MĨ THUẬT TRIỀU ĐẠI NHÀ NGUYỄN TRÊN ĐẤT HUẾ TRONG QUÁ TRÌNH GIAO LƯU, TIẾP BIẾN VĂN HÓA THÀNH TỰU VÀ ĐẶC ĐIỂM

Bài viết phân tích cơ sở hình thành và phát triển mĩ thuật triều đại nhà Nguyễn trên đất Huế. Qua đó phân tích, làm rõ những thành tựu tiêu biểu và đặc điểm nổi bật của mĩ thuật Việt Nam thời Nguyễn với những dấu ấn và những nét độc đáo riêng, được ghi dấu trên đất Huế, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 

   1. Theo dòng lịch sử

   Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được vua Chiêm Thành là Chế Mân mời thăm nước Chăm Pa trong 9 tháng. Được tiếp đón nồng hậu, nghĩa tình hòa hảo giữa hai nước và thấy Chế Mân (Jaya Shimhavamen III) phong thái anh hùng, trước khi ra về, Trần Nhân Tông đã hứa gả con gái là Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân. Chế Mân dâng hai châu Ô, Rí làm của hồi môn. Năm 1307, Ngự sử Trung tán Đoàn Nhữ Hài vâng lệnh vua Trần Anh Tông đến tiếp nhận hai châu từ Chiêm Thành và đổi thành châu Thuận Hóa. Như vậy, vùng đất Văn Lang của các Vua Hùng xưa kia, sau 867 năm đã trở về với nước Đại Việt. Từ đó, từng đoàn người tiến vào Nam khai khẩn vùng mới, mang theo mình truyền thống văn hóa từ đất Bắc, tiếp xúc với văn hóa dân tộc bản địa là Chiêm và các dân tộc ít người ở phía Tây thuộc nhóm Môn – Khmer; làng xã người Việt hình thành xen kẽ với những làng Chăm Pa còn sót lại; lúc đó, sự tiếp biến văn hóa vẫn âm thầm diễn ra giữa hai cộng đồng cư dân. Trong ngôn ngữ và một số địa danh tại Huế có dấu ấn giao thoa văn hóa Việt – Chăm, có thể kể ra như: H’truồi (gà) – tiếng Việt đọc là “Truồi”, Shia (cá) – tiếng Việt đọc là “Sịa”… có nguồn gốc từ tiếng bản địa, hay chính địa danh “Huế” cũng đã chứa sẵn nhiều bí ẩn vì bản thân nó cũng không có ý nghĩa trong ngôn ngữ tiếng Việt. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chữ “Huế” là do đọc chệch chữ “Hóa” trong “Hóa Châu” mà ra. Cũng có ý kiến cho rằng vì kỵ húy (kiêng tên) nên đọc chệch ra thành “Huế” nhưng trong suốt quá trình lịch sử nước ta chưa có vua nào tên Hóa cả. Người viết khi thi công Trung tâm Văn hóa Chăm (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) có duyên khi nói chuyện với một cô gái Chăm có tên là Huê và được giải thích: Huê tức là mùi hương, mùi thơm theo ngôn ngữ Chăm Pa. Điều này cho phép liên tưởng đến dòng sông Hương thơ mộng mà trước đây thuộc Vương quốc Chăm Pa. Theo truyền thuyết kể rằng nơi đầu nguồn sông Hương có rất nhiều hoa lài rụng xuống làm cho dòng nước trong vắt có hương thơm. Hai chữ “Huê” và “Huế” phát âm gần giống nhau. Trên mảnh đất này, từ những kết quả khảo cổ học ở các di chỉ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế đã phát hiện nhiều tác phẩm điêu khắc trang trí bằng đá và đồng của nền nghệ thuật Chăm Pa. Điều này càng khẳng định đã có sự ảnh hưởng lẫn nhau trong giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt - Chăm Pa. Trong trang trí kiến trúc cung đình Huế, chúng ta vẫn thấy có phảng phất hình ảnh của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa. Đó là hình tượng các cổng trong Hoàng thành có dáng dấp của những ngôi tháp cổ. Đây là sự tiếp thu có chọn lọc các yếu tố ngoại lai để làm phong phú và góp phần tạo nên diện mạo của mĩ thuật thời Nguyễn trên đất Huế.

   Một bước ngoặt lịch sử lớn xuất hiện tại xứ Đàng Trong khi Nguyễn Hoàng vâng mệnh vua Lê, chúa Trịnh đến trấn thủ xứ Thuận Hóa. Đây chính là bi kịch thời Lê - Trịnh đã dẫn đến việc Nguyễn Hoàng (1525-1613) phải trốn chạy anh rể Trịnh Kiểm để sinh tồn nhưng với hoài bão quyết tâm xây dựng vùng kiểm soát của mình thành nơi“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nguyễn Hoàng dứt khoát lập nên một vương triều Đàng Trong tách ra khỏi Đàng Ngoài. Sự kiện này đã tạo nên một cột mốc đặc biệt trong lịch sử văn hóa đất nước, đó là: “Hiện tượng đề kháng văn hóa Đàng Ngoài nhưng đồng thời có một sự kế thừa chính thống với cội nguồn phía Bắc để khỏi đánh mất mình đi. Cùng lúc đó lại diễn ra một sự tiếp thu văn hóa từ vùng đất mới với biết bao di sản quý giá”. Đạo quân của Nguyễn Hoàng và gia quyến là “Đạo quân tứ đệ” hay “Trung nghĩa quân”, có nguồn gốc xuất phát từ Thanh Nghệ. Khác với cuộc di dân từ đời Trần đa số có gốc gác ở đồng bằng Bắc Bộ. Binh sĩ thời nay vừa làm nhiệm vụ nhà binh vừa kết hợp sản xuất nông nghiệp để bổ sung quân lương. Các làng mạc tiếp tục hình thành. Những buổi ban đầu này, mọi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đều theo nguyên mẫu như Đàng Ngoài. Hiện nay còn một số bình phong trong các lăng tẩm của các chúa Nguyễn mà phần nhiều đã bị phá hủy thời Tây Sơn.

   2. Mĩ thuật thời chúa Nguyễn

   Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng đã cho xây cất chùa Thiên Mụ – một trong những ngôi chùa đẹp và lớn nhất xứ Đàng Trong và cũng thuộc hàng lớn nhất cả nước lúc bấy giờ. Trong chùa có chiếc khánh đồng đúc năm 1677, mang niên hiệu “Vĩnh Trị nhị niên”. Khánh có hình dạng phát triển từ khánh đá đương thời, phổ biến ở miền Bắc. Trên mặt khánh được chạm khắc các vì tinh tú, diềm khánh chạm hoa dây mướp, ở đây ta gặp lại những đao mác trang trí ở góc rất phổ biến trong các đình chùa ngoài Bắc đương thời. Điều này chứng tỏ rằng sự chia cắt đất nước của hai tập đoàn Trịnh - Nguyễn không chia cắt được văn hóa truyền thống dân tộc. Đàng Trong được xây dựng như một hậu quả tất yếu của cuộc khủng hoảng chính trị khi mà hệ thống những giá trị đạo đức của Nho giáo đang bị sụp đổ. Phật giáo là một sự cứu cánh và thái độ cởi mở đối với Phật giáo đã mang lại một bầu không khí chính trị khác hẳn Đàng Ngoài, làm nên một sự khác biệt cần thiết cho các chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho mĩ thuật Phật giáo phát triển ở Huế. Di sản mĩ thuật giai đoạn này còn có 8 chiếc vạc đồng được đúc từ năm 1659 đến 1684, thuộc đời chúa Hiền - Nguyễn Phúc Tần. Chiếc vạc lớn nhất nặng 2482 cân ta, chiếc nhỏ nhất nặng 938 cân ta. Hiện nay, bảy chiếc được đặt ở trong Đại Nội (Hình 1), ba chiếc ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và một chiếc ở lăng Đồng Khánh. Trên thân vạc được trang trí những họa tiết chim, thú: con lợn rừng, con cá, con sóc, chim phượng; hoa văn có: hoa cúc, hoa sen và những băng dây, lá đề. Ngoài ra còn có những motif trang trí khá lạ mắt mang phong cách mĩ thuật phương Tây như lá sồi, cụm tròn các chấm bi... Nhìn chung phong cách nghệ thuật vẫn thống nhất với phong cách nghệ thuật thời Lê, cũng có đôi nét hơi khác và mới lạ. Đây là kết quả của sự giao thoa giữa văn hóa bản địa với văn hóa phương Tây trong quá trình tiếp nhận kỹ thuật đúc đồng thời kỳ này. Khoảng nửa sau thế kỷ XVII, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Tần, hai cha con ông Jean de la Croix và Clement de la Croix (người Bồ Đào Nha) làm cố vấn chuyên môn cho phường đúc ở Huế. Ngoài việc họ mang đến kỹ thuật đúc đồng của phương Tây, sự kết hợp với kỹ thuật đúc truyền thống đã làm phong phú thêm công nghệ đúc ở xứ Đàng Trong, đồng thời du nhập các kiểu thức trang trí phương Tây như: chùm nho, lá nho, những chiếc lá lật... biểu hiện ảnh hưởng của trang trí Pháp. Có thể nói sự xuất hiện những yếu tố Á - Âu độc đáo này thật thú vị, mang lại những giá trị thẩm mĩ mới phù hợp với thời đại, tạo dựng cho Huế những bản sắc và phong cách riêng.


Hình 1. Vạc đồng (Nguồn: Tác giả).

   Rõ ràng là bất cứ nền nghệ thuật nào trên thế giới đều có sự ảnh hưởng nền nghệ thuật của các dân tộc khác, đó là điểm tất yếu để phát triển nhằm hướng tới sự hoàn mĩ. Dòng chảy của mĩ thuật dân tộc vẫn âm ỉ với một thái độ tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa nhân loại, bằng lăng kính thẩm mĩ của nền mĩ thuật Việt Nam để không đánh mất mình. Chúng ta mặc nhiên chấp nhận tính đa dân tộc trên cái nền phong phú của tinh hoa cô đọng từ nhiều nguồn văn hóa để làm giàu có thêm vườn hoa nghệ thuật của mình. Giá trị mĩ thuật, giá trị lịch sử và văn hóa của những báu vật trên là không thể phủ nhận và còn là minh chứng sức sống mãnh liệt của mĩ thuật Việt Nam. Đó là dòng thẩm mĩ truyền đời vẫn âm ỉ chảy, mặc cho đôi lúc bị uốn dòng do những yếu tố khách quan nhưng không bao giờ đứt đoạn. Các chúa Nguyễn đã có những chính sách ưu ái đối Phật giáo như cho xây dựng, tu sửa nhiều ngôi chùa. Đây là thái độ hoàn toàn phù hợp với quá trình hình thành và phát triển của xứ Đàng Trong. Những năm 1627-1672 đã có 7 cuộc chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Chính trong cuộc xung đột này, các chúa Nguyễn vừa tăng cường phát triển kinh tế, quân sự vừa để khẳng định mình, họ đã tích cực xây dựng đời sống văn hóa và đầu tư xây dựng những công trình mĩ thuật, kiến trúc nghệ thuật. Có thể nói chúa Nguyễn Hoàng đem nền văn hóa Việt từ phương Bắc vào Thuận Hóa - Phú Xuân, mặc dù những dấu ấn mĩ thuật thời kỳ các chúa Nguyễn còn lại đến nay không nhiều. Tuy nhiên, nó vẫn cho phép chúng ta có một cái nhìn tổng quát về giai đoạn hình thành của mĩ thuật thời các chúa Nguyễn.

   3. Mĩ thuật thời các vua Nguyễn

   3.1. Nghệ thuật trang trí kiến trúc

   Năm 1802, vua Gia Long chỉ dụ xây dựng kinh thành Huế. Nhà vua đích thân thực địa và giao cho Nguyễn Văn Yến và Đỗ Phúc Trạch thiết kế. Kinh thành Huế được xây theo kiểu Vauban (tên một kỹ sư công binh người Pháp sống vào thế kỷ XVII) có diện tích rộng 520ha, chu vi hơn 10.000m, có 10 cổng ra vào, mặt trước quay mặt về hướng Nam, được bao bọc bởi các hào và “hộ thành hà”. Trên thành có vọng lâu, pháo đài; khu vực bên trong có 2 vòng thành là Hoàng thành và Tử Cấm thành. Trong Hoàng thành Huế có hơn 100 công trình kiến trúc; cung điện, đền, miếu đều làm theo kiểu nhà “trùng lương, trùng thiềm” hay “trùng thiềm điệp ốc” (hai ngôi nhà nối với nhà bằng “trần thừa lưu”). Về mặt cấu trúc, kinh thành Huế có 3 lớp thành có hình gần vuông và lồng nhau lệch về phía trước. Triều đình đã tập trung hằng ngày từ 30.000 đến 80.000 người thường trực xây dựng kinh thành. Đây là nguồn nhân lực được huy động khắp cả nước. Theo thuyết phong thủy thì vùng đất phía Bắc tả ngạn sông Hương là vị trí lý tưởng để xây dựng kinh thành, phía trước lấy núi Ngự Bình làm “Tiền án”. Dòng Hương Giang uốn khúc ở phía trước là “Chi huyền thủy”, lấy cồn Dã Viên làm “Tả bạch hổ”, cồn Hến làm “Hữu thanh long”. Đây là mảnh đất lý tưởng, hội đủ mọi điều kiện tốt đẹp của thuyết phong thủy để xây thành: “Kinh Sư là nơi miền núi, miền biển họp về đứng giữa miền Nam và miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng… sông lớn giăng giăng phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi, hình thế vững chãi. Ấy là do trời sắp đặt, thật là thượng đô của nhà vua”. Triều đại của các vua nhà Nguyễn kéo dài 150 năm đã để lại cho đất nước ta một số lượng lớn công trình, bao gồm hệ thống kiến trúc cung điện, lăng tẩm, đền, miếu…, mỗi một công trình là một di tích lịch sử - nghệ thuật. Nhà Nguyễn là một triều đại có cương vực lãnh thổ rộng lớn nhất so với các triều đại trước, do đó có điều kiện huy động nguồn nhân lực khắp cả nước về xây dựng kinh đô. Bao nhiêu tinh hoa của các thế kỷ trước đã hội tụ về Phú Xuân, nơi có dòng Hương Giang thơ mộng và hữu tình, tạo nên bao đóa hoa nghệ thuật tươi thắm để làm đẹp và phong phú thêm cho vườn hoa văn hóa, nghệ thuật của dân tộc, tạo nên một vùng văn hóa đặc sắc, để rồi những đặc tính văn hóa ấy lan tỏa đi khắp cả nước. Đó là đặc trưng của mĩ thuật Nguyễn: “hội tụ và tỏa sáng”. Trên mảnh đất này, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã ra đời với những công trình kiến trúc mĩ thuật độc đáo được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

   Trong Hoàng thành Huế, một trong những cung điện được xây dựng mang tính sáng tạo cao là điện Thái Hòa với cách xử lý không gian nội thất: người ta không làm trần nửa điện ngoài vì nơi đây thường diễn ra những lễ nghi trang trọng nên cần phải có không gian cao rộng, sáng sủa. Chính ngôi nhà không có trần nhằm tận dụng hết chiều cao của kiến trúc tạo điều kiện cho các nghệ nhân thi thố tài năng chạm trổ trên các cấu kiện kiến trúc, bằng những họa tiết trang trí hay các bài thơ của chủ nhân ngôi nhà theo lối nhất thi, nhất họa. Hiện tượng ô hộc đã xuất hiện từ các thế kỷ trước nhưng ở kiến trúc cung đình Huế thì xuất hiện phổ biến hơn. Đặc điểm nổi bật ở đây là trang trí không dày đặc mà vẫn xen kẽ có những ô trống, chính vì thế mà các mảng điêu khắc trang trí trở nên tao nhã và thanh thoát hơn. Với lối kiến trúc không có xu hướng phát triển theo chiều cao mà dàn trải theo mặt bằng, để tạo khoảng không gian rộng, nên các các nghệ nhân xây dựng Huế đã chọn giải pháp kiến trúc hết sức thông minh là nhà trước nhà sau liên kết lại bằng trần thừa lưu (hay còn gọi là trần vỏ cua) uốn cong mềm mại. Mái nhà được chia ra làm hai ba mảng từ trên xuống nên không có cảm giác nặng nề, áp chế. Các “bờ nóc”, “bờ quyết”, “cổ diêm” ở bên ngoài và các cấu kiện kiến trúc bên trong được chạm trổ tỉ mỉ và tinh tế. Về cơ bản các cung điện, lầu, các không khác biệt với kiến trúc dân gian như ngôi nhà rường với những vật liệu cổ truyền là gạch, gỗ và đá. Chúng khác nhau chỉ ở quy mô sử dụng và ý niệm vương quyền được thể hiện bằng những biểu tượng trong họa tiết trang trí. Mĩ thuật trong Hoàng thành Huế là một nền mĩ thuật giàu tính trang trí. Chính vì lẽ đó, trong các thành phần nội, ngoại diện kiến trúc tràn ngập những họa tiết trang trí tinh tế, tỉ mỉ và phong phú. Đó là hệ thống những linh vật, các “kiểu thức hóa” hoa, cỏ và “bát bửu” (các món đồ quý) ẩn chứa những ước nguyện cầu hạnh phúc và phồn vinh, cầu cho muôn loài sinh sôi nảy nở.

   Đặc tính của kiến trúc Huế là không áp chế đồ sộ mà giàu tính uyển nhã, hài hòa với thiên nhiên. Nghệ thuật trang trí như là một yếu tố không thể thiếu của công trình, làm dịu đi những nét kỷ hà khô cứng. Xuất phát từ kiểu nhà truyền thống của dân tộc với thành phần kết cấu vẫn là cột, kèo, xà liên kết với nhau bằng mộng, đục… Mặt bằng kiến trúc vẫn sắp xếp theo bình đồ như hình chữ công, chữ quốc, chữ đinh hay nội công ngoại quốc. Tính chất trang trí kiến trúc cung đình Huế lộ rõ từ những thành phần trang trí hoa mĩ, rực rỡ trên những bộ khung và mái nhà. Hệ đề tài vẫn mang ý nghĩa tiêu dao, nhàn tản, chúc tụng, tự ví mình cao quý của tư tưởng Nho giáo như bộ tứ quý, bát bửu, tam đa… Hình tượng rồng với những biến thể như trúc hóa rồng, mai hóa rồng, lá hóa rùa… đã làm xuất hiện những kiểu thức trang trí mới cộng thêm kỹ thuật ghép mảnh sành, pháp lam và gốm màu khiến nhiều công trình kiến trúc trở nên phong phú và lung linh đầy sắc màu như điện Thái Hòa, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng… Suy cho cùng thì hệ thống đề tài trang trí của mĩ thuật Huế là hữu hạn nhưng khả năng biến hóa là vô hạn. Cùng một đề tài nhưng tùy vào chất liệu, vị trí trong kiến trúc mà biến đổi vô cùng phong phú. Từng tốp thợ có nguồn gốc khác nhau, có các ưu thế khác nhau về kỹ thuật thể hiện đã sáng tạo nên các đồ án trang trí rất sinh động, cộng thêm những kỹ thuật và kiểu thức trang trí ngoại nhập làm cho mĩ thuật Huế trở nên giàu có và độc đáo hơn về hình thức biểu hiện. 

   3.2. Làng nghề thủ công mĩ nghệ và các kiệt tác mĩ thuật tiêu biểu

   Một trong các yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mĩ thuật Huế là sự hình thành các làng nghề. Ngay từ thời các chúa Nguyễn, hệ thống tượng cục tập trung thợ Nam Hà đã được thành lập, đã xuất hiện nhiều làng nghề thủ công: Đốc Sơ làm giấy; Võng Trì đúc mai, rìu, búa; An Cựu dệt lụa; Phú Xuân thêu gấm, Quảng Xuyên dệt mũ mã vĩ, có Phường Đúc ở bờ Nam sông Phú Xuân đúc súng đồng, vạc, chảo… Thì đến đời các vua Nguyễn đã tập trung các thợ giỏi khắp cả nước về kinh lập ra các công xưởng với quy mô lớn hơn, tổ chức chặt chẽ hơn bằng chế độ công tượng. Nhiều thợ thủ công mãn hạn phục vụ triều đình đã chọn Huế làm quê hương thứ hai và xây dựng các làng nghề quanh Huế. “Bởi Huế là nơi gặp gỡ của đội ngũ những người thợ khéo léo khắp đất nước, là chốn hội tụ tinh hoa của cả dân tộc một thời. Những thành tựu đạt được trong trường hợp này không còn mang tính địa phương, mang chất đặc thù của những người bản bộ mà là nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong tiến trình phát triển của nghệ thuật dân tộc”3. Đúng vậy, các làng nghề tiếp tục phát triển và có thêm nhiều làng nghề mới xuất hiện xung quanh kinh thành: làng hoa giấy Thanh Tiên, làng kim hoàn Kế Môn, làng đan lát Bao La, làng gốm Phước Tích, chạm khắc Mỹ Xuyên, tranh làng Sình… Các làng nghề cổ truyền hưng thịnh lên, nhất là trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa phát triển, giao lưu với các nền văn hóa khác đã đẩy các yếu tố kỹ thuật trong nghệ thuật trang trí, tạo nên những sản phẩm hoa mĩ bởi sự tinh tế, điêu luyện đã trở thành những báu vật của mĩ thuật dân tộc. Đặc biệt, trên địa bàn Thuận Hóa có rất nhiều người Hoa vào sinh sống, đến xứ Đàng Trong với nhiều động cơ khác nhau. Họ ở lại làm ăn vì “đất lành chim đậu”. Đến thế kỷ XIX, ở Phú Xuân có trung tâm buôn bán sầm uất là chợ Bao Vinh. Ở đây, “một con đường rộng rãi, hai bên phố xá giăng liền”, “phần nhiều nhà trong phố đều lợp ngói”, “người Tàu và người Việt buôn bán rất lớn”4. Đồng thời, nhà Nguyễn cho mở nhiều phố chợ ở phía Đông Hội Thành Hà như phố Gia Hội, phố Đông Hoa (sau đổi thành Đông Ba), chợ Dinh… Những dân nhập cư này dần dần Việt hóa và hòa nhập với văn hóa, tín ngưỡng bản địa. Người Việt cũng tiếp nhận các yếu tố văn hóa, nghệ thuật mới trong sự điều chỉnh, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các nền văn hóa khác.

   Một trong những thành tựu rực rỡ của mĩ thuật thời Nguyễn là “Cửu đỉnh” – tuyệt tác của nghệ thuật đúc đồng (Hình 2). Năm Minh Mạng 16, tháng 10 năm Ất Mùi, vua Minh Mạng chỉ dụ cho nội các rằng: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương thời Tam Đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cũng đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền đời sau. Quy chế điển lễ ấy thật to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa đúc chín cái đỉnh để ở trước nhà Thế Miếu”5. Nhà vua đã truyền cho thợ giỏi vẽ kiểu, nặn mẫu cho chín cái đỉnh. Những phù điêu trên các đỉnh này như một bộ bách khoa toàn thư về phong cảnh, sản vật, động vật, thực vật, vũ khí, biển đảo khẳng định chủ quyền quốc gia… Tự thân những bức phù điêu trên các đỉnh là những tác phẩm nghệ thuật độc lập trong một tổng thể hoàn chỉnh. Những người thợ đúc đồng giỏi được triệu tập khắp cả nước về theo lệnh vua và đến làm việc tại Phường Đúc. Phường Đúc tọa lạc tại bờ Nam sông Hương, cách kinh thành Huế 3km về phía Tây Nam. Năm 1658, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đã cho lập xưởng đúc đồng ở làng Dương Xuân, lúc đầu gọi là “Trú tượng ty”, sau này gọi là Phường Đúc. Phường Đúc có năm xóm, gồm: Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Độ, Giang Đình và Giang Tiền. Nghề đúc đồng ở đây phát triển theo lối cha truyền con nối. Ông tổ khai nghiệp là Nguyễn Văn Lương, nguyên quán ở Bắc Ninh. Sau đó, ông đã gả con gái cho các họ khác và truyền nghề đúc đồng, như họ Tống, họ Lê, họ Huỳnh… nên mỗi xóm dù chỉ có mươi nóc nhà nhưng vẫn có một ngôi đình riêng, quy mô tương đương với một ngôi đình làng. Họ Nguyễn được xem là dòng họ gắn với nghề lâu nhất: 14 đời làm nghề đúc. Những bàn tay của các nghệ nhân tài hoa Phường Đúc đã làm nên những tác phẩm danh tiếng cho cố đô Huế như: Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, những chiếc vạc đồng và nghi môn trong Đại nội. Đặc biệt là chín khẩu súng thần công và chín chiếc đỉnh được coi là báu vật của nước ta, đây là những tác phẩm bằng đồng có giá trị nghệ thuật cao và được đúc với kỹ thuật điêu luyện. Có thể nói đây là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nghề đúc đồng Việt Nam hai thế kỷ trước.


Hình 2. Cửu đỉnh (Nguồn: Tác giả).

   Quả là thiếu sót lớn khi nói đến mĩ thuật Huế mà bỏ qua nghệ thuật ghép sành sứ, đặc biệt là nghệ thuật khảm sành sứ và kiệt tác khảm sành sứ ở lăng Khải Định (Hình 3). Đây là một loại hình nghệ thuật có quá trình phát triển lâu dài ở ngoài Bắc nhưng đến khi Huế trở thành Kinh đô của Việt Nam với hệ thống kinh thành, cung điện, phủ đệ và lăng, tẩm… thì phát triển mạnh mẽ. Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm cao ở Huế, việc đưa chất liệu sành sứ trang trí cho các ngoại diện kiến trúc là một sự lựa chọn thông minh. Những nóc mái, bờ quyết, đầu hồi, bình phong, cổng thành đuợc gắn những mảnh sứ có tráng men bằng vôi vữa làm cho công trình luôn rực rỡ, mặc cho sự tàn phá của thời gian và khí hậu khắc nghiệt. Trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn mô tả về kiến trúc Phú Xuân ở thế kỷ XVIII, ông đã ca ngợi: “Mái lớn nguy nga, đài cao sặc sỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc, vẽ vời khéo léo vô cùng… Tường trong, tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ hoa…”6. Do nhu cầu xây dựng kinh đô đòi hỏi những đội ngũ thợ nề khảm sành lành nghề, xóm Ngõa Tượng được thành lập (nay thuộc xã Hương Vinh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km). Vua Gia Long cho phép chọn nơi có vị trí thuận lợi cả về đường thủy, đường bộ, lại gần vùng Vân Cù - Nam Thanh – nơi có loại đất sét tốt để làm gạch ngói và đắp tượng, văn bản triều Nguyễn gọi nơi đây là “Quan Diêu Trường”, để những người thợ từ xa đến làm việc và cư ngụ. Hiện ở đây có một Nê Ngõa Tượng Đường – nơi thờ vị tổ ngành nề người họ Hoàng (Hoàng Ngọc Quốc công), trong đền có thờ một cái bay, một cái bê bằng vàng thật, cán bằng bạc. Trong các nghệ nhân khảm sành sứ phục vụ triều Nguyễn, ông Trương Văn Lập là một trong những nghệ nhân khảm sành sứ nổi tiếng với đôi bàn tay tài hoa. Ông thừa hưởng dòng máu yêu nghệ thuật khảm sành của người cha. Cha của ông được nhà Nguyễn phong hàm Bát phẩm. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ đối với nghề khảm sành sứ. Ngay từ lúc 15 tuổi, ông đã theo cha học nghề ngay tại công trình đang xây dựng. Ông học rất nhanh, một thời gian sau đã thành nghề và nổi tiếng với nghề khảm sành. Với năng khiếu bẩm sinh và những đức tính kiên trì, lòng yêu nghệ thuật, ông đã để lại nhiều tác phẩm khảm sành có giá trị. Ông được nhà Nguyễn ban cho hàm Cửu phẩm nhờ tài năng và những đóng góp cho nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế.


Hình 3. Khảm sành sứ (Nguồn: Tác giả).


Hình 4. Nghệ thuật khảm sành sứ ở lăng Khai Định (Nguồn: Tuan Dao).

   Nghệ thuật ghép sành sứ đạt đến đỉnh cao với những kiệt tác ở lăng Khải Định. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã biến những mảnh sành cứng nhắc thành các tác phẩm phù điêu với những họa tiết hoa văn mềm mại, duyên dáng. Thậm chí kỹ thuật cắt điêu luyện trên gốm sứ của người thợ thủ công đã biến hóa những chi tiết rất mảnh mai thành những khóm lan, trúc, liễu… yểu điệu và mĩ miều. Những chất kết dính cho sành sứ và làm áo cho các bức tường đuợc làm từ cát, vôi, bột giấy, mật nhựa cây bời lời, bông cẩn, nhựa dây tơ hồng được sử dụng và đã minh chứng cho sự trường tồn với thời gian của vật liệu dân gian. Có thể nói rằng lăng Khải Định chưa hẳn đã hoàn hảo nhưng nghệ thuật ghép sành sứ ở đây đã trở thành báu vật của Việt Nam và nhân loại.

   Trong quá khứ có những giai đoạn khi đánh giá về mĩ thuật thời Nguyễn còn thiếu khách quan, thậm chí bị coi là “khô cứng”, “lòe loẹt”, “lai căng”. Đó là quan điểm của những cá nhân còn định kiến về mĩ thuật thời Nguyễn và một phần của hoàn cảnh lịch sử. Ngày nay càng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về mĩ thuật thời Nguyễn nhằm trả lại vị trí xứng đáng của nó trong mĩ thuật Việt Nam. Dù muốn hay không thì mĩ thuật thời Nguyễn vẫn là bộ mặt của mĩ thuật Việt Nam từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Mĩ thuật thời Nguyễn để lại dấu ấn văn hóa của triều đại mình trên các di tích đền, miếu, đình, chùa của các triều đại trước bằng việc trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng thêm trong các di tích ấy, nhờ thế mà nhiều di tích như được tăng thêm tuổi thọ và còn tồn tại đến ngày nay. Triều Nguyễn rất tôn trọng tổ tiên, bằng chứng là chưa có một triều đại nào xây dựng bốn quần thể miếu thờ to lớn như ở trong Hoàng thành Huế. Triều đại nhà Nguyễn là triều đại có số lượng lớn di tích còn tồn tại đến ngày nay. Mỗi công trình kiến trúc mĩ thuật đều có những giá trị riêng biệt nhưng chúng hòa với thiên nhiên trong một tổng thể hoàn chỉnh để trở thành một bài ca đô thị. Nhiều tác phẩm mĩ thuật thời Nguyễn trở thành báu vật của mĩ thuật Việt Nam, làm bạn bè quốc tế phải kinh ngạc. Mĩ thuật thời Nguyễn nằm trong mạch thẩm mĩ dân tộc với cả ưu và nhược điểm của mĩ thuật trong tiến trình lịch sử văn hóa mĩ thuật Việt Nam.

   4. Kết luận

   Mĩ thuật triều đại nhà Nguyễn thực chất là mĩ thuật Việt Nam từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, dung hội nhiều yếu tố văn hóa bản địa và ngoại nhập trong tiến trình phát triển. Mĩ thuật thời Nguyễn cùng với các yếu tố truyền thống và sự chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa khác đã làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mĩ thuật thời Nguyễn trong tiến trình phát triển đã tạo ra những dấu ấn và có những nét độc đáo riêng của mình. Cái đẹp của mĩ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, từ kiến trúc, điêu khắc đến hội họa không phải là cái đẹp của quy mô đồ sộ, phô trương mà là cái đẹp của sự tinh xảo, tinh tế trong từng chi tiết nhưng vẫn “lớn lao” bởi những giá trị tinh thần. Không phải vì điều kiện kinh tế eo hẹp của triều đình Nguyễn mà Huế không có những công trình vĩ đại thách thức với “trời cao đất rộng”. Đó chính là cái đẹp của tâm lý khiêm tốn và sự hòa đồng với môi trường thiên nhiên. Từng công trình kiến trúc, mĩ thuật hài hòa với cảnh quan thơ mộng trong một tổng thể các công trình hoàn chỉnh để Huế xứng đáng trở thành một “bài thơ đô thị”. Chính vì thế mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã vinh danh Huế là Di sản văn hóa nhân loại với các giá trị nghệ thuật nổi bật.

   Việc xây dựng kinh thành Huế đã quy tụ thợ lành nghề cả nước, từ đó hình thành nên những làng nghề truyền thống làm ra các sản phẩm mĩ nghệ, thúc đẩy việc xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho nghề thủ công mĩ nghệ phát triển. Các nghệ nhân, thợ thủ công đời Nguyễn đến Huế từ mọi miền đất nước đã xây dựng nên các làng nghề. Ngày nay các nghệ nhân từ phường Đúc, xóm Ngõa Tượng, làng mộc Mỹ Xuyên… tỏa đi khắp cả nước, kế thừa truyền thống ông cha, làm nên những công trình, tác phẩm mĩ thuật độc đáo ở khắp mọi nơi trên đất nước ta. Vì thế, mĩ thuật thời Nguyễn vẫn còn có sức sống mãnh liệt và vẫn tỏa sáng cho đến tận ngày nay. Mĩ thuật thời Nguyễn vẫn nằm trong dòng chảy mĩ thuật truyền thống dân tộc, được nuôi dưỡng bằng nguồn thẩm mĩ truyền đời. Với sự đón nhận những tinh hoa mĩ thuật của thế giới để tự làm mới mình và phát triển theo quy luật tất yếu của nghệ thuật nhân loại. Mĩ thuật thời Nguyễn với những ưu và nhược điểm của mình đã trở thành một giai đoạn rực rỡ, độc đáo của mĩ thuật Việt Nam.

 

 

 

Chú thích:
1, 3 Quốc sử quán triều Nguyễn (1996), Đại Nam thực lục chính biên, tập XVII, NXB. Khoa học, tr. 18, 185.
2, 5 Trần Thanh Nam (2022): “Tìm hiểu biểu tượng mĩ thuật trên kiến trúc thời Nguyễn, suy nghĩ về việc sử dụng biểu tượng trong các công trình kiến trúc ngày nay”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, tr. 13, 171-172.
4 Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, NXB. Thuận Hóa, tr. 295.
6 Lê Quý Đôn (1964), Phủ biên tạp lục, NXB. Khoa học.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận