Di sản nghệ thuật Việt Nam luôn được nuôi dưỡng, giáo dục và giữ gìn thông qua nhiều hình thức hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên mọi vùng miền của đất nước. Bảo tồn và phát huy, xây dựng nền văn hóa bền vững luôn định hướng phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa các yếu tố truyền thống, tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học trong bối cảnh hội nhập toàn cầu là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của chiến lược phát triển văn hóa. Di sản văn hóa, trong đó có những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, ẩn chứa trí tuệ và tâm hồn của dân tộc. Đưa di sản văn hóa vào phát triển ngành nghề sẽ tác động tích cực đến con người, cảm nhận, nhận thức được giá trị của những di sản từ môi trường xung quanh, từ đó có ý thức gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa1.
Luật Di sản văn hóa năm 2009 và văn bản hợp nhất Luật Di sản văn hóa năm 2013 đã phân tách là di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa vật thể gồm sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác2.
Di sản nghệ thuật Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, những di sản với giá trị riêng biệt trên khắp mọi miền đất nước là kho tàng di sản nghệ thuật vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú và đa dạng các nét văn hóa khác nhau. Nhiều loại hình nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản nghệ thuật đại diện của nhân loại. Trong đó, Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong những đền tháp cổ xưa, là quần thể di sản kiến trúc với hơn 70 ngôi đền tháp khác nhau là minh chứng của nền văn hóa trường tồn Chăm Pa cổ xưa.
Mĩ thuật Việt Nam, mảng nghệ thuật tạo hình đã có nhiều tác phẩm gắn liền với đề tài sáng tác về Thánh địa Mỹ Sơn, nội dung được các nghệ sĩ thể hiện sáng tác về di sản trong hoạt động sáng tạo, tiếp nối các giá trị mĩ thuật và di sản hướng đến mục tiêu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy các lĩnh vực thuộc ngành mĩ thuật phát triển, làm nổi bật nét văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn. Những tác phẩm sáng tác về di sản văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn được công bố ở các cuộc triển lãm địa phương, khu vực, trong nước và quốc tế có thẩm mĩ hiện đại, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm Pa ở Quảng Nam, Việt Nam.
Mĩ thuật tạo hình Việt Nam góp phần vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật trong công cuộc hội nhập quốc tế và mĩ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam luôn đi liền với văn hóa con người Việt Nam. Các họa sĩ sáng tạo ra những tác phẩm mĩ thuật thể hiện ý thức thẩm mĩ và giá trị nghệ thuật, nhiều thành quả sáng tác có nét đẹp từ cội nguồn của quá khứ các di sản. Nét đặc trưng của di sản văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn đã trở thành nguồn cảm hứng thu hút các nghệ sĩ, được thể hiện trong các tác phẩm mĩ thuật qua nhiều góc độ tạo hình và bố cục, trên đa dạng chất liệu khác nhau như: sơn dầu, sơn mài, lụa, tổng hợp, acrylic, đồ họa… Đây là những chất liệu phổ biến có thế mạnh trong sáng tác của nghệ thuật tạo hình.
Hoạt động sáng tác tạo hình với tư duy sáng tạo thể hiện các yếu tố tạo hình, giá trị nghệ thuật, những tác phẩm nghiên cứu thực tế từ di sản Thánh địa Mỹ Sơn được sáng tạo từ các góc độ, khai thác những đặc điểm văn hóa, thể hiện những giá trị nghệ thuật ở các thể loại tạo hình như phong cảnh, sinh hoạt xã hội cùng văn hóa tâm linh... Những tác phẩm mĩ thuật thể hiện nét riêng trong sáng tạo góp phần nâng tầm giá trị văn hóa, nghệ thuật của Thánh địa Mỹ Sơn ở Duy Xuyên, Quảng Nam.
1. Tác phẩm tạo hình về di sản văn hóa vật thể Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn là quần thể kiến trúc kỳ bí với những đền đài Chăm Pa được xây dựng bằng gạch chủ yếu quay về hướng Đông, là hướng mặt trời mọc, cũng là nơi trú ngụ của thần linh. Cấu trúc đền, tháp được chia làm 3 phần, bao gồm: đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Một đền, tháp sẽ thờ một vị thần hay triều đại vua khác nhau. Cũng chính bởi vậy, mỗi công trình như một mảnh ghép tái hiện dòng chảy lịch sử của Vương quốc Chăm Pa xưa.
Đặc trưng của kiến trúc tháp Chăm Pa với các đền tháp biểu hiện hình dáng cấu trúc đền tháp thu nhỏ dần lên cao tạo hình chóp nhọn, được thu nhỏ dần tới đỉnh ngọn tháp. Các tầng tháp được phân chia bằng những đường gờ ngang, tạo nhịp điệu thay đổi và cân bằng theo góc nhìn thị giác. Đặc điểm về kiến trúc những ngôi tháp liên kết chặt chẽ với nhau từng viên gạch đỏ tươi mà không có chất kết dính là điều phi thường, kỳ diệu trường tồn của nghệ thuật cổ xưa, là dấu tích văn hóa lịch sử của những vương triều hùng cường được tái hiện qua ngôn ngữ chạm khắc và các tác phẩm tinh xảo trên từng bức tường, mái ngói, cột nhà… Phong cảnh Thánh địa Mỹ Sơn với nhiều đền đài, hình thành một quần thể kiến trúc kỳ bí, ấn tượng, nằm trong thung lũng nhỏ được núi đồi trùng điệp bao quanh bắc qua thác nước ghềnh và suối nước trong cảnh quan hữu tình ở hướng Nam miền Trung.
Phong cảnh Thánh địa Mỹ Sơn được các nghệ sĩ sáng tạo trong các tác phẩm mĩ thuật tạo hình bằng nhiều chất liệu, phương tiện khác nhau, một số tác phẩm trở thành dấu ấn trong di tích lịch sử di sản văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn. Những tác phẩm sáng tác về phong cảnh Thánh địa Mỹ Sơn xuất hiện trong tác phẩm mĩ thuật không chỉ nổi bật ở chất liệu, kỹ thuật tạo hình mà còn ở những tìm tòi đổi mới, thay đổi về thể nghiệm chất liệu và hình thức nghệ thuật tạo hình hiện đại, như những tác phẩm: Mỹ Sơn hùng vĩ và bi tráng, sơn dầu, 120x140cm, 2005, Phạm Viết Song; Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, acrylic, 100x130cm, 2005, Nguyễn Vũ; Cõi uyên, acrylic, 100x150cm, 2020, Trần Văn Tâm; Di sản, sơn mài, 60x160cm, 2018, Nguyễn Thanh Hải; Ký ức Chămpa, acrylic, 2019, Nguyễn Vũ Lân; Hương Chămpa, sơn dầu, Đỗ Xuân Phú; Thánh địa Mỹ Sơn, sơn dầu, 90x120cm, Trần Năm; Di Sản Thánh địa Mỹ Sơn, sơn dầu, 81x100cm, 2024, Trần Hà…
Tác phẩm Mỹ Sơn hùng vĩ và bi tráng, chất liệu sơn dầu, 120x140cm, 2005, tác giả Phạm Viết Song [Hình 1]. Di tích Mỹ Sơn là một bức tranh lịch sử mang đậm phong cách kiến trúc và điêu khắc đặc trưng, là biểu tượng cho từng giai đoạn quan trọng trong lịch sử Vương quốc Chăm Pa, là sự kết hợp giữa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí người Chăm Pa xưa để tạo cho các đền tháp một vẻ uy nghiêm và kỳ bí của di sản.
Tác phẩm phong cảnh kiến trúc Mỹ Sơn hùng vĩ và bi tráng có bút pháp thoáng, lối nhìn đơn giản. Bố cục tác phẩm cắt cảnh một nhóm tòa đền, tháp, những cây cỏ đan xen, phía xa là núi và trời mây, mô tả kiến trúc khối của tháp cổ… sắc độ đậm nhạt dứt khoát, diễn tả nét bút theo mảng cùng tinh thần của cảnh vật là phong cách hiện thực trong tạo hình. Kỹ thuật sơn dầu vẽ theo mảng, đẩy sâu hình, không gian, màu sắc, ánh sáng, đậm nhạt, có bút pháp thể hiện đặc điểm tạo hình hiện đại, lối diễn tả mảng tường gạch trên các tháp nổi khối và hình rõ ràng, mang nét đẹp cổ xưa và đậm màu sắc của văn hóa Chăm Pa.

Hình 1. Tác phẩm Mỹ Sơn hùng vĩ và bi tráng, chất liệu sơn dầu, 120x140cm, 2004, tác giả Phạm Viết Song. (Nguồn: Vựng tập Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2001-2005)
Với góc nhìn trong không gian viễn cận, hình vẽ mô tả khái quát hiện thực, kỹ thuật chất liệu sơn dầu sử dụng cọ vẽ thành những nét và vệt màu dày để đẩy sâu cảnh vật trong tự nhiên, bút pháp tạo hình xử lý chất liệu và các lớp màu trên diễn tả khối kiến trúc tháp với không gian có liên quan chặt chẽ với nhau trong gam màu nâu và xanh rêu cổ kính, biểu hiện vẻ đẹp những hình thể tâm linh trong khu đền tháp Mỹ Sơn hùng vĩ.
Tác phẩm Thánh địa Mỹ Sơn, chất liệu sơn dầu, 90x120cm, tác giả Trần Năm [Hình 2]. Hình thức trong tác phẩm là sự diễn tả tạo hình với nét bút đầy cảm xúc, vẽ nhiều lớp màu chồng lên nhau bằng chất liệu sơn dầu, nhấn mảng hình theo từng vệt màu. Phong cách tạo hình hiện thực, màu sắc diễn tả theo ánh sáng tự nhiên cùng các mảng hình chắc chắn tôn lên hình tượng nghệ thuật trong không gian hiện thực.
Hình tượng nghệ thuật thể hiện có ba tòa tháp cổ, sinh thực khí nam (Linga) và các vị thần, dưới chân tháp là những cô gái Chăm hòa quyện trong không gian cùng hoà sắc sáng, những vệt màu sinh động tôn lên hình của viên gạch trên tường tháp, tạo nên tinh thần của bức tranh theo phong cách hiện thực của kiến trúc tháp cổ nằm trong thung lũng bao quanh là đồi núi, nơi quá khứ đang hiện tồn theo dòng chảy thời gian.

Hình 2. Tác phẩm Thánh địa Mỹ Sơn, chất liệu sơn dầu, 90x120cm, tác giả Trần Năm. (Nguồn: Tác giả).
Tác phẩm Cõi uyên, chất liệu acrylic, 100x150cm, 2020, Trần Văn Tâm [Hình 3]. Nội dung tác phẩm Cõi uyên diễn tả sự tồn tại của nét văn hóa tâm linh trong ngôn ngữ tạo hình, các họa tiết được chắt lọc hài hòa, thể hiện cảm xúc cùng kỹ năng diễn tả màu sắc trang nhã, tạo hình trong không gian ước lệ. Phong cách tạo hình khái quát giản lược, kỹ thuật chất liệu biểu đạt với những khám phá về hòa sắc trên chất liệu sơn dầu, những hình khối và gam màu có sự rung cảm lắng sâu trong sự phát triển tư duy hình tượng nghệ thuật, mang vẻ đẹp tạo hình đương đại.
Hình 3. Tác phẩm Cõi uyên, acrylic, 100x150cm, 2020, tác giả Trần Văn Tâm. (Nguồn: Vựng tập Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020)
Bố cục tác phẩm Cõi uyên được sắp xếp hình tháp cổ, những vị thần, motif trang trí với góc nhìn ước lệ về cấu trúc, đặc điểm và tỉ lệ các hình thể. Sử dụng phương pháp tạo hình và mảng, các họa tiết nhấn thả trong tranh, điểm nhìn trọng tâm là tháp cổ có màu trắng bạc, lối vẽ biểu hiện sự sắp xếp hình tượng nghệ thuật có chủ ý cân nhắc về sự hài hòa các yếu tố tạo hình. Tác phẩm Cõi uyên có giá trị thẩm mĩ thị giác, mang nét đẹp văn hóa có sức cuốn hút niềm tin như cõi thần hạnh phúc và quyền năng trong di sản văn hóa Chăm Pa.
Những tác phẩm sáng tác về phong cảnh kiến trúc và hoa văn ở Thánh địa Mỹ Sơn có sự biểu hiện khác nhau về quan niệm thẩm mĩ và lối tạo hình, thực hiện các hình vẽ chắt lọc từ thực tế, có đặc thù về họa pháp, các yếu tố tạo hình biểu hiện sự đa dạng về tính chất của chất liệu tạo hình trên những tác phẩm vẽ về Thánh địa Mỹ Sơn. Các tác phẩm lưu lại dấu ấn hiện thực từ dấu tích qua những công trình kiến trúc cổ kính, hàm chứa nhiều giá trị. Đây là đặc điểm tạo nên những đặc trưng di sản văn hóa vật thể của Thánh địa Mỹ Sơn.
2. Tác phẩm tạo hình về văn hóa tâm linh ở Thánh địa Mỹ Sơn
Di sản văn hóa có mối quan hệ tác động qua lại không tách rời với tôn giáo, tín ngưỡng. Triều đại cổ ở Thánh địa Mỹ Sơn đầy ắp tinh thần văn hóa Chăm Pa, nổi bật nhất là lễ hội Katê, những vũ điệu Apsara uyển chuyển cùng nhịp trống và tiếng kèn, các vũ nữ hóa thân cõi mộng, hòa nhịp cùng âm sắc rực rỡ kiêu sa dưới chân tháp là nét đẹp của nền văn hóa Chăm Pa.
Nhiều tác phẩm mĩ thuật sáng tạo về đề tài Thánh địa Mỹ Sơn cùng những điệu múa Chăm Pa xuất hiện bên những tòa tháp cổ làm cho không gian di sản văn hóa nơi đây sống động, nổi bật hơn. Mảng đề tài sáng tác về những điệu múa Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn thể hiện sâu sắc tình cảm, ý thức thẩm mĩ, phản ánh khúc chiết và rõ nét yếu tố văn hóa tâm linh biểu lộ trong tác phẩm tạo hình như: Mô típ Chăm, đồ họa, Lê Văn Ba; Nắng lùa tháp cổ, sơn dầu, 100x130cm, Lê Thị Thanh Tùng; Vũ điệu Apsara, sơn dầu, 150x150cm, Chế Kim Trung; Nhạc lễ Chămpa, sơn dầu, 175x150cm, 2010, Dương Thị Hồng Hoa; Âm vang Thánh địa, sơn mài, 90x120cm, 2019, Lâm Nguyệt Hà; Âm vang Thánh địa, sơn mài, 160x120cm, 2023, Lâm Nguyệt Hà; Vũ điệu thần Silva, sơn mài, 120x90cm, 2023, Lâm Nguyệt Hà; Giai điệu Chămpa, lụa, 58x38cm, 2010, Nguyễn Văn Quyết; Hồn Chiêm đồng vọng, khắc in mika, 62x91cm, 2023, Võ Quang Phát; Tiếng kèn Saranai của lão nghệ nhân Mỹ Sơn, khắc thạch cao, 100x150cm, Nguyễn Tùng Ngọc; Vũ điệu No 3, tổng hợp, 90x120cm, 2021, Phan Na; Vũ điệu Champa, tổng hợp, 90x70cm, Mai Thị Lim Liên; Thổi hồn Apsara, in khắc gỗ màu, 60x80cm, 2024, Trầm Thị Trạch Oanh…
Tác phẩm Vũ điệu Chămpa, chất liệu sơn dầu, 80x100cm, 2023, tác giả Hồ Hiếu [Hình 4]. Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ mang đậm nét kiến trúc riêng biệt mà còn mang đậm nét văn hóa của người Chăm với những vũ điệu Chămpa nhẹ nhàng, uyển chuyển. Những vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh ở các ngôi đền tháp.
Bố cục tạo hình Vũ điệu Chămpa là những vũ nữ Chăm bên tháp cổ. Sử dụng phương pháp tạo hình vẽ mảng và nét kết hợp, các thủ pháp nghệ thuật khi khai thác chất liệu sơn dầu sống động và êm dịu, nhẹ nhàng, tinh tế tạo ra sự biểu cảm mềm mại, đằm thắm về sắc độ gam màu, các yếu tố tạo hình về nét, mảng, nhịp điệu hài hòa với nhau, biểu đạt cảm xúc hư ảo, mang giá trị nghệ thuật hiện đại trong tác phẩm.
Vũ điệu Chămpa diễn tả các vũ công cầm quạt, dáng hình theo điệu múa mượt mà có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa tạo thành nhịp điệu của hình, là sự di chuyển đội hình theo các tuyến cùng điệu nhạc, mang nét đặc trưng của vũ điệu Chăm Pa huyền bí ở thánh địa huyền thoại.

Hình 4. Tác phẩm Vũ điệu Chămpa, chất liệu sơn dầu, 80x100cm, 2023, tác giả Hồ Hiếu. (Nguồn: Tác giả)
Tác phẩm Hồn Chiêm đồng vọng, chất liệu in khắc mika, 62x91cm, Võ Quang Phát [Hình 5]. Nét tuyệt mĩ của điệu múa Apsara bên tháp cổ ở Mỹ Sơn, những động tác mềm mại của điệu múa là sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật và vẻ đẹp thiên phú của phụ nữ Chăm, xuất hiện trong các sự kiện văn hóa, là điểm đặc sắc trong lễ hội Katê ở Thánh Địa Mỹ Sơn. Được biểu diễn trong bối cảnh truyền thống, với âm nhạc đặc trưng và trang phục rực rỡ, điệu múa Apsara chìm đắm trong không khí huyền bí của nền văn hóa Chăm Pa xưa.
Tác phẩm Hồn Chiêm đồng vọng với góc nhìn trong tư duy ý niệm, chọn motif hoa văn tháp trang trí hình vũ nữ Apsara cách điệu theo ngôn ngữ tạo hình đồ họa, nét khái quát của kiến trúc tháp và nghệ thuật của điệu múa tạo nên dấu ấn chắt lọc tinh tế về tạo hình. Phương pháp tạo hình in khắc mika trên một bản in, kỹ thuật khắc bằng máy cắt nhựa để khắc, phương pháp thực hiện quy trình in ấn là nguyên lý in nổi. Chất liệu in khắc mika có tính biểu cảm sắc và mạnh về cấu trúc, ánh sáng, sắc độ đậm nhạt, hình khối, có liên tưởng kết nối đến những motif hoa văn hình tròn đơn giản, sắp xếp tập hợp tất cả những chấm tròn bằng nhau nhưng sắc độ khác nhau, khi tập hợp tổng thể trong hình tháp, không gian ước lệ của nền sẽ hiển thị tạo thành một tác phẩm tạo hình hiện đại. Dấu ấn điệu múa Chăm bên tòa tháp trong sắc độ đen trắng, cảm nhận thấy được vẻ đẹp tâm linh của văn hóa di sản, motif hoa văn là tín hiệu gắn kết ngôi tháp cổ và vũ nữ Apsara trở nên lung linh trong không gian Chăm huyền thoại.

Hình 5. Tác phẩm Hồn Chiêm đồng vọng, chất liệu in khắc mika, 62x91cm, tác giả Võ Quang Phát. (Nguồn: Triển lãm và giải thưởng mĩ thuật đồ họa năm 2024, Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)
Tác phẩm Miền Thánh địa, chất liệu bút sắt, 50x70cm của tác giả Tô Trần Bích Thúy [Hình 6]. Bút sắt là phương tiện tạo hình gọn nhẹ, thuận tiện cho họa sĩ sáng tạo, một thể loại bút pháp có ưu thế để đẩy sâu kỹ năng diễn tả, mang lại hiệu quả tổ hợp nét vẽ, tạo thành ngôn ngữ tạo hình của chất liệu bút sắt. Tác phẩm Miền Thánh địa thể hiện sự chuyên tâm, cần mẫn, kỹ thuật vẽ bút sắt tinh tế, điêu luyện, sử dụng các loại bút bi, bút kim trắng đen hoặc màu để kết hợp có hiệu quả trong lối vẽ, tạo chất cảm trong kỹ thuật tạo hình. Bố cục tác phẩm Miền Thánh địa tạo hình thể hiện theo lối đồng hiện, kết hợp yếu tố kiến trúc tháp và văn hóa tâm linh hòa quyện vào nhau, các chi tiết được diễn tả tỉ mỉ tạo nên các nhịp điệu trong tác phẩm, tái hiện các nét đặc trưng của tháp Chăm, được cấu trúc tạo thành không gian tâm linh bởi sự lặp lại các hoa văn ẩn hiện chồng chất tinh tế trong nghệ thuật Chăm và mỗi nét vẽ tỉ mỉ đan xen, hòa quyện cảm nhận sự linh thiêng, huyền bí, mang vẻ đẹp về giá trị lịch sử, tạo ra một liên kết sâu sắc trong tác phẩm Miền Thánh địa. Đồng thời thể hiện sự sáng tạo trong việc diễn tả các nét vẽ đan xen tạo ra ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại trong nghệ thuật tạo hình.

Hình 6. Tác phẩm Miền Thánh địa, chất liệu bút sắt, 50x70cm, tác giả Tô Trần Bích Thúy. (Nguồn: Triển lãm Asian Art Century năm 2025)
Tác phẩm Tiếng kèn Saranai của lão nghệ nhân Mỹ Sơn, chất liệu khắc thạch cao, 100x150cm, tác giả Nguyễn Tùng Ngọc [Hình 7]. Tiếng kèn Saranai (tiếng của người Chăm Pa) chỉ thổi trong các lễ hội, tiếng kèn Saranai còn là nhạc khí thiêng, gắn kết con người với thế giới thần linh. Kèn Saranai không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội quan trọng nào của người Chăm như Lễ hội đầu năm Rija Nưga, Lễ hội Katê… Nội dung tác phẩm diễn tả người nghệ nhân đang thổi kèn Saranai của dân tộc, mang đậm bản sắc của một vùng văn hóa mộc mạc, thuần khiết. Bố cục sắp xếp về chân dung của nhân vật lão nghệ nhân trong trang phục Chăm truyền thống, tay cầm kèn và lồng ghép hình tượng nghệ thuật các motif hoa văn tượng đá phong phú, ấn tượng vào không gian trong tranh tạo thành nhịp điệu ẩn hiện xung quanh nhân vật thổi kèn, thể hiện đời sống văn hóa của người Chăm.

Hình 7. Tác phẩm Tiếng kèn Saranai của lão nghệ nhân Mỹ Sơn, chất liệu khắc thạch cao, 100x150cm, tác giả Nguyễn Tùng Ngọc. (Nguồn: Vựng tập Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2006-2010)
Tác phẩm Tiếng kèn Saranai của lão nghệ nhân Mỹ Sơn sử dụng chất liệu khắc in thạch cao và phương pháp tạo hình in nổi trên một bản in, kỹ thuật khắc nét tách rời mảng, các thủ pháp nghệ thuật in theo mảng hình, không khắc bản nét, chỉ khắc bản mảng, sử dụng nền giấy đen để in, những nét khắc tách bản mảng sẽ không bắt màu và hiệu quả tác phẩm khái quát đơn giản. Các yếu tố tạo hình về bố cục, hình, nét, mảng, đậm nhạt khái quát đơn giản, thất liệu đồ họa in khắc thạch cao được khám phá và biểu đạt hiệu quả chất màu mộc mạc, ấm áp, mang giá trị nghệ thuật hiện đại. Ngôn ngữ tạo hình dứt khoát, chất tạo hình xốp, sử dụng màu đỏ, vàng, cam, xanh lục pha trộn vào nhau tạo ra một hòa sắc nóng, điểm trọng tâm chính là nhân vật thổi kèn trong trang phục màu trắng làm nổi bật hình tượng nghệ thuật sống động với sắc màu, cảm nhận có giá trị dẫn dắt về tâm thức. Biểu cảm nhân vật lão nghệ nhân đang thổi kèn vang vọng từ giữa trần gian và cõi tâm linh cho thấy một nét di sản văn hóa tâm linh của người Chăm từ ngàn xưa.
Những tác phẩm mĩ thuật sáng tác về những nghi lễ cầu an, các sự kiện độc đáo như lễ phục, kiệu rước, rước nước và Lễ hội Katê và những màn biểu diễn văn nghệ, âm nhạc truyền thống của người Chăm, những điệu múa Chăm… có giá trị thẩm mĩ làm cho đời sống văn hóa, nghệ thuật được nâng cao. Những hình tượng nghi lễ tôn giáo truyền thống của người Chăm được thực hiện tại các tháp với sự trang nghiêm và linh thiêng đã thu hút sự quan tâm của họa sĩ với di sản văn hóa. Đó là nền tảng, giá trị tinh thần, động lực tác động vào đời sống xã hội, thúc đẩy văn hóa, nghệ thuật phát triển, thể hiện nét đặc trưng của nghệ thuật di sản văn hóa trong đời sống tâm linh và sinh hoạt của người Chăm một cách phong phú và ấn tượng, lan tỏa đến cộng đồng, giúp hiểu sâu hơn về văn hóa Chăm Pa ở Thánh địa Mỹ Sơn.
3. Kết luận
Khu đền tháp Mỹ Sơn ở vùng đất Duy Xuyên, Quảng Nam là quần thể di sản độc đáo về kiến trúc lịch sử và văn hóa. Thánh địa Mỹ Sơn còn là nguồn cảm hứng sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật. Nơi đây đã và đang tạo lập các giá trị từ sáng tạo nghệ thuật tạo hình và giúp bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống, là giữ gìn nét văn hóa nguồn cội của dân tộc thông qua nhiều hình thức gắn với sự phát triển xã hội. Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa luôn có sự lưu truyền di sản truyền thống, tiếp cận với những dấu xưa còn lại để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ và giá trị văn hóa, lịch sử.
Khi sáng tạo làm mới cái cũ cần phù hợp với hiện tại, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa và bản sắc văn hóa, thúc đẩy phát triển trong môi trường văn hóa nghệ thuật. Những tác phẩm tạo hình đóng góp vào sự phát triển mĩ thuật và phát huy giá trị thẩm mĩ trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam. Nghệ thuật luôn đồng hành với văn hóa, sáng tạo tác phẩm mĩ thuật tạo hình như tiêu chí nâng cao đời sống tinh thần của mỗi cá nhân trong môi trường văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc di sản văn hóa, cùng với việc sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật phù hợp với tính kế thừa, giữa truyền thống và hiện đại, giữa tiên tiến và cổ truyền. Sự sáng tạo mĩ thuật với di sản văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn tạo nên sự sinh động, từ đó góp phần làm nên sức sống mới cho giá trị di sản văn hóa Chăm Pa.
Những tác phẩm của các họa sĩ sáng tác về di sản văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn có nhiều nội dung và hình thức thể hiện khác nhau ở các góc độ tạo hình, nét đẹp của di sản đã được khắc họa rõ nét về văn hóa Chăm Pa, lưu giữ dấu xưa, kết nối với quá khứ để tôn tạo và bảo tồn, lan tỏa và phát huy các di sản văn hóa trong cộng đồng xã hội, thúc đẩy văn hóa, nghệ thuật theo đúng hướng trong quá trình hội nhập đa lĩnh vực trên thế giới. Dấu ấn di sản văn hóa Thánh địa Mỹ Sơn có giá trị về tinh thần, phong phú màu sắc nghệ thuật Chăm Pa với những tòa tháp có đặc điểm kiến trúc khác biệt, cùng những nét văn hóa tâm linh, cho thấy kiệt tác về di sản văn hóa, ghi dấu một nền văn minh với sức sống trường tồn trong nền văn hóa Chăm Pa ở Quảng Nam, Việt Nam và thế giới.
Chú thích:
1 Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (2023), Vựng tập cuộc thi vẽ tranh Di sản Văn hóa Việt Nam qua Hội họa, NXB. Thế giới.
2 Quốc hội (2013), Luật Di sản văn hóa, NXB. Lao động.