MỘT VÀI KINH NGHIỆM VỀ KHẢO CỨU VÀ TRÌNH BÀY KẾT QUẢ KHẢO CỨU SƯU BIÊN

Trên cơ sở phân tích cách tác giả công trình "Việt Nam Phật giáo sử luận" giới thiệu truyền tích Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Minh Không, bài viết giới thiệu những bài học kinh nghiệm về khảo cứu và trình bày kết quả khảo cứu sưu biên.

 

   Truyền tích liên quan hai vị thiền sư Từ Đạo Hạnh (Đạo Hạnh) và Nguyễn Minh Không (Minh Không) xét như là truyền tích dân gian lần đầu tiên được sưu biên văn bản hóa tập trung nhất có lẽ là ở Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của học giả Nguyễn Đổng Chi (Truyện Từ Đạo Hạnh hay là sự tích Thánh Láng)1. Ở hướng khảo cứu biên định tài liệu thành văn, truyền tích này lại có được một “định hình” đáng chú ý ở công trình Việt Nam Phật giáo sử luận của học giả Nguyễn Lang (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)2. Phân tích cách tác giả bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận đã “định hình” một truyền tích văn hóa cũng chính là phân tích cách mà học giả đã tham gia như thế nào vào quá trình truyền tích của tích truyện thiền sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không. Bài viết này tập trung phân tích trả lời câu hỏi làm sao mà tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận có thể giới thiệu được hợp truyện Sự tích Từ Đạo Hạnh và Minh Không và truyền tích này đã được tác giả giới thiệu thành một “bản văn” như thế nào giữa bộ sách nổi tiếng của ông.

   1. Cách giới thiệu truyền tích về hai vị thánh tăng đời Lý trong Việt Nam Phật giáo sử luận

   Việc giới thiệu truyền tích thiền sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không trong bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận tập trung ở Chương 9 - Sức sáng tạo của giới Phật tử đại chúng. Chương này có kết cấu 5 tiểu mục3:

   - Tín ngưỡng của đại chúng

   - Văn học kể hạnh và sự thờ tụng thánh tăng

   - Quan Âm Thị Kính

   - Quan Âm Nam Hải

   - Tính cách dân tộc của Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải

   Phần giới thiệu sự tích Đạo Hạnh và Minh Không nằm ở mục thứ hai – Văn học kể hạnh và sự thờ tụng thánh tăng4. Tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang cho thấy một sức tham bác tài liệu rộng lớn, dĩ nhiên chiếm số lớn là tài liệu thành văn. Lẽ tự nhiên, lịch sử nói chung hay cụ thể như Phật giáo sử của dân tộc nói riêng đều sẽ được bàn luận dựa vào hay do sự thành văn của nó. Cũng vì thế mà “Chương 9 - Sức sáng tạo của giới Phật tử đại chúng” đáng được coi là một chương đặc biệt và quan trọng vì nó rõ ràng được dành để nói về một quãng Phật giáo “đại chúng” với các tài liệu truyền khẩu và diễn tích. Ý tổng quát của chương này là muốn khẳng định đại chúng đã tạo nên tín ngưỡng của mình – tín ngưỡng thờ tụng thánh tăng cũng như các vị quan âm – và chính họ bảo trì tín ngưỡng đó bằng lễ chùa, kể hạnh và diễn tích. Các thánh tăng như Đạo Hạnh hay Minh Không quả thật đã được thờ tụng và do đó được truyền tích sống động bởi tín ngưỡng đại chúng “phi văn tự” (lễ chùa, kể hạnh, hát kệ, diễn xướng). Vậy mà dù sao vẫn có sự phân biệt giữa một bên là sự tích các thánh tăng nhân vật lịch sử với một bên là các nhân vật truyền thuyết dân gian như Quan Âm Nam Hải và Quan Âm Thị Kính. Ở đây ta tạm không bàn đến “chuyển hóa” giữa bác học tinh anh với đại chúng dân gian: trí giả giới thiệu nhân vật thờ tụng cho dân gian hay ngược lại dân gian tín ngưỡng và trí thức hàn lâm “sưu biên” thành thư tịch tàng bản. Ở đây chỉ nói tới tình huống cụ thể của nhà trước tác bộ Việt Nam Phật giáo sử luận: để viết chương 9 này, Nguyễn Lang không chỉ đứng trước nguồn tư liệu sinh hoạt đại chúng (điền dã ghi chép về lễ - hội chùa, tích truyện truyền khẩu, diễn xướng sự tích nhân vật) mà còn tham bác khảo cứu nguồn tài liệu thư tịch hàn lâm (các tác phẩm Hán văn ghi biên “cuộc đời sự nghiệp” các thiền sư). Vậy mà như ta đọc thấy ở chương này, phần giới thiệu về hai thánh tăng Đạo Hạnh và Minh Không rốt cuộc đều dựa vào các tài liệu thành văn mà ông đã chỉ rõ: “Sau đây là sự tích của Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Thông, kể theo các sách Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập5. Hẳn là tác giả của Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quáiTừ Đạo Hạnh thánh sự tích thực lục (Phụ lục Việt điện u linh tập) không là Phật tử đại chúng, khác với trường hợp thực sự phản ánh sức sáng tạo của giới Phật tử đại chúng là Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải (sinh hoạt diễn xướng hát chèo, truyền khẩu truyện Nôm) giới thiệu ở hai mục sau của chương 9 bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang.

   Thực tế trong mục Văn học kể hạnh và sự thờ tụng thánh tăng6, sự trình bày về điều gọi là văn học kể hạnh hay hát kệ sáng tạo và trau dồi sự tích Từ Đạo Hạnh hoàn toàn không cụ thể. Ta thấy tác giả Nguyễn Lang chỉ viết chung chung: “Sự tích Từ Đạo Hạnh đời Lý cũng được truyền tụng bằng lối văn kể hạnh”7, trước sau ông không dẫn chỉ rõ một bài/ bản kể hạnh cụ thể nào. Chỉ khi bước qua khảo cứu tài liệu thành văn, Nguyễn Lang mới có thể nói tới câu chuyện gọi là truyền tích Từ Đạo Hạnh: “Ngay trong Thiền uyển tập anh, sự tích Từ Ðạo Hạnh đã chiếm rất nhiều trang sách. Văn kể hạnh và sự diễn lại sự tích Ðạo Hạnh đã làm công việc duy trì và tô điểm cho sự tích càng ngày càng có vẻ linh dị. Khoảng đầu thế kỷ thứ mười lăm, sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp có viết một bài về sự tích Từ Ðạo Hạnh. Bài này được căn cứ trên tài liệu sách Thiền uyển tập anh, nội dung không khác bao nhiêu với sự tích trong Thiền uyển tập anh. Ðến đầu thế kỷ thứ mười tám, Lê Hữu Hỷ (bút hiệu Tam Thanh Quán Ðạo Nhân) lại viết một bài dài hơn, nhan đề là Từ Ðạo Hạnh Đại Thánh sự tích thực lục. Bài này được cho vào phần phụ lục của sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên trong kỳ khắc bản năm 1712. So với sự tích Từ Ðạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh, bài Từ Ðạo Hạnh Ðại Thánh sự tích thực lục của Tam Thanh Quán Đạo Nhân viết có nhiều chi tiết vẽ vời hơn. Sự kiện này chứng tỏ tác giả đã sử dụng văn học truyền khẩu và diễn tích của dân quê mà chép lại thực lục của Từ Ðạo Hạnh vậy”8. Có khả năng Tam Thanh Quán Ðạo Nhân đã “sử dụng văn học truyền khẩu và diễn tích của dân quê” để “thực lục” nên Từ Ðạo Hạnh Đại Thánh sự tích nhưng vì nhận định này không có khảo chứng tài liệu kể hạnh - hát kệ cụ thể nào đi kèm nên suy cho cùng nó cũng chỉ là một nhận định thế thôi.

   Cuối cùng, ở 10 trang tiếp theo trên tổng số 12 trang mục thứ hai – Văn học kể hạnh và sự thờ tụng thánh tăng (từ trang 53 đến trang 66) – của chương 9 bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang đã trình bày một bản truyền tích chung của hai vị thánh tăng thời Lý. Ông nói rõ từ đầu: “Sau đây là sự tích của Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, kể theo các sách Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái Việt điện u linh tập. Cả ba sách đều phản chiếu sự sáng tạo của giới Phật tử đại chúng. Theo truyền tích...”9. Có thể xác định bản truyền tích này đã được bắt đầu ngay sau cụm “Theo truyền tích…”. Vậy ta thử tìm hiểu xem Nguyễn Lang đã “Theo truyền tích” như thế nào. Thoạt trông có vẻ như ta có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi ngay ở đầu câu dẫn trên: “kể theo các sách…”. Vậy mà đọc kỹ bản truyền tích, kết quả của sự kể - theo đó, ta thấy câu chuyện không đơn giản.

   2. Cách giới thiệu truyền tích về hai thánh tăng thành một “bản văn” trong Việt Nam Phật giáo sử luận

  Tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận đã giới thiệu truyền tích như một “hợp truyện” về hai thánh tăng Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không. Có thể thấy Nguyễn Lang, sau khi đọc Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quáiViệt điện u linh tập, đã “kết ghép” các thông tin trần thuật tích chuyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không từ cả ba sách này thành một “bản văn” mới, như tác giả Nguyễn Lang nói rõ từ đầu: “(Sau đây là) sự tích của Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không”, tức vô tình hay cố ý đã cho thấy dụng tâm làm một “hợp truyện” (hoặc nói “hợp tích”) về hai thánh tăng. Rất có thể dụng ý kết ghép cặp nhân vật này đã khiến Nguyễn Lang “gạt bỏ” ra ngoài vai trò nhân vật Giác Hải – một sự gạt bỏ chừng mực, vẫn nhắc tên nhưng không thuật chuyện gì có ý nghĩa đối với tích chuyện, vẫn đề cập đến Giác Hải trong một số chỗ nhưng đơn thuần chỉ như nhắc tên kèm chứ không có hàm chứa giá trị tác động tới kết cấu cốt truyện: “Sau đó Đạo Hạnh cùng hai người bạn là Minh Không và Giác Hải cùng rủ nhau đi sang Ấn Độ để học linh thuật về chống trả với Đại Điên”10, “Thiền sư Minh Không tự Không Lộ, họ Nguyễn, tên là Chí Thành, bạn của Đạo Hạnh và Giác Hải”11. Ngược lại, Việt điện u linh tập (Phụ lục Chép rõ sự tích Từ Đạo Hạnh Đại Thánh) cho thấy Giác Hải không phải là nhân vật đề cập cho có, sự xuất hiện của nhân vật này có giá trị kết cấu tình tiết cốt truyện chung. Xét đoạn mấu chốt được trần thuật đồng đều cả bộ ba này là đủ thấy cả Đạo Hạnh, Minh Không và Giác Hải cùng đi Tây Trúc, Minh Không và Giác Hải về trước, Đạo Hạnh đuổi kịp đón đường, hóa hổ dọa hai người, Minh Không bảo Đạo Hạnh: “Bọn ta cùng được Thế Tôn dạy dỗ, đạo quả đã tròn, hậu thân mày phải ra lại thế gian làm vua, nhưng bệnh trái khó bề tránh được. Bọn ta với mày có duyên, phải đến cứu giúp nhau”; “Đạo Hạnh khi ấy bỏ hết giận cũ, cùng nhau truyền đổi phép tiên, đi trên mặt nước, bay ở không trung, rồng phải xuống chầu, hổ phải nép, bay lên trời thu đất lại, muôn quái nghìn kỳ, vào thần ra quỷ, chẳng ai dò được huyền diệu. Khi ấy mới nhường Đạo Hạnh làm anh cả, Minh Không làm anh thứ, Giác Hải làm em út, chỗ ấy nay gọi là Bán Kiều”12. Motif “bộ ba kết nghĩa anh em, trong đó hai người em lại thành cặp nhân vật” được nhấn mạnh. Tình tiết cốt truyện về sau hô ứng với đoạn trên: khi vua Lý Thần Tôn mắc bệnh “hóa hổ”, cả Minh Không và Giác Hải cùng được triều đình đón từ chùa Giao Thủy (hai sư cùng trú trì ở đấy) vào triều chữa bệnh cho hậu thân Đạo Hạnh: “Minh Không, Giác Hải nghe vua bị tật lạ, quả nghiệm lời nói trước mới làm ra một bài ca dao mà dạy cho trẻ hát…”13, “Minh Không, Giác Hải lấy cái nồi nhỏ nấu cơm rồi mời sứ giả và quân lính […]. Khi ấy quan quân trong thuyền đều ngủ ngon cả. Hai sư làm phép cho thuyền không cần chèo mà tự nhiên đi bay như tên bắn, nói cười khoảnh khắc đã đến trên bờ Đông Tân. Hai sư vội gọi quan quân dậy thì đã thấy tháp Báo Thiên rồi; quan quân rất đỗi kính phục. Khi ấy rước hai sư vào thẳng trong đền vua; các thầy thiên hạ trông thấy hai sư hình dung cổ quái, ăn mặc quê mùa thì miệt thị chẳng lấy làm kính nể, cứ ngồi yên một chỗ chẳng thèm đứng dậy chào hỏi. Hai sư mới thò tay vào trong túi lấy ra một cái đinh sắt dài chừng năm tấc găm vào cột điện, lấy tay vỗ thì cái đinh lút mất vào cột điện. […] Minh Không nhường cho Giác Hải châm lửa nấu dầu, lửa cháy bừng bừng, dầu sôi sùng sục. Giác Hải lấy tay rờ vào trong đỉnh, lấy ra đủ một trăm cái đinh rồi Giác Hải nhường lại cho Minh Không làm phép”14 (trần thuật “phân đều hành động” phối hợp giữa hai sư).

   Cả Thiền uyển tập anhLĩnh Nam chích quái đều chỉ trần thuật một mình Đạo Hạnh đi Tây Trúc. Vì vậy, truyền tích Đạo Hạnh trong hai sách này không đặt vấn đề Đạo Hạnh biến lốt hổ dọa bạn – tình tiết chứa cái “nhân” sẽ kết “quả” trần thuật về sau – hậu thân Đạo Hạnh phát bệnh “hóa hổ” và bạn đồng hành năm xưa chờ tới dịp kịp đến cứu chữa. Nói cách khác, dụng ý truyền tích một người hay truyền tích chung hai người quyết định sự quan tâm nhiều ít tới tình tiết “cùng đi Tây Trúc học phép”. Nếu Thiền uyển tập anh không muốn lập một “hợp truyện” hai thiền sư thì lẽ tự nhiên nó sẽ không đặt nhiệm vụ kể rõ có hay không chuyện người bạn hậu chứng cho một tiền sự. Lĩnh Nam chích quái tuy “hợp truyện” (đồng kể chuyện Đạo Hạnh và Minh Không) nhưng tính “hợp truyện” này vẫn không nổi trội. Tự sự Lĩnh Nam chích quái đưa đến cảm giác Minh Không là một bổ truyện hoặc một vĩ thanh của truyện Từ Đạo Hạnh. Thật vậy, ở Lĩnh Nam chích quái (Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không) không có nhân vật thứ ba Giác Hải và sách này xem Minh Không là học trò kém xa tuổi thầy Đạo Hạnh. Minh Không ở Lĩnh Nam chích quái xuất hiện trong tình tiết là học trò thực hiện lời di nguyện của Từ Đạo Hạnh: “Xưa ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, đất Trường An có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không thiền sư. Lúc còn nhỏ tuổi từng đi du học, gặp Đạo Hạnh, học được đạo giáo, trải hơn bốn mươi năm. Đạo Hạnh thấy người có ý chí bèn truyền tâm ấn, và đặt tên cho. Đến khi Đạo Hạnh sắp tạ thế, bảo Minh Không rằng: “Xưa tôn sư của ta tu đã tròn đạo quả mà còn bị quả báo nạn đao thương, huống chi ta đạo quả nhỏ nhoi, há có thể tự giữ mình được sao? Ta nay thác sinh ở trần gian, ở cái địa vị làm thầy người ta, kiếp sau nợ bệnh tật khó tránh nổi. Ta với ngươi có duyên nợ, nên cứu giúp nhau”. Đạo Hạnh đã mất, Minh Không trở về chùa cũ mười năm, không có tin tức gì”15.

   3. Cách tác giả của Việt Nam Phật giáo sử luận tham gia vào quá trình truyền tích về thiền sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không

   Sở dĩ tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận giới thiệu được một hợp truyện gọi là “Sự tích Từ Đạo Hạnh và Minh Không” như vậy là do ông tổng hợp kết nối nội dung tự sự liên quan hai vị thiền sư này từ các sách nêu rõ tên là Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái Việt điện u linh tập cùng các thông tin có được từ nguồn sáng tạo đại chúng (kể hạnh, hát kệ, diễn tích) nhưng không thấy kê dẫn nguồn xác định. Sự giới thiệu “Sự tích Từ Đạo Hạnh và Minh Không” này rốt cuộc trình hiện ra dưới dạng một văn bản in thành trang sách trong mục “Văn học kể hạnh và sự thờ tụng thánh tăng” của chương 9 cuốn sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang. Những trang in này có các chú thích nhất định. Dưới đây chúng tôi tạm dẫn một trang để làm ví dụ và việc phân tích kỹ ví dụ này sẽ cho thấy kỳ thực câu hỏi “Làm sao tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận có thể giới thiệu được hợp truyện “Sự tích Từ Đạo Hạnh và Minh Không””? khó trả lời hơn thoạt tưởng:

   Ta thử bắt đầu công việc từ phân tích chú thích số (1). Từ “cũng” trong chú thích này phải chăng hàm ý cho biết rằng Nguyễn Lang đang có trong tay tài liệu tích truyện có chi tiết này? Nếu quả như thế thì đó là tài liệu như thế nào: thành văn hay truyền khẩu (kể thường, kể hạnh, diễn tích)? Ở đây, vì mở đầu ông đã nói “Sau đây là sự tích của Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không, kể theo các sách Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập” nên ta có thể hiểu “cũng” ở đây là hàm ý chi tiết này ông thấy có ở Việt điện u linh tập chẳng hạn. Có vẻ như Nguyễn Lang muốn dùng Việt điện u linh tập là bản truyền tích Đạo Hạnh và Minh Không chi tiết hơn cả. Nhưng trước sau ta không thấy ông nói rõ ra như vậy. Vả chăng ta cũng không thể khẳng định là ông hoàn toàn theo dùng Việt điện u linh tập. So sánh một một tiểu đoạn như dưới đây cho thấy điều đó:

   Xem ra trần thuật dẫn trên của Nguyễn Lang giống với Thiền uyển tập anh ngữ lục hơn cả: “Xác trôi đến cầu Quyết là chỗ nhà Hầu, bỗng đứng thẳng lên mà chỉ tay vào nhà, suốt ngày không đi. Hầu sợ, đi báo cho Đại Điên. Đại Điên đến nơi, đọc một câu kệ: “Tăng giận không cách đêm”. Đọc xong, xác đáp lại trôi đi”18. Chi tiết trần thuật giống Thiền uyển tập anh ngữ lục nhưng ta lại không thấy ông chú, chẳng hạn: “Chi tiết này có trong Thiền uyển tập anh”. Đọc ở Lĩnh Nam chích quái, đoạn này lại là “Xác trôi tới cầu Quyết19, đến trước nhà Diên Thành Hầu, thì bỗng nhiên đứng dựng lên suốt một ngày không trôi đi. Diên Thành Hầu sợ hãi liền nói với Đại Điên, Đại Điên đến và hét lên rằng: “Người đi tu không được phép giận quá một ngày”. Dứt lời, thây đổ xuống trôi đi”20. Vậy rốt cuộc đoạn mà Nguyễn Lang trần thuật (với một chú thích đi kèm) trong Việt Nam Phật giáo sử luận dẫn trên là từ nguồn nào? Tất nhiên tình thế là nếu Nguyễn Lang không kê dẫn nguồn và quả thực chi tiết đó không còn có thể khảo cứu ra được từ tài liệu nào khác thì ta sẽ chỉ có thể thấy được chi tiết đó ở sách Việt Nam Phật giáo sử luận của ông mà thôi. Tựa như việc ta tạm coi những chi tiết hay đoạn kể mà tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam Nguyễn Đổng Chi không dẫn nguồn hoặc dẫn với chú thích kiểu “theo lời kể (khẩu truyền dân gian) của người miền…” cũng sẽ tạm quy thành của chính tác giả bộ sách vậy. Thực tế khi Nguyễn Lang thực hiện những chú thích như vậy trong suốt quá trình trình bày truyền tích (bằng sách Việt Nam Phật giáo sử luận của ông) thì chính là lúc ông đang thực hiện những khảo đối so sánh tự sự về Từ Đạo Hạnh và Minh Không giữa ba tài liệu thư tịch Hán văn (đáng tiếc là ông cũng không nói rõ mình tự dịch lấy hay đang dùng bản dịch đã xuất bản nào): Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quáiViệt điện u linh tập. Điều đáng tiếc là có vẻ như ông chỉ so sánh khi tiện lúc, không phải khi nào cũng so sánh đồng bộ cả ba sách này. Chẳng hạn như ở chú thích tại đoạn mà chúng tôi phân tích ở trên, Lĩnh Nam chích quái đã được ông so với tài liệu có chi tiết này, rồi đồng thời ông cũng so tài liệu đó với cả sách Thiền uyển tập anh nhưng, như ta thấy, Nguyễn Lang đã không dẫn chỉ đó là tài liệu nào. Vấn đề lớn hơn nữa là ông không phải đang trình bày một thống kê hệ thống có hay không có chi tiết tự sự nào giữa số lượng nhất định các sách có truyền tích hai nhân vật thiền sư này (chí ít là ba sách Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái Việt điện u linh tập). Nguyễn Lang, ở mục “Văn học kể hạnh và sự thờ tụng thánh tăng” trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận, thực tế chẳng phải cũng là đang tiếp tục thực hiện việc truyền tích Từ Đạo Hạnh trên cơ sở đồng “kể lại” các bản văn đề tài Từ Đạo Hạnh và Minh Không! Kết quả, như ta thấy, bản văn mà ông tạo lập trình bày dạng kể thành các trang in kèm theo một chú thích chân trang như một phần của mục “Văn học kể hạnh và sự thờ tụng thánh tăng” của chương 9 bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận vậy21. Cứ như thống kê của chúng tôi thì “bản văn” truyền tích Từ Đạo Hạnh này của Nguyễn Lang chiếm 10 trang (từ trang 53 đến trang 66) trên tổng số 12 trang của mục thứ hai – “Văn học kể hạnh và sự thờ tụng thánh tăng” – thuộc chương 9 bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận22.

   4. Lời kết

   Kể lại một truyền tích, suy cho cùng, là kể lại một tích đã được truyền tụng thành tích truyện như thế nào. Nói cách khác, đó cũng chính là cách mà nhà sưu biên khảo cứu tham gia vào quá trình truyền tích của một tích truyện. Bằng việc trả lời các câu hỏi như: làm sao mà tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận có thể giới thiệu được hợp truyện “Sự tích Từ Đạo Hạnh và Minh Không” và truyền tích này đã được tác giả giới thiệu thành một “bản văn” như thế nào giữa tập sách của ông?, bài viết này cũng đã cố gắng cho thấy tác giả bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận đã tham gia như thế nào vào quá trình truyền tích của tích truyện thiền sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không. Phân tích cụ thể cách mà học giả tham gia vào quá trình đó hẳn cũng đem đến những bài học kinh nghiệm nhất định đối công việc khảo cứu sưu biên và trình bày kết quả khảo cứu sưu biên cụ thể.

 

 

 

Chú thích:
1 Lê Thời Tân, Trần Anh Tuấn, Dương Văn Duyên: “Hiện thân của tâm thức văn hóa hay là một kết nối của tâm linh tín ngưỡng – câu chuyện thiền sư Từ Đạo Hạnh với nhóm các chùa chiền liên quan ở Hà Nội”, Tạp chí Khoa học (Khoa học Xã hội và Giáo dục), Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, số 28, 12/2018, tr. 31-28; Lê Thời Tân, Vũ Thị Thanh Vân: “Comparison between “Tale of Láng Lord” (Treasure Chest of Vietnamese Folklore) and related document”, Dalat University Journal of Science (Social science and humanities – Annual issue on Vietnamese literature and history), Volume 11, Issue 3, 2021, p. 48-59.
2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 17, 22 Nguyễn Lang (2019), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, NXB Hồng Đức, tr. 55, 53-79, 55, 57, 55, 56, 56-57, 57, 58, 62, 58, 53-66.
12, 13, 14, 16 Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập, phụ lục Chép rõ sự tích Từ Đạo Hạnh Đại Thánh, trên   
https://www.tuvienquangduc.com.au/lichsu/ lichsuvietnam/VietDienULinhtap.pdf, tr. 104, 106, 107, 103.
15 “Thiên 17- Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không”, https://trandinhhoanh.wordpress.com/ linh-nam-chich-quai. Tác giả https://trandinhhoanh. wordpress.com là Trần Đình Hoành giới thiệu rõ: Phần chính truyện sau đây do Nguyễn Hữu Vinh dịch từ Hán văn, từ bộ sách đồ sộ Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san, gồm hơn 40 bộ sách cổ xưa của Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) hợp tác với Viện Viễn Đông Bác cổ – Ecole Francaise d’Extreme Orient (Paris) và Đại học Chung Cheng (Taiwan), Trần Khánh Hạo chủ biên, nhà sách Học sinh Thư cục ở Taipei ấn hành năm 1992. Đoạn trích dẫn trong bản dịch Lĩnh Nam chích quái (nhuận chính: Vũ Quỳnh, Kiều Phú; phiên dịch: Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San; minh họa: Tạ Huy Long; NXB Kim Đồng, 2017) lại là: “Xưa ở làng Đàm Xá (còn có tên là Gia Viễn), huyện Đại Hoàng, đất Trường An có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không quốc sư, lúc ít tuổi đi du học, gặp Đạo Hạnh, học được đạo giáo, trải hơn mười năm. Đạo Hạnh thấy người tiết tháo bèn truyền tâm ấn, lại đặt tên cho. Kịp tới khi Đạo Hạnh sắp tạ thế bảo Minh Không rằng: “Xưa tôn sư của ta tu đã tròn quả phúc mà còn bị cái nạn đao thương quả báo, huống chi ở cái thời mạt thế huyền vi, há có thể tự giữ mình được sao? Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh khỏi. Ta với ngươi có duyên, nên cứu giúp nhau”. Đạo Hạnh đã hóa, Minh Không trở về chùa cũ cày ruộng. Hơn hai mươi năm không có tin tức gì” (tr. 172).
18 Xem: “Thiên 51- Thiền sư Đạo Hạnh (? - 1117)”, https://thuvienhoasen.org/a10801/phan-ii-07-thienuyen-tap-anh-ngu-luc-quyen-ha.
19 Đoạn dẫn này có chú thích số 1 ở từ “cầu Quyết” này, “Bản A.2914 viết là cầu Quyết Châu”. Bản dịch Lĩnh Nam chích quái của Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San dịch đoạn này là: “Xác trôi tới cầu An Quyết, đến trước nhà Diên Thành hầu, hốt nhiên đứng dựng lên ở đấy suốt một ngày không trôi đi. Diên Thành hầu sợ hãi nói với Đại Điên. Đại Điên đến và hét lên rằng: “Người đi tu không được phép giận quá một ngày”, dứt lời, thây đổ xuống trôi đi” (tr. 166). Cuối đoạn dẫn này có chú thích số 197: “Bản A.2107 chép: “…người tu không giận quá một ngày, sống chết chẳng qua chỉ là một giấc mộng””.
20 “Thiên 17- Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không”, https://trandinhhoanh.wordpress.com/ linh-nam-chich-quai.
21 Các chú thích này chủ yếu so sánh các bản văn (liên quan đến truyền tích Từ Đạo Hạnh) mà tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận cđọ; cũng có những chú thích dùng để chú giải, chẳng hạn như chú thích 3 “xứ Răng Vàng”, trang 58: “Có lẽ là Miến Điện”, hay chú thích 3 “chùa Sài Sơn”, trang 56: “Tức chùa Thầy, ở Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận