tính chất cơ học.

   Tre có cấu trúc chắc chắn, độ bền nén và độ bền kéo cao, có độ đàn hồi tốt, giúp giảm nguy cơ nứt vỡ khi sử dụng. Ngoài ra, tre có trọng lượng nhẹ, dễ gia công, phù hợp với sản xuất nội thất và phụ kiện thời trang.

   Nứa có độ bền cao, chịu lực tốt phù hợp với những thiết kế đòi hỏi độ bền cơ học. Nứa có thân mỏng, nhẹ, dễ dàng cắt, uốn và tạo hình, điều này giúp nứa trở thành nguyên liệu lý tưởng trong sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ và phụ kiện thời trang.

   Giống như tre và nứa, trúc cũng là loại vật liệu có độ bền kéo cao, khả năng chịu lực lớn, đặc biệt khi được xử lý bằng nhiệt hoặc hơi nước. Với cấu trúc sợi dày, thân trúc phù hợp để chế tác các sản phẩm có tính linh hoạt như trang sức, túi xách hoặc các chi tiết trang trí trên trang phục.

   Về thành phần hóa học, tre, nứa, trúc đều chứa chủ yếu cellulose (45-65%), hemicellulose và lignin là các hợp chất quyết định độ bền cơ học và khả năng kháng ẩm, chống mối mọt. Cellulose góp phần tạo độ bền kéo, trong khi lignin tăng độ cứng và khả năng chống chịu thời tiết. Ngoài những đặc tính cơ - lý - hóa vượt trội thì tre, nứa và trúc còn mang lại giá trị môi trường rất lớn. Chúng có tốc độ sinh trưởng nhanh, không cần tái trồng sau khai thác, do khả năng mọc chồi mạnh và có khả năng hấp thụ CO₂ vượt trội, cao gấp 2-4 lần cây khác (chẳng hạn như gỗ thông). Quá trình sản xuất và gia công vật liệu từ tre, nứa, trúc tiêu tốn ít năng lượng hơn so với vật liệu tổng hợp như nhựa, kim loại hay gỗ công nghiệp, điều này cũng giúp giảm phát thải khí nhà kính.

   2. Ứng dụng vật liệu tre, nứa, trúc trong phụ kiện thời trang

   Trong bối cảnh ngành thời trang nói chung và phụ kiện thời trang nói riêng đang đối mặt với áp lực về tính bền vững, việc sử dụng vật liệu sinh học trong sản xuất phụ kiện đang trở thành xu hướng mới của thời đại công nghiệp 4.0. Các vật liệu tự nhiên như tre, nứa, trúc, gỗ, vỏ dừa, vải sợi hữu cơ được ứng dụng rộng rãi nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường. Tuy nhiên, phần nhiều phụ kiện thời trang chủ yếu lại được làm từ kim loại, nhựa tổng hợp, đây là những vật liệu có quá trình sản xuất tốn nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, một vài thương hiệu nổi tiếng như Hermes, Dior, Cult Gaia, Pixie Mood, Bare Boheme… đã tìm kiếm vật liệu thay thế an toàn để quảng bá và phát triển các dòng túi xách, đồ trang sức làm từ tre, nứa, trúc. Một trong những thiết kế tiêu biểu của thương hiệu Cult Gaia là mẫu túi Ark Bag (Hình 1) được làm hoàn toàn từ vật liệu tre với kiểu dáng “vòm” độc đáo, hay gọng kính làm từ tre kết hợp với trúc để tạo sự đơn giản, nhẹ nhàng cho sản phẩm (Hình 2).

   Như vậy tre, nứa, trúc không chỉ là những vật liệu truyền thống trong sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ mà còn được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm phụ kiện thời trang hiện nay. Chẳng hạn như các nghệ nhân ở làng nghề Phú Vinh có thể điêu khắc, tạo hoa văn trên bề mặt tre để làm vòng cổ, hoa tai, trâm cài tóc hay đan thành túi đeo vai, túi và giỏ xách tay (Hình 3). Việc ứng dụng tre, nứa, trúc trong ngành phụ kiện thời trang không chỉ là một giải pháp thay thế bền vững mà còn mở ra cơ hội sáng tạo cho các nhà thiết kế phụ kiện thời trang. Những nghiên cứu và đổi mới trong công nghệ gia công vật liệu sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa vật liệu tự nhiên trở thành xu hướng chính trong thời trang tương lai.

Hình 1. Mẫu túi Ark Bag của Cult Gaia. (Nguồn: Cult Gaia, GAIA’S ARK SMALL – NATURAL)


Hình 2. Gọng kính làm từ chất liệu tre. (Nguồn: VTV3, Chất liệu tre trong thiết kế kính thời trang)


Hình 3. Một số phụ kiện thời trang từ chất liệu tre, nứa, trúc.

   3. Phương pháp nghiên cứu

   Phương pháp điền dã (khảo sát thực tế): Nhóm nghiên cứu khảo sát thực tế tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội), đây là một trong những làng nghề truyền thống nổi bật với kỹ thuật chế tác tre, nứa, trúc. Phương pháp này giúp nhóm nghiên cứu ghi nhận trực tiếp quy trình sản xuất và kỹ thuật thủ công truyền thống của làng nghề Việt Nam cũng như phỏng vấn các nghệ nhân, thợ thủ công về kỹ năng, kinh nghiệm và xu hướng sáng tạo các sản phẩm thủ công từ tre, nứa, trúc, đồng thời thu thập mẫu vật liệu để phục vụ cho quá trình thực nghiệm.

   Phương pháp thu thập dữ liệu: Tổng hợp các công trình, tài liệu, hình ảnh từ những nghiên cứu trước liên quan đến thiết kế phụ kiện thời trang ứng dụng các vật liệu tre, nứa và trúc.

   Phương pháp tổng hợp, phân tích: Từ dữ liệu thu thập được, nhóm tiến hành phân loại các kỹ thuật tạo hình và chế tác phụ kiện từ tre, nứa, trúc, bao gồm: đan lát, uốn cong, ghép nối, cắt tỉa và xử lý bề mặt. Nhóm phân tích các kỹ thuật theo từng tiêu chí như: độ bền cơ học, tính thẩm mĩ, mức độ thân thiện với môi trường và khả năng tích hợp trong thiết kế phụ kiện hiện đại, qua đó lựa chọn kỹ thuật phù hợp để áp dụng vào thiết kế phụ kiện túi xách.

   Phương pháp thực nghiệm: Dựa trên kỹ thuật tạo hình từ vật liệu tre, nứa, trúc nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm sản phẩm túi xách. Các bước được thực hiện tuần tự theo quy trình dưới đây:

   Bước 1: Phác thảo mẫu và xử lý nguyên vật liệu

   Nhóm nghiên cứu thực hiện phác thảo mẫu túi xách (Hình 4) và tiến hành chẻ nan tre theo kích thước phù hợp với yêu cầu thiết kế.


Hình 4. Mẫu phác thảo túi xách và nguyên liệu thực hiện.

   Kích thước các nan tre được xác định dựa trên các tiêu chí kỹ thuật gồm: chiều dài (20-60 cm), chiều rộng (2-10 mm) và độ dày (0,5-2 mm). Các thông số này ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất sử dụng: nan mỏng, mềm thích hợp cho các chi tiết uốn cong hoặc tạo hình phức tạp; nan dày hơn được sử dụng cho các chi tiết chịu lực như phần khung hoặc tay cầm của sản phẩm. Việc chuẩn hóa và phân loại nan tre theo các thông số kỹ thuật cụ thể là cơ sở quan trọng cho các bước tiếp theo trong quy trình chế tác.

   Bước 2: Tạo tiêu bản mô phỏng

   Nhóm nghiên cứu tiến hành tạo tiêu bản mô phỏng nhằm thử nghiệm khả năng tạo hình và ứng dụng của tre, nứa, trúc trong thiết kế phụ kiện túi xách (Hình 5). Thử nghiệm các kỹ thuật đan, uốn, nối nhằm đánh giá độ bền cơ học, khả năng tạo hình ba chiều, độ tương thích vật liệu và giá trị thẩm mĩ. Kết quả của bước 2 là cơ sở để lựa chọn kỹ thuật, kiểu đan phù hợp đưa vào thiết kế sản phẩm mẫu.


Hình 5. Tạo tiêu bản bằng giấy.

   Bước 3: Thực hiện đan theo bản mô phỏng

   Sau khi có tiêu bản mô phỏng bằng giấy ở bước 2, nhóm xác định được họa tiết và tiến hành đan các nan tre đã được xử lý ở bước 1 (Hình 6).


Hình 6. Tiến hành đan.

   Bước 4: Tạo khuôn và đan theo khuôn

   Dựa theo mẫu phác thảo ở bước 1, nhóm nghiên cứu tiến hành tạo khuôn định hình bằng chất liệu gỗ (có thể bằng kim loại) nhằm đảm bảo độ ổn định trong quá trình đan các nan tre. Tiến hành đan từ đáy sau đó phát triển sang 4 mặt để tạo hình túi xách (Hình 7).


Hình 7. Đan túi theo khuôn.

   Bước 5: Lắp ráp quai túi

   Quai túi được chế tác từ đoạn trúc đã qua xử lý, lựa chọn kỹ lưỡng về độ cong, đường kính và tính đàn hồi. Sau khi ngâm ẩm để tăng độ dẻo, trúc được uốn cong theo khuôn định hình sẵn nhằm tạo độ cong đều và phù hợp với kích thước túi. Các đầu quai được mài nhẵn, kết nối chắc chắn vào thân túi thông qua các chốt gỗ hoặc kỹ thuật xâu buộc truyền thống, đảm bảo tính thẩm mĩ và độ bền khi sử dụng.

   Bước 6: Trang trí và hoàn thiện sản phẩm

   Giai đoạn này tập trung vào việc nâng cao giá trị thẩm mĩ và độ bền cho sản phẩm. Một số chi tiết trang trí được chế tác từ vật liệu trúc, như khuy túi và các sợi đan mảnh tạo viền miệng túi (Hình 9).


Hình 8. Lắp ráp quai túi.


Hình 9. Trang trí viền miệng túi.

   Bước 7: Kiểm tra, đánh giá

   Trước khi hoàn tất, sản phẩm được kiểm tra tỉ mỉ về độ chắc chắn, khả năng chịu lực và tổng thể thiết kế (Hình 10). Nhóm thử nghiệm bằng cách đựng đồ vào túi để kiểm tra độ bền của quai xách và các mối ghép để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn về công năng sử dụng.


Hình 10. Sản phẩm hoàn thiện.

   4. Kết luận

   Ngày nay, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng trong thiết kế và sản xuất phụ kiện thời trang như in 3D, gia công CNC... để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ và tiện dụng của người tiêu dùng. Bên cạnh sự phát triển của công nghệ, các kỹ thuật thủ công truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngành thiết kế phụ kiện thời trang, đặc biệt là trong việc khai thác vật liệu tự nhiên, hướng đến xu hướng bền vững. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng các vật liệu tự nhiên như tre, nứa, trúc vào thiết kế phụ kiện túi xách thời trang không chỉ mang lại giá trị thẩm mĩ độc đáo mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác công nghiệp và tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn.

   Bài viết này tập trung làm rõ tiềm năng ứng dụng tre, nứa, trúc trong thiết kế phụ kiện thời trang, từ đó đề xuất phương pháp gia công túi xách thời trang nhằm phát triển sản phẩm theo định hướng bền vững. Kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để nhóm tác giả tiếp tục phát triển các bộ sưu tập phụ kiện thời trang nói chung và túi xách thời trang nói riêng đáp ứng thực tiễn người tiêu dùng. Tre, nứa, trúc là những vật liệu lý tưởng để thay thế nhựa và gỗ trong sản xuất phụ kiện thời trang bền vững. Với đặc tính cơ học vượt trội, khả năng gia công linh hoạt và tính thân thiện với môi trường, các nguyên liệu này không chỉ góp phần bảo vệ hệ sinh thái mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho các làng nghề sản xuất thủ công mây tre đan tại Việt Nam.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận