THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ TIẾP NHẬN VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN NAY

Bài viết phân tích thực trạng và đưa ra một cái nhìn tổng quan về những thành tựu và hạn chế của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Từ đó, nhấn mạnh việc cần bảo tồn, quảng bá rộng rãi để tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa những thành tựu của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam.

   Với sự thống nhất của 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S, văn học dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, cần có cái nhìn tổng quan về sự vận động, phát triển cũng như thành tựu, hạn chế của văn học dân tộc thiểu số từ sau năm 1975 đến nay, đặc biệt là việc tiếp nhận trong đời sống xã hội, từ đó xây dựng chiến lược, hoạch định những kế hoạch để phát triển văn học dân tộc thiểu số Việt Nam. Việc bảo tồn và phát triển di sản của 53 dân tộc thiểu số sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, nuôi dưỡng và phát triển văn hoá, văn học các dân tộc thiểu số; là tài nguyên tạo nên động lực tinh thần mạnh mẽ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay. Điều này đã được khẳng định rõ qua các giai đoạn lịch sử của Việt Nam, đặc biệt từ sau Đổi mới 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước ngày càng có những chính sách cụ thể về văn hoá, văn học. Đúng như Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố văn hóa, con người. Mọi hoạt động văn hóa, từ bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hóa; phát triển văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản đến bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, văn hóa tôn giáo, xây dựng thiết chế văn hóa... đều phải phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người”1.

   1. Thực trạng phát triển văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại

   Văn học dân tộc thiểu số được hiểu là “một bộ phận nằm trong dòng chảy của văn học Việt Nam bao gồm sáng tác của các tác giả người dân tộc thiểu số viết về dân tộc mình và những vấn đề của đời sống xã hội”2. Văn học dân tộc thiểu số là bức tranh đa sắc màu về tâm hồn, đời sống của 53 dân tộc thiểu số nước ta. Văn học dân tộc thiểu số được xác lập bởi chủ thể sáng tạo - những chủ nhân của thế giới tinh thần đại diện cho mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số của Việt Nam. Các tác giả dân tộc thiểu số là người đại diện tiêu biểu nhất, đồng thời có trách nhiệm phản ánh chân thực, sâu sắc nhất tâm hồn và văn hoá của cộng đồng dân tộc mình.

   1.1. Về đội ngũ tác giả và thể loại

   Văn học dân tộc thiểu số sau năm 1975 đến nay đã hình thành một đội ngũ tác giả tiêu biểu, ngày càng phát triển và đóng góp vào sự vận động và phát triển của văn học dân tộc. Nếu chia các tác giả dân tộc thiểu số thành ba thế hệ, trong đó thế hệ đầu tiên gắn liền với công cuộc cách mạng và xây dựng cuộc đời mới của đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn trước 1975 thì thế hệ thứ hai và thứ ba lại trưởng thành và phát triển, đóng góp cho văn học ở các chặng đường hoà bình gắn liền với phát triển kinh tế, đời sống xã hội và hội nhập với thế giới.

   Trước hết, đội ngũ trụ cột của văn học dân tộc thiểu số hiện nay là những tác giả trưởng thành từ sau giai đoạn kháng chiến và đạt được nhiều thành tựu trong thời kỳ Việt Nam mở cửa và nền kinh tế thị trường phát triển từ sau 1975 đến nay. Họ đã thể hiện được tiếng nói riêng đầy bản ngã gắn liền với dấu ấn văn hoá dân tộc, đề cao bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhắc đến nhà văn dân tộc thiểu số là nhắc đến bản sắc văn hoá cùng những dấu ấn dân tộc của cộng đồng mà họ sinh ra. Thế hệ đầu tiên gắn liền với hai cuộc kháng chiến của dân tộc là: Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại, Y Điêng, Triều Ân… Ở thời kỳ từ 1975 đến nay, đội ngũ nhà văn dân tộc thiểu số ngày càng phát triển đông đảo và đa dạng. Chúng ta có thể kể tới các nhà văn dân tộc Tày (Y Phương, Vi Hồng, Đoàn Lư, Hà Lâm Kỳ, Đoàn Ngọc Minh, Hữu Tiến, Cao Duy Sơn, Nông Thị Ngọc Hoà)…; dân tộc Giáy (Lò Ngân Sủn), dân tộc Mông (Mã A Lềnh, Hùng Đình Quý), dân tộc Pa Dí (Pờ Sảo Mìn); dân tộc Mường (Bùi Thị Tuyết Mai, Hà Thị Cẩm Anh, Kha Thị Thường); dân tộc Hà Nhì (Chu Thùy Liên)...; dân tộc Thái (La Quán Miên, Lò Cao Nhum); dân tộc Chăm (Inrasara, Trà Vigia); dân tộc Ba Na (Kim Nhất); dân tộc Ê Đê (Hlinh Niê, Niê Thanh Mai)... Ở tất cả các khu vực từ miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên đến miền Nam đều có những tác giả tiêu biểu góp vào sự phát triển phong phú của văn học dân tộc thiểu số.

   Về thơ, chúng ta có thể thấy sự phong phú về sáng tác được thể hiện qua một khối lượng tác phẩm xuất bản khá đồ sộ, tiêu biểu như: Y Phương với Tiếng hát tháng giêng (1986), Lửa hồng một góc (1987), Lời chúc (1991), Đàn then (1996), Ngược gió (2006); Lò Ngân Sủn với Chiều biên giới (1989), Những người con của núi (1990), Đám cưới (1992), Dòng sông mây (1995), Người đẹp (1999); Pờ Sảo Mìn với Cây hai nghìn lá (1992), Bài ca hoang dã (1993), Mắt lửa (1998), Con trai người Pa Dí (2001), Mủa say say (2018); Lò Cao Nhum với Giọt sao trở về (1995), Rượu núi (1996), Sàn trăng (2000), Theo lời hát về nguồn (2001); Ma Trường Nguyên với Mát xanh rừng cọ (1983), Tiếng lá rừng gọi đôi (1996), Câu hát vắt qua vai (2005); Triệu Kim Văn với Hoa núi (1990), Mùa sa nhân (1994), Lá tìm nhau (1999), Con của núi (2002); Hùng Đình Quý với Người Mông nhớ Bác Hồ (1993), Chỉ vì quá yêu (1998); Mã A Lềnh với Mã A Lềnh thơ (2002)… Đặc biệt là sự xuất hiện của các nhà thơ nữ người dân tộc thiểu số như: Dư Thị Hoàn với Lối nhỏ (1988), Bài mẫu giáo sáng thế (1993); Nông Thị Ngọc Hoà với Trước gương (1998), Lời ru cho mình (1999), Lời của lá (2000), Vườn duyên (2002)… và đội ngũ tác giả kế cận sau đó là Chu Thuỳ Liên, Bùi Thị Tuyết Mai, Mã Én Hằng, Hùng Thị Hiền...

   Những năm đầu thế kỷ XXI, một số nhà thơ trẻ dân tộc thiểu số xuất hiện thể hiện được tiếng nói đậm bản sắc của dân tộc mình. Tuy không thật hùng hậu và đông đảo nhưng cũng cho người đọc những cảm nhận mới về thơ dân tộc thiểu số đương đại bám truyền thống để hướng tới tương lai. Những người cầm bút trẻ thuộc thế hệ thứ ba này cũng bước đầu khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn, tiêu biểu có: Nông Thị Tô Hường, Phùng Thị Hương Ly, Hoàng Chiến Thắng, Phùng Hải Yến, Thèn Hương...

   Về văn xuôi, từ sau 1975, đặc biệt ở những năm giao nối giữa hai thế kỷ, ngoài những cây bút tên tuổi ở giai đoạn trước vẫn tiếp tục sáng tác như: Vi Hồng, Triều Ân, Nông Minh Châu, Vi Thị Kim Bình... đã xuất hiện lực lượng hùng hậu với nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu như: Cao Duy Sơn với các tập truyện ngắn: Hoa bay cuối trời, Ngôi nhà xưa bên suối; tiểu thuyết: Cực lạc, Người lang thang, Hoa mận đỏ, Đàn trời; Bùi Thị Như Lan với Tiếng chim Kỷ Giàng, Hà Thị Cẩm Anh với Gốc gội xù xì, Bài xường ru từ núi… Ngoài ra còn có La Quán Miên, Đoàn Lư, Hà Trung Nghĩa, Hà Lâm Kỳ... Đội ngũ này cho thấy sự đa dạng về thành phần, vùng miền, qua đó khẳng định sự trưởng thành mạnh mẽ của văn xuôi dân tộc thiểu số.

   Ở vùng Việt Bắc và Tây Bắc, tác giả người Tày luôn chiếm số đông. Ngoài các nhà văn như Ma Trường Nguyên, Hà Lâm Kỳ, còn có Đoàn Lư, Hoàng Hữu Sang, Cao Duy Sơn, Địch Ngọc Lân... Trong đó đáng chú ý là nhà văn Vi Hồng. Từ 1980-1997, Vi Hồng đã cho ra đời 14 cuốn tiểu thuyết: Đất bằng (1980), Núi cỏ yêu thương (1984), Thung lũng đá rơi (1985), Vào hang (1990), Người trong ống (1990), Gã ngược đời (1990), Lòng dạ đàn bà (1992), Dòng sông nước mắt (1993), Ái tình và kẻ hành khất (1993), Tháng năm biết nói (1993), Chồng thật vợ giả (1994), Phụ tình (1994), Đi tìm giàu sang (1995), Đọa đày (1997). Ngoài ra ông còn có các tập truyện ngắn: Đuông Thang (1988), Người làm mồi bẫy hổ (1990), Thách đố (1995), Đường về với mẹ chữ (1997).

   Như vậy, sau năm 1975 đến nay, trong không khí hoà bình xây dựng cuộc sống mới, văn xuôi dân tộc thiểu số phát triển khá mạnh mẽ. Các tác giả người dân tộc thiểu số đông đảo hơn và thành tựu sáng tác cũng rực rỡ hơn. Thời kỳ này văn xuôi dân tộc thiểu số phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng, giúp chúng ta có thể nhận diện một cách rõ ràng, khẳng định nó như một thực thể riêng, độc đáo trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.

   Từ sau năm 1975 đến nay, lý luận, phê bình phát triển khá mạnh mẽ, sôi nổi với những nhận định phong phú, đa chiều về đời sống văn học dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại. Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học dân tộc thiểu số ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình và đã có những thành tựu đáng được khẳng định. Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình khá sôi nổi với đủ mọi hình thức đa dạng và phong phú. Các hội nghị, hội thảo cũng được tổ chức nhiều hơn. Đây là dịp để các nhà văn, nhà thơ bày tỏ quan điểm của mình về công tác văn học và sáng tác văn học. Bên cạnh những bài viết, giới thiệu, phê bình được đọc trong các cuộc hội thảo và đăng trên báo chí, đã xuất hiện thêm hàng chục cuốn sách phê bình về các tác giả, tác phẩm văn học dân tộc thiểu số của nhiều cây bút lý luận, phê bình như: Lâm Tiến, Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn…

   Vào khoảng thập niên 90 và những năm đầu thế kỷ XXI, văn học các dân tộc thiểu số thực sự khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ với số lượng tác phẩm khá dồi dào, phong phú về thể loại, với đội ngũ sáng tác ngày càng đông đảo. Khu vực văn học này đã thực sự trở thành đối tượng nghiên cứu không thể thiếu trong đời sống văn học nước nhà và ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các cây bút nghiên cứu, lý luận, phê bình người dân tộc thiểu số. Chúng ta bắt gặp ở giai đoạn này hàng loạt công trình lý luận, phê bình văn học ra đời như: Lâm Tiến với Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (1995), Về một mảng văn học dân tộc (1999), Tiếp cận văn học dân tộc thiểu số (2011); Mã A Lềnh với tập tiểu luận Tần ngần trước văn chương (1998); Vương Anh với Núi mọc trong gương - Thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số (1998); Lò Ngân Sủn với Hoa văn thổ cẩm (4 tập); Hoàng Quảng Uyên với tập tiểu luận chân dung văn học Một mình trong cõi thơ (2000); Hoàng An với 3 tập sách Nét đẹp văn hóa trong thơ văn và ngôn ngữ dân tộc (1999, 2003, 2008); Hà Lâm Kỳ với Mỗi nét hoa văn (2002), Từng vùng thổ cẩm (2004), Một góc nhìn (2006); Mai Liễu với Hương sắc miền rừng (2008); Ma Trường Nguyên với Hiện đại mà dân tộc (2010)... Bên cạnh đó là những công trình có sự tham gia đóng góp của nhiều tác giả: Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (1997); Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời kỳ đổi mới (2007)…

   1.2. Về thành tựu và hạn chế

   Giai đoạn từ sau 1975 đến nay, thơ dân tộc thiểu số đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, mở rộng hơn về nội dung phản ánh. Nội dung thơ đi sâu khai thác thân phận con người vùng dân tộc thiểu số, khát vọng tồn vong của dân tộc và khẳng định bản sắc văn hoá, lối sống nhân văn của mỗi cộng đồng dân tộc. Đề tài về tình yêu, lao động sản xuất, những nét phong tục tập quán văn hoá dân tộc, những thử thách của cuộc sống cùng những trăn trở về mưu sinh, kiếp người, những giá trị nhân văn được các nhà văn chú trọng khai thác và có nhiều thành công. Tiêu biểu là các tác phẩm: Rượu núi (Lò Cao Nhum), Tiếng hát tháng giêng (Y Phương), Ngọn lửa (Triệu Thị Mai), Tiếng lá rừng gọi đôi (Ma Trường Nguyên)... Thơ ca dân tộc thiểu số luôn tràn đầy cảm hứng lãng mạn về quê hương, con người miền núi.

    Nhiều tác phẩm của các nhà thơ trẻ thế hệ 8X, 9X đã được giải thưởng như: Phùng Hải Yến, Phùng Thị Hương Ly. Thơ của họ không chỉ là tiếng nói của những tâm hồn trẻ trung mà còn gợi nỗi đau về những phận người. Họ quan tâm tới những vấn đề của đời sống, về đề tài chiến tranh cách mạng, về người lính. Chùm thơ viết về người lính của Phùng Thị Hương Ly đạt giải Nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2022). Với Trên những hố bom, Thổ Sơn, Viết ở tiểu đoàn 804, Phùng Thị Hương Ly đã có một góc nhìn mới mẻ khi tiếp cận đề tài chiến tranh. Thơ chị là những dư âm đầy ám ảnh về chiến tranh và nỗi đau của người ở lại: “Hàng dừa im lặng xanh nhớ những đứa con mình/ mùi hương không nói với tôi khu vườn bao nhiêu trái hạnh/ Người đàn bà nhìn xa xăm/ không nói với tôi sao lại quên chải tóc” (Thổ Sơn).

   Phùng Hải Yến với Nắng thổ cẩm (2013), Tìm điệu xòe hôm qua (2018), Xoè tay thả gió (2021) đã thể hiện tâm hồn yêu quê hương sâu nặng qua nỗi khắc khoải lưu giữ bản sắc văn hoá dân tộc: “Có một vùng ruộng bậc thang lúa vàng óng bình minh/ Mùa cơm mới, bản làng vui trẩy hội/ Mùi cơm thơm nồng gốc rơm, gốc rạ/ Ám ảnh tôi mỗi chuyến xa nhà” (Vùng nhớ trong tôi).

   Nhìn chung, thể loại thơ chưa thực sự có nhiều đổi mới trong bút pháp. Các xu hướng hậu hiện đại hay tượng trưng, siêu thực chưa xuất hiện nhiều trong thơ của các tác giả dân tộc thiểu số. Chủ yếu thơ vẫn chịu ảnh hưởng nhiều của thi pháp truyền thống. Tuy nhiên, các tác giả dân tộc thiểu số đã tạo nên được phong cách riêng cho mình: Bàn Tài Đoàn mộc mạc, chân chất; Nông Quốc Chấn dân tộc mà hiện đại; Y Phương giàu liên tưởng và thông tuệ; Pờ Sảo Mìn hoang dã mà triết lý; Lò Ngân Sủn đam mê đến cháy bỏng; Triệu Kim Văn khiêm nhường mà toả sáng; Triệu Lam Châu khơi nguồn tiếng dân tộc không vơi cạn; Dương Khâu Luông say với tuổi thơ bản Hon...

   Về văn xuôi, trong sự phát triển chung của đất nước, bộ mặt miền núi và cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang có bước phát triển đa dạng về mọi mặt. Nhiều tác phẩm hướng về công cuộc xây dựng đời sống, phát triển kinh tế ở miền núi. Phạm vi hiện thực cũng được mở rộng hơn nhờ sự dân chủ, đổi mới của văn học. Những vấn đề nhạy cảm, những mảng tối, mặt trái của hiện thực trước đây từng bị né tránh nay phần nào đã được phơi bày. Các nhà văn đã chú ý tới những con người vươn lên trong cuộc sống mới, làm chủ cuộc đời, làm chủ khoa học kỹ thuật, phản ánh cuộc đấu tranh chống những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tham ô... để xây dựng cuộc sống mới nơi vùng cao như: Mũi tên ám khói, Gió hoang của Ma Trường Nguyên; Cao nguyên trắng của Mã A Lềnh; Gã ngược đời, Người trong ống, Lủng thin tốc của Vi Hồng; Hoa mận đỏ, Đàn trời của Cao Duy Sơn; Hoa mí rừng, Mùa dứa của Địch Ngọc Lân; Tiếng chim Kỷ Giàng của Bùi Thị Như Lan; Sự tích một câu nói của Bùi Minh Chức... Viết về thiếu nhi đã có khá nhiều tác giả dân tộc thiểu số quan tâm. Mảng văn học này phản ánh đời sống tâm hồn của trẻ em miền núi với những ước mơ, khát vọng, hoài bão đẹp đẽ. Đó là thế giới thiên nhiên sinh động trong mắt trẻ thơ, là những tấm gương thiếu nhi vượt khó vươn lên trong khó khăn thiếu thốn hay dũng cảm dám chống lại kẻ thù, chống lại cái ác, cái xấu xa để bảo vệ lẽ phải. Đó còn là hiện thực về cuộc sống đầy vất vả, gian truân của trẻ em miền núi trong cuộc mưu sinh, trong hành trình chinh phục những đỉnh cao của tri thức và ước mơ. Ở đó cũng có cả thế giới loài vật ngộ nghĩnh, đáng yêu, gần gũi và gắn bó với tuổi thơ các em nhỏ miền núi... (truyện của Vi Hồng, Đoàn Lư, Hà Lâm Kỳ, Đoàn Ngọc Minh, Hữu Tiến, Mã A Lềnh, Hà Thị Cẩm Anh)...

   Trong những năm 90, các tiểu thuyết của Vi Hồng được dư luận quan tâm bởi những vấn đề có tính thời sự. Tác giả đề cập đến sự băng hoại đạo đức của một số trí thức có địa vị nhưng ham tiền tài danh vọng (Người trong ống, Gã ngược đời), những sai lầm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp, sự ấu trĩ của việc ngăn cấm cá nhân làm giàu (Chồng thật vợ giả, Thung lũng đá rơi...). Ông là một hiện tượng văn học đáng được quan tâm về sức làm việc phi thường và những hiểu biết về con người, phong tục tập quán, thiên nhiên miền núi mang đậm sắc thái Tày. Được nghiên cứu nhiều và đánh giá cao về những đóng góp ở lĩnh vực văn xuôi trong những thập niên đầu thế kỷ XXI cần khẳng định tên tuổi Cao Duy Sơn. Ông là nhà văn dân tộc Tày, rất am hiểu văn hoá, văn học dân gian, con người, cuộc sống của dân tộc mình nên đã sử dụng thành công chất liệu của ngôn ngữ dân gian để tạo nên chất thơ cho lời văn. Trong văn xuôi của mình, hiện thực cuộc sống mà Cao Duy Sơn đề cập đến là những vấn đề muôn thuở. Đó là những mối tình trắc trở, lỡ dở nhưng luôn ngời sáng tình cảm chân thành và thuỷ chung với tình yêu của mình (Chợ tình, Hoa bay cuối trời). Đó còn là hiện thực về cuộc sống đầy gian khổ của những giáo viên cắm bản, vất vả, cực nhọc nhưng họ đã tự nguyện gắn bó với núi rừng, với bà con vùng cao (Ngôi nhà xưa bên suối). Sáng tác của Cao Duy Sơn thể hiện rõ sự kế thừa truyền thống để đi tới hiện đại. Đây có thể coi là một định hướng cho thế hệ trẻ dân tộc thiểu số khi cầm bút ngày hôm nay.

   Nhiều tác phẩm đã kết hợp được bút pháp tự sự theo kiểu truyền thống ảnh hưởng từ các pho sử thi, truyện cổ, truyện thơ... với bút pháp văn xuôi hiện đại tạo nên sự đa dạng, trở thành “vườn hoa nhiều hương sắc”, làm phong phú bức tranh đời sống văn học hiện đại nước ta. Tiểu thuyết của Vi Hồng, truyện ngắn của Cao Duy Sơn đậm màu sắc Tày ở cảnh sắc, thế giới tâm hồn nhân vật. Kim Nhất (Ba Na) thể hiện khá phong phú những phong tục tập quán của dân tộc mình qua Chuyện buôn làng, Nối dây, Phạt kơ đi... Qua tập ký Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, Lý Lan đã khắc hoạ chân thực, cảm động “chân dung” của một bộ phận người Hoa sống ở thành phố hiện đại nhất nước ta trong một thời gian dài và một không gian rộng gắn liền với từng bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Hình ảnh những con người lao động vất vả trong mưu sinh, lập nghiệp luôn có ý chí vươn lên làm chủ cuộc sống bên cạnh những ông chủ tham lam, xảo quyệt bon chen làm giàu hiện lên thật sinh động... Nhưng điều được thể hiện nổi bật ở đây là tinh thần đoàn kết, gắn bó của người Hoa đối với người Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Hlinh Niê kết hợp hài hoà, hiệu quả giữa chất huyền thoại và sử thi khi viết về con người, cuộc sống ở Tây Nguyên. Tác giả giới thiệu kho tàng folklore độc đáo với những ngôi nhà rông, hình hoa văn chim thú được lưu giữ trên nóc các nhà mồ, nghệ thuật ẩm thực kiểu Tây Nguyên, miêu tả sắc nét lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, những nét hoa văn thổ cẩm phối hợp hài hoà giữa các gam: xanh, vàng, đỏ để làm nổi bật hai màu chủ đạo: đen và trắng (Về đâu hỡi thổ cẩm Tây Nguyên, Trăng Xí Thoại). Tác giả còn ngợi ca cuộc sống mới đang chuyển mình của dân tộc Tây Nguyên. Một bộ phận người dân đã vươn lên trong làm kinh tế, thoát khỏi cuộc sống thiếu thốn, nghèo khổ, được thụ hưởng cuộc sống có điện, có tiện nghi (Du xuân Tây Nguyên, Làng mặt trời, Bình minh người Dao Cư Suê, Buôn Yung mùa hoa trắng...). Người con của núi rừng Tây Nguyên không chỉ trăn trở trước những luật tục lạc hậu vẫn tồn tại mà còn đau đớn, xót xa trước những di sản văn hoá đang bị mai một dần khi “hàng trăm các nghệ nhân theo dòng thời gian lặng lẽ nằm xuống. Hàng trăm nghề truyền thống lụi tàn, hàng trăm cổ vật như có cánh bay, hàng trăm công trình sưu tầm, công sức và tâm huyết của bao người bị mối xông thành đất. Chiêng Gia Rai, Ê Đê, Ba Na chảy thành máu trong các lò nấu đồng” (Về đâu hỡi thổ cẩm Tây Nguyên). Đây không chỉ là lời cảnh báo mà là một hiện thực nhức nhối về sự mất mát, một đi không trở lại của di sản văn hoá dân tộc trong thời buổi kinh tế thị trường.

   Truyện ngắn của Niê Thanh Mai như Suối của rừng (2005), Về bên kia núi (2007), Sớm mai rực rỡ (2010), Phía nào sương thôi rơi (2021)… đưa người đọc về với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, để được hòa mình vào vùng văn hóa giàu trầm tích với những tập tục đậm dấu văn hóa các tộc người Tây Nguyên. Đó là một cao nguyên đẹp dạt dào, phóng khoáng từ thiên nhiên đến con người. Nhưng bên cạnh đó còn là nỗi buồn về những phận người “rời rừng xuống phố”; là cái “chênh chao” trước những biến đổi của văn hóa tộc người trong thời kỳ mọi xóm bản, buôn làng đều mở cửa để bước ra với thế giới văn minh, hiện đại. Những truyện ngắn như: Xó rừng, Vị mật, Gió lạnh thì buốt sống lưng, Làng của cha tôi... là hồi chuông róng riết về sự “đổ gãy tình người”, “vong bản chính mình” hay “lạc trôi văn hóa”.

   Tuy đã phản ánh khá đa dạng, nhiều mặt của cuộc sống nhưng văn xuôi dân tộc thiểu số vẫn chưa có nhiều thành tựu đỉnh cao, ít tác phẩm chạm tới những vấn đề có tính thời sự của xã hội. Sự vận động của đời sống đồng bào vùng cao trong bối cảnh đổi thay kinh tế, gia nhập thế giới của công nghệ chưa được quan tâm phản ánh một cách sâu sắc.

   Về lý luận, phê bình, một số các cây bút lý luận, phê bình giai đoạn này đã bày tỏ suy nghĩ, trăn trở của mình đối với công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học các dân tộc thiểu số như: Lâm Tiến, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Hoàng Quảng Uyên... Họ đều khẳng định thành tựu của hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình trong những năm qua nhưng cũng băn khoăn, lo lắng về những hạn chế của lý luận, phê bình văn học dân tộc thiểu số đương đại. Phần lớn các tác giả viết phê bình chưa có tính chuyên nghiệp, chủ yếu là ngẫu hứng hoặc phát huy kinh nghiệm bản thân.

   Những thập niên đầu thế kỷ XXI, cùng với sự đổi mới của đời sống, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học dân tộc thiểu số trong giai đoạn này tuy còn những hạn chế nhất định nhưng đã cố gắng theo sát đời sống văn học dân tộc thiểu số Việt Nam; thực hiện khá tốt nhiệm vụ thẩm bình, đánh giá, ghi nhận và định hướng cho văn học dân tộc thiểu số phát triển theo đúng hướng và cố gắng tiến tới hòa nhập được vào đời sống văn học Việt Nam hiện đại. Mảng văn học dân tộc thiểu số đã được quan tâm, nhiều dự án in sách từ nguồn kinh phí nhà nước đã hỗ trợ cho những công bố về văn học dân tộc thiểu số. Ở khu vực miền núi phía Bắc với trung tâm là Thái Nguyên, lực lượng nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số được mở rộng với các nhà nghiên cứu ở các trường đại học, trong đó chủ lực là Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (tiêu biểu là các tác giả: Trần Thị Việt Trung, Cao Thị Hảo, Nguyễn Đức Hạnh...). Điều này đã giúp cho lý luận, phê bình văn học dân tộc thiểu số phát triển khá mạnh. Nhiều công trình được công bố là sản phẩm của các đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án hoặc được tài trợ từ ngân sách nhà nước.

   Nhìn chung, tuy chưa xuất hiện những tài năng xuất sắc ở các thể loại nhưng các cây bút dân tộc thiểu số đã phần nào thực hiện được sứ mệnh và khát khao cháy bỏng của những người con không quên nguồn cội, đó là nuôi giữ ngọn lửa văn chương của dân tộc mình. Nếu không có sự hoà nhập máu thịt, cộng sinh giữa chủ thể và khách thể thì các nhà văn dân tộc thiểu số không thể viết về con người, cuộc sống của dân tộc mình đầy cảm xúc như thế. Hầu hết các nhà văn dân tộc thường có cảm xúc mãnh liệt, nóng bỏng da diết khi viết về con người, cuộc sống của dân tộc mình, quê hương mình. Bởi những người cầm bút là con em dân tộc có một thế mạnh nhất định khi linh giác của họ từ trong huyết thống đã được nuôi dưỡng, tiềm ẩn ở vùng vô thức của tâm linh sâu thẳm, những biểu tượng văn hoá của dân tộc mình. Tuy nhiên, về đội ngũ sáng tác, sự kế tục của thế hệ người viết trẻ ở các dân tộc thiểu số hiện chưa nhiều. Đây cũng là một trong những vấn đề đang được nhiều nhà nghiên cứu quan ngại khi nhìn về tương lai phát triển của văn học dân tộc thiểu số.

   2. Vấn đề tiếp nhận văn học dân tộc thiểu số trong đời sống xã hội hiện nay

   Trong đời sống xã hội, văn học dân tộc thiểu số đã dần khẳng định được vị trí của mình. Những đóng góp của các nhà văn dân tộc thiểu số góp phần phát triển và làm phong phú, đa dạng nền văn học Việt Nam hiện đại. Bước đầu văn học dân tộc thiểu số hiện đại đã có vị trí trong giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, về cơ bản những tiếp cận về văn học dân tộc thiểu số vẫn chưa được phổ cập rộng rãi.

   Trong chương trình giảng dạy ở đại học, đối với những chuyên ngành ngữ văn, khoa học xã hội và nhân văn, văn hoá học... ở các trường đại học, văn học dân tộc thiểu số cũng chưa được quan tâm thích đáng. Hiện nay chỉ có một số trường đại học ở Thái Nguyên, trong đó có Trường Đại học Sư phạm đã đưa văn học dân tộc thiểu số vào chương trình đào tạo sau đại học với tư cách là một môn học bắt buộc. Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên còn có giáo trình giảng dạy chuyên sâu về văn học dân tộc thiểu số ở bậc học sau đại học (Giáo trình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại xuất bản năm 2020 của tác giả Cao Thị Hảo đã và đang được giảng dạy trong chương trình đào tạo thạc sĩ của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên)3. Đây là một bước tiếp cận để văn học dân tộc thiểu số được giới thiệu và biết đến một cách rộng rãi.

   Theo thống kê của chúng tôi, trước đây, trong chương trình giáo dục phổ thông chỉ có duy nhất tác phẩm Nói với con của Y Phương được đưa vào dạy chính thức ở lớp 9 và tác phẩm Dọn về làng (Nông Quốc Chấn) được đưa vào đọc thêm ở lớp 12. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đã có thay đổi rất tích cực. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018), sách Ngữ văn đã đưa vào 9 tác phẩm văn học hiện đại của các nhà văn dân tộc thiểu số, cụ thể: Rồi ngày mai con đi (Lò Cao Nhum), Chái bếp (Lý Hữu Lương), Nếu mai em về Chiêm Hóa (Mai Liễu), Chiều biên giới (Lò Ngân Sủn), Mùa hoa mận (Chu Thùy Liên), Chích bông ơi! (Cao Duy Sơn), Mùa thu về Trùng Khánh nghe hạt dẻ hát, Nói với con, Con là (Y Phương). Các tác phẩm này đều là những sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số giai đoạn sau 1975 đến nay và được đưa vào trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Rõ ràng, vị thế của văn học dân tộc thiểu số đã được quan tâm một cách thích đáng.

   Nhìn chung, những tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số được lựa chọn đưa vào chương trình giáo dục phổ thông đều thể hiện nét bản sắc riêng về quê hương, bản quán, phản ánh một tình yêu sâu đậm với cội nguồn văn hoá dân tộc, lối sống nhân văn, gắn với tự nhiên của người miền núi. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Chích bông ơi!, nhà văn Cao Duy Sơn đã đề cao tình yêu thương loài vật ở trẻ em qua câu chuyện của hai cha con Dế Vần và Ò Khìn. Tình yêu thương gắn bó, tình cha con, bối cảnh không gian miền núi và tâm hồn trẻ thơ đã khiến truyện ngắn để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc. Một câu chuyện chân thực và cảm động, gửi gắm bài học về sự thân thiện với thiên nhiên và cách thể hiện tình yêu thương loài vật của các bạn nhỏ miền núi4.

   Ngoài ra, hiện nay trong chương trình địa phương, nhiều tác giả dân tộc thiểu số cũng được giới thiệu giảng dạy trong chủ đề văn học của nội dung giáo dục địa phương các cấp từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông ở các tỉnh. Từ đó, giúp văn học dân tộc thiểu số ngày càng đi sâu vào đời sống tiếp nhận hiện nay. Giáo dục cho thế hệ tương lai niềm tự hào dân tộc, thêm yêu cuộc sống qua các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc thiểu số hiện đại thông qua các trang viết mà mỗi tác giả dân tộc thiểu số đã gửi gắm.

   Trong giáo dục phổ thông, văn học dân tộc thiểu số đã có một vị trí nhất định. Tuy nhiên, trong đời sống văn học và tiếp nhận, dường như văn học dân tộc thiểu số vẫn chưa được quan tâm một cách thích đáng, mà vẫn hạn hẹp trong phạm vi vùng và khu vực, rất ít hội thảo, nghiên cứu có phạm vi quốc gia, quốc tế về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

   3. Một số kiến nghị

   Qua khảo sát và đánh giá về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam từ sau 1975 đến nay, chúng tôi nhận thấy văn học dân tộc thiểu số đã có những thành tựu rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, những tiếp nhận và nghiên cứu, vùng lan toả của văn học dân tộc thiểu số trong đời sống văn học và xã hội ở Việt Nam dường như vẫn còn khá hạn hẹp. Chúng ta cần phải chung tay góp phần tạo ra tầng sinh quyển văn hoá, định vị cho tiếp nhận, bảo tồn và phát triển văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Từ đó khẳng định vị trí và vai trò của văn học dân tộc thiểu số trong đời sống văn học hiện nay, giúp văn học dân tộc thiểu số hiện đại trở thành một thực thể sống được quan tâm nghiên cứu trong dòng chảy của văn học hiện đại Việt Nam nói chung và có vị trí trong giáo dục đào tạo nói riêng. Để tiếp tục giữ vững và phát triển được những thành tựu như vậy, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

   Thứ nhất, cần có những hoạch định chiến lược trong việc bảo tồn văn học viết dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại. Hiện nay vấn đề bảo tồn văn học dân gian dân tộc thiểu số đã và đang được thực hiện khá bài bản, sâu rộng và đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, mảng văn học hiện đại dân tộc thiểu số dường như còn bỏ ngỏ, chưa được chú ý nhiều trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, nhất là những sáng tác song ngữ (viết bằng tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ). Rất cần những kế hoạch, chính sách cụ thể trong việc phát huy, bảo tồn những giá trị, bản sắc văn hoá trong văn học dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại, nhất là việc đưa văn học ngày càng hoà nhập sâu rộng vào đời sống xã hội Việt Nam qua những hỗ trợ xuất bản cho những sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật dân tộc thiểu số.

   Thứ hai, việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, năng lực chuyên môn cho người cầm bút là rất quan trọng. Các lớp bồi dưỡng văn hoá, văn nghệ, lý luận về sáng tác, tổ chức các trại sáng tác văn học tập trung dành cho sáng tác, nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số là rất thiết thực, nên được tổ chức thường niên. Qua đó giúp lực lượng sáng tác và nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số ngày càng trưởng thành và phát triển, đặc biệt là tác giả trẻ dân tộc thiểu số. Họ rất cần được hỗ trợ để ngày càng trưởng thành kế thừa và phát triển di sản của thế hệ đi trước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tránh tụt hậu hoặc đi sau, nâng cao chất lượng sáng tác, đáp ứng được vấn đề bảo tồn văn hoá trong bối cảnh hội nhập thế giới.

  Thứ ba, vấn đề quảng bá và tiếp nhận văn học dân tộc thiểu số đang ngày càng được quan tâm. Minh chứng là các tác phẩm văn học dân tộc thiểu số hiện đại đã được đưa vào tiếp nhận, giảng dạy và học tập ở trường phổ thông. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, vẫn còn rất ít những hoạt động quảng bá có quy mô về văn học dân tộc thiểu số. Có chăng là hoạt động nằm trong phạm vi hẹp của Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Cần tăng cường tổ chức những hội thảo nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số trong phạm vi quốc gia, quốc tế để lan toả vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sáng tác, nghiên cứu tác phẩm văn học dân tộc thiểu số trong phạm vi quốc gia và khu vực.

 

 

 

Chú thích:
1 Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, 2018, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (tulieuvankien.dangcongsan.vn).
2, 3 Cao Thị Hảo (2020), Giáo trình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, NXB. Đại học Thái Nguyên.
4 Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên, 2021), Ngữ văn 6 (bộ Cánh Diều), NXB. Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình luận

    Chưa có bình luận