Từ những năm 20 của thế kỷ XX, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, phương pháp liên ngành đã được khởi xướng và vận dụng. Cho đến nay, đây vẫn là phương pháp được vận dụng hiệu quả. Nghiên cứu theo hướng liên ngành trong văn học hướng đến thiết lập mối quan hệ qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau giữa văn học và các ngành khoa học khác về phương pháp, quy trình nghiên cứu với đích đến cuối cùng là đưa ra cái nhìn sâu sắc, kiến giải đa chiều, thuyết phục về văn bản văn học.
Ở Việt Nam, từ năm 1942, trong cuốn chuyên khảo Nguyễn Du và “Truyện Kiều”, Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa đã bắt đầu đặt ra vấn đề phải vận dụng các lý thuyết của các bộ môn khoa học như tâm lý học, di truyền học, xã hội học vào phê bình văn chương. Vì thế, ông cho rằng để hiểu Nguyễn Du cần hiểu yếu tố huyết thống và địa phương tính (Bắc Ninh, Nghệ Tĩnh) trong tiềm thức của một Nho gia. Nguyễn Bách Khoa đã bước đầu vận dụng cả phân tâm học vào phân tích Truyện Kiều. Ông đánh giá Kim Trọng là đa cảm, đa tình, cả quyết; Từ Hải là một ước mơ “làm một vị anh hùng trong tưởng tượng”; còn Thuý Kiều là sự “tố cáo” mâu thuẫn chủ yếu trong tâm tính của Nguyễn Du.
Tiếp cận liên ngành ngày càng mở ra theo nghiều hướng khác nhau.
Thứ nhất, có thể tiếp cận liên ngành thể hiện qua việc vận dụng phương pháp so sánh. Văn học so sánh là một bộ môn văn học sử nằm giữa văn học sử dân tộc và văn học sử thế giới. Trong nghiên cứu văn học, người nghiên cứu có thể so sánh hiện tượng văn học với hiện tượng cùng loại, so sánh với các hiện tượng đối lập để làm nổi bật bản chất của hiện tượng được đem ra so sánh và xác định được vị trí của hiện tượng trong một hệ thống và đánh giá được ý nghĩa của nó trong hệ thống đó. Ba đối tượng của văn học so sánh chính là các mối quan hệ trực tiếp, các điểm tương đồng ngoài quan hệ trực tiếp và các điểm khác biệt độc lập. Từ đầu thế kỷ XX, trên Nam Phong tạp chí, các nghiên cứu so sánh đã được thực hiện, chẳng hạn Thiếu Sơn so sánh Người vợ hiền của Nguyễn Thời Xuyên với Một người đàn bà đức hạnh của Henry Bordeaux, so sánh Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật với Những cuộc phiêu lưu của Teleemaque của Rénelon. Hiện nay, hướng nghiên cứu so sánh đang rất phổ biến trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam. Công trình mới nhất tập hợp các bài viết về cả lý thuyết và ứng dụng lý thuyết so sánh theo hướng tiếp cận liên ngành chính là Vượt qua những ranh giới của văn chương: Văn học so sánh và hướng tiếp cận liên ngành (do Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện, NXB Văn hoá - Văn nghệ, 2019). Trong cuốn sách này, một số tác phẩm của văn học Việt Nam các giai đoạn đã được khám phá trong cái nhìn so sánh với các tác phẩm của các nền văn học khác theo các hướng so sánh liên ngành như nhân học văn hoá, xã hội học. Chẳng hạn như: “Triết lý Tarot và Truyện Kiều: Từ ngây thơ đến thế giới” của Nhật Chiêu, “Ý thức về những cơ chế văn hoá xác lập địa vị hạng hai của nữ giới trong văn xuôi Dạ Ngân và Thiết Ngưng (từ góc nhìn nhân học văn hoá)” của Hồ Khánh Vân… Năm 2021, trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7, kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Dostoevsky, một số bài viết so sánh các tác phẩm văn học Việt Nam với tác phẩm của Dostoevsky theo hướng nhận diện sự ảnh hưởng và sáng tạo cũng đã được công bố, trong đó có bài “Dostoevsky và cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp” của Đỗ Hải Phong, “Lỗ Tấn tiếp nhận Dostoevsky theo hướng “biến dị học”” của Trần Lê Bảo…
Thứ hai, phương pháp mĩ học cũng là một phương pháp được vận dụng trong các công trình nghiên cứu văn học theo hướng liên ngành. Các nhà nghiên cứu đã dùng các phạm trù mĩ học cơ bản như cái đẹp, cái xấu, cái siêu phàm, cái thấp hèn, cái bi, cái hài, cái kịch tính để đánh giá hiện tượng văn học, xác định và phân loại hiện tượng văn học, từ đó rút ra những đặc điểm nghệ thuật mang tính đặc thù lịch sử của hiện tượng văn học đó. Chu Văn Sơn, trong bài viết “Cái đẹp nổi loạn trong Chữ người tử tù”, đã dùng bậc thang thẩm định giá trị thẩm mĩ để soi tỏ vẻ đẹp độc đáo của tình huống truyện, nhân vật Huấn Cao và quản ngục, cảnh cho chữ… Kết hợp cả góc độ mĩ học và thị hiếu thẩm mĩ, Vũ Thị Thu Hà, trong chuyên khảo Thị hiếu thẩm mĩ công chúng văn học Việt Nam đương đại (NXB Văn học, 2021), đã khảo sát, đánh giá sự thay đổi của thị hiếu thẩm mĩ độc giả từ sau Đổi mới để từ đó nhìn lại sự vận động, đổi mới của văn học Việt Nam đương đại.
Thứ ba, trong tiếp cận liên ngành, các nhà nghiên cứu vẫn thường sử dụng phương pháp loại hình học và tiếp cận hệ thống. Theo phương pháp này, các nhà nghiên cứu phân loại các sự vật để xác định vị trí, ý nghĩa của nó trong một hệ thống, đồng thời nhận dạng cấu trúc đó. Những công trình tiêu biểu nhất cho nghiên cứu loại hình học trong văn học Việt Nam chính là cuốn sách của Đinh Gia Khánh: Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện “Tấm Cám” (NXB Văn học, 1968) và chuyên khảo của Trần Ngọc Vương: Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam (Loại hình học tác giả văn học) (NXB Giáo dục, 1995).
Thứ tư, thi pháp học cũng cần được kể đến như là một phương pháp nằm trong hướng tiếp cận liên ngành. Thi pháp là tổ hợp những đặc tính thẩm mĩ - nghệ thuật và phong cách của một hiện tượng văn học, là cấu trúc bên trong của nó, là đặc trưng của các thành tố nghệ thuật và mối quan hệ giữa chúng. Nghiên cứu thi pháp văn học hướng đến làm rõ bản chất nghệ thuật của tác phẩm, xem xét tác phẩm như một chỉnh thể thống nhất giữa các thành tố và cấp độ nghệ thuật. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Phan Ngọc đã bắt đầu quan tâm đến thi pháp học. Đến năm 1985, ông công bố chuyên khảo Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” (NXB Khoa học xã hội) và năm 1990, ông in cuốn Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học (NXB Trẻ) như hai công trình áp dụng thi pháp học vào nghiên cứu văn học Việt Nam. Năm 1985, Nguyễn Phan Cảnh công bố cuốn Ngôn ngữ thơ tập trung vào cấu trúc ngôn ngữ của thể loại thơ. Hoàng Trinh với Đối thoại văn học (NXB Hà Nội, 1986), “Thi pháp học và thế giới vi mô của tác phẩm văn học” (Tạp chí Văn học, số 5/1991), “Những bài hát ru con dưới góc độ ký hiệu học” (Tạp chí Văn học, số 2/1995), Từ ký hiệu học đến thi pháp học (NXB Khoa học xã hội, 1992); Đỗ Đức Hiểu với Đổi mới phê bình văn học (NXB Khoa học xã hội, 1993), Thi pháp hiện đại (NXB Hội Nhà văn, 2000), Đổi mới đọc và bình văn (NXB Hội Nhà văn, 1998) đã chuyển dần từ thi pháp học cấu trúc sang ký hiệu học và phong cách học. Lý thuyết thi pháp học lịch sử được Trần Đình Sử khai thác và vận dụng hiệu quả trong các công trình như: Thi pháp thơ Tố Hữu (1985-1987), Thi pháp “Truyện Kiều” (1981-2002), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1998). Ngoài ra còn phải kể đến nhiều công trình quan trọng ứng dụng thi pháp học vào nghiên cứu văn học Việt Nam, chẳng hạn như: Thi pháp ca dao (Nguyễn Xuân Kính, 1993, 2004, 2006), Quan niệm con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn (Lê Dục Tú, 1997), Thơ trữ tình Việt Nam 1975-1990 (Lê Lưu Oanh, 1998), Con người trong truyện ngắn Việt Nam 1945-1975 (Phùng Ngọc Kiếm, 1998), Những thế giới nghệ thuật ca dao (Phạm Thu Yến, 1998), Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam 1945-1995 (Vũ Văn Sĩ, 1999), Thi pháp văn học dân gian (Lê Trường Phát, 2000), Thi pháp hoàn cảnh trong tác phẩm của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao (Phạm Mạnh Hùng, 2001), Giọng điệu trong thơ trữ tình (Nguyễn Đăng Điệp, 2002), Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu (Lê Quang Hưng, 2002), Thi pháp thơ Huy Cận (Trần Khánh Thành, 2002), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (Hồ Thế Hà, 2004)… Hiện nay thi pháp học vẫn còn được vận dụng trong nghiên cứu văn học Việt Nam, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có xu hướng vận dụng kết hợp thi pháp học với một số phương pháp khác để không chỉ đề cập đến hình thức nghệ thuật mà còn kết nối nhuần nhuyễn hình thức và nội dung, nhìn tác phẩm văn học trong sự phức tạp của cấu trúc nghệ thuật và ngữ nghĩa, chẳng hạn kết hợp thi pháp học và trần thuật học, ký hiệu học văn hoá, thông diễn học…
Cuối cùng, nói đến tiếp cận liên ngành không thể không nói đến phương pháp tiếp cận văn hoá học. Văn học là một bộ phận của văn hoá, là một hình thức quan trọng biểu đạt, lưu giữ các đặc trưng văn hoá và sáng tạo, làm phong phú thêm các giá trị văn hoá. Tiếp cận văn hoá học trong văn học quan tâm tới quan niệm về xã hội và các kiểu hình tượng trong văn học, quan hệ của con người với thiên nhiên và các hình tượng thiên nhiên, quan niệm về con người gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Người khởi đầu cho việc ứng dụng văn hoá học vào nghiên cứu văn học là Trương Tửu với cuốn Kinh thi Việt Nam năm 1940. Trong cuốn sách này, ông đã đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa văn hoá và văn học. Nhưng phương pháp tiếp cận văn học từ văn hoá thực sự được vận dụng rõ nét và có hiệu quả bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Có thể kể ra một số công trình tiêu biểu nghiên cứu văn học Việt Nam theo hướng văn hoá học như: Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (Trần Đình Hượu, 1995), Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam (Trần Ngọc Vương, 1995), Văn học Việt Nam: Dòng riêng giữa nguồn chung (Trần Ngọc Vương, 1997), Bản sắc dân tộc trong văn học Thiền Tông thời Lý - Trần (Nguyễn Công Lý, 1998), Từ cái nhìn văn hóa (Đỗ Lai Thúy, 1999), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa (Trần Nho Thìn, 2003), Mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học và văn hóa học (Nguyễn Văn Hiệu, 2006), Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học (Nguyễn Bá Thành, 2006), Văn hóa như là nguồn mạch sáng tạo và khám phá văn chương (Nguyễn Văn Hạnh, 2007), Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” (Trần Thị An, 2007), Quan hệ văn hóa và văn học từ cái nhìn hệ thống (Đỗ Lai Thúy, 2007), Quan hệ văn chương và văn hóa ở Việt Nam (Phan Ngọc, 2011), Giá trị văn hóa của văn học Việt Nam (Trần Đình Sử, 2017), Tự sự của trinh tiết: nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X-XIX (Phạm Văn Hưng, 2016), Văn hoá tính dục ở Việt Nam thế kỷ X- XIX (Phạm Văn Hưng, 2018)… Ở các công trình này, các nhà nghiên cứu đã kiến giải chiều sâu ngữ nghĩa của văn bản văn học từ cái nhìn và sự phân tích sâu sắc các phương diện, yếu tố làm nên văn hoá Việt và sự hiện diện, chi phối ngầm ẩn tinh tế của văn hoá đối với văn học.