Nghệ thuật là một phần quan trọng của nhân loại được tìm thấy trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bất kể nền văn hóa hay thời đại nào. Nghệ thuật cũng là một bản năng cơ bản của con người với nhiều hình thức và biểu hiện đa dạng. Một tác phẩm nghệ thuật (tạo hình) không phải là sự xuất hiện tự phát mà đó là một vật thể được tạo ra một cách có chủ ý bởi một quá trình suy nghĩ, cảm nhận và phản ứng được thực hiện bởi những cá nhân là một phần của môi trường xã hội.
Có nhiều biến số khác nhau quyết định cách đánh giá nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật như thẩm mĩ, nhận thức hay định kiến. Nghệ thuật có thể mang tính khách quan hoặc chủ quan dựa trên sở thích cá nhân cũng như sự chấp nhận của xã hội và văn hóa. Chính vì vậy, lý luận và phê bình nghệ thuật, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là hoạt động xây dựng hệ thống quan điểm như một tiêu chuẩn, quy chuẩn hay chuẩn mực nhằm xem xét, đánh giá mức độ đạt chuẩn hay lệch chuẩn sáng tạo của một tác giả thông qua tác phẩm đã, đang tồn tại trong đời sống xã hội. Kiến trúc được xem là một ngành nghệ thuật tạo hình không gian. Do đó, đối với đời sống nghệ thuật nói chung và lĩnh vực kiến trúc nói riêng, công tác lý luận,phê bình là những thành tố đồng hành, gắn bó hữu cơ, chặt chẽ với nhau, tác động tương hỗ lẫn nhau nhằm thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả, phát hiện các giá trị, quy luật, dự báo, phát hiện cái mới tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động, phát triển.
1. Lý luận, phê bình kiến trúc tại Việt Nam - một bức tranh đang dần tươi sáng kể từ ngày đất nước hòa bình và thống nhất
Kể từ khi người Pháp đào tạo các thế hệ kiến trúc sư (KTS) đầu tiên tại Trường Mỹ thuật Đông Dương trong thập niên 20 của thế kỷ XX, ngành kiến trúc và nghề kiến trúc thực hành theo các quan điểm nghệ thuật hiện đại được xem là tương đối non trẻ tại Việt Nam. Năm 1948, Chính phủ chủ trương tổ chức đại hội thành lập các hội văn hoá, văn nghệ Việt Nam. Hội KTS Việt Nam được thành lập vào ngày 27/4/1948 tại làng Thản Sơn (xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Các KTS thế hệ đầu tiên đã tổ chức thành Phòng Kiến trúc ở các Liên khu để lập đề án kiến trúc xây dựng đất nước với hai nhiệm vụ chính1:
1) Nghiên cứu và thiết lập kiến trúc để kiến thiết thôn quê và thành thị;
2) Tìm phương hướng để thực hiện dần dần công cuộc cải thiện đời sống nhân dân về phương diện kiến trúc khắp các thôn quê.
Sau năm 1975, thời điểm đất nước hòa bình và thống nhất, phần lớn KTS tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương tuổi đã cao, song bằng kinh nghiệm và sự từng trải, họ trở thành những người tiên phong, dẫn hướng cho các thế hệ KTS mới được đào tạo tại các cơ sở đại học lớn của đất nước hay được tu nghiệp, học tập ở nước ngoài trở về cùng tham gia phát triển kiến trúc nước nhà. Đây là giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh với nhiều chuyển biến quan trọng trong diện mạo kiến trúc đô thị, các thế hệ KTS mới dần tiếp cận với những thành tựu, xu hướng thực hành của kiến trúc đương đại thế giới, mặt khác có sự khai thác, kế thừa những lý luận từ kiến trúc truyền thống. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà sự phát triển của kiến trúc Việt Nam được đánh giá là vẫn còn nhiều bộn bề, xoay xở, loay hoay tìm ra một hướng đi cho riêng mình.
Kể từ chính sách Đổi mới (1986), với sự thay đổi về quan điểm tư tưởng dựa trên sự cởi mở, hòa nhập và tiếp biến nhiều hơn với thế giới, kiến trúc đã đối diện với nhiều quan điểm và xu hướng mới, ảnh hưởng từ bên ngoài, một mặt thúc đẩy tính sáng tạo, tạo nên nhiều tác phẩm mới có tính nghệ thuật, thẩm mĩ cao, thể hiện sự cập nhật những xu hướng thực hành nghệ thuật và kiến trúc đương đại, mặt khác cũng cho thấy sự “lệch chuẩn” ngày càng gia tăng khi ngày càng có nhiều quan điểm mới lạ, thậm chí là xa lạ với hệ thống lý luận nghệ thuật “truyền thống”. Từ đó, công tác lý luận và phê bình kiến trúc dần được chú ý hơn, không chỉ đánh giá những vấn đề đã diễn ra và đang tồn tại mà còn dự báo, định hướng những vấn đề sẽ xuất hiện trong tương lai.
Tại Hội nghị về công tác lý luận và phê bình kiến trúc tổ chức tại Thành phố Huế ngày 17/11/2018, một số ý kiến của các KTS nhận xét về tình hình lý luận, phê bình kiến trúc tại Việt Nam rất đáng chú ý, điển hình như: “Kiến trúc Việt Nam chưa phát triển đúng tầm của dân tộc, một phần do hoạt động lý luận và phê bình kiến trúc chưa phát triển” (KTS Nguyễn Tấn Vạn); “Lý luận và phê bình kiến trúc Việt Nam trong nhiều năm qua được đánh giá là vừa yếu, vừa thiếu. Thiếu, vì dường như rất khó nhớ tên một vài tác giả lý luận, phê bình kiến trúc thường xuyên và có uy tín cao. Yếu, vì những bài lý luận, phê bình khi xuất hiện vẫn thiếu uy lực của “món quà được chờ đợi trong lo lắng” của môi trường nghề nghiệp và cộng đồng” (KTS Nguyễn Văn Tất); “Phê bình kiến trúc thời gian qua đã né tránh, không nhìn thẳng sự thật, khen nhiều hơn chê. Như thế này thì rất đáng lo, vì thiếu phản biện, thiếu định hướng” (KTS Nguyễn Thu Phong)2… Có vẻ như công tác lý luận, phê bình kiến trúc tại Việt Nam không nhận được sự hài lòng của chính các KTS Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một điểm sáng trong công tác lý luận, phê bình kiến trúc chính là Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 25-TTg ngày 19/1/1993 và giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ 2 năm một lần nhằm tôn vinh các tác giả - tác phẩm kiến trúc xuất sắc trên toàn quốc. Đây là giải thưởng chính thống cao nhất, có uy tín lâu đời nhất về kiến trúc tại Việt Nam và được Nhà nước Việt Nam công nhận là cơ sở để xét tặng các giải thưởng cao quý khác cấp quốc gia. Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia hướng đến các mục tiêu chính: 1) Thúc đẩy sáng tạo kiến trúc; 2) Tôn vinh các tác giả, tác phẩm kiến trúc xuất sắc; 3) Góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc. Hiện nay, ngoài những giải thưởng được trao cho các thể loại công trình, tác phẩm sáng tác kiến trúc, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia còn có hạng mục Nghiên cứu - lý luận - phê bình kiến trúc trao cho các tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình kiến trúc, tạp chí chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch, tác phẩm điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình về kiến trúc với các tiêu chí rõ ràng như: 1) Có tính khoa học, cung cấp kiến thức và cập nhật các thông tin về văn hóa kiến trúc; 2) Góp phần mở rộng và nâng cao trình độ nghề nghiệp cho KTS và phổ cập kiến thức về nghệ thuật kiến trúc trong cộng đồng; 3) Cổ vũ sáng tác kiến trúc theo hướng tiến bộ; 4) Phản biện kiến trúc trên tinh thần xây dựng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kiến trúc. Việc trao tặng giải thưởng cho hạng mục này đã khích lệ nhiều tác phẩm lý luận, phê bình kiến trúc có chất lượng ra đời, xuất bản và truyền thông đến công chúng.
2. Những trăn trở vì một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại nhưng đầy bản sắc
Hiện nay, các hoạt động lý luận, phê bình kiến trúc tại Việt Nam chủ yếu được thể hiện thông qua: 1) Giới thiệu, phân tích, bình luận các tác phẩm kiến trúc cùng các tác giả - KTS thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; 2) Tuyên truyền, định hướng góp phần nâng cao nhận thức cho KTS và toàn xã hội hiểu rõ tầm quan trọng của kiến trúc và vai trò của KTS trong đời sống xã hội; 3) Tư vấn, tổ chức lấy ý kiến, phản biện xã hội nhằm tham mưu với các cấp ủy, chính quyền và cơ quan quản lý các cấp trong lĩnh vực kiến trúc; 4) Tham gia góp ý kiến cùng các hội nghề nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc nghiên cứu, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến kiến trúc.
Theo Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 thì nhiệm vụ của công tác lý luận, phê bình kiến trúc trong giai đoạn tới sẽ là: 1) Phát triển hệ thống lý luận, phê bình kiến trúc gắn lý thuyết với thực tiễn và giá trị bản sắc dân tộc, tính bản địa trong kiến trúc; 2) Đẩy mạnh phản biện xã hội thông qua phê bình kiến trúc; 3) Xây dựng bản sắc kiến trúc mới của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, từ thực tế, một số vấn đề lý luận, phê bình kiến trúc Việt Nam cần chú ý đến các vấn đề quan trọng sau đây:
2.1. Xây dựng lực lượng người làm công tác lý luận, phê bình kiến trúc chuyên nghiệp, đủ tâm và đủ tầm
Trước hết, công tác lý luận, phê bình kiến trúc nếu phân theo nhiệm vụ chức năng thuộc về trách nhiệm của các tổ chức hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam... phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực kiến trúc như các viện nghiên cứu kiến trúc, các trường đại học tham gia đào tạo ngành kiến trúc... Tuy nhiên, ở những đơn vị, tổ chức này, công tác lý luận, phê bình kiến trúc mới chỉ tập trung ở một vài chuyên gia, nhà khoa học thâm niên, có tâm huyết, có chuyên môn sâu và vững vàng. Họ là những người có tên nhưng đồng thời cũng có tuổi. Nói cách khác, lý luận, phê bình kiến trúc chưa có sức thu hút, chưa quy tụ hay tập hợp giới hành nghề kiến trúc, đặc biệt là các KTS, các nhà khoa học trẻ tuổi để trở thành đội ngũ kế cận làm công tác lý luận, phê bình.
Do đặc thù của công tác lý luận, phê bình đòi hỏi người làm lý luận, phê bình kiến trúc trước hết phải xuất phát từ sở thích, đam mê, sở trường vốn có trong nội tại mỗi con người đến năng lực, phẩm chất, tư tưởng, tư duy và phương pháp luận được đào tạo và rèn luyện theo thời gian, để từ đó mới có thể có kỹ năng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có ít người đạt được yêu cầu này bởi lý luận, phê bình kiến trúc đòi hỏi vừa nghiên cứu lý thuyết vừa hiểu biết thực tiễn, vừa có kiến thức sâu về chuyên ngành nhưng lại phải có cả kiến thức rộng về lịch sử, văn hóa, xã hội. Do đó, người sáng tác, thiết kế kiến trúc thì nhiều nhưng người làm nghiên cứu, lý luận và phê bình thì hiếm. Hơn nữa, nếu đi theo hướng thiết kế, KTS còn thu về được các giá trị kinh tế, chứ làm lý luận, phê bình thì thu nhập không đáng là bao, thậm chí chế độ đãi ngộ vẫn còn nhiều bất cập – người làm nghiên cứu, lý luận, phê bình không thể sống bằng thu nhập từ nghề.
Một thực trạng cũng cần được xem xét là có vẻ như giới báo chí làm lý luận, phê bình kiến trúc còn nhiều hơn, mạnh mẽ hơn giới kiến trúc. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, giới kiến trúc phải chờ giới báo chí lên tiếng (như một sự đảm bảo truyền thông đại chúng chính thống) rồi mới thể hiện chính kiến của mình. Các vấn đề nóng bỏng, thời sự của kiến trúc rất ít được đề cập trên các chuyên mục, diễn đàn nghiên cứu của các tạp chí chuyên ngành. Thế nên đội ngũ lý luận, phê bình kiến trúc cũng cần có tư duy nhạy cảm hay thái độ dũng cảm trong dự báo, nhận biết kịp thời các vấn đề xã hội nói chung và các vấn đề kiến trúc nói riêng.
2.2. Sự xuất hiện ngày càng nhiều công trình lý luận, phê bình kiến trúc phi chính thống bởi xu hướng xã hội thông tin
Lý luận, phê bình kiến trúc chính thống tuy vẫn là xương sống của công tác lý luận, phê bình kiến trúc hiện nay nhưng trong thời gian gần đây, với sự phát triển của truyền thông, internet và mạng xã hội, lý luận, phê bình kiến trúc phi chính thống lại đang nổi lên như một kênh thông tin tham khảo mới cho xã hội.
Ngược lại, bức tranh lý luận, phê bình kiến trúc chính thống với những gam màu chưa đủ tạo nên ấn tượng, thiếu những phê bình sắc sảo, thấu đáo, trực diện các vấn đề thì lý luận, phê bình kiến trúc phi chính thống lại cho thấy một sự nhộn nhịp, sôi động, thậm chí là rất kịp thời cập nhật những vấn đề, sự kiện kiến trúc trong và ngoài nước thông qua sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội. Việc bày tỏ ý kiến dưới hình thức vô danh, ẩn danh (có khi hữu danh nhưng việc định danh lại không rõ ràng, đôi khi chỉ là tên account do người sử dụng tự đặt ra) nên việc thể hiện chủ kiến cá nhân rất mạnh mẽ, không nể nang. Điều này, một mặt, mang lại không khí quyết liệt, rõ ràng để mọi người cùng nhau thảo luận tìm ra “chân lý”, mặt khác, những vấn đề có thể rất đơn giản nhưng lại được nghiêm trọng hóa nhằm thu hút người xem hay người bình luận.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tất cả các công trình lý luận, phê bình kiến trúc phi chính thống đều không có giá trị. Thực tế cho thấy một số chuyên gia kiến trúc có uy tín lại chọn cách thức này để đưa ra những chính kiến của mình một cách kịp thời. Mặc dù phi chính thống với tư cách cá nhân nhưng trong trường hợp này, người phê bình thường để hữu danh và tự chịu trách nhiệm về những gì họ phê bình mà không qua một cơ quan ngôn luận chính thống. Chất lượng một số bài phê bình này tốt và có tính thuyết phục cao, có thể chuyển thành những bài phê bình chính thống hoặc tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực khi có thể kết nối trực tiếp tác giả, tác phẩm với nhà phê bình và sau nữa là nối kết các tác giả, tác phẩm với dư luận xã hội dựa trên những phản hồi kịp thời từ các phía.
2.3. Khỏa lấp chênh lệch khoảng cách trong công tác lý luận, phê bình kiến trúc tại các địa phương
Một điểm hạn chế nữa của công tác lý luận, phê bình kiến trúc hiện nay là chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... do những đô thị này có nhiều vấn đề về kiến trúc đô thị. Mặt khác, các đô thị lớn cũng là nơi tập trung các chuyên gia, những nhà phê bình kiến trúc làm việc trong các cơ quan giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học hay quản lý chuyên ngành nên không khí thảo luận, trao đổi sôi động, trong khi đó, tình hình lý luận, phê bình kiến trúc tại các địa phương lại “ảm đạm” hơn nhiều. Hầu như không có những bài phê bình có chất lượng và nêu ra được những vấn đề kiến trúc đô thị tại các địa phương, đặc biệt là những bài mang tính nhìn thẳng, nhìn thật vào chất lượng, phong cách hay xu hướng thực hành kiến trúc; trong khi đó, chúng ta vẫn biết rằng kiến trúc ở các địa phương hiện nay đang phát triển một cách tự do, tự phát, thậm chí du nhập những kiến trúc trưởng giả, xa lạ, kệch cỡm. Có thể thấy, các công trình lý luận, phê bình kiến trúc tại các địa phương mới chỉ dừng ở cấp độ thấp, nặng về phần mô tả thực trạng nhiều hơn là những phân tích, đánh giá thể hiện chính kiến của người phê bình.
Lực lượng chuyên môn tại các địa phương chủ yếu làm các công việc thiết kế, thực hành kiến trúc nên hầu như rất ít chuyên gia làm công tác lý luận, phê bình, nếu có thì công việc lý luận, phê bình chỉ là “làm thêm” theo yêu cầu của đơn vị công tác hay được đặt hàng theo các sự kiện của địa phương khiến chất lượng phê bình chưa thực sự chuyên nghiệp. Mặt khác, tại các địa phương, rất nhiều công trình, dự án, đồ án kiến trúc cần phải được phân tích, đánh giá kỹ càng và chuyên sâu thì nếu không mời được các chuyên gia từ trung ương về, bản thân địa phương cũng không có nhiều chuyên gia đủ năng lực chuyên môn hay kinh nghiệm thực tiễn trong thiết kế sáng tác nên có thể dẫn đến những định hướng không chuẩn mực, chỉ đến khi “việc đã rồi”, nghĩa là xây dựng xong mới thấy rõ nhiều bất cập, lãng phí. Điều đáng nói là kiến trúc không như các ngành nghệ thuật khác, khi để xảy ra tình trạng tác phẩm cần rất nhiều vật lực nhưng bất hợp lý trong việc sử dụng, để sửa chữa, khắc phục cũng cần nhiều vật lực không kém.
3. Kết luận
Nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày đất nước hòa bình và thống nhất, diện mạo Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, làn sóng đổi mới đã mang đến cho nước ta những cơ hội phát triển. Kiến trúc được xem là một trong những lĩnh vực phản ánh rõ nhất những thành quả với việc xây dựng hàng loạt công trình kiến trúc, các khu đô thị quy mô và tầm cỡ là những biểu tượng mới minh chứng cho sự phát triển của đất nước. Nhiều lý luận, xu hướng phát triển đô thị, kiến trúc, công nghệ và vật liệu xây dựng mới, tiến bộ của thế giới đã được du nhập giúp kiến trúc Việt Nam dần hiện đại hơn, kết nối với thế giới, vươn đến các tầm cao mới.
Trong bối cảnh đấy, để các tác phẩm kiến trúc ngày càng có giá trị, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, rõ ràng là cần phải có các lý luận kiến trúc làm nền tảng. Mặt khác, để cộng đồng đánh giá và hiểu đúng các giá trị của tác phẩm và để tác giả không ngừng đổi mới, sáng tạo thì cần phải có phê bình kiến trúc. Phê bình tuy không phải là ngọn đèn soi đường cho sáng tác, sáng tạo nhưng nó là đèn tín hiệu báo nguy giúp chúng ta tránh những sai trái, thiếu sót, khiếm khuyết trong các sáng tác, sáng tạo đó. Nếu làm tốt công tác lý luận, phê bình thì sẽ có hiệu quả tích cực đối với hoạt động sáng tác, sáng tạo trong kiến trúc và nhận thức của những người thụ hưởng, góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mĩ và văn hóa cho công chúng.
Chú thích:
1 Đ. Đ. Thành (2013): “65 năm nhìn lại - Hội KTS Việt Nam với những công trình dấu ấn qua năm tháng (P1)”, https://www.tapchikientruc.com.vn/ chuyen-muc/65-nam-nhin-lai-hoi-kts-viet-namvoi-nhung-cong-trinh-dau-an-qua-nam-thang.html.
2 Theo https://www.tapchikientruc.com.vn/tintuc/gap-go-mua-thu-2018-hoi-nghi-ly-luan-vaphe-binh-kien-truc-o-viet-nam.html.