HỒ VĂN HẢO - NGƯỜI MỞ LỐI CHO THƠ MỚI NAM BỘ

Bài viết giới thiệu về Hồ Văn Hảo - một nhà thơ xuất hiện từ buổi bình minh của phong trào Thơ mới ở vùng đất Nam Bộ với tâm thế trẻ trung, xông xáo, mạnh bạo và quyết liệt. Ông là một trong những cây bút tiên phong, có những đóng góp tích cực cho hành trình kiến tạo Thơ mới Nam Bộ nói riêng, tháp ngà Thơ mới dân tộc 1932-1945 nói chung.

 

   Hai thập niên đầu thế kỷ XX, trên vùng đất Nam Bộ, người yêu thơ thường nhớ đến những cây bút tiêu biểu như Lê Quang Chiểu, Nguyễn Quang Diêu, Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Ngọc Lầu, Trần Kim Phụng… Họ xuất thân từ Hán học, ảnh hưởng sâu sắc nền văn học từ chương nhưng bước đầu đã tiếp cận với kiến thức Tây học nên sáng tác được cả thơ bằng chữ Hán và thơ quốc ngữ. Về căn bản, có thể xem đây là thế hệ nhà thơ cuối cùng của dòng văn học chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng và văn hóa truyền thống – một dấu gạch nối giữa thơ ca truyền thống và thơ ca hiện đại buổi giao thời. Muốn dịch chuyển từ văn chương từ chương học và giáo huấn đã ngự trị hàng ngàn năm trên thi đàn dân tộc chuyển sang “văn chương thẩm mĩ, tôn sùng thành thực và tự do”1, đưa thơ ca Nam Bộ nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung đến một chặng đường phát triển mới, cần phải có một lực lượng sáng tác mới với những cây bút trẻ trung hơn, xông xáo hơn, mạnh bạo và quyết liệt hơn. Đứng trước sự đòi hỏi bức thiết ấy, ở vùng đất phương Nam đã vụt sáng những hồn thơ nguyện đi theo lối mới như Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh), Lư Khê, Khổng Dương, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Sơn Khanh, Huỳnh Văn Nghệ và đặc biệt là Hồ Văn Hảo – người đã đem đến cho Thơ mới Nam Bộ một tinh thần mới, tình mới, hồn mới và ngôn từ mới, góp phần đáng kể vào thành tựu Thơ mới ở Nam Bộ nói riêng, tháp ngà Thơ mới dân tộc nói chung.

   1. Hồ Văn Hảo - đời và thơ

   Hồ Văn Hảo sinh ngày 14/02/1917 tại làng Tân Quy Đông, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp hiện nay). Hồ Văn Hảo là một người yêu văn chương, làm thơ, viết phê bình và có biệt tài thổi sáo rất điêu luyện. Năm 1934, Hồ Văn Hảo đỗ bằng Thành chung, đoạt giải Nhất cuộc thi thơ bằng Pháp văn do Nha Học Chánh tổ chức. Năm 1935, ông cộng tác với Cao Văn Chánh tục bản tờ Phụ nữ tân văn, nhưng không lâu sau, tờ báo bị đóng cửa (chấm dứt ở số 273, 21/4/1935) vì những bài đả kích và châm biếm Phạm Quỳnh (lúc bấy giờ là Thượng thư ở triều đình Huế). Năm 1936, ông đỗ Thủ khoa Kế toán Phòng Thương mại Sài Gòn rồi làm việc tại Đông Dương ngân hàng. Đến năm 1945, Hồ Văn Hảo tham gia kháng chiến và bị Pháp bắt giam ngày 23/9/1945. Vào năm 1948, ông bị Sở Mật thám quản thúc tại Cam Bốt. Về sau, Hồ Văn Hảo mưu sinh bằng nghề kế toán với không ít thăng trầm. Năm 1968, ông lánh xa chốn thị thành, vui với cuộc sống điền viên chốn miệt vườn ở vùng Chợ Lách. Hồ Văn Hảo mất ngày 22/12/1985, tại Ấp Đại An, xã Đại Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

   Về sự nghiệp văn chương, Hồ Văn Hảo bén duyên với thơ ca từ rất sớm. Ông bắt đầu làm thơ từ 13 tuổi và chính thức góp mặt trên thi đàn năm 1933, khi đang theo học tại Trường Trung học Mỹ Tho, dưới sự khích lệ, động viên của Giáo sư Việt văn Trần Văn Hương. Năm 1933, trên tuần báo Phụ nữ tân văn, sau khi bài thơ Tình già của Phan Khôi được đăng tải, Hồ Văn Hảo đã thể hiện sự hưởng ứng tích cực phong trào sáng tác thơ ca theo lối mới bằng việc cho ra đời một loạt thi phẩm mới mẻ cả về nội dung lẫn hình thức, tiêu biểu nhất là hai bài thơ Tự tình với trăngCon nhà thất nghiệp. Tiếp sau đó, trên Phụ nữ tân văn văn số 211 (10/8/1933) xuất hiện một số bài thơ của Hồ Văn Hảo như Tình thâm, Thi nhân với cuộc đời… thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh và tinh thần đấu tranh xã hội mạnh mẽ. Tập Thơ ý (1950) được xem là thành tựu lớn nhất trong đời thơ Hồ Văn Hảo. Thơ ý ra mắt bạn đọc khi phong trào Thơ mới đã thoái trào, nhưng theo ghi chú thời điểm sáng tác thì tất cả 54 bài thơ trong tập thơ này đều được Hồ Văn Hảo sáng tác trong khoảng thời gian từ 1934 đến 1945, nghĩa là tập Thơ ý là một sản phẩm của Thơ mới nhưng ra mắt công chúng muộn màng nhất. Bên cạnh những tác phẩm trên, Hồ Văn Hảo còn có tập thơ Loạn lạc nhưng chưa được xuất bản. Trong tập thơ này, Hồ Văn Hảo ghi lại những cảm xúc, suy tư trước những biến cố đau thương của lịch sử dân tộc và thời đại. Ngoài sáng tác thơ, Hồ Văn Hảo còn đóng góp một số bài bình luận khá sắc sảo đăng trên Báo Phụ nữ tân văn như: Một kỷ nguyên mới trong văn học Việt Nam ta, số 285 (18/9/1934); Lối Thơ mới, số 205 (22/6/1933); Lối Thơ mới, số 208 (20/7/1933); Lối Thơ mới, số 210 (3/8/1933) thể hiện tinh thần và trách nhiệm của người cầm bút phương Nam đang đứng trước một hiện tượng “đời sống văn chương trở nên đặc biệt sôi nổi”2.

   Hồ Văn Hảo có một cuộc đời nhiều thăng trầm, biến cố bất ưng nhưng vẫn toát lên phong thái và một tâm hồn đẹp. Đời thơ Hồ Văn Hảo tuy không dài, không liên tục nhưng ông đã có những đóng góp tích cực cho Thơ mới Nam Bộ trong những ngày đầu. Hồ Văn Hảo luôn kỳ vọng vào những người làm thơ, yêu thơ đều được bước vào thế giới sáng tạo nghệ thuật riêng biệt, độc đáo của chính mình. Đó là niềm mong mỏi của một người nghệ sĩ chân chính có thiện ý muốn thổi luồng sinh khí mới vào thơ ca dân tộc để từ đó mở ra những con đường rộng lớn hơn, cao xa hơn cho cảm xúc thăng hoa bằng đôi cánh phóng khoáng của nghệ thuật. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu góp phần mở lối cho quá trình định hình và phát triển của Thơ mới Nam Bộ. Thơ ông hòa quyện giữa chất trữ tình thắm đượm với chất thế sự đời thường tạo nên một dòng riêng giữa nguồn chung của phong trào Thơ mới dân tộc.

   2. Hồ Văn Hảo - người mở lối cho Thơ mới Nam Bộ

   Là một người yêu thơ lại sinh trưởng trong bối cảnh xã hội đã và đang diễn ra cuộc đụng độ, gãy đứt giữa hai nền văn hóa hóa Đông - Tây, Hồ Văn Hảo có dịp đắm mình trong sự vận động dữ dội của đời sống văn hóa tinh thần trên vùng đất mới phương Nam. Sớm bén duyên với thơ ca nên khi đứng trước khúc quanh lịch sử quan trọng ấy, Hồ Văn Hảo có điều kiện để thể nghiệm, phát huy năng lực văn chương và bộc lộ niềm khát vọng mãnh liệt hướng về chân trời mới của sáng tạo nghệ thuật. Với tâm thế trẻ trung, xông xáo, mạnh bạo và quyết liệt, với niềm khát vọng hướng về chân trời mới của thơ ca kết hợp với “những biến động về lịch sử xã hội, môi trường dân chủ và ảnh hưởng nền giáo dục hiện đại, sự phổ cập của chữ quốc ngữ, xuất bản và báo chí phát triển mạnh”3, Hồ Văn Hảo đã tạo dựng cho mình một lối thơ diễn hết tâm hồn một cách xác thực. Với sự nỗ lực sáng tạo, ông đã đóng góp cho Thơ mới Nam Bộ những vần thơ mang dấu ấn phong vị lãng mạn của Tây phương: một thoáng buồn; một hương tình ngọt ngào lãng mạn; một bức tranh thiên nhiên với sắc điệu riêng của vùng đất phương Nam và đặc biệt là một hồn thơ đậm màu sắc thế sự, thấm đẫm chất đời. Hồ Văn Hảo đã đi từ cảm thức hướng nội, chú tâm vào sự giãi bày cái tôi cá nhân đến cảm thức hướng ngoại, quan tâm đến số phận của con người và dân tộc, góp phần mở rộng biên độ phản ánh cho Thơ mới ở vùng đất phương Nam.

   Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, Hồ Văn Hảo dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề hiện đại hóa thơ ca, nhưng ông không xem thơ ca là sự nghiệp chính của mình, không có bút danh riêng và số lượng tác phẩm để lại cũng không nhiều nhưng cũng đủ để lại dấu ấn trong tâm thức người yêu thơ. Hai bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên Phụ nữ tân văn, số 208 (20/7/1933) là Tự tình với trăngCon nhà thất nghiệp như một sự hô ứng, đồng vọng với niềm khao khát cách tân thơ Việt của Phan Khôi. Hai thi phẩm của Hồ Văn Hảo vừa mới đăng đàn đã được nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh) dùng nó để “trình bày và phân tích trong một buổi diễn thuyết sôi nổi tại nhà Hội Khuyến học Nam Kỳ”4 nhằm làm sáng tỏ những luận điểm về tính mới mẻ, tính đột phá nguồn cảm hứng của Thơ mới. Từ buổi diễn thuyết của nữ sĩ Manh Manh, công chúng bạn đọc đã quan tâm nhiều hơn đối với thơ Hồ Văn Hảo. Nhận xét về bài Con nhà thất nghiệp của Hồ Văn Hảo, nữ sĩ Manh Manh bày tỏ “người ta cho là chẳng phải thơ, chỉ vì chẳng phải than thân trách phận, tả cảnh hoa tàn nguyệt xế, suối chảy chim ngâm, mà là một cảnh thiết thật, một cảnh khổ có thật trong đời: người thất nghiệp… Có lẽ trong thơ văn, người cu li ở trần quần vắn là một động vật không có gì lãng mạn chăng? Có lẽ cái bi kịch của một người nghèo khó phải đi ăn trộm “hụt”, chúng hay được la “ăn trộm” rồi anh chạy trốn, bi kịch ấy không gì lạ đáng để ý chăng?”5. Bài thơ vừa xù xì về ngôn từ, vừa trần trụi về hiện thực vừa hài hước và phá cách đã tạo được ấn tượng nơi người đọc thông qua sự cảm nhận và lập luận sắc sảo từ một nữ sĩ “có tài và có gan”6 từ buổi bình minh của Thơ mới Nam Bộ đã góp phần “làm sáng thêm giá trị của đời thơ Hồ Văn Hảo”7. Nếu bài Tình già của Phan Khôi mang tính chất châm ngòi cho Thơ mới thì đến hai bài thơ Con nhà thất nghiệpTự tình với trăng của Hồ Văn Hảo đã “cho thấy một xu hướng cách tân thể loại từ sự phối kết sâu sắc giữa cốt lõi tư tưởng và sự vận động của cách cấu tứ mới. Tư tưởng mới, cấu tứ mới mở ra một con đường sáng tạo mới”8 cho Thơ mới Nam Bộ. Là một bài thơ trữ tình nhưng chất tự sự, hình thức văn xuôi và nhịp điệu thơ được lạ hóa cũng ghi nhận sự phá cách trong sáng tạo nghệ thuật thơ Hồ Văn Hảo. Ở một bình diện khác, qua bài thơ này, Hồ Văn Hảo còn góp phần vào việc mở rộng biên độ phản ánh của thơ: “không chỉ là mở rộng câu thơ, khổ thơ mà điều quan trọng nhất là mở rộng phạm vi phản ánh của thơ: thơ không phải chỉ có mây gió trăng hoa, mà còn có thể có cả thất nghiệp với cơm áo gạo tiền”9 mang đậm chất hiện thực.

   Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, Hồ Văn Hảo luôn thiên về tìm ý, tạo ý cho thơ, đúng như lời Đông Hồ từng nhận xét khi đọc tập Thơ ý: “ý thơ nho nhỏ, tả những tình những ý xinh xinh, nhẹ nhẹ, và tế nhị,… Những cảnh sông nước hiền lành, quanh năm không gợn sóng,…”10. Tất cả những điều đó cho thấy niềm say mê và sự nỗ lực không ngừng của Hồ Văn Hảo trong hành trình tìm kiếm nguồn cảm hứng và cách thức biểu hiện mới nhằm cách tân thơ Việt.

   Hồ Văn Hảo đã đi từ thực tiễn sáng tác đến đúc kết lý luận. Ông mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình về sự vận động của đời sống thơ ca và vai trò của người cầm bút. Với Hồ Văn Hảo, thơ ca phải “mỗi thời mỗi khác nhau. Nó là triệu chứng của sự tiến hóa, dầu rằng sự tiến hóa ấy với ta là quá chậm trễ” (“Một kỷ nguyên mới trong văn học ta”, Báo Phụ nữ tân văn, 1934). Theo ông, những đổi thay của văn học theo yêu cầu của thời đại là tất yếu, cố nhiên phải có nên ‘‘thi sĩ bây giờ cần một lối thơ có thể diễn hết tâm hồn một cách xác thực. Muốn vậy, phải bỏ lối Đường thi là lối cổ điển không còn thích hạp nữa” (“Một kỷ nguyên mới trong văn học ta”, Báo Phụ nữ tân văn, 1934). Lời khẳng định của Hồ Văn Hảo trong thời điểm mà phong trào cải cách thơ ca theo lối mới đang dấy lên mạnh mẽ ở Nam Bộ đã cho thấy sự nhạy bén của một cây bút thơ đầy nhiệt huyết, bám sát thực tiễn đang hăm hở tìm kiếm một lối đi mới cho thơ nhằm đáp ứng mau lẹ thị hiếu thẩm mĩ của công chúng bạn đọc và sự phát triển của xã hội. Hồ Văn Hảo quả là người đã cất lên tiếng đàn cho Thơ mới Nam Bộ ngân vang.

   3. Hồ Văn Hảo - người dệt nên bức tranh thơ về thiên nhiên Nam Bộ

   Thiên nhiên là yếu tố cơ bản thuộc phạm vi địa văn hóa, là không gian sinh tồn của con người và cũng là nơi khởi nguồn cho xúc cảm sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Thông qua bức tranh thiên nhiên, nhà thơ có điều kiện để ký thác, giãi bày những cảm xúc trữ tình một cách trọn vẹn nhất. Hồ Văn Hảo cũng không ngoại lệ. Là người con của vùng đất phương Nam, ông có điều kiện để thẩm thấu nét đặc thù của miền quê sông nước tươi đẹp, trữ tình để rồi từ đó những hình ảnh quen thuộc đã trở thành chất liệu giúp ông dệt nên bức tranh thơ về thiên nhiên và gửi gắm tâm tình.

   Thiên nhiên trong thơ Hồ Văn Hảo gắn liền với những hình ảnh mang đậm phong vị miền sông nước hiền hòa, êm dịu, nên thơ: “Nước trong lượn khúc không cùng/ Lững lờ trôi giữa hoa rừng trăm hương” (Đồng quê). Bức tranh quê là khoảng không gian vô cùng, vô tận trong cái mênh mông của nước; vừa êm dịu, mềm mại trong dáng vẻ lững lờ trôi của những con nước hiền hòa, vừa lãng mạn, tình tứ khi con sông quê như biết tự điểm tô cho mình bằng trăm thứ hương thơm của các loài hoa. Dòng sông thơ ấy chỉ có thể là sản phẩm của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, tha thiết với quê hương xứ sở.

   Sự hòa phối tuyệt diệu của những yếu tố thiên nhiên đã tạo nên cho vùng đất phương Nam một không gian êm ả, hiền hòa, tươi vui, đầy sức sống, đúng như lời nhận xét của Bình Nguyên Lộc: “Nước ở đây hiền lắm. Nước với đất là bạn nhau đó. Đất không phải là chướng ngại vật của nước. Nước dịu dàng len lỏi theo đất. Nước mang phù sa mà bồi đất. Đất ấp ủ nước trong lòng như âu yếm tình nhân. Rồi đời đời kiếp kiếp nước kết hợp thành hoa màu để nuôi dưỡng những đứa con biết yêu thương nó”11, Hồ Văn Hảo cảm nhận thiên nhiên như nguồn sinh khí của tâm hồn, và như một lẽ tự nhiên, phong vị quê hương đậm đà ấy đã thấm đượm trong từng câu chữ: “Qua cửa sổ, gió lùa bao sinh khí/ Lá và hoa cợt với nắng hanh vàng/ Chim trên cành vui cất tiếng ca vang/ Không khí hợp chất gì trong trẻo quá” (Có lẽ nào?). Cũng dễ hiểu vì sao khi đọc thơ Hồ Văn Hảo, người đọc không khó để bắt gặp những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng, nên thơ như thế. Mỗi hình ảnh thiên nhiên được gợi lên là một phạm vi không gian sinh tồn, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con người bao thế hệ.

   Thiên nhiên trong thơ Hồ Văn Hảo có sự hòa quyện, gắn kết lạ thường nên cỏ cây, vườn tược, núi đồi, sông biển, ruộng đồng… vừa là không gian thực vừa là bạn tâm giao, là cầu nối gắn kết con người với vũ trụ. Một buổi sáng, người thơ như bất ngờ trước sự vui tươi, trong trẻo của đất trời: “Sáng nay trời ửng bốn phương/ Mây hồng mây tím tưng bừng khoe tươi/ Gió đông trong lá vang cười/ Cành tre chim hót, họa lời ái ân” (Một buổi sáng). Phép nhân hóa, liên tưởng là phương thức để nhà thơ ký thác vào bức tranh thiên nhiên ấy niềm rạo rực, khao khát yêu thương. Bức tranh ngoại cảnh đã chuyển hóa thành bức tranh tâm cảnh. Cái nắng ửng, mây hồng, chim hót, gió đông vang cười ấy cũng chính là nhịp đập của một trái tim yêu đang rạo rực với cảm xúc ngọt ngào. Thiên nhiên còn là phương tiện để nhà thơ chuyển tải những cảm xúc yêu đương, say ngất men tình: “Không khí rộng, thơm tho và trong trẻo/ Hãy vào đây lồng đôi phổi thắm tươi/ Hỡi gió lên? Ngươi chất chứa muôn trời/ Lại mơn trớn làn da và thớ thịt/ Chun trong lá, ngươi sẽ cười khúc-khích/ Đưa cành hoa lả dịu đón chào xuân/ Mầm yêu đương tuôn gội khắp vườn trần/ Đem nhụy phấn ướp say lòng son trẻ” (Gió).

   Thiên nhiên trong thơ Hồ Văn Hảo dường như còn mang cả nhịp thở của thời đại, hòa cùng nhịp chân rộn ràng của những hướng đạo sinh căng tràn sức trẻ: “Nắng buổi mai tưng bừng chen cỏ gấm/ Hương muôn hoa nương gió mới trong ngàn/ Không khí loãng thấm qua hồn chậm chậm/ Nỗi vui gì reo dậy nức không gian” (Trên đường). Những cảnh sắc quen thuộc của quê hương với ruộng đồng chan hòa nắng, trời nước trong veo, chim hót rộn ràng, nay trở nên tràn đầy nguồn hứng khởi, vang dậy dư ba của cuộc đời an lạc, sum vầy. Tinh thần lạc quan được nhen nhóm, nỗi khao khát đổi thay cuộc đời được đánh thức giữa hiện thực xã hội tối tăm đã góp phần tạo nên sự lấp lánh chất nhân văn cho thơ Hồ Văn Hảo.

   Hình tượng thiên nhiên trong thơ Hồ Văn Hảo không chỉ dừng lại ở niềm vui, hạnh phúc mà còn chở nặng nỗi buồn – dấu ấn đặc thù của Thơ mới. Bức tranh quê êm ả, tĩnh lặng luôn tồn tại như bản chất của nó nhưng khi đi vào bài thơ Nhớ xưa của Hồ Văn Hảo đã trở thành một miền hoài niệm, u buồn: “Ngày nay, gió vẫn lay cành/ Nắng vàng uể oải, mái đình tiêu sơ/ Rặng tre tóc xỏa bơ phờ/ Vẫn đàn ngỗng trắng ven hồ rỉa lông/ Tiếng gà vẫn gáy bên sông/ Tiếng cu rủ rỉ buồn buồn như xưa” (Nhớ xưa). Gió vẫn lay cành, vẫn với rặng tre, đàn ngỗng trắng, tiếng gà… rất đỗi quen thuộc nhưng nay đã là nỗi nhớ, một nỗi nhớ nhung mơ hồ, xao xác. Nỗi buồn như giăng mắc, phủ đầy không gian một miền quê khiến cho bức tranh ngoại cảnh đã chở nặng nỗi sầu nhân thế. Đọc Nhớ xưa của Hồ Văn Hảo ta lại thấy vang vọng âm hưởng của thơ Lưu Trọng Lư: “Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không” (Nắng chiều).

   Thiên nhiên dường như đã trở thành người bạn tâm giao của thi nhân và là nơi lưu giữ những gì thân thương nhất của quê hương xứ sở. Thiên nhiên như nói hộ nhà thơ những mỗi niềm thầm kín, những điều u uất, sầu não khó diễn tả bằng lời: “Cây im lặng. Trên bờ đê, vắng vẻ/ Gió không đi; mây xám nặng tứ bề/ Trời âm u, giờ phút kéo lê thê/ Hồn uể oải như dòng sông nước đọng” (Chán nản). Và đôi khi cánh buồm, hàng bần ven sông đứng chờ con nước cũng thấm đẫm nỗi buồn, sự lạc lõng, bơ vơ đến đỉnh điểm của hồn thơ họ Hồ: “Mặt trời đã khuất ven sông/ Con thuyền gác mái xuôi dòng lửng lơ./ Cánh buồm bạt gió bơ phờ/ Hàng bần ủ rũ đứng chờ nước dâng” (Đìu hiu). Tâm trạng ưu tư, sầu man mác, lạnh cả cõi lòng còn được thi nhân gửi gắm qua hình ảnh thiên nhiên trong bài Gió bấc. Đó là cái lạnh lẽo của kẻ “Lòng gởi chăn bông vẫn lạnh lùng” như nhuộm màu buồn cho cả bờ lau xơ xác, nước tràn sông, thuyền không bến, buổi “hoàng hôn giục én bay” với “hương buồn lướt qua cây”… Cách diễn tả nỗi buồn trong thơ Hồ Văn Hảo còn vương đọng chút “hồn xưa” nên từ cảm hứng thơ đến những hình ảnh thiên nhiên đều mang màu sắc ước lệ như một niềm hoài cổ đã làm cho “Cả một thời xưa đọng ở đây” (Gió bấc). Phải chăng thiên nhiên từ vạn cổ đã u sầu hay chính là nỗi buồn khởi phát tự trong lòng người mà lan tỏa ra không gian? Chỉ biết rằng cách gieo sầu vào thiên nhiên, buồn với thiên nhiên là sự giải tỏa tâm lý mang tính đặc thù của cái tôi cô đơn thời Thơ mới. Đọc thơ Hồ Văn Hảo giúp ta liên tưởng đến những vần thơ đong đầy tâm trạng của Huy Cận trong bài Tràng giang: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Dù ở hai không gian, hai cảnh huống khác nhau nhưng lại đồng điệu về tâm hồn của những thi nhân đương thời đang rơi vào tình cảnh bế tắc, “đương bơ vơ đi tìm người thi nhân của mình như con đi tìm mẹ”12.

   Bức tranh thiên nhiên trong thơ Hồ Văn Hảo được tạo dựng bằng hệ thống hình ảnh gần gũi, quen thuộc của miền quê sông nước êm đềm. Thiên nhiên là điểm khơi nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của thi nhân. Từ cảm thức về thiên nhiên, Hồ Văn Hảo đã gửi gắm những cung bậc cảm xúc phức hợp: sự hồ hởi, vui tươi; niềm khao khát, rạo rực yêu đương; phảng phất tinh thần lạc quan và đọng lại sau cùng là nỗi buồn trĩu nặng. Đó là biểu hiện sâu sắc, chân thành nhất của một tâm hồn tha thiết gắn bó với quê hương xứ sở và niềm khát khao sáng tạo nghệ thuật đầy trách nhiệm của Hồ Văn Hảo.

   4. Hồ Văn Hảo - người dấy lên khúc nhạc về tình yêu đôi lứa

   Cùng với các nhà Thơ mới Nam Bộ, Hồ Văn Hảo đến với thi đàn để được tự do giãi bày xúc cảm đang căng đầy lồng ngực. Vì thế, khi viết về mảng thơ tình, ông không hề giấu giếm, che đậy xúc cảm yêu đương mà trái lại còn bày tỏ một cách tự nhiên mọi cung bậc cảm xúc của một tâm hồn yêu đương say đắm, ngọt ngào nhưng cũng không ít buồn đau sầu lụy tơ vương.

   Tiếp cận thơ Hồ Văn Hảo ta bắt gặp tâm hồn của một con người vừa bén lửa tình nao nao nhiều xúc cảm đáng yêu, lúc ngẩn ngơ buồn, khi thẫn thờ, lo sợ nhưng cũng rất chân thành: “Yêu là nhớ thẫn thờ qua hơi gió/ Nao nao buồn cười khóc nỗi bâng quơ/ Trông ngày mai đem đến chuyện không ngờ/ Sợ nơm nớp vì những điều thổ lộ” (Yêu). Nhưng bao giờ cũng vậy, tình yêu thường bắt đầu với những cung bậc cảm xúc đê mê, êm dịu, dù chỉ là trong cái tình mộng, tình mơ: “Rồi gặp Nàng đi đến cạnh ta/ Yêu kiều vẻ ngọc, miệng cười hoa/ Đón chào, ta thấy môi e ấp/ Đâu những lời nhung nghĩ bữa qua?” (Nàng). Đó là lúc tình yêu mới chớm nở trong tâm hồn còn nhiều vụng dại. Cái vụng theo kiểu môi ngập ngừng nhưng chẳng nói thành câu, gặp được nhau là quên vạn nỗi sầu. Tình yêu buổi đầu đời dẫu còn ngại ngùng, nhút nhát nhưng cũng không kém phần mãnh liệt. Chàng trai si tình ấy dẫu có e dè nhưng vẫn kịp cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt mĩ toát ra từ lời nói đến câu ca, từ khuôn mặt tựa trăng rằm và hàm răng trắng muốt toát ra từ người con gái anh yêu: “Tiếng nàng hát, trong veo tràng chuỗi ngọc/ Lời dịu dàng, hơi nhẹ lướt nhung êm/ Mặt tròn xinh, duyên bóng nguyệt bên rèm/ Môi nho nhỏ và hàm răng trắng muốt” (Tình đầu).

   Khi yêu, chàng trai trong thơ Hồ Văn Hảo không hề giấu giếm sự si mê, trân trọng trước vẻ đẹp hình thể của người con gái kiều diễm. Vì thế, không ít lần Hồ Văn Hảo đã ngợi ca vẻ đẹp của người yêu bằng những mĩ từ, xem nàng mĩ nữ như pho tượng nữ thần Hy Lạp, như “Xuân đẹp hoàn toàn”, là “chúa muôn tiên” và “Khắp thân Nàng là cả động Đào nguyên” (Mỹ nữ); là thiếu nữ với “sắc diễm lệ… tiếng cười giòn…” tựa hồ “giai nhân tự nghìn xưa say đắm/ Dấu mơ huyền còn sót của muôn tiên/ Vương ái ân rời bỏ động Đào nguyên” (Hương). Có thể nói, vẻ đẹp hình thể của người thiếu nữ là điểm khởi đầu, khơi nguồn cho cảm xúc tình yêu dâng trào trong thơ tình Hồ Văn Hảo.

   Với Hồ Văn Hảo, tình yêu là phải mê đắm, phải ảo diệu, thiêng liêng, dù mối tình ấy chưa tròn vành rõ nghĩa, chỉ là thoảng hương mơ hồ, “án mờ sương tỏa” nhưng cũng khiến cho người thơ ngây ngất, say mê. Ngay cả khi tình yêu ấy chỉ còn là dư hương của thời quá vãng nhưng vẫn neo đậu hương yêu, nghẹn lòng bao nuối tiếc, ngất ngây ngọt lịm với “mùi thơm dĩ vãng”: “Sắc diễm lệ, hay tiếng cười giòn giã/ Món quà ngon do tay dịu kính mời/ Ta hình dung còn thoáng đượm êm tươi/ Mặc thời khắc áng mờ như sương tỏa/ Nhưng, hương phấn, thiêng liêng, không thể tả/ Đã lướt qua là mất hẳn dư hương/ […] Ngày rực rỡ, đầy thơ và ánh sáng/ Đính bên lòng nhờ chút vị say sưa/ Ta về nguôi theo gió ướp hương thừa/ Sau người đẹp rải mùi thơm dĩ vãng” (Hương).

   Nhân vật trữ tình trong thơ Hồ Văn Hảo khi yêu luôn thể hiện sự thành thật đến khẩn thiết, si mê đến ngẩn ngơ nhưng so với nồng độ tình yêu trong thơ tình Xuân Diệu thì vẫn còn ẩn chứa nhiều nhiều dè dặt và kín đáo: “Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt/ Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng/ Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng/ Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!” (Xa cách). Phải chăng đó là cách yêu của một chàng trai trẻ mới bén lửa tình còn nhiều vụng dại có nét tương đồng với nhân vật trữ trong thơ Xuân Diệu thuở ban sơ: “Em bước điềm nhiên không vướng chân/ Anh đi lững đững chẳng theo gần/ Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu/ Anh với em như một cặp vần” (Thơ duyên).

   Dẫu chưa một lần người đọc bắt gặp nhân vật trữ tình trong thơ Hồ Văn Hảo thỏa thê niềm ân ái say nồng trong hương lửa tình yêu nhưng người thơ ấy vẫn không hề thiếu nguồn năng lượng yêu đương đắm say, ngọt ngào. Phải chăng chính cái say đắm mà nhẹ nhàng, mãnh liệt mà dè dặt, kín đáo đã tạo nên dấu ấn riêng, sắc điệu riêng cho thơ tình Hồ Văn Hảo?

   Tình yêu vốn dĩ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, có non nớt ngọt ngào, có sầu thương rớm lệ, ám ảnh về sự mong manh dễ vỡ… nên thơ tình của Hồ Văn Hảo cũng không vượt thoát quỹ đạo ấy. Ngọt ngào đấy rồi đến lúc cũng phải đón nhận “chết trong lòng một ít” (Yêu - Xuân Diệu) – cái chết đột ngột và lạ lùng của những hân hoan say nồng để nhường chỗ cho nỗi ngao ngán buồn tẻ lúc chia ly. Thứ ái tình không trọn vẹn đam mê đã trở thành thủ phạm khiến hồn người tái tê, sầu lụy, chán chường, cô đơn rợn ngợp: “Gió đông đến tưng bừng chim gọi bạn/ Nắng vàng lên rực rỡ bướm tìm hương/ Lòng cô đơn như khách lạ qua đường/ Ta bước mãi trong chiều thu vô hạn” (Ngại ngùng). Bốn câu thơ có một sự đối lập giữa tâm cảnh và ngoại cảnh. Vạn vật thì hiện nguyên “tưng bừng”, “rực rỡ” còn lòng người thì quá đỗi “cô đơn”, cảnh vật càng vui tươi thì nỗi buồn trong lòng người càng nặng nề, thấm thía khiến cho nhân vật trữ tình đang đi giữa mùa đông băng giá mà cứ ngỡ mình chìm giữa “chiều thu vô hạn”.

   Không được đáp lại tình yêu, nhân vật trữ tình ôm trọn trong lòng cái “chiều thu vô hạn”, gặm nhấm nỗi buồn đau, tuyệt vọng vì trót dính phải lưới tình đơn phương một cõi. Kẻ tình si đang sống giữa nhân gian mà cứ ngỡ như mình đã chết, ráng gượng cười mà nước mắt thấm vào tim, cuộc sống đối với nhân vật trữ tình dường như chỉ là sự tồn tại vô nghĩa lý: “Nay là phút lòng tôi chia đôi ngả/ Bên thì nghe tiếng gọi của tử thần/ Bên gượng cười nấn ná cảnh trời xuân/ Hoa trong lọ sắp tàn còn ráng nở” (Có lẽ nào?).

   Dù là tình yêu say đắm hay bâng quơ, tình ngang trái hay đơn phương vụng dại thì khi chia ly cũng đều chở nặng nỗi sầu thương. Chìm vào nỗi đau của một tình yêu đơn phương không hồi kết, có lúc người thơ của Hồ Văn Hảo ngỡ mình thành kiếp Dã tràng, đã hoài công, uổng sức bởi hai chữ lụy tình: “Dã tràng thay mấy công phu/ Chim ngàn lạc hướng biết đâu bay về” (Dã tràng). Và còn đau đớn hơn khi nhân vật trữ tình phải ôm trọn trong lòng một mối tình câm lặng, ngậm ngùi, từ bỏ mọi lạc thú ở đời và chìm vào cảm giác chết trong khi mình đang sống: “Chết giữa lúc ngày xanh còn rực rỡ!/ Chết khi lời chưa trút cạn tâm can/ Của ái ân chưa dạo một cung đàn/ Của da thịt chưa nếm mùi hương phấn” (Có lẽ nào?).

   Hồ Văn Hảo khá tinh tế, khéo léo khi diễn tả những nỗi niềm riêng sâu kín nhất của một trái tim yêu. Không chỉ dừng lại ở sự rung động e ấp, nồng nàn của buổi ban đầu vụng dại mà còn là những chuỗi tâm trạng buồn đau, tuyệt vọng nối tiếp nhau khi tình yêu không trọn vẹn nhưng dù hạnh phúc ngất ngây hay đau khổ tận cùng thì thơ ông vẫn luôn trong sáng, thánh thiện, thấm đẫm sắc màu mĩ cảm, tạo nên những áng thơ tình mang âm hưởng riêng, độc đáo, góp phần làm phong phú thêm cho Thơ mới Nam Bộ từ những ngày khởi thủy.

   5. Hồ Văn Hảo - người tạo “chất đời” cho Thơ mới

 Nam Bộ Hồ Văn Hảo được xem là một trong những nhà Thơ mới tiêu biểu ở Nam Bộ luôn nhạy cảm, tích cực và quyết liệt theo cái mới. Ông hướng ngòi bút của mình sang mảng thơ ca có màu sắc đấu tranh xã hội trong khi cảm quan lãng mạn đang tuôn chảy trong tâm hồn của hầu hết những thi nhân “ưa màu xanh nhạt” đương thời. Hồ Văn Hảo nhận thức rất rõ về mối quan hệ giữa cảm hứng lãng mạn và hiện thực. Với ông, hai nguồn cảm hứng này không hề đối lập mà ngược lại, chúng có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau, thúc đẩy quá trình tìm đến “nấc thang tấn hóa” cho thơ Việt. Ông cho rằng: “Mộng hồn cùng hy vọng đi đôi/ Đời sanh mộng, mộng tô đời/ Nấc thang tấn hóa đưa người lên cao” (Thi nhân với cuộc đời).

   Xuất phát từ cảm thức ấy nên trên từng trang viết của Hồ Văn Hảo, cảm hứng trữ tình thế sự luôn chiếm một tỉ lệ nhất định. Nếu Tự tình dưới trăng là bài thơ đầu tiên còn nhiều rụt rè, non nớt thì trong bài Thi nhân với cuộc đời đã có một Hồ Văn Hảo trưởng thành hơn, xác tín hơn về tính nhân sinh của thơ ca, nhất là thơ ca của một thời kỳ lịch sử xã hội không hề bình yên ở đất Nam Bộ lúc bấy giờ. Vì thế, cũng dễ hiểu vì sao trong thơ ông thường xuất hiện những hình ảnh thơ giàu giá trị biểu cảm có tác dụng lay tỉnh lòng người, chẳng hạn như: “Ngọn đèn leo lét/ Xác xơ một nóc nhà tranh/ Ngoài, trời mưa xào xạc/ Gió tạt/ Vào vách thưa/ Mấy hạt mưa/ Mảnh mùng tơi tan tác…” (Con nhà thất nghiệp). Những hình ảnh ấy có khả năng gợi nhắc, bừng tỉnh nơi người đọc về một cảnh đời nghèo nàn, xơ xác, lạnh lẽo, tối tăm mà họ có khả năng đã từng nếm trải. Đồng thời còn mang tính dự báo, cảnh tỉnh con người thời đại về sự xuất hiện một dạng thức xã hội với cảnh đời oái oăm, bần cùng, bế tắc trong tương lai gần bởi khi phải sống trong xã hội thuộc địa thì cái nghèo hèn không là ngoại lệ với bất kỳ ai.

   Người đọc dễ nhận thấy trong thơ Hồ Văn Hảo số phận người lao động buổi giao thời cùng với cái nghèo khó, khổ đau, bất ưng của tầng lớp bình dân thường xuất hiện với tần số rất cao. Đó có thể là hoàn cảnh của người thợ bị thất nghiệp dẫn đến cuộc sống bi đát của cả một gia đình: “Thôi bây giờ tiền đâu mua thuốc/ Cho con, thôi chết nỗi đây trời/ Túng quá mới sanh nghề nhơ nhuốc/ Chắc mai đây nhịn đói lắm, mình ơi/ Hồi làm cu li/ Đến mua, tiệm còn bán chịu/ Nay sở đã đuổi ra, thì/ Một đồng điếu/ Họ cũng bảo: Đi!” (Con nhà thất nghiệp). Lời thơ trải dài ra rồi thắt lại, ngắt quãng như tiếng uất nghẹn của anh thợ thất nghiệp, cũng là tiếng lòng đầy chua xót của chính nhà thơ trước tình cảnh trớ trêu, bi đát của phận người.

   Cảnh thất nghiệp đã kéo theo cái khổ của những đứa trẻ con nhà nghèo. Tiếng thơ như tiếng lòng uất hận trước sự hờ hững của con người. Tác giả không ngần ngại sáng tạo một phép đối ngẫu nho nhỏ làm câu thơ nhịp nhàng nhưng đong đầy vị cay đắng của một tình cảnh khốn khổ, cô đơn giữa sự hờ hững từ tạo vật đến con người: “Ngoài, mưa vẫn xào xạc/ Trong, đứa bé ho ran/ Ngọn đèn tàn/ Hết dầu nên lu lạt…” (Con nhà thất nghiệp). Cách gieo vần và chọn thanh điệu cuối câu thơ cũng thật tự nhiên và phóng khoáng. Lời ăn tiếng nói hằng ngày được sử dụng một cách tự nhiên khiến cho yếu tố đời đã thấm đượm chất thơ khi nó được sử dụng để thể hiện sự sa sút, lụi tàn của kiếp người lao động buổi giao thời. Những dòng thơ ngắn không cân bằng nhau về số chữ nối nhau như liên tiếp liệt kê những nỗi đau của một đứa trẻ mồ côi mẹ, rồi lại đột ngột chuyển sang lục bát vần điệu ảo não như một lời sẻ chia, đồng cảm khi kết thúc bài thơ: “Đứa bé dàu dàu/ Trông tuồng ngơ ngẩn/ Dưới vuông khăn trắng/ Hai má ướt đầm…/ Cô phần một nấm ngàn năm/ Rằng: đây có mảnh tình thâm chôn vùi (Tình thâm).

   Bên cạnh sự đồng cảm trước nỗi đau khổ của phận người, Hồ Văn Hảo còn phản ánh chân xác bộ mặt thật của đời sống đô thị bằng những lời thơ đầy cảm thán và mỉa mai: “Đây, không khí chỉ làm bằng khói bụi/ Nồng hơi xăng, cống rác, lẫn hơi người/ Bước giai nhân dù để phấn hương rơi/ Gió không chỗ ấp yêu mùi đắm đuối/ Sau dinh thự tôn nghiêm và rực rỡ/ Cất trên mồ im lặng của đau thương/ Ôi mỉa mai còn những xóm u buồn/ Người bệnh tật, kẻ lầm than đói khổ/ Họ chen chúc trong phố phường ẩm tối/ Hay lang thang tìm mãi miếng cơm ôi/ Khi cao lâu hội khách bốn phương trời,/ Mầm ghê tởm mang theo cùng trao đổi” (Thành thị). Đời sống hiện thực được phơi bày trong Thành thị mang hai đối cực tương phản gay gắt: cao sang - ngột ngạt, giàu có - đói khổ, tôn nghiêm - dối trá. Sự đối lập đến “mỉa mai” và vẻ sang trọng, tôn nghiêm giả tạo như một thứ “mầm ghê tởm” trở thành hiện tượng phổ biến, một hệ quả tất yếu của trật tự xã hội đang phân tầng sâu sắc.

   Vẫn một tinh thần nhân đạo gắn với khuynh hướng nghệ thuật vị nhân sinh, Hồ Văn Hảo đã thể hiện thái độ phê phán khá gay gắt sự giả dối đến ghê tởm của con người trong buổi giao thời, nghiêm khắc chỉ ra hậu quả khôn lường của lối sống giả tạo, ưa hưởng thụ là mầm mống làm băng hoại giá trị đạo đức, nhân phẩm của một bộ phận thanh niên thành thị: “Vẻ tươi trẻ trong tiếng cười dối trá/ Lời điêu ngoa nương dáng điệu muôn năm/ Người thanh niên sẽ lần bước âm thầm/ Trong trụy lạc, vẫn không tìm được thỏa” (Thành thị). Lời cảnh tỉnh của nhà thơ có giá trị lay tỉnh nhận thức cho con người thời đại, nhất là thế hệ trẻ đang quay cuồng trong bầu khí quyển văn hóa hỗn hợp Á - Âu, đang bị tác động mạnh mẽ từ phong trào Âu hóa làm lu mờ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp: “Thời vinh quang, ngày tươi đẹp như vàng/ Chỉ thoáng hiện, mang thêm niềm ngao ngán” (Dĩ vãng). Một trong những dòng riêng giữa nguồn chung của Thơ mới Hồ Văn Hảo là ở điểm này.

   Như vậy, hiện thực đời sống với những thân phận nhỏ bé, bất hạnh là một chất liệu quan trọng tạo nên nét riêng cho Thơ mới Nam Bộ nói chung, thơ Hồ Văn Hảo nói riêng. Phản ánh hiện thực trở thành nguồn thi cảm dồi dào, mãnh liệt và sâu sắc, góp phần mở rộng biên độ cảm hứng cho Thơ mới Nam Bộ, góp phần tạo nên giá trị nhân văn cho khuynh hướng thi ca hiện thực vị nhân sinh ở Nam Bộ, mà trong đó Hồ Văn Hảo là một trong những thi sĩ tiên phong, khơi nguồn.

   Hồ Văn Hảo đến với cái mới của nghệ thuật bằng tâm thế mở rộng tâm hồn hướng về cuộc sống xã hội và niềm khát khao cách tân thơ Việt. Xuất hiện ngay trong buổi bình minh của Thơ mới Nam Bộ, Hồ Văn Hảo đã trình làng những vần thơ với đầy đủ “các cung bậc cảm xúc, cảm hứng và thần thái của Thơ mới; tạm gọi là những gặp gỡ, tương đồng, hòa khí đồng thanh với thi sĩ Thơ mới ở mọi miền đất nước. Đó là tinh thần mơ mộng, niềm khát khao tuổi trẻ […] cái tôi ủy mị và sầu tình”13, tạo cú hích cho tinh thần sáng tác thơ ca theo lối mới ở phương Nam.

   6. Kết luận

   Hồ Văn Hảo là một nhà thơ nhưng không lấy thơ ca làm sự nghiệp chính, cũng không có bút danh riêng cho việc làm thơ, nhưng ông đã rất nhiệt tình, hồn nhiên in dấu ấn của mình vào quá trình định hình và phát triển Thơ mới Nam Bộ bằng cả lý luận sắc sảo lẫn thực tiễn sáng tác thi ca theo lối mới. Tài năng nghệ thuật của Hồ Văn Hảo đã được thẩm định nghiêm ngặt theo dòng chảy của thời gian và đọng lại trong nhận xét của Đông Hồ: “Có lẽ cả trời Nam Kỳ mới có một mình ông có những bài thơ hay như thế”14. Dù số lượng tác phẩm của ông chưa thật nhiều, lời thơ có chỗ chưa thật hay nhưng cũng đáng quý lắm rồi đối với một cây bút vùng đất mới xuất hiện trong thời khắc “cựa mình” tìm hướng đi mới cho nghệ thuật thơ ca. Hồ Văn Hảo đã “đóng góp cho phong trào Thơ mới với tư cách là những người đi tiên phong”15 nên rất xứng đáng có được một vị trí nhất định trong nền văn học sử Việt Nam.

 

 

 

Chú thích:
1, 5, 7, 8, 9, 13, 14, 15 Trần Hữu Tá, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang (Chủ biên, 2013), Kỷ yếu hội thảo Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn, NXB. Thanh niên, tr. 60, 206-207, 206, 206, 100, 208, 210, 110.
2 Vũ Tuấn Anh (2012), Những sự kiện văn học Việt Nam, NXB. Khoa học xã hội, tr. 16.
3 Nguyễn Đăng Điệp (2014), Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình & hiện tượng, NXB. Văn học, tr. 15.
4 Đoàn Lê Giang, Trương Diễm Phiến (2017): “Tư liệu mới về Hồ Văn Hảo - Nhà thơ Nam Kỳ tiên phong trong phong trào Thơ mới”, Tạp chí Xưa và nay, số 486, tr. 58-59.
6 Hoài Thanh - Hoài Chân (1999), Thi nhân Việt Nam, NXB. Văn học, tr. 22.
10 Hồ Văn Hảo (1950), Thơ ý, NXB. Đông Dương, tr. V.
11 Bùi Đức Tịnh (2002), Những bước đầu của Báo chí, Truyện ngắn, Tiểu thuyết và Thơ mới (1865-1932), NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 42.
12 Võ Văn Nhơn (2007), 100 câu hỏi đáp về văn học quốc ngữ Nam Bộ Thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Văn hóa Sài Gòn, tr. 327.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận