Trong thời đại kỹ thuật số, lĩnh vực phê bình văn học, nghệ thuật nước ta đã có những thay đổi và phát triển theo chiều hướng phân cực, vừa ồn ào vừa lặng lẽ. Ồn ào trên mạng xã hội do những Facebooker (người dùng Facebook) hay YouTuber (người sáng tạo trên nền tảng YouTube) và lặng lẽ hơn trên những “diễn đàn” của các cơ quan quản lý văn hoá, văn nghệ. Mạng xã hội với tầm ảnh hưởng và tính thân thiện đã trở thành “chiến trường” cho cuộc thảo luận về văn học, nghệ thuật. Phần lớn nguyên nhân là do sự vận động của tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội trong xu thế toàn cầu hoá và sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bài viết này sẽ đi sâu vào động thái của phê bình văn học trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam và tầm ảnh hưởng của nó.
Trước hết khái niệm “phê bình mạng” được hiểu là phê bình các vấn đề về văn học, nghệ thuật diễn ra “trên mạng” internet; rồi cũng có thể hiểu đó là kiểu phê bình “liều mạng”, nghĩ gì nói nấy, không cần nền tảng lý luận; và cũng có thể hiểu là phê bình “văng mạng”, “đu” theo xu hướng (trending), bất chấp việc có thưởng thức tác phẩm hay không. Do vậy, phê bình “mạng” là một cách nói ẩn dụ nhiều nghĩa, để chỉ một lĩnh vực đời sống tinh thần vừa năng động vừa phức tạp. Nói phê bình mạng là nói đến tính chất của việc phê bình chứ không chỉ là phương tiện chuyển tải.
Phê bình truyền thống có cơ chế bình duyệt và kiểm soát qua hệ thống xuất bản nên phần lớn các tác phẩm phê bình có tính chừng mực, đảm bảo tính văn hoá trong tranh luận. Đặc điểm của tài liệu in cũng giúp cho phê bình văn học truyền thống trình bày “đến đầu đến đũa” một vấn đề, làm thấu suốt những khía cạnh khác nhau của một hiện tượng văn học, nghệ thuật một cách có cân nhắc. Ngay cả những tác phẩm phê bình có những gai góc trong quan điểm, có những cay đắng về nghề viết hay thân phận lao đao của người nghệ sĩ, có chút nào đó không hài lòng với thực trạng xã hội và công tác định hướng văn nghệ thì câu chữ cũng nằm trong sinh quyển văn hoá chứ ít hằn học hay căm giận. Còn nhớ Nguyễn Minh Châu từng viết những dòng tâm trạng thống thiết và đôi chút hờn trách nhưng đọc lại vẫn thấy nét văn hoá và độ lịch lãm: “Rồi vẫn được viết, vẫn cầm bút, vừa muốn phô diễn tư tưởng, cho miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ. Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn - nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm?”1. Từng chữ viết ra như nói nhưng thực tế là đã được nâng lên đặt xuống biết bao lần, cân nhắc thôi xao bao nhiêu bận, còn thêm sự đọc thẩm định của người biên tập, những trao đổi của bạn bè. Bao nhiêu đó cũng đủ cho cái không khí văn hoá, cân bằng và kiểm soát được những cảm giác xốc nổi. Trong đoạn văn trên từ chữ “hèn” được dùng với thái độ gay gắt ở vế đầu nhưng vế sau, nhà văn đã đã chuyển sang cụm từ “ở ẩn ngay trong tác phẩm” làm cho câu văn mềm lại, ý tưởng có đề xuất ngấm ngầm chứ không “huỵch toẹt”. Trong hệ thống phê bình ấy, người viết sẽ cân nhắc không đi vào tranh cãi hay công kích cá nhân hoặc chửi vống thế sự, suy diễn thiếu căn cứ. Chính cơ chế viết và xuất bản “hướng theo chiều sâu” đã làm cho việc phê bình có tác dụng nâng tầm văn hoá đọc.
Phê bình văn học, nghệ thuật trên mạng có cơ chế khác với phê bình văn học truyền thống. Phương tiện truyền thông xã hội (mạng xã hội) đã trở thành một thành phần thiết yếu của xã hội đương đại, với hàng tỉ người trên toàn cầu sử dụng bằng nhiều nền tảng khác nhau để giao tiếp, phổ biến thông tin và thể hiện bản thân. Mặc dù phương tiện truyền thông xã hội có rất nhiều lợi ích, bao gồm cả việc cho phép giao tiếp và cung cấp quyền truy cập vào một lượng lớn thông tin nhưng nó cũng là chủ đề gây tranh cãi và chỉ trích đáng kể. Một mặt, mạng xã hội có thể là môi trường cho người dùng tìm kiếm sự xác nhận để duy trì những định kiến và thành kiến có hại, dẫn đến những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Mặt khác, mạng xã hội ở chừng mực nào đó, đóng vai trò như một nền tảng cho những tiếng nói “bên lề xã hội”, tạo ra các kết nối và mối quan hệ, đồng thời đóng vai trò như một nguồn thông tin và giáo dục. Ngoài ra, mạng xã hội có thể thúc đẩy sự sáng tạo và thể hiện bản thân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia và hoạt động chính trị. Nhiều khi mạng xã hội lại là nơi sinh sản của thông tin sai lệch và tin tức giả, tác động tiêu cực đến quyền riêng tư và an ninh, an toàn xã hội.
Thời gian qua do sự phát triển rộng rãi và nhanh chóng của internet và mạng xã hội nên mỗi người đều có khả năng sử dụng một tài khoản xã hội của mình để bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân về tất cả các vấn đề trong cuộc sống. Có thể nói, chỉ cần đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân, người ta có thể bình luận, chia sẻ, có ý kiến về hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Từ những quan điểm cá nhân về những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, một số người đã bước sang có ý kiến về các lĩnh vực của văn học, nghệ thuật. Thời gian gần đây nổi bật lên trong các hiện tượng trao đổi trên mạng xã hội về văn học, nghệ thuật là phê bình văn học và phê bình phim.
Các mạng xã hội luôn tìm cách phát triển theo hướng để cho người dùng ngày càng tương tác nhiều hơn, duy trì sự theo dõi và “lướt” nhanh hơn. Chẳng hạn, từ tháng 7/2020, Facebook bắt đầu phát triển mục “Chủ đề hot” với mục tiêu “Khám phá các chủ đề nổi bật và phổ biến nhất trên Facebook và Instagram mỗi tháng. Khám phá chủ đề theo quốc gia, nền tảng và tháng, sau đó sử dụng các thông tin chi tiết này để tạo thông điệp phù hợp, cập nhật chiến lược theo mùa và bắt kịp văn hóa, cũng như đối tượng”. Theo cách làm này, hàng tháng, chủ đề nóng lựa chọn các đề tài thảo luận trên Facebook và Instagram có nội dung tăng ít nhất gấp đôi so với tháng trước qua. Thường là liên quan đến tin tức, sự kiện và nền tảng văn hóa, các chủ đề trò chuyện này làm tăng đột biến số lượng lớn nội dung đăng trong một tháng cụ thể. Chính nhờ cách luôn hướng về sự tương tác của khách hàng nên các công cụ mạng xã hội đã giúp người đọc kết nối với nhau “theo chiều rộng” và làm biến mất dần văn hoá đọc. Khi không đọc, đầu óc người ta hầu như ít nỗ lực để tư duy, cảm nhận hình tượng văn học. Người ta luôn lướt qua rất nhiều tin tức rồi… quên. Phê bình mạng cũng từ đó nảy sinh thực trạng “bấm” cho đã “tay” rồi quên. Chưa bao giờ người ta tiếp cận sự kiện nhanh như bây giờ và cũng nhanh chóng lãng quên như bây giờ. Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ2, khá cao so với khu vực và thế giới, tình trạng “nghiện” mạng xã hội ngày càng phổ biến. Xu hướng nêu trên cùng với nguy cơ xuống cấp về văn hoá đã làm cho phê bình mạng ngày càng “tung hoành”. Theo Hồ Sĩ Quý, hệ giá trị văn hoá Việt Nam hiện nay đang tồn tại ba hiện tượng có vấn đề, gồm: hiện tượng xuống cấp về đạo đức, tha hóa con người; hiện tượng lệch lạc về giá trị và sự giả dối được coi là bình thường; và hiện tượng suy giảm niềm tin. Tác giả đã có những nhận định đầy tỉnh táo và cân nhắc về các hiện tượng ấy: “Trong khi những giá trị lý tưởng, những giá trị kỳ vọng được nồng nhiệt đề cao, được tôn vinh có chủ ý nhằm định hướng tư tưởng và hành vi con người, thường không đạt được kết quả bao nhiêu, thì ngược lại, các giá trị ngầm định của bản thân đời sống xã hội lại âm thầm thể hiện sức mạnh của nó. Dòng chảy bản năng mãnh liệt của đời sống xã hội, nếu không được các thiết chế pháp lý đủ mạnh và nghiêm minh tạo hành lang đủ thông thoáng để vận động, thì sẽ luồn lách qua mọi kẽ hở để thỏa mãn nhu cầu chính đáng và không chính đáng của con người. Cái xấu, cái ác, cái bất hợp lý trong những trường hợp như vậy đôi khi không kiểm soát được. Thực trạng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay ít nhiều rơi vào tình trạng như vậy”3. Bối cảnh bên ngoài tác động, đạo đức xã hội có hiện tượng xuống cấp là điều kiện để cho phê bình mạng phát triển nhanh và khó kiểm soát. Trên mạng xã hội, trung bình khoảng 10 ngày sẽ có một xu hướng, lôi kéo rất nhiều người bình luận và chia sẻ. Phê bình văn học, nghệ thuật mạng cũng vì thế mà ăn theo, trở thành những “vụ việc” đình đám, những “hot trends” (xu hướng nổi cộm). Bản chất của phê bình theo “xu hướng” là qua rất mau, xu hướng sau thay thế cho xu hướng trước. Có thể kể đến những đợt phê bình xu hướng gần đây liên quan đến văn học, nghệ thuật như vụ câu hỏi văn học trong chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Một “Facebooker” viết trên trang cá nhân nhiều bài công kích, thoá mạ và thậm chí quy chụp, “mạt sát” cả sĩ phu Bắc Hà chỉ vì một chi tiết mà người ấy không xem tivi, chỉ xem báo chí viết. Sau khi có người cải chính cho Ban Tổ chức, chủ kênh Facebook ấy quay qua đổ lỗi cho phóng viên, cho tờ báo. Văn chương được tô vẽ, bình tán, tung hô một cách khá nhiệt tình nhưng cuối cùng vẫn là công kích cá nhân. Sau đó, Facebooker ấy lại tiếp tục quay sang bàn luận về một bài thơ trong sách giáo khoa Ngữ văn. Từ một bài thơ, chỉ trong vài ngày, người ta xới lên bài thơ khác và bắt đầu mổ xẻ tác phẩm theo quan điểm cá nhân, đầy hằn học. Đám đông những người sử dụng mạng xã hội lao vào bình phẩm, công kích và suy diễn việc đổi mới chương trình. Tác phẩm văn học được mang ra bình phẩm, phân tích để chứng minh chủ trương sai chứ không hẳn vì nghệ thuật. Vụ “bắt nạt”, “con chim chích choè” (tên bài thơ) vừa dịu xuống thì bùng lên vụ phim Đất rừng phương Nam. Có người chưa từng đi xem phim cũng hăm hở bình luận theo ý kiến những người khác, thậm chí là không đi xem chỉ vì phim đó của một diễn viên mà mình không thích, rồi quy chụp, rồi “lật sử” (vốn tác phẩm là tiểu thuyết). Cứ thế trung bình mươi ngày lại có một “vụ” trên mạng xã hội. Phê bình mạng cứ thế gặm nhấm những buồn, vui của người đọc, đôi khi làm giảm hứng thú thưởng thức tác phẩm phê bình văn học, nghệ thuật.
Có một quan điểm phổ biến là ở Việt Nam, người tham gia mạng xã hội thường ít tham gia vào tranh luận xây dựng, thay vào đó, thường dành nhiều thời gian để công kích cá nhân. Trên mạng xã hội, người ta thường dễ bị áp lực từ đám đông hoặc tận dụng tâm lý đám đông để trốn tránh trách nhiệm cá nhân. Hiện tượng tự nhiên chủ nghĩa phổ biến, trong đó người ta coi như không cần tôn trọng đối thủ trong tranh biện, và tha hồ sử dụng lời lẽ thô tục, công kích, thậm chí “chụp mũ” người đối thoại4. Điều này không chỉ làm tổn thương uy tín của bản thân mà còn làm mất đi tinh thần cao cả, trong sáng và hướng thượng trong tranh luận. Thay vì xây dựng lập luận logic và làm sáng tỏ vấn đề, họ thường chỉ quan tâm đến việc thể hiện cảm xúc và đánh bại đối thủ. Sự thiếu trung thực và tinh thần tranh luận xây dựng đã biến mất trong quá trình này. Trên tinh thần đó, một lời bình thơ với tâm thế phủ nhận sẽ như thế này:
“Mở đầu bằng lời kêu gọi tỏ vẻ thân thiện: “Bắt nạt là xấu lắm/ Đừng bắt nạt, bạn ơi/ Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt/”. Kêu gọi như vậy để bọn trẻ con đổ xô đến xem và nghe ngài phán. Ngài biết sẽ có đứa lểnh lảng không nghe, ngài lên giây cót vặn vẹo: “Tại sao không học hát/ Nhảy híp-hóp cho hay/ Thời gian trong một ngày/ Đâu để dành bắt nạt?”. Nghe ngài mang chuyện hát hò, híp hóp ra dụ, ắt bọn trẻ rất thích. Bởi “thời gian trong một ngày” thầy cô lấy hết bằng bắt ép học chính khóa, học thêm, rồi cả đêm làm bài tập, bây giờ được ngài cho ăn món “trái cấm” ở địa đàng hộp đêm, đứa nào chẳng thích? Hình ảnh này dở ở chỗ, ngài nhổ nước bọt vào mặt thầy cô giáo mà các nhà làm sách lại cho là hay!nhổ nước bọt vào mặt thầy cô giáo mà các nhà làm sách lại cho là hay!
Dở hơn nữa là các thầy cô nhọn mỏ ra khen bài thơ hay mà không biết ngài đang nhổ vào mặt mình! Khi học trò hỏi, cô ơi, em bị bắt học cả ngày lẫn đêm, thời gian đâu là hát hò, híp hóp thì cô nghẹn họng!”5.
Từ sự kiện đó, một số người dùng mạng xã hội đã mượn thơ để ngạo đời, chửi giáo viên, phê phán ngành giáo dục. Không chỉ có vậy, một nhà phê bình khác còn công khai thoá mạ những người biên soạn sách chỉ vì một quan điểm về môn học ở bậc phổ thông không giống mình. Ngày này qua tháng kia, họ cứ buông ra những lời công kích, xúc phạm đến các bậc cao niên thậm chí đã qua đời.
Lối phê bình mạng có đặc điểm chung là dựa trên nền tảng tư duy phân kỳ (devergent thinking), không quy về nền tảng lý luận nào mà đa trị về lý thuyết, đậm tính cá nhân, nhiều chất ngẫu hứng. Bắt được một câu thơ không hay, họ căn cứ vào đó suy diễn cho cả bài. Chỉ có một chi tiết chưa nghe rõ, thiếu bình tĩnh, thiếu kiểm chứng làm cho họ quy chụp cả chương trình. Trên không gian mạng, càng chửi thì lại càng thu hút sự chú ý, càng được chú ý thì càng thích nói. Lâu dần với số người theo dõi lớn, họ trở thành các KOLs (Key opinion leaders - những người có ảnh hưởng đối với cộng đồng ở trên mạng). Mỗi khi họ viết status, lập tức các thuật toán của mạng xã hội sẽ giúp cho họ tiếp cận đến người khác rất nhanh. Phê bình văn học trên mạng xã hội phần nhiều là ồn ào và phê phán người khác. Có một số trang phê bình nhẹ nhàng, lập luận thuyết phục thì ít ai xem.
Một trong những lời chỉ trích đáng kể nhất đối với mạng xã hội là việc tạo ra một môi trường không ngừng tìm kiếm sự xác nhận. Các trang truyền thông xã hội như Instagram, Facebook và Twitter thúc đẩy mạnh mẽ mong muốn được chấp thuận, nơi người dùng tìm kiếm lượt thích, lượt chia sẻ và bình luận. Điều này có thể khiến các cá nhân đặt giá trị bản thân dựa trên ý kiến của người khác thay vì giá trị vốn có của họ. Hơn nữa, nó có thể dẫn đến sự thiếu tính xác thực và thúc đẩy một nền văn hóa hời hợt, nơi các cá nhân ưu tiên thể hiện một hình ảnh hoặc tính cách cụ thể hơn là sống thật với chính mình (tức là đẩy vấn đề lên theo kiểu đao to búa lớn). Điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của một người, dẫn đến lo lắng hoặc trầm cảm nếu họ cảm thấy sự hiện diện trực tuyến của mình không nhận được đủ sự xác thực. Thói quen và các hiện tượng văn hoá không kịp chấn chỉnh và thay đổi sẽ kéo theo sự phát triển công nghiệp văn hoá chậm lại. Phê bình mạng đã làm doanh thu của bộ phim Đất rừng phương Nam giảm rõ rệt, nhưng sâu xa hơn, nó làm suy giảm niềm tin của người làm nghề, nó đánh tráo những giá trị ảo trên những diễn đàn, nó bỏ qua những tiếng nói trung thực, nó góp phần làm xói mòn niềm tin của người xem về cái chân, cái thiện. Giới trẻ đang lao đi theo những trào lưu trên mạng, trong đó có cả phê bình mạng. Các em học sinh không được ai định hướng, mà nếu có định hướng đúng thì lại không nhiều người nghe. Chưa bước chân vào trường đã thấy người ta nói xấu bài thơ mình sắp học trong sách giáo khoa một cách thậm tệ thì thử hỏi ý chí, nghị lực nào để tạo cho các em có động lực thưởng thức tác phẩm văn học?
Không thể phủ nhận là mạng xã hội đã tạo nên những phong trào nhân văn có tác động lớn đến con người trong cuộc đấu tranh chống cái xấu. Một ví dụ điển hình cho điều này là phong trào #MeToo, bắt nguồn từ hashtag trên mạng xã hội và cho phép mọi người từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ câu chuyện của họ về quấy rối và tấn công tình dục, từ đó bắt đầu một cuộc trò chuyện toàn cầu và khuyến khích tìm hiểu thêm về những vấn đề này. Tuy nhiên, khả năng duy trì những định kiến và thành kiến bất lợi làm cho phê bình mạng trở thành một hiện tượng cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Phương tiện truyền thông xã hội có thể phóng đại những thông điệp mang tính phân biệt đối xử hoặc chứa đầy sự căm thù và các thuật toán được sử dụng bởi các nền tảng truyền thông xã hội có khả năng củng cố những thành kiến hiện có và tạo ra “buồng phản âm” nơi các cá nhân chỉ được tiếp xúc với những ý kiến và quan điểm tương ứng với quan điểm của họ. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu đa dạng trong tư tưởng và biểu hiện của những hệ tư tưởng độc hại. Hơn nữa, mạng xã hội có thể được sử dụng làm vũ khí để bắt nạt và quấy rối trên mạng, điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần.
Không thể phủ nhận sự tồn tại và ngày càng lớn mạnh của văn học mạng, phê bình mạng trong đời sống hiện nay, nhất là sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Không giống phê bình truyền thống, phê bình mạng phần lớn là “ăn xổi ở thì”, chạy theo xu hướng, chịu sự tác động của cộng đồng hơn là khả năng tự chủ của bản thân người viết trước một vấn đề văn học. Phê bình mạng không chỉ làm tổn hại đến việc tiếp nhận, thưởng thức tác phẩm mà còn tạo ra những hiện tượng lệch giá trị của nền văn hoá Việt Nam. Giáo dục thẩm mĩ trong trường học cũng không loại trừ nhiệm vụ giáo dục giá trị công dân trong thời đại số; giáo viên ngữ văn không thể chỉ cầm sách mà còn cần phải biết làm một Facebooker để định hướng học sinh. Và đến lúc tất cả những người làm phê bình văn học, nghệ thuật cần phải đổi mới tiếp cận bạn đọc, mạnh dạn viết gọn lại, xé nhỏ vấn đề, hoà theo nhịp xu hướng để mong vớt lại những giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật trên dòng thác mạng xã hội. Muốn thế, nhà phê bình không chỉ dựa vào chuyên môn mà phải có bản lĩnh và tâm lý vững vàng khi tham gia vào phê bình mạng.
Chú thích:
1 Nguyễn Minh Châu (2002), Trang giấy trước đèn, NXB Khoa học xã hội, tr. 133.
2 Thế Kha: “Giới trẻ Việt Nam sử dụng mạng xã hội 7 giờ mỗi ngày”, Báo điện tử Dân trí, Cơ quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, https:// dantri.com.vn/xa-hoi/gioi-tre-viet-nam-su-dungmang-xa-hoi-7-gio-moi-ngay-20191105193030084. htm, truy cập ngày 07/11/2023.
3 Hồ Sĩ Quý: “Mấy vấn đề về hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay”, https://hdll.vn/vi/nghiencuu---trao-doi/may-van-de-ve-he-gia-tri-van-hoaviet-nam-hien-nay.html, ngày 06/11/2023.
4 https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-congan/Van-hoa-tranh-luan-tren-mang-xa-hoi-i497826.
5 https://www.facebook.com/Chumonglong.