Hàm nghĩa của thuật ngữ folklore đã ẩn chứa khái niệm quần chúng nhân dân là tác giả văn học dân gian. Theo cách hiểu đó, cộng đồng cư dân gồm các tầng lớp chung sống trên cùng lãnh thổ là chủ thể tạo nên nền văn hóa đầy cá tính cho mỗi dân tộc, dĩ nhiên cũng là người sáng tạo văn học dân gian và còn phân định sự khác biệt với tác giả văn học viết ở chỗ không xác định danh tính cụ thể. Quan niệm này được thừa nhận suốt bao lâu nay trong nghiên cứu, giảng dạy, tưởng như không còn gì để tranh luận. Sự khác biệt trên cũng như xác lập các mối quan hệ giữa các thành tố nghệ thuật folklore được các nhà lý luận, mĩ học, dân tộc học... trên thế giới bàn luận từ lâu. Có thể nói nhiều hệ thống khái niệm, lý luận tạo ra sự đa dạng trong tiếp cận folklore được hình thành từ hơn một thế kỷ qua với góc nhìn và truyền thống khoa học của mỗi quốc gia, khu vực, việc xác định đối tượng nghiên cứu, trong đó có phạm trù quần chúng/ tác giả có những thông số khác nhau dẫn đến nội dung và cách hiểu ít nhiều khác biệt. Mỗi phương pháp chỉ cho phép giải thích một vài phương diện nào đó của đối tượng nên khó để có sự thống nhất ít nhiều trong quan niệm về vai trò, chức năng các thành tố của folklore1, do đó khó có thể đáp ứng được nhu cầu của người nghiên cứu theo đuổi những mục tiêu khoa học khác nhau. Bởi vậy, một số vấn đề liên quan đến phạm trù tác giả rất cần được làm sáng rõ. Có thể gói gọn cách hiểu về tác giả văn học dân gian có liên quan đến hai khuynh hướng chính sau: Thứ nhất, xu hướng đồng nhất folklore với nghệ thuật ngôn từ (văn học dân gian). Đây là khuynh hướng tiếp cận ngữ văn học khá phổ biến thời Xô viết nửa đầu thế kỷ XX được vận dụng khá quen thuộc trong giới nghiên cứu folklore Việt Nam. Thứ hai, khuynh hướng mở rộng, đặt văn học dân gian nằm trong tổng thể văn hóa dân gian mà cơ sở lý thuyết là tính nguyên hợp (syncrétique) của folklore. Dù theo khuynh hướng nào thì các nhà nghiên cứu cơ bản vẫn chú trọng đến bình diện cấu trúc văn bản thể loại hơn chủ thể sáng tạo. Ngay trong chuyên luận mang tính kinh điển, Propp vẫn cho rằng: “Một trong những sự khác nhau quan trọng là các tác phẩm văn học bao giờ cũng có tác giả (hiểu theo nghĩa cá nhân có danh tính cụ thể - HQH nhấn mạnh). Tác phẩm folklore thì có thể không có tác giả”... Cũng theo ông: “(tác giả) không do một cá nhân tạo ra, nó nảy sinh từ thời tiền sử trong hệ thống một nghi lễ, hoặc nảy sinh bằng nhiều cách khác nhau và sống mãi cho tới nay bằng con đường truyền miệng”2. Có lẽ từ cách tiếp cận này mà nhiều lý thuyết gia vẫn tìm cách biện giải tác giả ngay trong các tầng lớp quần chúng nhân dân. Khuynh hướng này khá phổ biến ở Việt Nam. Từ góc độ mĩ học, Guxep còn cho rằng về bản chất nghệ thuật, folklore là loại hình nghệ thuật nguyên hợp đa thành phần thì nó vẫn không đồng nhất với văn học. Cách hiểu rộng hay hẹp như vậy của các nhà kinh điển cho thấy vẫn tiềm ẩn sự nhập nhằng giữa ranh giới văn học dân gian với văn học thành văn về phương diện cấu trúc tác phẩm lẫn vai trò chủ thể sáng tạo, tác động không ít đến nhận thức của nhiều người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy vốn có truyền thống đi theo hướng ngữ văn học.
Vấn đề ở chỗ, việc xác định tác giả/ chủ thể sáng tạo không chỉ hiểu đơn giản là người/ tầng lớp nào làm ra sản phẩm mà làm ra bằng phương thức nào, nên nó đòi hỏi trước hết phải tiếp cận từ góc độ hình thái tư duy dân gian. Về nguyên tắc, một sản phẩm tạo ra (ở đây đề cập đến sản phẩm tinh thần) bao giờ cũng phản ánh đúng trình độ và đặc điểm của hình thái nhận thức tương ứng. Vì vậy dùng tiêu chí của hình thái nhận thức này áp đặt lên kiểu nhận thức khác sẽ dẫn đến tình trạng khập khiễng trong cách nhìn, khám phá bản chất đối tượng. Quy trình sáng tạo của hình thái tư duy nguyên hợp trong văn học dân gian có một khoảng cách khác biệt so với sáng tạo độc lập, đầy cá tính của tư duy nhà văn trong sáng tạo văn học viết. Hình thái nhận thức ấy lại vận động, chuyển hóa qua nhiều thời đại cũng khiến cho việc xác định chủ thể sáng tạo trong các quan hệ bên trong, bên ngoài văn bản càng trở nên phức tạp. Bởi vậy dưới góc độ dân tộc học, V. Propp đã từng phân biệt folklore thực thụ tương ứng với thời cổ sơ khác với hình thái biểu hiện của folklore giai đoạn muộn. Thực tế những gì còn lại ngày nay của văn học dân gian như ta thấy, ngoài cấu trúc khá ổn định về phong cách thể loại, vẫn còn ẩn chứa một số vết tích khá mơ hồ của hình thái nhận thức sáng tạo sơ khởi. Các nhà khoa học cho rằng đấy là “những yếu tố đã bị phân rã (éléments dé sintegrés), là những tàn dư mất đi chức năng của chúng và tách rời khỏi hệ thống...”3. Hiện tượng đó sẽ dẫn đến tình trạng khó nhận diện vài dấu vết thuộc vai trò sáng tạo của tác giả trong văn bản mà thiếu nó sẽ dẫn đến suy đoán thiếu căn cứ khoa học trong không ít trường hợp. Bởi vậy rất cần một cách tiếp cận liên ngành khoa học chứ không dừng ở các yếu tố thuần túy ngôn từ trong văn bản. Về vấn đề này, Chu Xuân Diên đã phân tích cặn kẽ trên cơ sở thành tựu nghiên cứu folklore thế giới và đề xuất cách tiếp cận văn học dân gian trong công trình văn hóa dân gian và phương pháp nghiên cứu liên ngành, giúp chúng ta có cái nhìn biện chứng về các mối quan hệ của đối tượng cũng như tính hữu dụng của việc phối hợp phương pháp. Cho nên không lạ khi nhận xét một vài vấn đề xử lý văn học dân gian dưới góc độ dân tộc học trong công trình đồ sộ của Propp, ông (CXD) cho rằng có thể thấy: “Trong các công trình nghiên cứu của ông (Propp) đầy rẫy những sự phân tích dân tộc học thì đấy không phải là việc phân tích bản thân các dữ kiện dân tộc học mà là phân tích quá trình chuyển hóa các dữ kiện dân tộc học thành các dữ kiện folklore nhằm mục đích phát hiện ra cơ chế của sự chuyển hóa đó”4. Do đó để lý giải vấn đề này, cần khảo sát trên nhiều phương diện các mối quan hệ biện chứng giữa các thành phần cùng tham gia với tư cách bộ phận cơ hữu trong một phức thể cấu thành tổ hợp hoàn chỉnh của văn bản. Đấy là một cơ chế vận động phức tạp để làm nên sự kiện giao tiếp thẩm mĩ. Vì vậy xác định lại vai trò chủ thể sáng tạo văn học dân gian, chúng tôi mong hiểu đúng hơn những biểu hiện ở khía cạnh ẩn chìm một số thành tố trong cấu trúc văn bản và chừng mực có thể định hướng cách hiểu, cảm thụ nội dung của nó. Trong phạm vi bài viết này, xin được nhấn mạnh lại bản chất của chủ thể sáng tạo và xu hướng vận động của nó trong thời đại hiện nay.
Trong quan niệm truyền thống của giới folklore học, một trong những thuộc tính tạo nên giá trị thẩm mĩ đặc thù của văn học dân gian được đề cập là tính nguyên hợp, đúng hơn là chỉnh thể nguyên hợp (ensemble syncrétique). Đấy là cơ sở lý thuyết của mọi hoạt động sáng tạo văn học dân gian cũng như cơ cấu nghệ thuật văn bản tác phẩm. Nó bao gồm nhiều thành tố nghệ thuật ở trạng thái nguyên sơ trong một cấu trúc chặt chẽ, tinh vi với nhiều mối quan hệ bên trong lẫn bên ngoài. Điều đó được các nhà khoa học thế giới đề cập đến từ giữa thế kỷ XIX. Ở Việt Nam, ngành folklore học phát triển muộn hơn nhiều so với thế giới nhưng kế thừa nhiều thành tựu lý luận nên ít nhiều đã đột phá vào một số lĩnh vực khá phức tạp. Chẳng hạn, Đinh Gia Khánh đã từng lưu ý đặc điểm kiểu nhận thức này như sau: “Đó là nhận thức ban đầu, hồn nhiên về tổng thể của hiện thực, chưa có sự can thiệp của hoạt động lý tính cao”5. Với cách hiểu đó, tác giả nhấn mạnh sự khác biệt kiểu tư duy dân gian thời khởi thủy với nhận thức lý tính ở giai đoạn muộn về sau. Tuy nhiên, dưới góc độ tư duy sáng tạo nghệ thuật, con người cá thể trong cộng đồng sáng tạo lại có những nét khác biệt với con người cá thể trong sáng tạo văn học thành văn. Khác biệt ấy có chỗ còn mơ hồ. Đấy là kiểu tư duy sáng tạo của cá nhân trong sự tương tác với người khác nó để tạo nên một cơ chế nhận thức đặc thù. Các nhà folklore thế giới đã chỉ ra rằng, hình thái nguyên hợp biểu hiện ở tất cả các cấp độ trong trạng thái không thể chia tách giữa các loại hình nghệ thuật cũng như với vai trò người sáng tạo, họ vừa là người diễn ngôn nghệ thuật, đồng thời cũng là người thưởng thức. Trong hình thái xã hội cổ xưa, người ta chưa có ý niệm phân ngôi chủ - khách, không chia tách “tôi” và “người khác”. Về cơ bản, kiểu tư duy này đồng nhất bản chất xã hội với thế giới tự nhiên, chi phối hành vi ứng xử, duy trì trật tự hài hòa làm chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng. Như vậy, việc quan niệm cái gọi là tập thể của người xưa rất khác với quan niệm của chúng ta ngày nay. Theo Lévy-Bruhl, các quy luật chi phối ý niệm tập thể của các sắc dân “lạc hậu” là hoàn toàn khác với những quy luật của tư duy logic của chúng ta. Do vậy, ở thời đại cổ sơ, ý thức cá thể chưa rõ ràng. Con người luôn cảm nhận mình như một thành phần của cộng đồng, vừa là nó vừa không phải nó. Bởi vậy, mỗi cá nhân luôn hành xử trong tâm thế lấy cộng đồng làm chỗ dựa tinh thần, làm động lực sống và mục đích hành động hướng đến, làm cho cộng đồng tức là làm cho bản thân và ngược lại. Nhiều nghiên cứu của các nhà dân tộc học cho thấy trạng thái tinh thần này hiện vẫn tồn tại trong các tộc người dạng bán khai do chưa tiếp xúc với thế giới văn minh ở những vùng hẻo lánh trên thế giới. Một trường hợp ở vùng Tây Nguyên, theo khảo sát của Nguyên Ngọc vào nửa đầu thế kỷ XX, “Người Bana coi xã hội mình như thân thể người ta. Mỗi cá nhân là một phần tử, phạm điều không tốt thì không khác gì toàn thể phạm vào điều ấy và các phần tử khác phải chịu lây ảnh hưởng”6. Do đó mọi hành vi ứng xử bao gồm cả hoạt động nghệ thuật ở dạng khởi thủy đều bị chi phối theo quy luật trên. Lý giải cơ chế nhận thức này trong sáng tạo nghệ thuật, M. M. Bakhtin chỉ rõ bản chất thẩm mĩ của khối nguyên hợp nhị phân “tôi - người khác” như “hai chủ thể” không thể tách rời nhau trong ý thức của con người và ở đó: “Không thể giải thích và không thể hiểu sáng tạo thẩm mĩ theo kiểu nội tại bằng một ý thức duy nhất, sự kiện thẩm mĩ không thể chỉ có một người tham gia, người này vừa trải nghiệm đời sống, lại vừa thể hiện sự trải nghiệm của mình trong một hình thức mang ý nghĩa nghệ thuật, chủ thể đời sống và chủ thể hoạt động thẩm mĩ hình thành nên đời sống ấy về nguyên tắc không thể trùng nhau”7. Đấy là khối nguyên hợp chủ thể sáng tạo. Hạt nhân của nó là sự đồng nhất cái tôi vào cái ta, đúng hơn là nhất thể hóa một cách không ý thức. Vì vậy khuynh hướng tách chủ thể sáng tạo ra khỏi phạm trù văn bản văn học dân gian cũng như định vị tác giả trong khái niệm tập thể quần chúng nhân dân như quan niệm lâu nay có thể sai về nguyên tắc tiếp cận. Cho nên trước hết phải khẳng định, chủ thể sáng tạo văn học dân gian không chỉ hiểu là cộng đồng của nhiều cá thể, vì bất cứ hành vi sáng tạo nghệ thuật của mỗi cá nhân nào trong khoảnh khắc được thực hiện, trên cơ bản đều được thể hiện trong trạng thái tâm thế cái ta. Đây là một cơ chế phức hợp, một trạng thái tư duy, trạng thái tâm lý, biểu cảm đặc biệt, vận động theo hai chiều, vừa tuân thủ quy tắc biểu đạt truyền thống vừa tìm cách thể hiện cái tôi cá tính trong khối nguyên hợp ấy. Cho nên phải tìm nguồn gốc của “tác giả” ở ngay khối nguyên hợp chủ thể trong ý thức nói chung, ở sự thiết yếu của “người khác” với “tôi”, của “tác phẩm” với “tác giả” như là nguồn cội của sự sáng tạo nghệ thuật. Từ đó có thể nói tác giả/ chủ thể sáng tạo văn học dân gian phải là một loại hình tác giả nguyên hợp. Nó khác với cái gọi là tập thể sáng tạo quần chúng nhân dân cùng chung ý chí, tình cảm trong hành động có sự can thiệp của lý tính. Vấn đề vì vậy không chỉ đóng khung ở tác giả có xác định danh tính hay không mà ở cơ chế tư duy của chủ thể sáng tạo.
Thứ hai, bản thân tác giả cũng là một thành tố tạo nên văn bản văn học dân gian. Các nhà lý luận cho rằng hoạt động sáng tạo văn học dân gian như một sự kiện giao tiếp. Như đã phân tích, việc nhất thể hóa giữa cá thể với cộng đồng, giữa chủ thể và khách thể giúp ta hiểu phần nào, tác giả vừa là người kiến tạo văn bản văn học dân gian mà bản thân họ cũng là một thành tố tạo nên sự kiện đó. Nhiều nhà folklore học trên thế giới đã đề cập đến vấn đề này. Chẳng hạn Dan Ben - Amos cho rằng: “Việc kể chuyện cũng chính là bản thân câu chuyện. Bởi thế người kể chuyện, câu chuyện người đó kể và người nghe câu chuyện đó đều liên quan với nhau như một thành phần của một thể liên tục, đó là sự kiện giao tiếp”8. Trong bối cảnh cụ thể, người diễn ngôn/ diễn xướng, người xem hòa vào nhau, tạo nên một trạng thái cảm xúc cộng đồng. Giá trị đó được xác lập trên một trạng thái tương giao (correspondance) kỳ lạ, tức là giao cảm trong chiều sâu, nâng đỡ nhau khác với giao tiếp gián cách giữa người xem và người diễn trong sân khấu ngày nay. Mỗi một lần diễn xướng là một lần tái sáng tạo chứ không thể xem là nhắc lại khuôn hình có sẵn. Có thể tìm thấy trạng thái này của Pô aghan/ Pô Khan, tức người diễn xướng sử thi Đăm Săn của người Ê Đê (Tây Nguyên)9. Nói cách khác trong các sự kiện giao tiếp văn học dân gian, tác giả phải là người trong cuộc chứ không phải người quan sát. Lý thuyết phương Tây đã đề cập nhiều đến quan niệm này. Như vậy tác giả không chỉ thể hiện ở vai trò tái tạo tác phẩm từ trí nhớ mà còn thể hiện qua năng lực diễn ngôn lời nói, khả năng hòa tâm trạng, cảm xúc, hành vi biểu đạt để kiến tạo văn bản tác phẩm trong bối cảnh cụ thể. Đây chính là chỗ nhập nhằng mà không ít nhà nghiên cứu, giảng dạy dễ bị nhầm lẫn giữa chủ thể với khách thể, xem như là hai phạm trù tách biệt. Tóm lại, tác giả văn học dân gian không thể đứng ngoài cấu trúc của văn bản. Hình thái nguyên hợp của chủ thể sáng tạo này tồn tại ở thời đại cổ sơ và nhạt dần khi ý thức cá nhân trưởng thành cùng với sự phân hóa thể loại. Hầu như những gì còn thấy ngày nay của tác phẩm đều được văn bản hóa hoặc sân khấu hóa nên khó để xác lập được vai trò của tác giả theo cách hiểu trên.
Thực ra ngay từ thời cổ sơ, các cá thể sáng tạo trong hình thái nguyên hợp ít nhiều đã có mầm mống ý thức hướng về cái tôi dù khá mơ hồ. Trên tiến trình trải qua hàng vạn năm, cái tôi đã dần xuất lộ, chờ điều kiện chín muồi để thoát khỏi tổ kén “cái ta”. Đấy là dạng thức “tác giả tiềm ẩn”. Dĩ nhiên từ hình thái đồng nhất mình với cái tự nhiên đến ý thức mình như một thực thể độc lập tách biệt với tự nhiên, với cộng đồng là kết quả diễn trình không hề đơn tuyến, từ đơn giản đến phức tạp thuần túy mà còn tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, xã hội. Theo các nhà lý luận thì quá trình vận động này dẫn tới sự ra đời vai trò của cá nhân sáng tạo tiền chuyên nghiệp. Trên thế giới sự ra đời của cá nhân xuất phát từ dàn đồng ca để trở thành cá thể sáng tạo độc lập là quy luật phổ biến. Đấy là diễn trình khá phức tạp trải dài hàng ngàn năm. Ở Việt Nam không ngoại lệ. Trong các cuộc hò hát có xướng, xô, vai trò người cầm trịch cuộc hát có dịp bộc lộ tài năng dẫn dắt. Trên tiến trình ấy, chỉ có người xuất sắc nhất mới có cơ hội để trở thành cá thể sáng tạo độc lập, còn lại vẫn náu mình tuân thủ theo quy luật sáng tạo dân gian. Cho nên không lạ khi văn học thành văn ra đời, trưởng thành thì văn học dân gian vẫn tồn tại ở nhiều mức độ với hình thái có nhiều thay đổi. Trong một khảo cứu về hát ví, giặm ở vùng Nghệ Tĩnh, Nguyễn Đổng Chi có những phát hiện khá tinh tế: “Người hát chú trọng ý nghĩa và giọng hát hơn là đẽo gọt câu văn; nhiều khi có thể đặt sai vần cũng không có gì quan hệ”10. Bởi vì, cũng theo ông (Nguyễn Đổng Chi), người hát nặng về: “Kỹ thuật phô bày, trình diễn cá nhân trong bối cảnh”11. Màu sắc cá nhân trong sáng tạo văn học dân gian đã dần xuất lộ như vậy. Nhiều nghiên cứu cho thấy vai trò to lớn của các nghệ nhân, tài nghệ bậc thầy có khi còn được lưu danh trong việc sáng tạo văn học dân gian, làm cầu nối cho sáng tạo văn học thành văn. Trường hợp hát xẩm ở Việt Nam là mô hình có thể xem như sự chuyển hóa của những cá thể từ hoạt động nghệ thuật dân gian vốn có nguồn gốc từ hát đám, hát hội sang hành vi nghệ thuật cá nhân. Tất nhiên để trở thành nhà văn phải trải qua chặng đường ý thức cá nhân cùng với những điều kiện xã hội, trình độ văn minh diễn ra khá phức tạp chứ không thể hiểu đơn giản nghệ nhân dân gian sẽ dần trở thành nhà văn được.
Quá trình vận động ấy, trong sâu xa ẩn chứa hành động và thực hành ý chí của cá thể đang vươn mình tới tự do để tạo nên giá trị cho bản thân. Có thể thoạt đầu chỉ là trạng thái cảm giác mơ hồ, có một cái tôi bên trong, cái tôi nội tâm (inner self). “Cái tôi ảo tưởng nội tâm ấy giúp người ta ý thức mình có giá trị”12. Giá trị ấy, như đã nói, thoạt đầu vẫn lẩn khuất trong cảm xúc của cái ta. Bởi vậy phương pháp tiếp cận liên ngành giúp ta hiểu đúng hơn biểu hiện của vai trò chủ thể trong kiến tạo văn bản.
Ý thức chủ thể sáng tạo còn chịu sự chi phối khuôn văn hóa của mỗi dân tộc. Bởi vậy, đề cập đến tác giả văn học dân gian cần xét đến sự tác động của nhiều yếu tố văn hóa, xã hội mỗi thời đại, làm nền tảng cho vận động ý thức sáng tạo. Ngay trong phạm vi một dân tộc, sự khác biệt vùng miền cũng góp phần tạo nên cá tính cho chủ thể sáng tạo. Nhìn rộng ra có thể thấy cái tôi và cái ta trong văn hóa phương Tây, phương Đông cũng đều có thông số về tâm lý khác nhau. Một bên hướng tới sự tách biệt và ngự trị còn bên kia là một quá trình tương tác, gắn kết với người khác, phụ thuộc lẫn nhau. Do đó các văn bản văn học dân gian đều ẩn chứa đặc điểm tâm lý cộng đồng trên cơ sở định khuôn văn hóa được tích hợp vào chủ thể sáng tạo, thể hiện bằng những mã thông tin qua hệ thống ước lệ và ẩn dụ được hình thành, truyền qua nhiều thế hệ.
Như vậy không thể phủ định vai trò văn hóa giúp cho ý thức về cái tôi trưởng thành qua mỗi thời đại, thậm chí còn hằn sâu thành một nếp tư duy, để lại dấu ấn ít nhiều trong cấu trúc diễn ngôn của văn học thành văn. Chẳng hạn một trong những nhận định phổ biến về đặc điểm văn học giai đoạn 1945-1975 ở Việt Nam là tính sử thi. Xét kỹ sẽ thấy cấu trúc mô hình giọng điệu cá thể hòa vào cảm hứng cái ta của cộng đồng có dáng dấp nguyên lý nguyên hợp nói trên. Đành rằng sáng tác văn học dựa trên cảm hứng cộng đồng thời đại này có sự chi phối của lý tính nhưng có thể vẫn xem là ảnh xạ của cấu trúc tác giả nguyên hợp chăng? Hạt nhân nguyên hợp dựa trên nền cảm xúc, sự đồng thuận mãnh liệt của nhân dân hòa vào nhà văn thành một khối ý chí tình cảm, tạo nên những hình tượng nhân vật anh hùng trong đời thường, được xem là đặc trưng văn học giai đoạn này. Nếu quả như thế thì hạt nhân cấu trúc nguyên hợp ấy vẫn có lý do tồn tại và tạo nên giá trị nhất định cho văn học trong một thời đại, một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Do đó, khi nói đến phạm trù tác giả văn học dân gian là một dạng thức nguyên hợp có thể gợi lên đôi điều đáng suy nghĩ về mối quan hệ sâu xa nào đấy lưu đọng trong tư duy sáng tạo văn học, nghệ thuật thời đại về sau và tính hữu dụng của nó trong đời sống chính trị, xã hội.
Tìm hiểu tác giả văn học dân gian nhìn từ góc độ nguyên hợp cho thấy chủ thể sáng tạo văn học dân gian là loại hình nguyên hợp. Các vấn đề đặt ra như vậy không hi vọng tìm giải pháp đủ mạnh để vượt qua sự thách đố của tính phức hợp do nguyên lý nguyên hợp đặt ra bởi những cố gắng tái lập lại trạng thái nguyên hợp của tác giả, tác phẩm trong nghiên cứu, nhất là giảng dạy ở nhà trường hiện nay không mấy khả thi. Hầu như tất cả sinh hoạt mang tính nguyên hợp ấy ngày nay đã được sân khấu hóa, khiến cho tác giả, tác phẩm và người thưởng thức có những khoảng gián cách nhất định. Vì vậy để tìm đến một phương thức tiếp cận văn bản văn học dân gian đích thực vẫn là một ẩn số chưa có lời giải khi văn học dân gian đang lưu giữ khác với dạng thức nó từng có.
Chú thích:
1 Xem thêm: Chu Xuân Diên (2001), Văn hóa dân gian, mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, NXB. Giáo dục, tr. 5-72.
2, 3, 4 Chu Xuân Diên (2001), Văn hóa dân gian, mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, NXB. Giáo dục, tr. 67, 29, 69-70.
5 Đinh Gia Khánh (2007), Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, tập 3, NXB. Giáo dục, tr. 68.
6 Nguyễn Kinh Chi – Nguyễn Đổng Chi, Nguyên Ngọc (2015), “Làng Ba Na trong sách Người Ba-Na ở Kon Tum”, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 2 (119), tr. 6.
7 M. M. Bakhtin (1986), Mỹ học sáng tạo ngôn từ (in lần thứ 2), “Nghệ thuật” (tài liệu do PGS. TS. La Khắc Hòa cung cấp), tr. 172-173.
8 Dan Ben – Amos: “Tiến tới một định nghĩa về folklore trong ngữ cảnh”, in trong Folklore thế giới, một số công trình nghiên cứu cơ bản, Viện Nghiên cứu văn hoá, GS. Ngô Đức Thịnh – TS. Frank Proschan (Chủ biên), NXB. Khoa học xã hội, 2005, tr. 218.
9 Do PGS. TS. Buôn Krông Tuyết Nhung (Đại học Tây Nguyên) cung cấp. Nghệ nhân kể cho người nghe tạo cảm giác như họ đang được giao tiếp với Đăm Săn và tin rằng Đăm Săn đang tồn tại trong cuộc sống cùng họ, cùng thực thi ý chí, tình cảm với cộng đồng trong mọi sinh hoạt.
10, 11 Nguyễn Đổng Chi (1962), Hát dặm Nghệ Tĩnh, tập 1, NXB. Sử học Hà Nội (sách này được bổ sung chỉnh lý từ sách cùng tên do NXB. Tân Việt xuất bản, 1944), tr. 36, 36.
12 Knud S. Larsen – Lê Văn Hảo (2015), Tâm lý học xuyên văn hóa, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 317.