Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, một trang sử hào hùng đánh dấu chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ thống nhất đất nước. Trong sinh quyển tinh thần của một đất nước độc lập, lý luận, phê bình văn học từ năm 1975 đến nay đã có những bước phát triển nhanh chóng theo hướng đổi mới và hội nhập, thống nhất và đa dạng. Mười năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, lý luận, phê bình cả hai miền Nam - Bắc đã hòa nhập trong dòng chảy của lý luận, phê bình Marxist khởi nguồn từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước. Từ thời kỳ Đổi mới, bên cạnh lý luận, phê bình Marxist xuất hiện thêm nhiều trường phái, lý thuyết phê bình văn học như trường phái hình thức Nga, thi pháp học, tự sự học, phê bình mới, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hậu cấu trúc, phê bình phân tâm học, phê bình hậu thực dân, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái… Trong đó phê bình văn hoá học chiếm giữ một vị trí đáng kể trong nền lý luận, phê bình văn học Việt Nam. Với hệ thống lý thuyết đa dạng và phương pháp nghiên cứu hiệu quả, tiếp cận văn hóa trong lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay đã đạt được những thành tựu bước đầu trên cả lĩnh vực lý thuyết và ứng dụng.
1. Những tiền đề tác động tới nghiên cứu văn hóa trong lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay
Từ năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương do Trường Chinh soạn thảo đã xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng bên cạnh mặt trận chính trị và kinh tế. Trên hành trình lãnh đạo nhân dân chống các thế lực xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng ta đã coi trọng và phát huy cao độ sức mạnh của mặt trận văn hóa. Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986), với đường lối đổi mới toàn diện, văn hóa cũng đổi mới để phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), văn hóa mới được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các giá trị vật chất và tinh thần, là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và đòi hỏi từ thực tiễn đất nước, Đảng luôn chú trọng đến việc xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và phát triển nghiên cứu văn hóa trong văn học. Năm 2014, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa. Trong Văn kiện Đại hội XIII (2021), Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cấp thiết của việc nghiên cứu, xây dựng văn hóa và văn học trong mối quan hệ chặt chẽ: “tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”1, “chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Việt Nam”2. Đó không chỉ là những văn kiện mang tính đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, mà còn tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn chủ đề, phương pháp nghiên cứu trong lý luận, phê bình văn học.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa phải đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn từ hậu quả nặng nề của chiến tranh, nền kinh tế vốn lạc hậu, cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc Việt Nam… Tất cả tình thế nguy nan ấy đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng từ cuối thập niên 70 đến đầu giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Năm 1990, sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cùng chính sách cấm vận của Mĩ đã khiến Việt Nam rơi vào vị thế bị cô lập. Để vượt qua cuộc khủng hoảng nặng nề này, đường hướng đổi mới và chủ trương mở cửa, hội nhập được khởi động lại và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Mĩ. Tính đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, có quan hệ ngoại giao với 189 nước, có quan hệ kinh tế với 230 nước và vùng lãnh thổ. Nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa được kích hoạt kéo theo sự biến đổi xã hội ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ.
Xu hướng thế tục hóa, thương mại hóa được phản ánh trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với sự trỗi dậy của nhiều ngành công nghiệp văn hóa và văn hóa đại chúng, sự phát triển của nền kinh tế văn hóa, kinh tế tri thức. Sự thay đổi về phương thức sản xuất, phương thức giao tiếp và phương thức tiêu dùng văn hóa đã khiến bản chất của hoạt động văn học, vị trí, chức năng của văn học trong toàn bộ hoạt động văn hóa thay đổi mạnh mẽ. Trong giai đoạn trước, văn học chiếm ưu thế khi đảm nhận nhiều chức năng khác nhau như phản ánh hiện thực, tham gia chính trị, phục vụ tư tưởng cho công chúng… Vị thế này dần bị lung lay trước làn sóng văn hóa đại chúng cùng xu hướng văn hóa hình ảnh, video và phương tiện internet đang lan rộng. Văn chương đã trở thành một ngành công nghiệp khiến các thuộc tính vật chất, công nghệ và thương mại của văn học đã được tăng cường rất nhiều. Bởi vì đặc điểm nổi bật của sản xuất văn hóa, nghệ thuật ngày nay chính là tính vật chất, công nghệ, vai trò của các cơ quan truyền thông văn hóa và trung gian văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó, xu hướng thế tục hóa đề cao tính thẩm mĩ hóa cuộc sống hằng ngày, tập trung vào các hoạt động giải trí đô thị. Quan niệm thẩm mĩ này làm cho ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống ngày càng bị thu hẹp, thậm chí biến mất, hoạt động văn học đã vượt ra khỏi phạm vi văn học thuần túy và thâm nhập vào đời sống thường ngày của công chúng. Địa điểm tổ chức các hoạt động nghệ thuật cũng đã rời xa những địa điểm nghệ thuật trang nhã, cách biệt nghiêm ngặt với cuộc sống thường ngày của công chúng, để thâm nhập vào các không gian đời thường như quảng trường, trung tâm thương mại, siêu thị, công viên, đường phố… Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa cũng như sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng, chủ nghĩa tiêu dùng và công nghệ truyền thông hiện đại đã trở thành nền tảng lịch sử - xã hội, văn hóa quan trọng nhất cho sự xuất hiện của nghiên cứu văn hóa trong nền phê bình văn học Việt Nam.
Đồng thời, nhiều bộ phận, hình thức văn học khác đã xuất hiện như du ký, văn học khoa học viễn tưởng, văn học quảng cáo, văn học mạng… gây được dư luận và làm dậy sóng thị trường văn học Việt Nam. Thực tiễn sáng tác sôi động này khiến đối tượng nghiên cứu văn học phải vượt ra ngoài vòng tròn của “văn học chính thống”. So với thực tế văn hóa xã hội đang thay đổi nhanh chóng, việc cập nhật lý thuyết phê bình văn học dường như đang gặp khó khăn. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho giới phê bình cần kịp thời điều chỉnh, mở rộng đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Nghiên cứu văn hóa với những ưu điểm riêng có khả năng giải quyết được những vấn đề cấp bách này. Phê bình văn học đã chuyển từ nghiên cứu nội tại sang nghiên cứu văn hóa, phá bỏ huyền thoại về một “văn bản” duy nhất và hướng đến sáng tạo văn hóa liên ngành. Phê bình văn học sẽ vượt ra ngoài việc nghiên cứu diễn ngôn văn học và trở thành việc nghiên cứu các thực hành và lý thuyết văn hóa.
Các yếu tố trên đây đã tác động đến khuynh hướng tiếp cận văn hóa trong lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay. Sự xuất hiện của nghiên cứu văn hóa không phải là ngẫu nhiên cũng không phải là sự phát triển nội tại chỉ giới hạn trong lý luận văn học, mà nó liên quan đến thực tế văn hóa xã hội phức tạp và nhu cầu cập nhật, đổi mới trong lĩnh vực nghiên cứu văn học.
2. Tình hình tiếp cận văn hóa trong lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay
Từ sau năm 1975, mĩ học và lý luận văn học Marxist vẫn tiếp tục tác động mạnh mẽ đến tiếp cận văn hóa trong nền lý luận, phê bình Việt Nam. Văn hóa học được vận dụng ở nước ta xuất phát từ quá trình tiếp thu các nền khoa học ngữ văn của Liên Xô, Ba Lan, Séc, Hungary… Văn hóa học tập trung làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và văn học, nghiên cứu giá trị văn hóa trong văn học, nhấn mạnh đến các phương diện kiểu thức lịch sử, quá trình phát triển, hoạt động và sản xuất các văn hoá. Các công trình tiêu biểu cho hướng nghiên cứu văn hóa học như Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995) của Trần Đình Hượu, Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới (1999) của Phan Ngọc, Tính cách Việt Nam trong thơ Nôm luật Đường (2001) của Lê Chí Dũng, “Tiếp cận văn học bằng văn hóa học” (2001) của Nguyễn Văn Dân đăng trên Nghiên cứu văn học, số 11, Văn học và văn hóa, vấn đề và suy nghĩ (2002) của Nguyễn Văn Hạnh, Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa (2003) của Trần Nho Thìn, Văn chương, thẩm mĩ và văn hóa (2007) của Lê Ngọc Trà, “Giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học” (2009) của Trần Lê Bảo đăng trên Nghiên cứu Trung Quốc, số 2, Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật (2013) của Nguyễn Huệ Chi, Văn học nhìn từ văn hóa (2012) và Văn hóa - Văn chương và hành tình sáng tạo (2014) của Trần Hoài Anh, Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường - từ văn học đến văn hóa (2017) của Ngô Minh Hiền, Văn học trong những tầng sinh quyển văn hóa (2023) của Nguyễn Đăng Điệp… Văn hóa học cung cấp hệ thống tri thức và phương pháp để nghiên cứu văn học từ các yếu tố xã hội, tiền đề văn hóa góp phần hình thành nên tác phẩm văn học. Đồng thời nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa học không đơn thuần là việc dùng văn hóa để giải thích văn học mà còn nhận diện, giải mã các tư tưởng văn hóa, giá trị văn hóa trong văn học.
Một trong những đặc trưng và ưu thế của nghiên cứu văn hóa trong văn học là sự tập hợp các quan điểm chuyên ngành khác nhau nhằm phá vỡ ranh giới chuyên ngành và thúc đẩy tính liên ngành. Từ sau năm 1975, đặc biệt là sau thời kỳ Đổi mới đến nay, nhiều lý thuyết nghiên cứu, phê bình văn học trên thế giới được giới thiệu vào Việt Nam. Từ góc nhìn văn hóa, các lý thuyết như dân tộc học, chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa hậu cấu trúc, phân tâm học, chủ nghĩa hậu hiện đại… đã trở thành những công cụ phê bình đắc lực trong nghiên cứu văn học. Trước tiên là những công trình dịch thuật giới thiệu hướng tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu văn học. Sự xuất hiện của các bản dịch Sáng tác của F. Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung Cổ và Phục Hưng của Mikhail Bakhtin được Phạm Vĩnh Cư lược thuật và giới thiệu, sau đó được công bố bản dịch hoàn chỉnh vào năm 2006 do Từ Thị Loan dịch, Hoàng Ngọc Hiến hiệu đính, Nghiên cứu văn hoá lý thuyết và thực hành (2011) của Chris Barker do Đặng Tuyết Anh dịch, Ký hiệu học văn hóa (2015) của Iuri Mikhailovich Lotman do Lã Nguyên, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử biên dịch… đã tạo điều kiện cho học giả Việt Nam được tiếp cận gần gũi với những tri thức, phương pháp nghiên cứu văn hóa trên thế giới.
Từ những năm 80 của thế kỷ XX, phê bình ký hiệu học văn hóa đã được giới thiệu và ứng dụng vào Việt Nam với sự đóng góp của các nhà nghiên cứu như Hoàng Trinh với tiểu luận Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học (1979), chuyên luận Từ ký hiệu học đến thi pháp học (1992), Phan Ngọc với Tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985)… Thế nhưng, phê bình ký hiệu học văn hóa chỉ thật sự được giới nghiên cứu và độc giả quan tâm trong những năm đầu của thế kỷ XXI với hàng loạt các công trình như Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hoá (2013) của Lê Nguyên Cẩn, Nghiên cứu biểu tượng - một số hướng tiếp cận lý thuyết (2014) của Đinh Hồng Hải, Biểu tượng nhìn từ góc nhìn kí hiệu học văn hóa (2016) của Trịnh Bá Đĩnh, “Văn chương như kí hiệu đa văn hóa” (2016) của Lê Huy Bắc đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 846, Phê bình kí hiệu học - đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ (2018) của Lã Nguyên… đánh dấu sự thành công và triển vọng của hướng nghiên cứu này ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, phân tâm học từ góc nhìn văn hóa cũng được vận dụng linh hoạt vào nghiên cứu văn học, chủ yếu là tham chiếu vào các hiện tượng văn học từ vấn đề ẩn ức tính dục, phức cảm, vô thức, tâm linh cũng như các biểu tượng siêu mẫu, cổ mẫu gắn bó chặt chẽ với phong tục, tín ngưỡng, bản sắc, trong tâm thức con người, trong ký ức tập thể của các cộng đồng. Phê bình phân tâm học khẳng định được chỗ đứng của mình trong lý luận, phê bình văn học Việt Nam với các công trình nghiên cứu giới thiệu lý thuyết và ứng dụng tiêu biểu như Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (1992), Từ cái nhìn văn hoá (1999), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa (2005), Bút pháp của ham muốn (2009) của Đỗ Lai Thúy, đề tài khoa học Yếu tố phân tâm học trong truyện ngắn Việt Nam 1986-2005 (2008) của Hồ Thế Hà, Học thuyết S. Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam (2008) của Trần Thành Hà, “Thử dẫn vào nghiên cứu văn học từ góc nhìn cổ mẫu” (2012) của Nguyễn Quang Huy đăng trên Tạp chí Sông Hương, số 281/7, hai công trình Phân tâm học và văn hoá nghệ thuật (2018) giới thiệu các nghiên cứu phân tâm học của Sigmund Freud, C. G. Jung và Phân tâm học và tính cách dân tộc (2021) sưu tầm các nghiên cứu về bản tính dân tộc của Philippe Claret, Georges Devereux do Đỗ Lai Thúy biên soạn…
Phê bình sinh thái văn hóa đặt trọng tâm nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn hóa và môi trường tự nhiên trong văn chương, hướng đến cải cách văn hóa tư tưởng và xây dựng ý thức sinh thái trong các bài viết “Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa” in trong cuốn Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình và hiện tượng (2014) của Nguyễn Đăng Điệp, “Phê bình sinh thái ở Việt Nam từ góc nhìn văn hóa” (2016) của Nguyễn Thùy Trang đăng trong Kỷ yếu khoa học Thành tựu văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986-2016), “Bàn về văn hóa sinh thái văn chương” (2017) của Trần Lê Bảo trong Hội thảo Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, “Sinh thái học tinh thần và những gợi dẫn cho nghiên cứu văn chương” (2018) của Nguyễn Thị Tịnh Thy trong Hội thảo khoa học quốc tế Phê bình sinh thái – Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu… Yếu tố địa văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển của văn học cũng là một vấn đề thu hút giới học giả Việt Nam, có thể kể đến bài viết “Đặc điểm truyện cổ tích Khmer Nam Bộ tiếp cận từ lý thuyết địa – văn hoá” (2014) của Phạm Tiết Khánh đăng trên Nghiên cứu Văn học, tiểu luận “Văn học dưới góc nhìn địa – văn hoá” (2016) của Đặng Hiển, “Lý thuyết địa văn học – những phác thảo ban đầu” (2022) của Trần Khánh Thành, Nguyễn Thị Thủy Tiên đăng trên Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, số 5, Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh (2023) do Nguyễn Thị Thu Thủy và Hoàng Cẩm Giang chủ biên…
Ngoài ra, tiếp cận văn hóa đã tạo ra một bước chuyển nghiên cứu trong lý luận, phê bình văn học Việt Nam khi nhiều học giả bắt đầu quan tâm và chuyển hướng nghiên cứu sang các đối tượng như văn học mạng, văn học đại chúng, truyện trinh thám, truyện võ hiệp… Một số công trình tiêu biểu như Văn học - Người đọc - Định chế (2017) của Hoàng Phong Tuấn đã nhấn mạnh đến sự đọc đại chúng, đọc bình dân; Văn học đại chúng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại (2020) do Nguyễn Đăng Điệp chủ biên đã làm rõ bức tranh hình thành và phát triển của văn học đại chúng ở Việt Nam; Văn học mạng Việt Nam - Xu hướng sáng tạo và tiếp nhận (2021) do Trần Khánh Thành chủ biên đã trình bày một cách toàn diện, hệ thống, bao quát nhất về văn học mạng ở nước ta hiện nay… Là một lĩnh vực nghiên cứu đa dạng và sinh động, nghiên cứu văn hóa thách thức những khuôn mẫu về văn học kinh điển, giới thiệu các quan điểm liên ngành và xuyên ngành, xem xét các hiện tượng văn học trong mối quan hệ với các thể chế văn hóa, lịch sử cũng như các văn bản, thực hành văn hóa khác.
3. Những thách thức của tiếp cận văn hóa trong lý luận, phê bình văn học Việt Nam hiện nay
Tính cởi mở và thực tiễn của hướng tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu văn học đã tiếp thêm những nguồn tri thức, phương pháp mới, đưa nền lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay bắt kịp xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, với tư cách là một công cụ phê bình văn học, tiếp cận văn hóa như “con dao hai lưỡi” tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, thách thức.
Trước hết, tiếp cận văn hóa có phạm vi nghiên cứu liên ngành rộng lớn, đề cao duy nhất “yếu tố văn hóa”. Tính liên ngành, xuyên ngành của nghiên cứu văn hóa là một lợi thế được khai thác trong nghiên cứu văn học, nhưng mặt khác, bản chất của văn học có thể bị mất đi trong mạng lưới các mối quan hệ phức tạp mà tiếp cận văn hóa dệt nên. Thậm chí, phê bình văn hóa còn đánh đồng văn học với các ngành khoa học xã hội khác mà xa rời văn bản văn học, bỏ qua, lấn át các nguyên tắc thẩm mĩ của văn học. Dưới sự dẫn dắt của thị hiếu tiêu dùng đại chúng, nhiều nhà phê bình văn hóa đã đánh mất tinh thần phê bình văn học chân chính. Khi phân tích và lý giải các hiện tượng văn học, phê bình văn hóa làm xói mòn bản chất của văn học và việc đánh giá tác phẩm văn học bằng phê bình văn hóa gần như hoàn toàn trở thành phi văn học.
So với sự nhộn nhịp của hướng tiếp cận văn hóa trong các hiện tượng văn học cụ thể, việc dịch và giới thiệu nghiên cứu văn hóa vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế so với tình hình nghiên cứu sôi động và chuyển biến liên tục của nghiên cứu văn hóa trên thế giới. Hạn chế trong việc dịch một cách hệ thống về lý thuyết dễ khiến quá trình nghiên cứu ứng dụng vào các hiện tượng văn học cụ thể rơi vào tình trạng võ đoán, mất phương hướng, rời rạc và mất liên kết với lý thuyết. Bên cạnh đó là thực trạng “cưỡng bức cấy ghép” các lý thuyết văn hóa phương Tây vào thực tiễn phê bình, thực tiễn sáng tác văn học của Việt Nam. Phê bình văn hóa hiện nay thường bỏ qua những khác biệt về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa giữa phương Đông và phương Tây, xa rời nền tảng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Điều này dẫn đến sự giống nhau trong các kết luận nghiên cứu, sự tăng cường các công thức và sơ đồ hóa phê bình văn học. Chính việc sao chép các mô hình lý thuyết phương Tây đã dẫn đến hậu quả là nền văn học sống động và phức tạp có thể bị đóng khung trong những giáo điều cứng nhắc, cách tiếp cận máy móc và thô thiển.
Từ những thực tiễn và thách thức đang được đặt ra, tiếp cận văn hóa trong lý luận, phê bình văn học Việt Nam hiện nay đang đứng trước những cơ hội và tiềm năng mới. Để tiếp cận văn hóa có thể trở thành một con đường nghiên cứu hiệu quả trong nền lý luận, phê bình văn học, các học giả cần chú trọng đến cả nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng, trau dồi các kiến thức liên ngành đa dạng đồng thời am hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp cận văn hóa với tư cách là phê bình văn học cần nhấn mạnh đến tính tự chủ của văn học, nếu không có tiền đề này thì phê bình văn hóa sẽ thất bại. Tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu văn học cần lấy văn học làm đối tượng nghiên cứu trung tâm. Điều này đảm bảo mối liên hệ giữa phê bình văn hóa và lý luận văn học, giúp các hiện tượng văn học, bản chất văn học được khai thác dưới nhận thức phê bình văn hóa. Về phương pháp nghiên cứu, phê bình văn hóa cần kết hợp các phương pháp phân tích văn bản, đồng thời dựa trên các phương pháp xã hội học, dân tộc học, nhân chủng học, nghiên cứu truyền thông… Cuối cùng, mục đích của tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu văn học không chỉ xác định bản chất thẩm mĩ của văn bản mà còn là phản ánh những cơ chế văn hóa sản sinh ra văn học, các mối quan hệ văn hóa - quyền lực tiềm ẩn trong văn bản.
4. Kết luận
Tiếp cận văn hóa đã đánh dấu một bước chuyển mới trong lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay. Những biến động trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 cùng với yêu cầu đổi mới lý luận, phê bình và thực tiễn sáng tác văn học đã tạo động lực cho tiếp cận văn hóa xuất hiện và thổi vào đời sống học thuật một luồng sinh khí mới mẻ, sôi động. Việc nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng tìm hiểu các hiện tượng văn học từ góc nhìn văn hóa đã khai thác nhiều vỉa tầng văn hóa, bản sắc dân tộc và giá trị của các văn bản văn học, các hiện tượng văn hóa đương thời. Nghiên cứu văn hóa đã giúp thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa nền phê bình văn học Việt Nam, hòa bước với sự đổi mới của nền văn học nước nhà và văn học thế giới, góp phần thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng về văn hóa, văn học. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc nghiên cứu các giá trị văn hóa trong văn học là một nhiệm vụ quan trọng nhằm khẳng định bản sắc dân tộc và phát huy giá trị truyền thống của Việt Nam trên con đường quốc tế hóa.
Chú thích:
1, 2 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 143, 145.