XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN NỀN BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM CHUYÊN NGHIỆP, HIỆN ĐẠI, NHÂN VĂN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG THỜI KỲ MỚI

Bài viết đánh giá công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với nền báo chí cách mạng nước ta – người mở đường, người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời phân tích bản chất, đặc trưng và những yêu cầu xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

   1. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh – người mở đường, người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam

   Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có những năm tháng đầy nhiệt huyết, sôi động nhưng cũng đầy gian lao, cực khổ để tìm đường đi cho mình, cao hơn là đường đi cho dân tộc. Ngày 18/6/1919, tại Paris của nước Pháp, Nguyễn Văn Ba cùng một nhóm người Việt Nam yêu nước, trong đó có Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, trong tên gọi của nhóm và cũng là tên gọi của chính Người – Nguyễn Ái Quốc, đã gửi Yêu sách của nhân dân An Nam (Revendications du peuple annamite) gồm tám điểm, bằng tiếng Pháp, tới Hội nghị Hòa bình Versailles; gửi đăng Báo L’Humanité (Nhân đạo) và thuê in 6.000 bản như là tờ truyền đơn để gửi trao tay tới nhiều cá nhân, tổ chức.

   Theo báo cáo của Trung ương Đảng Xã hội Pháp, năm 1913 có 7 người An Nam gia nhập đảng này, năm 1919 lên đến 80 người, nhưng đến năm 1920 chỉ còn 20 người An Nam là đảng viên Đảng Xã hội Pháp. Nguyễn Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng này năm 1918; đến năm 1920, trở thành sáng lập viên Đảng Cộng sản Pháp và mặc nhiên Người trở thành người cộng sản đầu tiên của nước An Nam lúc đó. Năm 1921, Người cùng một số nhà yêu nước của các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp Thuộc địa (Union intercoloniale - Association des indigènes de toutes les colonies). Năm 1922, Người cùng các đồng chí của mình ra Báo Le Paria (Người cùng khổ). Ngay bài viết cho số đầu tiên, Người khẳng định sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”. Tờ này ra được 38 số, mỗi số bán được khoảng 1.000 tới 5.000 bản, một con số khá ấn tượng lúc bấy giờ. Người cũng viết nhiều bài gửi đăng ở một số báo khác. Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp, sang Liên Xô. Ở Liên Xô, Người rất tâm đắc quan điểm của V. I. Lenin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”1, “báo chí là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung/ tập thể, người lãnh đạo chung/ tập thể”2. Người viết bài cho các báo L’Humanité (Nhân đạo), Le Paria (Người cùng khổ), La Vie Ouvrière (Đời sống công nhân), Pravda (Sự thật), Inprékor (Thư tín quốc tế), La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản)... Các bài báo tập trung nói về các vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân, nông dân, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các thuộc địa, mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa. Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô, tới Quảng Châu, lấy tên là Lý Thụy, làm phiên dịch trong phái đoàn cố vấn của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân quốc. Ở đây, Người gặp nhà cách mạng Phan Bội Châu và được ông Phan trao cho bản danh sách 14 người Việt Nam yêu nước, trong đó có một số thành viên của Tâm Tâm Xã như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ, Nguyễn Giản Thanh, Đặng Xuân Hồng, Trương Quốc Huy, Lê Cầu, Nguyễn Công Viễn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái. Năm 1925, Người lựa chọn các thành viên tích cực của Tâm Tâm Xã để đào tạo, huấn luyện, lập nên Cộng sản Đoàn, rồi dựa trên tổ chức này mà lập ra Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (còn gọi là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên). Ngày 21/6/1925, Người sáng lập Báo Thanh Niên – cơ quan ngôn luận của Hội, góp phần truyền bá chủ nghĩa Marx - Lenin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930. Nếu như các bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản ở Pháp và cả những bài của Người gửi đăng trên tờ L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp tập trung phê phán, lên án ách đô hộ và cướp bóc của chủ nghĩa đế quốc, thực dân nói chung thì các bài viết trên tờ Thanh Niên, Người chĩa thẳng mũi nhọn vào thực dân Pháp, chính sách cai trị dã man, tàn bạo của Pháp đối với các nước thuộc địa ở Đông Dương, nhất là ở Việt Nam.

   Với vai trò của một tờ báo cách mạng, Báo Thanh Niên đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, chuẩn bị chính trị, tư tưởng, tinh thần, ý thức và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mùa xuân năm 1930. Ngày 22/8/1926, Báo Thanh Niên (số 61) đăng bài chính luận của Nguyễn Ái Quốc với bút danh “Diệu Hương” khẳng định: “Chỉ có thành lập một Đảng Cộng sản theo kiểu Bonsevich của Lênin thì cách mạng nước ta mới thành công”. Tính đến ngày 14/02/1930, Thanh Niên xuất bản được 208 số báo, vừa là tài liệu học tập vừa chuyển về nước để tuyên truyền. Những năm sau đó, Người chỉ đạo, viết bài hoặc cổ vũ cho các tờ báo cách mạng như Tạp chí Đỏ (9/8/1930), Tranh đấu (15/8/1930), Dân chúng (1939)… Năm 1941, ngay khi vừa về nước, Người lập, chỉ đạo, viết bài cho các báo: Việt Nam Độc lập (1941), Cứu Quốc (01/1942), Cờ Giải phóng (10/1942)... Đó là những tờ báo cách mạng ra đời trong 20 năm vận động cách mạng (1925-1945) để giác ngộ chính trị, tư tưởng, tổ chức và huấn luyện lực lượng cho cán bộ và nhân dân, từ ít thành nhiều, từ Việt Bắc lan dần ra cả nước, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ, nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

   Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 02/1951, sau khi Báo Sự Thật ngừng xuất bản, Người chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân. Người đã viết và gửi đăng trên Báo Nhân Dân 1.206 bài với 23 bút danh khác nhau. Trong khoảng 50 năm cầm bút, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết và gửi đăng hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, sử dụng gần 200 bút danh. Đó là một con số mà ít có một nguyên thủ quốc gia nào có thể đạt tới.

   Tự hào với truyền thống vẻ vang, ý nghĩa lớn lao và sâu sắc của sự kiện Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ngày 05/02/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm chính trị, văn hóa của báo chí, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí.

   2. Xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn

   Về bản chất cách mạng của báo chí ta, trước hết, báo chí ta là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng; là một trong những công cụ sắc bén, hiệu quả để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, của chế độ; tuyên truyền chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần động viên, cổ vũ, tổ chức nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời là chiếc cầu hữu nghị nối Việt Nam với thế giới.

   Xuất phát từ vai trò, tác dụng to lớn, quan trọng của báo chí đối với đời sống xã hội, các nhà sáng lập chủ nghĩa Marx - Lenin từng chỉ rõ: Báo chí có tính giai cấp, tính đảng, tính nhân dân, tính văn hóa. Đảng cách mạng phải lãnh đạo báo chí cách mạng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo: “... Phải có lập trường chính trị vững chắc, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”3. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”4. Trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á - Phi, Người khẳng định: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”5. Người động viên, nhắc nhở những người làm báo: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”6; “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”7.

   Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, 100 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình trước vận mệnh và con đường phát triển của đất nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã dùng báo chí như là vũ khí đấu tranh, công cụ tuyên truyền, phương thức lãnh đạo cách mạng, trở thành những nhà báo, nhà lãnh đạo báo chí xuất sắc như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ, Hồng Hà, Hà Đăng, Trần Lâm, Thép Mới, Hữu Thọ, Đào Tùng, Quang Đạm, Trần Công Mân, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Thành Lê, Phan Quang, Huỳnh Văn Tiểng… Hàng trăm nhà báo đã chiến đấu, hi sinh anh dũng trong tư thế của người chiến sĩ thời chống Pháp và chống Mĩ như Nam Cao, Trần Đăng, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Hồng Nguyên, Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Trương Thị Mai, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lương Nghĩa Dũng, Nguyễn Ngọc Tứ, Trần Viết Thuyên, Phạm Minh Tước, Trương Công Nghĩa… và hàng trăm nhà báo - liệt sĩ khác.

   Những năm tháng đầy hi sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, vẻ vang đó, nhiều tác phẩm báo chí được viết, được in ấn thô sơ dưới hầm sâu, trong ngục tối, trong những điều kiện hết sức khó khăn nhưng được đông đảo đồng chí, đồng bào yêu quý, chuyền tay nhau đọc, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt về lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí, khích lệ hành động xả thân vì nghĩa lớn. Nhiều tác phẩm báo chí như hồi kèn tập hợp, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân siết chặt đội ngũ dưới cờ Đảng quang vinh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

   Về tính chuyên nghiệp của báo chí ta, cần làm rõ, hiểu rõ về khái niệm “chuyên nghiệp”. Các cuốn từ điển tiếng Việt đều ghi: chuyên nghiệp là làm chuyên sâu, có tính chuyên sâu về một nghề và có chuyên môn vững vàng về nghề đó. Ví dụ: nhà báo chuyên nghiệp, ca sĩ chuyên nghiệp, quân nhân chuyên nghiệp… Đối lập và phân biệt với chuyên nghiệp, tính chuyên nghiệp là nghiệp dư, không chuyên, làm nghề gì đó, việc gì đó thì chủ yếu là theo sở thích, cảm tính… Ví dụ: viết báo nghiệp dư, ca sĩ nghiệp dư… Ngay cả khi nhà báo được coi là chuyên nghiệp: làm ở cơ quan báo chí chuyên nghiệp, vào biên chế nhà nước, được hưởng chế độ, chính sách đầy đủ nhưng tư duy, năng lực, trình độ, phong cách hạn chế, yếu kém thì xét về bản chất, tư cách, nhà báo đó là không chuyên nghiệp.

   Trong thư gửi lớp viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng tổ chức tháng 5/1949 tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các học viên: “Muốn viết báo khá cần: 1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…”8. Người thường căn dặn các nhà báo “viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”9, nhà báo “chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta”10.

   Ngày nay, tin tức, hình ảnh, sự kiện luôn tràn ngập trên các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình và mạng xã hội. Các tòa soạn đứng trước mỗi sự kiện, vấn đề đều ứng xử cơ bản giống nhau nhưng điều làm nên sự khác biệt, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp chính là ở cách thức nắm bắt, xử lý vấn đề, sự kiện và đưa nó đến với công chúng ra sao cho nhanh chóng, chính xác, lôi cuốn, bổ ích. Một cơ quan báo chí mạnh, một nhà báo tốt phải luôn trăn trở, luôn biết làm gì, làm như thế nào để cơ quan mình, bài viết của mình không dừng lại ở mức chỉ phản ánh vấn đề, sự kiện, sự vật ở mức ở bề ngoài mà phải đi sâu phân tích, bình luận, phản biện, định hướng dư luận xã hội một cách đúng đắn, tích cực, thuyết phục. Một số chuyên gia quốc tế đã sử dụng thuật ngữ “báo chí trí tuệ”, “báo chí giải pháp” để chỉ hoạt động báo chí đạt đến độ sắc sảo, đúng đắn, hấp dẫn, nhân văn, giúp tăng cường sự hiểu biết của con người về thế giới. Chúng ta vẫn rất cần các tin bài nóng, tin độc quyền, các phóng sự điều tra. Nhưng báo chí trí tuệ, báo chí giải pháp nhấn mạnh đến việc phát hiện, nhận định, dự báo, đưa ra cách nhìn đúng đắn, có trách nhiệm, có tính định hướng về các sự kiện, vấn đề quan trọng, nóng bỏng đã, đang và sẽ diễn ra. Đó là tình hình thế giới hiện nay, những xung đột, cạnh tranh sức mạnh cả vũ khí và cả thương mại; xu thế hòa bình, hợp tác; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; bảo vệ môi trường ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Ở trong nước là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế; mặt mạnh và mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, của công nghiệp 4.0, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Đó là các vấn đề về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đâu là ưu điểm, kết quả, đâu là nhược điểm, bất cập, cách thức điều chỉnh có tính căn cốt, hệ thống, hiệu quả; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí làm sao có kết quả vững chắc; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trước yêu cầu mới; những phản biện trách nhiệm, bản lĩnh của báo chí với xã hội...

   Về tính hiện đại của báo chí ta, ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Cuộc đấu tranh về chính trị, tư tưởng thể hiện trên trận địa báo chí, truyền thông dù thời chiến hay thời bình, dù thời bao cấp hay thời thị trường luôn gay go, phức tạp; ở giai đoạn hiện nay, tính chất đó, thách thức đó còn cao hơn, gay gắt hơn so với trước. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức to lớn, gay gắt. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin (mạng internet, các website, các blog cá nhân; trí tuệ nhân tạo (AI); sự tương tác nhiều chiều trong thông tin); các trào lưu, khuynh hướng tư tưởng xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng mạnh mẽ, đa chiều. Các thế lực cơ hội, phản động, thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, báo chí, truyền thông, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” ngày càng thâm độc, nham hiểm. Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xác định ra 9 chỉ tiêu chiến lược phát triển lĩnh vực báo chí nước ta: 1. Giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí giữa khu vực thành phố, thị xã và các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, mục tiêu đến năm 2025 đạt 60%/40%; 2. Tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí thiết yếu, mục tiêu đến năm 2025 đạt 100%; 3. Tỷ lệ tăng hằng năm số lượng tin, bài mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo vệ Tổ quốc, thông tin thiết yếu, mục tiêu đến năm 2025 đạt 20%, năm sau phải cao hơn năm trước; 4. Tỷ lệ tăng hằng năm thông tin tích cực, thông tin chuyên sâu được đăng tải, lan tỏa trên báo chí, truyền thông, mục tiêu đến năm 2025 đạt 50%, năm sau phải cao hơn năm trước; 5. Tỷ lệ cơ quan báo chí tự chủ; Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ - chính trị và thông tin thiết yếu theo quy định, mục tiêu đến năm 2025 đạt 100%; 6. Tỷ lệ cơ quan báo chí hoàn thành việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, mục tiêu đến năm 2025 đạt 80%; 7. Đến năm 2025, có 10 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực quốc gia và cơ quan truyền thông đa phương tiện của địa phương; 8. Đến năm 2025 tăng 5-10% tỷ lệ mô hình báo chí điện tử thu phí nội dung so với năm 2020; 9. Đến năm 2025, tỷ lệ tạp chí được cấp phép lại, đảm bảo hoạt động đúng tính chất chuyên sâu, chuyên ngành đạt 100%.

   Về tính nhân văn của báo chí ta, đó là nền báo chí phục vụ cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tất cả vì nhân dân, vì con người. Đất nước ta và thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, sôi động cả tốc độ, chiều kích, số lượng, chất lượng, nhất là sự gia tăng áp đảo của khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Ở trong nước là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế; mặt mạnh và mặt trái của cơ chế thị trường, của toàn cầu hóa, của công nghiệp 4.0, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Đó là các vấn đề, chủ đề tuyên truyền của báo chí: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí làm sao có kết quả vững chắc; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trước yêu cầu mới; những phản biện trách nhiệm, bản lĩnh của báo chí với xã hội... Báo chí muốn hấp dẫn bạn đọc cũng phải biết hướng nội dung đến các vấn đề dân sinh, những đòi hỏi bức thiết: giá điện, giá xăng dầu, chất lượng nước sinh hoạt, chất lượng không khí, an toàn thực phẩm, an toàn thuốc, an toàn giao thông, an toàn cháy nổ, trường học thân thiện… Báo chí chỉ có thể phát triển bền vững khi thật sự được công chúng đón nhận, sống được và có thể sống khỏe bằng nguồn chi trả đàng hoàng của các doanh nghiệp, của đông đảo công chúng báo chí và các nguồn thu hợp pháp khác. Lịch sử ngành báo chí trên khắp thế giới đã chứng minh rằng độc giả sẽ trả tiền cho nội dung độc đáo, có chất lượng cao và bổ ích trên các nền tảng và phương tiện truyền thông mà họ yêu thích, họ thấy tiện lợi. Đơn cử như The New York Times từng là một tờ báo in phát triển thịnh vượng nhưng họ không dừng lại để bị tụt hậu cùng với ngành báo in mà đã phát triển mạnh mẽ bản online, đa phương tiện. Cho đến những năm gần đây, họ đã có hàng triệu thuê bao số (trả phí đọc báo online) và việc kinh doanh trực tuyến đang ngày càng mang thêm nhiều lợi nhuận cho tờ báo. Các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa nguồn thu của mình, từ quảng cáo, liên kết, tư vấn, tổ chức sự kiện, thương mại điện tử cho đến sản xuất nội dung số, làm video, audio, làm truyền thông... Tất cả những điều này phụ thuộc vào năng lực, trình độ vững vàng, sự năng động, sáng tạo của mỗi cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo.

   Chúng ta không cho phép biến sản phẩm báo chí thành một loại hàng hóa tầm thường, chỉ nhằm mục đích kiếm tiền. Nhưng chúng ta cũng ý thức sâu sắc rằng sự đón đợi của công chúng, sự tiêu dùng của công chúng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của chính các cơ quan báo chí. Không có công chúng thì hoạt động báo chí là vô nghĩa. Đến giờ đọc báo hoặc là khi cần xem, nghe nội dung cần thiết đã có trên nền tảng số, công chúng sẽ mở máy thu thanh, thu hình, điện thoại cầm tay và các phương tiện khác hay không? Đó là những câu hỏi thường trực của cơ quan báo chí và người làm báo.

 

 

 

Chú thích:
* Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
1 Đào Duy Quát (Chủ biên, 2013), Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010), NXB. Chính trị Quốc gia, tr. 46.
2 Vũ Duy Thông (Chủ biên, 2024), Mác, Ăng ghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, NXB. Chính trị Quốc gia, tr. 366.
3, 7 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB. Chính trị Quốc gia, 2001, tr. 414, 415.
4 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB. Chính trị Quốc gia, 2001, tr. 616.
5 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, NXB. Chính trị Quốc gia, 2001, tr. 441.
6 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB. Chính trị Quốc gia, 2001, tr. 131.
8 Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.
9 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB. Chính trị Quốc gia, 2001, tr. 165. 10 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, NXB. Chính trị Quốc gia, 2001, tr. 208.

Bình luận

    Chưa có bình luận